Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Hồi Ký Lý Quang Diệu – Tập 1

Chương 12: Marshall Làm Khủng Hoảng Thêm Trầm Trọng

Tác giả: Lý Quang Diệu
Thể loại: Hồi Ký - Tuỳ Bút
Chọn tập

Fong Swee Suan và bốn lãnh tụ nghiệp đoàn khác bị chính phủ bắt giữ dựa trên những quy định về tình trạng khẩn cấp ngày 11/6/1955. Sáu nghìn công nhân xe buýt ra mặt chống lại vụ bắt giữ này. Ngày kế tiếp, do cái mà nhà cầm quyền mô tả là “trò khủng bố dựa trên số đông” đối với giới tài xế, các taxi cũng biến mất khỏi đường phố. Nhưng chính quyền đã triển khai dịch vụ chuyên chở khẩn cấp miễn phí tại những khu quan trọng trong thành phố, và trên 100.000 nhân công và 280.000 người khác tiếp tục đi làm mà không hề có sự cố gì. Dù phương tiện giao thông công cộng bị tê liệt, cuộc đình công cũng không làm thành phố ngưng trệ hoạt động được. Lúc này dân chúng không còn đồng tình với nó nữa – nó mang đậm màu sắc chính trị và không liên quan gì đến bất kỳ bất mãn nào về kinh tế của họ. Sau bốn ngày, Lim Chin Siong và Devan Nair bất ngờ cho ngưng đình công, và 13.000 công nhân, nam lẫn nữ, trong 90 hãng công nghiệp và thương nghiệp, quay lại làm việc. Chính quyền coi như thắng lợi. Fong vẫn bị bắt giữ cho đến ngày 25/7.

Tôi quyết định tách khỏi bối cảnh rối loạn này và đi nghỉ thường niên. Cùng Choo và Loong, 3 tuổi, tôi lái xe lên cao nguyên Cameron vào ngày 1/6 và lưu lại đó ba tuần. Chúng tôi để Ling, mới 3 tháng tuổi, ở nhà vì con bé còn quá nhỏ.

Tôi chơi gôn ở Tanah Rata mỗi ngày, sáng và chiều. Khi tôi đi dạo trên sân gôn 9 lỗ mát mẻ và thoải mái tại cao nguyên này, cao hơn mặt biển khoảng 2.000 m, tôi thấm thía ý nghĩa của những sự kiện trong vài tháng trước đó. Tôi tin chắc rằng việc tiếp tục theo con đuờng mà Lim Chin Siong và Fong đã lao vào thì sẽ kết thúc trong thảm hoạ chính trị. PAP và các liên đoàn ở đường Middle Road (được đặt tên vì vị trí trụ sở của chúng, chứ không phải vì chúng theo chính sách trung dung) sẽ bị cấm chỉ. Nhưng nếu Marshall tránh né những biện pháp không được quần chúng ủng hộ, thì toàn bộ nền kinh tế và xã hội Singapore sẽ lâm vào tình trạng hỗn loạn đến độ chính quyền Anh sẽ phải đình chỉ hiến pháp.

Ngày 21/6, tôi lái xe đưa gia đình trở lại Singapore. Báo chí nói bóng gió là tôi trốn chạy khỏi những rắc rối này, nhưng tôi biết sự hiện diện của mình sẽ không tạo ra một thay đổi nào. Khi tờ Straits Times phỏng vấn tại sao tôi không trở lại nhiệm sở của mình, tôi nói ủy ban chấp hành của tôi không yêu cầu tôi tới, và tôi rất tin tưởng ở họ.

Đây là cuộc thử lửa đầu tiên của tôi với CUF. Tôi bàn luận vấn đề với Chin Chye, Raja và Kenny (Keng Swee đang ở London để lấy bằng tiến sĩ). Chúng tôi quyết định rằng tôi nên nói cho Lim và Fong hiểu rõ về luật đối với các vụ gây rối. Tôi bảo họ rằng nếu họ tiếp tục theo cách này, họ phải một mình chịu hết trách nhiệm. Điều đó khiến họ bớt bồng bột, và ngày 26/9 viên thống đốc, ngài Robert Black, viết một báo cáo gởi đến Alan Lennox–Boyd:

“Sự sụp đổ của cuộc tổng đình công này đã làm mất uy tín của phần tử cực đoan trong PAP. Lee Kuan Yew đã rời Singapore vào thời điểm đó và tôi được báo là ông ta đã ra đi một cách cố ý để tránh dự vào cuộc bạo loạn… Từ đó, PAP đã có thay đổi trong chiến thuật. Trong khi tiếp tục xúi giục các cuộc đình công, theo đuổi cuộc đấu tranh giành quyền điều khiển tầng lớp lao động, họ đã chịu khó ép mình trong khuôn khổ luật pháp.”

Điều đó không kéo dài lâu. Sau vài tháng, những tay quá khích đã quay trở lại những đường lối cũ của họ, nhưng họ không xúi giục những cuộc xung đột đẫm máu với cảnh sát hoặc tổ chức một cuộc tổng đình công nhằm làm tê liệt nền kinh tế. Tôi tin họ vẫn nghĩ những xung đột với cảnh sát và chính quyền là cách gợi lòng căm thù nhiều hơn và nâng cao nhiệt tình cách mạng của quần chúng. Đã có những lúc Lim và Fong có vẻ lắng nghe lời khuyên của tôi trong chủ trương bám chặt những phương pháp đấu tranh hợp hiến với những cuộc thương lượng kéo dài và sự đề kháng thụ động để tránh đổ máu. Nhưng họ đến từ một truyền thống và nền học vấn khác biệt với tôi và họ theo đuổi những mô hình khác hẳn.

Tôi lâm vào thế vô cùng khó khăn. Trong khi tôi không thể và không thích biện hộ cho họ, nhưng tôi cũng không thể kết tội họ mà không làm đổ vỡ mặt trận liên kết của chúng tôi. Như tôi đã giải thích với một phóng viên tờ Sydney Daily Mirror trong một cuộc phỏng vấn được thuật lại trên tờ Straits Times, “Bất kỳ ai ở Singapore muốn lôi cuốn cộng đồng những người nói tiếng Hoa theo họ đều không thể có thái độ chống cộng. Người Hoa rất tự hào về Trung Quốc. Nếu tôi phải chọn giữa chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa cộng sản, tôi sẽ bỏ phiếu cho chủ nghĩa cộng sản và đại đa số người khác cũng vậy.” Tôi hy vọng mình có thể tìm được đủ số người Hoa ủng hộ chúng tôi vì một nền độc lập và dân chủ. Nhưng tôi không hề lạc quan rằng điều này có thể đạt được dễ dàng khi một Trung Quốc xã hội chủ nghĩa thắng lợi tiếp tục là nguồn cảm hứng cho họ.

Và tôi đang chịu đựng sức ép. Viên Tổng ủy viên đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng lập pháp vào ngày 16/5, để tận dụng sự thay đổi thái độ đột ngột của quần chúng đối với các nghiệp đoàn, và để cô lập và hướng mũi dùi vào PAP, làm cho những phần tử phi cộng sản trong đảng tách khỏi phái thân cộng. Lần này viên tổng thư ký, Bill Goode, chỉ huy cuộc công kích. Ông ta đọc một bài diễn văn hùng hồn, kể lại chi tiết những gì đã xảy ra một cách xác thực và đầy hiệu quả. Ông thương tiếc trước những thiệt hại nhân mạng, khen ngợi cảnh sát và lên án những kẻ xấu đã lợi dụng công nhân và học sinh, và sự thất bại của những tờ báo tiếng Hoa trong việc ủng hộ phía duy trì an ninh trật tự. Tất cả những nỗ lực nhằm đạt tới hòa giải đều đã bị ngăn trở bởi những kẻ, mà theo Goode, “rõ ràng là không muốn giải quyết những nỗi bất mãn, mà quyết tâm duy trì tình trạng náo động, quyết tâm lợi dụng những bất bình chính đáng của các công nhân lương thiện cho những mục đích cá nhân xấu xa của họ.”

Rồi ông ta bất ngờ quay sang tấn công tôi.

“Trong cơn thèm khát quyền lực của họ… Đảng PAP và những ủng hộ viên khuynh tả giấu mặt cùng những kẻ vô trách nhiệm nhưng háo danh trong đó chỉ muốn gây ra bạo lực, đổ máu và những tranh chấp chủ thợ… Nếu vị đại biểu đáng kính trong hội đồng này tin vào sự tiến bộ trong trật tự hướng đến một nền dân chủ tự trị, thì ông ta phải chống lại chủ nghĩa cộng sản; và nếu ông ta có thái độ đó, hãy

để ông ta phát biểu rõ ràng điều đó, mà không hề lảng tránh và ngụy biện khéo léo. Ông ta lấy làm thương tiếc sau khi cái ác đã bị buông lỏng và nhiều người đã bị giết… Tôi hỏi ông ta: ông ta đã làm gì để ngăn cản bạo lực trước khi nó xảy ra? Lương tâm ông ta có thanh thản không? Hoặc ông ta đã không còn điều khiển được đại biểu của Bukit Timah (tức Lim Chin Siong), người hiện ngồi đằng sau ông ta và điều hành đảng?”

Tiếp lời ông ta là John Ede, một kiều dân đã giành được ghế đại biểu khu Tanglin cho Đảng Tiến bộ. Điều này làm nhiệm vụ của tôi dễ dàng hơn. Tôi đứng lên liền ngay sau Ede để nói rằng tôi vui sướng khi được trả lời hai người Anh này. Nếu đó là Marshall, (thì) “ông ta sẽ cân nhắc lời nói của mình kỹ càng hơn, thận trọng hơn, và am hiểu hơn về những khó khăn và nguy hiểm của tình hình; với sự hiểu biết hơn về những hy vọng, sợ hãi và nguyện vọng của quần chúng…

Chúng tôi không tới đây như những tù nhân để bị kết tội, hoặc như những tù nhân phải giải tỏa gánh nặng tội lỗi của họ. Mà chúng tôi đến đây như những người đại diện của nhân dân, và chúng tôi sẽ phát biểu với tư cách đó.”

(Tôi lặp lại lập trường của PAP là) “Để tiêu diệt hệ thống thuộc địa bằng những biện pháp không bạo lực. Chúng tôi tuyên bố từ bỏ bạo lực … Chúng tôi không chuẩn bị để chiến đấu, duy trì hoặc kéo dài chế độ thuộc địa. Nhưng hãy cho chúng tôi quyền của mình và chúng tôi sẽ chống lại những người quá khích hoặc bất kỳ ai khác đe dọa sự tồn tại của một nước Malaya độc lập, dân chủ và không cộng sản.”

Bởi vì tôi đã khen ngợi ông ta, Marshall một lần nữa lại do dự khi trả lời, gây bối rối cho những người ủng hộ ông ta, và tránh cho PAP khỏi mất uy tín hoàn toàn bằng cách nói:

“Nếu PAP, gồm những người trung thực, có trách nhiệm và nghiêm túc, nếu họ loại bỏ khỏi nội bộ những phần tử quá khích và những kẻ đồng hành – nếu họ dám đối mặt với trách nhiệm của riêng họ, họ có thể trở thành tổ chức mà họ hy vọng một ngày nào đó sẽ lãnh đạo xứ sở này đạt được nền độc lập cho riêng nó.”

Marshall không biết rằng bằng những lời phát biểu của ông ta và, tệ hơn, bằng nỗi háo hức muốn dàn xếp và tránh sự xung đột, ông

ta đã gây ra mầm mống tai hại. Mọi công nhân ở Singapore, mọi cán bộ và lãnh đạo cộng sản đều biết họ có một chính quyền mà họ có thể sử dụng cho những mục đích riêng của mình, để dồn giới chủ nhân vào thế bí, tranh thủ những phúc lợi và chiếm lấy những đặc quyền của giới quản lý.

Những thành công của họ đã có kết quả. Tháng 8/1955, số đoàn viên của Nghiệp đoàn Công nhân Phân xưởng và Nhà máy Singapore (SFSWU) tăng lên 23.000 người, đa số là những người Hoa trẻ tuổi. Trong khi đó, những đoàn viên Anh học của nó, gồm cả Nair, Woodhull và James Puthucheary, đang giúp đỡ những người Hán học phá hủy hệ thống thuộc địa Anh. Chiến thuật của họ là vừa thâm nhập vào những nghiệp đoàn hiện có, vừa hình thành những đoàn thể mới. Họ đã có Liên đoàn Học sinh trung học Hoa kiều Singapore, trên thực tế là một cánh tay của nghiệp đoàn trên, với vũ khí của họ là phương pháp đình công ủng hộ. Đối với bất kỳ vấn đề đơn lẻ nào trong bất kỳ công ty đơn độc nào, họ sẽ đe dọa ngưng toàn bộ các công xưởng.

Như những người cộng sản đã thực hiện ở Trung Quốc, đây là một mặt trận liên kết của công nhân, học sinh và nông dân (giống như ở Singapore) nhằm tạo bất ổn xã hội và biến những tranh chấp lao động thành vấn đề chính trị, làm tăng mâu thuẫn chủng tộc và giai cấp (đối với người da trắng) và nuôi dưỡng lòng khinh bỉ nhà cầm quyền. Một khi SFSWU đã trở thành một nghiệp đoàn kết khối như con bạch tuộc, với lực lượng đoàn viên gồm những công nhân nói tiếng Hoa, Lim Chin Siong và Fong nhắm vào Nghiệp đoàn nhân viên ban quản lý cảng Singapore, Nghiệp đoàn lao động căn cứ Hải quân và Nghiệp đoàn lao động Hội đồng thành phố – những tổ chức phi cộng sản mà những người Ấn, Malay và những người Hoa nói tiếng Anh thuộc các tổ chức đó đã được chuẩn bị để đi theo SFSWU. Họ nhận ra rằng họ có thể sử dụng tính chiến đấu của các nghiệp đoàn người Hoa và đe dọa những cuộc đình công ủng hộ để đẩy mạnh những yêu sách của họ.

Ngài Robert Black cũng nhận ra rằng tình hình đã thay đổi theo chiều hướng tồi tệ hơn. Ngày 26/9, ông ta báo cáo với Lennox– Boyd:

“Trong các cuộc bầu cử… những bài diễn văn quá khích đã công kích chính phủ… những cuộc họp của PAP cũng chật ních những

người lao động và học sinh người Hoa được tổ chức chặt chẽ; tình cảm của quần chúng được kích động một cách tài tình. Tất cả những thứ đó dẫn đến thói khinh nhờn chính phủ hợp hiến, và làm tăng uy tín cho những người… công khai thách thức chính phủ.” Singapore đang trong một phong trào đình công – trong chín tháng từ ngày 7/4 đến tháng 12/1955, có 260 cuộc đình công. Tuy nhiên, tính chiến đấu này lại có lợi cho tôi.

Ngày 19/6/1955, Nghiệp đoàn lao động Hội đồng thành phố đe dọa đình công để đòi khoản lương truy lãnh cho năm ngoái của họ. Hội đồng thành phố đe dọa ra thông báo đóng cửa các nơi làm việc để gây áp lực, và thuê những nhà thầu để đảm nhận những dịch vụ thiết yếu nếu các công nhân nghiệp đoàn vẫn không chịu tới sở. Những cuộc thương lượng nhằm giải quyết vụ tranh chấp đã thất bại, và cuộc đình công bắt đầu vào ngày 17/8.

Tuy nhiên ba ngày sau, nghiệp đoàn yêu cầu tôi làm cố vấn pháp lý cho họ. Các thành viên chủ yếu là những công nhân công nhật người Ấn, phần lớn đảm nhận việc thu gom rác và quét dọn đường phố. Đó là một nghiệp đoàn lớn với vài nghìn người, lãnh đạo là một người Ấn ít học, tinh khôn, lác mắt tên là Suppiah. Đã có vài vụ xô xát và họ đã dùng đến bạo lực. Tôi trả lời là mình rất tự hào khi làm việc cho họ, nhưng với điều kiện là cuộc đình công phải được tiến hành theo cách thức hòa bình. Họ đồng ý, và cuộc thương lượng trở nên xây dựng hơn. Ngày 8/9, viên thống đốc báo cáo cho Lennox– Boyd:

“Có lúc có những trường hợp lộn xộn đáng lo ngại theo một kiểu thường gặp, nhưng họ dừng lại bất ngờ sau vài ngày. Lee Kuan Yew có công trạng gì trong vụ này không thì không chắc được, nhưng có thể là như thế.” (Chúng tôi đã đi đến thỏa thuận vào ngày 7/9.) “Trái với các dự đoán… cuộc đình công không sụp đổ và nghiệp đoàn đã đạt được những nhượng bộ quan trọng. Có hai lý do chính dẫn đến kết quả này. Thứ nhất là sự yếu kém của Hội đồng thành phố… và thứ nhì là sự can thiệp của Lee Kuan Yew, thư ký của Đảng PAP, với tư cách là cố vấn pháp lý của nghiệp đoàn. Trên thực tế, sự can thiệp của ông ta có lợi cho cả hai bên và với kết quả của việc dàn xếp, có thể ông ta đã cải thiện được vị trí cá nhân của mình.”

Cách thức phản đối hợp hiến của tôi, hữu hiệu trong vòng luật pháp, rõ ràng là đối lập với cách thức của những người quá khích, và tôi đã đạt được kết quả. Nhưng không có phái quá khích vượt quá khuôn khổ luật pháp và sử dụng bạo lực, thì những phương pháp của tôi sẽ không đạt hiệu quả. Chính giải pháp ít gây khó chịu do tôi đưa ra khiến các phương pháp này dễ chấp nhận hơn đối với người Anh. Cũng như ở Malaya, nếu không có chính sách khủng bố của phe quá khích đã đẩy người Anh tới viễn cảnh bi đát là phải đầu hàng, thì chính quyền Tunku không bao giờ giành được độc lập đơn giản bằng cách tập hợp ngày càng nhiều những người dân quê Malay. Chính sự lựa chọn gây khó chịu do phe quá khích đưa ra đã khiến những phương pháp hợp hiến nhằm xói mòn từng bước chính quyền thực dân trở nên hữu hiệu hơn đối với những người theo chủ nghĩa dân tộc và dễ chấp nhận hơn guồng máy thực dân. Tại Ấn Độ thời trước chiến tranh, nơi nào không có mối đe dọa cộng sản, các phương pháp bất bạo động hợp hiến phải mất nhiều thập niên mới đạt hiệu quả.

Trong khi các nghiệp đoàn tiếp tục sục sôi không ngừng và lớn mạnh, Marshall liên tục gây ra các cơn khủng hoảng chính trị. Ông ta có một sở trường tạo ra chúng. Giữa lúc tình trạng xung đột chủ thợ và kích động này, ông ta lại đụng chạm với ngài Robert Black qua yêu cầu tăng thêm bốn ủy viên phụ trợ cho bộ máy của ông, và khi viên thống đốc chấp nhận chỉ thêm hai người, ông ta quyết định đưa tranh luận này ra công khai. Ông cho là viên thống đốc không có quyền bác bỏ yêu cầu của Tổng ủy viên, và đe dọa từ chức nếu thống đốc từ chối trao đổi ý kiến với ông ta trước khi làm bất cứ việc gì. Ông ta cũng muốn Singapore được trao quyền tự trị hoàn toàn. Những quy định về tình trạng khẩn cấp đã hết hiệu lực vào ngày 21/7, nhưng viên thống đốc lại đề nghị triển hạn thêm 3 tháng nữa, tùy theo sự chấp thuận của Hội đồng lập pháp trong phiên họp kế tiếp: cái giá mà Marshall đòi cho sự gia hạn này là người Anh phải cho Singapore được tự trị “vào giây phút sớm nhất có thể được”.

Tiến trình của phiên họp Hội đồng ngày 22/7 đó là điển hình của phong thái tắc trách và ngu ngốc mà trong đó các đảng phái chính trị đã giở thủ đoạn. Trong việc đưa ra kiến nghị về quyền tự trị,

Marshall giải thích rằng đây là một vấn đề nguyên tắc hợp hiến pháp. Cuối bài diễn văn công kích viên thống đốc và chủ nghĩa thực dân, ông ta quay sang tôi – đại biểu của khu Tanjong Pagar, người “đã quấy rầy tôi rất dai dẳng và ầm ĩ trước đây,” nhưng thực sự là “tay lãnh đạo của phe đối lập dưới mắt quần chúng” – và yêu cầu tôi ủng hộ kiến nghị của ông ta. Như thế tức là ông ta đã phủ nhận lời buộc tội do Goode đưa ra hai tháng trước đó, vào ngày 26/4, ông này thường gọi PAP là phương tiện và là công cụ tự nguyện của phe quá khích. Tôi chắc chắn không thể từ chối cái vinh dự được ủng hộ kiến nghị này!

Hội đồng lập pháp hoãn cuộc họp ngày 22/7. Ba ngày sau họp lại, một thành viên Đảng Tiến bộ, Lim Koon Teck, đã cố gắng vượt qua mặt cả tôi và Marshall. “Chúng ta hãy… đòi hỏi một cuộc chuyển giao quyền lực trọn vẹn để chúng ta, và chỉ chúng ta thôi, sẽ chịu trách nhiệm về công việc và vận mệnh của mình, còn chính phủ Anh không cần phải lo lắng đến chúng ta nữa”, ông ta đề nghị, và sau đó đề nghị điều chỉnh chữ “nền tự trị” bằng “nền độc lập”. Nói cách khác, ông ta muốn “nền độc lập” ngay lập tức. Các đảng viên Đảng Tiến bộ luôn tiêu biểu cho sự điều độ, từng bước tiến tới chủ quyền. Bằng thủ đoạn bất ngờ này, họ có vẻ cấp tiến hơn cả Mặt trận Lao động và PAP. Tôi đã ghi nhận rằng: “Hôm nay chúng ta được giải trí bởi một cảnh tượng lạ đời của một con chuột chuyển mình thành con sư tử.”

Đề nghị điều chỉnh này bị bác bỏ và kiến nghị ban đầu về một nền tự trị sớm sủa được thông qua, đúng lúc để gây căng thẳng cho Lennox–Boyd, người sẽ đến Singapore chỉ một tuần sau đó. Tuy nhiên, qua nước cờ của mình, Đảng Tiến bộ đã tự hủy hoại uy tín như một đảng phái đáng tin cậy và kiên định của họ. Hiện ở Singapore không còn một lực lượng chính trị ôn hòa hoặc thuộc cánh hữu cố kết nữa.

Lennox–Boyd đến Singapore, gặp Marshall và đi Malaya. Ngày 2/8, Chủ tịch đọc cho Hội đồng lập pháp nghe lá thư của viên thống đốc, nói rằng Bộ trưởng Bộ Thuộc địa đã thảo luận các vấn đề với Tổng ủy viên, và rằng cuộc thảo luận sẽ tiếp tục khi ông ta từ Malaya trở lại Singapore vào ngày 15/8. Marshall, được Lennox–Boyd trấn an, trông và nghe có vẻ thiện cảm, đã nói: “Lúc này, có lẽ chúng ta nên ngừng lại ở đây và tiếp tục công việc bình thường.” Tôi không đồng

ý, chỉ ra rằng không có gì trong lá thư của viên thống đốc làm thay đổi tình hình một cách cụ thể từ cuộc họp sau cùng của chúng ta “trừ phi rằng vào ngày đó, chúng ta có một Tổng ủy viên quyết liệt hơn.” Rồi tôi chuyển sang phản đối quyết định cám ơn viên thống đốc của Marshall, và Hội đồng lập pháp ủng hộ tôi. Marshall giận tái người.

Nhưng ngày 18/8, Chủ tịch đọc một lá thư nữa của thống đốc nói rằng ông ta sẽ hành động theo lời khuyên của Tổng ủy viên trừ khi đình chỉ phiên họp và giải tán Hội đồng Lập pháp. Lá thư này cũng nói rằng chính phủ Anh sẽ hoan hỉ tiếp đón một phái đoàn đại diện từ Singapore tới London vào một ngày thích hợp để xem xét những vấn đề hiến pháp. Marshall tuyên bố: “Đây thực sự là một ngày hạnh phúc cho Singapore. Nó đánh dấu sự kết thúc giai đoạn đầu tiên trong cuộc đấu tranh vì tự do của chúng ta. Nó đánh dấu sự khởi đầu của một thời đại mới… một thắng lợi đáng phấn khởi.” Marshall phấn chấn. Ông ta lại đề nghị rằng viên Chủ tịch sẽ “yêu cầu thống đốc nhân danh họ cám ơn Bộ trưởng Ngoại giao vì quan điểm đồng tình của ông ta đối với những nguyện vọng của chúng ta.” Tôi không muốn làm chuyện này chút nào và đe dọa bỏ họp – tôi muốn có thời gian để nghĩ đến những ẩn ý của bức điện cảm ơn như thế. Marshall nổi giận. Đề nghị của tôi chống lại đề xuất đó bị bác bỏ.

Tôi đang đùa với Marshall, nhưng có việc hệ trọng hơn cần phải làm. Tương lai của nền giáo dục, văn hóa, ngôn ngữ của người Hoa vẫn còn là một vấn đề quan trọng, dù tình trạng hỗn loạn sục sôi trong các trường trung học Hoa tạm thời lắng xuống khi Ủy ban liên trường của các trường tiếng Hoa “kêu gọi” chính phủ ngưng việc đuổi học sinh, hoặc tống đạt những thông báo tới các trường yêu cầu trình bày lý do tại sao chúng không thể bị đóng cửa hẳn. Ủy ban đã dự phòng một cách thức khéo léo để thoát khỏi vấn đề thể diện đầy gay gắt. Ngẫu nhiên chính phủ lại vướng vào việc tiến hành một cuộc thảo luận kín đáo mà nó cho phép tìm ra một phương thức không gây xôn xao dư luận. Nếu không thì mỗi thiếu sót trong bất kỳ giải pháp nào sẽ được tường thuật trên báo chí tiếng Hoa và tạo thành vấn đề tranh cãi, vận động hành lang và trở thành thắng lợi cho những luận điểm tuyên truyền.

Những gợi ý của ủy ban có những hệ quả lâu dài có lợi cho nền giáo dục của người Hoa và cũng có lợi cho sự hòa hợp của một xã hội đa chủng tộc. Nhưng chúng lại đe dọa tương lai những người cộng sản. Khoảng 90% người Hoa đã trưởng thành, nếu có được học, là theo Hán học. Nhưng số trẻ con người Hoa học trường tiếng Anh đã tăng mạnh từ năm 1948, khi tình trạng khẩn cấp được ban bố. Năm 1950, số học sinh ở các trường Hoa đông hơn 25.000 người so với các trường Anh, nhưng đến năm 1955, tỷ lệ đó đã thay đổi, và các trường Anh đông hơn các trường Hoa 5.000 học sinh. Dù những người cộng sản không biết chính xác các số liệu, họ cũng đã

ý thức về xu thế này, và vì nó sẽ làm cạn kiệt nguồn nhân lực của họ, nên họ phải ngăn nó lại. Vì thế trận chiến nhằm bảo tồn văn hóa Trung Hoa thậm chí trở nên quyết liệt hơn đối với MCP.

Vấn đề đối với chính phủ và những người phi cộng sản trong PAP trở nên phức tạp do sự kiện rằng văn hóa Trung Quốc cũng là vấn đề tâm huyết của nhiều bậc phụ huynh, vì thế họ không thiết tha gì với việc đưa tiếng Anh vào các trường Hoa. Tất cả những chi phí hành chính đều do chính phủ chi trả, nhưng đổi lại các trường sẽ phải tuân theo những quy định của chính phủ về mặt giáo trình và kỷ luật. Và dù sao đi nữa, họ muốn việc giảng dạy phải hoàn toàn bằng tiếng Hoa. Thật ra, khoảng một nửa trong số họ muốn được cả hai cách. Nhiều lãnh đạo các bang hội nằm trong ban quản trị các trường học đều cho con họ học các trường Anh, và cho bọn trẻ học thêm tiếng Hoa vào buổi chiều, nhằm cho chúng biết nói hai thứ tiếng. Đồng thời họ hô hào các bậc cha mẹ khác cho con cái tới các trường Hoa để tiếp nối truyền thống uyên bác cổ xưa của người Hoa. Chẳng có cách nào làm hài lòng tất cả mọi người. Vì thế chính phủ cần một báo cáo từ ủy ban, trong đó tôi đại diện cho PAP, báo cáo sẽ gắn kết mọi lực lượng vào các nhận định của nó, để tất cả chúng tôi sẽ bị buộc phải đảm nhận công việc thuyết phục những người nói tiếng Hoa chấp nhận nó. Điều này đã cho tôi một cơ hội để thảo ra kế hoạch nhưng nó cũng đặt tôi vào một tình cảnh nguy hiểm nghiêm trọng là phải đối đầu với MCP về một vấn đề quan trọng đối với sự sống còn của họ.

Tôi quyết định rằng, dù nó có thiết thực hay không, chính sách khả thi về mặt chính trị duy nhất là công nhận cả ba ngôn ngữ, với

tiếng Malay như ngôn ngữ chung và là ngôn ngữ dân tộc tương lai của Malaya, tiếng Anh là ngôn ngữ khoa học và giao tiếp quốc tế, tiếng Quan thoại là ngôn ngữ mẹ đẻ của người Hoa, và tiếng Tamil, Hindi hoặc Punjabi dùng cho người Ấn. Chủ tịch ủy ban liên trường là Chew Swee Kee, ủy viên giáo dục, và bảy thành viên khác của nó gồm một người Malay, Abdul Hamid bin Haji Jumat, ủy viên chính quyền bản xứ. Trong chín tháng kế đó, tôi làm việc với hai người này, cả hai đều thoải mái với những quan điểm của tôi, và chúng tôi cùng nhau soạn thảo bản báo cáo mà tất cả đều có thể chấp nhận. Nó bao gồm một lời khuyên viết lại toàn bộ sách giáo khoa cho các trường Hoa, vốn cho tới nay chỉ dùng các sách thông dụng ở Trung Quốc hồi trước chiến tranh dưới thời Quốc dân đảng.

Trong khi đó Lim Chin Siong và Fong không để lãng phí thời gian. Họ đang theo đuổi một chiến lược mặt trận liên kết điển hình mà tôi nhanh chóng quen thuộc. Lim đã nắm quyền chủ tịch của một ủy ban giáo dục người Hoa đại diện cho 16 nghiệp đoàn và Hội Phụ huynh học sinh người Hoa toàn Singapore. Nhưng đó mới chỉ là một sự bắt đầu. Ông ta nắm một danh sách rất dài những cá nhân và tổ chức mà ông ta có thể triệu tập, vì SFSWU không phải tự nhiên mà trở thành một tổ chức bao trùm mọi ngành nghề. Nhóm trên đường Middle bao quanh nó hiện không chỉ bao gồm nhiều tổ chức với số lượng những thành viên nói tiếng Hoa không đáng kể, và vì thế không quan tâm đến việc giáo dục của người Hoa, kiểu như Nghiệp đoàn Lao động Căn cứ Hải quân và Nghiệp đoàn Công ty Xe tải Singapore, mà còn bao gồm cả những đoàn thể pha tạp kiểu như nghiệp đoàn của những thợ hớt tóc, thợ may, các công nhân ngành giải trí và xi–nê, và thậm chí cả nghiệp đoàn những người sống trong các ngôi nhà gỗ nữa.

Đó mới chỉ là một khía cạnh của con bạch tuộc. Lim Chin Siong cũng muốn kết nạp những bang hội có từ lâu đời trực thuộc Phòng Thương mại người Hoa, và nhắm đến mục đích này, ông ta đã tìm kiếm và giành được sự ủng hộ của viên chủ tịch của nó, Tan Lark Sye. Tan là một lái buôn cao su triệu phú thất học, một chiến sĩ vĩ đại trên mặt trận giáo dục và ngôn ngữ của người Hoa, và là cá nhân đóng góp nhiều tiền nhất cho quỹ xây dựng một trường đại học ở Singapore dành cho người Hoa khắp Đông Nam Á. Ông ta rất ngưỡng mộ một nước Trung Quốc mới và sẵn sàng đi theo những

người cộng sản với điều kiện là họ không gây thiệt hại cho quyền lợi của ông ta. Ông ta đồng ý cho Lim một cuộc họp đông đảo quần chúng vào ngày 6/6/1955, trong đó sẽ bao gồm Phòng Thương mại người Hoa và những bang hội liên kết với nó, cũng như “ủy ban giáo dục” của Lim.

Viên phó chủ tịch của Phòng Thương mại, Yap Pheng Gek, là một kiểu tư sản mại bản Anh học như tập đoàn Oversea–Chinese Banking Corporation. Ông ta không muốn chơi trò của Lim và xoay xở để giản lược cuộc họp đại chúng này trở thành một cuộc họp dành cho những người đại diện của 6 tổ chức giáo dục, trong đó có Lee Kong Chian, một tay trùm ngành cao su là chủ tịch Hiệp hội nhân viên và quản trị viên các trường trung học tiếng Hoa.

Mục đích của cuộc họp là thảo luận một giác thư nhằm đệ trình lên chính phủ, đòi hỏi sự bình đẳng trong việc đối xử giữa các trường tiếng Hoa và trường tiếng Anh. Cuộc họp được quy định trước là sẽ không có việc tranh cãi hay nghị quyết mới nào, mà chỉ là việc biểu quyêt ngay về những điều khoản sẽ được đề đạt. Tuy nhiên Lim Chin Siong phớt lờ các quy định của viên chủ tịch, Yap Pheng Gek, người rất ngại dùng quyền hạn chống lại những người khuynh tả. Lim đưa ra bản giác thư do ông ta soạn, trong đó đòi hỏi không chỉ quy chế bình đẳng cho các trường Hoa và trường Anh, mà còn đòi hỏi chính phủ phải cấp tiền để xây những trường Hoa, việc miễn tiền học phí trong 6 năm giáo dục tiểu học, và quyền thành lập những tổ

chức tự quản của học sinh (giống như những chi nhánh của Nghiệp đoàn Học sinh trung học Hoa) trong mỗi trường.

Khi viên chủ tịch có ý bắt mọi người tuân theo những nguyên tắc của cuộc họp, Fong yêu cầu được phát biểu nhân danh Nghiệp đoàn Công nhân Xe buýt Singapore. Yêu cầu này bị từ chối. Thế là Fong nhờ trực tiếp đến cử tọa, trong số đó đầy những kẻ ủng hộ Lim Chin Siong. Những tiếng cổ vũ tán thành ồn lên biểu lộ sự liên kết và đe dọa viên chủ tịch. Viên chủ tịch đầu hàng đúng lúc. Từ đó trở đi, Lim và Fong điều khiển cuộc họp.

Trong bầu không khí này, phòng họp đầy ắp những đại biểu các tổ chức bang hội và những người hoạt động nghiệp đoàn thân cộng, những người theo chủ nghĩa sô–vanh nắm quyền kiểm soát. Chuang Chu Lin, hiệu trưởng trường trung học Chung Cheng, và sau này là

hiệu phó trường đại học Nanyang, phản đối mọi sửa đổi sách giáo khoa môn lịch sử và địa lý Trung Quốc, và khi ông ta nhận được sự ủng hộ nhiệt tình, thì kiến nghị của Lim Chin Siong là nên có những sách giáo khoa với một nền tảng Malaya bị bác bỏ. Thêm vào đó, chỉ những quyết định thiên cộng là được thực thi. Lim có được những gì ông ta muốn, và được những tay lãnh tụ theo truyền thống của các tổ chức của những người nói tiếng Hoa ủng hộ.

Ủy ban liên trường dành cho bản giác thư của Phòng thương mại người Hoa một vị trí trang trọng trong phần phụ lục của bản báo cáo nhưng gạt bỏ mọi đề nghị của bản giác thư này. Vào tháng 2/1956, khi Chew Swee Kee công bố bản báo cáo trong phiên họp Hội đồng lập pháp, không câu hỏi nào được đặt ra. Bản báo cáo là sự thỏa hiệp hay nhất mà chúng tôi có thể đạt được, và đại diện các đảng phái cùng ký tên vào.

Bản kiến nghị này đơn giản. Những trường tiếng Anh cũng phải dạy ngôn ngữ mẹ đẻ – tiếng Hoa cho người Hoa, tiếng Malay cho người Malay, tiếng Tamil hoặc tiếng Ấn nào đó cho người Ấn. Những học sinh trong các trường Hoa sẽ học hoặc tiếng Anh hoặc tiếng Malay trong trường tiểu học, và học cả hai thứ tiếng trong trường trung học. Các trường Malay cũng sẽ dạy tiếng Anh ở cấp tiểu học và một ngôn ngữ thứ ba ở cấp trung học nếu học sinh đòi hỏi.

Bên dưới cuộc tranh cãi về giáo dục và ngôn ngữ là một cuộc chiến đấu vì quyền lực. Tầng lớp thương nhân người Hoa, những tay lãnh đạo bang hội và các trùm tư bản của Phòng Thương mại muốn có một Hội đồng lập pháp trong đó những đại biểu được bầu của họ có thể phát biểu cho cộng đồng người Hoa bằng thứ tiếng Hoa trôi chảy, chứ không bằng thứ tiếng Anh thiếu mạch lạc, để tăng thêm của cải và quyền lực của họ. Họ đã gửi một bản giác thư đòi có một cơ quan lập pháp đa ngôn ngữ tới Ủy ban Rendel (mà nó đã bị bác bỏ), và chúng tôi đã ủng hộ kiến nghị của họ ngay từ tháng 11/1954, thậm chí trước khi PAP được chính thức thành lập. Hiện Phòng thương mại lại đề nghị tiếng Hoa phải là một trong những ngôn ngữ chính thức.

Một vấn đề không thể tránh khỏi trong một xã hội đa chủng tộc, đa ngôn ngữ là làm thế nào để tổ chức một cơ quan lập pháp và một chính phủ có hiệu quả mà không gây ra một mớ hỗn độn. Mỗi cộng đồng lâu đời đều có một ngôn ngữ chính, và những ai gia nhập vào

đều phải học ngôn ngữ đó, hoặc nó là tiếng Anh ở Mỹ và Canada, hoặc là tiếng Pháp ở Quebec. Nhưng khi Stamfort Raffles thành lập Singapore vào năm 1819, ông ta đã phân ranh giới những vùng khác nhau trong quy hoạch đô thị đầu tiên của mình, trong đó những chủng tộc khác nhau, thậm chí những nhóm người Hoa khác ngôn ngữ đều sẽ sống biệt lập với nhau. Sau đó người Anh đưa tới đây một số đông người Hoa, Malay, Ấn – tất cả đều nói tiếng mẹ đẻ của mình – và để mặc cho họ tự xoay xở.

Dưới áp lực của phái dân túy, Marshall, như có thể dự đoán, đã đề nghị một nghị quyết vào ngày 9/2/1956 rằng: “Hội đồng lập pháp này ủng hộ ý kiến rằng vì mục đích tranh luận trên diễn đàn, ngôn ngữ của Hội đồng sẽ là tiếng Anh, tiếng Malay, tiếng Phổ thông và tiếng Tamil và rằng một ủy ban tuyển chọn sẽ được chỉ định để nghiên cứu bản báo cáo và đưa ra những khuyến cáo cần thiết”. Marshall biết ông ta đã sẵn sàng chấp nhận việc đề nghị của mình có thể bị bác. Ông ta thuật lại rằng một người Malay đã nói với ông ta: “Với chủ trương đa ngôn ngữ, các ông sẽ giao chúng tôi vào tay người Hoa. Họ sẽ nhấn chìm chúng tôi.” “Vâng, thưa ngài,” ông ta đã trả lời, “thiểu số phải phục tùng đa số. Người Hoa chiếm 76% trong cộng đồng chúng ta. Chúng ta đừng tránh né vấn đề.” Đây là kiểu điển hình của Marshall – nửa lý tưởng hóa và nửa (hay có lẽ hơn một nửa) là kẻ cơ hội mong muốn chứng minh ông ta Trung Hoa hơn cả người Hoa, và vì thế có thể chấp nhận như một người bênh vực cho họ, ít nhất là cho một nhiệm kỳ nữa. Tiếng hoan hô nhiệt tình dành cho những diễn giả người Hoa trong những cuộc mít–tinh lớn để tranh cử đã khiến ta thấy rõ rằng những ai chống lại chủ trương đa ngôn ngữ nhằm ngăn chặn những đại biểu người Hoa vào Hội đồng lập pháp chắc chắn sẽ mất phiếu bầu.

Trong bài diễn văn của mình, tôi nói: “Khi chúng ta đi tới quyết định này ngày hôm nay, chúng ta phải hiểu rằng nó là không thể thay đổi được, trừ phi dưới áp lực của vũ trang, và thậm chí điều đó cũng sẽ không có tác dụng lâu dài. Chúng ta phải nhớ rằng có những hàm ý sâu rộng hơn…” Đó là vào tháng 2/1956 và nhiều người đã chờ đợi một sự phát triển của tiếng Hoa và Indonesia và nền văn học của họ khi hai nước Trung Quốc và Indonesia hồi sinh, trở nên mạnh mẽ và đầy quyền lực trong vòng 10 đến 20 năm nữa. Không thể, về chính trị cũng như về tâm lý, thuyết phục đông đảo

quần chúng, trong một tâm trạng chống thực dân, chấp nhận ưu thế của tiếng Anh.

Tôi biết rất rõ rằng sự thiếu thông hiểu tiếng Hoa, chứ đừng nói đến việc sử dụng nó thành thạo, là một bất lợi ghê gớm về mặt chính trị cho tôi.Tôi kể lại tường tận kinh nghiệm của riêng mình:

“Gia đình cho tôi theo học một trường Anh để chuẩn bị cho tôi sang một trường đại học bên Anh, cốt để tôi có thể trở thành con người có học vấn – ngang hàng với bất kỳ người Anh nào, theo kiểu người hoàn hảo. Tôi không biết gia đình tôi đã thành công đến mức nào trong việc này. Tôi lớn lên và cuối cùng đã tốt nghiệp đại học. Sau cùng, tôi cảm thấy – rất lâu trước khi tôi bước vào con đường chính trị, rằng toàn bộ thang giá trị đó đều sai từ căn bản.”

Rồi tôi trích dẫn lời của Nehru, nói rằng ông ta đã khóc chỉ vì không thể nói tiếng mẹ đẻ giỏi như nói tiếng Anh.

“Tôi là người ít xúc cảm, thưa quý ngài. Tôi không hay khóc lóc hoặc bứt tóc tai mình, hoặc xé giấy, hay lột phăng áo ra, nhưng điều này không có nghĩa là tôi không có những xúc động mạnh mẽ về điều đó. Con trai tôi sẽ không đến một ngôi trường Anh nào. Nó sẽ không là một mẫu người Anh. Dĩ nhiên, tôi hy vọng rằng nó sẽ biết tiếng Anh đủ để chuyện trò với cha nó về những vấn đề khác hơn là chuyện thời tiết.”

Đó là cách tôi cảm thấy. Nó có thể được cộng đồng những người nói tiếng Hoa hoan nghênh. Dù Lim Chin Siong và MCP không hài lòng với bản báo cáo, họ cũng không thể công khai chống đối tôi vì đã ủng hộ nó (cuộc bỏ phiếu có 29 phiếu thuận và không có phiếu chống) mà không gây một mối bất hòa trong PAP. Mặt khác, viên chủ tịch và phó chủ tịch của Nghiệp đoàn giáo viên tiếng Anh (trong các trường Hoa) thì có thể chống. Họ cho đó là “một mẩu ra vẻ đoan trang thuộc địa vô liêm sỉ” (sic)14 và yêu cầu bổ nhiệm một ủy ban khác mà trong đó gồm những thành viên am hiểu sâu sắc nền giáo dục Hoa. Tôi bỏ qua lời tuyên bố này. Những giáo viên dạy tiếng Anh trong các trường Hoa – kém chuyên môn và lương thấp – đều có xu hướng khuynh tả như những giáo viên dạy tiếng Hoa vậy.

MCP lo lắng về kỷ luật mà chính phủ áp đặt vào các trường Hoa. Họ sợ rằng nó sẽ ngăn cản các học sinh khỏi việc “bị phe nhóm chính trị lạm dụng để lật đổ một cách phi pháp chính phủ được thành lập hợp pháp”. Tệ hại hơn, tiếng Anh sẽ mở ra cho chúng một thế giới hoàn toàn khác thông qua báo chí, văn chương và phim ảnh. Chúng sẽ nhìn thế giới bằng hai con mắt, với cái nhìn bình thường, thay vì chỉ nhìn một mắt qua kính viễn vọng của người Hoa. Tôi phải chiếm một vị trí mà nó sẽ không để tôi bị lên án như một người Hoa mất gốc. Nếu như tôi đi một bước sai lầm trong vấn đề này, tôi sẽ bỏ lỡ cơ hội. Nếu họ có thể chứng tỏ rằng tôi thích dùng tiếng Anh hơn là tiếng Hoa làm phương tiện giảng dạy chủ yếu trong nhà trường, thì tôi không thể duy trì mối quan hệ và ủng hộ của khối người nói tiếng Hoa.

Giữa năm 1955, tôi gởi Loong, lúc đó mới ba tuổi rưỡi, đến trường mẫu giáo Nanyang, nơi dạy tiếng Hoa. Sau đó khi tôi đến thăm trường với ủy ban liên trường, báo chí Hoa đăng một tấm hình của nó trong lớp mẫu giáo, khiến mọi người đều biết rằng nó đang được giáo dục bằng tiếng Hoa. Việc quyết định rằng ba đứa con của tôi phải được dạy dỗ trong ngôn ngữ và văn hóa của tổ tiên chúng đã khiến cho tôi đạt một sự tín nhiệm không bao giờ có thể bị công kích. Hai đứa con nhỏ hơn của tôi, Wei Ling và Hsien Yang, cũng theo bước Loong đi học trường mẫu giáo Nanyang và tiếp tục học trường tiểu học Nanyang. Sau đó Loong và Yang học trường trung học Catholic, trong khi Ling tiếp tục học trường nữ trung học Nanyang. Chúng là những người Hán học hoàn toàn, nhưng vì ở nhà chúng nói tiếng Anh với mẹ, nên chúng nói tiếng Anh cũng lưu loát như tiếng Hoa. Và với việc học thêm tiếng Malay, từ năm lên sáu, chúng đã thông thạo ngôn ngữ thứ ba.

Trong khi người dân Singapore bị rối trí bởi những khủng hoảng định kỳ do Marshall gây ra, bối rối bởi tình trạng lộn xộn trong trường học và xung đột chủ thợ trong chỗ làm thì có những sự kiện xảy ra ở Malaya sẽ làm thay đổi tương lai của hòn đảo.

 

Chọn tập
Bình luận