Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Hồi Ký Lý Quang Diệu – Tập 1

Chương 9: Thế Giới Những Người Hán Học

Tác giả: Lý Quang Diệu
Thể loại: Hồi Ký - Tuỳ Bút
Chọn tập

Bước làm quen của tôi với thế giới những người Hán học xảy ra sau một biến cố được gọi là 5–1–3, đặt tên theo những vụ biểu tình gây rối vào ngày 13/5. Năm học sinh đến nhà tôi vào một buổi tối năm 1954, ngay sau vụ xử tờ Fajar, gồm Robert Soon Loh Boon, một thanh niên nhỏ con, tóc húi cua và sún răng cửa, đóng vai thông dịch và phát ngôn viên của nhóm, Louis Hwa, có khả năng Anh ngữ, cùng ba cô gái người Hoa tóc thắt bím. Các cậu mặc quần sooc, các cô mặc váy, kiểu đồng phục học sinh của họ. Bảy học sinh bọn họ đã bị kết tội cản trở cảnh sát trong những cuộc biểu tình lôi cuốn tới 500 học sinh các trường tiếng Hoa, chủ yếu là trường Trung học Chung Cheng, và họ đã xô xát với cảnh sát. Họ đang tiến hành biểu tình để ủng hộ một nhóm đại diện trên đường tới Tòa nhà Chính phủ để trình một kiến nghị phản đối việc đăng ký quân dịch thì bị chặn lại và yêu cầu giải tán. Họ đã ném đá vào cảnh sát, sáu cảnh sát còn bị đâm bằng dao. Cảnh sát dùng dùi cui phản công và đánh một số học sinh. Có 26 người bị thương; 48 học sinh, trong đó có hai nữ, đã bị bắt giữ.

Phiên tòa được tổ chức ngày 28/6. Trong số 41 học sinh bị truy tố về tội không chấp hành lệnh giải tán của cảnh sát, 26 học sinh bị kết tội và lĩnh án sáu tháng tù treo. Bảy học sinh bị truy tố nặng hơn vì tội ngăn trở cảnh sát thi hành công vụ. Họ đã yêu cầu được xét xử ở một tòa khác vì chánh án tỏ ra có thành kiến trong cách ông xét xử và kết án các bạn của họ trong ngày hôm trước. Họ từ chối không tự bào chữa gì cả và bị kết án ba tháng tù, mức án cao nhất cho tội danh này. Tòa sẽ xét đơn kháng cáo của họ vào tháng 10. Tôi nên nhờ Pritt lo vụ kháng cáo cho họ không?

Sự thách thức pháp luật của họ là mối quan tâm trước mắt của tòa. Nhưng những vấn đề tiềm ẩn thì rất sâu xa và cơ bản. Những người Hán học không giữ một vị trí hay vai trò nào trong sinh hoạt chính thức của thuộc địa này vốn chỉ sử dụng dân bản xứ có Anh học làm nhân viên. Chính quyền mở trường tiểu học dạy bằng tiếng Anh và tiếng Malay, còn trường trung học thì chỉ dạy bằng tiếng Anh.

Nhưng những cộng đồng dân nhập cư bị bỏ mặc tự lo lấy thân. Người Hoa quyên góp nhau và xây trường cho họ. Hoàn toàn tự túc, họ dùng sách giáo khoa xuất bản ở Trung Quốc và mời thầy từ Trung Quốc qua để dạy bằng tiếng Quan thoại cứ như họ đang ở Quảng Đông hay Phúc Kiến vậy. Về văn hóa, họ sống trong một thế giới tách biệt. Học xong trung học, học sinh có thể học tiếp bằng cách chuyển sang một trường dạy tiếng Anh và như thế tiến thân theo những bậc thang Anh học, hoặc tìm việc trong các cơ sở dùng tiếng Hoa – các cửa tiệm, nhà hàng hay công ty, hoặc một vài ngân hàng của người Hoa.

Họ cảm thấy trơ trọi, và sự thiếu vắng cơ hội kinh tế đã khiến các trường học của họ trở thành nơi hun đúc các tư tưởng khuynh tả vốn đã xuất hiện ở Singapore và Malaya từ 1923, khi Quốc tế cộng sản lần đầu cử cán bộ từ Thượng Hải qua đây. Sau Thế chiến, thành tích kháng Nhật khiến uy tín của MCP lên cao và trở thành một lực lượng mạnh trong giới trẻ và họ đã xây dựng được một mạng lưới chi bộ tại các lớp học. Nhiều thầy giáo đã trở thành đảng viên hoặc cảm tình đảng; nhiều học sinh quá tuổi vì học hành dang dở do việc Nhật chiếm đóng cũng đã được kết nạp; còn ban quản lý trường phần lớn là các thương gia cũng có cảm tình hoặc ngại ngăn cản họ.

Một khi tình trạng khẩn cấp được công bố, phong trào cộng sản ở Singapore rút vào bí mật, nhưng thực tế họ vẫn phát triển. Năm 1952, người Anh phát thẻ động viên tại Singapore và Malaya, nên mọi người nam tuổi từ 18 đến 55 đều có thể bị gọi phục vụ trong quân đội hay lực lượng phòng vệ dân sự, và tháng 4/1954, chính quyền bắt đầu yêu cầu họ đăng ký. Họ chỉ cần 800 người cho quân đội Singapore và 1.200 người cho các lực lượng phòng vệ dân sự, và sẽ chọn bằng cách rút thăm. Nhưng việc đăng ký tại các trường học tiến hành chậm, và vào ngày 12/5, hạn chót đăng ký, học sinh các trường tiếng Hoa trình một kiến nghị cho Quyền thư ký thuộc địa xin miễn quân dịch tập thể. Quyền thống đốc W.A.C. Goode ra thông báo rằng việc miễn dịch sẽ được cứu xét cho từng trường hợp cụ thể. Việc này dẫn tới cuộc biểu tình của 500 học sinh, và viên toàn quyền đã từ chối gặp gỡ đại diện của họ cho đến khi họ đăng ký xong.

Lúc đó tôi không biết hết nguồn cội của vấn đề, tuy tôi biết rằng đang có cái gì đó âm ỉ sôi sục trong thế giới người Hoa này. Các học sinh được tổ chức chặt chẽ, có kỷ luật và đoàn kết. Họ có khả năng tự kiềm chế và rất giỏi đấu tranh tập thể và biểu tình phản đối khiến chính quyền rất khó tách riêng hay cô lập những người cầm đầu để trừng phạt. Sau những vụ bắt giữ, họ khởi sự thổi bùng những vấn đề khác có thể cho phép họ gây ra những xung đột với cảnh sát, để xảy ra những vụ bắt bớ và qua đó kích động tinh thần đấu tranh của quần chúng. Chỉ mãi sau này tôi mới hiểu ra tất cả những điều đó. Nhiều người Anh học, kể cả những người trong Hội sinh viên Đại học Malaya cũng thiếu thông tin và kinh nghiệm như vậy. Ngày 18/5, họ cũng có hành động ủng hộ những cuộc biểu tình của học sinh người Hoa bằng cách yêu cầu có điều tra về các vụ biểu tình gây rối vì trong những vụ đó, cảnh sát đã sử dụng bạo lực không hợp cách. Họ cũng suy nghĩ đơn giản như tôi vậy.

Những người cộng sản lập tức ghi nhớ vụ gây rối ngày 13/5 bằng con số “5–1–3” (ngũ nhất tam), theo cách người Trung Quốc ghi nhớ những sự kiện lớn, như vụ Tiananmen12 ngày 4/6/1989 được gọi là vụ “6–4” (lục tứ). Các học sinh tổ chức ở lỳ trong trường và phản đối, họ lập ban đại diện đòi miễn dịch gồm 55 người, chia thành nhiều tổ công tác lo việc thu thập thông tin về những học sinh bị thương, giúp đỡ thuốc men và kêu gọi dân chúng ủng hộ.

Họ tỏa ra khắp Singapore để vận động sự ủng hộ của học sinh các trường khác, các phụ huynh, chủ tiệm và các lãnh đạo cộng đồng người Hoa – nghĩa là toàn bộ khối người nói tiếng Hoa. Họ theo những phương pháp vận động quần chúng đã từng được áp dụng thành công ở Trung Quốc. Ngay khi có dấu hiệu hành động ở phía cảnh sát, họ sẽ rút vào trong các trường học hay nhà máy để tập trung thành một đám đông, thu hút chú ý, kêu gọi ủng hộ, thách thức giới cầm quyền và khiêu khích chính quyền “đàn áp” họ.

Nên ngày 14/5, kế theo ngày xảy ra bạo loạn, họ cố thủ trong trường Chung Cheng, nhưng ngay hôm sau họ giải tán theo yêu cầu của một đoàn đại biểu 12 người của Phòng Thương mại Trung Quốc. Họ đã trở nên quan trọng, và những người lớn tuổi trong cộng đồng người Hoa đã cùng đến để đấu tranh với họ và hứa hẹn sẽ can thiệp với chính quyền. Để giảm áp lực từ phía chính quyền đang nóng lòng phục hồi trật tự, Phòng thương mại đã đề nghị cho nghỉ sớm kỳ nghỉ giữa năm và đóng cửa trường. Nhưng các đại biểu này trước hết phải nhận sáu yêu sách của học sinh để chuyển lên chính quyền thuộc địa. Những yêu sách này đòi miễn quân dịch hoàn toàn, tha bổng không điều kiện 48 học sinh đang chờ xét xử, tiến hành điều tra công khai vụ bạo loạn ngày 13/5 và một vài nhượng bộ khác nữa. Các học sinh đã khôn khéo lôi cuốn những người lớn tuổi của cộng đồng người Hoa ủng hộ họ, và vào ngày 23/5 khoảng 2.500 học sinh lại chiếm đóng trường Chung Cheng và tuyên bố không giải tán cho đến khi họ được miễn quân dịch. Ba ngày sau, hàng ngũ của họ phân tán khi cảnh sát phong tỏa mọi nguồn cung cấp thực phẩm và các phụ huynh lôi con em của họ về.

Rồi cứ như thế. Học sinh Chung Cheng đòi mở cửa trường học lại, học sinh trường Trung học Trung Quốc đe dọa biểu tình tuyệt thực, và ngày 2/6, khoảng 1.000 học sinh từ các trường trung học khác kéo về trường Trung học Trung Quốc để bắt đầu một cuộc cắm trại lỳ trong kỳ nghỉ bắt buộc này. Đó là một hành động thách thức. Họ tự tổ chức học hành trong các phòng học và ngay sân trường, học sinh lớp trên dạy các đàn em về toán, tiếng Anh, tiếng Hoa và địa lý. Các phụ huynh mang thực phẩm đến cho họ; ngoài ra, trông đó cứ như một kỳ cắm trại giữa năm kèm tự tổ chức bồi dưỡng học vấn.

Các học sinh còn gửi những kiến nghị khác cho thống đốc nhưng tất cả đều không được trả lời. Khi bảy trường học khác mở cửa lại vào ngày 24/6, những biện pháp kỷ luật mới đã được áp dụng: trong đó có biện pháp thanh lọc kiểm tra các giáo viên và cấm học sinh không được dùng cơ sở của nhà trường cho các hoạt động ngoại khóa nếu không được hiệu trưởng đồng ý. Nhưng những lệnh mới này chỉ nằm trên giấy tờ và báo chí thôi, vì ban quản lý cũng như hiệu trưởng đều e ngại những tổ chức ngầm trong cả giáo viên lẫn học sinh.

Vào ngày 13/9, chính quyền thông báo rằng họ dự định đặt thêm cho họ quyền được đóng cửa bất cứ trường học nào không chịu tuân thủ Pháp lệnh về các trường học. Giám thị trường học từ nay có thể bị yêu cầu phải trình bày lý do nếu trong sáu tháng trước đó trường đã bị sử dụng cho việc tuyên truyền chính trị bất lợi cho Singapore. Đây là một sai lầm nghiêm trọng. Các ban quản lý của các trường học có thể là thân cộng, trung lập hay cảm tình viên. Nhưng một khi chính quyền đòi kiểm soát trường học của họ, họ liền đoàn kết với nhau để chống lại, và ngay cả báo chí của phe Trung Hoa Quốc dân đảng cũng ủng hộ họ.

Thống đốc John Nicoll rất ngạc nhiên. Nói chuyện với Hội đồng lập pháp ngày 21/9, ông kết án những gợi ý cho rằng chính quyền đang thực thi một chính sách bài Hoa. Chính quyền không có ý định đồng hóa các trường tiếng Hoa vào hệ thống giáo dục của thuộc địa. Những người cộng sản biết rằng kế hoạch của viên thống đốc là nhằm dập tắt những hoạt động của họ, nhưng trong thực tế ông ta đã cho họ cơ hội nối kết tất cả những người Hán học vào lý tưởng yêu nước, và họ đã lý giải vấn đề thành một âm mưu muốn Anh hóa các trường tiếng Hoa và tiêu diệt nền văn hoá, ngôn ngữ và giáo dục của người Hoa. Đó là những di sản thần thánh gắn bó với tâm hồn của mọi người Hoa, nhất là những chủ tiệm hay thương gia người Hoa giàu có nhưng ít học tại Singapore. Họ đã say mê những báo cáo của Trung Quốc xã hội chủ nghĩa, miêu tả bước chuyển hóa đất nước này thành một đại cường. Và bây giờ, khi nước Trung Quốc mới hồi sinh này trở thành một niềm tự hào và vinh dự cho người Hoa ở khắp nơi, thì người Anh có vẻ như muốn tước đi cái quyền đương nhiên này của họ. Chính quyền, thuộc địa đã sa chân vào một bãi mìn văn hoá. Nếu Sở đặc vụ có những viên chức có Hán học và có thể hiểu được tâm tình của các cộng đồng người Hoa ở Singapore, thì hẳn họ đã cảnh báo viên thống đốc là cần phải hành động thận trọng và tinh tế hơn.

Những học sinh Hán học không hề giống những học sinh Anh học đã xuất bản tờ Fajar. Họ rất giỏi lạc quyên ngân quỹ. Khi tôi thay mặt họ liên lạc với Pritt, tôi cho ông ta hay rằng các học sinh này có thể huy động nguồn tài chính từ giới thương nhân trong Phòng thương mại Trung Quốc. Ông ta đã đề nghị một thù lao là 30.000 đôla. Tôi nói lại với các học sinh và họ chẳng hề bối rối. Và khá lâu trước khi Pritt bay sang Singapore vào ngày 7/10 để dự buổi tranh tụng vụ kháng cáo, vốn sẽ tiến hành năm ngày sau đó, họ đã mang tiền mặt tới nhà tôi. (Họ thấy không thoải mái khi tới tìm tôi ở văn phòng Laycock & Ong, nơi một luật sư Anh nắm ưu thế.)

Sau khi đọc hồ sơ kháng cáo, Pritt hẳn phải biết không có cơ hội thắng lợi, nên với tác phong kịch liệt do bao nhiêu năm kinh nghiệm, một lần nữa ông lại hết sức gây tiếng vang và tuyên truyền cho các học sinh để công kích chính quyền. Các học sinh đã mời ông một bữa tiệc trà tại Badminton Hall sau khi ông tới đây được một ngày. Pritt đọc một bài diễn văn bằng tiếng Anh, phía học sinh làm mấy bài phát biểu bằng tiếng Hoa, và chẳng có ai dịch cho ông nghe. Điều này chẳng có gì ngạc nhiên vì đây là cơ hội để các tay lãnh đạo huy động sự ủng hộ nâng cao nhiệt tình và tạo thêm khí thế đấu tranh quần chúng với một lý do hết sức chính đáng. Diễn biến này đã khiến ông ta bị ấn tượng sâu đậm đến nỗi trong hồi ký xuất bản 12 năm sau, Pritt còn nhớ rõ cách tổ chức và hậu cần cho phép 5.000 học sinh vẫn ngồi ngay ngắn trong đại sảnh, mỗi người nhận được một hộp đựng bánh nướng, bánh mì, đậu phộng và chuối, phần ăn dư được bỏ gọn vào hộp và được các học sinh phụ trách đi dọc các dãy ghế dọn đi, và khi họ xếp hàng ra xe buýt để về nhà, khu đại sảnh vẫn sạch sẽ ngăn nắp. Và tất cả những việc này đều được làm răm rắp theo lệnh hướng dẫn do các cô cậu học sinh chỉ độ 15 tuổi phát ra qua loa phóng thanh bằng một tác phong rất tự tin. Đó là một buổi trình diễn có thể làm vui lòng bất kỳ sỹ quan quân đội nào, và tôi cũng bị ấn tượng như Pritt. Đó là lần đầu trong mấy cuộc gặp gỡ giữa tôi với họ. Tôi chưa bao giờ thấy một chuyện như vậy ở những học sinh Anh học thường ăn nói rụt rè thiếu tự tin, và có tâm lý lúng túng khi họ sử dụng một thứ không phải tiếng mẹ đẻ.

Tôi biết vụ kháng cáo này cũng kết thúc không hào hứng gì. Nhưng đám học sinh xem nó như một cơ hội để tổ chức biểu tình chống chính quyền. Ngày 12/10, rất đông học sinh tập trung trên phố Padang phía ngoài Tòa án tối cao, và theo tờ Singapore Standard, “một cơn bão hoan hô” đã nổ ra khi Pritt xuất hiện. Chánh án người Anh, ông Knight đã hỏi: “Một vụ kháng cáo lặt vặt thế này mà sao đăng ký tới ba ngày?” Pritt nói chính ông đã xin như thế vì ông ta cho rằng nếu bảo nó sẽ kết thúc nhanh hơn thì không an toàn. Rồi ông rề rà trình bày các lý lẽ để kháng cáo, bày ra một màn trình diễn kéo dài đến hai ngày (còn tôi hẳn cố lắm cũng chỉ kéo được hơn một buổi), nhưng chẳng có tác dụng gì. Sau khi phần biện hộ kết thúc vào cuối ngày thứ nhì, chánh án nói ông giữ nguyên bản án cũ. Tuy nhiên ông sẽ bỏ những án cấm cố nếu các học sinh ký giấy cam kết giữ hạnh kiểm trong 18 tháng.

Lần lượt mỗi học sinh được hỏi ý có chịu ký cam kết không. Họ đều lắc đầu từ chối. Chánh án quyết định tôn trọng luật pháp, và các học sinh quyết chí đấu tranh vì lý tưởng. Chánh án chẳng có cách nào khác ngoài việc ra lệnh đưa họ vào nhà giam, tuy rằng khi làm thế ông chỉ tạo thêm cơ hội khơi dậy tinh thần chống đối trong cộng đồng nói tiếng Hoa.

Nếu biết trước hệ quả của việc này hẳn tôi đã có giải pháp là thuyết phục các phụ huynh học sinh ký vào bản cam kết ấy để thả các học sinh ra. Chính quyền sẽ đạt được một thắng lợi về tinh thần còn phụ huynh nhẹ nhõm vì con em họ sẽ được thả cùng một lời cảnh cáo. Nhưng vào thời điểm đó, tôi cũng bị cuốn theo làn sóng cảm tình với họ và ngày 20/9, tờ Nanyang Siang Pau trích đăng lời tôi phát biểu: “Cho đến nay chính quyền cũng chưa có bằng chứng nào về hoạt động cộng sản trong các trường tiếng Hoa; nhưng họ đã xem sự chống đối khi chính quyền từ chối yêu cầu được hoãn dịch của các học sinh như một hoạt động cộng sản, và với lý do này họ đã tìm cách kiểm soát các trường tiếng Hoa chặt chẽ hơn.” Tôi đã kém hiểu biết và ngây thơ, và đã không biết họ giỏi đến mức nào trong việc xâm nhập và điều khiển các tổ chức đang âm ỉ chống đối chính quyền.

Hồ sơ kháng cáo được trình bày trước Hội đồng tư vấn pháp lý ngày 15/2/1955 và bị bác bỏ. Vụ án kết thúc nhưng bước làm quen của tôi với giới Hán học chỉ mới bắt đầu. Đó là một thế giới đầy sức sống, rất nhiều tay hoạt động tích cực và rất nhiều thanh niên có lý tưởng, vị tha, sẵn sàng hy vinh vì một xã hội tốt đẹp hơn. Tôi rất ấn tượng về mức tận tụy của họ đối với lý tưởng cách mạng, về lòng quyết tâm đấu tranh lật đổ chính quyền thuộc địa để thiết lập một thế giới mới công bằng hơn. Và tôi cũng ngày càng e ngại con đường mà các lãnh tụ của họ đang dẫn họ vào.

Nhưng tôi cũng tin tưởng rằng nếu tôi không thu hút được ít nhiều trong số những thanh niên năng động ấy đi theo đường lối của tôi và các bạn bè tôi, thì chúng tôi sẽ chẳng bao giờ thành công. Cho đến nay, chúng tôi chỉ có liên hệ với những người Malay và người Anh học vốn là những người chẳng có niềm tin hay nhiệt tình đua tranh, chứ đừng nói đến chuyện đương đầu với thế lực trong cộng đồng người Hoa. Những người Hoa nói tiếng Hoa duy nhất trong mạng lưới của chúng tôi là những nhóm ở căn cứ hải quân và trong

Ban quản lý cảng, phần lớn trong số đó là những công nhân người Quảng Châu có tay nghề, và một số nhân viên công nhật trong Hội đồng thành phố.

Các học sinh hẳn đã được chỉ thị nhờ tôi làm luật sư, sau khi đã nhờ những người khác vốn không quan tâm đến chính trị lắm hay không muốn đối đầu với chính quyền như tôi. Họ bắt đầu tìm đến đường Oxley để hỏi ý kiến về cả trăm vấn đề mỗi khi họ có xung đột với cảnh sát hay bị chính quyền cản trở, từ chuyện các nam sinh bị bỏng trong khi cố thủ trong trường học đến chuyện xin giấy phép hội họp. Họ thường đến trong một chiếc xe hơi Chevrolet màu hồng. Rõ ràng một trong các nữ sinh ấy đã mượn được xe của ông bố, có lẽ là một thương gia hay chủ tiệm giàu có nào đó.

Tôi không bao giờ từ chối họ, dù trong những giờ giấc bực mình nhất. Tôi muốn thu hút người trong thế giới này cũng như phía cộng sản đã hoạt động và thu hút được những người trong giới Anh học như John Eber, Sharma, De van Nair, Samad và nhiều người khác. Hồi đó tôi nghĩ rằng tính kỷ luật của các học sinh, năng lực và nhiệt tình của các thủ lĩnh học sinh là phẩm chất tự nhiên, xuất phát từ nhiệt tình và lý tưởng của tuổi trẻ. Phải mất hai năm, từ 1954 đến 1956, tôi mới hiểu ra các phương pháp, đường lối và động cơ của Mặt trận cộng sản thống nhất CUF. Đằng sau mặt trận này là Thành ủy MCP chỉ đạo thông qua những nhân vật hoạt động công khai như Robert Soon Loh Boon và các thủ lịnh phân bộ trong các lực lượng quần chúng. Cộng sản có một mạng lưới bí mật gồm các cán bộ rất có kỷ luật chia thành những chi bộ bốn người, người đứng đầu chi bộ sẽ nhận chỉ thị từ chi bộ cấp cao hơn. Những chỉ thị này được chấp hành rất nghiêm chỉnh và các hình thức kỷ luật đối với đảng viên cũng nghiêm nhặt, đặc biệt đối với những kẻ phản bội.

Nhưng hồi 1954, tôi chưa hiểu rõ về lực lượng cộng sản và không thấy nao núng. Tôi tin rằng mình sẽ thuyết phục được một số người nào đó rằng đấu tranh bạo động sẽ không thành công được ở Malaya. Tôi còn rất nhiều điều phải học hỏi.

Chọn tập
Bình luận