Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Hồi Ký Lý Quang Diệu – Tập 1

Chương 22: Tiếng Bom Của Tunku Về Việc Hợp Nhất

Tác giả: Lý Quang Diệu
Thể loại: Hồi Ký - Tuỳ Bút
Chọn tập

Cuộc xung đột giữa chúng tôi với những người cộng sản đang tới hồi căng thẳng, trong khi ở chuyện hợp nhất với Malaya chúng tôi lại hoàn toàn chẳng đạt được một tiến bộ nào cả. Thái độ của Tunku đối với Singapore thật đáng nản, và ông ta luôn tránh né, tảng lờ trước bất kỳ đề nghị hợp nhất nào. Ông nhất quyết không chịu hợp nhất dù là dưới bất kỳ hoàn cảnh nào, và ông đã tận dụng mọi cơ hội, riêng tư hay trước công chúng, để nói rõ điều này. Vào tháng 5/1960, ông phát biểu trước sinh viên Malay tại London rằng suy nghĩ chính trị, cũng như cơ cấu chủng tộc, tại Singapore đều khác hẳn với Malay. Cho nên việc có thêm 1,3 triệu dân Hoa trên hòn đảo này sẽ chỉ gây hỗn độn cho người Malay và phá vỡ bầu không khí bình yên của đất nước. “Nhiều người Hán học và những di dân mới đến xứ này,” ông nói, “sẽ luôn luôn trung thành với Trung Quốc và họ chẳng mấy có tâm hồn hướng về Malay.”

Nhận định của ông đúng là nhận định của một Tunku. Quả là thẳng thắn. Trong một chương trình truyền thanh hồi tháng 6/1960, khi được hỏi triển vọng hợp nhất ra sao, tôi đã quyết định dập tắt các kỳ vọng bằng cách cho rằng điều đó sẽ không thể xảy ra trong tương lai gần được. Tôi đã trả lời rằng Liên bang rất muốn giữ nguyên cán cân chủng tộc của mình, và họ e rằng có quá nhiều người Hoa Singapore thiện cảm với cộng sản; do đó, bổn phận của chúng ta là phải cho thấy một cách cụ thể rằng chúng ta đích thực trung thành với Malay.

Điều đặc biệt đáng lo là việc Tunku dửng dưng trước sự tổn thương mà ông ta đã gây ra cho tình cảm của dân chúng Singapore bằng cách dội nước lạnh vào các hy vọng của chúng tôi. Mỗi lần ông ta làm như vậy, báo chí đều có đăng tải thật rõ ràng, và điều này có nghĩa là ông ta đang củng cố niềm tin cho những người chủ trương cho Singapore được độc lập trong tách biệt. Vào tháng 10/1960, ngay cả Lim Yew Hock và Liên minh Nhân dân Singapore cũng đều công khai ủng hộ việc thành lập Singapore như một quốc gia có chủ quyền trước đã, còn chuyện hợp nhất với Malaya thì để lại sau này hẵng hay. Nhưng như tôi đã nhấn mạnh với Selkirk, điều này thậm vô lý. Một Singapore độc lập dưới sự kiểm soát của cộng sản sẽ chiến đấu tới cùng trước khi buông xuôi chủ quyền của mình cho Liên bang.

Selkirk, con trai thứ của một công tước Scotland, người cao, hơi lom khom và trông dáng đúng là một nhà quý tộc. Ông có mái tóc hoa râm, gương mặt xương xẩu, thường có vẻ như cau có, và có thói quen lơ đãng, khi đang ngẫm nghĩ vấn đề gì thì ông như đang nghịch với hàm răng của mình, nhất là với một trong những chiếc răng trên, bằng cách dùng lưỡi búng vào nó. Ông không phải là người có đầu óc mạnh, nhưng có một sự hiểu biết xã hội sâu sắc và vẻ quyến rũ của một nhà quý tộc khiến kẻ dưới phải an tâm. Ông hiểu chuyện và chúng tôi ăn ý với nhau; nhưng người phó của ông, Philip Moore, hẳn có lúc đã hiểu sự nôn nóng của tôi, và ông ta đã nghi ngờ rằng tôi chẳng coi ông có kí lô nào. Do đó, để nhấn mạnh tầm quan trọng của mình, ông ta cứ nhắc đi nhắc lại với tôi rằng Selkirk đã từng là một Bộ trưởng trong nội các và vẫn còn trực tiếp tiếp xúc với Thủ tướng.

Ba tháng sau, ngài Geofroy Tory, cao ủy Anh tại Malaya, nói cho tôi biết Tunku đã nói riêng với ông là ông ta thấy rất phiền hà mỗi khi tôi, hay bất kỳ phát ngôn nhân Singapore nào khác, tuyên bố trước công chúng rằng hợp nhất là một chuyện có thể có. Bởi lẽ nó tạo lợi thế và khuyến khích các địch thủ của ông, những người xã hội chủ nghĩa, chủ yếu là người Hoa, những kẻ đang khao khát cái ngày họ có thể liên minh lực lượng được với PAP ngoài đảo. Mặt khác, điều đó có khuynh hướng gây căng thẳng cho quan hệ của ông với phe quốc gia Malay, vì rằng bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy chính phủ Liên hiệp đang suy nghĩ nghiêm túc ý kiến quan hệ hữu nghị với Singapore theo kiểu nào đó cũng đều dễ làm tăng nỗi lo sợ của họ là đường lối của ông ta sẽ cho phép người Hoa tràn vào và đè bẹp người Malay. Cho dù có nỗ lực nào đi chăng nữa thì Tunku, Razak và Ismail cũng sẽ không ngồi xuống và thảo luận nghiêm túc với tôi về tương lai lâu dài của Singapore và Malaya. Họ không muốn nghi tới những hậu quả khủng khiếp cho Malaya nếu như Singapore độc lập và nằm dưới sự kiểm soát của cộng sản.

Cuối cùng – để cho tôi vẫn còn có hy vọng, theo tôi nghĩ – người Anh đã khuyến khích tôi đưa ra một công thức rộng hơn, một thiết kế lớn hơn về một liên bang mà sẽ không chỉ bao gồm Singapore mà còn cả ba lãnh thổ bảo hộ khác trên đảo Borneo (đó là Bắc Borneo, Brunei và Sarawak), như vậy bài toán chủng tộc sẽ không gây đảo lộn cho khả năng đa số của người Malay. Selkirk và Moore khuyên tôi nên soạn ra một văn kiện, không phải gửi cho Tunku, nhân vật luôn bực bội với chuyện này, mà cho Razak. Tôi nghĩ chắc là, thông qua Geofroy Tory, họ đã thuyết phục được Razak xem xét quan điểm ấy, và tôi đã soạn ra văn kiện đó vào đầu tháng 5/1961 và trao nó cho Ismail để trình lên ông ta. Thật vậy, người Anh đã làm việc kỹ với ông ta với sự hỗ trợ của Robert Thompson, một viên chức Dân sự vụ Malay, ủy viên quốc phòng của Malay và từng làm việc gần gũi với Razak.

Nhưng người đã đề cập thẳng chuyện này với Tunku là Duncan Sandys, Bộ trưởng Ngoại giao phụ trách quan hệ của Khối Thịnh vượng chung. Ông đến Singapore vào tháng 1/1961, trên đường đến Malaya, để báo với cả hai chính phủ rằng nước Anh đang sắp đệ đơn gia nhập khối Thị trường chung Châu Âu. Tôi đã nhân cơ hội này để giải thích cho ông hiểu rõ mối nguy hiểm đang đặt ra trước mắt chúng tôi nếu như không có cuộc hợp nhất vào năm 1963, thời điểm của những đàm phán về hiến pháp – một Singapore theo cộng sản sẽ là một kết quả không thể nào tránh khỏi. Tôi hẳn đã tác động được ông ta. Moore đã nói với tôi sau đó rằng Sandys nói là ông ta chưa từng gặp một nhà lãnh đạo đương quyền nào lại thiết tha với chuyện trao quyền của mình cho một trung tâm quyền lực khác đến như vậy. Các tài liệu lưu trữ Anh cho thấy rằng Sandys đã nói chuyện với Tunku, và Selkirk thuật lại rằng Sandys có kể với ông là cuộc nói chuyện thật thuận buồm xuôi gió, tuy ông ta chẳng cho biết chi tiết.

Sau này tôi mới được biết rõ về Sandys. Ông ta có thể thẳng thắn và cả thẳng thừng. Ông là con rể của Winston Churchill, và không hề thiếu tự tin. Ông gan dạ và hết sức quả quyết. Ông có một chân bị thương trong một vụ tai nạn xe hơi thời kỳ chiến tranh và nó thường gây đau nhức, nhưng ông dùng thuốc giảm đau và khập khiễng tới lui với cây gậy, gắn bó với cuộc sống và lao đầu vào công việc. Ông là một con người đáng yêu, đáng ngưỡng mộ nếu như bạn ngẫu nhiên cùng phe với ông ta. Cũng may là tôi rơi vào trường hợp như thế. Ông hối thúc việc hợp nhất thành một “Malaysia” rộng lớn hơn và hẳn đã thuyết phục được Harold Macmillan, Thủ tướng Anh, để ủng hộ ông và gây sức ép với Tunku.

Bất ngờ, vào ngày 27/5/1961, Tunku khi nói chuyện tại Hiệp hội Phóng viên nước ngoài của Đông Nam Á đặt tại Singapore đã phát biểu rằng:

“Chẳng chóng thì chầy Malaya cũng sẽ có được sự nhất trí với người Anh cùng nhân dân Singapore, Bắc Borneo, Brunei và Sarawak. Bây giờ còn quá sớm để tôi có thể cho biết sự nhất trí này đã đạt tới đâu nhưng hiển nhiên rằng chúng tôi phải hướng đến mục tiêu này và nghĩ tới một kế hoạch qua đó có thể đưa các vùng lãnh thổ ấy lại gần nhau hơn trong một khối hợp tác chính trị và kinh tế.”

Ông đã nói rằng khuynh hướng tự nhiên của người Hoa tại Singapore là biến hòn đảo này thành một “tiểu Trung Quốc”. Nếu như dân chúng Singapore và của Liên bang có thể biến Malaya thành một thứ đúng như mong muốn – ngôi nhà duy nhất của chúng ta – thì thật là hay biết mấy. Điều này đúng là một tiếng bom. Chẳng hề có dấu hiệu nào trước đó cho thấy có sự thay đổi trong lập trường khăng khăng của ông là chẳng thể dung nạp Singapore được. Lúc đọc được lời phát biểu đó của Tunku, tôi biết ông Đặc mệnh sẽ nghĩ rằng tôi đã lừa ông ta hồi lúc chúng tôi gặp nhau vào tháng 5, rằng tôi đã nói dối, bởi khi trả lời câu hỏi của ông, tôi có nói rằng việc hợp nhất khó có thể xảy ra trong một vài năm bởi Tunku không tin tưởng người Hoa ở Singapore.

Lúc đó Tunku đã không giải thích tại sao ông đổi ý. Về sau, vào tháng 10, ông đã phát biểu tại Quốc hội ở Kuala Lumpur rằng lúc đầu ông không tán thành việc hợp nhất bởi chuyện này sẽ gây nguy hại cho nền an ninh của Malaya, nhưng thời thế đã thay đổi. Ông không giải thích. Nhưng tôi chỉ có thể đoán chừng người Anh đã thuyết phục rằng ông phải kiểm soát nền an ninh của Singapore để bảo vệ cho chính Malaya, bởi khối người Hoa đa số tại hòn đảo này có vẻ rất dễ thuận theo chủ nghĩa cộng sản. Tôi tin rằng Ismail hiểu rõ nguy cơ lật đổ tại hai lãnh thổ đã có quan hệ mật thiết với nhau ra sao. Ông từng được thấy, ví dụ, tuy chỉ có phân nửa sinh viên ở Đại học Nanyang là từ Malaya thôi, nhưng họ cũng đã trở thành lực lượng nòng cốt trong giới lãnh đạo cánh tả và là những kẻ gây rắc rối, và còn sẽ gây khó khăn hơn sau khi tốt nghiệp và quay trở về Malaya.

Cả Selkirk lẫn Moore đều không ngờ trước sự thay đổi ý kiến hoàn toàn của Tunku. Điều đó đến với họ quả là một “ngạc nhiên đầy thích thú”. Người Anh từ lâu đã từng bàn về quan điểm một “Malaysia” rộng lớn hơn như một giải pháp cho mục tiêu lâu dài của họ là gộp các thuộc địa của họ trong khu vực lại với nhau thành một liên bang trước khi trao trả độc lập cho những thuộc địa đó. Nhưng vấn đề quan trọng nhất là chính quyền PAP có phải là do cộng sản chi phối không? Họ tin rằng tôi đã trả lời cho câu hỏi đó khi tôi nhấn mạnh công khai về chuyện hợp nhất như là một phương cách để đạt được sự độc lập cho Singapore, vì rằng điều này sẽ khiến cho MCP chẳng thể giành quyền bính được. Đến lúc đó họ mới khởi sự xem xét nghiêm chỉnh kế hoạch này.

Vào tháng 5/1961, Tunku dường như ít ra cũng đã sẵn sàng xem xét đến chuyện hợp nhất Singapore vào một Liên bang Malaysia. Thế nhưng có những lúc trong suốt sáu tháng sau đó chuyện này đã có vẻ như chẳng đi tới đâu hết, bởi lẽ ông ta cũng vẫn hãy còn thấy ngại. Cũng may là trong suốt thời gian này tôi đã có thể bàn bạc với phần lớn các thành viên trong ủy ban Anh, nhất là với Philip Moore.

Vào năm 1961, chúng tôi đã có thể hiểu nhau được. Người Anh nhìn thấy những khó khăn đang đặt ra cho chính quyền PAP, và đã khởi sự tạo xung lực cho một Liên bang Malaysia, và gây nên một cảm giác rằng chuyện này là tất yếu. Hai tuần sau họ đã hưởng ứng đề nghị của Tunku thông qua một loạt những phát biểu tán đồng. Đầu tiên là Selkirk, trong phát biểu ngày 13/6, đã mô tả điều này như thể “một kế hoạch lâu dài, hữu lý”. Một tuần sau, Macmillan, khi trả lời câu hỏi của Fenner Brockway ở Hạ viện, đã nói rằng:

“Tôi vui mừng trước đề nghị đầy ấn tượng mới đây của Thủ tướng Malaya rằng chẳng chóng thì chầy Liên bang cũng đạt tới một sự nhất trí với chính phủ Anh và với Singapore, Bắc Borneo, Sarawak, Brunei về một kế hoạch sẽ đưa những lãnh thổ ấy vào một liên hiệp kinh tế và chính trị. Phát biểu của Tunku Abdul Rahman đã gây ra sự bàn tán tại những nước đó và chính phủ tất cũng sẽ tính đến những phản ứng của họ khi xem xét về đề nghị đó… Tôi nghĩ rằng điều quả đáng mừng là chuyện này đã được nêu lên và kích thích thảo luận.”

Kế đó, Selkirk đã triệu tập một cuộc họp vào ngày 27/6 bao gồm các thống đốc Anh ở Sarawak và Bắc Borneo, cao ủy Anh tại Malaya và ủy viên Anh ở Brunei. Goode, giờ đây là thống đốc của Bắc Borneo, đã nói về “sự cần thiết phải nắm lấy đúng lúc này để thông qua kế hoạch “Malaysia hùng cường” của Tunku nhằm bảo đảm thành công cho nó”. Vào ngày 30/6, ngay sau cuộc họp đó, Selkirk đã bay đi London để bàn bạc với nội các về kế hoạch này.

Việc người Anh biểu lộ công khai ủng hộ một Liên bang Malaysia và sự hợp nhất hẳn đã đánh động những người cộng sản. Sáng kiến của Tunku tiến triển thật nhanh chóng, và ông Đặc mệnh sẽ phải tính toán đến điều này. Sự khích động của họ nhanh chóng trở nên rõ rệt khi Lim Chin Siong tái xuất hiện với một loạt những tuyên bố chống hợp nhất. Vào ngày 2/6, “Lục Đại gia” lãnh đạo nghiệp đoàn – Lim Chin Siong và Fong Swee Suan, cộng với Sidney Woodhull, Jamit Singh, S.T. Bani và Dominic Puthucheary, em trai của James (bốn trong số họ chẳng phải người Hoa đã cho họ có cái vẻ đa chủng tộc)

– đã đưa ra phát biểu kêu gọi đòi “tự trị đối nội hoàn toàn không phải trên danh nghĩa mà là thực tế”, đòi kiểm soát an ninh nội đảo và bãi bỏ Hội đồng an ninh nội chính. Họ kêu gọi cử tri Anson bỏ phiếu cho PAP nếu để làm cơ sở cho sự chiến thắng trong các cuộc đàm phán hiến pháp năm 1963 và để những yêu cầu của họ sớm được công nhận. Thế rồi Lim đã đặt mặt trận thống nhất của lực lượng cộng sản lên bàn cân, với 42 nghiệp đoàn cam kết ủng hộ Đảng PAP chống thực dân và khuynh tả trong kỳ tuyển cử bổ sung sắp tới. Nói khác đi, nếu PAP không chống thực dân và khuynh tả đúng mức như họ muốn, PAP sẽ chẳng thu được hậu thuẫn của các nghiệp đoàn, vốn đại diện cho “ước muốn của công chúng”.

Đó là lời cảnh cáo với tôi rằng hãy chơi theo luật của họ. Tôi trả lời rằng: “Giờ đây nền độc lập thông qua việc hợp nhất trong một thực thể to lớn hơn đã rõ ràng trước mắt chúng ta và sẽ trở thành sự thật sớm hơn mức người ta đã nghĩ cách đây hai năm.” Tôi cũng vạch rõ rằng chúng tôi sẽ không tính đến chuyện giải tán Hội đồng an ninh nội chính cho đến khi nền an ninh của chúng ta được đảm bảo bên trong Liên bang nhờ vào sức mạnh trong bầu cử của cộng đồng Malay. Chính ông Đặc mệnh sẽ quyết định ông ta phải làm gì sau đó.

Vào ngày 10/6, ngày công bố danh sách ứng cử viên cho cuộc bầu cử bổ sung tại Anson, PAP đã đề cử một người Malay là Mahmud bin Awang. Ông là chủ tịch của Tổng liên đoàn lao động, nhưng lựa chọn này không có lợi cho những người cộng sản. Ông từng bị bắt nhưng rồi được thả ra ngay sau đó. Ông ta ăn ý với Devan Nair và do đó là một người của phía chúng tôi. Ông sẽ đối đầu với David Marshall, ứng cử viên của Đảng Công nhân, người mà tôi cảm thấy chắc là đã ra tranh cử dưới sự xúi giục của Lim Chin Siong và Fong. Thật vậy, vào ngày 14/6, báo chí đã tường thuật phát biểu của Marshall rằng ông đã sang thăm Liên bang sau phát biểu của Tunku tại Hiệp hội Phóng viên nước ngoài, và ông tin chắc sẽ không thể có hợp nhất trong vòng 10 năm. Ông tán thành một Singapore độc lập (nhưng nhất thiết phải giải tán Hội đồng an ninh nội chính), và chủ trương rằng một khi Singapore được độc lập thì việc hợp nhất sẽ dễ dàng hơn.

Ngay sau khi cuộc vận động bầu cử bắt đầu, John Linsell, giám đốc Sở đặc vụ, báo cáo rằng có một nhóm nào đó muốn ám sát tôi. Nguy hiểm sẽ rất lớn tại một trong các cuộc mít–tinh vận động tranh cử ngoài trời, bởi ở đó có thể ám sát diễn giả đứng trên diễn đàn và rồi lủi trốn dễ dàng. Họ để cho tôi quyết định cần có biện pháp an ninh đến mức nào và có nên xuất hiện trước công chúng hay là không. Tôi không có lựa chọn nào khác. Không có mặt trong một chiến dịch vận động quan trọng chỉ bởi vì bị đe dọa ám sát thì quả là tai hại về mặt chính trị. Mặt khác, cứ thẳng bước đi tới mà không có biện pháp an ninh thì cũng là ngu xuẩn; trong khi tăng cường các biện pháp an ninh thì trông có vẻ phòng thủ quá. Tôi bảo với Sở đặc vụ là làm càng kín đáo càng tốt nhưng cũng thận trọng tối đa.

Tối hôm đó tôi đã phát biểu tại khu vực bầu cử của mình. Cũng quang cảnh đó, con người đó, thân thiết với tôi, và tôi cảm thấy an toàn một cách hợp lý. Nhưng rồi tôi còn phải nói chuyện tại những khu khác ít thân thiện hơn. Tôi cảm thấy đôi chút lo lắng, nhưng đành chấp nhận rằng đó như một phần của cuộc sống chính trị trong điều kiện đầy khủng bố của Singapore và Malaya ngày ấy.

Tôi có ý tin rằng những người cộng sản muốn tiêm vào tôi sự sợ hãi và nhìn xem tôi phản ứng ra sao. Tôi tính rằng thật ra ám sát tôi không có lợi cho họ khi mà chỗ đứng của tôi trong công chúng khá cao. Tôi chưa bị xem là kẻ thù của công chúng như Lim Yew Hock hồi năm 1956. Và họ cũng không muốn phải gặp một đợt thanh lọc đại quy mô đối với mặt trận thống nhất – đảng, các nghiệp đoàn và các hiệp hội văn hóa – vốn chắc chắn sẽ xảy ra nếu tôi bị hại. Nếu tôi thua trong trận chiến tuyên truyền để lôi cuốn quần chúng và bị xem là “bù nhìn của đế quốc”, chừng đó sẽ khác. Giết tôi lúc đó sẽ chẳng có thiệt hại gì về chính trị, trong trường hợp đó thì chắc tôi chẳng dám liều.

Hóa ra Sở đặc vụ và Phòng điều tra hình sự đã tiến hành một loạt những cuộc bố ráp vào ngày 18/6, dẫn đến việc bắt giam một tay bảo kê đầu sỏ cùng 10 người khác nữa, trong đó họ tìm được một cái giỏ chứa ba quả lựu đạn giấu trong nhà của tay bảo kê. Nhưng cuộc thẩm vấn cho thấy rằng một tay chỉ điểm đã bịa ra vụ âm mưu ám sát và nhét mấy quả lựu đạn vào đó với sự đồng lõa của một hạ sỹ quan thám tử của Phòng điều tra hình sự. Đoạn cuối của vở kịch, quả là chán. Tuy nhiên cho đến khi biết ra vụ âm mưu ám sát chỉ là bịa đặt, thì tôi đã đứng trước một vấn đề có thực là phải ứng phó với chuyện đó ra sao.

Ba ngày trước khi bầu cử, tôi đã phát biểu rằng cho dù là các bang Bắc Borneo có gia nhập hay là không, “chúng ta cũng phải nỗ lực cho cuộc hợp nhất giữa Singapore và Liên bang với hai điều kiện cần thiết là tự do trong giáo dục và các chính sách lao động.” Tôi biết rằng chúng tôi phải đưa những chuyện này ra ngoài tầm kiểm soát của chính phủ Liên bang, bằng không chúng tôi sẽ chẳng thể giành được một đa số ở Singapore ủng hộ chúng tôi. Chính sách giáo dục của Malaya đang đi ngược lại những phản đối của các trường Hoa và các ủy ban phòng thương mại Hoa kiều tại Malaya, vì rằng để được chính quyền trợ giúp, họ sẽ phải chuyển từ việc dạy bằng tiếng Hoa và tiếng Anh sang dạy bằng tiếng Malay. Điều này, các dân tộc không phải là Malay hoàn toàn khó thể chấp nhận được. Ngay cả những người Anh học cũng sẽ phản đối việc hợp nhất dựa trên cớ đó, và người Hán học thì chắc sẽ dùng tới bạo lực.

Về chuyện lao động, Malaya có một chính sách khá cứng rắn đối với các nghiệp đoàn, chủ yếu bởi vì họ quyết tâm dập tắt âm mưu lật đổ của cộng sản, nhưng cũng vì họ không tin tưởng vào chủ nghĩa nghiệp đoàn đấu tranh, và họ đã tiến hành các biện pháp mạnh để kiềm chế những thái quá trong chuyện cắt đặt người bảo vệ bãi công và chuyện thương lượng khi tranh chấp chủ thợ. Nếu Bộ trưởng lao động và Bộ trưởng nội vụ tại Kuala Lumpur kiểm soát chuyện đăng ký thành lập và giải tán các nghiệp đoàn, công nhân và các lãnh tụ nghiệp đoàn tại Singapore chắc chắn sẽ chống đối một Liên bang Malaysia tương lai.

Thình lình, hai ngày trước khi có cuộc đầu phiếu, tám dân biểu PAP đã cùng ký trong một bức thư ngỏ yêu cầu Chin Chye, với tư cách chủ tịch đảng, phải tuyên bố ủng hộ phát biểu của “Lục Đại gia” và triệu tập một hội nghị gồm 51 chi bộ của đảng để xem xét vai trò của đảng trong tình hình chính trị hiện nay. Công khai làm xói mòn lòng tin của công chúng đối với lãnh đạo và tác động đến cuộc đầu phiếu, họ đã lặp lại những yêu cầu của Lim Chin Siong: phóng thích các chính trị phạm, bãi bỏ Hội đồng an ninh nội chính, tự trị đối nội hoàn toàn. Vì tôi đã không nhượng bộ nên ông Đặc mệnh đã quyết định khiến PAP thất bại tại Anson.

Vào sát ngày bầu cử, tôi đã công khai yêu cầu ba bí thư chính trị – Lim Chin Siong, Fong và Woodhull – từ chức. Tôi nói rằng ba người này cùng với tám dân biểu kia muốn ép buộc PAP phải chấp nhận đường lối của họ, bằng không họ sẽ “lật đổ lãnh đạo và thu tóm đảng để sử dụng cho mục đích của họ… Điều quá rõ là để ngăn chặn công cuộc hợp nhất, sáu cán bộ nghiệp đoàn đang sẵn sàng để làm bất cứ chuyện gì – kể cả phá hoại cái chính đảng mà họ đã làm ra vẻ gắn bó.” Trong nỗ lực cuối cùng để chuyển hướng cử tri từ PAP sang Marshall, họ đã dốc hết mọi lực lượng vào cuộc. Ngay cả viên bí thư của chi bộ tôi cũng chống lại tôi, và vì rằng ông ta có chân trong Ủy ban hải cảng Singapore và có ảnh hưởng ở Anson, vốn ở gần cảng, nên ông ta đã khiến chúng tôi bị mất đi nhiều phiếu của giới công nhân cảng người Hoa. Vào đêm kiểm phiếu, ngày 15/7, Marshall thắng xấp xỉ (3.598, bằng 43,3%), Mahmud (3.052, tức 36,7%), SPA giành được có 17,8% phiếu bầu. Với tâm trạng tự đắc, Marshall đã mắng nhiếc tôi trong bài diễn văn chào mừng chiến thắng: “Hãy từ chức đi, và biết đâu khi nghỉ hưu rồi thì ông mới học được sự khiêm tốn và lòng nhân đạo để trong những năm sau đó cái tài năng không ai chối cãi của ông mới có thể phục vụ nhân dân chân thành và vô vị lợi được.”

Tôi thì quá quan tâm tới cuộc chiến sắp tới nên không thể trả lời ông ta. Những người cộng sản một lần nữa đã cho thấy họ đang xâm nhập được vào hàng ngũ cấp cao của các nghiệp đoàn và vào đảng của chúng tôi, đến nỗi trong thời gian ngắn đã có thể phân tán được phiếu bầu của PAP, và lái công chúng chuyển sang ủng hộ một kẻ nổi tiếng là hay dao động và không đáng tin cậy. Trong một bức thư ngày 17/7 gửi cho Chin Chye với tư cách chủ tịch PAP, tôi đề nghị xin được từ chức Thủ tướng. Tôi đã thấy “khúc mở màn của một thử thách thực lực giữa cánh tả phi cộng sản và cánh tả cộng sản” đi liền với nguy cơ là “sự xung đột chủ thợ vì các mục tiêu chính trị”. Lim Chin Siong và các đồng chí của ông sẽ cố cưỡng chế đảng và chính phủ đi vào con đường lìa bỏ Malaysia, và đảng nhất thiết phải đoàn kết sau lưng lãnh tụ của mình.

Trong cùng ngày hôm đó, Chin Chye đã trả lời rằng ủy ban chấp hành trung ương đã nhất trí chọn tôi làm Thủ tướng sau cuộc tổng tuyển cử.

“Việc phe đối lập của chúng ta kêu gọi ông từ chức chỉ là để đánh lạc hướng công chúng trước vấn đề sống còn là công cuộc hợp nhất giữa Singapore với Malaya, một mục tiêu tâm nguyện của đảng và chúng ta không thể đi trệch khỏi nó được. Người ta đã từng đề nghị rằng tôi nên làm Thủ tướng thay thế ông. Chúng ta đừng để bị lừa phỉnh trước nỗ lực muốn phá vỡ sự đoàn kết thống nhất của đảng và hàng ngũ lãnh đạo của nó.”

Chúng tôi biết chúng tôi đang đi tới một cuộc so tài cuối cùng. Sau khi chúng tôi thua ở Anson, tôi dám chắc mọi dân biểu và đảng viên của PAP cũng đều biết rõ chuyện này và sẽ ủng hộ chúng tôi. Cuộc chiến giờ đây đã mở màn. Chúng tôi phải đi tới một cuộc chia tay với phái tả của chính chúng tôi. Chúng tôi cần phải loại trừ ra khỏi đảng bất kỳ những kẻ lập lờ nào trong Quốc hội, và buộc những người cộng sản bước ra đấu tranh công khai với chúng tôi. Chúng tôi quyết định triệu tập một cuộc biểu quyết tín nhiệm25 và phải công khai tách ly với họ trước khi họ có thì giờ tính lại nước đi của mình.

Chọn tập
Bình luận