Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Hồi Ký Lý Quang Diệu – Tập 1

Chương 39: Tìm Kiếm Sự Ủng Hộ Ở Úc

Tác giả: Lý Quang Diệu
Chọn tập

New Zealand là một đợt thay đổi không khí dễ chịu. Choo và tôi ngụ ở một khách sạn nhỏ thật thú vị tại Auckland; nơi đây những cô hầu phòng người da trắng ăn mặc y hệt như bên nước Anh thời sau chiến tranh, mang cho chúng tôi trà buổi sáng cùng bánh mì và bơ trước khi dọn một bữa ăn sáng ê hề những bít-tết và sườn cừu, nhưng chúng tôi không thích dùng. Chúng tôi đi xe từ Auckland đến Wellington, mất hai đêm phải nghỉ dọc đường. Tại mỗi thị trấn dọc đường, thị trưởng, trong bộ lễ phục như ở bên Anh, đã tiếp đón chúng tôi, chiêu đãi bữa trưa hay tiệc trà, và phát biểu đón mừng.

Tại Wellington, tôi đã ghé thăm Thủ tướng Keith Holyoake tại văn phòng của ông ở nghị viện. Sau khi trò chuyện, ông đưa tôi đến gặp nội các của ông để có một cuộc trao đổi quan điểm thân mật với nhau. Họ được bảo đảm rằng tôi khẳng quyết38 ủng hộ Malaysia. Họ đồng tình với quan điểm của tôi và ủng hộ giải pháp đa sắc tộc cho các vấn đề của chúng tôi. Tại một bữa ăn trưa ở tòa nhà Quốc hội, Holyoake phát biểu những lời thật thắm thiết. “Có những quan hệ còn hơn cả chuyện quân sự ràng buộc New Zealand với Malaysia,” ông nói. Ông bày tỏ lòng ngưỡng mộ trước sự tiến bộ của Singapore dưới thời của tôi và nói rằng tôi đã làm việc không ngơi nghỉ để phục vụ cho một nước Malaysia mới, “một đất nước đang gặp phải điều phiền phức bởi những khó khăn ngày càng tăng, điều mà các nước non trẻ đều gặp phải – các khó khăn càng tăng thêm nữa trước những đe dọa bách hại của người láng giềng khổng lồ, Indonesia. Tôi chắc chắn ngài Lee sẽ không dễ dàng sợ hãi trước những dọa dẫm như vậy, và sẽ tiếp tục làm việc kiên trì để đảm bảo sự ổn định, thịnh vượng và tiến bộ của một đất nước mà ông đã góp phần tạo nên”. Như để nhấn mạnh lời đe dọa, trong lúc tôi còn đang ở Wellington, một quả bom do các phần tử phá hoại Indonesia đặt đã phát nổ tại tòa nhà MacDonald ở Singapore, nơi có Văn phòng Cao ủy Úc và trụ sở của Ngân hàng Hồng Kông và Thượng Hải, làm chết 2 người và 35 người khác bị thương.

Ngày hôm sau, tôi đã đến nói chuyện với sinh viên và ban giảng huấn trường Đại học Victoria. Tôi có lời khâm phục nước Anh là đã có sự khôn ngoan để biết khi nào thì mình bị đặt trước một cuộc cách mạng không thể cưỡng lại được do những người cộng sản và những người quốc gia tổ chức. Thay vì cố gắng dập tắt cả hai, nước Anh đã cho phép những người quốc gia đứng ra lãnh đạo khối phi cộng sản.

Từ Wellington, chúng tôi bay đến Christchurch, đi xe đến Dunedin và Invercargill, rồi bay trở lại Wellington. Tôi thấy New Zealand thật là hấp dẫn. Trong lời nói, cử chỉ và cung cách sống, họ còn giống người Anh hơn cả người Úc. Đất nước toàn một màu xanh và tươi mát, y như miền nam nước Anh. Và họ rất là thân tình, hiếu khách.

Chặng dừng kế tiếp của tôi là Sydney, chặng đầu tiên trong chuyến du lịch kéo dài 18 ngày trên đất nước Úc, đưa chúng tôi đến Canberra, Melbourne, Adelaide và Perth. Tại Canberra, tôi đã phát biểu trước các thành viên của Câu lạc bộ báo chí quốc gia. Cuộc chiến đối đầu của Indonesia là quan tâm rất lớn của họ:

“Chúng tôi có chung một người láng giềng, có dân số lớn hơn cả hai chúng tôi cộng lại, nghèo hơn cả hai chúng tôi, và rất có thể là một đất nước bất ổn trong cả một thời gian dài sắp tới… Chúng ta biết rằng viện trợ kinh tế và quân sự không thể đảm bảo cho chúng tôi một thắng lợi sau cùng, nhưng chí ít nó cũng sẽ cho chúng tôi có được thời gian.”

Nhưng tình hình tại Nam Việt Nam cho thấy bất kể chuyện yểm trợ quân sự có ồ ạt đến đâu, viện trợ kinh tế có to lớn cỡ nào, nếu các nhà lãnh đạo không biết lo cứu lấy chính mình, kết quả cuối cùng cũng vẫn sẽ là sự diệt vong, cho cả người giúp lẫn kẻ được giúp. Tôi nói:

“Giới lãnh đạo Malay tại Malaysia càng huyên thuyên về chủ nghĩa quốc gia Malay bao nhiêu, những người không–Malay tại Malaysia sẽ càng nghi ngại về tương lai của họ bấy nhiêu. Về mặt lý thuyết, sẽ có ba khả năng nếu như vẫn tiếp tục không chia tách: (1) Malaysia bị một cường quốc thứ ba thu phục;

2. Một cộng đồng chiếm ưu thế hơn những cộng đồng khác tại Malaysia; hoặc

3. Dần dần đi đến tan rã và cuối cùng là chia cắt.

Cả ba đều có những hệ quả tai hại.

Đám đông các ký giả và các nhà ngoại giao đã vỗ tay tán thưởng sự thẳng thắn và ý nghĩ thực tế của tôi.

Sau đó tôi gặp Thủ tướng Robert Menzies. Menzies rất có ảnh hưởng đối với Tunku. Khác với Harold Wilson, ông là một người thuộc đảng Bảo thủ, và luôn luôn ủng hộ Tunku. Tunku đã nói về ông ta với những lời rất là nồng thắm, và nếu giờ đây Menzies hối thúc Tunku tìm kiếm một giải pháp cho Malaysia thông qua sự dàn xếp chính trị chứ không phải vũ lực, có thể ông ta dễ thành công hơn là Wilson. Ông ta chú ý đến những gì tôi nói và cuộc họp của chúng tôi đã kéo dài đến 75 phút, gấp đôi số thời gian dự định. Sau đó ông ta đã đưa tôi đến gặp toàn thể nội các của ông để có những cuộc trò chuyện thân mật cùng nhau.

Tôi giải thích những áp lực mà Tunku đang phải chịu đựng. Sukarno đang hết sức lôi kéo người Malay tại Malaysia, một số lớn đó là những người trở về từ Sumatra và Java cách đây không lâu. Nhưng bởi vì phải đánh bạt được áp lực của chủ nghĩa liên Malay của Sukarno, nên Tunku đang làm mất lòng người Hoa và người Ấn. Điều quan trọng là ai đó được ông ta tin cậy, như Menzies chẳng hạn, phải giải thích cho ông ta hiểu rằng tương lai về lâu về dài không phải là sự ngồi xổm lên đầu người Hoa hay người Ấn, mà là dành cho họ một chỗ đứng dưới ánh mặt trời tại Malaysia. Tôi vạch rõ là ba chủng tộc chính tại Malaysia – người Malay, người Hoa và người Ấn – đều có nguồn cội văn hóa từ ngoài Malaysia, tức là từ Indonesia, Trung Hoa và Ấn Độ. Lãnh đạo của những nước này có thể lôi kéo được mối dây tình cảm cũng không thua gì, nếu không muốn nói còn hơn cả, các nhà lãnh đạo Malaysia. Menzies đồng tình. Ông nhận phân tích của tôi là nghiêm túc và yêu cầu tôi đưa ra ý kiến về những gì tôi xem là giải pháp cho vấn đề. Tôi hứa sẽ làm việc này khi trở về Singapore. Các cuộc họp giữa tôi và ông cùng nội các của ông không được các báo ở Malaysia đăng tải, có lẽ để tránh gây khó chịu cho Tunku.

Đó là một chuyến đi cam go. Tại mỗi thành phố tôi đều có phát biểu, trả lời phỏng vấn trên truyền thanh và truyền hình, và nói chuyện tại các trường đại học và với giới báo chí. Nhưng việc đó đáng bỏ công ra làm. Tôi đã trình bày một bức tranh hiện thực về Malaysia và khiến cho người Úc cũng như New Zealand hiểu rõ rằng chúng tôi cần và đánh giá cao sự giúp đỡ của họ, rằng giúp chúng tôi là họ đúng, và đoàn kết cùng nhau, chúng tôi có thể thành công.

Khi trở về Singapore vào ngày 3/4, tôi được biết các nhà lãnh đạo Liên hiệp đang tức giận lên, viện lẽ tôi đã phê phán chính phủ liên bang và Tunku. Ngay lúc tôi còn ở Úc, V.T. Sambathan, lãnh tụ MIC và là Bộ trưởng Bưu chính, viễn thông và công chính của Tunku, đã công kích tôi là “nói không đúng” về Liên hiệp. Ông nói rằng tôi đã có những gì tôi cần, ấy là Malaysia, và giờ đây đang nói về chính quyền cứ như thể chẳng biết gì về chính trị, và đang được điều hành bởi những ông hoàng, vua chúa và tù trưởng vậy. Thế nhưng tôi không nói những điều này trong bất kỳ bài phát biểu nào của mình.

Khi các cuộc công kích tôi tiếp diễn trên các báo Malaysia, nhiều người Úc và New Zealand đã lên tiếng trên tờ Straits Times để bênh vực cho tôi. Một nhà báo Úc phản đối rằng ông đã nghe nhiều cuộc nói chuyện của tôi tại các trường đại học, và chưa lần nào ông nghe thấy tôi có nói bất cứ điều gì chê bai các nhà lãnh đạo Malaysia cả. Chủ tịch Hội Nghiên cứu châu Á của đại học Victoria ở Wellington cũng viết trên báo nói rằng ông thật ngạc nhiên khi nghe các báo cáo từ Malaysia nói là tôi bị chỉ trích vì “có những phát biểu vô trách nhiệm công kích các nhà lãnh đạo của chính phủ trung ương”, ông chưa hề nghe có điều gì cho thấy những chỉ trích như vậy là đúng cả.

Chẳng qua tội lỗi đầu tiên của tôi dưới mắt các nhà lãnh đạo liên minh chính là vì tôi đã nhận được cảm tình của báo giới New Zealand và Úc. Họ cũng biết qua các cao ủy Malaysia ở Wellington và Canberra là tôi đã được Thủ tướng và nội các của hai nước tiếp đón nồng nhiệt. Nhưng bất bình chính yếu của họ là lập luận và phân tích của tôi về tình hình đã có ảnh hưởng đối với cả hai chính quyền. Sau một loạt lời cáo buộc là đã nói xấu ông hoàng, các Bộ trưởng của ông và đất nước Malaysia nói chung, tôi đã đưa ra một tuyên bố rằng tất cả những gì tôi đã nói đều có ghi lại trong băng từ, hiện có sẵn đây để kiểm tra, và tôi chịu trách nhiệm từng chữ từng lời trong đó. Tôi đặc biệt phủ nhận chỉ trích của Tiến sĩ Lim Swee Aun của MCA, Bộ trưởng thương mại và công nghiệp, cho rằng tôi bảo chính phủ trung ương chỉ lo cho người Malaysia, và tôi cũng cho công bố nguyên văn trích đoạn những gì tôi đã phát biểu về các đặc quyền của người Malay khi trả lời câu hỏi của một sinh viên Malaysia ở Adelaide:

“Không, tôi không nghĩ vấn đề lúc này là điều khoản cho phép người Malay có những đặc quyền… Và nếu các cộng đồng người nhập cư có nguồn gốc nhập cư không nhận ra vấn đề, nếu họ không cảm được việc đời sống của một người Malay nghèo nghĩa là gì, và không thông cảm với phận nghèo ấy, thì tôi nói ngay được là anh ta sẽ biểu lộ bất mãn của mình bằng một phương cách rất dứt khoát và toàn bộ đất nước sẽ bị rơi vào hỗn loạn.”

Điều tôi muốn nói không phải là các đặc quyền dành cho người Malay, mà chính là chuyện chúng không giải quyết được vấn nạn, bởi chúng chỉ có lợi cho một số người bên trên:

“Cấp giấy phép điều hành các công ty xe buýt hay giấy phép lái xe buýt cho một hoặc hai trăm gia đình Malay thì giải quyết được nạn nghèo đói của người Malay thế nào được? Người Malay là những người nông dân. Tại Úc và New Zealand, nông gia là những người có tiền của. Mà sao ở Malaysia nông dân lại nghèo? Bởi không có nghiên cứu nông nghiệp, chọn giống, phân bón, cải tiến kỹ thuật xen canh, thì làm sao phát triển canh tác nông sản hàng hóa?”

Tuyên bố của tôi được đăng trên các báo tiếng Hoa và tiếng Anh, nhưng không được đăng trên các báo Malay. Nó cũng chẳng được phát trên Đài Truyền thanh và Truyền hình Malaysia. Trong chừng mực người Malay có thể nhận được thông tin thì tôi đã không có cơ hội lên tiếng phủ nhận được, và tờ Utusan Melayu đã có thể tiếp tục khuấy đảo công chúng chống lại tôi.

Tunku giận lắm và cảnh cáo các nhà lãnh đạo Singapore rằng chính phủ trung ương sẽ không để bị bất kỳ chính quyền bang nào thúc bách về bất kỳ vấn đề gì. Ông nói, Singapore đã gia nhập Liên bang “với con mắt mở lớn và theo ý muốn của họ”. Ông nói thêm:

(Singapore) “có thể bị biến thành một Cuba thứ hai và tình thế đó đối với chúng ta là không phòng vệ được… và đó là lý do tại sao chính phủ trung ương đã ủng hộ PAP. Với việc PAP cầm quyền, chúng ta nghĩ đến chuyện Singapore an toàn thoát khỏi tay của những người cộng sản. Thế nhưng chúng ta không nhận thức rõ lắm rằng lãnh tụ của PAP đã nghĩ tới chuyện chia sẻ công việc lèo lái đất nước Malaysia. Điều này chúng ta xem là khó có thể chấp nhận được bởi Liên hiệp đủ mạnh để tự tay lèo lái lấy đất nước của mình.” Hai tuần sau khi trở về Singapore, tôi viết một bức thư gửi ngài Robert Menzies tóm tắt những khó khăn trong việc làm cho một xã hội đa chủng tộc như Malaysia phát triển tốt đẹp. Trong thư này, đề ngày 20/4/1965, tôi trình bày tình thế mà các đồng nghiệp và tôi đã nhận định được vào tháng 4/1965. Chúng tôi cảm thấy rất rõ rằng nếu mọi việc cứ như bây giờ, tất sẽ có chuyện không hay xảy ra. Trả lời của Menzies vào tháng 5/1965 có tính chất ủng hộ nhưng cũng thể hiện đầy cân nhắc:

“Tôi có thể cam đoan với ông rằng tôi muốn thấy, vì lợi ích của tất cả chúng ta, một giải pháp thân thiện và hợp lý, một giải pháp tôi dám chắc sẽ giúp Malaysia trở thành một cấu trúc sinh động và an toàn. Cùng lúc đó, tôi muốn nhấn mạnh đến sự nhẫn nại như một bạn đường luôn luôn có mặt bên cạnh các năng lực tuyệt vời của ông.

Tôi thấy không cần phải nói với ông rằng, nếu ảnh hưởng của riêng tôi mà có được tầm quan trọng, thì tôi không được có bất kỳ xét đoán trước nào cả, và nhất thiết không để người khác nghĩ rằng có vẻ như tôi đã làm vậy.”

Ông thừa nhận chính phủ Úc sẽ khó thuyết phục được cử tri của mình lý do tại sao họ nên bảo vệ một chính phủ Malay vốn đang đàn áp những người không–Malay – những người không–Malay đã sẵn lòng gia nhập Liên bang có một hiến pháp đa chủng tộc mà Tunku và Razak đã đồng ý tại London vào tháng 7/1963.

Chọn tập
Bình luận
720
× sticky