Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Hồi Ký Lý Quang Diệu – Tập 1

Chương 33: Cuộc Chiến Đối Đầu

Tác giả: Lý Quang Diệu
Chọn tập

Cuộc bầu cử năm 1963 là một cái mốc đối với những người cộng sản. Ngay sau khi có kết quả, hai đảng viên Barisan đắc cử – Chan Sun Wing, nguyên thư ký nghị viện của tôi, và Wong Soon Fong, kẻ đã phá tan Lữ đoàn Công chính – đã rút vào bí mật. Hẳn họ cho rằng sẽ bị bắt giữ một khi Barisan thất bại. Nhưng lúc này chúng tôi bận lo chuyện khác. Chúng tôi quyết định trừng phạt làm gương những nhân vật nổi bật đã đóng vai trò bình phong cho cộng sản, những kẻ tin rằng của cải và địa vị của họ trong cộng đồng nói tiếng Hoa sẽ cho họ sự miễn trừ khỏi các biện pháp an ninh. Đứng đầu danh sách đó là Tan Lark Sye, khi ấy là chủ tịch danh dự của Phòng thương mại Hoa kiều và là người sáng lập đại học Nanyang. Trước đó tôi đã tự lưu ý là sẽ đối phó với ông ta một khi chính phủ đủ mạnh về mặt chính trị. Hiện chúng tôi không cần thiết phải chịu đựng việc ông ta tuyên bố hùng hồn đường lối cộng sản trên báo chí, sử dụng vị trí của ông ta trong giới kinh doanh như một thứ lá chắn nữa.

Ngay sau ngày bầu cử, chúng tôi bắt đầu bãi bỏ quyền công dân của ông ta.

Hành động này trước đây chưa hề được nghĩ đến. Lúc đó chúng tôi e ngại sự giận dữ của các cử tri nói tiếng Hoa, đặc biệt khi báo chí viết bằng tiếng mẹ đẻ sẽ xuyên tạc vấn đề và làm cho nó có vẻ như nhằm chống lại các doanh nhân ủng hộ sự nghiệp văn hóa Trung Hoa. Giờ đã đến lúc đối phó với ông ta. Tan Lark Sye đã bơ vơ. Không có Lim Chin Siong và các nghiệp đoàn của ông ta trợ giúp, không có những kháng nghị trên báo chí, không có những cuộc biểu tình. Chúng tôi đã vô hiệu hóa ông ta về mặt chính trị. Được báo chí yêu cầu bình luận vào ngày hôm sau, ông ta không có gì để nói. Ông ta đã liều canh bạc và đã thua. Ông ta không bao giờ lấy lại được ưu thế của mình nữa.

Vài ngày sau, tại cuộc họp buổi trưa tại quảng trường Fullerton, tôi dọn đường cho tình huống sau bầu cử và sau khi hợp nhất. “Tôi cho ông Đặc mệnh hai tuần. Nếu như ông ta vẫn còn ở đây, xin vui lòng đi cho; vấn đề an ninh không còn thuộc quyền của tôi.” Tôi nói thêm rằng hiện vấn đề an ninh đang nằm trong tay chính phủ trung ương, và tôi phải cho Ismail biết về lai lịch của ông ta. Qua việc thẩm vấn những người cộng sản đã bỏ trốn đến các đảo Riau lân cận nhưng sau đó trở về, những năm sau đó Sở đặc vụ khám phá ra rằng ông Đặc mệnh đã rời khỏi Singapore ngay sau cuộc trưng cầu dân ý. Ông ta đã lưu trú ở các hòn đảo Riau của người Indonesia, và từ đó điều hành các cán bộ hoạt động bí mật của ông ta thông qua các giao liên. Đi bằng phà hoặc thuyền máy giữa hai đảo này mất khoảng từ hai đến bốn tiếng đồng hồ, và rất dễ dàng tránh bị phát hiện vì những ngư dân giong buồm tới lui suốt ngày. Vì vậy tôi không hề cường điệu khi cảnh báo rằng cuộc chiến đấu chống MCP chưa kết thúc, rằng họ sẽ tiếp tục chiến đấu chống kẻ thù của họ bằng mọi cách, và chúng tôi sẽ gặp khó khăn và phức tạp khi đối phó. Không có gì thay đổi, trừ một điều: chúng tôi không còn điều khiển lực lượng cảnh sát nữa.

Điều này đã được hiểu rõ ra vào ngày hôm sau khi Sở đặc vụ, hiện dưới quyền chính phủ Liên bang, bắt giữ 20 sinh viên đại học Nanyang, ba người trong số họ đã chiến đấu thất bại trong cuộc bầu cử với tư cách ứng viên của Barisan. Các sinh viên trong khu đại học nổi loạn, và một đám đông khổng lồ những sinh viên này đã tấn công đoàn hộ tống đang áp giải tù nhân. Hai xe cảnh sát thuộc tổ chống bạo loạn đang đợi bên ngoài cổng, và cảnh sát dùng loa phóng thanh ra lệnh cho những người biểu tình giải tán. Khi họ không chấp hành, tổ chống bạo loạn ập vào, các sinh viên ném chai và gạch đá vào họ, làm bị thương hai tài xế.

Họ chưa biết được rằng Sở đặc vụ hiện làm theo lệnh của chính phủ mới ở Kuala Lumpur, dựa trên một đa số người Malay không có sự nhân nhượng trong việc đối xử với những sinh viên người Hoa. Vài nghìn công nhân từ bảy nghiệp đoàn SATU lớn – những nghiệp đoàn đã được yêu cầu trình bày nguyên nhân tại sao không thể xóa bỏ việc đăng ký hoạt động của họ – được đưa tới dự mít–tinh trong khu đại học trên hơn 100 xe tải và xe buýt. Họ vẫn hành động như thể những cuộc biểu tình lớn sẽ đe dọa được chính phủ. Các thành viên của Nghiệp đoàn Lao động căn cứ Hải quân tiến hành đình công dưới sự chỉ đạo của những người ủng hộ Sidney Woodhull (ông này hiện bị giam cầm), và 500 sinh viên đại học Nanyang ngồi ở Padang đối diện Tòa Thị chính trong khi các lãnh tụ của họ đưa ra một bản kiến nghị gồm sáu điểm cho Chin Chye. Họ ăn nói cứ như thể Barisan sắp sửa chiến thắng và thành lập chính phủ kế tiếp. Ngày hôm sau, công nhân trong các công ty xe buýt và trong nhiều hãng có nghiệp đoàn đã liên kết với SATU kêu gọi một cuộc tổng đình công hai ngày.

Vài giờ trước khi nó bắt đầu, 14 nhân viên của SATU bị bắt giữ, trong đó có S.T. Bani, người đã thắng Kenny Byrne ở khu vực bầu cử Crawford. Rồi một đám đông hàng nghìn công nhân cố diễu hành từ Padang tới trụ sở Bộ Nội vụ, nhưng đã bị đội chống bạo loạn giải tán, và đến tối, một vài nghiệp đoàn bắt đầu tách khỏi cuộc đình công. Những kẻ trung lập dần lấy lại can đảm. Họ có thể thấy chẳng có hứa hẹn gì trong việc chơi những trò cũ. Khi cuộc đình công yếu dần, các lãnh tụ kêu gọi ngưng đình công.

Nhưng thế cuộc đã thay đổi. Woodhull và Puthucheary đã được phóng thích vào ngày 28/11. Họ tuyên bố rằng họ rời bỏ các nghiệp đoàn và các hoạt động chính trị mãi mãi. Woodhull và Puthucheary là những người thuộc cánh tả, tự hào vì chính họ là những người mác-xít. Họ không phải là người cộng sản; vì vậy họ sẽ không bao giờ được kết nạp vào MCP. Họ thiếu sự kiên định cần thiết và sẽ là một mối nguy hiểm đối với bất kỳ chi bộ nào có họ tham gia. Họ làm chính trị theo kiểu tài tử chỉ thích không khí tiệc tùng nơi họ có thể hò hét diễn thuyết.

Bạo lực cũng đến từ một hướng khác. Vài ngày sau cuộc bầu cử, một tên phá hoại người Indonesia đã cho nổ hai quả bom cách nhau 72 tiếng đồng hồ ở bờ biển phía Nam gần công viên Katong. Cuộc đối đầu giờ đã trở thành hiện thực. Nhưng một diễn biến đáng ngại hơn đang bắt đầu.

Sau ngày bầu cử, Tunku đã biểu lộ sự tổn thương bởi những người Malay ở Singapore đã từng ủng hộ cho UMNO giờ lại bầu cho PAP. “Tôi cho rằng có một vài kẻ phản bội trong số các đảng viên, họ đã khiến dân chúng ở đây thay lòng đổi dạ,” ông ta nói. Ngày 27/9, ông ta đi xuống dự một cuộc mít–tinh do đảng UMNO ở Singapore tổ chức tại Geylang Serai, một khu đông dân Malay, tại đó ông ta bắt đầu chỉ trích “những người Malay nào đó” (ý nói là thân PAP) đã “phản bội UMNO” trong cuộc bầu cử. “Sau này, tôi sẽ đóng một vai trò then chốt trong các cuộc bầu cử,” ông ta nói. Ông ta tiếp tục nói rằng quyền hành của Singapore không còn nằm trong tay của ông Lee hoặc PAP nữa, mà thuộc về chính quyền trung ương ở Kuala Lumpur.

Đi cùng Tunku là Syed Ja’afar Albar, người muốn chắc chắn rằng những người Malay nào đã bị “lạc lối” đi bỏ phiếu cho chúng tôi sẽ được giúp để trở về với dân tộc. Trong bài diễn văn của mình, ông ta cảnh cáo tôi rằng nhân dân có thể chỉ bị lừa gạt một lần, và thề rằng ông ta sẽ ổn định lại Singapore vào thời điểm thích hợp. Những lãnh tụ UMNO địa phương bắt đầu nói bằng lời lẽ hùng hổ. Hiện họ cảm thấy họ là những ông chủ. Viên tổng lãnh sự Hoa kỳ, Arthur H. Rosen, báo cáo với Washington rằng: “Bằng bài diễn văn đầy hung bạo chống PAP với ngụ ý phân biệt sắc tộc, Ja’afar Albar đã khuấy lên sự căm phẫn”. Họ đốt hình nộm của tôi trước một đám đông đang gào thét.

Lúc đó tôi không quan tâm lắm. Tôi nghĩ đó chỉ là việc khích lệ tinh thần của giai đoạn hậu bầu cử. Hồi ấy tôi không hiểu sự tinh tế trong cách nói của người Malay, và phải mất chín tháng sau tôi mới hiểu những ngụ ý thực sự của nó. Không hề biết rằng đây chỉ là khúc dạo đầu của một chiến dịch căm thù đầy cay đắng, mà nó sẽ đi đến đỉnh điểm trong các cuộc bạo loạn của người Malay và người Hoa, nên tôi đã vui sướng nói với đám đông tại cuộc mít–tinh ở quảng trường Fullerton rằng thời gian sẽ chữa lành những thương tổn tinh thần. Tôi đã phải nói một số điều tàn nhẫn trước và trong khi bầu cử, nhưng nhiệm vụ của tôi bây giờ là tái lập mối quan hệ tốt đẹp và tin cậy lẫn nhau với Kuala Lumpur. Hồi ấy tôi chắc là Singapore sẽ náo nhiệt lên với các hoạt động công nghiệp và sẽ là trung tâm phồn vinh của liên bang Malaysia. Tôi hứa rằng chính phủ sẽ hợp tác với chính quyền trung ương trên cơ sở bình đẳng và công bằng, chứ không phải như chủ với tớ.

Tôi vẫn đang nói về việc UMNO và PAP đấu tranh chống kẻ thù chung, là MCP với những kẻ ủng hộ mặt trận liên kết của họ và Indonesia của Sukarno, vốn đang chịu ảnh hưởng của cộng sản. Tôi không biết rằng những người thay mặt cho Tunku, như Albar, lại nghĩ khác. Họ để cho người Anh bảo vệ họ chống lại Indonesia. Đối với họ, quan trọng nhất là đối phó với kẻ thù bên trong – đảng PAP, mà nếu không ngăn cản bước tiến của nó, sẽ thu phục được cả những người dân quê Malay ở lục địa Malaya.

Nói chuyện tại Tòa Thị chính ngày 29/9, tôi phát biểu: “Chúng tôi hiểu rằng trong hai thập niên kế tiếp, Thủ tướng của liên bang

Malaysia phải là một người Malay. Có 43% người Malay, một dân tộc bản xứ, 41% người Hoa, 10% người Ấn và 6% các sắc tộc khác. Chúng tôi không có ý định giành lấy quyền lực ở Kuala Lumpur. Chúng tôi muốn hợp tác và làm việc vì lợi ích chung của liên bang Malaysia.” Nhưng tôi đề cập đến các lãnh tụ MCA như Khaw Kai Boh và Tan Siew Sin một cách khinh thị và Tunku không tán thành điều đó. Hôm sau, ông ta phản ứng lại bằng cách nói rằng dù cho MCA đại diện cho Hoa kiều, họ không hề quên đi quyền lợi dân tộc, và khả năng của họ trong việc đồng thời bảo vệ cả hai đã góp phần đáng kể vào thành công của đảng Liên hiệp tại các cuộc bầu cử: UMNO, MCA và MIC phải đoàn kết với nhau. Ông ta ra hiệu rằng ông ta không có ý định bỏ rơi những người bạn trong đảng Liên hiệp của ông ta. Mãi cho đến gần một năm sau tôi mới hiểu rằng nếu như PAP muốn gia nhập vào đảng Liên hiệp như một phần của một liên minh thì nó phải chấp nhận vai trò của MCA và thuyết phục người Hoa hợp tác vì quyền lợi dân tộc đối với chương trình của UMNO hơn nữa, mà cơ bản là sẽ giúp đỡ nhân dân Malay.

Đánh giá của Geofroy Tory về những xu hướng chính trị này trong Liên bang mới được tổng kết một cách ngắn gọn trong bản báo cáo gởi cho Duncan Sandys ngày 5/10:

“Nhưng vị trí của đảng Liên hiệp về lâu dài chắc chắn là không vững chắc. Ông Lee đã chứng tỏ trong các cuộc bầu cử mới đây ở Singapore rằng ông ta có thể liên kết tất cả những người phi cộng sản ở Singapore, kể cả người Malay, vào một mặt trận chung khiến đảng Liên hiệp mất uy thế. (Tuy nhiên,) phần lớn thành công của ông ta có được là nhờ ông ta đóng vai trò người bảo vệ cho quyền lợi của Singapore chống lại Malaya; vì thế không chắc nó mang lại cho ông ta nhiều uy tín ở một nơi nào đó trong Liên bang.

Mặt khác, nếu câu chuyện về những mối bất bình chủng tộc đối với những chính sách quá cực đoan của UMNO trở nên quá dài, và nếu như vì lý do này hay lý do khác mà cánh người Hoa thuộc đảng Liên hiệp trở nên suy yếu hơn, thì một lực lượng đối lập của người Hoa có cơ sở trên vùng bờ biển Tây Malaya, nhưng với sự giúp đỡ của các đảng phái đối lập khác của liên bang Malaysia, có thể bắt đầu phát triển. Một khi cảm thấy có báo động nghiêm trọng, người Malay chắc chắn sẽ không bị các hình thức hợp hiến ngăn cản việc bảo vệ vị trí của họ, ngay cả nếu như họ phải trả một giá cay đắng là đánh đổi một nền dân chủ đại nghị ôn hòa tương đối sáng sủa hiện nay của họ để lấy một nền dân chủ bị giám sát chặt chẽ hơn.” Geofroy Tory đã có cái nhìn tiên liệu. Không ít thì nhiều ông ta đã đoán được những gì sẽ xảy ra vào năm 1965, khi Hội nghị đoàn kết Malaysia đã tập hợp các đảng phái đối lập lại với nhau.

Đầu tháng 10, tôi và Choo lái xe lên vùng cao nguyên Cameron nghỉ mát hai tuần. Khí hậu miền núi và tình trạng tương đối cách ly đã giúp tôi trù tính vị trí của chúng tôi dưới một chế độ mới. Trong nửa tháng đó, tôi chơi gôn, thường là một mình. Đi dạo vòng quanh sân gôn chín lỗ cùng Choo, tôi suy nghĩ về những vấn đề mình cần phải giải quyết ngay. Chúng tôi đối mặt với mối nguy từ phía Indonesia, nhưng lúc này chúng tôi đã ngăn chặn được cộng sản. Họ bị bất ngờ, cố tránh lôi cuốn sự chú ý, nghe ngóng tình hình mới. Họ biết Kuala Lumpur quyết tâm tiêu diệt họ.

Chúng tôi cũng phải thích nghi với chính phủ trung ương hiện đang công khai bênh vực cho quyền lợi của người Malay. Điều này chúng tôi chỉ có thể dàn xếp được nếu như người Hoa, Ấn và các sắc tộc khác có được đủ điều kiện để sinh tồn. Tuy nhiên, khi tôi gặp Tunku năm ngày trước, tôi đã để lại trong ông ta một tâm trạng dễ chịu, và một số vấn đề có vẻ như được giải quyết một cách thân thiện, bất chấp mọi điều đã xảy ra. Ông ta nói đến việc đóng cửa ngân hàng Bank of China và Bank Negara Indonesia (ngân hàng quốc gia Indonesia) tại Singapore, nhưng nói thêm rằng ông ta chưa có bất kỳ một quyết định dứt khoát nào và muốn thảo luận lại vấn đề. Tôi có thể nói với báo chí rằng ông ta đã hứa cho phép các ngân hàng đó mở cửa hoạt động miễn là nhân sự điều hành trong đó không phải là các viên chức chính phủ từ Trung Quốc và Indonesia.

Sau khi về Singapore ngày 14/10, tôi gặp Philip Moore và nói với ông ta tôi đã đề nghị rằng một trong hai thượng nghị sĩ của chúng tôi tại nghị viện liên bang phải là người Malay. Tunku đã rất hài lòng và đề nghị Ahmad Haji Taff, lãnh tụ UMNO ở Singapore, và tôi đã đồng ý. Viên thượng nghị sĩ kia sẽ là Ko Teck Kin.

Tunku cũng muốn chúng tôi đóng cửa phái bộ thương mại của chúng tôi ở Jakarta, và dù không nhiệt tình, chúng tôi đã triệu hồi người đại diện thương mại ở đó, chỉ để lại một nhân viên cấp thấp. Riêng Moore e rằng chúng tôi đang có những cuộc mật đàm với người Indonesia ở Singapore để tìm cách bãi bỏ lệnh cấm vận mà họ đã tuyên bố. Tôi cam đoan với ông ta rằng các cuộc thảo luận chỉ diễn ra giữa các thương gia Singapore với các viên chức phía bên kia, chứ không phải với các viên chức chính phủ Singapore. Tôi thêm rằng tôi vui với cách mà mọi chuyện được tiến hành với Ismail. Hoạt động an ninh của Kuala Lumpur ở Singapore diễn ra tốt đẹp. Ismail điện báo với tôi về việc bắt giữ theo kế hoạch các lãnh tụ nghiệp đoàn SATU và yêu cầu tôi xác nhận rằng việc này sẽ được chính phủ Singapore ủng hộ. Tôi đã bảo đảm với ông ta. Sau đó chúng tôi trao đổi thư từ với nhau, nhờ đó tôi nắm được tình hình an ninh nội chính, các cuộc họp thường lệ vào sáng thứ Bảy của tôi với cảnh sát và Sở đặc vụ vẫn tiếp tục.

Đó là một thời kỳ yên tĩnh bề ngoài. Hội đồng Lập pháp mới đã tuyên thệ vào ngày 22/10 và dự luật đầu tiên được thông qua là dự luật về bầu cử vào Hạ nghị viện ở Kuala Lumpur. Nó được biểu quyết bằng miệng và chúng tôi chọn 12 dân biểu PAP và ba dân biểu Barisan. Khi tôi lên đường đi dự cuộc họp khai mạc ngày 3/11, tôi mô tả vai trò của PAP trong nghị viện liên bang như là một “‘đảng phái trung lập’ – một phe đối lập trung thành, thân thiện và phê phán, không như đảng Barisan hay Mặt trận Xã hội Malayan, có xu hướng phá hoại và không trung thực”. Trong khi ở Kuala Lumpur, tôi đồng ý với Tunku là chúng tôi nên chấp nhận một cuộc viếng thăm chính thức của Quốc trưởng, đức vua của liên bang Malaysia, và khi ông đến, ông ta đã được tiếp đón long trọng theo nghi thức. Tunku là một kẻ rất coi trọng không khí huyền thoại của hoàng gia.

Riêng tôi không hoàn toàn thoải mái trong thời gian lưu tại thủ đô liên bang. Tunku quá bận rộn nên không thể thảo luận hiệu quả với tôi về mối quan hệ giữa hai bên, và trong khi đó một mối bất hòa lại tái diễn. Trong khi tường thuật lại cuộc tấn công gần như không che đậy của Albar nhắm vào tôi, báo chí Malay đã chửi đích danh Alex Josey vì đã viết một bài báo miêu tả tôi như một lãnh tụ của bốn triệu người Hoa trong liên bang Malaysia. Điều này đã gây mối bất hòa đặc biệt. Razak cũng phê phán tôi vì đã mô tả PAP như một đảng phái trung lập, thân thiện nhưng hay chỉ trích – làm sao mà chúng tôi có thể là cả hai được?

Để trả lời sự phản bác của Razak đối với việc tôi cho PAP là một đảng phái trung lập, tôi hỏi Tunku là các nghị sĩ của chúng tôi sẽ ngồi chỗ nào trong Hạ nghị viện. Ông ta đề nghị rằng một vài người trong số 12 nghị sĩ PAP ngồi cùng phía chính phủ và những người còn lại ngồi với phe đối lập. Chúng tôi đang trong vị trí không rõ rệt. Trong chuyến trở về Singapore, tôi nói với Moore rằng mối quan hệ của chúng tôi với Tunku và UMNO sẽ phải được giải quyết theo cách này hay cách khác trong vòng hai hay ba năm của cuộc bầu cử liên bang sắp tới. Tunku sẽ phải quyết định hoặc bỏ MCA và hợp tác với PAP, hoặc đấu tranh với PAP để nắm quyền kiểm soát các thành phố của Malaya.

Không phải là chúng tôi bỏ quên vùng nông thôn. Ngày 21/12 tôi phát biểu lần đầu tiên tại Hạ nghị viện trong một cuộc tranh luận về ngân sách của Tan Siew Sin. Tôi phê phán là nó không bao quát rộng khắp những vấn đề của Liên bang. Nó có lợi cho việc kinh doanh lớn thường tập trung tại các thành phố, nhưng không có lợi cho dân nghèo ở nông thôn. Tôi nhấn mạnh sự cần thiết trong việc đem lại phồn vinh cho những vùng nông thôn, nơi mà đa số người Malay sống bằng nghề nông. Trước đây các lãnh tụ đảng phái đối lập ở Malaya không đề cập đến những chuyện này; chúng tôi đã áp dụng tư tưởng Fabian33 vào những vấn đề của liên bang Malaysia và tin rằng đây là giải pháp.

Moore báo cáo với London rằng Keng Swee, người trước đây đã nghi ngờ về viễn cảnh của chúng tôi trong Malaya, hiện đang tin chắc rằng trong khoảng chừng một năm, PAP sẽ đánh bại Mặt trận Xã hội Malaya và MCA. Với Singapore hiện đang là một phần của liên bang Malaysia, những báo cáo của Moore được gởi qua viên Cao ủy Anh mới ở Kuala Lumpur là Tử tước Head, người thay thế Geofroy Tory. Antony Head có một tính cách khác hẳn người tiền nhiệm của mình. Ông ta là người có ảnh hưởng lớn về mặt chính trị. Là học viên của Học viện quân sự hoàng gia, ông ta đã được tặng thưởng Huy chương chữ thập quân công trong Thế chiến thứ hai và là một lữ đoàn trưởng khi ông ta đắc cử vào Hạ nghị viện năm 1945. Ông ta trở thành Bộ trưởng Quốc phòng trong nội các của Anthony Eden lúc xảy ra vụ xâm chiếm kênh Suez34, và đã từ chức khi cuộc xâm chiếm thất bại. Ông ta được đưa vào Thượng nghị viện với tư cách một Tử tước. Bà vợ Dorothy của ông ta có một nghị lực phi thường, hoàn toàn không có tài ngoại giao và công khai quan tâm tới chính trường. Head đã từng là Cao ủy Anh ở Nigeria ba năm và bà vợ rất thích các loài chim châu Phi. Một số những con chim đó đẹp một cách lộng lẫy và kỳ lạ, trong đó có những con sếu mào vàng rực rỡ, đi lang thang khắp nơi và vào cả phòng khách của dinh Carcosa, nơi ở của họ tại Kuala Lumpur, và ỉa bậy lên những tấm nệm phủ vải hoa tuyệt đẹp. Cả hai vợ chồng đều phớt tỉnh. Họ chỉ chùi mấy bãi phân bằng mớ giấy rồi cứ tiếp tục nói chuyện. Tôi mến cả hai và chúng tôi ăn ý với nhau. Mỗi khi đến Kuala Lumpur, tôi đều dùng cơm trưa hoặc tối với ông ta và bà vợ lập dị tuyệt vời của ông ta.

Head có một sự am hiểu về những thăng trầm của các dân tộc và các quốc gia. Ông ta suy xét mọi việc đến cùng. Trong khi người Anh kiên quyết giữ vững đường lối chống lại cuộc tấn công không ngừng hiện nay của Sukarno vào Borneo, thì ông ta lại cảnh cáo tôi rằng cả Anh và Malaysia phải tiến hành những hoạt động theo một cách như thế nào để khi tất cả những chuyện này qua đi, chúng tôi có thể chung sống hòa bình với người Indonesia, rằng nếu chúng tôi hạ nhục họ, thì sẽ làm cho mối quan hệ trong tương lai khó khăn hơn. Sự thận trọng của người Anh đã kéo dài xung đột, nhưng nó lại khiến cho việc hòa giải tiếp theo được dễ dàng hơn. Khi Sukarno bị hất ra khỏi quyền lực vào năm 1965, tướng Suharto, lúc đó là người cai trị trên thực tế, đã gởi các phái viên đến Kuala Lumpur và Singapore để thiết lập liên lạc và bắt đầu khôi phục lại lòng tin của chúng tôi vào Indonesia. Head có sự khôn ngoan, đó là phẩm chất hiếm hoi của việc rút kinh nghiệm từ những sai lầm của chính mình, và nhất là từ những sai lầm của người khác. Ông ta cũng hiểu rõ Tunku và cấu trúc trật tự xã hội của người Malay. Nó không giống những gì ông ta đã nhận thấy ở miền Bắc Nigeria.

Thật may mắn cho tôi khi Thủ tướng Anh quyết định đưa một chính khách hàng đầu trong bộ máy chính quyền đến Kuala Lumpur thay vì một nhà ngoại giao chuyên nghiệp như Tory. Nếu không thì lịch sử của liên bang Malaysia và Singapore sẽ hoàn toàn khác. Head áp dụng kinh nghiệm phong phú của mình, bao gồm những vấn đề ông đã thấy ở Nigeria. Ông cũng biết rõ những khó khăn trong việc phát triển từ chế độ thuộc địa đến chính phủ tự trị và trở thành một quốc gia độc lập. Trong hai năm trước tháng 8/1965, tôi còn có nhiều việc để làm với ông ta. Những đánh giá và báo cáo của ông ta cho London đã làm thay đổi hẳn kết quả của cuộc đấu tranh giữa Tunku cùng những người theo phái cực đoan của ông ta ở một bên, và tôi cùng các cộng sự của tôi ở bên kia. Những người cực đoan đòi hỏi một liên bang Malaysia với người Malay chiếm ưu thế hoàn toàn. Chúng tôi ở Singapore – đặc biệt những người được sinh ra hoặc gắn bó chặt chẽ với nội địa Malaya như Chin Chye, Pang

Boon và Raja – thì kiên quyết thành lập một liên bang Malaysia cho các công dân Malaysia thuộc mọi chủng tộc. Đây là cốt lõi của vấn đề.

Head có một cảm tưởng tốt về châu Phi và các lãnh tụ châu Phi trong Khối thịnh vượng chung. Ông ta tin rằng một cuộc viếng thăm châu Phi do một phái đoàn gồm các Bộ trưởng thuộc các bang của Malaysia tiến hành sẽ đạt được sự đồng tình của họ trên các diễn đàn quốc tế như Liên Hiệp Quốc chẳng hạn. Ông ta cười ha hả khi tôi nói Tunku cho rằng những người Phi là lũ đần độn, vì Head đã gặp nhiều người Phi châu khôn khéo hơn Tunku, khá đông họ là những kẻ đậu điểm cao ở Oxford. Ông ta có cảm giác rằng tôi là một người hoạt động không ngừng, muốn làm một điều gì đó để chống lại sự tấn công của Sukarno. Ông ta đề nghị tôi thuyết phục Tunku phái tôi đến châu Phi để tranh thủ sự ủng hộ của họ, mà theo ông ta nó sẽ hữu ích trên mặt trận tâm lý trong khi người Anh nắm mặt trận quân sự. Ông ta cũng tiên đoán rằng như thế sẽ khiến cho thế giới biết đến tôi nhiều hơn, điều đó có nghĩa là nếu như mọi việc đi đến chỗ mà Tunku muốn vô hiệu hóa tôi, thì cái giá phải trả sẽ lớn hơn nhiều.

Tôi đưa ý kiến này với Tunku, và thật ngạc nhiên là ông ta đồng ý ngay. Cuộc chiến đối đầu có chiều hướng tối tăm. Đợt sóng kích động và nhiệt tình đầu tiên từng đưa đến những cuộc biểu tình bên ngoài tòa đại sứ Indonesia đã lắng xuống. Tunku đi khắp đất nước đọc diễn văn để đánh thức tinh thần dân tộc của người Malaya, vì liên bang Malaysia là một khái niệm quá mới. Nhưng từ các cuộc chuyện trò riêng với ông ta, tôi biết ông ta sợ sức cuốn hút mà tài hùng biện của Sukarno có thể tác động lên người Malay ở Malaya, đặc biệt là dân nhập cư mới, con cháu thuộc thế hệ thứ nhất hoặc thứ hai của những người đến từ Sumatra và Java.

Riêng tôi hoàn toàn tin vào khả năng của người Anh, và đã không biết rằng chính sách tích cực chống cự cuộc chiến đối đầu sẽ không thể kéo dài nếu chính phủ Mỹ chấp nhận một đường lối ngược lại. Tôi không chú ý lắm khi báo chí tường thuật rằng người đại diện của Mỹ dự buổi lễ thành lập liên bang ngày 17/9 ở Kuala Lumpur đã nói rằng Mỹ không đứng về phe nào trong cuộc tranh luận. Nhưng những tài liệu ngoại giao trong văn khố Anh thời đó để lộ sự lo lắng sâu sắc về thái độ lừng khừng của người Mỹ. Những tài liệu ấy nhận định rằng người Mỹ sợ người Anh bị kiệt sức vì cuộc chiến đối đầu và cuối cùng người Mỹ sẽ phải nhận lãnh gánh nặng đó. Chúng cũng ghi nhận sự lo ngại rằng bằng việc cản trở Sukarno, người Anh sẽ làm mất uy tín của một chính phủ không cộng sản tại Jakarta, như thế là đẩy Indonesia vào tay cộng sản, và lực lượng sẽ gây ra mối đe dọa cho các căn cứ của Mỹ ở Phillipines.

Người Anh phải vất vả lắm mới khiến cho chính phủ Kenedy đình chỉ ít nhất một số hình thức viện trợ kinh tế của Mỹ cho Indonesia và ngăn cấm các vụ chuyển giao đồ phụ tùng vũ khí mới của hãng Lockheed vào tháng 11/1963. Để chứng tỏ quyết tâm về lời hứa của mình, người Anh đã tuyên bố hồi tháng 11 rằng quân đội của Úc và New Zealand sẽ tham gia việc bảo vệ liên bang Malaysia chống lại những đợt tấn công quân sự ngày càng tăng của Indonesia.

Do sự thúc giục của người Anh, lúc đó thái độ của Tunku đối với Indonesia không còn lưỡng lự nữa. Ngày 3/12, Sukarno đã đọc một bài diễn văn cho là công tác quan sát trước đây của Liên Hiệp Quốc tại Bắc Borneo đã không được tiến hành theo đúng các thủ tục dân chủ. Ông ta hứa sẽ hoan nghênh việc thành lập liên bang Malaysia nếu một phái bộ quan sát thứ hai chứng tỏ rằng dân chúng của các lãnh thổ muốn trở thành một phần của Liên bang. Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao liên bang Malaysia đã bác bỏ đề nghị này, nhưng thực chất chính Tunku đã từ chối nó. Vài ngày sau, một quả bom lớn đã nổ tại Sennett Estate, một khu ngoại ô của dân trung lưu, làm hỏng một xe hơi và chết hai người. Đó là số thương vong đầu tiên trong cuộc chiến đối đầu ở Singapore; chúng tôi đã chuẩn bị cho những rắc rối kế tiếp. Ngày 18/12, Tunku vạch trần một âm mưu của người Indonesia nhằm làm nổ tung trạm điện Pasir Panjang, những ống dẫn nước chính giữa đảo và Johor, và những cơ sở quan trọng khác. Cùng lúc đó, tôi phát giác rằng một tùy viên hải quân Indonesia đang huấn luyện những tên phá hoại tuyển từ Singapore, và người Indonesia đã thành lập những công ty ma để nhập vũ khí.

Chọn tập
Bình luận
720
× sticky