Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Hồi Ký Lý Quang Diệu – Tập 1

Chương 17: Gặp Gỡ Với “Đặc Mệnh Toàn Quyền”

Tác giả: Lý Quang Diệu
Thể loại: Hồi Ký - Tuỳ Bút
Chọn tập

Tôi nhớ 1958 là một năm tình hình lắng dịu. Mọi chuyện tương đối yên tĩnh và không có những náo động gây ra do lãn công, đình công, biểu tình, bạo loạn hay mít–tinh. Tôi có thì giờ để suy xét, ngẫm nghĩ và hoạch định những bước đi quan trọng kế tiếp trước khi đến kỳ tổng tuyển cử vào tháng 5/1959. Câu hỏi thứ nhất tôi phải trả lời là giữa việc nắm và thành lập chính phủ mới, và việc đứng ở phía đối lập nhưng giữ được nhiều ghế hơn trong Hội đồng lập pháp và dùng nhiệm kỳ kế tiếp để củng cố uy tín đối với quần chúng, cái nào sẽ có lợi hơn cho chúng tôi.

Tuy nhiên, sau cuộc trắc nghiệm tại Tanjong Pagar và Jalan Besar, tôi đã tin tưởng rằng, cho dù phái thân cộng đối đầu với chúng tôi trong kỳ bầu cử, họ cũng không thể đánh bại chúng tôi trừ phi họ có thể xây dựng tổ chức của mình mạnh như hồi 1956. Để làm được điều này, họ phải lập những đảng phái mới, những mặt trận mới, rồi xác lập mức tín nhiệm của quần chúng đối với họ. Tất cả những việc ấy cần có thời gian. Hàng ngũ cán bộ và những ủng hộ viên trực tiếp

– khoảng vài nghìn – thì có thể theo kịp từng biến chuyển trong chủ trương hành động của CUF, nhưng khối đông quần chúng thì không.

Cho dù chúng tôi có lập chính phủ trong nhiệm kỳ kế hay không, chúng tôi vẫn phải kiểm soát chặt chẽ được PAP và giữ cho nó không bị đối phương thâm nhập và không chế. Làm thế nào chúng tôi tận dụng giai đoạn lắng dịu này để đạt được điều đó? Phái thân cộng có thể nắm lại các đảng bộ, nhưng chúng tôi không được để họ nắm quyền kiểm soát toàn đảng, qua đó sử dụng được biểu tượng của đảng để in trên phiếu bầu bên cạnh tên ứng cử viên. Trong một xứ sở đa ngôn ngữ và nửa số dân là mù chữ, biểu tượng của ứng cử viên là vấn đề rất quan trọng. Nó như mẫu logo của một sản phẩm đặc chế, và biểu tượng vòng tròn màu xanh kèm tia chớp đỏ bắt chéo của PAP đã trở thành thứ nhãn hiệu đã được thừa nhận. Đó là vấn đề trước mắt. Nhưng nếu chúng tôi nắm quyền, vấn đề sẽ trở nên bức xúc hơn, bởi vì khi đó chúng tôi sẽ phải phóng thích Lim Chin Siong, Fong và các phụ tá của họ. Làm sao lúc đó chúng tôi có thể ngăn họ – với uy tín tăng lên nhờ việc bị cấm cố – đừng trở lại gây ảnh hưởng và đe dọa chính phủ của PAP? Tôi tin tưởng rằng chúng tôi không thể sống sót trừ phi chiếm trước được thế thượng phong để không thể bị tấn công và hạ gục như Mặt trận Lao động. Câu trả lời đã rõ ràng. Bằng cách nào đó tôi phải công khai ràng buộc Lim Chin Siong và Fong vào lập trường của chúng tôi trước khi chúng tôi nắm quyền hành.

Tôi còn một số ưu tư khác nữa. Lim Yew Hock bây giờ đã biết rằng uy tín của ông ta với cử tri đã bị thiệt hại nghiêm trọng, rằng ông ta và Chew Swee Kee khó mà sống sót qua được cuộc tấn công của phái cộng sản vì những đợt thanh trừng họ đã gây ra. Nhưng họ cứ tiếp tục phạm những sai lầm khác cứ như định mệnh đã an bài như thế. Tôi cố gắng xóa đi nỗi lo sợ của Lim Yew Hock về một cái chết chính trị đột ngột và bảo đảm với ông ta rằng tôi sẽ không ép ông ta tiến hành bầu cử sớm như ông ta đã khinh xuất hứa hẹn trước đây, và điều đó kéo dài thêm thời gian để vận mệnh chính trị của ông ta có thể thay đổi. Tôi tìm ra những lý do để ông ta trì hoãn cuộc bầu cử: lập danh sách những công dân mới, phân chia lại những khu vực bầu cử để tăng chúng từ 25 lên 51, tu chính lại luật bầu cử để khiến việc đi bầu trở thành bắt buộc, và cấm chỉ việc sử dụng xe hơi để chở cử tri tới địa điểm đầu phiếu. Tôi thuyết phục ông ta rằng thật là thiếu khôn ngoan khi cứ để việc bầu cử là chuyện tự nguyện, vì phe khuynh tả được tổ chức tốt hơn và có khả năng hơn trong việc huy động quần chúng ủng hộ họ, và các đảng phái giàu có sẽ nhận ra rằng xe hơi do họ cung cấp sẽ chỉ trở thành phương tiện chuyên chở những người ủng hộ cánh tả. Cần có thời gian để vạch ra các chi tiết, soạn thảo và thông qua các điều luật. Ông ta đã vui mừng tiếp nhận những ý kiến này vì chúng góp phần kéo dài nhiệm kỳ cho chính phủ của ông ta.

Tôi không cho ông ta hay rằng tôi cũng cần thời gian để tổ chức lại PAP, thanh lọc nó và tuyển chọn những cán bộ Hán học có thể đưa ra làm ứng cử viên nhưng không đi theo con đường khuynh tả. Chúng tôi muốn có một lực lượng cân đối về mặt chủng tộc. Trong khi chúng tôi có thể tìm được những người Ấn, Hoa và Malay theo Anh học và họ hoàn toàn đáng tin cậy và không khuynh tả, nhưng chúng tôi lại thấy khó mà tìm được những ứng cử viên Hán học có thể giữ được lòng trung thành khi phái cộng sản tấn công chúng tôi, khi mà họ có thể thu hút sự ủng hộ của giới Hán học như thế.

Tôi mở ra những lớp huấn luyện cán bộ để tìm kiếm những người Hán học có lý tưởng và có những niềm tin chính trị không khuynh tả, nhưng như thế là chúng tôi khai thác cùng một nguồn nhân lực với cánh tả trong khi họ có thể tận dụng cả tinh thần dân tộc của người Hoa và các tư tưởng của Mác và Mao Trạch Đông về bình đẳng xã hội. Những người Hoa năng nổ và nhiệt tình nhất thường đã thấm nhuần những tư tưởng này. Tôi phải chuyển họ đi theo hướng một chủ nghĩa xã hội dân chủ, truyền đạt những quan niệm chính trị của chúng tôi với họ bằng thứ tiếng Quan thoại kém cỏi của tôi – rồi đọc những bài viết của họ bằng chữ Hán thảo vốn rất khó đọc hơn chữ Hán in báo.

Tôi tin rằng kinh nghiệm dạy cho tôi nhiều điều hơn là cho họ. Phạm vi quan tâm của họ là ngạn ngữ, ngụ ngôn và lịch sử Trung Quốc, cùng những thành công huyền thoại của cách mạng xã hội chủ nghĩa tại Trung Quốc đối chiếu với cuộc sống đầy bất mãn của họ tại Singapore. Tất cả những điều này không hề giúp họ hiểu được những điều tôi đang trình bày với họ – một xã hội dân chủ đại nghị, xã hội chủ nghĩa và phi cộng sản tại một Singapore và Malaya đa chủng tộc được xây dựng bằng con đường hòa bình, không bạo lực và dựa trên hiến pháp. Toàn bộ kiến thức có sẵn của họ đã khiến họ tin rằng có thể đạt tới được một xã hội cộng sản cả bằng cách thuyết phục công khai và cách bí mật lật đổ và bạo lực cách mạng. Sau này tôi hiểu ra trong nỗi thất vọng rằng ngay cả trong nhóm do tôi tuyển chọn cũng có rất nhiều người cộng sản kiên định. Không có cách gì lọc họ ra được. Họ cứ như một thứ bụi phóng xạ.

Một ngày nọ vào tháng 3/1958, một thanh niên người Hoa khoảng ngoài hai mươi đến Lee & Lee, văn phòng tư vấn pháp luật của tôi trên đường Malacca và nói với Choo rằng anh ta muốn nói chuyện riêng với tôi. Lúc đó vào khoảng 11 giờ trưa, một thời điểm bận rộn có rất nhiều thanh niên ra vào, nhưng sau khi hỏi ý tôi, Choo cho anh ta vào. Anh ta nói anh có một đề nghị quan trọng là liệu tôi có thể gặp một người đại diện cho tổ chức của anh ta không – nghĩa là một đảng viên cộng sản hoạt động bí mật. Tôi nói, được. Anh ta nhấn mạnh rằng cuộc gặp gỡ phải giữ bí mật. Tôi đề nghị nơi gặp trên con phố quãng giữa khu văn phòng chính phủ Empress Place và Nhà hát Victoria. Chỗ đó là an toàn nhất cho tôi. Tôi có thể đưa ông ta tới phòng của ủy viên trong Trụ sở Hội đồng lập pháp chỉ cách đó vài thước. Nơi đó yên tĩnh và kín đáo. Tôi biết sẽ chẳng ai dùng đến phòng đó vào ngày hẹn, và có lẽ cũng chẳng có dân biểu nào có mặt ở đó vì sáng hôm ấy không có phiên họp nào.

Đến ngày hẹn, tôi đi bộ từ văn phòng của tôi tới nơi hẹn rồi nhìn quanh, theo lời chỉ dẫn, để tìm một người gầy với màu da sáng, có cặp kính cận trong túi áo ngực và cầm một tờ báo tiếng Hoa. Ông ta đã ở đó, thấp và gầy hơn tôi. Chúng tôi trao đổi mật khẩu và đi bộ về phía trụ sở Hội đồng lập pháp như đã thỏa thuận. Ở ông ta có một vẻ lén lút và lẩn tránh, một vẻ bồn chồn và lo lắng, như một người đang trốn chạy, sắc nhợt nhạt trên mặt, cánh tay và bàn tay là sắc ta thấy ở một người trong nhiều tháng không hề ra ngoài ánh sáng mặt trời. Tôi có cảm giác mình đang tiếp xúc với một người thực sự thuộc về “thế giới ngầm”. Ông ta có vầng trán cao, đường chân tóc lui lên cao, một khuôn mặt dài và được cạo sạch sẽ, sống mũi dài nhọn, mái tóc đen thẳng chải lật ra sau theo kiểu các học sinh trung học trường Hoa. Ông ta rất đẹp và tôi đoán ông không thể là người Hokkien, mà có thể là Hakka hay Tiều Châu. Ông ta trẻ hơn tôi khoảng ba đến năm tuổi. Ông ta ăn nói nhỏ nhẹ, như không muốn cho người ngoài nghe thấy, nhưng với một giọng chắc nịch, ông ta tạo cho tôi ấn tượng về một con người quyết đoán và nhạy bén. Ông bắt đầu câu chuyện bằng tiếng Quan thoại, nên tôi cũng trả lời bằng thứ tiếng ấy, nhưng tôi lặp lại những phần quan trọng cần trình bày bằng thứ tiếng Anh đơn giản để bảo đảm rằng ông ta hiểu ý tôi. Qua vẻ mặt, tôi biết ông ta hiểu được.

Ông ta nói ông đại diện cho MCP ở Singapore và muốn gặp riêng tôi để thiết lập sự hợp tác giữa những người cộng sản và phi cộng sản trong PAP. Ông ta rất tiếc rằng phái khuynh tả đã mưu nắm quyền kiểm soát đảng vào năm 1957. Ông ta thuyết phục tôi tin tưởng rằng đó không phải chủ trương của đảng Cộng sản. Họ là lớp trẻ quá nhiệt tình, có thiện ý và muốn góp phần thực hiện một cuộc cách mạng tại Malaya. Ông ta yêu cầu tôi tin vào sự thành thật của ông ta, và đề nghị hợp tác trong một mặt trận thống nhất chống thực dân là thành thật.

Những điều ông ta đề nghị có nghĩa rằng Lim Chin Siong và Fong phải được tự do làm những điều họ đang làm trước khi bị bắt vào năm 1956 – huy động công nhân, học sinh, giáo viên, các nhóm văn hóa, tiểu tư sản và những người có tinh thần quốc gia, và thành lập một mặt trận thống nhất hùng mạnh sẽ do MCP lãnh đạo và kiểm soát thông qua những cán bộ nằm trong các tổ chức thành viên. Tôi suy nghĩ thật nhanh và nói rằng tôi không biết ông ta là ai và cũng không cách nào biết được những điều ông ta nói là thật hay không. Ông ta nói tôi sẽ phải tin ông ta. Tôi nhẹ nhàng yêu cầu ông ta cho thấy bằng chứng nào đó, không phải về lai lịch của ông ta, mà về quyền hạn của ông ta với tư cách đại diện thực sự của MCP, đối với các đảng viên cộng sản hoặc cán bộ thân cộng tại Singapore. Ông ta mỉm cười với vẻ tự tin, nhìn sâu vào mắt tôi và lặp lại là tôi phải tin lời ông ta.

Tôi nhắc tới tên Chang Yuen Tong, nghị viên Hội đồng thành phố cho khu vực Kallang. Chang là phó chủ tịch đảng Công nhân của Marshall và là chủ tịch của Nghiệp đoàn công nhân điện và vô tuyến. Qua hình thức bên ngoài, cách cư xử và những bài diễn văn tại Hội đồng thành phố, tôi khá chắc chắn ông ta là người khuynh tả. Lần này tôi nhìn vào mắt ông ta và nói rằng tôi tin chắc đảng cộng sản đang sử dụng Marshall và đảng Công nhân của ông ấy để chống lại PAP. Họ không những đã đưa Chang ra ứng cử ở Kallang, mà còn tranh cử với ứng viên của PAP tại khu vực Jalan Besar trong kỳ bầu cử Hội đồng thành phố hồi tháng 12 (tôi không nhắc chuyện ứng viên của đảng Công nhân đã thất cử.) Tôi bảo ông ta có thể chứng tỏ mình là đại diện thật của đảng Cộng sản tại Singapore, đồng thời chứng tỏ sự thành thật của ông ta khi nói rằng MCP không muốn tấn công PAP, bằng cách chỉ thị cho Chang rút lui khỏi đảng Công nhân và từ nhiệm ở Hội đồng thành phố.

Không chút ngần ngại, ông ta đáp: “Được thôi, cho tôi một thời gian. Tôi sẽ thu xếp chuyện đó. Nếu ông ấy là thành viên của tổ chức, chuyện đó sẽ được thôi.” Chúng tôi nói chuyện độ một tiếng.

Ông ta đánh giá tính cách và lập trường chính trị của tôi, tôi cũng đáp lại lời khen. Ông ta đã chấp nhận nguy cơ khi tìm gặp tôi. Nhưng tôi cũng vậy. Bởi vì nếu ông ta quả thực là một lãnh đạo cộng sản và tôi bị bắt gặp đang ngồi với ông, thì tất tôi phải giải thích nọ kia. Tuy nhiên, tôi đã chuẩn bị cho chuyện đó, tôi sẽ nói rằng ông ta muốn gặp tôi về một vấn đề của khu vực bầu cử, và tôi đã gặp ông gần trụ sở Hội đồng lập pháp nên đã đưa ông ta tới đó để nghe ông ta trình bày. Nên tôi cẩn thận chia tay ông ngay trong phòng họp, bước đi trước ông ta khi xuống thang và ra thẳng cửa chính mà không ngoảnh đầu lại nhìn xem ông ta đi về phía nào. Tôi không nghĩ mình sẽ gặp lại ông ta lần nữa. Tôi không biết ông ta là ai và cũng không muốn biết. Tôi phải bảo vệ vị trí lãnh tụ phe đối lập của tôi.

Tôi kể cho Keng Swee về cuộc gặp gỡ và cũng như tôi, ông ta cũng hào hứng muốn biết kết quả rồi sẽ ra sao. Chúng tôi gọi ông ta là “ông đặc mệnh”, tức là đặc mệnh toàn quyền. Chúng tôi biết ông ta phải là nhân vật quan trọng trong MCP, nhưng quan trọng cỡ nào? Và ý đồ thực cùng tiềm năng của họ là gì?

Công việc quan trọng kế tiếp của tôi là vào tháng 5/1958, cuộc họp về hiến pháp lần thứ ba. Tôi bay tới London và từ phi trường đi thẳng tới Hạ viện gặp Lennox–Boyd. Khi cùng đi với nhau tới cuộc họp, ông ta hỏi thăm đánh giá của tôi về những phát triển tương lai tại Singapore và về cơ may của Lim Yew Hock trong kỳ bầu cử kế tiếp. Tôi bảo cơ may của ông ta chìm dần từng tháng. Lim Yew Hock có một nhóm phụ tá kém và một số ủy viên trong chính phủ của ông ta mang tai tiếng về mặt đạo đức và trung thực. Điều này khiến ông ta dễ gãy đổ trước những chiến dịch bôi nhọ nhắm vào ông ta và Chew Swee Kee. Tôi hy vọng PAP sẽ thắng và vì đã bảo vệ hiến pháp đề nghị trong cuộc bầu cử bổ sung ở Tanjong Pagar hồi tháng 6 năm rồi, tôi đã không đòi hỏi gì hơn những điều đã thỏa thuận. Tôi đặc biệt đề cập tới Hội đồng an ninh nội chính, một thứ lưới an toàn bảo đảm chính phủ không bị lật đổ. Với một đại biểu Malay nắm phiếu quyết định, bất cứ một lệnh câu lưu nào cấp phát ra cũng có thể được biện minh hữu hiệu về mặt chính trị và cũng sẽ không xâm hại trực tiếp tới chính phủ dân cử.

Tất cả những gì còn lại cho hội nghị này bàn bạc là công việc thiết định những chi tiết vốn nghiêm trọng nhưng thầm lặng về mặt chính trị. Ở phía Singapore cũng như ở phía nước Anh, có một sự mặc nhiên thừa nhận rằng PAP có khả năng thắng trong cuộc bầu cử sắp tới, nên những điều tôi phát biểu đã có trọng lượng hơn các quan điểm của ông Tổng ủy viên. Tôi phải xem xét các chi tiết một cách cẩn thận để bảo đảm rằng tôi có thể thực thi một hiến pháp hiện đang được đúc kết bằng ngôn ngữ pháp lý. Nhưng tôi nhớ chỉ một vấn đề tương đối nhạy cảm và có thể khiến chúng tôi dễ bị tấn công ở Singapore.

Chính phủ Anh muốn mọi khoản hưu bổng cho công chức, cả gốc Anh và gốc bản xứ, được chính phủ Anh bổ nhiệm, phải được bảo đảm không bị sút giảm vì bất cứ đợt phá giá tiền tệ nào của đồng tiền Singapore. Chỉ đến sau này tôi mới hiểu ra rằng họ nhất mực đòi hỏi điều này là để giữ vững tinh thần của các viên chức tại những thuộc địa khác vốn cũng đang trên đường giành lấy độc lập. Nhưng mỉa mai thay, chính đồng bảng Anh lại là thứ tiền sẽ bị phá giá trước nhất, đến năm 1995, nó chỉ còn ăn được 2,20 đôla Singapore, tương đương một phần tư giá trị của nó vào năm 1958. Những viên chức đã yêu cầu được nhận hưu bổng bằng đồng bảng Anh quả là không may. Làm sao họ biết trước Singapore sẽ không rơi vào cùng một con đường như những cựu thuộc địa khác của họ?

Một chiều nọ, lúc còn đang ở London, tôi đọc được trên trang nhất của tờ Straits Times rằng Chang Yuen Tong, nghị viên hội đồng thành phố, phó chủ tịch đảng Công nhân, và chủ tịch của Nghiệp đoàn công nhân điện và vô tuyến, đã từ chức vì “những yêu cầu của công việc riêng đã khiến ông ta không còn đủ thời giờ cho công việc trong Hội đồng thành phố.”

Ông đặc mệnh đã ra chỉ thị và đã được chấp hành. Ông ta đã chứng tỏ mình là người nắm quyền. Tôi thấy thật bối rối, tôi đã nghĩ sự vụ này có thể xảy ra, nhưng không ngờ nó nhanh đến thế. Đấy là một người đang trốn chạy, bị cảnh sát truy lùng, có lẽ đang lánh ở một hốc hẻm nào đó tại Singapore. Ông ta đã liên lạc với tôi qua một đầu mối, người này đưa cho tôi một danh thiếp mang địa chỉ một tiệm bán xe đạp trên đường Rochor phòng trường hợp tôi muốn tiếp xúc với ông ta. Và tôi chắc rằng đầu mối ấy sẽ không thể dẫn cảnh sát tới chỗ ông đặc mệnh. Tuy nhiên chỉ trong tám tuần, những chỉ thị của ông ta đã được truyền tới Chang và đã được chấp hành.

Đó là một biểu hiện đầy ấn tượng về tính kỷ luật trong tổ chức của MCP.

Đó không phải là những người có thể dể ngươi21. Và rất nhiều người đã đi theo họ vì hy vọng rằng họ sẽ thắng và nhờ đó được chia phần vinh quang. Vì “lịch sử đã ở phía họ” thì tại sao lại ngu xuẩn đến độ đối đầu với họ? Vậy mà tôi ở đây, với một ít bè bạn có Anh học, lại ngu dốt đến độ liều mạng phát động phong trào đã khẳng định thắng lợi của nó với những cuộc cách mạng thắng lợi ở Trung Quốc và Nga.

Tôi không muốn lộ ra bất cứ sự bồn chồn hay lo lắng nào, và vì tôi chưa từng tới Rome lần nào nên tôi quyết định đi một chuyến bốn ngày tới đó. Đó là thành Rome với đây đó vài chiếc Vespa trước khi nó bị tràn ngập bởi những xe hơi và chìm trong bụi khói. Tôi dành phần lớn thời gian để đi bộ lòng vòng khu phố cổ, thăm Pháp viện và Đền tưởng niệm Victor Emmanuel, với bức phù điêu bằng đồng mô tả sự bành trướng của Đế quốc Lã Mã khắp châu Âu và Địa Trung Hải. Nó nhắc tôi nhớ rằng mọi đế quốc đều hết thịnh phải suy, và Đế quốc Anh cũng đang trong giai đoạn suy, giống như Đế quốc La Mã ngày xưa.

Tôi còn có một ấn tượng sinh động hơn trước khi rời Ý. Một sáng nọ, tôi đi bộ tới Nhà thờ St Peter (Thánh Phêrô) và ngạc nhiên một cách thú vị khi được thấy Giáo hoàng xuất hiện trên một chiếc kiệu do các vệ binh Thụy Sĩ khiêng đi. Ngài sắp được truyền hình và khi ngài được đưa xuống lối đi giữa nhà thờ, đám đông bu nghẹt xung quanh bắt đầu tung hô và la lên “Vive il Papa”, các nữ tu đứng gần kiệu gần như ngất đi vì sung sướng. Giáo hội Thiên chúa giáo hẳn phải có nhiều cái đúng để có thể tồn tại đến hai nghìn năm như thế này. Tôi nhớ mình đã đọc được rằng vị giáo hoàng sẽ được khoảng một trăm Hồng y bầu lên, mà những vị này cũng đã được giáo hoàng tiền nhiệm chỉ định. Điều ghi nhớ này rồi sẽ ứng dụng tốt cho PAP.

Khi tôi trở về Singapore, chúng tôi phải quyết định chọn ứng cử viên cho kỳ bầu cử bổ sung ở khu Kallang, mà tôi tự tin một cách hợp lý rằng mình sẽ thắng. Chúng tôi cử một tay hoạt động trong phong trào nghiệp đoàn, Buang bin Omar Junid. Ngay trước ngày bầu cử, ông đặc mệnh gửi cho tôi một cuốn tự điển Anh Hoa bìa cứng in tại Trung Quốc với giấy tốt thông qua người chủ tiệm bán xe đạp. Trên trang trắng đầu tiên, ông ta ghi bằng chữ Hán: “Gửi ông Lee Kuan Yew đáng kính, mong PAP thắng lợi trong kỳ bầu cử bổ sung ở Kallang.” Và ông ký bằng chữ Hán: “John Lee, tháng 7/1958”

– người giao liên đã nói trước với tôi đó sẽ là bí danh của ông ta. Điều này nghĩa là đảng Cộng sản không những đã từ bỏ Marshall, mà hẳn đã dặn những người của họ quay sang ủng hộ PAP.

Vào ngày bầu cử, chúng tôi được 4.278 phiếu, Mặt trận Lao động 3.566 phiếu còn đảng Công nhân chỉ có 304 phiếu. Quả là một bài học ê chề cho Marshall: không có cánh tả thì giá trị của ông ta chỉ có thế. Trong khi đảng Xã hội Tự do đứng ngoài để tránh chia sẻ số phiếu của cánh hữu, số phiếu cho Mặt trận Lao động đã theo sát chúng tôi, nhưng nếu chúng tôi đưa ra một ứng viên người Hoa, thay vì người Malay, thì hẳn PAP đã thu được nhiều phiếu hơn. Tôi thấy tin chắc rằng chúng tôi có thể đánh bại liên minh Xã hội Tự do và Mặt trận Lao động trong kỳ tổng tuyển cử.

Nhưng chúng tôi vẫn chưa hết khó khăn. Pháp lệnh bảo vệ an ninh công cộng (PPSO) vốn cho phép chính phủ được quyền bắt giữ không cần xét xử, sắp phải đưa ra trước Hội đồng lập pháp để xem có thể gia hạn thêm ba tháng nữa không. Đó là một cơ hội quan trọng để khẳng định lập trường của chúng tôi nhưng nó cũng đòi hỏi cách xử lý khéo léo bởi vì chúng tôi có thể sẽ làm đảo lộn lập trường trước đó của mình. Sau khi bàn bạc kỹ lưỡng với những đồng sự thân cận, tôi phác thảo một bài diễn văn.

PAP không thể bỏ phiếu cho việc triển hạn PPSO trong dịp này, tôi giải thích cho Hội đồng lập pháp, bởi vì như thế sẽ có nghĩa là đi ngược lại lời hứa sẽ đình chỉ nó mà chúng tôi đưa ra trong kỳ bầu cử năm 1955. Nhưng, tôi nói tiếp, đây sẽ không phải là chủ trương của chúng tôi trong kỳ bầu cử năm 1959.

“Bây giờ chúng tôi xin tuyên bố lập trường của chúng tôi về các đạo luật trong tình trạng khẩn cấp và nó là như thế này: chừng nào những luật đó còn cần thiết cho việc duy trì an ninh của Liên bang, thì chúng cũng cần thiết cho Singapore… Những người muốn hủy bỏ các đạo luật về tình trạng khẩn cấp tại Singapore phải nỗ lực góp phần thiết lập các điều kiện hòa bình và an ninh trong Liên bang để các điều luật ấy trở nên không còn cần thiết nữa.”

Phát biểu này nói rõ chính sách của chúng tôi về việc bắt giam không xét xử đối với đảng Cộng sản. Kế đó chúng tôi phải bảo vệ PAP chống lại việc cánh tả nắm quyền kiểm soát đảng. Ngay khi từ Rome trở về, tôi đã đề nghị các cuộc bầu cử ban chấp hành trung ương sẽ mô phỏng theo hệ thống bầu cử giáo hoàng. Khi chúng tôi đang soạn thảo các chi tiết, thì Giáo hoàng Pius XII (Pi-ô 12) chết vào ngày 9/10. Các Hồng y tề tựu về nhà thờ St Peter để chọn vị Giáo hoàng mới, và trong vòng ba tuần Giáo hoàng John XIII (Joan 13) được công bố đắc cử. Chúng tôi ghi nhận sức mạnh của hệ thống bầu cử này, và trong đại hội đảng đặc biệt vào ngày 23/11, những thay đổi cần thiết do chúng tôi đề nghị đã được thông qua.

Điều lệ đã tu chính này xác lập hai loại đảng viên: những đảng viên thường là những người gia nhập PAP trực tiếp ở trụ sở chính hay thông qua các đảng bộ, và các cán bộ đảng gồm vài trăm người chọn lọc với sự chấp thuận của ban chấp hành trung ương. Chỉ những cán bộ được ban chấp hành trung ương chọn lựa mới được quyền bầu các ứng viên vào ban chấp hành trung ương, giống như chỉ có các Hồng y được Giáo hoàng chỉ định mới được quyền bầu Giáo hoàng mới. Cách này khép kín mạch liên lạc, và bởi vì ban chấp hành trung ương kiểm soát bộ phận cốt tủy của đảng nên đảng không thể bị lực lượng khác khuynh đảo.

Tháng 12, chúng tôi đăng một bài xã luận trên tờ Petir, cơ quan ngôn luận của đảng, nhấn mạnh rằng PAP là một đảng phi cộng sản và PPSO sẽ tiếp tục có hiệu lực nếu chúng tôi nắm quyền. Tôi biết chắc ông đặc mệnh sẽ đọc từng lời tôi đã phát biểu trước Hội đồng lập pháp về PPSO và diễn tiến đại hội đảng PAP tiến hành ngay sau đó. Ông ta hẳn cũng đã đọc bài xã luận này vốn đã được in lại trên báo chí tiếng Hoa, nên tôi không ngạc nhiên khi người giao liên ở tiệm bán xe đạp đến gặp tôi đề nghị một cuộc gặp gỡ khác, và tôi đã đồng ý. Một tối nọ vào khoảng 8 giờ, tôi lái chiếc Morris Minor của cha tôi đến đường Keng Lee rồi dừng lại như đã được chỉ dẫn, để đón một cô gái người Hoa tóc thắt bím mặc áo cánh và váy. Cô ta ngồi băng trước cạnh tôi và chỉ đường cho tôi chạy lòng vòng đến một căn nhà biệt lập trong một khu cư trú gần đường Thomson. Sau đó cô ta biến mất, để lại tôi với một mình ông đặc nhiệm trong một phòng kín.

Tôi ở đó gần hai tiếng với ông ta. Ông ta trấn an tôi rằng tôi không cần phải nghi ngờ các ý định của đảng Cộng sản. Các vấn đề giữa tôi với Lim Chin Siong, Fong Swee Suan và Lim Chin Joo là do khó khăn của tổ chức trong việc liên lạc với các cán bộ. Bây giờ, tôi đang làm việc trực tiếp với lãnh đạo cao cấp thì sẽ không còn những hiểu lầm nữa. Tôi lắng nghe, nhìn ông ta nghiêm trang và nói rằng tôi cũng mong nó được như thế. Tôi cảm thấy những lựa chọn của ông ta cũng hạn chế. Cho dù ông ta hứa hẹn gì, tôi vẫn biết là chúng tôi phải nắm lấy thế thượng phong bằng cách công khai tuyên bố lập trường của mình trước khi bầu cử. Nếu phái thân cộng vẫn cứ ở lại với PAP và không ly khai khỏi lập trường đó, thì họ sẽ khó mà tấn công chúng tôi được một khi chúng tôi nắm chính quyền. Nhưng tôi chắc rằng cho dù sự hợp tác này có kéo dài được một, hai hay ba năm thì sau cùng cũng phải có lúc chấm dứt. Tất phải tới một chỗ con đường tách ra hai ngả, bởi vì chúng tôi quyết tâm xây dựng một Malaya không cộng sản còn họ thì nhất quyết muốn điều ngược lại.

Tôi không thể biết chắc kế hoạch của ông ta là gì, nhưng ông ta có thể thấy tôi đã công khai chấp nhận các chính sách thi hành biện pháp mạnh đối với phe quá khích một khi cần thiết. Tôi tin rằng ông ta hoàn toàn chắc chắn việc một khi Lim Chin Siong và Fong cùng 150 cán bộ kia được phóng thích, họ sẽ có thể xây dựng lại lực lượng trong vòng từ 12 tới 18 tháng và trở lại vững mạnh như hồi tháng 10/1956, khi họ bắt đầu bị thanh trừng. Lúc đó ông ta có thể quyết định luật chơi. Và nếu lúc đó tôi chống lại Lim Chin Siong, Fong và vô số những nghiệp đoàn và hiệp hội của họ, tôi chắc chắn sẽ bị đánh gục thông qua bầu cử như Lim Yew Hock và Chew Swee Kee.

Ông ta không chơi trò chọi đáo22. Ông ta đang chơi thứ cờ vây của người Trung Quốc, trong đó hai đấu thủ đặt những hạt cờ của họ lên bàn cờ sao cho chúng vây kín những hạt của đối phương. Hiện tại, tôi đang có những quân cờ bố trí tốt hơn, nhưng ông ta đang kiên nhẫn tìm cách vây tôi với những lực lượng vượt trội của mình. Nếu tôi không muốn thua, tôi phải chiếm những vị trí trọng yếu cho phép tôi có lợi thế trong phòng thủ, cho dù ông ta có quân số vượt trội hơn để tấn công. Nhưng nếu ông ta đi sai một nước cờ vì quá tự tin, thế cờ sẽ thay đổi và tôi lại có cơ hội vây được ông ta.

Chọn tập
Bình luận