Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Bóng Tối Kinh Hoàng

Chương 11

Tác giả: Sidney Sheldon

Paris, Pháp

CUỘC ĐIỀU TRA VỤ TỰ TỨ TRÊN THÁP EIFFEL.

Cuộc thẩm vấn diễn ra tại sở Cảnh sát Reuilly trên phố Henard, Quận mười hai.

Hai thám tử André Belmondo và Pierre Marais mở đầu buổi hỏi cung người quản lý tháp Eiffel.

Thứ Hai, 6 tháng năm.

Thời gian 10 giờ sáng

Đối tượng: René Pascal.

Belmondo: ông Pascal, chúng tôi có đủ lý lẽ xác định là Mark Harris, nạn nhân được cho là té ngã từ trên đài quan sát tháp Eiffel đã bị giết chết.

Pascal: Bị giết chết? Mà sao… Tôi được nghe báo cáo là tai nạn do…

Marais: Làm sao chung quanh có bao lơn che chắn cao khỏi đầu người nạn nhân có thể té ngã xuống đất được?

Belmondo: Chúng tôi có đủ lý lẽ xác minh đây không phải là một vụ tự tử. Bởi ông ta đã chuẩn bị sắp xếp nghỉ cuối tuần với vợ, là Kelly một người mẫu.

Pascal: Tôi thật đau buồn, thưa quý ông, nhưng mà tôi chẳng hiểu… sao lại mời tôi đến đây.

Marais: Chúng tôi muốn làm sáng tỏ vụ việc buổi tối nhà hàng đóng cửa lúc mấy giờ?

– Pascal: Đúng mười giờ. Đêm đó có bão, nhà hàng vắng khách phải đóng cửa sớm…

Marais: Cầu thang máy ngừng chạy từ lúc nào?

Pascal: Thường chạy tới nửa đêm mới ngừng, đêm đó thấy không còn khách và người tham quan, tới mười giờ khoá máy.

Belmondo: Luôn cả thang máy chạy lên đài quan sát?

Pascal: Vâng. Tất cả thang máy đều khoá.

Marais: Vậy có thể đi cầu thang bộ từ dưới lên tới nơi được chứ.

Pascal: Không được. Tối đó mọi cửa đều khoá. Tôi không thể hiểu vì sao tai nạn xảy ra. Nếu…

Belmondo: Chuyện đó tôi sẽ nói ra đây. Nạn nhân Harris bị xô ngã từ trên cao xuống. Chúng tôi đã lên tới nơi xem xét hiện trường tại chỗ rào chắn nơi xảy ra tai nạn còn dấu xây xát, lớp cất ximăng bám dính vô dưới đế giầy nạn nhân Harris chính là lớp ximang bị bong tróc ngay tại chỗ rào chắn đài quan sát. Nếu cửa tầng dưới đã khoá, thang máy ngừng hoạt động nạn nhân không làm sao lên tới nơi ngay lúc nửa đêm?

Pascal: Tôi không biết. Không có cầu thang máy…thì làm sao… làm sao đi lên đó được.

Marais: Nhưng mà cầu thang máy còn hoạt động thì mới đưa ông Harris lên tới trên đài quan sát. Luôn cả thủ phạm… có thể vài ba tên… rồi bọn chúng quay trở xuống.

Belmondo: Ta có thể nghi cho kẻ lạ mặt cho chạy cầu thang máy.

Pascal: Không có chuyện đó. Người gác cầu thang máy thường trực tại phòng máy, buổi tối dùng khoá đặc biệt.

Marais: Có mấy chìa khoá tất cả?

Pascal: Có ba chìa. Tôi giữ một, hai chìa kia được cất giữ tại đây.

Belmondo: Ông xác định rõ cầu thang máy đóng cửa lúc mười giờ tối chứ?

Pascal: Vâng.

Marais: Ai chịu trách nhiệm tại chỗ?

Pascal: Toth. Gérard Toth.

Marais: Cho tôi gặp đương sự.

Pascal: Tôi cũng muốn gặp.

Marais: Ông muốn nói sao?

Pascal: Toth tối hôm đó không đi làm. Tôi đến nhà tìm, không nghe thấy ai lên tiếng, tôi hỏi thăm chủ nhà mới hay Toth đã dọn đi nơi khác.

Marais: Không để lại địa chỉ sao?

Pascal: Không. Hắn đã cuốn gói cao chạy xa bay từ lúc nào.

***

– Cao chạy xa bay? Có phải ta vừa nhớ lại nhà ảo thuật đại tài Houdini hay là một tên gác cầu thang quỷ quyệt?

Người vừa lên tiếng là ngài Tổng thư ký Renaud, chỉ huy Tổng hành dinh cơ quan Interpol. Ông nhỏ người tính năng động hoạt bát, tuổi trạc năm muơi có thâm niên hai mươi năm phục vụ trong ngành Cảnh sát Renaud ngồi chủ toạ phiên họp trong phòng họp lớn tại Tổng hành dinh bảy tầng lầu Trụ sở Cảnh sát quốc tế một nơi thanh lọc tất cả mọi nguồn tin cho 126 đơn vị cảnh sát thuộc bảy mươi tám nước: Trụ sở nằm trong khu phố St. Cloud, khoảng mười cây số về hướng tây Paris được điều hành do một lực lượng thám tử từng phục vụ trong Sở an ninh Pháp và Sở cảnh sát Paris.

Quanh bàn họp mười hai nhân viên đã có mặt đầy đủ. Cuộc thẩm vấn thám tử Belmondo vừa diễn ra trước một giờ.

Ngài tổng thư ký chua chát lên tiếng:

– Vậy là anh và thám tử Marais không thể thu thập được một manh mối nào vì sao nạn nhân bị giết chết tại một nơi khó có thể xâm nhập vô được, hơn nữa bọn sát thủ cũng khó mà len lỏi vô rồi thoát ra ngoài trót lọt hay sao? Các anh… báo cáo có vậy thôi sao?

– Tôi và Marais đã đối chứng với nhiều người…

– Thôi được. Anh có thể ra về!

– Thưa ngài, tuân lệnh!

Mọi người nhìn theo nhà thám tử vừa bị một trận te tua. Có người bảo;

– Thế đấy, đến anh ta cũng phải chịu thua.

Ngài tổng thư ký quay lại bàn họp:

– Trong lúc thẩm vấn, các anh có ai nghe nhắc… tới một nhân vật tên là Prima?

Mọi người chăm chú hồi lâu, rồi lắc đầu – không, Prima là nhân vật thế nào?

– Chúng ta chưa biết được. Cái tên được viết nguệch ngoạc trên mảnh giấy còn sót lại trong túi áo jacket nạn nhân ở New York. Trong vụ nầy có liên quan tới một đầu mối, ngài thở ra.

– Các bạn, chúng ta đang gặp một việc nan giải, một bài toán còn ẩn số. Tôi đã phục vụ trong ngành mười lăm năm, từng điều tra nhiều vụ giết người hàng loạt, bọn tội phạm quốc tế, tội bạo hành, tội giết cha, và nhiều vụ có thể đoán ra được thủ phạm. -Ông dừng lại. – Trong từng ấy thời gian chưa lúc nào gạp một vụ như vừa qua. Tôi gởi một bản THÔNG BÁO đến cơ quan điều tra ở New York.

***

Manhattan New York.

Frank Bigley, chỉ huy một đơn vị thám tử ở Manhattan đang xem xét tờ trình của Tổng thư ký Renaud gởi tới vừa lúc hai thám tử Earl Greenburg và Robert Praegitzer bước vô.

– Thưa sếp cần gặp?

– Vâng, mời các anh ngồi.

Hai người kéo ghế ngồi.

Sếp Bigley, đưa ra một trang giấy.

– Đây là bản THÔNG BÁO sáng nay Interpol vừa gởi tới. Ông đọc to: “Cách nay sáu năm một nhà khoa học Nhật, Akira Iso đã treo cổ tự tử tại phòng riêng trong một khách sạn ở Tokyo. Cuộc điều tra cho thấy sức khoẻ ông Iso rất tốt, vừa được đề bạt lên một chức vụ cao hơn giữa lúc tinh thần phấn chấn”.

– Ở bên Nhật? Nhưng mà có liên quan gì…

– Tôi đọc tiếp. “Cách đây ba năm, một nhà khoa học Thuỵ Sĩ, Madeleine Smith, ba mươi hai tuổi, tự tử bằng cách mở bình gaz tại nhà riêng ở Zurich. Bà đang mang thai và dự tính làm đám cưới với người cha đứa bé còn trong bụng. Nhân chứng -bạn bè cho biết bà chưa bao giờ được sung sướng như lúc ấy”. Ông ngước nhìn hai nhân viên thám tử.

– Cách đây ba hôm một nhân vật ở thành phố Berlin tên là Sonja Vebrugge chết trong bồn tắm. Ngay trong đêm hôm đó, Mark Harris một người Mỹ té lộn nhào từ trên đài quan sát tháp Eiffel xuống đất. Ngày hôm sau một công dân Canada tên là Gary Reynolds chết trong một tai nạn máy bay đụng vô sườn núi ngoại ô thành phố Denver.

Greenburg và Praegitzer chăm chú nghe đọc, chưa hết bàng hoàng.

– Và mới hôm qua, các anh phát hiện xác chết nạn nhân Richard Stevens tấp vô bờ sông East River.

Earl Greenburg nhìn theo sếp, kinh ngạc.

– Mấy vụ đó liên quan gì đến chúng tôi?

Sếp Bigley lặng lẽ nói.

– Tất cả những cải chết được nhận dạng như nhau.

Greenburg nhìn sâu vô mắt ông:

– Sao? Để tôi nghĩ lại xem. Một người Nhật cách đây sáu năm, người Thuỵ sĩ ba năm, mới đây vài bữa một người Đức, người Canada và hai người Mỹ. – Gã ngồi lặng thinh một lúc. – Mấy vụ nầy có liên quan gì với nhau?

Sếp Bigley đưa qua Greenburg bản THÔNG BÁO của cơ quan Interpol. Greenburg vừa đọc tròn xoe mắt.

Gã ngước nhìn chậm rãi nói:

– Interpol nghi cho viện nghiên cứu Kingsley International đứng đằng sau mấy vụ nầy sao? Một trò cười.

Praegitzer lên tiếng:

– Thưa sếp, chúng tôi vừa nhắc tới tên tuổi một cơ quan nghiên cứu tầm cỡ thế giới.

– Tất cả nạn nhân là những người có liên quan cơ quan KIG, do Tanner Kingsley đứng đầu; Chủ tịch Uỷ ban khoa học của Tổng thống, Chủ tịch Uỷ ban kế hoạch nhà nước và Uỷ ban chính sách quốc phòng thuộc Lầu Năm Góc. Tôi muốn đề nghị cậu và Greenburg nên có một cuộc trao đổi với Kingsley.

– Vâng.

– Nầy Earl…

– Sếp bảo sao?

– Nên dè dặt và dò dẫm từng bước.

***

Năm phút sau, Earl Greenburg gặp thư ký Ric của Kingsley trên máy, gã quay qua Praegitzer

– Mười giờ sáng thứ ba ta tới điểm hẹn. Ngài Kingsley đang có mặt ra điều trần tại một Uỷ ban quốc hội ở Washington…

***

Washington, D. C

Tại buổi điều trần của Uỷ ban môi trường Thượng viện ở Washington, D. C, một hội đồng gồm sáu vị Thượng nghị sĩ và ba mươi quan khách tham dự một nhóm phóng viên lắng nghe Tanner Kingsley đọc bản điều trần.

Tanner Kingsley, trong độ tuổi bốn mươi, cao lớn điển trai, đôi mắt xanh sắc sảo, thông minh khuôn mặt với chiếc mũi dọc dừa, chiếc cằm cương nghị trông như hình tượng tạc in trên đồng tiền.

Chủ tịch Uỷ ban, Thượng nghị sĩ Pauline Mary Van Luven, nhân vật thể lực khoác một tư cách đầy vẻ tự tin. Bà nhìn qua Tanner dõng dạc lên tiếng mời ông Kingsley phát biểu.

Tanner gật:

– Cám ơn bà Thượng nghị sĩ. Ông quay qua phía các thành viên Uỷ ban mở đầu; với giọng nói sôi nổi.

– Trong khi một số các nhà hoạt đông chính trị của chúng ta loay hoay với những sự kiện trái đất ấm dần lên và hiện tượng hiệu ứng nhà kính, lỗ hổng tầng ozone lớn thêm dần. Cho nên thế giới phải gánh chịu nhiều thiên tai hạn hán, lụt lội. Ở vùng biển Ross Sea, tảng băng khổng lồ chiếm diện tích bằng một nước Jamaica tan rã do hiện tượng trái đất ấm dần lên, tầng ozone ở vùng Nam cực bị xâm hại tạo một lỗ hổng rộng tới mười triệu dặm vuông- Ông đừng một lúc để nhấn mạnh hơn bằng một giọng nói chậm rãi.

– Tới mười triệu dặm vuông. Chúng ta đang ở vào một thời kỳ phải gánh chịu nhiều phong ba bão táp tàn phá nhiều nơi ở châu Âu Do thời tiết bị xáo trộn triệt để hàng triệu người ở nhiều nước trên khắp thế giới phải chịu nạn đói và tuyệt chủng. Trước sau vẫn là những khẩu hiệu: nạn đói và tuyệt chủng. Ta không nên nhắc lại những lời nói suông: Ta phải nghĩ tới lúc những người vợ, chồng và con trẻ đang đói khát và không nơi trú ẩn, tất cả đang chờ chết.

Mùa hè vừa qua có hơn 20. 000 người chết do đợt nắng nóng ở châu Âu. – Tanner cất cao giọng – Chúng ta phải hành động ra sao? Nội các của chúng ta từ chối phê chuẩn Nghị định thư Kyoto do hội nghị thượng đỉnh môi trường toàn cầu soạn thảo. Thông điệp đưa ra là chúng ta không màng tới chuyện một phần thế giới phản đối đầu nạn ô nhiễm khí thải. Chúng ta thản nhiên lo bảo vệ quyền lợi cho chính mình. Phải chăng chúng ta quá ngu muội, ích kỷ, không nhận ra những gì chúng ta đang gây cho…

Thượng nghị sĩ Van Luven chặn ngang.

– Ngài Kingsley, đây không phải là một buổi tranh luận. Yêu cầu ngài nên dịu giọng lại.

Tanner hít vô một hơi sâu, gật đầu. Không còn giọng điệu sôi nổi như trước, ông nói.

– Tất cả chúng ta ý thức được hiệu ứng nhà kính là hậu quả của quá trình sử dụng chất đốt và các thứ nguyên liệu khác nằm trong tầm kiểm soát và, khí thải đã lên cao tới mức bằng ca một phần nửa triệu năm gộp lại. Hậu quả gây ô nhiễm bầu không khí tác hại đến sức khoẻ thế hệ con cháu chúng ta. Cần phải ngăn chặn nạn ô nhiễm. Tại sao chúng ta không làm được? Là do ta phải tiêu hao nhiều khoản phí tổn. – Ông cất cao giọng nói.

– Phí tổn tiền bạc! Một nhúm không khí trong lành đáng giá là bao nhiêu so với mạng sống một con người? Một gallon xăng dầu chăng? Hay là hai gallon? Ông sôi nổi hơn, Như tất cả chúng ta đã biết, trái đất là nơi duy nhất ban cho chúng ta một chỗ trú thân, thế mà ta lại gây ô nhiễm trên mặt đất, ngoài vùng biển, trên tầng không khí tất cả chúng ta hít thở mỗi ngày. Nếu chúng ta không ngăn chặn…

Thượng nghị sĩ Van Luven lại chặn ngang một lần nữa.

– Ngài Kingsley…

– Tôi xin lỗi, bà Thượng nghị sĩ, tôi cảm thấy tức giận. Tôi không chịu được khi nhìn sự huỷ diệt trái đất mà không thể không lên tiếng phản đối.

Kingsley được phát biểu thêm ba mươi phút nữa.

Kết thúc phần phát biểu, Thượng nghị sĩ Van Luven lên tiếng:

– Thưa ngài Kingsley, tôi muốn được gặp ngài ngay tại văn phòng. Buổi điều trần hôm nay ngừng tại đây!

Văn phòng Thượng nghị sĩ Van Luven được thiết kế như lúc ban đầu theo hình thức một nơi làm việc mẫu mực theo chế độ bàn giấy; một chiếc bàn làm việc, một bàn dài và sáu chiếc ghế, dãy tủ đựng hồ sơ, bà Thượng nghị sĩ muốn tạo một phong cách riêng theo màn màu mè, trên tường treo tranh ảnh.

Tanner vừa bước vô nhìn thấy đã có hai nghị viên ngồi bên cạnh Thượng nghị sĩ Van Luven.

– Đây là hai trợ lý của tôi, Corinne Murphy và Karolee Trost.

Corinne Murphy một cô nàng xinh đẹp tóc đỏ, và Karolee Trost nhỏ thó tóc vàng trong độ tuổi hai mươi, ngồi bên bà Thượng nghị sĩ. Phải nói là Tanner mà nhìn thấy là chịu ngay.

– Mời ngài Kingsley ngồi, Thượng nghị sĩ Van Luven nói.

Tanner ngồi vô ghế. Bà Thượng nghị sĩ nhìn theo một lúc:

– Thiệt tình mà nói tôi chưa hiểu ông như thế nào.

– Ồ vậy sao? Phải nói là tôi ngạc nhiên thưa bà Nghị sĩ. Tôi nghĩ sao nói ra vậy, tôi nghĩ là…

– Tôi biết điều đó. Còn cơ sở nghiên cứu Kingsley International của ông đã ký kết nhiều hợp đồng làm dự án cho nhà nước, vậy mà ông muốn tranh luận với nhà nước chuyện môi trường. Như vậy là làm ăn không tốt phải không?

Tanner thản nhiên đáp.

– Tôi không đề cập chuyện làm ăn, thưa bà Van Luven. Tôi muốn nói tới cả loài người. Chúng ta đang chứng kiến một sự chuyển mình nguy cơ bất ổn toàn cầu. Tôi đang tìm mọi cách thỉnh cầu Thượng nghị viện phân bổ ngân sách để tái thiết lại.

Thượng nghị sĩ Van Luven không nghĩ theo cách của ông. Phải chăng số tài khoản được cấp sẽ lọt vô túi của quý cơ sở, phải vậy chăng?

– Tôi không màng tới chuyện ai đứng ra nhận tiền. Tôi muốn được nhìn thấy nhà nước phải ra tay kịp thời, đừng để quá muộn.

Corinne Murphy lời lẽ dịu dàng hơn.

– Phải nói thật đáng khâm phục. Ngài là một nhân vật khác thường…

Tanner quay lại:

– Cô Murphy, nếu nói như yậy có nghĩa là phần lớn nhân dân nặng về phần vật chất hơn là tinh thần, tôi cảm thấy ân hận nếu cô em cho là mình nghĩ đúng.

Karolee Trost nói xen vô.

– Tôi nhận thức các dự tính của ông sắp tới thật là đáng khen ngợi.

Nghị sĩ Van Luven nhìn hai cộng sự với cặp mắt khó chịu, bà nhìn qua Tanner:

– Tôi không thể nói trước, cụ thể với việc nầy tôi sẽ bàn lại với các đồng nghiệp chờ có ý kiến thống nhất về vấn đề môi trường. Tôi sẽ trả lời ông sau.

– Cảm ơn bà nghị sĩ, tôi xin hoàn toàn tán thành – Ông lưỡng lự. – Nếu có dịp đến Manhattan, tôi sẽ mời bà tham quan cơ sở KIG để được nhìn thấy tận mắt các hoạt động tại chỗ… lúc đó bà sẽ cảm thấy hài lòng.

Bà Nghị sĩ Van Luven gật đầu thờ ơ đáp:

– Tôi chưa thể nói chắc.

Cuộc họp bế mạc.

Bình luận