Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Hồi Ký Lý Quang Diệu – Tập 1

Chương 29: Sức Ép Từ Sukarno

Tác giả: Lý Quang Diệu
Chọn tập

Chính quyền Tunku đang trong tâm trạng không vui. Một điều gì đó quan trọng đã xảy ra khi tôi đi vắng. Thỏa ước Malaysia ký ngày 1/8 đã gây ra những phản ứng chống đối từ phía Indonesia và Philippines, cả hai cùng thèm muốn những lãnh thổ trên Borneo. Ngày 24/9 Tunku đưa ra một lời cảnh báo cho Indonesia là đừng can thiệp vào Malaysia – “chúng tôi mong những người khác không can thiệp vào công việc của chúng tôi”. Đây là phản ứng đáp lại một tuyên bố của Ali Sastroamidjojo, nguyên Thủ tướng Indonesia, rằng Jakarta sẽ vẫn không thờ ơ đối với sự thành lập Liên bang Malaysia. Đây là lời bóng gió đầu tiên báo hiệu rắc rối đang hình thành. Tiếp theo, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines tuyên bố chủ quyền đối với vùng Bắc Borneo, quả quyết rằng nước Cộng hòa Philippines là kẻ thừa kế hợp pháp của tiểu vương Sulu, kẻ sở hữu lãnh thổ này, và rằng Bắc Borneo chưa bao giờ được nhượng cho Anh – họ chỉ cho thuê nó thôi.

Chính quyền Tunku gạt bỏ chuyện này. Nước Anh làm chủ những lãnh thổ này từ năm 1878, và trong thời gian 100 năm, không ai thắc mắc về chủ quyền của họ đối với các lãnh thổ này. Nhưng những gì ông ta nói về chúng tôi thì thật đáng lo ngại. Ông ta nói với tổ chức Thanh niên UMNO rằng ông ta không cần Singapore, nhưng phải nhập hòn đảo này vào Malaysia vì nếu không thì cộng sản sẽ cướp chính quyền ở đó. Hiện ông ta lo sợ rằng nếu trong tương lai họ thành công trong việc này, Singapore sẽ từ chối hợp tác với Liên bang và sẽ có “rắc rối lớn”. Sự lo ngại của ông ta cũng dễ hiểu. Trong khi tôi ở Moscow, Barisan đã đưa ra một phân tích về kết quả của cuộc trưng cầu dân ý, trong đó họ nói rằng mục tiêu trước mắt của họ là lật đổ chính quyền PAP hiện thời trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới, và sau đó tiếp tục thắng cử để chiếm những ghế đại diện cho Singapore trong nghị viện liên bang. Lim Chin Siong đi xa hơn, kêu gọi đảng tập hợp các phe cánh tả và những lực lượng chống thực dân để từng bước giành lấy quyền điều khiển chính quyền liên bang và đánh bại phe “Trục Anh và chính phủ Liên hiệp”.

Razak đáp lại bằng cách cảnh báo dân chúng rằng họ cần phải cảnh giác trước những kẻ thù của nền dân chủ, rằng Barisan hành động không phải vì quyền lợi thực sự của họ, mà vì những kẻ mà lòng trung thành của họ đặt bên ngoài đất nước. Lim Chin Siong trả đũa rằng nếu chính phủ Liên hiệp đương quyền tin vào nền dân chủ đại nghị, nó phải chấp nhận quyền của phe đối lập được thay đổi chính phủ thông qua tiến trình bầu cử. Sự hăng hái của Lim càng củng cố thêm lòng tin của Tunku, Razak và Ismail rằng phải nhanh chóng kiểm soát tình hình này, rằng hiện cuộc trưng cầu dân ý đã qua và vấn đề an ninh của Singapore sẽ trở thành trách nhiệm của Kuala Lumpur.

Tại một cuộc họp của Hội đồng an ninh nội chính được tổ chức tại Singapore vào ngày 8/9, một báo cáo chung từ những quan chức cảnh sát của Liên bang và Singapore do Sở đặc vụ của chúng tôi đưa ra đã khuyên nên có một chương trình nhiều giai đoạn nhằm chống lại cộng sản và những người thân cộng trước khi hợp nhất. Razak, đại diện Malaysia thay cho Ismail, muốn hành động ngay không chút trì hoãn.

Chin Chye, đại diện cho tôi khi tôi tham dự Hội nghị Khối thịnh vượng chung ở London, thì chống lại mọi hành vi nóng vội. Selkirk, đại diện cho Anh, ủng hộ Chin Chye, nói rằng trong khi có một sự đe dọa, thì nó cũng không phải một đe dọa đòi hỏi sự đàn áp bằng bạo lực. Razak bất mãn đến London để nài ép Duncan Sandys về chuyện này. Sandys đã trả lời rằng ông ta muốn trì hoãn tiến hành đàn áp cho đến khi định chế cho Malaysia được thảo luận xong tại Hạ viện Anh, mà điều đó phải đến tháng 2 năm tới mới làm xong được. Ông ta phải cân nhắc đến những phản ứng ở Anh, nơi ông ta tin rằng những vụ bắt giữ chắc chắc sẽ gây ra làn sóng chỉ trích đáng kể.

Sau khi Razak báo cáo chuyện này với Tunku, Malaysia triệu tập thêm một cuộc họp Hội đồng an ninh nội chính vào tháng 10. Một lần nữa nó lại hoãn việc đưa ra quyết định về chuyện bắt giữ. Mối quan tâm chính của PAP là củng cố những thắng lợi đã đạt được và bảo đảm rằng Singapore sẽ không bị những tay lãnh đạo Malay ở Kuala Lumpur thống trị và kiềm hãm. Tôi nhấn mạnh với Selkirk rằng tốt nhất là chúng tôi hoãn các vụ bắt giữ cho đến khi hợp nhất xong. Tôi khẳng định với Philip Moore rằng sẽ không có hành động trấn áp nào trước khi xảy ra cuộc bầu cử chọn 15 đại biểu cho Singapore trong nghị viện liên bang. Tôi muốn Barisan được tự do để tranh cử bởi vì nếu họ bị loại bỏ và không có mối đe dọa cộng sản cụ thể, thì chính phủ Liên hiệp có thể chiếm được một số ghế đáng kể. Sau này, Lord Lansdowne, Bộ trưởng Ngoại giao của chính phủ Sandys nhắc đến “tính thật thà đáng ngạc nhiên” của tôi khi nói với ông ta rằng việc duy trì một nhóm nhỏ những người thân cộng trong phe đối lập sẽ có lợi cho tôi. Quả thực là tôi có những lý do riêng.

Tôi đã đến gặp Tunku sau khi từ Moscow trở về và đã lưu lại vài ngày với ông ta. Lời giải thích của tôi về chuyến viếng thăm Liên Xô đã xoa dịu ông ta, nhưng tôi biết ông ta không hài lòng. Ông ta khó chịu với bất cứ ai có tư tưởng riêng, sẵn sàng tranh luận và, nếu cần, có hành động độc lập. Thật sự, tôi không phá hoại ông ta, nhưng tôi cũng không nghe theo ông ta, mà theo ông ta điều đó có nghĩa là vâng lời ông ta. Ông ta và Razak đang hoạch định cho giai đoạn sau khi Liên bang Malaysia được thành lập; bao gồm chuyện ai sẽ đứng đầu Singapore để làm theo lệnh họ, và tôi có cảm giác rằng Tunku đang xóa tên tôi khỏi danh sách những thuộc cấp biết vâng lời. Ông ta muốn có một ai đó biết vâng lời và trung thành như Tan Siew Sin hoặc Lim Yew Hock. Cả ông ta lẫn Razak đều thích Keng Swee, nhưng thậm chí cả Keng Swee cũng không tuyệt đối “an toàn”. Ông ta quá trí thức và không dễ bị thuyết phục hay xúi giục.

Vì thế mọi thứ không diễn ra thuận lợi, và sau một cuộc viếng thăm nữa đến Kuala Lumpur vào giữa tháng 11, tôi nói với Moore rằng mối quan hệ giữa tôi và Tunku ngày càng trở nên xấu hơn; những hành động của ông ta cho thấy rõ rằng ông ta muốn loại bỏ tôi sau khi Liên bang Malaysia được thành lập. Tại Singapore, Tan Siew Sin đang nỗ lực rất lớn để khôi phục lại vị thế đối lập của MCA, và Razak thì đang ráo riết tìm kiếm những tay lãnh đạo trẻ tuổi người Malay. Thâm hiểm hơn tất cả, Tunku yêu cầu tôi phóng thích Chua Hoe Ann, lãnh tụ hội kín lớn nhất của người Hoa trên đảo này, kẻ mà chúng tôi đã bắt giữ theo Pháp lệnh về các điều khoản tạm thời của Luật hình sự. Chua đã tổ chức đám côn đồ tấn công những cán bộ trong các chi bộ của PAP trong kỳ bầu cử trước, và tôi lo ngại cho an toàn cá nhân của họ trong những kỳ bầu cử kế, bởi vì sau khi hợp nhất Tunku sẽ có quyền thả những tên tội phạm kiểu đó.

Tôi đã nói với Selkirk rằng Tunku có ý định phục hồi Lim Yew Hock. Tunku đã đề nghị rằng PAP đứng ngoài cuộc bầu cử bổ sung ở Sembawang, được tổ chức do cái chết của Ahmad Ibrahim, để ứng viên của ông ta tranh cử với Barisan. Tôi bác bỏ ý đó. “Cực kỳ ngớ ngẩn,” tôi nói với Selkirk. Ông ta hẳn phải đồng ý, vì ông ta báo cáo lại với Sandys rằng Tunku đang mưu đồ một chính sách hủy diệt. Sandys trả lời, đồng ý với Selkirk, rằng hiện tại tôi là một công cụ tốt nhất trong việc cai trị đảo này.

Tôi thể hiện lòng tin cậy với nước Anh vì tôi cần sự ủng hộ của họ, hay ít ra cũng là sự trung lập của họ để thực hiện kế hoạch của tôi nhằm chứng minh với Tunku rằng thật điên rồ khi cố tái lập một chính phủ Lim Yew Hock mà ông ta có thể điều khiển. Tôi nói với Moore rằng tôi dự định gây cho Lim Yew Hock và chính phủ Liên hiệp một thất bại nặng nề trong bầu cử ở Singapore để chứng minh với Tunku và Razak rằng họ phải làm việc với PAP chứ không ai khác. Để đạt được điều này, tôi có ý định tổ chức những cuộc bầu cử chọn 15 đại biểu Singapore ở Nghị viện Liên bang ngay sau khi việc ký kết hiệp ước Malaysia ở London, vốn được dự định tổ chức vào tháng 2, và trước khi nó được thực thi vào tháng 8/1963, khi chính quyền Tunku nắm quyền điều hành lực lượng cảnh sát. Tôi sẽ lập ra 15 khu vực bầu cử bằng cách sáp nhập 51 khu vực hiện có thành từng nhóm gồm 3 hoặc 4 khu vực. Tôi tin là UMNO sẽ chỉ có một ghế, và PAP có thể vượt hẳn Barisan qua việc đạt được 8 hoặc thậm chí 9 ghế.

Tôi nói với Moore rằng Razak và Tan Siew Sin không đạt được tiến bộ nào trong việc xây dựng lực lượng cho chính phủ Liên hiệp ở Singapore. Họ đang lúng túng không biết phải làm gì kế tiếp, nhưng rõ ràng họ có ý định chứng tỏ PAP không mạnh mẽ gì cả. Chẳng hạn như tờ Straits Times đã đăng những nhận định mà các tay biên tập báo biết là không thể chấp nhận được đối với chính phủ Singapore, và điều này có thể chỉ có nghĩa là họ được sự ủng hộ chắc chắn từ phía Tunku. Đó là một kiểu tuyên bố chiến tranh về phía họ, và tôi sẽ trả đũa vào giờ phút thích hợp. Một lần nữa Kuala Lumpur muốn điều khiển đài phát thanh và truyền hình địa phương, dù hai bên đã đồng ý rằng Singapore sẽ chịu trách nhiệm về việc điều hành và những chương trình hàng ngày của các đài này. Mục đích của họ là giới hạn năng lực chính trị của chính phủ, đặc biệt là trong thời gian những cuộc bầu cử. Trong khi đó, Tan, quyết tâm chứng tỏ ai là người có quyền quyết định về vấn đề tài chính, đã đòi hỏi Singapore phải trích từ thu nhập của mình và đóng cho chính phủ Liên bang một tỉ lệ phần trăm cao hơn mức đã được đồng ý. Ông ta đã tỏ ra rất khó thuyết phục trong khi đàm phán về việc thành lập một thị trường chung, và một quyết định về thị trường này đã phải hoãn lại trong khi các chuyên gia nghiên cứu vấn đề.

Khi tôi gặp Lansdowne vào ngày 27/11, tôi nói một cách thẳng thắn về những vấn đề tôi phải đối phó trong việc hợp nhất. Về việc thu thuế, Singapore hoàn toàn chấp nhận tài chính là thuộc trách nhiệm của Liên bang, nhưng chúng tôi không đồng ý rằng Kuala Lumpur sẽ thu thuế và giao phần của Singapore cho chúng tôi. Singapore phải thu thuế và trích phần đóng góp cho Liên bang để nộp về Kuala Lumpur, nếu không chúng tôi sẽ thấy mình bị loại ra ngoài. Về việc kiểm soát thông tin và truyền thanh, đó là yếu tố cần thiết cho bất kỳ chính phủ nào, nếu nó muốn giao tiếp với các công dân của nó. Trong tay của Liên bang, việc tiếp cận những vấn đề về người Hoa sẽ thiếu nhạy cảm, chắc chắn sẽ đi vào những sai lầm và gây thiệt hại về chính trị. Để minh họa, tôi đã kể lại chuyện Tunku đã gây rắc rối cho mình thế nào ở Ấn Độ. Ông ta đã kết tội phía Trung Quốc là xâm lược trong cuộc xung đột biên giới Ấn – Hoa năm 1962, lúc mà hoàn toàn chưa xác định được bên nào phải bên nào trái. Chỉ đến khi có ai đó phân tích ảnh hưởng bất lợi của việc này đối với người Hoa ở Malaya thì ông ta mới thay đổi từ ngữ và trình bày vấn đề này như một cuộc xung đột giữa Trung Quốc xã hội chủ nghĩa và Ấn Độ dân chủ cộng hòa.

Sau khi đề cập đến những điểm khác về cuộc tranh luận, tôi nói với Lansdowne rằng trong lúc mối quan hệ riêng giữa tôi và Tunku còn tốt đẹp, về mặt chính trị, ông ta muốn có một ai đó dễ sai bảo hơn cai trị Singapore. Sau đó tôi giải thích dự định tổ chức những cuộc bầu cử để chọn 15 đại biểu trong nghị viện liên bang. Ông ta lo lắng về hậu quả của việc này đối với Tunku. Tôi nói ông ta sẽ không hài lòng, nhưng cho dù ông ta cảm thấy phật ý và thất vọng đến đâu, ông ta sẽ hiểu ra rằng những kẻ do ông ta bảo trợ ở Singapore đã kết thúc về mặt chính trị, và rằng ông ta không thể nào truyền sức sống cho họ dù ông ta có hết lòng bảo trợ và công khai ủng hộ họ đến mức nào đi chăng nữa. Lansdowne cố thuyết phục tôi cải thiện mối quan hệ của chúng tôi bằng cách nói chuyện một cách thẳng thắn với Tunku về những vấn đề này. Tôi nói rằng tôi rất muốn như thế, nhưng Tunku không phải là kiểu người có thể đấu tranh trực diện được, vì các cuộc nói chuyện với ông ta thường bị biến thành những câu chuyện phiếm mập mờ.

Ảnh hưởng mà tôi tạo được với người Anh lúc này được phản ánh trong bản báo cáo ngày 5/12 của Moore gởi cho Ian Wallace ở Văn phòng Thuộc địa:

“Kế hoạch của ông ta về việc hợp nhất Singapore và Liên bang dựa trên việc tiền đề là ông ta sẽ có một cách thu xếp hữu hiệu với Tunku trong đó chính phủ Liên hiệp sẽ giữ nhiệm vụ bảo vệ an ninh nội chính ở Singapore trong khi PAP sẽ điều hành chính phủ bang Singapore. Kế hoạch này giả định rằng Tunku sẽ sẵn lòng làm việc với Lee.

Ông ta rất muốn tổ chức bầu cử trước khi hiệp ước Malaysia được thi hành bởi vì ông ta sẽ vẫn còn quyền điều hành trọn vẹn bộ máy chính quyền, đặc biệt gồm cả ngành cảnh sát và truyền thanh… Lee nói rằng ông ta thích tổ chức bầu cử với sự ưng thuận của Tunku hơn. Ông ta không muốn điều này trở thành một tuyên bố chiến tranh chống lại Tunku nhưng ông ta xem nó như một sự cần thiết hoàn toàn nhằm củng cố vị trí chính trị của chính ông ta và chứng minh rằng chính phủ Liên hiệp không thể hy vọng gì việc giành được quyền hành ở Singapore. Nếu Tunku không đồng ý việc bầu cử toàn Malaysia được tổ chức trước ngày 31/8/1963, Lee cho là ông ta có thể tổ chức những cuộc bầu cử như thế theo pháp luật Singapore và chúng sẽ có được tác động chính trị cần thiết cho dù hiệu lực pháp lý của chúng có như thế nào đi nữa. Lee đã yêu cầu chúng ta hết sức kín đáo về ý định tổ chức bầu cử của ông ta trước ngày 31/8/1963 và đặc biệt là không cho bất kỳ ai trong Liên bang biết được vụ này…

Lee nói rằng ông ta đánh giá rất cao những nỗ lực của ngài Lansdowne, ngài Selkirk và những người khác nhằm thuyết phục Tunku rằng quyền lợi của ông ta nằm trong việc hợp tác với PAP và ông ta cảm thấy rằng chúng ta đã làm được điều gì đó mà bản thân ông ta không thể làm được. Đó là một nhiệm vụ khó khăn, đặc biệt đứng trước sự ngờ vực có thể hiểu được của Tunku đối với Lee, nhưng niềm hy vọng tốt nhất về một sự ổn định chính trị cho Singapore trong lòng Malaysia vẫn nằm trong việc hai vị Thủ tướng có tiến đến một thỏa thuận hữu hiệu nào đó hay không. Những giải pháp khác sẽ hoặc là một chính phủ Barisan Sosialis ở Singapore hoặc, nếu như Barisan bị tiêu diệt do bắt bớ và trục xuất, một chính phủ PAP với thái độ thù địch và một Lee Kuan Yew công khai nỗ lực giành lấy sự ủng hộ mang tính dân tộc hẹp hòi của người Hoa trong thế đối lập với người Malay ở Kuala Lumpur. Tôi không chắc chính phủ Liên bang có lường hết được không về mức độ nguy hiểm của tình hình khi khả năng thứ hai có thể xảy ra. Họ có thể cho rằng Lee Kuan Yew là một đồng sự vô cùng khó chịu; hầu hết người ta đều nhận thấy như vậy; nhưng họ sẽ thấy ông ta còn nguy hiểm hơn nhiều nếu ông ta là một đối thủ.”

Tôi gặp may là người Anh hiểu và đồng tình với quan điểm của mình. Họ thấy rằng cách Kuala Lumpur cai trị người Hoa tại Malaya sẽ không hiệu quả ở Singapore. Người Hoa ở Singapore sẽ không dễ bị bắt nạt; họ đã quen với điều kiện sống tại một thuộc địa của Anh, họ chưa từng chịu sự thống trị của người Malay, và mọi biện pháp vũ lực nhất định sẽ dẫn đến chống đối bạo động. Và tôi cần sự ủng hộ của người Anh để hiến pháp bang Singapore được công bố ở London thông qua một “Sắc dụ của Hội đồng tư vấn của Nữ hoàng” theo một cách mà nó sẽ không ngăn tôi tổ chức những cuộc bầu cử chọn 15 đại biểu.

Chỉ ba ngày sau khi Moore gởi báo cáo đi, tình hình có thêm một chiều kích hoàn toàn mới. Bất ngờ vào ngày 8/12, một cuộc nổi loạn nổ ra ở Brunei. Những người nổi loạn có vũ trang tự xưng là Quân đội quốc gia Bắc Borneo, và tự tuyên bố có lực lượng 30.000 người, đã chiếm lấy khu mỏ dầu Seria. Người Anh phản ứng ngay lập tức. Hai đại đội lính Gurkhas và 300 lính Anh đáp máy bay đến Brunei, theo sau là hai tiểu đoàn nữa. Binh lính nhanh chóng chiếm lại Seria, giết một số kẻ nổi loạn và bắt giữ 500 người. Trong khi đó, một thanh tra cảnh sát Anh nhanh trí đã tóm được nhóm nổi loạn đầu tiên trong sân quần vợt của ông ta, và giữ được họ ở đó trước khi họ có thể gây thêm những rắc rối khác. Trong vòng 48 giờ, cuộc nổi loạn thất bại, và sau khi Seria được tái chiếm, các cuộc càn quét bắt đầu.

Barisan đưa ra một tuyên bố vào ngày hôm sau, sau khi có tin về cuộc nổi loạn, ca tụng sự kiện đó như một cuộc nổi dậy của quần chúng chống lại chủ nghĩa thực dân đáng được tất cả những người thực sự chống thực dân bày tỏ ủng hộ, và tuyên bố rằng Singapore và chính phủ Liên bang sẽ bị lên án nếu như họ không chống lại người Anh. Bày tỏ ủng hộ công khai với cuộc nổi loạn kiểu này là sai lầm thứ hai trong hai sai lầm lớn của Lim Chin Siong. Sai lầm đầu tiên là ông ta đã gặp lãnh tụ của họ, A.M. Azahari, ở Singapore hai ngày trước cuộc nổi loạn. Hăng hái trước chuyện sắp xảy ra, Sở đặc vụ Malaya đã bắt giữ 50 người, phần lớn là người Hoa, trong đó có viên thư ký điều hành của đảng Partai Rakyat của Malaya, và Singapore bắt giữ ba thành viên địa phương của Partai Rakyat thân Barisan có liên quan với tổ chức trên. Chúng tôi muốn hành động phối hợp với người Malay để biểu hiện tình đoàn kết.

Tuy nhiên, cuộc nổi loạn ở Brunei có những mối liên can sâu rộng hơn. Vào ngày 11/12, Tunku, tại nghị viện liên bang, đã nhắc tới sự ủng hộ tài chính mà Azahari đã nhận được để tiến hành cuộc nổi loạn. Tunku nói nhân vật này đã có những liên hệ mật thiết với một số người thuộc các nước láng giềng của Malaysia. Ông ta muốn ám chỉ Indonesia, nơi tướng Haris Nasution, Bộ trưởng Quốc phòng, đã tuyên bố rằng chính phủ của ông ta sẽ chú ý nhiều hơn nữa đến những miền giáp với Bắc Borneo thuộc Anh sau cuộc nổi dậy ở Brunei, và viên chủ tịch của Đảng Dân tộc (PNI) đã bày tỏ sự ủng hộ đối với Partai Rakyat ở Brunei. Sự ủng hộ rõ ràng đến từ chính Sukarno.

Người Anh hiểu rõ mối nguy hiểm đến từ việc này. Đối xử với Azahari đơn giản hơn nhiều so với việc đối xử với những người đứng sau ông ta. Cao ủy Anh ở Brunei, ngài Dennis White, tin rằng những người nổi loạn đã chắc chắn về sự giúp đỡ của Indonesia, nếu không những lãnh đạo của họ đã không tấn công Limbang (một dải đất chia Brunei làm hai) vì nó là một phần của Sarawak thuộc Anh và người Anh nhất định sẽ trả đũa. Ông ta tin rằng Indonesia đã khuyến khích họ như một cách phá hoại Malaysia, và trái với những bài báo mô tả cuộc nổi loạn như một hành động khôi hài, tài tử, ông ta chỉ ra rằng nó đã thành công trong giai đoạn đầu dù rằng nó thiếu chuẩn bị. Những kẻ nổi loạn đã chiếm giữ một số đồn cảnh sát và cướp được nhiều vũ khí, họ chiếm nhà máy điện và cúp điện, họ cầm tù được thư ký của Cao ủy Anh, và ở Limbang, bỏ tù viên trú sứ Anh, vợ ông ta và những người Âu khác. Chỉ nhờ lính Gurkha và Anh đến nhanh chóng mới cứu vãn được tình hình.

Vài ngày sau khi Tunku nói lên những nghi ngờ của ông ta, Sukarno đã thừa nhận những nghi ngờ đó khi nói rằng: “Những gì đang xảy ra ở đó (Brunei) không thể tách rời khỏi cuộc đấu tranh của các lực lượng mới đang nổi dậy. Chúng tôi đứng về phía những người đang đấu tranh,” và trong một buổi phát thanh trực tiếp từ Jakarta sau đó vài ngày, ông ta đã kêu gọi dân Indonesia ủng hộ cuộc nổi loạn. Ông ta nói những ai không ủng hộ được coi như phản bội lương tâm mình. Dân tộc Indonesia sinh ra trong khói lửa và đã chịu bao đau khổ vì nền độc lập của họ. Họ có lý khi đồng tình với những người đấu tranh cho tự do. Họ không giống các dân tộc khác (ý nói Malaya) giành được độc lập như một thứ quà tặng của thực dân. Tunku trả lời bằng cách nêu ra rằng chính phủ Indonesia và các lãnh tụ chính trị của nó đang làm những bài diễn văn hung hăng dù cuộc nổi loạn ở Brunei đã kết liễu; mục đích của họ rõ ràng là xúi giục dân chúng ba vùng lãnh thổ Borneo (thuộc Anh) chống đối chính phủ của họ, và điều này sẽ dẫn đến một tai họa.

Kế đó là một cuộc khẩu chiến, trong đó người Indonesia hưởng ứng theo những ngôn từ hoa mỹ của nhà lãnh tụ của họ. Dùng các diễn văn và phương tiện truyền thông để khơi dậy tình cảm công chúng và phát động những cuộc biểu tình là phần chủ yếu trong chiến lược của Sukarno. Gần đây, chiến lược này đã tỏ ra hữu hiệu khi Jakarta lên tiếng đòi lại West Irian (Tây New Guinea) từ tay Hà Lan, nhưng bây giờ thì ông ta cần có một vấn đề khác cho công chúng quan tâm và tạm quên đi tình hình kinh tế tồi tệ. Ngày 23/12, vài nghìn người đã tụ tập tại quảng trường Merdeka ở Jakarta để đốt hai hình nộm, một hình người Tây phương, và một hình người Malay đeo kính gọng sừng và đội nón songkok của người Malay – chính là Tunku. Người Indonesia đang phát động một chiến dịch chống Malaysia, ra vẻ để ủng hộ nền độc lập cho Brunei, Sarawak và Bắc Borneo.

Lim Chin Siong cũng tham gia vào cuộc chiến ngôn từ này, nói rằng PAP đang làm hỏng đi mối quan hệ giữa Singapore và Indonesia qua sự kiện cuộc nổi loạn Brunei bằng cách phao tin rằng Jakarta đã ngầm xúi giục vụ nổi dậy này và có óc bài Hoa. Chưa ai từng công khai nói điều này trước đó, và nó đã làm khối dân nói tiếng Hoa sợ hãi. Dân chúng có thể cảm nhận ra rằng những lực lượng lớn đang vận hành, rằng sự lựa chọn của Singapore nằm giữa việc gia nhập Malaysia và đi theo Tunku, hoặc gia nhập một Indonesia bài Hoa và đối đầu với Đảng Cộng sản Indonesia, một đồng minh về ý thức hệ của Barisan. Hơn nữa, cuộc nổi dậy bây giờ đã cho các thành viên của Hội đồng an ninh nội chính một lý do chung để ra tay hành động.

Chọn tập
Bình luận
720
× sticky