Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Hồi Ký Lý Quang Diệu – Tập 1

Chương 41: Đi Tìm Một Đất Nước Malaysia Của Người Malaysia

Tác giả: Lý Quang Diệu
Chọn tập

Bầu không khí tranh luận tại kỳ họp quốc hội liên bang đã lan truyền một cách tự nhiên sang Hội nghị Đoàn kết Malaysia, tổ chức một tuần sau đó tại Singapore. Vào một sáng Chủ nhật nắng ấm, ngày 6/6/1966, tại Nhà hát Quốc gia, một nhà hát kiểu khán đài vòng cung, có mái dầm nhô ra, nhưng không có tường bao quanh, 3.000 người đã ngồi đầy trên ghế và đứng chật trên sân cỏ. Đó là một cuộc mít–tinh vui vẻ và sôi nổi. Sau khi những âu lo không nói ra của họ được biểu lộ rõ trong kỳ họp quốc hội, các nhà lãnh đạo của năm đảng chính trị tại Malaya, Singapore và Sarawak cảm thấy như đã cởi bỏ được các ức chế, và họ đã phát biểu thật thoải mái về các vấn đề như chủng tộc và xã hội đa chủng tộc, những đề tài mà mãi tới nay đã bị coi là kiêng kị.

Hội nghị này do Chin Chye coi sóc. Mặc dầu không phải là một diễn giả lớn, ông đã phát biểu với lòng tin vững chắc trong diễn văn khai mạc của mình rằng:

“Hội nghị này mở đầu cho một cuộc thập tự chinh kêu gọi sự đoàn kết thống nhất giữa các chủng tộc, để truyền bá các quyền cơ bản của mọi chủng tộc cấu thành xã hội đa chủng tộc của chúng ta. Sức mạnh sẽ thống nhất tất cả các chủng tộc chúng ta thành một nước Malaysia của người Malaysia còn cao hơn cả chuyện ngôn ngữ, còn cao hơn sự xâm lấn ngoại bang. Kinh nghiệm cho thấy rằng trong những nước tương tự, một quốc gia đoàn kết chỉ có thể vươn lên được khi không có chủng tộc nào có tham vọng trở thành chủng tộc chủ tề, mà thay vào đó là tất cả các công dân đều bình đẳng bất kể người đó thuộc chủng tộc nào.”

Tiến sĩ Seenivasagam của Đảng Nhân dân Cấp tiến tại Perak thì nói thẳng thừng. Hội nghị như vậy trở nên cần thiết bởi đã có một nỗ lực có tính toán của các nhà lãnh đạo UMNO nhằm khuấy đảo tình cảm chủng tộc. Đứng trước sự đe dọa như vậy, các nhà lãnh đạo chính trị khác không thể khoanh tay ngồi yên mà không làm gì.

Ông đã tố giác Chính phủ Liên hiệp đang sử dụng Điều 153 của hiến pháp nói về các đặc quyền dành cho người Malay để “hăm dọa những người không-Malay”.

Ong Kee Hui thuộc Đảng Nhân dân Thống nhất Sarawak (về sau làm Bộ trưởng trong chính phủ ỉlên bang) cũng vạch rõ như vậy:

“Chúng ta đang chứng kiến một thái độ cố chấp và những dấu hiệu ngày càng rõ của sự phủ nhận quyền bình đẳng chính trị của những dân tộc không–Malay. Vì lợi ích của đất nước và của chúng ta, phải ngăn việc này lại và xu hướng chủng tộc hẹp hòi phải bị khống chế. Quyền bình đẳng chính trị là phải có cho tất cả những ai đang sống ở đây và phải làm cho đất nước này trở thành quê nhà của họ, bất kể nguồn gốc chủng tộc của họ là gì.”

Tiến sĩ Lim Chong Eu của Đảng Dân chủ Thống nhất, với bản tính ôn hòa và thận trọng, nổi tiếng là ít khi ăn nói thẳng thừng. Nhưng ông cũng xúc cảm đủ mạnh để nói rằng:

“Nếu giờ đây chúng ta không hành động được theo những gì chúng ta quyết định, thì ta không thể có được tương lai, và không thể có xã hội công bằng cho chúng ta, cho con cháu chúng ta. Thái độ quan trọng nhất và căn bản nhất mà hội nghị này phải biểu thị là tinh thần kiên quyết và không nhượng bộ trước những phê bình cực kỳ xấu xa và gần như cuồng loạn mà người ta đang ném vào chúng ta.”

Michael Buma của Đảng Machinda ở Sarawak thật thông minh. Ông nói đơn giản nhưng hiệu quả vô cùng. Diễn văn của ông gây sửng sốt đến độ các báo Anh ngữ không dám đăng những lời lẽ châm chích của ông. Ông nói rằng cứ mỗi lần nghe chương trình phát thanh từ Malaya, xướng ngôn viên đã báo giờ là Waktu Tanah Melayu – Giờ của Đất nước của người Malay. Tại sao không phải là Waktu Tanah Malaysia (Giờ của Malaysia)? Tương tự, công ty xe lửa Malaysia thì được gọi là Kreta Api Tanah Melayu – Công ty Xe lửa của Đất nước người Malay. Tại sao thế? Bằng một cung cách thật đơn giản nhưng đầy sức thuyết phục, ông vạch trần thái độ kỳ thị chủng tộc.

Thái độ của mọi người đã định hình trước khi đến phiên tôi phát biểu bế mạc hội nghị. Tôi đã nói đến:

“Thái độ hung hăng ngày càng tăng, hay một sự quá nhấn mạnh đến chủng tộc, điệu bộ dọa dẫm và những giọng điệu hầm hè gay gắt, qua đó họ gửi đến cho những người theo họ những tín hiệu dựa trên căn bản chủng tộc… nếu điều này vẫn cứ tiếp diễn, Malaysia sẽ không còn là của người Malaysia… Họ nói trên hai làn sóng khác nhau – một, nhằm theo hướng đa chủng tộc, đa ngôn ngữ, còn làn sóng kia, một hệ VHF đặc biệt hướng vào những người đi theo họ. Những người tốt, những người đa chủng tộc, các nhà lãnh đạo cao cấp thỉnh thoảng cũng tách ra khỏi hệ VHF đặc biệt này; nhưng những kẻ dã man ấy cũng vẫn cứ gây áp lực.”

Tôi trích dẫn lời khuyên của Tiến sĩ Lim, vốn dựa trên nhiều năm hiểu rõ phương pháp và chiến thuật của họ: “Hãy dứt khoát, hãy kiên quyết. Không bao giờ kinh sợ.”

Hướng về những người không–Malay, tôi đưa ra thống kê dân số mới nhất: 39% người Malay, 42% người Hoa, khoảng 10% người Ấn và Pakistan, 7% người Iban, người Kadazan, người Kayan, người Kelabit cùng những sắc dân khác tại Bắc Borneo, và số còn lại là người Âu lai Á, người Tích Lan, vân vân. Bất kỳ ai muốn chơi trò phân biệt chủng tộc sẽ đều bị khuôn hạn trong cộng đồng chủng tộc của mình, cho dù đó là người Hoa, người Malay hay dân tộc nào khác. Thế nhưng những ai muốn lôi cuốn mọi người trên cơ sở phi chủng tộc cũng đều có cơ may tranh thủ 20% thiểu số. Tôi đã giản lược nó thành công thức như thế này: 40–40–20. Nếu người Hoa, dùng khẩu hiệu tiếng Hoa, lôi cuốn được có 40%, họ tất phải thua. Tôi để cho UMNO suy luận điều gì sẽ xảy ra về lâu về dài nếu họ chỉ lôi cuốn có người Malay không mà thôi.

Tôi đã trích dẫn lời của Tổng ủy viên Malacca, Ghafar Baba (về sau là Phó Thủ tướng), nói rằng: “Hãy xem người Malay ở Malacca có tinh thần phi chủng tộc như thế nào. Trong một khu vực bầu cử đông dân Malay, họ đã bỏ phiếu cho ông Tan Siew Sin.” Ngài tổng ủy viên, tôi nói, là một người chân thực, nhưng:

“mỗi lần ông Tan Siew Sin đi nơi này nơi nọ, tay vỗ ngực, cái mà ông ta đại diện là những người Malay đã bỏ phiếu cho ông ta… Ông Dato Sambanthan (đảng MIC) cũng như vậy đấy. Ông là một người chân tình… Ông ta nói Ja’afar là một người tốt. Không kỳ thị chủng tộc. Bạn biết tại sao không? ‘Trong khu vực bầu cử của tôi ở Perak, Sungei Siput, 90% dân chúng là người Malay, và Dato Albar đi nơi này nơi nọ bảo họ hãy bỏ phiếu cho tôi. Nhờ thế, họ đã bỏ phiếu cho tôi.’ Do đó, Albar không phải là kẻ có tinh thần kỳ thị sắc tộc – bởi ông ta đã nói với dân Malay bỏ phiếu cho các nhà lãnh đạo người Hoa, người Ấn được UMNO ưa chuộng, để những người này lèo lái các cộng đồng người Hoa, người Ấn đi theo hướng mà UMNO muốn họ đến!”

Tôi vạch trần chiến thuật của họ lần nữa:

“Hãy đưa sự thật ra, và chúng ta sẽ thấy rằng không có lý do gì để sợ hãi, không có lý do gì để bị dọa dẫm cả… Nếu chúng ta như thế… sẽ có chuyện rắc rối cho chúng ta. Đối với một quần chúng nhút nhát, sợ sệt, bị dọa dẫm, họ sẽ nói: Bạo loạn đang đến, máu sẽ đổ. Do vậy tất cả chúng ta sẽ chạy về nhà, đóng cửa lại và trùm mền phủ kín đầu. Và thế là họ nghênh ngang trên khắp đường phố, hét tướng lên các khẩu hiệu. Qua ngày hôm sau, hòa bình!”

Theo Tiến sĩ Lim, điều đó đã xảy ra trong cả một thời gian dài tại Malaya.

Tôi nhấn mạnh rằng chúng ta không chống lại các đặc quyền của người Malay và dân bản địa. Trái lại, chúng ta nên cạnh tranh để nâng cao mức sống kinh tế của họ trong xã hội.

“(Thế nhưng) họ (UMNO) không muốn cạnh tranh. Cạnh tranh là xấu. Chúng ta được nghe nói rằng: ‘Bỏ đi. Đừng cố gắng làm cái gì cho tốt cả.’ Họ nói họ lo cho người Malay ư? Tôi xin nói rằng, chúng ta cũng vậy. Chúng ta muốn nâng mức sống của họ lên, và chúng ta sẽ làm chuyện đó còn nhanh hơn cả họ. Năm, muời, mười lăm, hai mươi năm sau, một thế hệ mới sẽ lớn lên, một thế hệ sẽ không còn hưởng ứng với cái VHF đặc biệt mà họ đang sử dụng. Họ sẽ chuyển sang nghe đài đa ngôn ngữ. Họ sẽ nghĩ như chúng ta, làm việc như chúng ta, được đào tạo y như của chúng ta, chuẩn bị sống với chúng ta như những người Malaysia…”

Albar gọi chúng ta là orang tumpangan, nghĩa là những người ở trọ. Nhưng Lim Swee Aun, Bộ trưởng Công nghiệp và thương mại liên bang, không chịu vậy, “chúng ta là những người đồng sở hữu chủ, chứ không phải những người ở trọ, không phải những người khách,” và trong một bài diễn văn thấu tình đạt lý tại quốc hội liên bang với tư cách một Bộ trưởng người Malay, Ismail bảo rằng có hai giai đoạn: “giai đoạn một – các đảng chủng tộc riêng biệt; giai đoạn thứ hai – phi chủng tộc”. Cũng mong là như vậy, tôi nói.

Đó là một hội nghị đầy phấn khởi, mang hy vọng đến cho tất cả những ai nghe trên đài Truyền thanh Singapore hay đọc nó trên báo. Chúng tôi đã phá vỡ sự im lặng và đối đầu trực tiếp với sự dọa dẫm chủng tộc của họ.

Ngày hôm sau, nghị sĩ Dato T.H. Tan, trong một bài diễn văn phát biểu tại thượng viện liên bang, đã kêu gọi chính quyền trung ương áp dụng các biện pháp hiến định để trục xuất Singapore ra khỏi Malaysia hoặc nhốt Lee Kuan Yew để cho ông ta bình tĩnh lại. “Rõ ràng ông Lee, thông qua ngôn từ và hành vi của ông ta, đang khuấy đảo tình cảm và khơi gợi sự bất mãn.” Mấy ngày sau, Bộ trưởng thông tin và tuyên truyền, Senu bin Abdul Rahman, người cùng bang Kedah và gần gũi với Tunku, đã nói: “PAP nên nhớ là sự kiên nhẫn của chúng tôi có giới hạn… Xô đẩy, dồn ép chúng tôi vào chân tường… PAP phải chịu trách nhiệm trước các hậu quả. Hãy hiểu điều đó”. Ông ta yêu cầu các nhà lãnh đạo của PAP phải bước ra công khai và nói chính xác những gì họ muốn cho Malaysia. “Chúng ta biết PAP muốn chia cắt đất nước này. Họ muốn xây dựng nên một nước cộng hòa phải không? Họ muốn loại bỏ các nhà cai trị của chúng ta, những cái được gọi là đặc quyền của chúng ta, phải không? Hãy nói cho chúng tôi biết, hãy nói ra đi, hãy nói thẳng trước mọi người đi.”

Raja, từng là nhân vật chủ chốt, trả lời rằng tôi đã sẵn sàng ra trước quốc hội để minh định ý kiến của mình, nhưng các Bộ trưởng Chính phủ Liên hiệp không cho phép tôi được làm chuyện đó. Tunku đã có đáp ứng, theo tôi nghĩ, như một cố gắng để xoa dịu cơn nóng giận, khi nói rằng ông sẵn sàng dành thời giờ nghe tôi nói, để biết điều gì đang làm tôi băn khoăn.

“Ông Lee thường ngồi với tôi ở chỗ bàn này,” ông nói, nhịp tay lên bàn họp ở tư dinh của ông. “Chúng tôi đã trò chuyện với nhau nhiều giờ về nhiều vấn đề. Mặc dù có nhiều trở ngại, ông vẫn nhấn mạnh chuyện liên kết với chúng ta. Sao bây giờ lại nêu lên những vấn đề ấy? Tệ thật.” Tunku nói rằng ông đã phải đấu tranh để không phát biểu tại quốc hội, bởi nếu phát biểu ông sẽ phải công kích tôi và ông không muốn làm như vậy.

Tôi coi điều đó như một tia hy vọng và lập tức trả lời ngay, bằng cách nói rằng: “Chúng ta hãy nói chuyện và giải quyết các khó khăn của chúng ta, nhưng những cuộc nói chuyện này phải nhắm đến những mục tiêu quan trọng và cơ bản nhất định nào đó mới được.” Tôi chỉ trích “những tay phá hôi”, những kẻ kỳ thị chủng tộc cực đoan luôn kêu gào khẩu hiệu, bởi “sự ăn nói cộc cằn và lời lẽ gây hấn” của họ… Đối với những người như vậy, tôi cầu xin thế này: “Xin hãy như Tunku, hãy nói năng nhỏ nhẹ, lịch sự, đàng hoàng, và chinh phục trái tim của nhân dân Singapore.”

Vào ngày 16/6, Tunku đi London dự Hội nghị cấp Thủ tướng của Khối Thịnh vượng chung.

Cùng ngày đó, Ong Eng Guan bất ngờ từ chức khỏi Hội đồng Lập pháp, lấy lý do rằng: “Hội đồng không còn phục vụ một mục tiêu hữu dụng nào nữa”. Ông giữ im lặng và thụ động, hoàn toàn đứng ngoài lề mọi chuyện đã ập đến cho Singapore kể từ khi hợp nhất. Không hề thấy ông lên tiếng trong hai vụ bạo loạn chủng tộc hay về bất cứ vấn đề gì. Ngày hôm sau, ông yêu cầu chính phủ không nên chần chừ trong việc tổ chức tuyển cử bổ sung bởi ông muốn tranh cử lần nữa. Khi không được, ông mất đi mọi sự tín nhiệm và chìm vào quên lãng.

Chúng tôi tin rằng chính phủ liên bang đã gây sức ép khiến Ong Eng Guan từ chức, thông qua một thành viên MCA, người này từng là cựu bí thư chính trị của Ong lúc ông còn là thị trưởng những năm 1957–59. Họ muốn có một cuộc bầu cử bổ sung để kiểm tra xem PAP đã được ủng hộ đến đâu. Nếu đảng Barisan có thể đánh bại được chúng tôi, họ có thể vô hiệu hóa các nhà lãnh đạo của PAP bằng cách dùng Luật An ninh nội chính, mà không khơi dậy sự phản đối khi cho bắt giữ chúng tôi.

Vào ngày công bố danh sách ứng cử cho cuộc bầu cử bổ sung, ngày 30/6, chúng tôi đã đề cử Lee Khoon Choy và Barisan đưa ra ứng cử viên Ong Chang Sam, nguyên là một nghị viên đã ly khai khỏi PAP. Đó là một cuộc vận động ngắn ngủi có chín ngày trước khi cuộc đầu phiếu chính thức diễn ra ngày 10/7. Tâm trạng của dân chúng hoàn toàn thay đổi. Họ đều biết rằng tất cả những ai ở Singapore cũng đều đang vướng rắc rối lớn, và họ phải chọn lựa giữa PAP và Barisan, sau khi quyết định đảng nào là đảng bảo vệ tốt hơn cho sự sống còn và tương lai của Singapore. Chúng tôi đặt cử tri trước sự chọn lựa giữa “Malaysia của người Malaysia” của PAP và “Bóp nát Malaysia” của Barisan, qua đó cuộc tuyển cử phụ lần này cũng sẽ minh chứng cho Chính phủ Liên hiệp thấy rằng Singapore muốn có một Malaysia của người Malaysia. Tiến sĩ Lee Siew Choh gọi đó là một khẩu hiệu mang tính chủng tộc và thực dân kiểu mới. Thế nhưng khi trả lời phỏng vấn của báo chí, Razak lại bảo rằng chuyện PAP hay Barisan thắng là không thành vấn đề. Điều đó xác nhận sự nghi ngờ của chúng tôi là UMNO và MCA thực ra đang muốn trắc nghiệm sự ủng hộ của những người nói tiếng Hoa ở Singapore dành cho PAP mà khu vực bầu cử Hong Lim thuộc trung tâm Chinatown có thể được coi là khu vực tiêu biểu. Một bằng chứng khác nữa hiện rõ khi Utusan Melayu có bài xã luận kêu gọi dân chúng bỏ phiếu cho ứng cử viên Barisan, mặc dù trong khu vực này chẳng có nhiều người Malay.

Vào giữa cuộc bầu cử bổ sung, Ismail đã ra lệnh trục xuất Alex Josey, lấy lý do điều đó “sẽ có lợi cho liên bang.” Khi được hỏi về chuyện này ở London, Tunku trả lời rằng Josey đã nhúng tay vào những hoạt động nhằm phá vỡ sự hòa hợp giữa các chủng tộc. Trong một bài đăng trên tờ nguyệt san The Bulletin, ông ta đã nhấn mạnh quá đáng về những khác biệt trong phong cách lãnh đạo giữa Tunku và tôi. Chúng tôi nghĩ chắc sẽ còn có chuyện tệ hơn nữa, và Chin Chye đã triệu tập một cuộc họp báo để phát biểu rằng việc trục xuất Josey sẽ dính liền với những biện pháp trấn áp sau đó nếu như chính phủ trung ương tiếp tục ve vãn với những kẻ cực đoan. Chin Chye vạch trần:

“Chúng tôi biết rằng ngay sau kỳ họp mới đây của quốc hội và cuộc họp công khai đầu tiên của Hội nghị Đoàn kết Malaysia tại Singapore vào ngày 6/6, người ta đã có những chỉ thị nhằm câu lưu ông Lee. Chúng tôi xin nhấn mạnh với chính phủ trung ương xin đừng tin rằng với việc loại trừ ông Lee thì các Bộ trưởng của chính phủ PAP sẽ chịu để yên chuyện ông ta bị bắt giam như vậy đâu.”

Mọi Bộ trưởng đều biết rằng việc loại trừ tôi sẽ không làm tiêu trừ được vấn đề – sự thống trị của người Malay đối với các dân tộc khác – và tất cả đã ngồi sát cánh cùng Chin Chye tại cuộc họp báo để bày tỏ sự đoàn kết nhất trí và không ai trong số họ muốn thay thế tôi cả. Vào ngày 10/7, Razak đã mô tả tuyên bố của Chin Chye là “quá hồ đồ và ác ý không đáng để có ý kiến”, nhưng chúng tôi đã có được tin tức từ George Bogaars, giám đốc Sở đặc vụ Singapore. Phủ nhận của Razak được đưa ra vào ngày bầu cử. Tối hôm đó, Lee Khoon Choy giành được 59% phiếu bầu tại cuộc bầu cử bổ sung ở Hong Lim, một cuộc đảo lộn dứt khoát của cái kết quả của hai năm trước đó khi PAP chỉ thu được có 26%. Số người bỏ phiếu cho chúng tôi đã tăng gấp hơn hai lần.

Ngày hôm sau, Senu đã phát biểu trong một bài diễn văn chĩa mũi dùi vào tôi, rằng những người không-Malay không nên lợi dụng lòng hiếu khách dành cho họ trên đất nước Malaysia. Tôi đã trả lời rằng tôi không hưởng được lòng hiếu khách của ai hết; tôi đang ở tại Malaysia một cách hợp pháp. Một tuần sau, các nhà lãnh đạo của Hội nghị Đoàn kết Malaysia đã gặp nhau ở Singapore để đưa ra một tuyên bố cảnh cáo rằng đất nước sẽ đứng trước sự rối loạn nghiêm trọng nếu như người ta có sự phân biệt giữa người Malaysia “đích thực” và người Malaysia “được hưởng lòng hiếu khách”. Họ lo lắng ghi nhận “sự khai thác ngang nhiên và trơ trẽn các tình cảm chủng tộc và tôn giáo để chống lại những người đang vận động ủng hộ cho một đất nước Malaysia của người Malaysia”, và đã công bố các kế hoạch nhằm tổ chức hàng loạt những cuộc mít–tinh trên khắp Liên bang.

Trả lời chuyện này, Senu biện bác rằng: “Chúng tôi đã giải thích điều này hàng nghìn lần rồi. Chúng tôi làm việc vì tất cả người Malaysia bất kể nguồn gốc của họ. Bằng không thì chẳng có một Đảng Liên hiệp… Dĩ nhiên chúng tôi muốn một Malaysia của người Malaysia. Chính chúng tôi đã đề ra quan niệm này.” Tiếp theo Senu, vào ngày 24/7, khi nói tới khẩu hiệu “Malaysia của người Malaysia” của Đảng Nhân dân Hành động (PAP), Razak đã nói rằng chính Chính phủ Liên hiệp, chứ không phải PAP, là người đầu tiên đã nêu ra khái niệm này, và trong một cuộc phỏng vấn tại trụ sở của UMNO, Ismail nói rõ ra rằng Chính phủ Liên hiệp muốn có một đất nước Malaysia của người Malaysia, tuy không cùng hướng với những điều mà chính quyền PAP đã ủng hộ. Quan điểm của Chính phủ Liên hiệp dựa trên hai yếu tố – hòa hợp chủng tộc và một Malaysia thống nhất phi sắc tộc.

Tôi rất mừng trước những phát triển như vậy. Chúng là một bước tiến trong lập trường của UMNO so với trước đây. Bây giờ đây họ đã đồng tình với lập trường của chúng tôi, dầu không được thành thực, ngoại trừ Ismail. Mọi việc vẫn tiến triển. Ai cũng cảm thấy rằng mọi chuyện sẽ chẳng bao giờ còn như trước nữa.

Trước đây Razak có ngỏ lời là muốn nói chuyện với tôi, và vào ngày 29/6 tôi đã gặp gỡ ông tại văn phòng của ông ở Bộ Quốc phòng, tại Kuala Lumpur. Ông khẩn trương, đứng ngồi không yên và bối rối. Tôi lên án sự tai hại mà Utusan dã gây ra và vẫn còn đang tiếp tục làm như vậy, đó là đầu độc từng ngày bằng chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc. Tôi than phiền về chính sách lập lờ nước đôi của UMNO, trong khi các nhà lãnh đạo cao cấp đi đến những thỏa thuận hữu lý và đình chiến chính trị với chúng tôi thì những nhà lãnh đạo cấp dưới vẫn cứ tiếp tục the thé luận điệu thù hằn trên tờ Utusan và Malayan Merdeka, một tờ báo phát hành ở các làng xã. Tôi nói rằng bất kỳ thòa thuận nào trong tương lai cũng sẽ phải bằng văn bản và được công bố cho mọi người biết, kể các nhà lãnh đạo bên dưới, và chuyện nói năng ầm ĩ trên báo chí Malay phải chấm dứt. Bằng không, bất kỳ sự hòa giải chính trị nào cũng đều thành ra vô nghĩa cả. Razak trả lời rằng điều này rất khó và họ phải suy nghĩ kỹ mới được.

Phát biểu có ý nghĩa nhất của ông ta là: “Chúng tôi phải xác định xem ông muốn cộng tác với chúng tôi hay chống chúng tôi”. Tôi nói rằng ông đã hiểu quan điểm của PAP, rằng chúng tôi luôn luôn muốn cộng tác với UMNO, nhưng UMNO, và nhất là phe cực đoan, đã quyết tâm bóp nát chúng tôi. Tôi đã chứng kiến cách họ làm phân rã các đảng đa sắc tộc tại Sabah ra sao, và họ cũng đang cố gắng làm như vậy tại Sarawak. Tôi chắc rằng một khi đã bình định hai tiểu bang ở Bắc Borneo này xong là họ sẽ chĩa mũi dùi vào Singapore và phá nát chúng tôi y vậy. Họ đã xử trí Donald Stephens, Tổng ủy viên Sabah, và đang làm vậy với Stephen Kalong Ningkan, Tổng ủy viên Sarawak. Tôi nhắc cho Razak nhớ rằng tôi đã có mặt tại Dinh Tunku ở Kuala Lumpur khi chính Tunku đưa ra những điều kiện sau đây để Stephens vẫn còn nhiệm chức: kể từ nay, người Hoa ở Sabah sẽ gia nhập SNAP (Đảng Quốc gia Sabah), người Kadazan gia nhập UPKO (Tổ chức Pasok Momogun Kadazan Thống nhất) và người Malaysia thì gia nhập USNO (Tổ chức Đoàn kết Sabah Quốc gia). Razak trả lời một cách yếu ớt rằng UMNO chẳng dính dáng gì đến chuyện đó cả – đó chính là ý muốn của các nhà lãnh đạo Chính phủ Liên hiệp ở Sabah. Tôi nói chẳng phải như vậy đâu, bởi khi tôi bàn về chuyện phân hóa này với Stephens, ông ta đã rất buồn về điều này.

Đó là hai giờ thật chẳng thoải mái gì. Razak không muốn nhìn thẳng vào những vấn đề tôi nêu ra, và cũng chẳng đạt được sự cảm thông nào cả. Ông ta khiến cho tôi có ấn tượng rằng UMNO sẽ chẳng thay đổi nguyên tắc cơ bản của mình là một hệ thống chính trị dựa trên người Malay, một hệ thống sẽ không chấp nhận một sự xâm phạm của những chủng tộc khác vào lĩnh vực độc quyền của người Malay. Chính Singapore phải tự điều chỉnh và dung hợp các cấu trúc chủng tộc đã có ở Malay trước khi hợp nhất, và những điều này là bất biến. Razak kiên quyết trong chuyện này, nhưng chúng tôi không thể chấp nhận được. Tôi vẫn hy vọng Tunku có thể đủ mạnh để đổi khác.

Chuyện đời đã không được vậy. Một năm sau, Razak đã nói khác hẳn về những gì đã diễn ra. Trong một bài báo đăng nhân ngày kỷ niệm lần thứ 20 của UMNO, ông viết rằng ngay sau các vụ bạo loạn vào tháng 7/1964, tối đã hối thúc Tunku và ông ta dung nạp chúng tôi vào Chính phủ Liên hiệp như một phương cách để đảm bảo sự hòa hợp sắc tộc, vì rằng chính PAP đại diện cho người Hoa Malaysia. Nhưng họ đã từ chối thẳng thừng yêu cầu của tôi, chính vì vậy chúng tôi đã khởi sự công kích UMNO và người Malay bằng cách đưa ra khẩu hiệu vô trách nhiệm “Malaysia của người Malaysia” để giành sự ủng hộ của những dân tộc không–Malay, tạo ra sự căng thẳng giữa người Malay với người Hoa, một điều có thể gây nguy hại cho nền an ninh của đất nước. Razak đã quên rằng trước đây chưa đầy một năm, vào tháng 7/1965, Senu và ông ta đã công khai tuyên bố rằng chính Chính phủ Liên hiệp đã nghĩ và đề ra khái niệm Malaysia của người Malaysia. Ông còn nói thêm rằng đến khi thấy nguy hiểm, tôi bèn giả vờ tìm cách xoa dịu tình hình nhằm cứu vãn Malaysia. Điều đó đã dẫn đến cuộc họp giữa chúng tôi vào ngày 29/6, sáu tuần trước khi chúng tôi tách ra khỏi Liên bang. Razak viết:

“Lạ thật, tại cuộc họp, Lee Kuan Yew đã chẳng hề có ý định tìm ra phương cách giải quyết bế tắc, mà cứ khăng khăng nói rằng Tunku và tôi phải khử hết các phần tử cực đoan trong UMNO trước, nếu chính phủ trung ương muốn ông ta hợp tác… Ông nói đến tên của những người được gọi là ‘phần tử cực đoan’ bị cho là phải chịu trách nhiệm về bầu không khí căng thẳng hiện nay. Tôi đã phản đối lý lẽ của ông ta về ‘những phần tử cực đoan’ và nói với ông ta rằng UMNO là một đảng có kỷ cương, và nếu ông ta muốn hợp tác với Chính phủ Liên hiệp hay với UMNO, ông ta nên tin vào Tunku, vào tôi và những người khác nữa. Tôi yêu cầu ông ta cam đoan rằng ông ta và các bạn bè của ông ta sẽ không có những dấu hiệu mang tính khiêu khích chống lại người Malay hay can thiệp vào công việc nội bộ của UMNO. Đáng tiếc là ông ta đã không chịu làm như vậy.”

Để trả lời ông ta, tôi đã cho đăng những đoạn trích trong bản ghi chép của tôi trong cuộc họp với ông ta. Tôi vạch ra rằng tôi đã không hề đề nghị liên kết gì với Tunku cả vào tháng 7/1964, sau các vụ bạo loạn. Tunku mãi tới ngày 14/8 mới từ London trở về Kuala Lumpur, và qua ngày hôm sau đã nói với tôi rằng Thủ tướng Anh Alec Douglas Home khuyên ông nên thành lập một chính quyền quốc gia có gồm cả PAP. Tôi nói thêm rằng làm sống dậy những mâu thuẫn xa xưa chẳng phải là ước muốn của chính quyền PAP, nhưng những tường thuật thiếu trung thực về các cuộc thảo luận cấp cao như vậy đã khiến các Bộ trưởng của Singapore không thể không lên tiếng.

Chẳng có ý kiến phản hồi nào của Razak cả. Mấy năm sau đó, khi đọc tiểu sử chính thức của Tunku do Mubin Sheppard viết, tôi được biết là Razak đã báo cáo với ông khi còn ở London rằng ông ta chẳng thể nào làm cho tôi thông cảm, và chẳng thể nào thuyết phục nổi tôi ngưng việc vận động chính trị lại được. Chính điều đó, theo lời Tunku thuật, đã khiến ông ta quyết tâm đẩy Singapore ra khỏi Malaysia.

Chọn tập
Bình luận
720
× sticky