Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Hồi Ký Lý Quang Diệu – Tập 1

Chương 31: Trào Lưu Đổi Hướng

Tác giả: Lý Quang Diệu
Thể loại: Hồi Ký - Tuỳ Bút
Chọn tập

Mười tháng kể từ tháng 12/1962 đến tháng 9/1963 là những tháng sôi nổi nhất trong cuộc đời tôi. Thêm vào việc đối đầu liên tục với Tan Siew Sin và những Bộ trưởng của Tunku ở Kuala Lumpur, với Lim Yew Hock và SPA của ông ta cùng Barisan ở Singapore, còn có mối nguy hiểm đang lớn dần từ phía Indonesia. Tôi phải huy động sự ủng hộ cho cuộc bầu cử kế tiếp mà tôi đã quyết định là không thể hoãn lại đến sau khi hợp nhất. Những người cộng sản đã làm suy yếu các chi bộ đảng của chúng tôi khi họ tách khỏi PAP, rồi làm tan rã Liên hiệp nhân dân (PA) và Lữ đoàn công chính. Để xây dựng lại một tổ chức PAP vững mạnh, phải mất ít nhất hai năm, vì thế Keng Swee và tôi quyết định chọn một chiến lược đơn giản mà chúng tôi nghĩ có thể phục hồi nhanh chóng sự ủng hộ của quần chúng đối với chúng tôi.

Từ Cục đăng bạ hội đoàn, chúng tôi lấy được tên và địa chỉ của tất cả các chức sắc của những tổ chức quần chúng, từ các bang hội người Hoa và những hội từ thiện cho đến Phòng thương mại Hoa kiều và các chi nhánh địa phương của nó, từ các phường hội của những người buôn bán lẻ đến những câu lạc bộ đánh cờ và thể thao, cùng các thư viện trong Căn cứ hải quân. Chúng tôi loại bỏ tất cả các tổ chức thân cộng kiểu như các hội đoàn cựu học sinh các trường trung học Hoa và những hiệp hội âm nhạc của người Hoa.

Một khi cuộc trưng cầu dân ý kết thúc, tôi bắt đầu một loạt các cuộc viếng thăm đến các khu vực bầu cử, giai đoạn đầu tập trung vào những khu vực có cử tri bỏ phiếu trắng nhiều nhất – những vùng nông thôn (vào thời điểm đó) như Jurong, Thomson, Kampong Kembangan và Jalan Kayu. Ban đầu, mỗi tháng tôi đi thăm một khu vực trọn ngày, rồi tăng dần lên cứ hai tuần một khu vực, rồi mỗi tuần một khu, và khi ngày thành lập liên bang Malaysia đến gần, một tuần tôi đi thăm hai, ba hoặc bốn lần. Cuối cùng, để thăm hết 51 khu vực, tôi đi hầu như mỗi ngày, đôi khi tôi đi thăm hai ba khu vực thành thị trong chỉ một ngày cho đến khuya.

Trước các cuộc viếng thăm của tôi, các nhân viên chính phủ có các dân biểu Hội đồng lập pháp đi kèm (hoặc nếu đó là một khu vực thuộc phe đối lập, thì có dân biểu của PAP từ các khu vực khác đi kèm) đã tới trước để động viên các chủ hiệu, các thủ lĩnh quần chúng và các đoàn thể địa phương khác, và giúp họ thảo ra một chương trình. Sau đó họ sẽ chào đón tôi đến khu vực bầu cử để thảo luận các vấn đề và những nhu cầu của họ với tôi. Tôi đi trên chiếc Land Rover mui trần, với mic-rô trên tay và một chiếc loa phóng thanh gắn trên xe, nói chuyện với đám đông đang tập trung chờ tôi mỗi khi tôi dừng lại theo đúng lịch làm việc. Kế hoạch của tôi có hiệu quả. Một khi cộng sản thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý và dân chúng nhận ra tất cả những gì họ có thể thu đạt được là 25% phiếu trắng, mọi người hăng hái hẳn lên. Giờ thì họ sẵn sàng nói ra quan điểm của mình.

Các chủ hiệu và những lãnh tụ quần chúng sẽ chào đón tôi với những vòng hoa sứ, hoa vạn thọ khổng lồ, đôi khi cả phong lan nữa, hoặc những hoa bằng giấy, được buộc lại và trang hoàng bằng dây kim tuyến, nếu họ nghèo. Các đại biểu người Hoa trao cho tôi những biểu ngữ bằng lụa hoặc nhung ghi tên của người tặng và đề những dòng chữ Hán mạ vàng thể hiện tình đoàn kết của họ với chúng tôi. Tôi nhận được cả chục biểu ngữ như thế, đem về treo quanh nơi họp mít–tinh lần cuối cùng, ở đấy họ chiêu đãi tôi một bữa tối ngoài trời. Những người dùng bữa sẽ ngồi quanh những chiếc bàn tròn, mỗi bàn mười người, có ít nhất là 20 bàn, và nhiều khi có tới 50 bàn do các chủ tiệm thành đạt đài thọ nhằm tỏ lòng tôn kính các lãnh tụ khu vực bầu cử và tôi.

Các chuyến đi là một thành công to lớn. Khi tôi lý luận chống lại những đòi hỏi vô lý của Tan Siew Sin và Razak, dân chúng reo hò phía sau tôi. Mỗi cuộc viếng thăm, đám đông càng nhiều hơn và nồng nhiệt hơn, các thủ lĩnh hăm hở góp phần chào đón tôi và bày tỏ sự ủng hộ của họ với chính phủ PAP. Các viên chức chính phủ, rồi tới lượt tôi, lắng nghe những yêu cầu của dân chúng về đường nhựa, cống rãnh, điện đóm, đèn đường, điện công cộng, dưỡng đường, trường học, các trung tâm sinh hoạt cộng đồng. Những yêu cầu dễ thì được giải quyết nhanh chóng, những yêu cầu khó hơn thì tôi hứa sẽ nghiên cứu và đáp ứng nếu nó thiết thực. Các trung tâm sinh hoạt cộng đồng rất hữu dụng trong việc phổ biến những thông tin nhằm chống lại sự tuyên truyền xuyên tạc, và chúng tôi bắt đầu xây dựng chúng – những công trình bằng gỗ đơn giản, với mái lợp fibro và sàn xi măng, mỗi trung tâm được trang bị các bóng đèn điện, một quạt trần, một bàn bóng bàn, một bàn bi-da và một ti-vi đen trắng.

Các ban tiếp tân sẽ chờ tôi trong vài giờ nếu tôi bị chặn lại dọc đường. Những bà già và những cô gái trẻ đưa đơn từ yêu cầu tôi giải quyết những khiếu nại riêng tư của họ. Những người Ấn đưa tôi vào các ngôi đền của họ, rắc hoa trên đường tôi đi và đánh một dấu màu trên trán tôi, một cử chỉ tôn kính dành cho một vị khách danh dự. Những người Hoa cũng sẽ đưa tôi vào các đền thờ của họ, và chào mừng tôi tại lối vào bằng điệu múa lân cùng tiếng chiêng trống để báo trước việc tôi đến. Những người mộ đạo rất vui khi được thấy Thủ tướng tỏ lòng tôn kính nơi thờ phượng của họ. Tôi sẽ đốt những nén hương trước bàn thờ, một số thuộc đạo Phật, một số thuộc đạo Lão. Những người Malay sẽ chào mừng tôi với những nhóm kompang, một tập hợp 12 hoặc 14 chàng trai với trống đứng và trống cầm tay, còn các bậc huynh trưởng của họ sẽ đặt lên đầu tôi một cái tanjak, một miếng vải gấm thêu kim tuyến được gấp thành cái mũ trùm dành cho các thủ lĩnh.

Những người ủng hộ Barisan sẽ xếp hàng trên vài con đường, la ó, huýt sáo và chửi bới tôi. Khi tôi đi ngang trường Cao trung của người Hoa, khoảng 40 – 50 nam sinh với khăn bịt mặt giơ các áp phích lên án và chửi rủa tôi như một kẻ phản bội nhân dân. Một buổi chiều ở Whampoa, những tên côn đồ Barisan với những hình xăm trên cánh tay cản đường tôi và cố đẩy tôi xuống một con rãnh sâu đầy nước mưa, nhưng nhân viên an ninh đã nhanh chóng can thiệp và đối phó với họ, để cho tôi nhảy ra xa. Những thành viên nghiệp đoàn thân Barisan trên những tầng nhà trên cao của họ gào lên những lời chửi rủa, và một đêm ở Hong Lim họ thét lên những lời đe dọa tôi và trương những biểu ngữ phản đối trên mái nhà. Khi tôi bảo tay quay phim của chương trình ti-vi xoay ánh đèn về phía họ và ghi hình, thì họ liền tắt đèn trong nhà và biến mất. Tôi mời họ xuống, lộ diện và tranh luận trường hợp của họ với tôi. Họ từ chối, điều đó cho phép tôi chỉ ra cho hàng nghìn người quanh đó thấy là khi phe đối lập phải đối chất với “quần chúng” nơi công khai, họ bèn tắt đèn và lẩn vào bóng tối.

Các chuyến đi khiến tôi kiệt sức và hao mòn nghị lực. Tôi thường bắt đầu lúc 8 giờ sáng ngày Chủ nhật và ngay sau bữa trưa vào những ngày khác trong tuần. Buổi chiều trời luôn nóng, và trong một chuyến đi như vậy tôi phải đọc một bài diễn văn ngắn khoảng 10 – 15 phút ở mỗi chỗ dừng, mà các bài diễn văn đó có thể kéo thêm từ 30 phút đến một tiếng đồng hồ vì tôi phải nói bằng hai, ba thứ tiếng. Có khi một ngày tôi đọc đến mười bài diễn văn, mỗi bài bằng tiếng Malay, tiếng Anh, tiếng Hokkien hoặc tiếng Quan thoại. Người tôi luôn đầy mồ hôi. Tôi thường mang theo ba, bốn áo lót cùng áo sơ mi và sẽ lẻn thật nhanh vào nhà vệ sinh nào đó hoặc phía sau vách ngăn bên trong một cửa hiệu để thay áo khô, và tôi cũng mang theo một khăn tắm nhỏ để lau mồ hôi trên mặt. Tôi sẽ về nhà với bàn tay phải bầm tím và đau nhức bởi hàng trăm, nếu không nói là hàng nghìn cái bắt tay, và đôi khi là một cú siết tay thật chặt. Lưng tôi cũng bầm xanh vì cứ phải đụng vào thanh chắn kim loại của chiếc Land Rover. Tôi học cách chìa bàn tay trái để giảm nhẹ cho bàn tay phải, và tôi cũng nghiên cứu cách đẩy ngón cái và ngón trỏ thẳng lên chống lại những ngón tay của những người khác để ngăn các ngón tay tôi khỏi bị siết chặt, và tôi cũng quấn một lớp khăn dày quanh thanh chắn trên xe để bớt va chạm.

Nhưng tôi còn trẻ, dưới 40. Kích thích tố của tôi đầy tràn, và thịnh tình của đám đông truyền nhiệt huyết cho tôi. Nói chuyện bằng tiếng Hokkien và tiếng Quan thoại, tôi đã thuyết phục được người Hoa rằng tôi không phải là tên bù nhìn của người Anh, rằng tôi đang chiến đấu vì tương lai của họ. Người Malay ủng hộ tôi vì họ thấy tôi chống lại những người Hoa đối lập. Người Ấn, với vai trò là thiểu số ít hơn, thì luôn sợ hãi và vì thế họ an tâm khi nhận thấy tôi hoàn toàn thân thiện với mọi chủng tộc, nói tiếng Malay và tiếng Anh bình dân với họ và thậm chí cả với lời chào hỏi bằng tiếng Tamil.

Tin tức về những chuyến đi ngày càng thành công hơn của tôi đã nhanh chóng được truyền miệng trong các quán cà phê và qua báo chí, truyền hình. Nó tạo ra một làn sóng phấn khởi trong dân chúng, đặc biệt là các chủ cửa hiệu và những lãnh tụ quần chúng. Tôi trở thành một kiểu như ngôi sao chính trị. Nhiều chủ cửa hiệu từng chống lại những tên côn đồ trẻ tuổi, nhưng họ vẫn bị buộc phải đóng góp ngân quỹ cho chúng. Đây là cơ hội của họ để chứng tỏ rằng họ thực sự ủng hộ một cái gì đó – tôi và chính phủ. Khi tôi đang đứng trên bục, họ sẽ đến, không chỉ với các vòng hoa và biểu ngữ mà còn với những vật kỷ niệm trưng trong tủ nhà họ, một ruy băng đỏ buộc quanh các món quà và một danh thiếp đỏ ghi tên cùng địa chỉ của họ, chúc tôi may mắn. Có một món quà không thể quên được là một chiếc bài ngà cổ tuyệt đẹp chạm hình chiếc thuyền buồm kiểu Trung Quốc lộng lẫy đặt trên một đế đen bóng loáng trong hộp kiếng. Nó là một tác phẩm nghệ thuật quý giá nhất của chủ nhân của nó. Ông ta là ông chủ một cửa hiệu, trạc 50, tóc bạc hai bên thái dương. Ông ta chúc tôi hạnh phúc và sống lâu bằng tiếng Hokkien. Nó vẫn còn ngự một cách đầy tự hào trong phòng khách của tôi, một món quà mà tôi trân trọng giữ gìn, gợi tôi nhớ lại giây phút lớn lao khi tôi có thể cảm nhận được thịnh tình của quần chúng đối với tôi và mong đợi ở tôi với tư cách là lãnh đạo của họ. Lòng trung thành mà những chủ cửa hiệu nhỏ này đặt vào tôi đã truyền nhiệt tình để tôi chiến đấu.

Thành công của các chuyến đi đã thúc đẩy Lim Yew Hock đặt vấn đề về chi phí của chúng đối với bang trước Hội đồng Lập pháp. Tôi trả lời rằng không hề có sự lạm dụng công quỹ trong việc này vì không hề có một đôla nào được chi tiêu cho việc ăn uống và tiếp đón

– mọi thứ đều do dân chúng chi trả. Những người tổ chức rất đáng được tuyên dương vì chuyện này và họ tự hào rằng họ đã tập hợp được sự ủng hộ của quần chúng, với các lãnh đạo địa phương sung sướng được thấy họ trên ti-vi đón mừng tôi, hoặc ngồi cùng tôi trên khán đài hay tại bàn ăn. Tôi có thể cảm thấy rằng chiều hướng đã thay đổi.

Các viên chức đi cùng tôi trong các chuyến đi này đã phát triển một tinh thần đồng đội mạnh mẽ. Sau những mệt nhọc qua nhiều chuyến đi, nghe những lời giải thích và hô hào của tôi về cách để cải thiện đời sống của đại đa số người Singapore, họ bắt đầu thấy gắn bó chặt chẽ với tôi. Trong những ngày đầu, từ tháng 11/1962 đến tháng 1/1963, chúng tôi đối mặt với sự lãnh đạm, lạt lẽo, đôi khi thù địch của đám đông, và khi tôi từ từ thâm nhập được vào quần chúng, họ thấy rằng đó là thành tích của họ cũng như của tôi. Họ, bao gồm từ tài xế người Malay lái chiếc Land Rover của tôi, kẻ phải ngồi suốt và lắng nghe những bài diễn văn của tôi bằng thứ ngôn ngữ mà anh ta không thể hiểu, đã vui hẳn lên mỗi khi tôi nói bằng tiếng Malay, đến các nhân viên thuộc ngành thú y, ngành công chính trông coi đường sá, cầu cống, ngành dịch vụ công cộng cung cấp điện nước, và ngành truyền thanh truyền hình Singapore.

Tất cả bọn họ hoan hô tôi, trong đó có một người phụ trách âm thanh chương trình truyền hình người Hoa, Judy Bloodworth. Hiểu biết của cô được ông chồng Dennis Bloodworth thuật lại, rồi phóng viên tờ London Observer ở Singapore ghi lại, bằng lời lẽ sau đây trích từ một trong những cuốn sách của ông ta:

“Đôi khi chúng ta sẽ đi vào vực thẳm, rồi bất chợt ánh sáng vụt bừng lên, dân chúng sẽ hoan hô và la ó, và giữa tất cả những tiếng động đó, ông ta sẽ phấn chấn lên, hòa vào giữa họ, cười ầm với những người múa lân quanh ông ta, không quan tâm đến tiếng pháo, không hề lộ vẻ sợ hãi – ông ta đã từng bị phỏng trên mặt một lần, nhưng không quan tâm. Chúng tôi thực sự có cảm giác giống như một đội ngũ, giống như một đơn vị quân đội; chúng ta cảm thấy tự hào về ông ta. Bạn không thể ngăn được điều đó.”

Quan trọng nhất đối với những thành công của tôi là nhân viên thâm niên phụ trách chương trình phát thanh bằng tiếng Hokkien, Sia Cheng Tit. Ông ta trở thành người thầy tự nguyện của tôi, chú ý đến những sai sót chủ yếu khi tôi phạm phải trong các bài diễn văn, và ngày hôm sau ông ta ngồi cạnh tôi và chỉ ra những sai sót và chỉ ra cách nói đúng như những người khác đã làm trước ông ta, đôi khi ông ta thêm vào những thành ngữ súc tích. Nhưng đó không phải là cách duy nhất mà ông ta cải thiện cách phát biểu của tôi. Tôi thường bị khàn giọng do căng thẳng về thể xác khi phải nói quá nhiều, và một đêm ở Tiong Bahru khi tôi bị rát cổ họng, ông ta đã đưa cho tôi một gói đựng những lát sâm cắt nhỏ mà ông ta mua ở hiệu thuốc của người Hoa gần đó. Tôi ngưng ngậm những viên thuốc ho, và theo lời khuyên của ông ta, tôi đặt một lát sâm vào phía trong má và giữ nó ở đó. Nó có tác dụng thần kỳ. Có một chất gì trong đó kích thích tuyến nước bọt và cổ họng tôi dịu lại ngay. Sau này, trong những chuyến đi như thế tôi không bao giờ quên mang một gói sâm theo mình.

Tác động của những bài diễn văn của tôi cũng được nâng cao rất nhiều nhờ chương trình truyền hình. Khi tôi ở London hồi tháng 9/1962, Alex Josey, thư ký báo chí của tôi, dàn xếp cho Hugh Burnett của đài BBC, tiến hành một cuộc phỏng vấn thử với tôi rồi sau đó xem lại trên màn hình. Tôi được xem trước một chương trình có tôi xuất hiện và giật mình vì trông tôi đầy vẻ hung tợn. Burnett cam đoan rằng tôi bình thường. Tất cả những gì tôi cần là một vài lời khuyên: luôn nhìn thẳng vào ống kính, đừng lấy tay che mũi hay miệng trong khi nói, luôn chồm người tới trước trên ghế – ngả người ra sau sẽ khiến bạn có vẻ nhếch nhác. Lời khuyên chủ yếu của ông ta: “Hãy tự nhiên, hãy thẳng thắn, hãy là chính mình”. Tôi thấy an tâm. Truyền hình được du nhập vào Singapore tháng 2/1963 và đã tỏ ra là thứ vũ khí mạnh mẽ. Kỹ xảo của những tay xách động quần chúng là thứ kỹ xảo dùng trước đám đông, nơi diễn giả phải gào thét nhăn nhó và cường điệu những điệu bộ để những kẻ ở xa trong đám đông nhìn thấy. Thu hình bằng ống viễn kính, diễn giả trông xấu xí và đầy vẻ đe dọa. Họ không có Hugh Brunett để chỉ bảo họ và họ đã tự gây thiệt hại cho mình rất nhiều.

Trong khi tôi bận rộn tập hợp sự ủng hộ của quần chúng, thì có những diễn biến rắc rối trong khu vực. Ngày 20/1/1963, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia, Subandrio, tuyên bố rằng cuộc chiến “Đối đầu” chống lại liên bang Malaysia là cần thiết vì Malaya sẽ tự biến nó thành một công cụ của chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc. Vài ngày sau, Tổng thống Macapagal của Philippine cũng tố cáo liên bang Malaysia là một quyền lực thực dân mới, và mười ngày sau đó, Subandrio nói với các phóng viên nước ngoài rằng nếu như thái độ thù địch của Malaya đối với Indonesia lan tới các vùng lãnh thổ Borneo, thì có thể có rắc rối, trong đó có cả xung đột lực lượng. Ngày hôm sau, Tổng thống John Kennedy công khai bộc lộ sự ủng hộ hết lòng của ông ta trong việc thành lập liên bang Malaysia như “niềm hy vọng tốt nhất cho an ninh trong khu vực ”, nhưng Sukarno chỉ tăng cường lời lẽ công kích của ông ta. Ngày 1/5, ông ta chuyển toàn bộ sự chú ý sang các vùng lãnh thổ Borneo, khẳng định rằng chúng phải được trao trả độc lập trước tiên và lại quy tội cho việc thành lập liên bang Malaysia như một hình thức của chủ nghĩa thực dân kiểu mới.

Tunku phản ứng lại các cuộc tấn công này bằng cách triệu hồi các đại sứ khỏi Jakarta, sau đó Malaya tuyên bố tăng cường ngay lập tức lực lượng bộ binh, không quân và hải quân. Ngày 3/5 viên Tổng tư lệnh Viễn đông người Anh bồi thêm vào sự vụ này bằng cách nói rằng ông ta có đủ người, tàu bè và máy bay để đương đầu với bất cứ tình trạng khẩn cấp nào ở Borneo. Tình hình trở nên ngày càng xấu đi.

Ngày 31/5, Thủ tướng Nhật mời Tunku và Tổng thống Sukarno họp ở Tokyo. Hội nghị thượng đỉnh này kết thúc bằng việc tái xác nhận lòng trung thành với Hiệp ước Hữu nghị giữa hai nước được ký kết năm 1959, cam kết sẽ giải quyết những bất đồng trong tinh thần thiện chí và hữu nghị. Tunku thấy an lòng. Nhưng Sukarno hẳn phải thấy rằng Tunku sợ ông ta. Riêng tôi nhận thấy nỗi lo sợ trong điệu bộ và giọng nói của Tunku khi ông ta kể lại cuộc gặp gỡ này với

Razak, Ismail, Keng Swee và tôi ngay sau khi ông ta từ Tokyo trở về.

Cuộc họp thượng đỉnh ở Tokyo dẫn đến cuộc họp các Bộ trưởng Ngoại giao ở Manila, tại đó Razak thừa nhận rằng các ước muốn của dân chúng về liên bang Malaysia tương lai cần phải được thảo luận lại. Nhưng sau khi Tunku ký Thỏa ước Malaysia hồi tháng 7, Sukarno phản đối nó kịch liệt và kết cho ông ta tội phản bội lại Hòa ước Manila này. Macapagal cố gắng để hai bên cùng ngồi vào một cuộc họp khác ở Manila, và kết quả là ngày 6/8 Tunku đồng ý thay đổi ngày thành lập liên bang Malaysia để có thời gian cho một phái bộ quan sát do Liên Hiệp Quốc chỉ đạo đi xác định lại xem liệu dân chúng Borneo có muốn hợp nhất không.

Người Anh nhận thấy họ đành phải đồng ý rằng Indonesia, Philippine và Anh phải chọn những quan sát viên để giám sát công việc của phái bộ này, nhưng Sandys lại giận dữ. Ông ta ép Tunku chọn một ngày nhất định cho việc thành lập liên bang Malaysia, kiên quyết ngăn chặn mọi sự trì hoãn. Hàng trăm thanh niên Malay từ Brunei và những người Hoa thân cộng từ Sarawak đã vượt biên giới để dự những khóa huấn luyện quân sự trên đất Indonesia, và ông ta không muốn “những quan sát viên” Indonesia lang thang trên khắp các lãnh thổ Borneo khi Jakarta tiến hành một chính sách đương đầu và lật đổ.

Cuộc họp giữa họ rất căng thắng. Sandys báo cáo lại ngày 27/8:

“Ông ta (Tunku) đang trong một tâm trạng rất bực bội, và kết thúc: ‘Tôi đã đi tới tận cùng của giới hạn và tôi không muốn bàn cãi bất kỳ cái gì xa hơn với bất kỳ ai nữa’… Ông ta nhận ra rằng liên bang Malaysia là một con cá rất nhỏ so với Indonesia và ông ta lo lắng về viễn tượng sống sát cạnh một láng giềng hùng mạnh và hay gây hấn, kẻ có mưu đồ đối với lãnh thổ của ông ta.”

Nhưng Sandys là một kẻ kiên trì và ông ta đã làm cho Tunku đồng ý tuyên bố rằng dù có chuyện gì xảy ra ông ta cũng sẽ khánh thành liên bang Malaysia vào ngày 16/9 (2 lần 8 là 16, một con số may mắn khác của ông ta).

Tunku không hề yên tâm trước người láng giềng Indonesia của ông ta. Sukarno là một nhà hùng biện, còn Tunku thì không. Sukarno là một con người có cá tính thống trị, còn Tunku lặng lẽ và có sức hấp dẫn. Sukarno đại diện cho 100 triệu người Indonesia, còn Tunku chỉ có 4 triệu người Malay và chưa tới 4 triệu người Hoa, Ấn Độ và các dân tộc khác. Nói chung là người Malay thừa nhận nền văn hóa Java là cao hơn. Nhưng tôi chưa bao giờ thấy Tunku sợ hãi đến thế. Sukarno hẳn đã cảm nhận được điều này và đang khai thác nỗi sợ của ông ta đến mức tối đa. Đó không phải là sự báo trước điềm lành.

Sandys không tin tưởng rằng Tunku sẽ dũng cảm đương đầu với Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia. Nhưng ông nhẹ nhõm khi biết người đi gặp Subandrio ở Singapore là Razak chứ không phải Tunku, và không phải để thảo luận về việc thành lập liên bang Malaysia, mà chỉ đơn thuần là báo cho ông ta biết ngày giờ mới được định lại cho việc tuyên bố thành lập liên bang.

Chọn tập
Bình luận