Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Những Kẻ Điên Rồ Phải Chết

Chương 20

Tác giả: Mario Puzo

Vào cái ngày tôi phải ra trước Khoáng đại hội thẩm, đứa con trai lớn của tôi tốt nghiệp lớp chín và lên cấp ba.

Vallie muốn tôi xin nghỉ việc ngày ấy và cùng đến dự lễ mãn khoá với nàng. Tôi bảo nàng là tôi không thể bởi vì tôi phải đi dự cuộc họp đặc biệt về chương trình tái ngũ của Bộ Quốc phòng. Nàng vẫn chưa có manh mối nào về chuyện rắc rối tôi đang gặp phải và tôi cũng không nói vì nàng có giúp gì được đâu, chỉ thêm lo lắng. Nếu mọi việc êm xuôi, nàng sẽ không bao giờ biết chuyện gì. Và đó là điều tôi mong muốn. Tôi thật sự không tin vào việc cần san sẻ những rắc rối với người vợ, khi họ cũng chẳng giúp được gì.

Vallie tự hào về cái ngày con trai mình tốt nghiệp cấp hai. Mấy năm trước đây, chúng tôi nhận ra rằng thằng con mình chưa đọc thông, thế mà vẫn cứ qua được các học kỳ và được lên lớp đều đặn. Vallie đã tức phát điên lên và bắt đầu dạy cho nó đọc và nàng đã làm một việc tốt. Bây giờ thằng bé đạt hạng giỏi trong lớp và tôi rất mừng.

Vì đây là chuyện làm tôi bực tức với hệ thống giáo dục ở New York. Chúng tôi sống ở khu dân cư có thu nhập thấp, những người lao động vất vả và dân da đen. Các trường chẳng cần quan tâm là bọn nhóc có học hành được hay không. Họ chỉ tiếp tục cho chúng lên lớp đều đặn để chóng rảnh nợ, để cho chúng ra khỏi hệ thống của họ mà không gây rắc rối nào, với cố gắng tối thiểu.

Vallie đang nôn nao chờ dọn về nhà mới. Đó là một khu có hệ thống trường học rất tốt, một cộng đồng tương đối thuần nhất ở Long Island, nơi các thầy giáo bảo đảm các học trò của họ đủ chuẩn để thi vào đại học hay cao đẳng. Và dù không nói ra, nàng cảm thấy an tâm là nơi ấy có rất ít người da đen. Các con của nàng sẽ lớn lên, theo nàng nghĩ, trong một môi trường ổn định giống như môi trường nàng đã sống khi còn là cô bé học trò Thiên Chúa giáo. Nàng nghĩ như thế cũng được thôi. Tôi không muốn nói rằng những vấn đề nàng đang cố thoát ra thực sự là những căn bệnh trầm kha trong cơ thể xã hội của chúng ta và rằng chúng tôi không thể thoát khỏi những vấn đề đó nơi những bóng cây và thảm cỏ của Long Island.

Và ngoài ra, tôi còn những lo lắng khác nữa. Có thể tôi sẽ bị đi tù, tuỳ thuộc vào Khoáng đại hội thẩm mà tôi sẽ ra trình diện trong ngày hôm nay. Mọi chuyện còn tuỳ thuộc vào đó. Tôi cảm thấy bần thần khi ra khỏi giường vào sáng hôm ấy. Vallie sắp mang lũ trẻ đến trường và sẽ ở đó dự lễ mãn khoá. Tôi bảo nàng rằng tôi sẽ đi làm hơi muộn, vì thế mấy mẹ con hãy rời nhà trước.

Tôi tự pha cà phê và trong lúc ngồi nhâm nhi ly cà phê sáng, tôi thử hình dung ra tất cả những gì tôi phải làm trước Khoáng đại hội thẩm.

Tôi phải phủ nhận mọi chuyện. Không có cửa nào để họ có thể lần ra dấu vết số tiền hối lộ mà tôi đã lấy, Cully đã quả quyết với tôi về phần đó. Nhưng điều làm tôi lo ngại là phải điền vào một bảng vấn đáp về tài sản.

Một trong các câu hỏi là tôi có sở hữu căn nhà nào không?

Và tôi đã đi trên một đường biên mong manh về vấn đề đó. Sự thật là tôi đã đăng ký mua trả chậm một căn nhà ở Long Island nhưng chưa nộp tiền đủ cho lần đầu nên vẫn chưa được cấp giấy tờ. Thế tôi cứ nói không.

Một trong những câu hỏi tôi có thể chờ đợi Khoáng đại hội thẩm đặt ra là tôi đã đặt tiền cọc để mua một cãn nhà hay chưa. Tôi sẽ trả lời là có. Họ sẽ quay điểm này và tôi phải có cách giải thích cho suông. Rồi chuyện gì sẽ xảy ra nếu Frank Alcore suy sụp tinh thần và nhận tội và nói với họ về những vụ làm ăn khi chúng tôi còn hợp tác với nhau. Tôi đã quyết định phải chối phăng. Có thể là lời khai của Frank Alcore trái ngược với lời khai của tôi Nhưng anh ta vẫn luôn xử lý các vụ thương lượng của mình, đâu cần ai hậu thuẫn anh ta.

Nhưng giả sử như Frank Alcore sụp đổ tinh thần và ném tôi làm mồi cho Khoáng đại hội thẩm xâu xé? Tôi không nghĩ thế. Cách duy nhất để anh có thể tự cứu có lẽ là đưa ra bằng chứng chống lại người nào đó cao hơn trong dây chuyền hệ thống quân giai. Chẳng hạn như thiếu tá hay đại tá. Nhưng quý vị này chẳng hề dính dáng đến chuyện làm ăn của Frank. Và tôi cảm nhận rằng Frank là một anh chàng có khí tiết và tự trọng nên không thế khiến tôi cũng phải dính chùm chỉ vì anh ta bị vướng. Vả chăng, anh ta sẽ mất rất lớn nếu không trụ vững. Nếu như thú tội, anh ta sẽ mất việc làm trong chính quyền và tiền hưu đồng thời cả quân hàm cấp bậc và tiền hưu bên quân đội. Do đó anh ta bắt buộc chọn con đường cứ trơ tráo chối tới cùng. Bao giờ có chứng cớ hiển nhiên không thể bác bỏ được thì hẵng tính sau. Mà khả năng này khó xảy ra. Nên tôi cứ đặt cơ sở ứng phó của mình trên giả định nền tảng là Frank Alcore sẽ kiên trì bám theo phương pháp “nhất lý, nhì lỳ, tam ì, tứ cố” ít nhất là trong giai đoạn đầu, cho đến khi nào có bằng cớ không thể chối cãi.

Mối lo ngại lớn nhất của tôi là Paul Hemsi. Anh chàng mà tôi đã giúp cho nhiều nhất và bố anh ta đã hứa sẽ tạo cho tôi hạnh phúc trong phần đời còn lại của tôi.

Sau khi lo trót lọt cho Paul, tôi chẳng hề nghe ông Hemsi nhắc lại một lần nào những lời ông đã hứa.

Cả một hộp bít-tất cũng không. Tôi đã mong chờ những điểm cao từ vụ đó ít ra là vài ngàn đô, thế nhưng những hộp quần áo gửi tặng lúc đầu đã là tất cả. Và tôi cũng chẳng thôi thúc hay đòi hỏi gì. Xét cho cùng, mấy hộp quần áo đó cũng đáng giá mấy ngàn đô. Dù chúng không “làm cho tôi hạnh phúc trong suốt phần đời còn lại” nhưng thôi, tôi cũng chẳng hề cay cú là mình bị lỡm.

Nhưng khi FBI bắt đầu điều tra, lại có chuyện loan truyền là Paul Hemsi đã lừa quân đội và đăng ký vào quân dự bị sau khi nhận giấy báo nhập ngũ. Nhưng chuyện này tôi có thể ứng phó và có cách trình bày cho xuôi tai. Không có gì thực sự bất hợp pháp, chỉ là một mánh khóe đánh lạc hướng nho nhỏ, chuyện thường ngày trong công tác hành chánh. Nhưng có lời tiết lộ là Paul Hemsi đã mất tinh thần dưới đòn phép phỏng vấn của FBI và đã khai rằng tôi đã từng nhận hối lộ từ những người bạn của cậu ta.

***

Tôi rời nhà và lái xe qua trường học con tôi. Trường có một sân chơi rộng mênh mông với một sân bóng rổ tráng xi-măng, toàn bộ khu vực được rào chắn bằng lưới sắt cao. Và trong lúc lái xe ngang qua, tôi có thế thấy buổi lễ tốt nghiệp đang diễn ra ngoài trời, nơi sân trường. Tôi đỗ xe lại và đứng gần trường sát vòng rào để mục kích quang cảnh bên trong.

Những cậu bé, cô bé độ tuổi mười lăm, đứng xếp hàng ngay ngắn, tất cả ăn mặc thật tinh tươm để dự lễ, tóc tai chải gọn gàng vén khéo, mặt mày sạch sẽ sáng sủa, đứng chờ với niềm tự hào trẻ thơ bước chuyển qua long trọng đến giai đoạn kế tiếp để hướng đến tuổi trưởng thành Các chỗ ngồi đã được sắp xếp cho cha mẹ. Và một khán dài bằng gỗ lớn dành cho quý vị thân hào nhân sĩ, ông hiệu trưởng của trường, một vị đại diện của quận sở tại Lá quốc kỳ Mỹ bay phất phới trên khán đài. Tôi nghe ông hiệu trưởng nói điều gì đó về việc không đủ thời giờ để trao bằng cấp và giấy khen cho từng người nhưng khi ông xướng tên mỗi lớp, thì yêu cầu tất cả học sinh của lớp đó quay mặt về phía khán đài. Và như thế, tôi đứng quan sát chúng trong mấy phút.

Sau mỗi lần xướng danh, một dãy thiếu niên thiếu nữ bung ra thành vòng cung hướng mặt về phía khán đài để nhận tràng pháo tay khen ngợi từ bố mẹ các cháu. Các bộ mặt đầy tự hào và vui sướng với biết bao dự phóng tương lai. Ngày hôm nay, các cháu là những người hùng. Chúng đã được các bậc chức sắc lên tiếng ngợi khen và giờ đây được bố mẹ tán thưởng. Thế mà không ít trong số chúng vẫn còn chưa đọc thông tiếng mẹ đẻ! Không đứa nào trong bọn chúng đã được chuẩn bị để vào đời hay cho những vấn đề mà chúng gặp phải. Tôi cảm thấy dễ chịu khi không gặp con mình vào thời điểm đó. Tôi quay lại chiếc xe và lái đến New York, đến cuộc đối mặt với Khoáng đại hội thẩm.

Gần đến toà án liên bang, tôi đưa xe vào bãi đậu xe và đi vào các hành lang rộng lớn lát đá hoa cương. Tôi bước vào một thang máy lên phòng Khoáng đại hội thẩm và bước ra khỏi thang máy. Và tôi bị sốc khi thấy các băng ghế đầy những chàng trai đã từng đăng kí vào các đơn vị quân dự bị của chúng tôi. Ít nhất cũng có khoảng cả trăm người. Vài người gật đầu chào tôi, một số bắt tay tôi và chúng tôi nói đùa về chuyện này. Tôi thấy Frank Alcore đứng một mình, gần một trong những cửa sổ lớn.

Tôi bước đến bắt tay anh. Trông anh có vẻ bình thản nhưng nét mặt hơi căng.

– Toàn chuyện nhảm phải không? – Anh nói trong lúc chúng tôi bắt tay.

– Ừ, – tôi nói.

Không có ai mặc đồng phục ngoại trừ Frank. Anh mang tất cả các biểu chương chiến trận lên người, quân hàm trung sĩ nhất và dấu hiệu thâm niên quân vụ. Trông anh đúng vẻ một người lính trận chuyên nghiệp gan dạ và thiện chiến. Tôi biết rằng anh đang đánh cược với ván bài là Khoáng đại hội thẩm sẽ từ chối kết tội một người yêu nước đang được gọi tái ngũ để bảo vệ quê hương. Tôi hy vọng anh đi nước bài đúng.

– Lạy Chúa, – Frank nói. – Chúng mà về đây cả gần hai trăm người từ Fort Lee. Chỉ vì một số những anh chàng thỏ đế này không chạy được thuốc khi bị gọi tái ngũ.

Tôi bị ấn tượng và ngạc nhiên. Hình như chúng tôi chỉ làm một chuyện quá nhỏ nhặt thôi mà. Lấy tí tiền để làm một mánh lới nho nhỏ vô hại. Một việc lợi cho cả đôi bên và chẳng hại cho ai cả. Tất nhiên chúng tôi có phạm luật nhưng không làm gì thực sự xấu xa. Và ở đây, chính quyền đang tiêu phí hàng chục ngàn đô-la cho phiên toà này để đưa chúng tôi vô tù. Hình như chuyện này không công bằng. Chúng tôi có bắn giết ai đâu, đâu có cướp nhà băng, đâu có biển thủ công quỹ hay giả mạo chi phiếu, tàng trữ đồ gian hoặc hiếp dâm hay làm gián điệp cho Liên Xô. Vậy thì có gì om sòm, nhặng xị cả lên? Tôi phá ra cười. Bỗng nhiên, tôi thấy tinh thần phấn chấn hẳn lên và chẳng hiểu vì sao mình lại vui.

– Cậu cười cái quái gì thế? – Frank nói. – Sắp đến lúc phải lập nghiêm đấy đừng có mà đùa.

Có những người đứng rải rác chung quanh chúng tôi, trong tầm nghe. Tôi nói với Fank, giọng vui vẻ:

– Có quái gì đâu mà chúng ta phải lo lắng? Chúng ta vô tội và chúng ta biết rằng toàn bộ chuyện này đều nhảm. Mặc kệ bọn chúng.

Anh bắt được ý và cười trả lời tôi:

– Ừ mình cũng nghĩ vậy. Cậu có cho rằng những anh chàng này sẽ tự hào khi vào quân đội để phục vụ Tổ quốc hay không. Tôi chẳng hề kêu la quang quác hay than van oai oái, dù tôi trải qua trọn một cuộc chiến ghê hồn.

Rồi chúng tôi nghe tên Frank được gọi ra bởi một viên luật sư, từ phòng Khoáng đại hội thẩm. Lúc Frank đi vào, tôi thấy Paul Hemsi đi ra. Tôi bước đến bên cậu ta và nói:

– Chào Paul, cậu khoẻ chứ? Tôi chìa tay ra và cậu bắt tay tôi.

Dường như cậu tôi không được thoải mái lắm nhưng không tỏ ra mình có lỗi.

– Bố anh thế nào? – tôi hỏi.

– Cụ cũng bình thường, – Paul nói. Rồi một thoáng do dự. – Tôi biết tôi không phải phân trần về lời chứng của mình. Ông biết là tôi không thề làm điều đó. Nhưng bố tôi bảo hãy nói với ông là đừng có lo lắng bất kỳ chuyện gì.

Tôi cảm thấy như cất được một gánh nặng. Cậu ta là mối lo thật sự cho tôi. Nhưng Cully đã nói anh sẽ “cố định hoá” gia đình Hemsi và giờ đây hình như chuyện đó đã được thực hiện. Tôi cần tìm hiểu. Tôi nhìn Paul đi đến dãy cầu thang máy, và rồi một khách hàng khác của tôi, một chàng trai trước đây là một biên đạo sân khấu tập sự mà tôi đã ghi danh đầu quân miễn phí. Cậu ta tiến lại bên tôi. Cậu ta thực lòng quan tâm đến tôi và bảo rằng cậu và bạn bè sẽ làm chứng rằng tôi không hề đòi hỏi hoặc nhận tiền từ họ. Tôi cám ơn và bắt tay cậu ta. Tôi nói đùa vài câu và cười rất nhiều, rất tự nhiên không có vẻ gì đóng kịch. Tôi đang diễn vai một kẻ nhận hối lộ trơn tru khéo léo đang phóng chiếu vẻ ngây thơ vô tội rất đặc trưng kiểu Mỹ của mình. Tôi nhận ra, với đôi chút ngạc nhiên rằng tôi đang “thưởng thức” toàn bộ vụ việc này. Thực tế là tôi đang ra hầu toà với một lô những khách hàng của tôi mà tất cả đều nói rằng toàn bộ vụ việc này quả là nhảm nhí, do một đám dở hơi tạo ra. Tôi còn cảm thấy rằng Frank cũng có thể phá lưới. Rồi tôi thấy Frank đi ra khỏi Khoáng đại hội thẩm và nghe tên mình được gọi. Frank trông hơi ảm đạm nhưng không suy sụp; anh sẽ chiến đấu để thoát ra. Tôi đi qua hai cánh cửa lớn để bước vào phòng Khoáng đại hội thẩm. Lúc bước qua các cánh cửa, tôi đã dập tắt nụ cười khỏi khuôn mặt mình.

Không hề giống như trong các phim. Khoáng đại hội thẩm dường như là một khối người ngồi trong những dãy ghế xếp: Viên chương lý toà án quận đứng sau một bàn giấy, cầm các tờ giấy lên đọc. Tôi được chỉ định ngồi vào một cái ghế đặt trên một cái bục hơi cao để toàn thể hội thẩm có thể nhìn rõ tôi.

Viên chưởng lý viên toà án quận còn trẻ, mặc bộ comple đen rất bảo thủ với mốt sơ mi trắng và càvạt màu xanh da trời thắt rất ngay ngắn.

Ông có đầu tóc đen dài nhưng da mặt tái xanh. Tôi không biết tên ông ta và chẳng bao giờ biết. Giọng ông ta rất bình thản và xa cách trong lúc thẩm vấn tôi. Ông ta chỉ nhằm đưa thông tin vào hồ sơ, không cố gắng gây ấn tượng lên hội thẩm.

Ông ta cũng không hề tiến lại gần tôi khi ông ta đặt câu hỏi, mà đứng ngay tại bàn giấy của mình. Ông ta hỏi lý lịch và nghề nghiệp của tôi.

– Ông Merlyn, – ông ta hỏi, – Ông có bao giờ yêu sách tiền bạc từ một người nào đó, vì bất kỳ lý do nào đó?

– Không, – tôi nói.

Tôi nhìn ngay vào mắt ông ta và các thành viên hội thẩm trong lúc tôi trả lời. Tôi giữ khuôn mặt trang nghiêm, dù vì lý do nào đó tôi lại muốn cười. Tôi vẫn vững tinh thần.

Viên chưởng lý hỏi:

– Anh có từng nhận món tiền nào từ bất kỳ ai để cho người đó được ghi danh vào chương trình quân dự bị sáu tháng?

– Không! – tôi đáp.

– Anh có biết người nào nhận tiền trái pháp luật để có những đối xử ưu đãi theo cách nào đó?

– Không. – Tôi nói và vẫn nhìn ông ta và đám người ngồi một cách rất không thoải mái trong những chiếc ghế xếp nhỏ kia. Phòng này nằm phía trong và tối vì hệ thống chiếu sáng rất kém. Thật sự tôi không thể nhìn rõ mặt họ.

– Anh có biết về bất kỳ thượng cấp nào hay bất kỳ ai khác đã dùng ảnh hưởng đặc biệt để đưa người nào đó vào chương trình sáu tháng, khi tên người đó không nằm trong các danh sách chờ được lưu trữ tại văn phòng anh?

Tôi đã biết ông ta hỏi câu đó. Và tôi đã nghĩ về việc có nên nêu tên vị đại biểu quốc hội đã đến với người thừa kế một sản nghiệp sắt thép hay không và việc này đã khiến cho viên thiếu tá tuân lệnh. Hoặc xì ra chuyện ngài đại tá và một vài sĩ quan trừ bị khác đã đưa con cái của bạn bè họ vào danh sách ngoài tua. Có thể điều đó sẽ làm cho những nhân viên điều tra đâm ra e dè hoặc xoay hướng chú ý về quý vị thượng cấp. Nhưng rồi tôi nhận ra rằng lý do mà FBI muốn sục sạo chuyện này là nhằm lật tẩy các vị thượng cấp, và nếu điều đó xảy ra, thì cuộc điều tra sẽ được cường hoá hơn lên. Với lại, toàn bộ vụ việc sẽ càng trở nên quan trọng đối với báo chí nếu có vị đại biểu quốc hội dính líu vào. Vì thế tôi quyết định thủ khẩu như bình. Nếu như tôi bị kêu án, luật sư của tôi vẫn có thể sử dụng thông tin đó. Nên bây giờ tôi lắc đầu và nói:

– Không.

Viên chưởng lý sắp xếp lại giấy tờ hồ sơ và nói, mắt không nhìn vào tôi:

– Xong rồi đấy. Anh có thể đi

Tôi ra khỏi ghế, bước xuống bục và rời phòng hội thẩm. Và rồi tôi nhận ra tại sao tôi lại vui vẻ, vững tinh thần gần như sảng khoái đến thế?

Tôi thực sự đã là một pháp sư. Trong bao nhiêu năm đó khi mọi người còn đang thuận buồm xuôi gió, cứ nhét tiền hối lộ vào túi mà chẳng phải lo lắng chút nào, thì tôi đã nhìn vào tương lai và thấy trước được ngày nay.

Tiên liệu được những câu hỏi này, pháp đình này, đám FBI, bóng ma của nhà tù. Và tôi đã tiên liệu những đối sách thích nghi. Tôi đã giấu tiền nơi Cully. Tôi đã nén lòng nhẫn nhịn không tạo ra kẻ thù trong số những người tôi có chuyện làm ăn bất hợp pháp với họ. Tôi chưa hề công khai đòi hỏi một món tiền nào. Và khi có vài khách hàng chơi tình vờ, quăng cho tôi cục lơ Pháp, tôi cũng không bao giờ truy đuổi hay trả thù họ. Ngay cả ông Hemsi sau khi hứa hẹn sẽ làm cho tôi hạnh phúc suốt phần đời còn lại. À, nhưng mà ông ta cũng đã làm cho tôi hạnh phúc bằng cách bảo con ông không làm chứng chống lại tôi. Có lẽ chính điều đó đã xoay chuyển guồng máy theo một hướng khác. Trừ phi tôi biết rõ hơn. Chính Cully đã gỡ tôi ra khỏi lưỡi câu. Nhưng, đồng ý ngay cả nếu như tôi phải cần đến một sự giúp đỡ nào đó tôi vẫn là một pháp sư. Mọi chuyện đã xảy ra đúng như tôi đã biết nó sẽ phải xảy ra như thế. Tôi thực sự tự hào về thằng tôi này? Tôi bất cần. Có lẽ tôi là một tên mánh mung trót lọt nhờ biết vận dụng những biện pháp phòng ngừa thông minh.

Bình luận