Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Những Kẻ Điên Rồ Phải Chết

Chương 23

Tác giả: Mario Puzo

Tôi nhận công việc mà Osano đề nghị vì nhiều lý do. Công việc này hợp sở thích của tôi và cũng có chút danh giá. Từ khi Osano được bổ nhiệm chức chủ bút của tờ phụ trang văn học có ảnh hưởng nhất nước, mấy năm trước đây ông đã gặp rắc rối với những người cộng tác và tôi sẽ làm trợ lí cho ông. Thu nhập rất khá và công việc sẽ không cản trở chuyện tôi viết tiểu thuyết. Và nhất là tôi vẫn được ở nhà. Tôi đang trở thành một ẩn sĩ giữa chốn thị thành. Tôi hạnh phúc nhưng cuộc sống hơi tẻ nhạt. Tôi khao khát một vài hứng khởi, đôi chút nguy cơ.

Có những hồi tưởng mơ hồ, thoáng qua về cuộc chạy trốn đến Las Vegas thuở nào và việc tôi đã thực sự say mê nỗi cô đơn và tuyệt vọng mà tôi cảm thấy lúc ấy. Chẳng phải là điên rồ hay sao khi hoài niệm nỗi bất hạnh với biết bao thích thú và khinh thường hạnh phúc bạn đang nắm trong tầm tay?

Nhưng nhất là tôi nhận công việc vì chính Osano, hiển nhiên ông đang là nhà văn danh tiếng nhất ở Mỹ.

Được ca tụng do hàng loạt quyển tiểu thuyết thành công, nổi danh vì những vụ rắc rối với pháp luật và thái độ cách mạng đối với xã hội, cũng bị ô danh vì những hành vi tình dục lệch lạc, các phương tiện truyền thông khai thác bêu riếu rùm beng. Ông đã chiến đấu chống lại mọi người và chống lại mọi chuyện. Thế nhưng trong buổi party mà Eddie Lancer đưa tôi đến để gặp ông ta. Osano vẫn thu hút và mê hoặc được mọi người. Những người dự buổi party hôm đó đều là thành phần tiêu biểu của giới văn học và không dễ gì mà mê hoặc họ vì họ rất khó tính và nghĩ mình có quyền khó tính.

Và tôi phải thừa nhận rằng Osano cũng đã mê hoặc cả tôi Trong buổi party hôm đó, ông ta bỗng dây vào một cuộc tranh luận gay gắt với một trong những nhà phê bình văn học ở Mỹ; vị này cũng là một bạn thân và một người hậu thuẫn mạnh mẽ cho các tác phẩm của ông.

Nhà phê bình này dám đưa ra luận chứng rằng các nhà văn phi hư cấu cũng sáng tạo nghệ thuật và có một số nhà phê bình cũng là nghệ sĩ. Osano liền hét lên, át giọng ông ta:

– Anh là đồ, hút máu! – Một tay đong đưa ly rượu, tay kia nắm lại như thể sẵn sàng vưng ra nắm đấm – Anh kiếm ăn từ những nhà văn thật sự và anh bảo rằng anh là nghệ sĩ? Anh đếch biết nghệ thuật là cái gì. Một nghệ sĩ sáng tạo từ chính mình chứ không dựa vào cái gì khác, có hiểu điều đó không, hở anh bạn ưa chơi bậy? Nghệ sĩ giống như con nhện, những sợi tơ nhện được rút ra từ thân hình nó. Và các anh chỉ đi theo và dùng chổi đuổi chúng đi sau khi chúng nhả tơ ra. Các anh chỉ giỏi tài dùng chổi quét các anh là những thằng tồi? Bọn phê bình chỉ là thế?

Người bạn đó sửng sốt bởi vì ông ta vừa mới khen các tác phẩm phi giả tưởng của Osano và cho rằng đó là những tác phẩm nghệ thuật.

Rồi Osano bỏ đi, đến với một nhóm phụ nữ đang chờ để đề cao ông là con sư tử trong giới cầm bút. Trong nhóm có vài người thuộc phong trào nữ quyền và chỉ trong vài phút ông đến với họ là nhóm đó lại trở thành trung tâm của sự chú ý. Một trong các phụ nữ đang giận dữ hét vào mặt ông trong khi ông nghe nàng ta nói với vẻ trịch thượng giễu cợt đôi mắt xanh láo liên ranh mãnh của ông ánh lên như mắt mèo. Rồi ông phải pháo tới tấp.

– Này các bà, các chị, các em phụ nữ? Mấy người muốn được bình đẳng với các bậc tu mi nam tử là chúng ta đây, nhưng mấy người lại chẳng hiểu cái đếch gì về trò chơi quyền lực cả! Con át chủ bài của các em đó là “chim” của các em mà các em không biết giữ kín con bài tẩy, lại đem phô ra, chơi bài lật ngửa với các đối thủ. Hoài của quá đi mất. Các em sao dại thế? Bởi nếu không biết tận dụng lợi thế của con “chim” các em sẽ chẳng còn quyền lực tí nào đâu. Hãy biết rằng mấy cấi thằng đàn ông có thể sống không cần cảm tình nhưng không sống nổi nếu thiếu sex?

Ông vừa nói đến đó cả đám phụ nữ đều nhao nhao lên, phản đối ông ầm ĩ.

Thế nhưng ông trấn áp được ngay với công phu “sư tử hống” của mình:

– Đàn bà các người cứ than phiền về chuyện hôn nhân trong khi lấy chồng và các người thành công trong cuộc mặc cả được món hời nhất đời. Hôn nhân giống như những cổ phiếu mà người ta mua. Có lạm phát và có giảm giá, mệnh giá cứ tiếp tục xuống và xuống đến mức thể thảm đối với đàn ông. Mấy người biết tại sao không? Phụ nữ càng lúc càng kém giá trị đi cùng với năm tháng chất chồng tuổi tác lên họ. Và lúc đó, chúng tôi bị vướng víu bởi họ giống như với một chiếc xe cũ. Cứ đụng vào là trục trặc đủ thứ đến là phát nản. Nhưng vất cả đi lại không đành. Đàn bà lớn tuổi không giống như đàn ông. Mấy người có thể tưởng tượng một chị đàn bà năm mươi tuổi còn đủ khả năng để mồi chài một chàng trai hai mươi tuổi lên giường với mình không? Và rất ít phụ nữ có đủ quyền lực kinh tế để mua sinh lực tuổi trẻ như đàn ông vẫn làm.

Một chị sồn sồn la tớn lên:

– Tôi có một người tình hai mươi tuổi đây nè?

Chị ta trạc tứ tuần nhưng trông hãy còn khá mướt.

Osano cười nhăn nhở với nàng, có vẻ xảo quyệt:

– Xin có lời chúc mừng cô bạn. Nhưng mà, khi cô bạn đến tuổi năm mươi thì chưa biết sự thể sẽ ra sao nhỉ? Với các cô gái trẻ hiện nay sẵn sàng “tình cho không biếu không” mà vẫn xí phần được một cậu tình nhân mới hai mươi tuổi, kể ra cũng cao tay nghề đấy. Nhưng cô nghĩ rằng những chàng tình nhân trẻ say mê cô giống như các thanh nữ say mê đàn ông lớn tuổi à? Quí vị không vận dụng được hình ảnh ông bố Freud để phục vụ cho mục đích của mình như đàn ông chúng tôi vẫn làm. Và tôi phải lập lại rằng một anh đàn ông bằng độ tuổi bốn mươi trông lại càng hấp dẫn hơn cả lúc hai mươi. Ngay cả đến tuổi năm mươi nhiều người đàn ông vẫn còn hấp dẫn chán. Điều đó thuộc về sinh học!

– Chuyện nhảm, – Chị bốn mươi nhưng còn hấp dẫn nói. – Mấy đứa con gái trẻ làm các thằng già các anh mê lú và tin vào những chuyện bịa đặt uỷ mị của chúng. Khi già đi thì mấy người cũng đâu còn hấp dẫn nữa, mà chỉ có nhiều quyền lực hơn thôi – kinh tế hay chính trị. Và mấy người có đủ thứ mọi luật lệ đứng về phía mình. Khi chúng tôi thay đổi luật lệ, chúng tôi sẽ thay đổi mọi thứ.

– Chắc thế rồi, – Osano nói. – Các chị sẽ vận động để thông qua những bộ luật buộc đàn ông phải chịu những cuộc phẫu thuật phải thẩm mỹ để làm cho họ xấu đi khi họ lớn tuổi. Nhân danh cuộc chơi sòng phẳng và quyền bình đẳng. Phải vậy không? Các chị cũng có thể dựa trên cơ sở pháp lý, cho cắt phăng hai quả cà dái dê của chúng tôi đi. Dù như thế nữa, điều ấy cũng chẳng hề thay đổi được sự thật, ở đây và bây giờ.

Ông dừng một lúc và nói:

– Chị có biết câu thơ cực dở này chưa? Của Browing ấy. Em hãy già đi cùng với ta, tuy nhiên điều tốt nhất vẫn là…

Tôi chỉ đi lòng vòng và nghe ngóng. Những gì Osano đang nói đập vào tai tôi như là những điều cực kỳ nhảm nhí. Vì một điều là chúng tôi dị biệt quan điểm về chuyện viết lách. Tôi ghét những cuộc phiếm luận văn chương, mặc dù tôi đọc tất cả các bài phê bình điểm sách và mua tất cả các tạp chí lý luận phê bình văn học.

Vậy thì, làm một nghệ sĩ là cái quái gì đây? Đó không phải là cảm tính. Không phải là trí tuệ. Không phải là nỗi ưu tư trăn trở. Không phải là cơn xuất thần đê mê. Toàn là chuyện nhảm nhí.

Sự thật là bạn giống như một kẻ cố gắng mở trộm tủ sắt để tìm châu báu, cứ mày mò hoài với ổ khoá và lắng nghe tiếng tách của cái lẫy khoá, cái tiếng tách nhiệm màu sau câu thần chú “Vừng ơi, hãy mở ra!” Sau cả vài năm mày mò, cánh cửa có thể mở bung ra và bạn có thể bắt đầu viết. Nhưng khốn nạn thay, rất nhiều khi những gì chứa đựng trong tủ sắt đó lại chẳng mấy giá trị.

Một việc làm vất vả với đớn đau dằn vặt trong cuộc mặc cả kia. Đêm bạn mất ngủ. Ngày bạn lơ ngơ như người ngoài hành tinh. Bạn mất lòng tin con người và thế giới bên ngoài. Bạn trở nên một kẻ nhút nhát, giả ốm để trốn việc trong cuộc sống thường ngày. Bạn lẩn tránh trách nhiệm của đời sống cảm tính, nhưng xét cho cùng, đó là điều duy nhất bạn có thể làm. Và có lẽ đó là lý do tại sao tôi vẫn tự hào về tất cả những thứ tạp nham tôi đã viết cho các tạp chí linh tinh, hay những bài điểm sách. Đó là một tài khéo của tôi, nói của đáng tội, cũng là một cái nghề đấy chứ. Tôi đâu phải là thứ nghệ sĩ nhếch nhác chẳng ra gì.

Osano chẳng bao giờ hiểu điều ấy. Ông vẫn luôn phấn đấu để trở thành một nghệ sĩ và khước từ một vài nghệ thuật khác hay cận nghệ thuật. Cũng như nhiều năm sau đó, ông chẳng bao giờ hiểu được những chuyện của Hollywood; ông không chịu hiểu rằng điện ảnh là một nghệ thuật còn non trẻ nên ta không thể trách những biểu hiện lệch lạch do bệnh ấu trĩ của nó.

Một trong những vị phụ nữ nói:

– Này Osano, ông đã lập được kỷ lục đáng nể trong bộ môn chinh phục phụ nữ. Đâu là bí quyết thành công của ông?

Mọi người cười rộ lên, kể cả Osano. Tôi lại càng ngưỡng mộ ông hơn, một anh chàng từng có đến năm “cựu bà xã” mà vẫn còn cười được, kể cũng lạ!

Osano nói:

– Tôi nói với họ là phải một trăm phần trăm theo cách của tôi và không có phần trăm nào theo cách của họ, trước khi họ dọn về ở với tôi. Họ hiểu vị thế của mình và chấp nhận. Tôi vẫn luôn nói với họ rằng khi nào họ không còn thoả mãn với sự dàn xếp đó thì họ được quyền cút! Không phải lí luận, không giải trình thuyết minh, không thương lượng mặc cả gì sất. Đơn giản là bước! Và cho đến nay tôi vẫn chưa đủ khả năng để hiểu sự thế này là cái sự làm sao? Họ nói vâng khi họ bước vào và rồi họ lại xé rào, phá vỡ luật lệ. Họ ngoan cố muốn kì kèo mười phần trăm theo ý họ. Nhưng đời nào tôi chịu. Quân tử nhất ngôn mà? Và khi không dành được phần nào, họ cảm thấy “quê độ”, thế là họ khởi động cuộc chiến gà mái đá gà cồ. Nhưng làm sao đá lại con gà cồ “ác chiến” này!

– Gớm! Một đề xuất hay ho quá nhỉ? – một chị đàn bà khác góp ý. – Thế còn bù lại, họ được hưởng gì nào?

Osano đảo tròn mắt nhìn quanh khắp lượt và với khuôn mặt thẳng băng một cách hoàn hảo, ông long trọng phán:

– Một cú chơi cực đẹp!

Các chị đàn bà bèn nhao nhao cả lên.

Khi tôi quyết định nhận lời làm việc với ông tôi quay lại đọc tất cả những cái ông đã viết. Những tác phẩm đầu tay của ông thuộc hàng số một với những cảnh tượng chính xác, sắc nét như những bức tranh khắc acide. Những quyển tiểu thuyết có kết cấu liền lạc trong nhân vật và cốt chuyện với những ý tưởng phong phú, mới lạ. Những quyển sau của ông thâm trầm hơn, lắng đọng suy tư nhiều hơn, lời văn cũng óng ả, trang trọng hơn, giống như một nhân vật mang nhiều huân, huy chương lấp lánh trên ngực. Nhưng mọi quyển tiểu thuyết của ông đều mời đón những cây bút phê bình nhập cuộc, cho họ nhiều chất liệu để làm việc, để diễn giải, để bàn luận và cả để công kích, Nhưng tôi nghĩ ba quyển sách sau cùng của ông thì hơi tệ. Nhưng các nhà phê bình lại không nghĩ như thế?

Tôi bắt đầu một cuộc đời mới. Hàng ngày tôi lái xe đến New York và làm việc từ 11 giờ sáng đến hết buổi chiều, Các văn phòng của tờ báo rất rộng lớn với nhịp độ làm việc bề bộn, sôi nổi, quay cuồng. Trong lúc làm việc, Osano thực sự tử tế với mọi người đang làm cho ông. Ông vẫn luôn hỏi thăm tôi về quyển tiểu thuyết mà tôi đang viết và tình nguyện đọc nó trước khi in và sẽ cho tôi vài lời khuyên nhưng tôi quá tự hào nên không đưa cho ông xem. Dù ông đã nổi danh như cồn, còn mình chưa có tiếng tăm gì, tôi vẫn nghĩ tôi là một tiểu thuyết gia tài năng hơn.

Sau những buổi chiều dài làm việc về những quyển sách phải giới thiệu và phê bình, Osano sẽ uống Whisky mà ông để sẵn nơi bàn làm việc và thuyết giảng về văn học cho tôi nghe, về cuộc đời của một nhà văn, các nhà xuất bản đàn bà và về bất kỳ cái gì khác chợt hiện ra trong đầu óc ông lúc đó. Ông đang xây dựng quyển tiểu thuyết lớn của mình, tác phẩm mà ông nghĩ sẽ giúp ông đoạt giải Nobel văn chương, từ năm năm qua. Ông đã nhận được số tiền ứng trước rất lớn cho tác phẩm đó và nhà xuất bản đang suốt ruột và giục ông hoài. Osano thực sự bực bội về chuyện đó:

– Cái đồ tồi, – ông nói. – Hắn bảo tôi đọc các tác phẩm cổ điển để tìm cảm hứng. Cái thứ dốt nát đó biết gì mà cũng đòi làm tài khôn lên mặt dạy đời. Anh đã từng bao giờ thử đọc lại các tác phẩm cổ điển chưa? Ôi dào, ba cái anh “phất cờ” già nua như là Hardy, như Tolstoi, như Galsworthy ấy mà. Họ dành cả ba bốn chục trang để mô tả tỉ mỉ một quả đánh rắm. Anh biết tại sao không? Vì họ đã đánh bẫy được dộc giả. Không TV, không radio, không phim ảnh. Không có thú du lịch trừ phi bạn muốn bọng đái của bạn bị nhồi óc ách vì những cú dằn xóc của xe ngựa trên những con đường khúc khủyu gập ghềnh. Ở Anh ngay cả việc lâu lâu buồn tình muốn đi đổi đĩa một bữa cũng khó. Có lẽ vì vậy mà các anh nhà văn Pháp có vẻ quân bình hơn. Ít ra là người Pháp cũng được thoải mái hơn về chuyện đó so với các vị “thẩm du tiên sinh” người Anh dưới thời Victoria. Bây giờ tôi hỏi anh, tại sao một người có sẵn TV và một căn nhà trên bãi biển còn đọc Proust làm chi. Tôi chưa hề đọc Proust, mà đọc cũng không vô, vì thế tôi gật đầu. Nhưng hầu hết đã đọc các tác giả lớn khác và không thể thấy TV hay một căn nhà nơi bãi biển sẽ thế chỗ họ.

Osano nói tiếp:

– Người ta vẫn cho Anna Karenina là một tuyệt tác. Tôi cho là một quyển sách toàn chuyện nhảm. Một anh chàng học thức ở tầng lớp trên chiếu cố đến phụ nữ với thái độ trịch thượng. Anh ta không bao giờ cho bạn thấy thực sự cô gái ấy cảm gì, nghĩ gì. Ông ta chỉ cho chúng ta một biểu nhất lãm quy ước về thời đại và nơi chốn.

Và rồi ông ta làm một lèo ba trăm trang về việc quản lý một trang trại ở Nga như thế nào. Ai cần biết chuyện đó làm quỷ gì? Và cái anh chàng Vronsky với linh hồn khốn khổ của anh ta? Lạy Chúa, tổi không biết ai tệ hơn, người Nga hay người Anh. Mấy anh chàng mắc dịch Dickens và Trollope, đối với họ năm trăm trang sách chi chít chữ vẫn chưa là cái gì. Rảnh lúc nào là họ viết tuôn ra tràng giang đại hải, tưởng chừng không lúc nào dừng. Người Pháp ít ra cũng ngắn gọn hơn. Nhưng còn cái anh chàng Balzac chơi nhiều đẻ lắm kia? Tôi dám cá? Tôi khẳng định? Ngày nay chẳng ai thèm đọc cái lão rườm lời nghe phát mệt ấy nữa đâu.

Ông tu một ngụm Whisky rồi thở ra:

– Không ai trong bọn họ biết sử dụng ngôn từ như thế nào. Không ai, trừ Flaubert nhưng ông ta không phải là thiên tài vĩ đại. Nói thế không có nghĩa là người Mỹ đã khá hơn đâu. Như cái anh chàng Dreiser mắc dịch còn không biết các con chữ có nghĩa gì nữa kìa. Tôi muốn nói thẳng anh chàng ấy dốt. Một anh dân bản địa học hành cà lơ phất phơ, chữ tác đánh chữ tộ, vậy mà cũng đẻ ra những quyển sách tám, chín trăm trang để tra tấn người ta. Ngày nay, không có sách nào của những anh chàng ấm ở này còn có thể được tái bản và nếu còn chường mặt ra, đám phê bình cũng đập cho bỏ mạng. Này cậu, cái đám đó tiêu đời rồi. Không còn sợ cạnh tranh nữa.

Ông dừng lời và thở ra, vẻ mệt mỏi:

– Này Merlyn thân mến, chúng ta là một giòng giống đang tuyệt chủng, những nhà văn chân chính như chúng ta ấy mà. Hãy tìm một nghề nào khác để kiếm ăn đi. Viết kịch bản truyền hình chẳng hạn. Hay viết chuyện phim đi. Cậu làm chuyện đó dễ như bỡn mà.

Rồi mệt lả, ông buông người xuống trên chiếc giường con để nơi văn phòng để đánh một giấc ngủ trưa.

Tôi thử động viên tinh thần ông:

– Đó có thể là một ý tưởng rất hay cho một bài báo của tờ Esquire đấy, – tôi bảo ông. – Lấy ra khoảng năm hoặc sáu tác phẩm cổ điển rồi hành hình chúng. Giống như bài ông viết về tiểu thuyết gia hiện đại.

Osano cười:

– Ôi giời, chuyện tiếu lâm thật. Tôi đùa thôi và chỉ muốn dùng nó cho một vở kịch quyền lực để cho tôi nhiều “nước cốt” hơn và mọi người lại nổi giận. Nhưng vậy mà được việc. Nó làm cho tôi lớn hơn và họ nhỏ đi. Và đó là trò chơi văn chương, chỉ mấy thằng cha khốn khổ kia không biết điều đó. Chúng ngồi trong tháp ngà, thủ dâm đến mệt lả và nghĩ rằng thế là đủ.

– Như vậy thì quả này càng dễ ãn hơn, – tôi nói. – Ngoại trừ chuyện các nhà phê bình hàn lâm kinh viện sẽ nhảy bổ vào ông.

Osano thấy có hứng với gợi ý quá hay của tôi. Ông bật dậy khỏi giường và đi đến bàn giấy:

– Anh ghét tác phẩm cổ điển nào nhất? – ông hỏi tôi.

– Silas Mamer, – tôi đáp. – Họ vẫn còn dạy quyển đó trong nhà trường.

– Của George Elid một kẻ đồng dục nữ, – Osano nói. – Mấy anh thầy giáo thích nàng ta. OK, quyển đó. Tôi ghét nhất là quyển Anna Karenina. Nhưng Tolstoi vẫn khá hơn Eliot. Chẳng còn ai quan tâm đến Eliot nữa, nhưng các ngài giáo sư sẽ xuống đường phản đối rầm trởi khi tôi xô ngã tượng đài Tolstoi.

– Còn Dickens? – tôi hỏi.

– Tất yếu rồi, – Osano nói. – Nhưng không đụng đến David Copperfield. Tôi phải thừa nhận rằng tôi yêu quyển đó. Anh chàng Dickens quả thật là tếu. Tuy nhiên tôi có thể tấn công ông ta về mặt tình dục. Ông ta có vẻ đạo đức giả bộ làm như mình không hề biết ngủ với đàn bà là gì. Và ngoài ra ông ta còn viết khối chuyện nhảm nhí!

Chúng tôi bắt đầu lên danh sách. Chúng tôi cũng dủ “hiền thục đoan trang” để không xúc phạm đến Flaubert và Jane Austen. Nhưng khi tôi nói đến quyển tình sầu của chàng Werther của Geothe, ông vỗ vào lưng tôi và reo lên:

– Một quyển sách kỳ cục nhất từng được viết ra. Từ quyển đó tôi có thể chế biến ra một khúc hamburg Đức.

Cuối cùng chúng tôi có một danh sách:

Silas Mamer

Anna Karenina

Tình sầu của chàng Werhter

Dombeyt là con trai

Nét chữ ô nhục

Lord Jim

Moby Dick

Proust (toàn bộ tác phẩm)

Hardy (bất cứ quyển gì)

– Chúng ta cần một mục nữa cho tròn mười. – Osano nói.

– Shakeaspeare, – tôi gợi ý

Osano lắc đầu:

– Tôi vẫn còn yêu Shakeaspeare. Anh biết chuyện đó hơi hài hước; ông ta viết vì tiền, viết nhanh, ông ta xuất thân từ dòng dõi thấp kém, ít học, thế nhưng không có ai có thể với tới ông ta. Và ông không hề bận tâm những điều mình viết ra có đúng hay không mà chỉ cần viết sao cho hay để tạo được hiệu ứng mỹ cảm, làm cho người đọc, người xem xúc động. Điều đó mới quan trọng và khiến cho ông vĩ đại. Mặc dù tôi vẫn ghét nhân vật Macbeth rởm đời và anh chàng Othello mù quáng vì ghen tuông.

– Ông vẫn còn một mục nữa, – tôi nói.

– Ờ, – Osano nói cười khoan khoái. – Để xem nào. Dostoievsky. Đích thị miếng mồi ngon. Ta đem anh em nhà Karamazov ra hành hình hết. Nên chăng?

– Chúc ông gặp may, – tôi nói.

Osano nói, vẻ trầm tư:

– Nabokov nghĩ rằng ông ấy viết nhảm

– Thế thì tôi cũng chúc cho Nabokov may mắn, – tôi nói.

Thế là chúng tôi bị nghẽn, và Osano quyết định tiến hành “xử bắn” chín người thôi. Vả chăng làm thế sẽ tạo ra sự khác biệt với số mười theo thông lệ, dù tôi vẫn thắc mắc tại sao chúng tôi không thể đạt đến cho tròn số mười.

Tối đó ông viết bài phê bình sát phạt nhằm đốt cháy cả một dãy đền đài lăng miếu kia. Hai tháng sau bài viết được ném ra và nổ tung như một quả bom chứa hàng tấn TNT! Với lời văn ngời ngời tia chớp, vang rền tiếng sấm, ông mổ xẻ không thương tiếc những hà tì khuyết tật của những danh tác cổ điển trên và xuyên qua đó ông hé lộ bằng cách nào mà quyển tiểu thuyết tối ưu vĩ đại mà ông sắp hoàn tất sẽ không phạm vào những vết xe đổ trên và sẽ thay thế cho tất cả, vì nó hoàn hảo hơn tất cả!

Bài viết khởi động nên cả một dây chuyền phẫn nộ như điên. Khắp nước, bao nhiêu bài báo rộ lên, khai hoả tưng bừng nhằm thiêu ra tro cái kẻ mới có chút tài đã vội ngông cuồng lếu láo, đồng thời đập cho tơi bời quyển tiểu thuyết chưa ra đời kia, cho nó dập nát bét từ trong trứng nước!

Trúng kế ta rồi, Osano lặng lẽ xoa tay cười ruồi, gật gù cái đầu, vênh vênh cái mặt, trông thấy ghét!

Đúng là một lão đĩ điếm thúi ngoại hạng, đáng mặt sư phụ của anh chàng Cully điếm cờ bạc nữa. Và tôi ghi vào “bị vong lục” để nhớ sắp xếp cho hai tay quái kiệt này gặp nhau trong một ngày nào đó.

Trong vòng sáu tháng, tôi đã trở thành phụ tá đắc lực nhất của Osano. Tôi yêu công việc mình làm. Tôi đọc sách rất nhiều và cho những ghi chú để Osano đưa cho những cây bút cộng tác viết bài. Các văn phòng của chúng tôi là cả một biển sách, trùng trùng điệp điệp muôn ngàn lớp sóng, sừng sững nguy nga vây bọc như hàng hàng cổ thụ trong rừng, làm tôi nhiều lúc choáng ngợp và thấm thía câu cổ thi Trung Quốc: “Thư sơn hữu lộ hành thiên lý, Học hải vô nhai độc vạn gia”.

Tôi rất mê đọc, đặc biệt là tiểu thuyết và tiểu sử. Tôi không hiểu lắm các sách giáo khoa hay triết học hoặc những quyển phê bình khảo luận thông thái; nên Osano đẩy chúng qua cho những phụ tác chuyên môn khác. Ông ta thích đấu với những tay phê bình văn học nặng ký, chọc tức cho họ bốc lên để họ phải luôn luôn nhắc nhở đến tên ông, dù nhắc để chửi, ông cũng chẳng ngán vì ông đang được đông đảo người đọc ái mộ mà. Nhưng luôn nhớ đến giải Nobel, ông vẫn đặc cách trọng thị một số nhà phê bình có uy tín lớn, dành nhiều chỗ cho các bài báo hay những quyển sách của họ. Nhưng có rất ít biệt lệ.

Ông đặc biệt ghét các tiểu thuyết gia Anh và các triết gia Pháp. Và theo thời gian, tôi có thể thấy rằng ông ghét công việc và càng ngày càng tỏ ra tắc trách, làm qua quýt cho xong. Và ông không hề ngần ngại khi lợi dụng địa vị của mình. Các cô giao tế nhân sự của các nhà xuất bản nhanh chóng nhận ra rằng nếu có một quyển sách “nóng” muốn được giới thiệu sớm, họ chỉ mời Osano đi ăn trưa và vuốt ve xưng tụng ông vài câu. Gặp cô nào trẻ và xinh ông ta sẽ ve vãn và làm cho họ hiểu theo một cách dễ thương rằng ông muốn ăn bánh trả báo. Một bài báo giới thiệu ngon lành, xứng đáng. Ông khá thắng thắn khi đề nghị chuyện đó. Một điều vẫn gây sốc cho tôi. Tôi vẫn nghĩ chuyện này chỉ xảy ra trong giới điện ảnh. Ông cũng sử dụng những kỹ thuật mặc cả đối với những cô gái muốn tìm việc cộng tác với tạp chí. Nếu họ hiểu, ông cũng hiểu. Trong thời gian tôi đến, ông có một dãy dài các bạn gái đã tiếp cận được với tờ tạp chí văn học có ảnh hưởng nhất ở Mỹ nhờ vào sức mạnh của sự hào phóng tình dục. Tôi thích nét tương phản của chuyện này với giọng điệu tri thức và luân lý có phần cao đạo của tờ báo.

Tôi thường ở lại trễ với ông ta tại văn phòng vào những đêm đáo hạn (phải duyệt xong hết mọi bài vở trước khi đưa in) và chúng tôi sẽ cùng ra ngoài ăn tối và uống vài ly sau đó ông sẽ đi đánh quả. Ông vẫn luôn muốn kéo tôi theo, nhưng tôi cứ nói với ông rằng tôi thích đồ thiệt hơn là đồ sơn.

– Cậu vẫn chưa ngán khi ăn mãi mỗi cái bánh đa ở nhà? – ông hỏi.

Giống như Cully đã từng hỏi tôi. Tôi không trả lời, làm bộ lờ đi. Đâu phải chuyện của ông. Ông sẽ lắc đầu và nói:

– Cậu là kỳ quan thứ mười trên thế giới đấy. Có vợ cả trăm năm rồi mà vẫn còn thích cô vợ ấy.

Đôi khi tôi nhìn ông có vẻ giận và ông sẽ trích dẫn mấy câu thơ của một anh thi sĩ ấm ớ nào đấy. “Chơi đi kẻo phí hoài – Tuổi xuân không trở lại – Thời gian là bạo chúa – tàn sát chẳng chừa ai”. Ông vẫn thích trích dẫn mấy câu thơ vớ vẩn đó thể hiện biện minh cho chuyện chơi bời hoang đàng của mình.

Làm việc tại đó tôi bén mùi với văn chương. Tôi vẫn luôn mơ ước được làm thành viên trong văn giới. Tôi nghĩ về nó như là một nơi không hề có ai mặc cả hay cã cọ về chuyện tiền bạc. Vì đây là những con người sáng tạo ra những nhân vật làm bạn yêu thích trong những quyển sách, người sáng tạo hẳn phải giống những nhân vật đó. Nhưng rồi, tất nhiên tôi cũng nhận ra rằng họ cũng giống như bất cứ người nào khác, chỉ có điều là còn điên rồ ở mức độ nặng hơn! Và tôi phát hiện rằng Osano cũng ghét họ. Ông thuyết lý cho tôi nghe.

– Nhân vật duy nhất đáng kể là tiểu thuyết gia, – Osano nói. – Không giống như mấy anh viết truyện ngắn, viết truyện phim, nhà thơ hay viết kịch bản và cả đám nhà báo văn học nhẹ kí, loàng xoàng. Tất cả mới chỉ là những lớp áo. Mỏng dính. Chưa có tí chút gân cốt trầm trọng nào nơi họ. Bạn phải có đủ gân cốt cường kiện mới xây dựng nổi cơ đồ khi dấn thân vào con đường viết tiểu thuyết.

Ông trầm ngâm suy tưởng về những điều đó rồi viết ra trên giấy. Tôi biết rằng sẽ có một tiểu luận về “gân cốt đường kiện” trong số báo phát hành Chủ nhật tới.

Rồi có những lần khác ông sẽ nguyền rủa chuyện viết lách bết bát trong tạp chí. Số phát hành đang giảm và ông thoái mạ sự tẻ nhạt của nghề phê bình.

– Chắc là, nhung anh chàng này uyên bác, lịch lãm.

Chắc là, họ có những điều thú vị để nói. Nhưng họ không biết nói. Họ không viết nổi một câu cho ra hồn. Họ giống như những đứa cà lăm. Họ bẻ chân anh trong khi anh cố bám từng chữ thoát ra giữa những chiếc răng nghiến chặt trong cơn đau sáng tạo.

Mỗi tuần Osano có một bài tiểu luận của chính ông đăng trên trang thứ nhì của tạp chí. Văn khí của ông rực rỡ, đầy trí luệ sắc sảo nhưng cũng rất thiên kiến cố ý chọc tức để bớt bạn thêm thù. Có tuần ông tung ra bài báo bênh vực tử hình. Ông chỉ ra rằng trong bất kì cuộc trưng cầu dân ý nào thì án tử hình cũng sẽ được đồng tình rộng rãi của công luận. Rằng chỉ có tầng lớp thượng lưu như quý độc giả của bản báo đã vận động để đưa án tử hình đến chỗ khựng lại ở nước Mỹ. Ông cho rằng đây là một âm mưu của giới lãnh đạo cấp cao trong chính quyền.

Ông cho rằng chính sách của nhà nước hiện nay là cho phép những phần tử tội phạm, cùng khổ được quyền ăn cắp, tấn công, trấn lột, hãm hiếp và giết chóc giai cấp trung lưu. Rằng đó là một “đầu ra” mở lối cho các giai cấp thấp kém có chỗ xả bớt nộ khí để họ không trở thành những chiến sĩ cách mạng. Rằng giới lãnh đạo cấp cao đã ước lượng rằng thực hiện đường lối này thì cái giá phải trả sẽ rẻ hơn. Rằng giới thượng lưu sống trong những khu an toàn, gữi con cái đi học trong những trường tư thục được bảo vệ tốt, thuê lực lượng bảo vệ riêng và vì thế được an toàn, không sợ sự trả thù của giai cấp vô sản.

Ông chế giễu những người tự do cấp tiến cho rằng mạng sống con người là thiêng liêng và rồi chính sách của nhà nước xử các công dân tội tử hình sẽ tạo ra một hiệu ứng tàn bạo đối với nhân loại nói chung. Chúng ta chỉ là thú vật. Ông nói, và nên được đối xử không khá hơn là những con voi độc bị hành hình ở Ấn Độ khi chúng giết một mạng người. Thực ra là, ông khẳng định, con voi bị hành hình kia còn có nhiều phẩm giá hơn và sẽ đi vào tầng trời cao hơn là những sát nhân nghiện héroin, được để cho sống trong những nhà tù tiện nghi trong năm hoặc sáu năm trước khi chúng lại được thả ra để giết hại nhiều công dân thuộc lớp trung lưu hơn nữa. Khi bàn đến vấn đề xem án tử hình có phải là biện pháp răn đe ngăn chặn hữu hiệu không, ông chỉ ra rằng người Anh là dân tộc có ý thức tôn trọng pháp luật nhất, thậm chí các viên chức cảnh sát của họ không cần phải mang súng: Và ông gán hiện tượng này đơn thuần là do việc người Anh đã hành hình cả những đứa trẻ mới tám tuổi phạm tội ăn cắp, dù là vật nhỏ nhặt như cái khăn tay, cho đến tận thế kỷ mười chín. Rồi ông lại thừa nhận mặc dầu biện pháp này đã quét sạch tội ác và bảo vệ tài sản, nhưng cuối cùng nó đã biến những kẻ kiên quyết hơn trong tầng lớp lao động thành những con vật chính trị hơn là những tội phạm hình sự và do đó đã mang chủ nghĩa xã hội vào nước Anh.

Một câu trong bài viết của Osano đặc biệt làm độc giả nổi điên: “Chúng tôi không biết án tử hình có phải là biện pháp răn đe hữu hiệu hay không, nhưng chúng tôi biết rằng những kẻ đã bị khử đi thì không còn khả năng giết người nữa. Thế là đạt yêu cầu!”.

Ông kết thúc bài tiểu luận bằng cách khen mỉa các nhà cầm quyền Mỹ đã có đủ sức ngây thơ để cấp giấy phép cho các tầng lớp hạ lưu được trấn lột và giết người để họ không trở thành những tay cách mạng về chính trị.

Đó là một bài viết đầy chất báng bổ, ngông ngạo, quá khích, nhưng ông viết hay đến nổi toàn bộ sự việc rất lô-gíc. Hàng trăm thư phản đối bay tới tấp đến toà soạn từ những nhà tư tưởng xã hội danh tiếng nhất trong số độc giả trí thức tiến bộ của chúng tôi. Một bức thư đặc biệt do một tổ chức cấp tiến chủ xướng và được những nhà văn tầm cỡ nhất nước Mỹ ký tên đã được gửi đến nhà xuất bản yêu cầu Osano phải rời khỏi vị trí tổng biên tập của tạp chí. Osano cho đăng bức thư đó trong số tới.

Ông vẫn còn uy danh lừng lẫy nên ai đủ can đảm sa thải ông? Mọi người đang chờ quyển tiểu thuyết “vĩ đại” của ông hoàn tất. Tác phẩm sẽ đem về giải Nobel văn chương của ông, đồng thời cũng làm rạng danh thêm cho nền văn học của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ! Đôi khi tôi đi vào văn phòng ông, ông đang viết trên những tờ giấy màu vàng, sẽ bỏ vào hộc bàn và tôi biết đấy là tác phẩm vĩ đại đang hình thành. Tôi chẳng bao giờ tò mò hỏi ông về quyển sách đó và ông cũng không hề muốn hé lộ tí gì.

Vài tháng sau, ông lại gặp chuyện rắc rối. Ông viết một bài tiểu luận đăng ở trang hai trong đó ông trích dẫn những nghiên cứu chứng tỏ rằng những mẫu rập khuôn có lẽ là đúng. Rằng người Ý là những kẻ tội phạm bẩm sinh, rằng người Do Thái giỏi làm tiền hơn bất kì dân tộc nào khác và họ còn có nhiều tay vĩ cầm tài ba, nhiều sinh viên y khoa xuất sắc hơn các giống dân khác, nhưng đằng khác, tệ hơn bất kỳ dân tộc nào khác, hầu hết họ đều đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão. Rồi ông trích dẫn những nghiên cứu chứng tỏ rằng người Ireland nghiện rượu có lẽ là do sự khiếm khuyết hoá học nào đó chưa xác định được hoặc là do sự kiện họ là những kẻ đồng tính luyến ái bị dồn nén. Và vân vân. Những chuyện đó thực sự đã mang lại những lời la ó, nhưng không hề làm cho Osano chùn bước.

Theo tôi nhận định, ông ta sắp điên mất rồi. Một tuần nọ, ông lấy trang đầu tờ báo để đăng chính bài giới thiệu của ông cho một quyển sách về trực thăng. Con ong điên rồ vẫn vẫn vù vù trong óc ông. Trực thăng sẽ thay thế xe hơi, và khi điều đó xảy ra hàng triệu dặm đường nhựa sẽ được cày xới lên để lấy đất làm trang trại. Trực thăng sẽ giúp các gia đình trở về với cấu trúc hạt nhân của chúng bởi vì lúc đó người ta sẽ dễ dàng đi thăm viếng những bà con, thân nhân ở xa. Ông tin chắc rằng xe hơi sẽ trở nên lỗi thời. Có lẽ do ông ghét xe hơi. Để đi nghỉ cuối tuần ở Hamptons, ông luôn dùng một thủy phi cơ hay trực thăng được thuê riêng. Ông cho rằng chỉ cần một vài cải tiến kỹ thuật nữa là việc lái trực thăng cũng dễ dàng như lái xe hơi.

Tiếp đến, ngay trong tuần đó, một quyển sách khảo luận về Hemingway được xuất bản bởi một trong những học giả được kính trọng nhất ở Mỹ trong lĩnh vực văn học. Vị này có một mạng lưới rộng lớn những thân hữu có uy tín và ông đã bỏ cả mười năm trời vào tác phấm này. Quyển đó được giới thiệu nơi trang đầu của một ấn phẩm, trừ nơi tạp chí của chúng tôi. Osano cho đăng bài giới thiệu ở trang năm và chỉ có ba cột thay vì trọn trang.

Cuối tuần đó, nhà xuất bản mời ông họp mặt và ông mất ba tiếng đồng hồ trong dãy văn phòng lớn trên sân thượng để giải thích hành động của mình. Lúc bước xuống về tới văn phòng mình, ông cười đến tận mang tai và hào hứng nói với tôi;

– Merlyn này, ta sẽ còn đùa dai với đám đó. Nhưng ta nghĩ cậu nên bắt đầu đi tìm việc khác là vừa. Ta chẳng có gì phải hối tiếc. Ta sắp hoàn tất tác phẩm để đời và lúc đó ta sẵn sàng nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo, để thảnh thơi em tá rượu bầu. Chỉ phải lo cho cậu thôi đấy.

Vào thời điểm đó tôi đã làm việc cho ông gần cả năm và tôi không thể hiểu bằng cách nào ông hoàn tất được công việc. Ông nhúng tay vào mọi việc, và hơn nữa, ông còn đi dự mọi cuộc liên hoan, hội hè ở New York. Trong thời gian đó, ông còn kịp “đốn ngủ”(1) một truyện vừa, lấy một trăm ngàn đô-la tiền ứng trước. Ông viết truyện đó trong văn phòng bằng thời gian lẽ ra dành cho công việc của tạp chí và ông mất đến hai tháng để viết truyện đó. Các nhà phê bình nồng nhiệt giới thiệu, nhưng sách không bán được nhiều lắm dù được đề cử giải Sách Quốc gia. Tôi đọc sách đó và thấy lời văn bí hiểm một cách rực rỡ, việc xây dựng nhân vật thật lố lăng, việc sắp xếp tình tiết thật điên rồ. Đối với tôi, đó là một quyển sách chẳng ra làm sao mặc dù có vài ý tưởng rối rắm. Ông có một trí tuệ ưu việt, điều đó thì không phải bàn cãi.

Nhưng với tôi, quyển sách đó là một thất bại hoàn toàn, với tư cách là truyện vừa. Ông không bao giờ hỏi tôi có đọc quyển đó không. Rõ ràng ông không muốn nghe ý kiến của tôi. Tôi đoán có lẽ ông biết rằng nó đầy chuyện nhảm. Bởi vì một hôm ông nói:

– Giờ đây vì đã có dủ tiền, mình có thể yên tâm ngồi viết cho xong quyển sách lớn.

Một lý do khoan miễn ông ta nêu ra để tự bào chữa, tôi nghĩ.

Tôi bắt đầu thích Osano, nhưng tôi vẫn luôn sợ ông. Ông có thể lôi tuột mọi ý nghĩ của tôi ra theo cách mà không người nào khác có thể làm được. Ông gợi cho tôi nói về văn chương, về việc chơi bài và về đàn bà. Và rồi, khi ông đã đo lường được tôi, ông sẽ phanh phui tôi. Khi tôi kể với ông về chuyện Jordan tự sát ở Vegas và mọi chuyện diễn ra sau đó và việc tôi cảm thấy sự kiện đó đã làm thay đổi cuộc đời tôi như thế nào, ông nghĩ về điều đó một thời gian lâu rồi ông cho tôi biết cảm nhận kèm theo một bài thuyết giáo:

– Cậu cứ bám vào câu chuyện đó, luôn quay lại với nó, biết tại sao không? – ông hỏi.

Ông đang đi qua những chồng sách trong văn phòng mình vung vẫy đôi tay:

– Vì cậu biết rằng đó là lãnh vực cậu không bị nguy hiểm. Cậu sẽ không bao giờ tự tử. Sẽ không bao giờ thấy tan vỡ nao núng. Cậu không thể là phụ tá thân cận của tôi nếu như tôi không thích cậu. Và tôi tin cậy cậu hơn bất kì ai khác. Nghe đây, tôi muốn thổ lộ một chút tâm tình. Mới tuần rồi tôi phải thảo lại chúc thư khác vì mụ Wendy chết tiệt đó!

Wendy là người vợ thứ ba của ông và vẫn tiếp tục làm cho ông tức điên người với đòi hỏi quá quắt mặc dầu bà ta đã tái giá ngay sau khi ly dị. Chỉ mới nhắc tên bà mà đôi mắt ông đã long lên giận dữ. Nhưng rồi ông trấn tĩnh lại. Ông cười với tôi, một nụ cười ngọt ngào khiến ông trông giống một đứa trẻ dù giờ đây ông đã quá năm mươi.

– Tôi hi vọng cậu không phiền, – ông nói. – Tôi đã uỷ nhiệm cậu làm người đại diện được uỷ thác điều hành tài sản văn học của tôi.

Tôi sững sờ và vui sướng thế nhưng tôi vẫn thụt lùi, ngần ngại. Tôi không muốn ông tin tưởng đến thế hay thích tôi. Tôi không cảm nhận về ông theo cách đó. Thực tế tôi đã cảm thấy thích được bầu bạn với ông, bị mê hoặc bởi trí tuệ sắc sảo nhạy bén của ông. Và dù cố phủ nhận điều đó, song tôi vẫn bị ấn tượng bởi danh vọng văn học của ông. Tôi nghĩ về ông như một người giàu có tiếng tăm, quyền thế và việc ông phải tin cậy tôi tới mức đó chứng tỏ ông dễ tổn thương đến thế nào và điều đó làm tôi choáng váng. Nó phá vỡ một số ảo tưởng của tôi về ông.

Nhưng lúc đó ông tiếp tục nói về tôi:

– Cậu biết không, bên dưới mọi chuyện cậu vẫn coi thường Jordan mà cậu không dám thú nhận với mình. Tôi đã nghe câu chuyện đó của cậu không biết bao nhiêu lần. Chắc là cậu thích anh ta, ngay cả có lẽ cậu hiểu anh ta. Nhưng cậu không chấp nhận sự kiện là một anh chàng có nhiều điều kiện như vậy lại đi bắn vỡ đầu mình. Bởi vì cậu biết mình đã từng có một cuộc sống tệ hơn anh ta rất nhiều, nhưng cậu sẽ không bao giờ hành động như vậy. Cậu còn cảm thấy hạnh phúc dù sống một cuộc đời làng nhàng. Cậu chưa bao giờ có gì cả, cậu chăm chỉ làm việc, cậu có một cuộc hôn nhân thành công và cậu là một nghệ sĩ đã để nửa cuộc đời trôi qua mà chưa có được thành công thực sự nào. Vậy mà cậu vẫn hạnh phúc một cách cơ bản! Ôi Trời, cậu vẫn còn tiếp tục khoái vợ nhà, trong khi hai anh chị đã bao lâu? – Mười, mười lăm năm rồi. Hoặc cậu là một người vô cảm nhất tôi từng gặp hay là anh chàng nhạy cảm nhất. Một điều tôi biết cậu là một người cứng rắn. Cậu sống trong thế giới riêng của mình, làm đúng điều cậu muốn làm. Cậu kiểm soát đời mình. Cậu không gặp rắc rối, và lỡ khi gặp cũng không hoảng loạn, biết cách đối phó và thoát ra. Tốt, tôi phục cậu. Tôi chưa bao giờ thấy cậu làm hoặc nói điều gì thực sự có ý nghĩa nhưng tôi không nghĩ cậu thực sự bất cần thiên hạ. Cậu điều khiển cuộc đời mình.

Và ông ta chờ tôi phản ứng. Ông vẫn cười cười, đôi mắt xanh lục của ông ta láo liên, thách thức. Tôi biết ông đang vui vì đã phô bày nhưng tôi cũng biết ông có phần cố ý như vậy và tôi thấy bị xúc phạm. Có rất nhiều điều tôi muốn nói! Muốn kể ông nghe một đứa bé mồ côi lớn lên như thế nào. Rằng tôi đã thiếu cái cốt lõi, cái cơ bản của hầu hết mọi kinh nghiệm đời người. Rằng tôi đã không có gia đình, không có quan hệ xã hội, không gì ràng buộc mình với phần còn lại của thế giới. Tôi chỉ có anh Artie là người thân thiết duy nhất trên đời. Khi nghe người ta nói chuyện đời, tôi không thể nắm được thật sự họ muốn nói gì cho đến khi tôi cưới Vallie. Đó là lý do tại sao tôi tình nguyện chiến đấu trong thời kỳ chiến tranh. Tôi hiểu rằng chiến tranh là một kinh nghiệm phổ quát khác và tôi không đứng ngoài. Tôi đã có lý. Chiến tranh đã là gia đình của tôi dầu chuyện đó nghe có vẻ ngô nghê đến cỡ nào. Giờ đây tôi vui sướng vì mình đã không bỏ lỡ cơ hội dấn mình vào chốn can qua. Và điều mà Osano làm lơ hoặc không thiết nói tới vì ông đã giả định rằng tôi biết rồi, đó là làm chủ cuộc đời mình đâu có dễ. Và điều ông không thể biết là đồng tiền của hạnh phúc, đó là một thứ tiền tệ mà tôi không bao giờ hiểu được. Tôi đã trải qua phần lớn cuộc đời trong bất hạnh đơn thuần chỉ là hoàn cảnh khách quan. Tôi đã trở nên tương đối hạnh phúc trở lại cũng bởi hoàn cảnh khách quan. Lấy được Vallie, có con với nàng, có được tài khéo hay nghệ thuật hay kỹ năng sản xuất ra các bài viết giúp tôi kiếm sống được, điều đó làm tôi thấy hạnh phúc. Đây là một thứ hạnh phúc được xây dựng bằng những gì tôi kiếm được dựa trên sự mất mát điêu tàn. Và do đó thật giá trị đối với tôi. Tôi biết mình sống một cuộc đời hữu hạn, một cuộc sống thị dân quá bình dị. Rằng tôi có quá ít bạn bè, thiếu tính xã hội, ít chú tâm tới thành công. Tôi chỉ muốn tạo thành công qua đời sống, hay tôi nghĩ thế?

Và Osano quan sát tôi, vẫn còn mỉm cười:

– Nhưng cậu là một kẻ cứng cựa nhất mà tôi từng gặp. Cậu chẳng bao giờ để ai đến gần. Cậu chẳng để cho ai biết được cậu thực sự nghĩ gì.

Nghe vậy tôi phải phải kháng:

– Nghe này, ông hỏi ý kiến tôi về bất kỳ chuyện gì và tôi đều cho ông biết. Tôi xin nói là quyển sách vừa rồi của ông là thứ nhảm nhí, và ông điều hành tạp chí này giống như một người điên.

Osano cười:

– Tôi không quan tâm mấy chuyện đó. Tôi chưa bao giờ nói cậu không trung thực nhưng bỏ chuyện đó đi. Một ngày nào đó, cậu sẽ biết tôi đang nói về chuyện gì. Nhất là nếu cậu bắt đầu đi săn rồng lộn và chẳng may vớ phải một ả như Wendy!

Thỉnh thoảng Wendy đến các văn phòng của tạp chí. Nàng là một cô tóc nâu với đôi mắt điên dại và một thân hình căng đầy nhựa sex. Nàng rất thông minh và lẽ ra Osano có thể đưa sách cho nàng giới thiệu, phê bình. Nàng là người duy nhất trong số các cựu bà xã của ông không ngán ông và nàng đã làm cho đời ông khốn nạn kể từ khi họ ly dị. Khi ông bê trễ trong việc trả tiền trợ cấp, nàng liền đến toà án để đòi tăng thêm phần tiền đó. Nàng đã chộp một anh văn sĩ mới hai mươi tuổi về ở chung căn hộ với nàng và lo cho chàng ta đủ thứ. Tay này lại nghiện nặng ma tuý và Osano lo lắng chuyện hắn có thể làm hại những đứa con của mình.

Osano kể những câu chuyện về cuộc hôn nhân của hai người mà tôi tưởng như không thể tin nổi, vì bà ta rất ngang ngạnh, bướng bỉnh và còn điên hơn cả ông nữa. Cho nên trong cuộc đối đầu triền miên giữa họ, cuối cùng kẻ thắng là kẻ dám điên hơn!

Đôi khi họ có những cãi cọ nhỏ, bà ta sẽ gọi cảnh sát đến tống cổ ông ra khỏi căn hộ và cảnh sát sẽ đến và sẽ sửng sốt trước tính ngược ngạo phi lý của bà ta. Họ thấy quần áo của Osano bị kéo cắt thành từng mảnh vụn vương vãi khắp sàn nhà. Bà thừa nhận mình làm điều đó, nhưng đâu phải vì thế mà Osano có quyền đánh bà. Điều bà không nói đến đó là bà đã ngồi trên đống quần áo bị cắt vụn ra và thủ dâm với một máy rung.

Và Osano có nhiều chuyện kể về cái máy rung này. Bà đã đến một nhà tâm lý trị liệu bởi vì bà ta không thể đạt đến cực khoái. Sau sáu tháng, bà đã thừa nhận với Osano rằng nhà trị liệu kia đã phết bà ta đều đều, như là một phần của việc trị liệu. Osano không ghen; vào thời điểm đó ông thật sự ghê tởm bà ta.

– Ghê tởm! – ông nói – Không phải ghét. Có sự khác biệt đấy.

Nhưng Osano giận như điên mỗi lần ông cầm biên nhận của nhà trị liệu và ông hét vào mặt bà:

– Tôi phải trả cả trăm đô-la mỗi tuần cho một thằng lưu manh nó chơi vợ tôi và chúng gọi là “y khoa tiên tiến!”

Và ông còn kể chuyện khi bà vợ mở một tiệc cocktail và bà ta điên đến nỗi thôi không đến nhà trị liệu mà mua một máy rung. Mỗi chiều tối, trước bữa ăn tối, bà khoá cửa ở một mình trong phòng ngủ để cách ly với mấy đứa trẻ và thủ dâm với cái máy. Bà ta luôn đạt đến cực khoái. Bà ra quy định nghiêm ngặt là không ai được làm rộn bà trong giờ đó. Cả nhà, kể cả lũ trẻ đều nói đến đó là “giờ hạnh phúc”.

Cuối cùng điều làm cho Osano phải rời bỏ bà, theo như ông kể, là khi bà bắt đầu ca cẩm về chuyện Scott Fitzgerald đã ăn cắp những gì tốt đẹp nhất từ bà vợ Zelda của ông ta. Rằng lẽ ra Zelda đã trở nên một tiểu thuyết gia vĩ đại nếu phải chi chồng bà đã không chôm chỉa bao nhiêu tinh hoa của bà, Osano tức quá, nắm lấy đầu tóc của bà vợ và dí mũi bà ta vào quyển The Great Gatsby.

– Hãy đọc cái này đi, đồ cái lũ ngu xuẩn! – ông hét lên. – Chỉ cần đọc độ mươi câu thôi rồi đối chiếu với quyển sách của vợ ông ta. Rồi hãy trở lại nói chuyện với ta!

Bà ta đã chịu khó đọc cả hai quyển và quay lại với Osano và nói với ông ta cùng điều đã nói. Ông đấm vào mặt bà, bầm tím cả hai mắt rồi dứt khoát chia tay.

Vừa mới đây thôi. Wendy lại thắng một keo nữa trong cuộc đấu với Osano một chiến thắng đáng nguyền rủa. Ông biết là bà ta lấy tiền trợ cấp nuôi con để đem cung phụng cho chàng tình nhân trẻ. Nhưng có một ngày con gái ông đã đến xin tiền bố để mua quần áo. Cô giải thích rằng bác sĩ phụ khoa đã khuyên cô đừng mặc quần Jeans nữa vì bị nhiễm trùng âm đạo và cô hỏi mẹ cho tiền mua sắm quần áo, mẹ cô nói:

– Hỏi bố mày đấy!

Chuyện này xảy ra khi họ ly dị đã năm năm. Để tránh tranh cãi, Osano đưa tiền trợ cấp trực tiếp cho con gái. Wendy không phản đối. Nhưng sau một năm, bà đưa Osano ra toà vì tiền trợ cấp năm qua. Cô con gái làm chứng cho bố. Osano đã tưởng chắc ăn là mình sẽ thắng khi quan toà hiểu rõ mọi tình huống. Nhưng quan toà nghiêm khắc truyền cho ông chẳng những phải trả tiền trực tiếp cho bà mẹ mà còn phải trả gộp luôn tiền trợ cấp cả năm qua. Và thực tế là ông phải trả gấp đôi.

Wendy hồ hởi với chiến thắng đến nỗi sau đó bà ta cố gắng trở nên thân thiện hữu hảo với ông. Ngay trước mặt đám con, ông phũ phàng quét đi mọi biểu hiện tình cảm của bà và lạnh lùng tuyên bố:

– Nhà ngươi là cái âm đạo tồi tệ nhất mà bản quan nhân đây từng thấy!

Lần sau khi Wendy đến toà soạn tạp chí, ông từ chối không cho bà vào văn phòng của mình và cắt mọi công việc ông đã giao bà. Và điều làm ông ngạc nhiên đó là bà không hiểu tại sao ông ghê tởm bà. Bà bêu riếu ông với bạn bè của bà và rêu rao rằng ông chưa hề một lần thoả mãn bà trên giường, rằng ông không đủ chuẩn để làm cái việc quá dễ đó. Rằng ông là một kẻ đồng tình luyến ái bị ức chế, chỉ thích đám con trai nhỏ. Bà tìm cách ngăn cản ông không được gần con trong mấy tháng hè, nhưng Osano thắng trận đó, rồi ông cho đăng một chuyện ngắn châm biếm sắc bén ma mãnh về bà trong một tạp chí quốc gia.

Có thể trong đời ông không khiển được bà nhưng trong truyện ông vẽ ra một chân dung thật khủng khiếp và vì mọi người trong văn giới ở New York đều biết bà, nên người ta nhận diện được nhân vật trong truyện ngay. Bà ta bị nghiền nhuyễn trong mức độ khả thi cao nhất, và sau đó bà ta tởn, chịu để yên cho Osano. Nhưng bà đã ngấm vào trong ông như một thứ thuốc độc. Ông không thể kềm lòng được khi nghĩ đến bà mà mặt ông không đỏ bầm lên, đôi mắt không long sòng sọc như sắp lên cơn.

Ngày nọ ông bước vào văn phòng và bảo tôi rằng một hãng phim đã mua một trong các tiểu thuyết của ông để dựng thành phim và ông phải đi đến đó để hội thảo về kịch bản phim, với mọi chi phí hãng đó chịu. Ông đồng ý, ông bị bao vây bởi các bà vợ và ghét du lịch một mình và ông cảm thấy mình sắp đi vào miền đất thù địch. Ông muốn có bạn bên mình. Dù sao đó là điều ông nói và vì tôi chưa bao giờ ở California và tôi vẫn được lãnh lương trong khi đi xa, nên đây có vẻ là một cuộc thương lượng tốt. Tôi chưa biết rằng chuyến đi này sẽ còn đem lại cho tôi nhiều thứ hơn là việc tìm một con đường để tạo sự nghiệp.

Chú thích:

(1) Nói lái: đủ ngốn.

Bình luận
1440
× sticky