Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Hồi Ký Lý Quang Diệu – Tập 1

Chương 5: Những Ngày Ở Cambridge

Tác giả: Lý Quang Diệu
Thể loại: Hồi Ký - Tuỳ Bút
Chọn tập

Britanic là chiếc tàu tải trọng 65.000 tấn của hãng Cunard Liner, hồi trước chiến tranh nó chạy tuyến Liverpool – New York vượt Đại Tây Dương. Không có chiếc tàu nào lớn và chạy nhanh như nó chạy tuyến Southampton đi Singapore. Nó chật ních những đoàn quân giải ngũ đang trên đường về Anh. Có khoảng 40 người châu Á trên tàu, đa số là người Hoa, mỗi phòng chứa gấp hai lần số hành khách thường lệ. Tôi vui mừng được là một trong số họ.

Vì không đem theo sách giáo khoa về luật để tự chuẩn bị cho việc học của mình nên tôi chơi bài poker suốt với các sinh viên Hồng Kông. Đó là một trò tiêu khiển tương đối vô hại. Tôi bị sốc khi chứng kiến sự chung chạ tự nhiên của khoảng 40 – 50 nữ quân nhân, đeo lon hạ sỹ quan và những cấp bậc khác đang tán tỉnh các sỹ quan. Đêm nọ, một sinh viên Hồng Kông, trợn tròn mắt nói với tôi họ đang làm tình công khai trên những xuồng cứu sinh. Tôi tò mò lên xem thử. Quả là một cảnh tượng ghê tởm! Trên boong là một đám lúc nhúc với những cặp mùi mẫn ôm cứng nhau khắp mọi nơi. Vài cặp ít sống sượng hơn. Họ mở những tấm vải bạt phủ trên các xuồng cứu sinh rồi vào trong đó cho kín đáo. Nhưng chứng kiến cả đám đàn ông và đàn bà làm tình công khai trái ngược hẳn với ký ức sâu xa của tôi về những binh lính Nhật xếp hàng nối đuôi nhau bên ngoài “ngôi nhà giải trí” trên đường Cairnhill. “Văn hóa Pháp”, hiện được gọi là bao cao su, quăng bừa bãi trên boong.

Tôi lại bị thêm một cú sốc nữa khi tàu đi ngang qua kênh Suez. Nó chạy chậm để sóng không cuốn trôi cát ở hai bên bờ. Khi chúng tôi đi ngang, một nhóm công nhân Ả Rập trên bờ bắt đầu hò hét những câu tục tĩu và kéo những chiếc áo gallabiya của họ lên – một loại áo dài giống như áo ngủ – để khoe bộ phận sinh dục của họ với các nữ quân nhân Anh trên boong đang ngắm nhìn cảnh vật trôi qua trong cái nóng thiêu đốt. Các cô thét lên đầy kinh ngạc và phẫn nộ khiến bọn Ả Rập khoái chí, cầm của họ lên và lắc qua lắc lại. Tôi đã từng thấy bọn khi trong thảo cầm viên Singapore làm trò này với khách

tham quan nào không cho chúng chuối. Sau này tôi hiểu ra rằng họ căm thù người Anh. Còn tại sao thì tôi không biết. Đó là lần đầu tôi rời Singapore đi nước ngoài. Tôi bị lọt vào một thế giới mới gồm cả yêu thương và căm thù, những thành kiến và định kiến của các dân tộc khác nhau.

Không ai ở Anh biết tôi đang đến, vì vậy không hề có sự chuẩn bị đón tiếp tôi khi tàu đến Liverpool vào ngày 3/10, sau khi rời Singapore 17 ngày. Tuy nhiên khi tôi biết các sinh viên Hồng Kông được chính phủ họ đỡ đầu sẽ được các nhân viên thuộc Văn phòng Thuộc địa đón tiếp, tôi quyết định đi cùng họ. Xe lửa của chúng tôi tới London lúc khuya đó và tôi đi taxi theo họ đến ký túc xá Victoria League ở Earl’s Court. Ở đó tôi được nhận một chiếc giường hai tầng giống như chiếc trên tàu Britanic, trong một căn phòng giống như cái hang ở một tầng hầm không cửa sổ. Tôi nhận ra mình đang ở chung với khoảng 20 sinh viên Phi châu và Caribê. Đó là một cú sốc nữa. Tôi chưa từng gặp một người Phi châu ngoài đời, mà chỉ thấy trong hình ảnh. Tôi không hề chuẩn bị cho mùi kỳ lạ của thân thể họ, hoàn toàn không giống mùi của những chủng tộc khác ở Singapore. Đêm đó tôi ngủ không yên.

Tôi phải đi tìm một chỗ khác để ở, và sau 12 ngày sống tạm ở YMCA9, tôi tìm được cho mình một căn phòng ở số 8 đại lộ Fitzjohn. Đó là một con đường tuyệt đẹp, yên tĩnh với những hàng cây thẳng hàng chỉ cách nhà ga xe điện ngầm Swiss Cottage và bến cho chiếc xe buýt số 13 sẽ đưa tôi thẳng đến Strand gần trường Kinh tế London (London School of Economics – LSE) một khoảng ngắn.

Tôi vẫn phải kiếm một chỗ ở LSE, điều đó không dễ dàng chút nào. Học kỳ bắt đầu cách nay hai tuần, và các trường đại học đầy những quân nhân giải ngũ. Nhưng tôi cố xoay xở để gặp vị trưởng khoa luật, giáo sư Hughes Parry. Tôi giải thích với ông ta là tôi đã mất hết ba năm rưỡi, và rằng tôi đã đi trên một chuyến tàu chở binh lính sớm nhất mà tôi có thể kiếm được vé, mà không biết là mình có thể gởi đơn xin học qua bưu điện. Tôi trưng ra kết quả ở năm đệ nhị cấp Cambridge 1939 mà tôi đậu đầu trên toàn lãnh thổ Singapore và Malaya để thuyết phục ông ta rằng tôi sẽ không gặp khó khăn gì trong việc theo kịp chương trình, dù tôi nhập học trễ. Ông ta đồng tình và nhận tôi vào.

Đó là một cuộc sống lạ lẫm. LSE giống như một khách sạn bận rộn, hoàn toàn không giống với nhịp sinh hoạt nhàn rỗi, dễ thở ở đại

học Raffles, nơi các sinh viên trong những khu ký túc đi chậm rãi đến các phòng học, ngồi loanh quanh trong các phòng dành cho sinh viên năm thứ nhất và dự những giờ phụ giảng gồm hai, ba hoặc bốn sinh viên là tối đa. LSE là một tòa nhà nhiều tầng và các sinh viên cứ chạy lên chạy xuống bằng thang máy, mọi người đều vội vã làm một cái gì đó, ở đâu đó. Các buổi học là một sự tranh giành. Sau một buổi học ở LSE, tôi sẽ lao qua Strand tới đại học King dự một buổi học khác, rồi phải đón xe điện ngầm hoặc xe buýt đến Euston dự buổi học thứ ba tại đại học London – nơi đẹp nhất trong ba nơi vì nó xa hẳn sự náo nhiệt của trung tâm London, và cùng với những khu bệnh viện, nó có một cái gì đó mang không khí của một trường đại học.

Có một việc tình cờ đầy thú vị xảy ra vào đầu năm học ở lối vào LSE. Trong khoảng một tuần, các sinh viên đại diện cho các câu lạc bộ khác nhau – Câu lạc bộ Lao động, Câu lạc bộ Tự do, Câu lạc bộ Bảo thủ, Câu lạc bộ Xã hội – đứng cạnh những căn lều nhỏ, chìa ra những cuốn sách mỏng và chiêu mộ những thành viên mới. Tích cực nhất trong việc vận động các sinh viên thuộc địa là những người cộng sản. Họ mang tên Câu lạc bộ Xã hội, nhưng tôi nhanh chóng nhận ra sắc thái Mác–xít và phương pháp của họ trong việc nhờ các nữ sinh viên người Anh để vận động các sinh viên từ châu Phi, Caribê và một vài người châu Á. Tôi tránh xa tất cả bọn họ.

Tôi bị cú sốc văn hóa trước khi làm quen được mọi sự. Khí hậu, quần áo, thức ăn, con người, thói quen, cung cách, đường phố, địa lý, việc sắp xếp giờ đi lại – mọi thứ đều khác biệt. Tôi không hề được chuẩn bị gì cả ngoài tiếng Anh, một sự hiểu biết lơ mơ về văn chương Anh và những tiếp xúc với những tay thực dân Anh trước đây.

Để có một căn phòng vừa để ngủ vừa tiếp khách được, tôi phải trả giá cắt cổ 6 bảng mỗi tuần, một số tiền lớn đối với người đã thôi kiếm ra tiền. Thật may là nó bao gồm cả bữa điểm tâm. Trong phòng có một lò sưởi bằng ga và một bếp ga, và tôi phải nhét một xu vào đồng hồ đo để sưởi và nấu ăn. Tôi khổ sở ghê gớm về vụ thức ăn. Nó được phân theo suất, và nhà hàng mà tôi có thể ăn mà không cần tem phiếu thì đắt tiền. Tôi không biết cách sử dụng suất khẩu phần đã mua, và chúng không bao giờ đủ dùng. Tôi lại không có tủ lạnh. Quyển sách Dạy nấu ăn trong Phòng khách kiêm phòng ngủ

thì chưa được viết. Tôi đã có những kinh nghiệm tai hại về việc đun sữa, mà nó trào tùm lum, cùng với việc chiên thịt lợn muối và thịt bò, nó cứ teo lại và bốc mùi khắp phòng. Mùi đó không bay đi hết trong vài giờ cho dù tôi đã mở tung các cửa sổ và cửa chính cho gió thông mặc cho trời lạnh. Chúng bám vào vải trải giường và màn cửa. Thật là kinh khủng. Những bữa trưa tại căng tin cả ba trường đại học đều tồi tệ và khó tiêu.

Đêm thì lạnh và cô đơn. Khi tôi trở về Swiss Cottage mỗi tối với những công chức Anh, tôi cảm thấy hài lòng vì không phải quay về khu ở dành cho những sinh viên thuộc địa. Nhưng tôi luôn cô đơn, mọi người đều rút vào phòng riêng và đóng cửa lại, vì không có phòng khách và phòng ăn chung, và mỗi sáng có người mang bữa điểm tâm lên tận phòng hoặc mỗi người tự nấu lấy. Khi gặp những khó khăn trong việc nội trợ, tôi hỏi ý kiến các cô gái Anh, có sáu cô thư ký văn phòng trẻ tuổi ở chung một căn phòng trên gác thượng. Họ khuyên tôi nên mua thịt ở đâu và chỉ tôi cách giữ thịt và bơ tươi mà không cần tủ lạnh (để chúng trên ngưỡng cửa sổ ngoài trời lạnh, nếu mang vào nhà chúng sẽ bị chua). Từ những bạn sinh viên, tôi học cách tiết kiệm 6 xu tiền trả cho máy giặt nếu như tôi giặt khăn tay và hong khô chúng trên chiếc gương ngay trên bồn rửa mặt. Nhưng tôi không thể làm vậy với áo sơ mi và áo lót. Và các tay áo và cổ áo sơ mi chưa đầy một ngày đã dính đầy bụi London. Tôi rất đau đầu với những việc nhỏ nhặt mà hồi ở Singapore tôi vẫn cho là tự nhiên phải có. Hồi đó gia đình cung cấp mọi thứ tôi cần. Giày tôi được đánh bóng, quần áo được giặt ủi cẩn thận, thức ăn sẵn sàng. Tất cả những gì tôi phải làm là bày tỏ ý muốn ra thôi. Giờ thì tôi phải tự lo liệu mọi chuyện. Đó là một cuộc sống mệt mỏi về thể xác, hơn nữa, với phần lớn thời gian dành cho việc di chuyển từ nơi này đến nơi khác, tôi đã quá mệt mỏi do đi bộ, và việc đi lại bằng xe buýt và xe điện đã khiến tôi không còn sức lực cho học tập và suy ngẫm nữa.

Một ngày, sau buổi học thêm về luật hiến pháp, tôi tìm đến giáo sư Glanville L. Williams. Tôi đã xem trong danh sách của trường LSE, biết rằng ông ta xuất thân từ đại học St John, Cambridge, nơi ông ta đã lấy bằng PhD (tiến sĩ). Tôi hỏi ông ta về Cambridge và đời sống ở đó. Ông ta nói đó là một thành phố nhỏ, mà mọi sinh hoạt của nó tập trung vào trường đại học, khác hẳn London. Nhịp sống ở đó thật

thong thả. Sinh viên và các giảng viên di chuyển bằng xe đạp. Nghe có vẻ hấp dẫn, tôi quyết định đến thăm nơi đó.

Tôi đến đó vào cuối tháng 11/1946, và gặp một sinh viên Đại học Raffles, Cecil Wong, người hiện đang ở tại Fitzwilliam House, một tổ chức không liên quan đến đại học chuyên phục vụ các sinh viên nghèo với mức chi phí thấp hơn nhiều. Cecil dẫn tôi đến gặp viên giám thị của Fitzwilliam, ông W.S Thatcher người tương đương giám đốc trường đại học. Billy Thatcher là một người rất có ấn tượng, ông từng được thưởng huy chương Thập tự Quân đội trong Thế chiến thứ I vì công trạng tại xứ Flanders, nơi ông đã bị thương nặng. Mặt ông đầy sẹo, và vì vòm miệng ông bị tổn thương, giọng nói ông bị ngọng. Ông theo sát những nguyên tắc Cơ đốc giáo và có một tình thương bao la dành cho những kẻ bị thua thiệt. Thatcher rất được các giảng viên cũng như sinh viên kính trọng. Tôi kể lại tường tận mọi vấn đề của tôi với ông. Ông bắt đầu mến tôi và chịu nhận tôi vào ngay trong năm học đó khi học kỳ Lent bắt đầu vào đầu tháng 1/1947, miễn là anh bạn Cecil đồng ý cho tôi ở chung phòng. Cecil đồng ý ngay tức khắc. Tôi vui mừng khôn xiết và vô cùng biết ơn. Tôi quay lại London giải quyết công việc và gói ghém đồ đạc. Đầu tháng 1, tôi đáp xe lửa từ nhà ga King’s Cross, đến Cambridge sau hai tiếng, và đón taxi về chỗ ở của Cecil tại số 38 đường Belvoir.

Hai tuần sau, tôi viết thư cho giáo sư Hughes Parry báo tin là tôi quyết định rời LSE và đến Cambridge. Tôi nhận được lá thư trả lời đầy giận dữ: “Tôi cần nhắc cho anh nhớ rằng tôi đã phá lệ của mình để thuyết phục những người có thẩm quyền trong trường này nhận anh trong khi chúng tôi đã từ chối những người khác,” ông viết. “Cách cư xử của anh cho thấy rằng tôi đã sai khi đánh giá về anh, và rằng lẽ ra tôi không nên sẵn sàng giúp đỡ như vậy.” Nhận được lá thư, tôi quyết định đến gặp ông ngay, đối mặt ông để nhận những trách cứ. Tôi tới văn phòng của ông và giải thích đời sống khó khăn cho tôi như thế nào trong học kỳ đầu tiên, rằng tôi đến từ một thành phố nhỏ và cảm thấy lạc hướng hoàn toàn trong một thành phố mấy triệu người, hoàn toàn không quen biết một ai, với mọi người hối hả chung quanh trong một tốc độ chóng mặt. Hơn nữa tôi không thể lo được mọi nhu cầu cho mình.

Ông lắng nghe những nỗi khổ của tôi. Hẳn tôi trông đầy vẻ chân thành, và ông đã dịu lại và nói lẽ ra tôi phải nói những chuyện đó ngay với ông. Ông có thể chuẩn bị chỗ ở cho tôi trong một ký túc xá

mà chỗ đó có thể cung cấp những thứ tôi cần. Giờ đây nhìn lại những năm tháng đó, tôi mừng vì mình đã không ở lại London. Tôi chắc là mình tất sẽ có một thời kỳ khốn khổ. Nhưng tôi vẫn luôn cảm thấy hối hận vì đã phụ tấm lòng quý mến đặc biệt mà ông dành cho tôi. Khi ông trở thành phó hiệu trưởng trường London University vào cuối những năm 70, và tôi trở thành thủ tướng Singapore, tôi định viết thư cho ông nhưng nghĩ lại tốt hơn là để nó qua đi. Có lẽ tôi chỉ nên nói với ông là tôi không bao giờ quên lòng tốt của ông.

London có những đền bù của nó – và những bài học của nó dành cho một luật sư tương lai. Một người đã gây ảnh hưởng nhiều đến tôi trong học kỳ đầu tiên tại LSE là Harold Lasky, một giáo sư môn chính trị. Giống như những sinh viên khác không học môn chính trị, tôi cũng dự vài giờ giảng của ông. Ông là một diễn giả có sức hấp dẫn mạnh, một vóc dáng nhỏ bé không gây chút ấn tượng nào, nhưng lại có một trí tuệ sâu sắc. Phần trình bày lý thuyết chủ nghĩa xã hội Mác–xít của ông đã tác động mạnh mẽ lên nhiều sinh viên thuộc địa, nhiều người trong số họ sau này sẽ nắm quyền và lèo lái nền kinh tế lạc hậu của xứ họ một cách tồi tệ bằng cách thực hiện những chính sách không thích hợp dựa trên những gì họ nghĩ là Lasky đã dạy. Thật may là trước khi tôi ở vào địa vị có thể làm bất cứ điều gì có hại, tôi đã có kinh nghiệm về những chính sách kinh tế thất bại đó để cảnh báo tôi về mối nguy hiểm này.

Hai hay ba bài giảng của Lasky mà tôi từng tham dự là bài học vỡ lòng của tôi về lý thuyết chung của chủ nghĩa xã hội, và ngay lập tức tôi bị nó hấp dẫn. Nó thức tỉnh tôi một cách rõ ràng rằng mọi người trên thế giới đều phải có cơ hội đồng đều trong cuộc sống, rằng trong một xã hội công bằng và trật tự thì không được có sự chênh lệch lớn lao về của cải giữa con người vì địa vị hay thân phận của họ, hay của cha mẹ họ. Tôi không phân biệt các chủng tộc và dân tộc khác nhau. Chúng tôi là bộ phận của Đế quốc Anh, và tôi tin là người Anh sống sung túc là nhờ vào tiền của từ tất cả các thuộc địa của họ. Những tư tưởng mà Lasky trình bày vào thời điểm đó, vì thế lôi cuốn những sinh viên thuộc địa. Chúng tôi đều muốn nền độc lập cho xứ mình để có thể giữ gìn sự sung túc cho chính chúng tôi.

Rồi tôi nghĩ rằng sự sung túc chủ yếu dựa vào sự sở hữu tài nguyên thiên nhiên và đất đai, hoặc đất đai màu mỡ với mưa thuận gió hòa cho nông nghiệp và lâm nghiệp, hoặc các khoáng sản quý giá, hoặc dầu hỏa và khí đốt. Chỉ vài năm sau khi nắm quyền, tôi

mới nhận ra rằng hiệu năng lao động của các chủng tộc khác nhau ở Singapore, cũng như của các tầng lớp trong cùng một chủng tộc, là rất chênh lệch. Sau khi thử nghiệm nhiều cách để giảm bớt sự bất bình đẳng và bị thất bại, dần dần tôi phải thừa nhận rằng nhân tố quyết định là con người, với những năng lực tự nhiên, học vấn và rèn luyện của họ. Kiến thức và sự sở hữu về công nghệ là rất quan trọng trong việc tạo ra của cải.

Nhưng ý tưởng về một xã hội tốt đẹp, công bằng và bình đẳng đã hấp dẫn tất cả các sinh viên thuộc địa, và nhóm Fabian10 ở Anh đã hô hào phương thức tiến từng bước đến lý tưởng mà không cần phải trừ khử và tước đoạt tài sản của bọn giàu. Bằng cách từng bước một, và không cần phá vỡ cơ cấu kinh tế hoặc gây một biến động xã hội, bọn giàu có thể bị tước đoạt tài sản thông qua việc đánh thuế suốt đời họ, và thông qua thuế di sản nặng nề sau khi họ chết. Rồi con cái của họ phải khởi sự lại từ đầu trên cùng nền tảng như những kẻ có cha mẹ nghèo hơn. Tôi không thấy có gì sai về điều đó. Tôi còn quá trẻ nên chưa hiểu những luật sư Anh khéo léo ra sao trong việc lập những chứng thư ủy thác để chính phủ khó mà thu được nhiều thuế bất động sản.

Tôi bị phương pháp tiếp cận Fabian hấp dẫn đến độ vài năm sau khi rời khỏi Anh, tôi vẫn đặt mua dài hạn các tạp chí và bản tin của họ. Nhưng đầu những năm 1970, tôi bị thất vọng vì tính không tưởng của họ. Một số báo đặc biệt của họ đã khiến tôi không nuốt nổi. Nó bàn về vấn đề giáo dục. Hai vị hiệu trưởng đã viết một bài báo nghiêm túc chứng minh rằng các trường phổ thông hỗn hợp đang bị thất bại, không phải vì chúng sai, mà vì những thầy giáo giỏi nhất vẫn đang dạy cho những học sinh giỏi nhất. Những thầy giáo giỏi nhất phải dạy cho những học sinh yếu nhất, để chúng được nâng lên. Những học sinh giỏi thì dù thế nào chúng cũng học giỏi. Phương pháp tiếp cận Procrustean11 này đã quá mức đối với tôi. Tôi ngưng mua báo dài hạn.

Cambridge thật nhẹ nhõm so với London. Mấy năm trước chiến tranh nó là một thị trấn êm đềm hạnh phúc. Mật độ giao thông ít – nhiều xe đạp, chỉ có vài chiếc ở tô tư nhân, một số xe buýt và xe tải. Hầu hết các hiệu trưởng, sinh viên, trợ giảng, giảng viên và các giáo sư, thậm chí viên giám thị của Fitzwilliam đều đi xe đạp. Tôi mua cho mình một chiếc xe đạp cũ với giá 8 bảng và đạp đi khắp

nơi, cả trong mưa. Đây là chiếc xe đạp được sang tay trong giới sinh viên đã 20 năm hoặc hơn.

Tôi nhanh chóng quen với công việc thường ngày mới. Và tôi ít gặp rắc rối với các bữa ăn. Thức ăn trong ký túc xá bổ dưỡng, với đủ chất tạo năng lượng và chất đạm, dù rất Anh, và rất lạt. Cá tuyết ngoài khơi và cá bơn thì dai nhách và không ngon như cá ven bờ mà tôi từng ăn ở Singapore. Không hề được bày biện hoa lá như trên tàu Britannic, mọi thứ phải được nêm với muối và tiêu. Mặc dù thường đạp xe trong không khí trong lành nhưng ẩm ướt và những bữa ăn đầy đủ, khi tôi trở về Singapore, một lần chụp phim phổi đã cho thấy tôi bị nhiễm lao hồi sống ở Anh. Thật may mắn là nó đã khỏi và chỉ hiện ra một đốm trắng trong phim. Tôi sung sướng vì đã có một chỗ ở Cambridge. Tôi tin mọi chuyện hẳn sẽ tồi tệ hơn nếu tôi lưu lại London.

Để tập luyện, tôi gia nhập Câu lạc bộ Thuyền buồm. Trước tiên, tôi phải tập luyện, không phải bằng việc bơi ngay bằng thuyền, mà bằng việc “tập chèo xuồng” bên bờ sông; ngồi trong chiếc xuồng tập đứng yên một chỗ, và được chỉ cho cách cầm chèo, cách chồm người tới và ngã lui, chỗ đặt chân. Sau khi tập luyện mỗi tuần hai lần trong ba tuần, tôi được cho lên một chiếc xuồng thực sự. Vào buổi chiều cho buổi chèo thuyền thực tế lần thứ hai đã được ấn định sẵn của tôi, một cơn bão tuyết nổi lên và tôi cho rằng buổi tập bị hủy bỏ. Tôi bị trách mắng nghiêm khắc. Bảy người nữa và anh trưởng toán đã có mặt nhưng không thể ra khơi vì thiếu tay chèo thứ tám là tôi. Tôi cho rằng người Anh hơi điên và rời khỏi Câu lạc bộ Thuyền buồm. Sau này, việc đạp xe quanh Cambridge đi từ chỗ trọ đến nơi học và từ nơi học về Fitzwilliam House để ăn uống đã giúp tôi có cơ hội tập luyện thân thể.

Lớp luật Qualifying One năm đầu tiên thì không đông, chỉ khoảng 30 sinh viên thay vì 200 như ở London. Phần lớn sinh viên lên tới đại học là những cựu chiến binh, họ được chiếu cố đặc biệt để tốt nghiệp trong vòng hai thay vì ba năm, vì thế họ vào thẳng năm thứ hai. Không như họ, tôi phải học năm thứ nhất Qualifying One, và phải học ba năm. Các sinh viên người Anh đang học với tôi đều trẻ, chỉ khoảng 18, 19 tuổi lên thẳng từ trung học. Tôi đã 23. Có vài người từ Malaya, trong đó có Yong Pung How, khoảng 20 tuổi và đến từ Kuala Lumpur. (Năm 1990 ông ta trở thành chính án Tòa án tối

cao Singapore.) Vì tôi vào trễ học kỳ đầu tiên, nên Pung How đã sẵn lòng cho tôi mượn bài vở ghi chép của anh. Chúng thật sạch sẽ, dễ hiểu và là một bảng tóm tắt thật đầy đủ về vấn đề căn bản mà tôi đã bị thiếu. Chúng thật hữu ích vì giáo trình của Cambridge có những môn khác hẳn so với giáo trình năm đầu của tôi ở London. Suốt kỳ nghỉ Lễ Phục sinh, tôi học gạo những gì mình bị sót và đuổi kịp chương trình. Tháng 5, khi kỳ thi Qualifying One được tổ chức, tôi đã chuẩn bị khá đầy đủ. Ba tuần sau, tháng 6, khi kết quả kỳ thi được thông báo ở Senate House, tên tôi nằm trong số ít người được xếp loại I. Tôi đánh điện về nhà báo tin vui này.

Tôi rất vui vì đã không phụ lòng viên giám thị, người đã nhận tôi vào trễ một học kỳ mà chỉ dựa vào học bạ của tôi. Billy Thatcher, theo như cách gọi đầy yêu thương của đám sinh viên, gặp tôi bên ngoài Fitzwilliam khi tôi dựng xe đạp vào ăn trưa trong nhà ăn. Ông dừng lại để chúc mừng tôi. Tôi có thể thấy được là ông rất hài lòng. Ông đã nói với tôi khi tôi gặp ông vào tháng 12/1946: “Lee, khi anh vào Cambridge, là anh đã gia nhập vào một cái gì đó đặc biệt, giống như gia nhập vào Đội kỵ binh Hoàng gia và không chỉ đơn thuần là tham gia vào quân đội. Anh phải đứng cao hơn thế nữa kìa.” Khi tôi trả lời rằng tôi sẽ cố để đạt được Loại I, ông nghiêm nghị nhìn vào tôi và nói: “Lee, đừng thất vọng nếu không làm được. Ở Oxford và Cambridge, anh cần có chất lửa khác thường đó, một điều gì đó đặc biệt trước khi anh đạt Loại I.” Tôi hài lòng khi các giám khảo Cambridge đã xác định tôi đã có cái điều gì đó đặc biệt rồi.

Lòng tràn đầy phấn khởi, tôi mua cho mình một chiếc mô tô cũ, một chiếc Matchless cũ của quân đội, nó không còn đẹp, nhưng máy vẫn tốt, giá khoảng 60 bảng. Bất chợt tôi trở nên cơ động hơn. Tôi lang thang khắp miền đồng quê Cambridge và thăm thú được những nơi mà xe buýt và xe lửa không thể tới được. Tôi có thể dừng lại mua sơ ri và dâu tây ở những chỗ nông dân trương những tấm bảng lên mời khách đến ăn hoặc mua chúng.

Cuối tháng 6, Choo viết thư báo cho tôi là cô đã nhận một chứng chỉ hạng nhất. Giờ cô có cơ hội tốt để giành học bổng Nữ hoàng du học ở Anh. Tôi rất lạc quan. Cuối tháng 7 tôi nhận được tin vui nhất, Choo đánh điện báo tin cô đã được hưởng học bổng Nữ hoàng. Nhưng Văn phòng Thuộc địa không tìm được chỗ cho cô trong bất kỳ đại học nào trong năm học bắt đầu vào tháng 10/1947. Cô phải đợi

đến năm 1948. Rơi vào thế phải hành động, tôi đã nát óc tìm cách đưa cô vào Cambridge.

Tôi tìm ông Barret, chánh văn phòng tại Fitzwilliam. Ông là một người béo phệ, có năng lực và từng trải ở độ tuổi ngoài bốn mươi của ông. Ông đã từng chứng kiến hàng trăm sinh viên đến rồi đi. Ông biết viên giám thị mến tôi. Tôi nói với ông về cô bạn ở Singapore của mình, rất thông minh, đã được nhận học bổng cao nhất để du học ở Anh. Cô ấy muốn học luật. Làm cách nào cô ấy có thể vào Cambridge đúng vào học kỳ lễ Thánh Michael? Với ánh lấp lánh trong đôi mắt, ông nói:

– Anh biết là ngài giám thị quen rất thân với cô Butler, dạy ở

Girton. Giờ nếu như anh nhờ được ông ấy nói với cô ấy, sự thể có thể khác đi.

Tôi rất kích động trước khả năng này.

Chỉ còn hai tháng để lo trước khi năm học bắt đầu. Tôi yêu cầu được gặp ngài giám thị. Không chỉ đồng ý gặp, ông còn vui lòng giúp đỡ tôi nữa. Ngày 1/8, ông viết cho cô Butler một lá thư, và một lá nữa cho hiệu trưởng Newham, một trường đại học nữ khác ở Cambridge. Cả hai trả lời ngay. Newham dành cho một chỗ vào năm học 1948. Cô Butler thì tích cực hơn. Cô vui lòng dành một chỗ trống vào tháng 10/1947 mà Girton để dành cho những trường hợp đặc biệt, miễn là Choo có đủ tiêu chuẩn được vào. Thatcher viết gởi kèm cho tôi cả hai thư trả lời đó. Tôi lao ngay tới Ủy ban đặc trách thi cử thuộc đại học Cambridge gần đường Silver dọc sông Cam. Tôi cho họ biết năm Choo nhận bằng Đệ nhị cấp Cambridge của cô – năm 1936. Họ truy ra kết quả của cô và trao cho tôi một bản sao có chứng thực – cô ấy là học sinh đỗ đầu năm học ấy.

Rồi tôi viết một lá thư yêu cầu được gặp cô Butler ở Girton. Cô vui lòng tiếp tôi, và tôi đến đúng giờ hẹn vào buổi sáng ngày 6/8. Tôi nói với cô rằng bạn tôi, cô Kwa, là một cô gái rất thông minh, thông minh hơn cả tôi, và rằng cô ấy đứng đầu danh sách, cao hơn cả tôi ở Đại học Raffles trong nhiều trường hợp. Tôi thêm rằng mình đã vào Cambridge trễ một học kỳ và đứng nhất trong kỳ thi Qualifying One, và tôi tin rằng cô ấy cũng sẽ học được như vậy. Cô Butler là một phụ nữ tóc bạch kim dễ mến với đôi kính cận, hơi tròn trĩnh và có vẻ phúc hậu. Cô thích thú với chàng trai trẻ người Hoa đang nhiệt tình tán dương cô bạn gái của anh ta là một sinh viên hơn hẳn anh ta và

cô bị hấp dẫn với ý tưởng rằng có lẽ cô gái ấy là một ngoại lệ. Cùng ngày ấy tôi đánh điện cho Choo: “Girton nhận. Thư từ chính thức sẽ tới. Chuẩn bị mau lên.”

Cô lên một chuyến tàu chở binh lính ở Singapore cuối tháng 8. Tôi nôn nao chờ ở bến cảng và cuối cùng cô cũng đến được Liverpool vào đầu tháng 10. Tôi xiết bao vui mừng được gặp lại cô sau một năm dài chia ly. Chúng tôi đáp xe lửa đến London ngay và sau năm ngày ở đó, chúng tôi tới Cambridge.

Lúc này tôi đã biết tự tổ chức và quen thuộc với nơi này. Nhưng lại có những vấn đề mới. Ông Pounds, một trợ giảng trẻ tuổi và là thủ quỹ của Fitzwilliam, phân cho tôi những phòng cách Cambridge ba dặm về phía Nam. Tôi giật mình. Girton thì ở phía Bắc thành phố. Tôi cố hết sức để tìm một căn phòng gần Choo hơn nhưng không được, ông Pounds quả là cương quyết. Tôi cầu đến ông giám thị. Thư trả lời của ông đầy thân ái, nhưng đượm một chút khôi hài:

“Lee thân mến,

…Anh cho rằng anh phải đi một quãng đường dài để đến gặp hôn thê của anh, hoặc vợ anh như anh hằng trông đợi. Không thực sự quá xa như anh nghĩ đâu, đặc biệt nếu tình yêu cung cấp động lực. Tôi không biết anh có đọc các truyện thần thoại danh tiếng không, nhưng hẳn anh còn nhớ người đàn ông đã bơi qua eo Bosphorus mỗi đêm để gặp người yêu của anh ta. Việc đi đến Girton là một việc nhẹ nhàng so với chuyện đó. Theo chuyện kể, chàng trai ấy đã chết đuối khi đang bơi trong một đêm tuyệt đẹp, nhưng tôi nghi ngờ không biết anh có cần phải chết vì kiệt sức trên đường không. Tuy nhiên nếu anh có thể tìm được căn phòng ở gần Girton, chúng tôi sẽ gắng hết sức mình để hợp tác với anh và đăng ký nó cho anh, vì vậy nếu anh thích đến và thử đi tìm, thì hãy làm đi.

Tuy nhiên, tôi không chắc rằng Girton sẽ tán thành việc anh cưới cô gái trẻ đó quá vội vàng, vì họ sẽ rất đương nhiên và chính đáng khi cho rằng ánh lửa đầu tiên của tình yêu lóe lên thì học hành sẽ chẳng còn được ban nhiêu. Nhưng tôi đã quá già để cho lời khuyên giữa một người đàn ông và ngọn lửa trong đôi mắt anh ta.

Bạn chân thành của anh,

W.S. Thatcher”

Một tuần sau, tôi tìm được một căn phòng gần Fitzwilliam tại trại ngựa của thuyền trưởng Harris. Thuyền trưởng Harris nuôi ngựa và loại chó săn cáo. Tôi làm sinh viên ở trọ nhà ông ta. Ông ta đòi một giá quá đắt, khoảng 9 bảng một tuần chỉ cho việc ngủ, ăn sáng, tắm rửa và mọi thứ vặt vãnh khác. Tôi không có sự chọn lựa nào khác. Nó cũng thuận lợi. Tôi sẽ ở đó trong hai năm kế tiếp cho đến khi rời khỏi Cambridge vào mùa hè năm 1949.

Giờ tới lượt Choo bị cú sốc văn hóa. Cô ấy không quen với quần áo len dày sụ mà cô đã mua bằng phiếu vải, thứ áo khoác nặng trịch và sau đó là đôi giày lông cừu dành cho mùa đông. Chúng trĩu nặng trên người cô ấy. Và Girton cách thành phố hai dặm. Cô không đi được xe đạp, nên phải dùng xe buýt. Khả năng định hướng của cô không bao giờ tốt. Đó là thời kỳ cô mất phương hướng.

Sau ít tuần cố điều chỉnh, cô bảo rằng cô nhận thấy tôi đã thay đổi. Tôi không còn là người vui vẻ, lạc quan, dám nghĩ dám làm, một chàng trai có thể làm được mọi thứ, sôi sục niềm vui sống. Bất chấp sự ưu đãi mà tôi đã nhận được, đặc biệt là lòng tốt của Billy Thatcher, và tâm trạng vui vẻ của tôi trong suốt mùa hè thú vị năm 1947, tôi có vẻ như trở nên bài xích nước Anh sâu sắc, đặc biệt là chế độ thuộc địa ở Malaya và Singapore mà tôi kiên quyết sẽ kết thúc nó. Một năm ở London và Cambridge đã hình thành những thay đổi trong tôi, bắt đầu từ khi Nhật chiếm Singapore năm 1942. Giờ tôi đã thấy người Anh ngay trên đất nước họ và tôi nghi ngờ khả

năng của họ trong việc cai trị các thuộc địa vì lợi ích của dân bản xứ. Các viên chức thuộc địa không quan tâm gì tới sự tiến bộ của các nước thuộc địa, mà chỉ quan tâm đến những địa vị hàng đầu và mức lương cao mà các thuộc địa có thể đem lại cho họ. Ở cấp độ quốc gia, họ quan tâm chủ yếu đến việc giữ được nguồn ngoại tệ, chủ yếu là đôla Mỹ, nhờ xuất khẩu cao su và thiếc của Malaya, nhằm nuôi dưỡng đồng bảng Anh suy yếu.

Sau nhận xét của Choo, tôi bắt đầu xét lại chính mình để xem chuyện đó đã xảy ra thế nào. Có thể là nó bắt đầu bằng kinh nghiệm của tôi về định kiến màu da của tầng lớp lao động Anh, những người soát vé xe buýt, những cô gái bán hàng và các chị hầu bàn trong các cửa hàng và nhà hàng, và các bà chủ nhà trọ ở Hampstead mà tôi tình cờ gặp trong khi tìm chỗ trọ. Vài lần tôi đến những ngôi nhà liệt kê trong danh sách “phòng cho thuê” yết thị

gần nhà ga xe điện Swiss Cottage, chỉ để được nghe trả lời, một khi họ thấy tôi là người Hoa, rằng các phòng đó đã có người thuê rồi. Sau này, rút kinh nghiệm về các vụ đó, tôi gọi điện trước cho họ nói rằng tên tôi là Lee, đánh vần “L, hai chữ e” nhưng tôi là người Hoa. Nếu họ không thích một người Hoa, họ có thể thoái thác và tránh cho tôi khỏi mất công đi đến nhà họ.

Những người Anh tôi gặp ở tầng lớp trên – những giáo sư và thầy giáo, những thư ký và thủ thư ở Cambridge và Middle Temple – là những người có học thức, lịch sự và tốt bụng, dù hơi dè dặt. Những sinh viên người Anh thì nói chung là lịch sự, thậm chí thân thiện nữa, nhưng luôn luôn chừng mực. Nhưng dĩ nhiên vẫn có định kiến màu da trong cuộc đua tranh để giành chỗ trong các đội tuyển thể thao, hoặc vì các “huy chương danh dự” và “huy chương bán danh dự” dành cho các môn thể thao ở trường đại học. Những người Singapore và Malaya rất giỏi môn cầu lông, bộ môn được coi như môn bán danh dự, và thực tế họ đã đoạt vài huy chương cho môn đó; nhưng gần như người châu Á không thể nào gia nhập được vào đội tuyển các môn thể thao chủ lực như cricket, bóng bầu dục hoặc

chèo thuyền, môn được coi là danh giá nhất.

Sự đốì xử phân biệt này có thể không hoàn toàn do định kiến màu da, mà nảy sinh từ hệ thống giai cấp – một hiện tượng kỳ lạ khác đối với người đến từ một xã hội năng động, non trẻ của những di dân. Ngay cả giữa sinh viên da trắng với nhau, những người đến từ các trường trung học công lập chính quy vẫn có lợi thế hơn. Và giống như những người còn lại, họ thèm muốn những huy chương ở trường đại học vì nó sẽ thành một vốn quý trong tương lai, và họ có thể ghi chúng vào lý lịch của họ. Chúng là phương tiện để vươn đến những điều lớn lao hơn – bất kỳ ai có huy chương môn chèo thuyền là coi như đã có sự nghiệp. Tương tự, chức chủ tịch Cambridge Union Society (Hội liên hiệp Cambridge) có thể giúp người ta trở thành ứng cử viên tương lai cho một đơn vị bầu cử của đảng Bảo thủ hoặc Lao động, hoặc nhận một công việc trong bộ phận nghiên cứu về một trong các đảng đó.

Cũng có một sự đua tài gay gắt giữa những người châu Á, phần lớn là người Ấn Độ, để được bầu vào Union Society, nhưng trong trường hợp của họ thì thật khó hiểu, bởi vì vào năm 1947, Ấn Độ và Pakistan sắp giành được độc lập. Một sinh viên người Sri Lanka đã

được bầu làm thư ký của Hội Sinh viên (Students’ Union). Tôi tự hỏi điều đó sẽ giúp gì để anh ta trở thành một người lãnh đạo trong một nước Sri Lanka tự do.

Tôi không quan tâm đến những vấn đề linh tinh này. Tôi quyết định tập trung vào việc đạt hạng nhất, bởi điều đó sẽ tạo ảnh hưởng khi tôi trở về Singapore.

Trong khi đó, tôi và Choo bàn nhau về đời sống hướng tới tương lai của chúng tôi ở Anh. Chúng tôi quyết định tốt nhất là chúng tôi cưới nhau một cách lặng lẽ vào tháng 12 nhân dịp lễ Giáng sinh, và giữ bí mật chuyện đó. Bố mẹ Choo sẽ bực bội nếu chúng tôi hỏi ý kiến; trường Girton có thể không tán thành, như viên giám thị đã nhắc nhở tôi trong lá thư của ông; và những người có thẩm quyền trong vụ học bổng Nữ hoàng có thể gây khó khăn. Chúng tôi đã trưởng thành, đều ở độ tuổi ngoài hai mươi, và chúng tôi đã quyết định cẩn thận. Không hề biết gì về động lực thực sự của chúng tôi, một người

bạn Anh giới thiệu một quán rượu ở Stratfort–on–Avon là nơi để nghỉ lễ Giáng sinh và đi thăm nhà hát Shakespeare nổi tiếng. Khi đến đó, chúng tôi thông báo ý định của mình cho nhân viên Văn phòng hôn nhân địa phương, và sau hai tuần lưu trú là đủ để cưới nhau theo luật. Trên đường đến Stratford–on–Avon chúng tôi dừng lại ở London, tại đó tôi mua cho Choo một chiếc nhẫn cưới bằng bạch kim trong một tiệm kim hoàn trên đường Regan. Nhưng khi trở lại Cambridge, cô lại đeo chiếc nhẫn vào sợi dây chuyền cổ.

Dù có sự thay đổi này trong đời sống, chúng tôi vẫn làm việc một cách hệ thống và chăm chỉ trong học tập. Tôi muốn mình phải đạt tiêu chuẩn loại I của kỳ thy sinh viên giỏi cấp I. Nhưng Choo lại phải đương đầu với một thời kỳ khó khăn với chương trình năm thứ hai. Kỳ thi lại đến vào khoảng tháng 5/1948, và tháng 6 kết quả được công bố ở Senate House. Tôi đứng đầu trên danh sách, loại I của cuộc thy sinh viên giỏi. Choo được xếp Loại II trong kỳ thi Law Qualifying Two. Cô thất vọng. Nhưng đó không phải là kỳ thy sinh viên giỏi và không được tính. Tôi an ủi cô, và chúng tôi quyết định đi nghỉ hai tuần ở lục địa châu Âu. Tránh xa các nhóm du lịch, chúng tôi dự định lưu lại năm ngày ở Paris, rồi ở Thụy Sĩ một tuần.

Một việc bất ngờ xảy ra ở Lugano vào hôm ấy đã in đậm trong trí tôi. Tay tiếp tân khách sạn nhìn tôi và hỏi tôi có phải là người Hoa không.

Tôi nói: “Phải, nhưng đến từ Singapore.”

Anh ta nói: “A, Chiang Kai–shek (Tưởng Giới Thạch).”

Anh ta không biết sự khác nhau. Tôi không hề tự hào về Chiang Kai–shek. Ông ta đã bị Quân đội Nhân dân Giải phóng đuổi khỏi Trung Hoa lục địa. Nhưng tôi đã quen thấy những người châu Âu nhận ra tôi là một người Hoa. Chúng tôi đã có kỳ nghỉ tuyệt vời nhất trong đời mình, tham quan, đi dạo, ăn và uống bia, rượu vang và sâm–panh.

Tháng 10, chúng tôi trở về Cambridge chuẩn bị cho năm cuối. Chúng tôi dự các buổi giảng, viết tiểu luận và làm bài tập cho những giám sát viên, đọc sách ở thư viện hoặc trong phòng tôi tại trại ngựa của thuyền trưởng Harris. Nhưng cuộc sống không chỉ có công việc. Vào những ngày cuối tuần và một vài tối tôi sẽ đạp xe đến Girton, và Choo sẽ nấu những món ăn Singapore trên cái bếp ga của cô ở khu nhà tập thể dục. Tôi sẽ mời thêm Yong Pung How và Eddie Barker, cũng là người được nhận học bổng Nữ hoàng từ Đại học Raffles và đang học luật. Đôi khi, toàn bộ khẩu phần thịt cả tuần của tôi biến thành món cà–ri, hoặc Choo sẽ làm món kway teow chiên tuyệt vời, dùng thịt gà thay cho thịt heo, và ớt Hungari thay cho ớt bột.

Hiện thời, chúng tôi đã thích nghi và thiết lập được những mối quan hệ tốt đẹp. Tôi đã thu xếp để được học với những giám sát viên giỏi nhất Cambridge. Họ là những nghiên cứu sinh của Trinity Hall, hồi đó là trường luật hàng đầu, nhưng sau khi tôi đạt loại I vào cuối năm đầu tiên, tôi có thể thuyết phục họ giám sát tôi dù tôi ở Fitzwilliam. Giám sát viên giỏi nhất của tôi là Trevor Thomas. Ông ta có đầu óc thông minh, quả quyết và có hệ thống.

Tôi cũng kết bạn với một số sinh viên người Anh. Một số trong đó là những tay tích cực trong Câu lạc bộ Lao động của trường đại học Cambridge, những người sau này trở thành ứng cử viên của đảng Lao động trong cuộc tổng tuyển cử năm 1950; một số khác đi theo những ngành luật khác nhau và trở thành những giáo sư lỗi lạc trong ngành công pháp quốc tế, luật đối chiếu và luật công nghiệp. Họ là một nhóm người thông minh và tốt bụng.

Tháng 2/1949, tôi đại diện cho đại học Cambridge dự một cuộc tranh luận (cuộc tranh luận thực tập) tại Oxford trước một thẩm phán tên là Sellers. Các luật sư sinh viên khác có vẻ như không nắm

được điểm tế vi về luật đang tranh cãi, và khi tôi nắm bắt được nó, gương mặt của Sellers tươi hẳn lên. Khi đọc bản nhận xét, ông ta đã khen ngợi tôi. Nhưng tôi không hề tham dự một cuộc tranh luận nào của Cambridge Union Society. Tôi nghĩ thật là kém khôn ngoan khi nghĩ sao nói vậy trước khi bàn bạc với bạn bè tôi về con đường tôi sẽ đi khi trở về Singapore.

Tuy nhiên, khi ở London, trong một số dịp, tôi có đến Hạ nghị viện để nghe các bài diễn thuyết. Vài dân biểu thuộc đảng Lao động tỏ vẻ thân thiện với các sinh viên thuộc địa (không như nhóm Bảo thủ thường không tán thành lòng khao khát tự do của họ). Fenner Brockway, dân biểu hạt Eton và Slough sẽ gặp tôi tại Westminster để cho tôi một vé vào Strangers’ Gallery. Stanley Awbery (sau này là Huân tước Awbery) giống như Fenner Brockway, một người ủng hộ các dân tộc thuộc địa bị áp bức. Đảng Lao động có một số diễn giả lỗi lạc. Tôi còn nhớ, vào lần viếng thăm đầu tiên của tôi vào năm 1947, được chứng kiến Stafford Cripps phê phán tơi bời vị Bộ trưởng Bộ thuộc địa chịu ảnh hưởng của đảng Bảo thủ. Ông ta có đầu óc thông minh.

Chúng tôi thi đợt cuối cùng vào tháng 5/1949, và khi kết quả được cống bố vào tháng 6, tôi thật hài lòng. Tôi đậu đầu và đạt được ngôi sao duy nhất dành cho tài năng xuất chúng trong danh sách danh dự kỳ thy sinh viên giỏi cấp II. Choo cũng đạt loại I, và chúng tôi đánh điện báo tin vui về cho gia đình. Đó là dấu ấn tốt đẹp cho giai đoạn kế tiếp trong đời tôi. Trước khi một sinh viên có thể nhận bằng của mình, nguyên tắc trường đại học đòi hỏi anh ta “giam mình” ít nhất là chín học kỳ, nói cách khác là anh ta phải lưu trú trong trường hoặc ở trong phòng trọ đã được chấp thuận khoảng tám tuần trong một học kỳ. Choo ở trong trường Cambridge chỉ có sáu học kỳ; còn tôi chỉ có tám. Hẳn người ta đã xét tới những trường hợp miễn trừ đặc biệt vì cả hai chúng tôi đều được phép nhận bằng tốt nghiệp vào giữa mùa hè, ngày 21/6. Nếu không, tôi sẽ phải ở lại Cambridge thêm một học kỳ nữa, và Choo thêm ba học kỳ trước khi chúng tôi được cấp bằng tốt nghiệp.

Cambridge rất coi trọng việc giữ gìn những truyền thống cổ kính mà nó đã trở thành kỳ lạ hơn theo năm tháng, nhưng những truyền thống ấy đã làm tăng vẻ huyền thoại của chốn này như một trung tâm nghiên cứu lâu đời. Vào ngày Đại hội tất cả đại học, các sinh

viên xếp thành hàng dài theo thứ tự bề dày lịch sử của mỗi trường và, do các trợ giảng dẫn đầu, họ bước vào tòa nhà Senate House gần các trường luật. Là giám thị, Billy Thatcher đích thân dẫn tôi và những người khác tiến về phía trước – Fitzwilliam, vốn không thuộc trường đại học, nên ở cuối hàng. Sau đó chúng tôi chụp hình với các vị hiệu trưởng và những sinh viên khác trên bãi cỏ bên ngoài Senate House. Vài giảng viên luật, những người với tư cách là giám sát viên

ở Trinity Hall đã dạy tôi và Choo, cũng có mặt ở đó để chung vui với chúng tôi, kể cả Trevor Thomas, Pung How đã ghi lại giây phút đó bằng máy ảnh của mình.

Rồi chúng tôi dời sang nhà của Trevor Thomas trong Trinity Hall uống sâm–panh để kỷ niệm dịp đó. Một giảng viên khác, Tiến sĩ T. Ellis Lewis, được gọi thân mật là TEL, người đã dạy cả hai chúng tôi, cùng tham dự. Ông ta là người xứ Wales, với khuôn mặt khôi hài dễ mến, đầu hói chỉ còn lưa thưa mấy sợi trắng, ở hai bên và cặp kính không gọng. Ông nói với Choo và tôi: “Nếu nó là một thằng nhóc, hãy gởi nó cho chúng tôi ở Trinity Hall”. Khi Loong, con đầu của chúng tôi, ra đời năm 1952, tôi đã viết thư cho viên trợ giảng để giữ trước một chỗ cho nó. Nhưng 19 năm sau, Loong quyết định vào Cambridge thay vì Trinity College, mà Isaac Newton đã xác định như một ngôi trường hàng đầu về toán học. Những trợ giảng giỏi ở Trinity đã giúp nó trở thành sinh viên đỗ cao nhất trong môn toán chỉ trong vòng hai năm thay vì ba năm như thường lệ.

Hình chụp về buổi lễ tốt nghiệp ấy mà tôi trân trọng gìn giữ nhất là bức hình chụp Billy Thatcher đứng giữa tôi và Choo. Tôi đã không làm ông ấy thất vọng, và “cô bạn” của tôi cũng vậy. Thatcher đã để lại một ấn tượng sâu đậm nơi tôi. Ông là một người hiểu biết, ân cần, luôn dành nhiều thời gian cho các sinh viên của mình. Một ngày nọ, khi tôi đang dùng trà với ông trong phòng, ông chỉ những công nhân cầu đường đang đào xới trên đường Trumpington, và nói rằng trong ba giờ làm việc lúc nãy họ đã nghỉ hai lần để uống trà. Trước và trong chiến tranh thì họ khác. Bây giờ họ không thích làm việc hết mình, và như thế đất nước sẽ không tiến lên được. Tôi nghĩ ông là một ông già phản động, nhưng ông dạy môn kinh tế mà, và nhiều năm sau tôi kết luận rằng ông biết điều gì tạo ra sự phát triển. Vào dịp khác, ông nói với tôi: “Anh là người Hoa. Người Hoa các anh có một nền văn minh lâu đời từ vài nghìn năm để nâng đỡ các anh. Đó

là một lợi thế lớn.” Ngay trước khi chúng tôi rời Cambridge vào tháng 6/1949, ông mời tôi và Choo dùng cà phê buổi sáng lần cuối cùng. Ông vỗ nhẹ tay Choo, nhìn tôi và nói: “Anh ấy quá thiếu kiên nhẫn. Đừng để anh ấy lâm vào cảnh gấp gáp như thế.” Ông đã hiểu tâm tính tôi khá rõ, nhưng ông cũng biết là tôi có một mục đích nghiêm túc trong cuộc sống và kiên quyết đạt cho bằng được nó.

Nhận được bằng tốt nghiệp, chúng tôi thực hiện một kỳ nghỉ 10 ngày, lần này chúng tôi du lịch khắp nước Anh và Scotland trên một toa xe lửa. Nhưng chúng tôi chưa hoàn tất việc nghiên cứu ngành luật của mình. Để hành nghề ở Singapore, chỉ một bằng cấp ở đại học Cambridge không thôi là chưa đủ. Chúng tôi phải làm mọi cách để đủ tiêu chuẩn là một cố vấn pháp luật hay một luật sư ở Anh. Vì vậy chúng tôi gia nhập vào Middle Temple, là một trong bốn Cơ sở Pháp đình (Inn of Court) có đặc quyền dạy và sát hạch sinh viên trước khi thu nhận vào Luật sư đoàn. Khi chúng tôi du lịch về, chúng tôi thử sống ở London và thuê ngay một căn phòng không xa chỗ trọ cũ của tôi trên đại lộ Fitzjohn. Nhưng về phần Choo, việc nội trợ và việc học khó có thể dung hòa nhau, nên chúng tôi quyết định bỏ những bài giảng ở Inn of Court và lưu lại ở Tintagel tại Cornwall để tự nghiên cứu và chuẩn bị cho kỳ thi ra nghề luật sư.

Chúng tôi đã có vài kỳ nghỉ tại đó, trong một trang trại xưa do bà Mellor cai quản với sự giúp đỡ của ba người con trai. Bà ta cho chúng tôi ăn ngon, và là một người biết điều và tử tế. Chúng tôi chiếm toàn bộ căn nhà trừ mùa hè khi có thêm vài người khách. Chúng tôi đi dạo thật lâu dọc theo những con đường làng và được hưởng những cơn gió Tây Nam ấm áp và ẩm ướt. Việc tiêu khiển duy nhất của chúng tôi là nghe đài BBC bằng chiếc radio Pye tôi mua ở Cambridge. Nó cho chúng tôi nhiều giờ thư giãn và vui vẻ. Để tập thể dục và giải trí, tôi bắt đầu chơi gôn, phần lớn thời gian là chơi một mình, trên một cái sân chín lỗ tại Khách sạn King Arthur’s

Castle lúc nào cũng vắng trừ mùa nghỉ lễ. Sân có nhiều gò đồi và lộng gió, và sôi động vì một kẻ ngớ ngẩn như tôi. Nó giúp tôi giữ sức khoẻ. Choo và tôi tốn nhiều thời gian để tìm mấy trái banh gôn bị lạc của tôi, thường thì tìm được những trái khác tốt hơn nhiều. Choo cũng thường đi hái nấm hoang, và bà Mellor sẽ nấu cho chúng tôi. Chúng thật ngon.

Chán nhất là những bữa ăn mà chúng tôi buộc phải ăn ở Middle Temple. Để được trở thành luật sư, chúng tôi phải “ăn bữa ăn của mình” trong ký túc xá ba lần trong một học kỳ, như một bắt buộc đối với mọi sinh viên. Điều đó có nghĩa là một cuộc hành trình bằng xe lửa dài bảy giờ đến nhà ga Paddington. Nhưng đó là một cơ hội để gặp những người bạn Malaya và Singapore ở Malaya Hall tại quảng trường Bryanston. Chúng tôi say sưa nói về cách thức mà những sinh viên ở London đến từ tất cả các vùng thuộc địa đang thực hành, về cuộc đấu tranh giành tự do sắp đến của chúng tôi.

Vài người bạn tôi từ Đại học Raffles rất năng động về chính trị. Trong số đó có Goh Keng Swee, trợ giảng trước đây của tôi về môn kinh tế, người đang lấy bằng đầu tiên BSc tại LSE, và Toh Chin Chye, người đang học lấy bằng BSc ngành sinh lý học ở London University. Họ và vài người nữa lập thành một nhóm gọi là tổ chức Malayan Forum (Diễn đàn Malaya), mục tiêu của nó là gây ý thức chính trị và đấu tranh cho nền độc lập của Malaya, bao gồm cả Singapore. Những thành viên của nó thuộc mọi chủng tộc – Malay, Trung Quốc, Ấn Độ, những người Á lai Âu – và nó trung lập, không theo cánh tả mà cũng không ngả về cánh hữu. Nó chống chủ nghĩa thực dân, nhưng theo đường lối bất bạo động để tách bạch với Đảng Cộng sản Malaya (MCP), đảng đã phát động cuộc khởi nghĩa vũ trang chống lại người Anh ở Malaya vào tháng 6/1948. Các thành viên của nó tổ chức những cuộc họp, đôi khi có sự tham gia của các chính khách Anh – những viên chức cấp thấp trong chính phủ của đảng Lao động như Woodrow Wyatt hoặc các dân biểu thuộc đảng Tự do và Bảo thủ – như những diễn giả được mời. Ấn Độ và Pakistan đã giành được độc lập hồi tháng 8/1947, Miến Điện và Sri Lanka năm 1948. Con đập của chủ nghĩa đế quốc đã bị chọc thủng, đế quốc Anh đang rút lui, và hầu hết chúng tôi đều tin chắc rằng chúng tôi, rồi cũng sẽ giành được độc lập cho mình. Chúng tôi có cảm giác rằng dân tộc Anh và những người lãnh đạo của họ đã mất đi ý chí muốn đè nén những người dân thuộc địa của họ.

Sau khi nói chuyện chán chê, chúng tôi kéo đi khắp các quán rượu từ Malaya Hall đến Marble Arch và dọc theo đường Edgware. Bia là thứ “rượu bia đắng” của Anh, nặng và dở tệ. Thậm chí nhiều năm sau tôi cũng không bao giờ ưa được nó. Nhưng lúc đó bọn sinh viên túng thiếu chúng tôi không thể có đủ khả năng để uống thứ khác: loại bia nhẹ thì quá đắt, whisky thì giá trên trời. Ngập trong bia,

chúng tôi nói về những việc lớn lao mình sẽ làm khi về nước. Sau này, tôi khám phá rằng rất ít người vẫn còn theo đuổi cuộc đấu tranh. Nhiều bà vợ phản đối việc ông chồng họ liều sự nghiệp của mình vào việc chống đối chính quyền thuộc địa Anh, và bản thân nhiều người, khi đói mặt với thực tế lạnh lùng và những sự lựa chọn gian khó, đã mất hết nhuệ khí chiến đấu. Trong khi vẫn còn những người khác dấn thân vào cuộc chiến. Ở một thái cực là những kẻ xu thời chính trị, những kẻ trí thức hưởng nền giáo dục Anh. Ở thái cực kia là những người cộng sản và mặt trận liên hiệp của họ được tổ chức tốt và hiển nhiên nhận được sự ủng hộ từ mọi lực lượng then chốt của xã hội, từ trường học đến các nghiệp đoàn báo chí và Phòng Thương mại của người Hoa.

Tôi quyết định trước khi rời nước Anh, là phải tiếp xúc với Lim Hong Bee, đại diện không chính thức của MCP ở London. Lim là người được hưởng học bổng Nữ hoàng hồi năm 1934 nhưng không chú tâm đến việc học và đã theo đuổi lý tưởng cộng sản. Ông ta không hề đậu các kỳ thi vào Luật sư đoàn và cũng không nhận được bằng đại học Cambridge. Ông ta ở lại London để in một loại tờ bướm thân–MCP được gọi là Malayan Monitor. Nó là thứ tài liệu tuyên truyền thô thiển, nhưng ông ta là một con người cương quyết. Tôi điện thoại yêu cầu được gặp, và ông ta chuẩn bị gặp tôi bên ngoài văn phòng tờ báo Daily Worker, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Anh, gần đường Fleet Street. Tôi đưa Choo theo, cô biết ông ta vì đó là một người bạn của anh trai cô.

Ông ta là một con người kỳ lạ. Thay vì đi thẳng đến chỗ chúng tôi có thể nói chuyện, ông ta lại dẫn chúng tôi đi vòng qua những con phố chật hẹp, rẽ ngoặt và trở ngược lại nhiều lần không cần thiết trước khi dừng lại ở một tiệm ăn kiêm quán rượu của dân lao động, trông đầy nét vô sản. Ông ta sống trong một thế giới đầy những âm mưu tự tạo. Sau những câu xã giao thông thường, tôi hỏi thẳng ông ta tại sao tất cả những người cộng sản lại bất đồng với những công nhân theo chủ nghĩa dân chủ xã hội trong mặt trận liên hiệp của họ, và dẫn ra những chuyện ở Tiệp Khắc và Hungary. Ông ta kịch liệt phủ nhận chuyện này. Ông ta nói những người dân chủ xã hội trong các quốc gia này đã tin chắc lý tưởng cộng sản là ưu việt nên họ đã gia nhập vào. Ông ta hoàn toàn không sát thực tế và sống trong một thế giới mơ tưởng của chính ông ta mà trong đó ông ta là một

nhà cách mạng vĩ đại. Khi chia tay, tôi tin chắc rằng MPC hoặc không xem London như một tiền đồn quan trọng hoặc không có chút ý niệm về những gì Lim Hong Bee đang làm ở đó như một đại diện không chính thức của họ.

Tháng 2/1950, trong khi tôi vẫn ở Tintagel, David Widdicombe, một trong những người bạn ở Cambridge của tôi, với tư cách là ứng cử viên Đảng Lao động ở vùng nông thôn Totnes tại Devon, cách đây một giờ rưỡi đi xe lửa. Ông ta cần một tài xế cho chiếc xe tải của mình và một phụ tá chung. Choo và tôi bò ra nửa tháng để giúp ông ta cho đến đêm diễn ra bầu cử. Cá hai chúng tôi đều được xếp chung với những người ủng hộ Đảng Lao động. Tôi với một tài công xe lửa, còn Choo thì với người vợ trẻ và lũ con của một người đang thực tập luật sư.

Tôi học cách tham gia chiến dịch và đọc vài bài diễn văn trong các phòng khánh tiết của nhà thờ và trường học. Khán giả chỉ vài chục người, cao lắm thì độ trăm rưỡi. Tôi chọn một đề tài căn bản rồi phân tích, lý giải, diễn dịch khác đi chút đỉnh qua mỗi cuộc diễn thuyết. Luận điểm chủ yếu là nước Anh mỗi năm thu được nhiều đôla từ Malaya hơn là từ kế hoạch Marshall của Mỹ, vì Malaya sản xuất một nửa sản lượng cao su và một phần ba sản lượng thiếc của thế giới. Nếu Anh mất Malaya, thì sẽ phải cắt giảm mạnh việc nhập khẩu lương thực và nguyên liệu, số người thất nghiệp và giá sinh hoạt sẽ tăng vọt.

Giữa đảng Bảo thủ và đảng Lao động, người dân thuộc địa không khó khăn gì cũng nhìn ra ai là tốt hơn. Đảng Lao động có một chính sách thuộc địa. Lịch sử của nó từ năm 1945 là rất ấn tượng. Các cuộc cải cách chờ đợi từ lâu đã được tiến hành. Nhưng với Đảng Bảo thủ, các thuộc địa chỉ là những khu vực đầu tư béo bở. Một chính phủ Bảo thủ quyết tâm đàn áp phong trào dân tộc của các thuộc địa để bảo vệ đế quốc sẽ chỉ gây ra bất ổn định. Rồi MCP sẽ trở nên đủ mạnh để đuổi người Anh ra khỏi Malaya.

Cử tọa ở Devon ngạc nhiên khi thấy một diễn giả người Hoa vận động cho một ứng cử viên Đảng Lao động Anh. Đó là một lý tưởng vô vọng, nhưng là cách thức mà đảng làm để các ứng cử viên trẻ tuổi thu được kinh nghiệm. Vào ngày 23/2/1950, kết quả cuộc bầu cử được công bố ở Tòa thị sảnh. David Widdicombe bị thất bại thảm hại. Nhưng ông ta đã đọc một bài diễn văn dũng cảm, và đối thủ

thắng cử thuộc đảng Bảo thủ thì phóng khoáng, khích lệ ông ta lao vào một trận chiến khác ở một khu vực bầu cử khác. Đó là một kinh nghiệm bổ ích về chính trị ở cấp độ bầu cử khu vực.

Một hai tháng sau, tôi nhận được một lá thư của viên chỉ huy nha cảnh sát Singapore, R.E. Foulger, hiện đang nghỉ phép ở quê nhà. Ông ta có quen cha mẹ tôi, biết tôi đang ở Cornwall, và mời Choo và tôi đến nhà ông ta ở Thurlstone tại Devon. Chúng tôi ở lại đó ba ngày. Ông ta muốn đánh giá tôi, và tôi cũng quan tâm đến việc tạo ra mối quan hệ và xem một ông sếp cảnh sát thuộc địa Anh trước chiến tranh ra sao. Chúng tôi chơi gôn. Môn này tôi vẫn chơi dở, nhưng đó là một đợt nghỉ cuối tuần hữu ích. Tôi biết mình đã lôi cuốn sự chú ý của Cục đặc vụ Singapore và có thể đã nằm trong danh sách cần theo dõi của họ. Tôi đã có nhiều bài phát biểu chống Anh, chống chế độ thuộc địa tại Malaya Hall. Họ biết tôi chẳng phải người học hành lơ đãng. Tôi nghĩ hay nhất là họ cũng hiểu rằng tôi hoạt động công khai, hợp hiến, rằng tôi không có liên hệ hay cảm tình với phía cộng sản. Bởi vì chúng tôi sẽ sớm trở về Singapore thôi.

Tháng 5/1950, chúng tôi trở về London chuẩn bị cho kỳ sát hạch vào Luật sư đoàn. Chúng tôi gặp phải một đám cổ động viên bóng đá vào cuối tuần ấy, và họ đập cửa cái khách sạn nơi chúng tôi lưu trú, khiến chúng tôi không tập trung học tập được. Nhưng chuyện đó cũng chẳng làm thay đổi tình hình gì mấy: chúng tôi sẽ phải trả giá cho việc rời London và không dự giờ giảng của những người sẽ làm giám khảo tại những môn thi chính. Họ đặt những câu hỏi về những vụ xử họ vừa giảng dạy. Không ai đạt được Loại I. Tôi đạt Loại II và đứng ở vị trí thứ 3. Choo đạt Loại III. Nhưng mọi chuyện đều ổn, Ngày 21/6/1950, đội tóc giả và khoác áo thụng theo đúng nghi thức, cả hai chúng tôi được mời đến phòng khánh tiết của Middle Temple và chính thức được nhận vào Luật sư đoàn. Cuộc sống sắp bước vào giai đoạn mới.

Tôi sung sướng với viễn tượng được trở về nhà, nhưng vẫn nhìn lại bốn năm ở Anh với sự thỏa mãn và ít nhiều hài lòng. Tôi đã nhìn thấy một nước Anh đậm dấu ấn chiến tranh, nhưng dân tộc này không thất chí vì những thất bại mà họ phải chịu đựng, mà cũng không kiêu ngạo vì chiến thắng đã giành được. Mỗi nơi trúng bom trong nội ô London đều được thu xếp chu đáo, gạch đá xếp sang

một bên, và thường có những bụi cây hay khóm hoa được trồng lên để bớt vẻ điêu tàn. Đó là một phần của lòng tự hào lặng lẽ và tinh thần kỷ luật của họ. Sự lịch thiệp của họ đối với nhau và đối với người nước ngoài thật đáng chú ý. Ấn tượng nhất là thói quen ân cần của dân lái xe hơi: khi bạn vẫy tay mời một xe bên phía ưu tiên để họ qua trước, thì họ sẽ vẫy lại để cám ơn bạn. Đó là một xã hội rất văn minh. Và tôi cảm thấy ít nhiều nhớ nhung Cambridge, nơi tôi đã học hành bên cạnh một thế hệ bất thường gồm những người trở về từ chiến tranh, có kẻ ở độ tuổi 20, có người 30, đã có gia đình và con cái. Họ là những người nghiêm túc từng chứng kiến cảnh chết chóc và hủy hoại. Một số đã từng trải qua bao thảm cảnh. Một sinh viên ở Fitzwilliam bị phỏng nặng vì máy bay bị bắn rơi nên trông rất kinh người tuy rằng đã qua nhiều lần giải phẫu thẩm mỹ. Nhưng anh ta khắc phục những thiệt thòi của mình. Anh ta biết khuôn mặt biến dạng của mình khiến người khác kinh hãi và bối rối nếu họ gặp anh lần đầu. Nên anh khởi sự sinh hoạt bình thường, tỏ ra tự tin và không thương thân. Không khuất phục, anh đã sống một đời xứng đáng.

Đó không phải là một Cambridge của những người trẻ tuổi muốn hưởng thụ và gây ấn tượng cho người khác bằng những cung cách hoa mỹ của họ. Phải, cũng có một số như vậy, mới hoàn tất nghĩa vụ quân sự trong những năm thời bình hay được hoãn dịch, nhưng đó chỉ là thiểu số và không trở thành lực lượng chủ đạo. Chính những sinh viên cựu chiến binh, một số còn mang cả chứng tích chiến tranh trên thân thể, mới là những người khiến Cambridge trở thành một nơi học tập và đốì phó với những hậu quả chiến tranh. Tôi thấy được vinh hạnh đi cùng thế hệ những người Anh đó.

Dĩ nhiên cũng có những trục trặc, đụng chạm, chủ yếu là với những người phải phục vụ tôi – những người đàn ông hay phụ nữ Anh có lẽ không thích phải phục vụ một sinh viên châu Á lôi thôi và nghèo túng. Nhưng nếu có một số bà chủ trọ đặc biệt hà tiện và khó tính, thì cũng có những người đáng quý như bà Mellor ở Tintagel và bà Jackson, người quản lý Viện Trung Quốc ở London, người mà tôi sẽ nhớ nhất trong những năm ở Anh của tôi. Viện Trung Quốc ở quảng trường Gordon do chính quyền Anh thành lập bằng tiền chiến phí mà Trung Quốc phải bồi thường cho những thiệt hại nhân mạng và tài sản của người Anh sau cuộc Khởi nghĩa Nghĩa Hòa Đoàn năm

1900. Viện đón nhận mọi sinh viên người Hoa, và tôi thấy đó là một thiên đường bình yên tuyệt vời và thuận tiện nhất, mà lại gần trung tâm London nữa.

Bà Jackson thân thiện với mọi sinh viên. Nhưng ngay từ buổi đầu, bà đã đặc biệt có cảm tình với tôi. Trong những kỳ nghỉ của tôi, khi tôi đổi địa chỉ từ London chuyển tiếp tới Cambridge thành từ London chuyển tiếp tới Tintagel, thì số 16 quảng trường Gordon trở thành hộp thư của tôi. Đây cũng là nơi chúng tôi ký gửi các túi đồ đạc hay sách vở. Choo và tôi thường tới đó vì chúng tôi không có chỗ ở tại London, và tại Viện Trung Quốc chúng tôi có thể rửa sạch lớp bụi bặm thoát ra từ các lò than đầy thủ đô này, bằng nước nóng, xà bông với một bồn rửa sạch sẽ mà hoàn toàn miễn phí. Chúng tôi chỉ cần mang theo khăn riêng. Và vì ở đây không tốn tiền thuê, nên bà Jackson có thể dọn những bữa tiệc trà rất chất lượng mà chỉ tính giá một si–linh.

Còn những chuyện lặt vặt? Không một ai vốn không phải sinh viên nước ngoài du học tại Anh trong những năm thiếu thốn đói kém sau chiến tranh ấy, lại có thể tưởng tượng ra cuộc sống trong một căn phòng trọ chật hẹp lại khó khăn và bất tiện đến mức nào đối với chúng tôi. Bà chủ trọ chỉ cung cấp bữa sáng, sau đó Choo và tôi phải ra ngoài để bà ta lau phòng. Chúng tôi có thể tới thư viện để học, và dùng bữa trưa cũng như bữa tối tại nhà hàng. Một nơi sạch sẽ và yên tĩnh để nghỉ ngơi và rửa ráy thì quả là quá sang trọng, nhất là khi nó lại miễn phí nữa.

Khi tôi sang London năm 1956 để thảo luận về tương lai của Singapore, tôi đã trở lại quảng trường Gordon để thăm bà Jackson. Cả bà lẫn tôi đều vui khi gặp lại nhau. Nhưng quan hệ của tôi với Viện Trung Quốc hồi đó lại đem tới một phản ứng chính trị bất ngờ. Nhiều năm sau, tôi khám phá ra những hồ sơ lưu trữ của Cục đặc vụ Singapore ghi nhận rằng tôi và Choo thường tới Viện đó để liên hệ với những phần tử thân cộng đến từ Trung Quốc, nơi mà Mao Trạch Đông đã chiến thắng và thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào ngày 1/10/1949. Một báo cáo khác còn nói rằng Choo là loại khuynh tả cấp tiến còn hơn cả tôi nữa. Niềm tin của tôi vào các báo cáo của Cục đặc vụ đã lung lay dữ dội.

Trong những năm sinh viên, tôi đã tích cực quan hệ với các lãnh tụ chính trị của đảng Lao động, nhất là những người có thể giúp đỡ dân

thuộc địa như tôi vốn mong sớm chấm dứt chế độ thuộc địa và có một Malaya độc lập bao gồm cả Singapore. Đảng Lao động nhiệt tình với nền độc lập của các thuộc địa hơn là đảng Bảo thủ vốn vẫn tiếp tục nói về “Hoàng gia và đế quốc” trong các buổi họp mà tôi có tham dự. Tôi cũng muốn mở rộng quan hệ với các sinh viên Anh có khả năng đóng vai trò nào đó trong tương lai ở các chính đảng lớn, một mạng lưới bạn bè như vậy sẽ rất hữu dụng khi tôi đối đầu với các giới chức thuộc địa tại Malaya và Singapore. Do đó, tôi đã rất quan

tâm nghiên cứu hệ thống chính trị của họ.

Chế độ dân chủ đại nghị của họ có vẻ rất hữu hiệu. Một cuộc cách mạng lớn lao – về kinh tế, xã hội và chính trị – đã diễn ra một cách hòa bình ngay trước mắt tôi. Cử tri đã loại bỏ Winston Churchill và đảng Bảo thủ vào tháng 5/1945, tuy rằng ông ta đã đem chiến thắng về cho nước Anh. Họ đã đưa Clement Attlee và đảng Lao động lên nắm quyền do lời hứa sẽ đem lại những thay đổi sâu xa nhất trong lịch sử Anh. Chính phủ Attlee đã tiến hành những chương trình nhằm tạo ra một nhà nước phúc lợi có khả năng chăm lo cho mọi người Anh thuộc mọi giai cấp từ lúc lọt lòng đến khi qua đời. Vậy mà không hề có chống đối bạo động gì từ phía các phe đối lập, không hề có đổ máu trên đường phố. Chỉ có những lời lẽ gay gắt từ các dân biểu Bảo thủ trong nghị viện và các đơn vị bầu cử đòi hỏi sự chừng mực và hợp lý đối với câu hỏi về những điều có thể cung ứng được cho dân chúng. Tôi cực kỳ bị ấn tượng về chuyện này.

Ngay sau khi Luật chăm sóc y tế quốc gia được thông qua năm 1948, tôi đi tới một bác sĩ nhãn khoa trên đường Regent, Cambridge, để nhận đôi kính mắt. Tôi dự trù sẽ phải trả năm hay sáu bảng gì đó. Tại quầy, ông bác sĩ hãnh diện nói với tôi rằng tôi không phải trả tiền, mà chỉ cần ký vào một tờ hồ sơ. Tôi hài lòng và nghĩ rằng một xã hội văn minh là phải như thế này. Vài tháng sau, một chuyện tương tự lại xảy ra tại phòng nha sĩ. Lần này tôi cũng chỉ phải ký vào một tờ mẫu đơn. Còn ông bác sĩ ở đại học thậm chí chẳng yêu cầu tôi ký tên gì cả vì tôi đã được ghi tên vào sổ bệnh nhân của ông ta. Một lần nữa tôi bị ấn tượng sâu sắc với chế độ này. Nhưng báo chí tường thuật rằng nhiều người Pháp và từ các nước châu Âu khác đã qua Anh để được chữa răng miễn phí. Tôi nghĩ chuyện này đã đi quá xa, nhưng hồi đó thì nước Pháp rất nghèo túng. Tôi rất thán phục người Anh vì những biến đổi mà họ đã tạo được.

Điều khiến tôi tâm đắc nhất là sự công bằng của chế độ chính trị này. Chính quyền đang xây dựng một xã hội có thể đưa mọi người – giàu hay nghèo; thượng, trung hay hạ lưu – tới cùng một mức sống chấp nhận được. Và họ đã đạt được điều này tuy rằng nhiều món còn thiếu thốn. Việc phân phối các suất thực phẩm và quần áo, có từ hồi chiến tranh, vẫn được tiếp tục cho đến khi chính quyền Bảo thủ hủy bỏ chế độ đó vào giữa thập niên 1950. Chế độ này vẫn còn được áp dụng cho những mặt hàng như trà, đường, kẹo, sôcôla, bơ, thịt, thịt muối và trứng. Những y phục đa dụng với giá phải chăng vẫn có bán nhưng cần phải có tem phiếu.

Tôi còn quá trẻ, quá lý tưởng để nhận ra rằng chi phí chính phủ phải chịu là rất lớn; tệ hơn nữa, dưới chế độ cào bằng này, mỗi cá nhân sẽ quan tâm nhiều đến việc thu tóm được gì từ công sản hơn là cố gắng cải thiện cuộc sống của chính mình, mà sự cố gắng ấy chính là động lực tiến bộ trong suốt quá trình tiến hóa của loài người. Nhận thức này phải chờ đến thập niên 1960, khi tôi nắm chính quyền của một Singapore nhỏ bé và nghèo hơn Anh rất nhiều, và nó phải đối phó với yêu cầu phải tạo ra lợi tức và của cải trước khi tôi có thể nghĩ, hay bàn tới, việc phân phối chúng ra sao.

Còn lúc này, tôi biết được, qua thư từ và những mẩu tin trên báo chí Anh, rằng rối loạn đang âm ỉ ở quê nhà. MCP đang ấp ủ những bất an trong giới lao động và những căng thẳng trong xã hội. Đã có những cuộc đình công và kích động chính trị. Vào tháng 6/1948, phía cộng sản bắt đầu bắn giết các chủ đồn điền cao su người Anh ở Malaya. Các du kích đã lui vào rừng và chính quyền thuộc địa đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Trong đấu trường nghị viện công khai, ngược lại, không có lực lượng chính trị nào ngoài những lãnh tụ Anh học yếu ớt và quá nôn nóng không thể làm an tâm các nhà cai trị người Anh. Tôi cảm thấy rõ ràng rằng khi thế hệ chúng tôi trở về, chúng tôi phải chiếm lĩnh đấu trường ấy. Tôi gia nhập Câu lạc bộ Xã hội ở Đại học Cambridge và thường xuyên tham dự những buổi mít– tinh, nhất là khi có các Bộ trưởng thuộc phe Lao động tới vào những đêm thứ Sáu để nói chuyện về các chương trình họ đang đề nghị quốc hội thông qua.

Đó là một thời kỳ sôi động và thay đổi. Đó là chủ nghĩa xã hội dân chủ trong thực tiễn. Và nó rất văn minh. Có một lần, các bác sĩ đe dọa đình công, nhưng tinh thần danh dự và truyền thống của họ, cùng các nghĩa vụ và tập quán của trật tự hiến định đã ngăn họ lại.

Aneurin Bevan, Bộ trưởng Y tế đã vận động thông qua được dự luật Chăm sóc y tế quốc gia sau khi chẳng làm gì nghiêm trọng hơn việc gọi đảng Bảo thủ là “tệ hơn cả ký sinh trùng”. Đảng Lao động cũng xây thêm nhiều chung cư cho thuê với giá thấp được nhà nước bao cấp. Họ đã mở rộng các diện phúc lợi để bảo đảm một “lưới an toàn” cho mọi gia đình kiếm không đủ tiền cho các nhu cầu tối thiểu (những nhu cầu tối thiểu này, với tôi, có vẻ quá sang trọng so với tình trạng của chúng tôi ở Singapore ngay cả trước thời kỳ Nhật chiếm đóng). Đó là một bài học đáng nhớ về việc tiến hành thực thi công bằng xã hội.

Thế hệ các sinh viên Singapore và Malaya chúng tôi tại Anh sau Thế chiến thứ 2 hoàn toàn say mê tính công bằng và hợp lý trong chương trình của đảng Lao động. Chúng tôi thán phục chế độ chính trị trưởng thành của Anh, trong đó truyền thống tôn trọng hiến pháp và dung hòa đã cho phép những chuyển giao căn bản về quyền lực và của cải được diễn ra một cách hòa bình. Chúng tôi so sánh những gì thấy tại Anh với những gì ở Singapore và Malaya, với phần lớn dân chúng thất học và báo chí kém cỏi đã bỏ quên mọi vấn đề căn bản và chỉ biết đưa tin về những chuyến đến hay đi của các nhân vật quan trọng mà phần lớn là các ông chủ người da trắng và những người bản xứ theo đuôi họ. Tình hình trông lạc hậu và không chút hứa hẹn.

Trong bối cảnh đó, tôi và Choo về nước trên Willem Ruys, một chiếc tàu Hà Lan. Đó là chiếc tàu tốt nhất chạy tuyến Southampton– Singapore – mới, có điều hòa không khí, món ăn Indonesia và Hà Lan hảo hạng và phục vụ tuyệt vời với các hầu bàn người Java mặc y phục cổ truyền. Chúng tôi đi hạng nhất trong hai buồng sát nhau và hưởng một thời gian tuyệt vời, ngoại trừ lúc tôi bị say sóng ở vịnh Biscay và biển Ả Rập, chỉ ăn được thịt và bánh mì lát khô. Dù sao, đó vẫn là chuyến đi đáng nhớ.

Lúc này, tôi đã quan tâm sâu sắc đến chính trị và chống chế độ thuộc địa, nên đã bực bội trước sự hiện diện của một số hành khách

ở khoang hạng nhất, họ là một số người Indonesia lai Âu cứ xum xoe quanh viên thuyền trưởng và các sỹ quan Hà Lan. Ngược lại, chúng tôi rất ấn tượng trước phong thái của ông bà Mohammad Razif, một đôi vợ chồng người Indonesia trung niên luôn giữ khoảng cách với viên thuyền trưởng. Chúng tôi làm quen với họ và biết ra

Razif là một người Sumatra có tinh thần dân tộc – sau này ông ta là đại sứ Indonesia tại Kuala Lumpur. Ông khiến tôi phục hồi niềm tin vào niềm tự hào của một người dân thuộc địa, và tôi rất kính nể ông. Nhưng phải khá lâu sau tôi mới nhận ra rằng một quốc gia muốn thay đổi thì cần đến nhiều thứ hơn là chỉ một ít người có đạo đức và năng lực. Mỗi dân tộc phải biết tự trọng và có ý chí nỗ lực xây dựng đất nước mình. Nhiệm vụ của người lãnh đạo phải là tạo nên một khung sườn để trong đó người dân có thể học hành, làm việc, đạt hiệu năng và được tưởng thưởng xứng đáng. Và điều này không dễ gì đạt được.

Chúng tôi tới Singapore ngày 1/8. Về đến quê nhà thì thật tuyệt. Tôi biết mình đang bước vào một giai đoạn mới của cuộc đời, và tôi nhớ đến những bất trắc của nó. Tuy chúng tôi đi khoang hạng nhất, nhưng nhân viên nhập cảnh, một ông tên Fox đeo một cái cà vạt đỏm dáng, lên tàu làm nhiệm vụ, đã muốn rằng tôi phải biết thân phận mình. Ông để tôi và Choo phải chờ đến cuối cùng. Ông ta nhìn qua thông hành của tôi và Choo rồi nói một cách mơ hồ: “Tôi nghĩ rằng chúng tôi có nghe nhiều về ông đấy, ông Lee.” Tôi nhìn ông ta chăm chú và làm lơ trước câu nói đó. Ông ta định hù dọa, mà tôi thì không để bị hù dọa đâu.

Sau này, tôi khám phá ra rằng điều họ ghi sổ bìa đen cho tôi là chuyện họ nghi tôi tham dự Đại hội thanh niên thế giới ở Budapest vào tháng 8/1949. Trong mùa hè đó, Liên Xô giúp Hungary tổ chức đại hội này và Liên minh sinh viên quốc tế ở London đã mời nhiều nhóm ở Anh tới tham dự. Một số sinh viên Malaya và Singapore đã nhận lời vì xem đó là một kỳ nghỉ rẻ tiền, chỉ phải tốn tiền vé xe lửa cho chuyến về. Keng Swee, Maurice Baker, em trai tôi là Dennis và những sinh viên khác đã đi. Tuy nhiên, tại đó, Lim Hong Bee và một đảng viên cộng sản nằm vùng ở Singapore tên là John Eber đã thuyết phục họ lập thành một nhóm tham gia diễu hành với một biểu ngữ đề hàng chữ “Malaya Chiến Đấu Cho Tự Do”. Tình báo Anh biết được chuyện này, và vì họ e rằng một số trong đám thanh niên này khi về nước có thể trở thành kẻ gây rối, nên họ đã gửi cho Cục

đặc vụ Singapore danh sách những sinh viên này, trong đó có “K.Y. Lee”. Cục đặc vụ đã tra vấn cha mẹ tôi, nhưng vì ông bà chẳng biết gì cả, nên họ không thể làm rõ được tình hình. Kết quả là, giới thẩm

quyền không biết rằng người mà họ nghi vấn ấy chính là em tôi, Dennis hay D.K.Y. Lee, chứ không phải tôi H.K.Y. Lee.

Nhưng còn có những báo cáo khác trong hồ sơ của họ về tôi khiến tôi được trở thành người khách cuối cùng trên tàu Willem Ruys hoàn tất thủ tục chiếu khán. Năm 1981, khi tôi kể lại lịch sử đời mình vào máy thu băng, một nhà nghiên cứu đã cho tôi xem tài liệu về một buổi họp ngày 28/6/1950 tại Dinh chính phủ, trong đó Nigel Morris, Cục trưởng Cục đặc vụ, đã đề nghị cho câu lưu Choo và tôi ngay khi vừa từ Anh về tới. Tuy nhiên, R.E. Foulger, viên chỉ huy nha cảnh sát, người đã mời tôi tới thăm ông ở Devon, đã không đồng ý. Những chi tiết khác còn cho thấy viên thống đốc, chỉ huy trưởng quân đội và ủy viên thư ký thuộc địa đã ủng hộ ý kiến của Foulger, họ cho rằng cả hai chúng tôi đều xuất thân từ những gia đình vọng tộc, phản ứng của công luận trước việc bắt giữ chúng tôi sẽ rất bất lợi. Thay vào đó, họ cho rằng kết thân và thu hút chúng tôi thì lợi hơn nhiều. Malcolm MacDonald, Tổng ủy Anh ở Đông Nam Á, “được đề nghị phụ trách công việc này vì ông thường mời các sinh viên đến dự dạ tiệc”. Và thực sự, MacDonald đã cho mời tôi và Choo vài tháng sau khi chúng tôi về nước.

Trong khi ông Fox bắt tôi chờ trong khoang hạng nhất, tôi đã ló đầu ra vẫy chào gia đình – gồm cha mẹ tôi, Fred, Monica và Susan – đang đứng trên bến với một số bạn bè, trong đó có Hon Sui Sen. Gia đình Choo cũng đang chờ cô, nhưng khi lên bờ, chúng tôi chia tay. Cô về với gia đình ở phố Pasir Panjang. Tôi về đường Oxley. Chúng tôi chia tay như bạn bè, không hề tiết lộ bí mật về đám cưới của chúng tôi tại London.

Chọn tập
Bình luận