Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Những Kẻ Điên Rồ Phải Chết

Chương 39

Tác giả: Mario Puzo

Một trong những điều tôi không thừa nhận với Janelle đó là sự ghen tuông của tôi không chỉ có tính lãng mạn mà còn mang tính thực dụng. Tôi đã tìm kiếm chất văn học trong các tiểu thuyết lãng mạn, nhưng chẳng có trong quyển tiểu thuyết nào có thể tìm thấy sự thú nhận thành thật (và có phần hơi trắng trợn), là một trong những lý do mà người đàn ông có vợ muốn cô nhân tình của mình đừng quan hệ linh tinh, đó là anh ta sợ chẳng may vớ phải phần thưởng khuyến mãi, khi tham gia tour du lịch lên đỉnh Vu Sơn, là những thứ bệnh nói ra sợ chị em gớm! Tệ hại nhất là khi mang món quà đó về tặng lại cho vợ nhà thì tai hoạ không biết đến đâu mà lường cho hết được!

Tôi đoán một trong những lý do mà điều này không thể được thú nhận, ít ra là đối với cô nhân tình, đó là anh đàn ông có vợ thường nói dối và bảo rằng đã từ lâu anh ta không ngủ chung với vợ nhà. Vì anh ta đã quen nói đối với vợ, và vì nếu như anh ta thật sự đã lây nhiễm cho nàng, nếu như có chút lòng nhân đạo anh ta phải cho cả hai biết (mà điều này thì, eo ôi, bố bảo cũng chả dám). Nào ai có khảo mà mình lại xưng. Tội đếch gì. Có khảo cũng còn chối phăng tuốt nữa là! Ấy, cái mầm tai vạ và tội nghiệt chính là ở chỗ đấy.

Vì thế một đêm kia tôi nói với Janelle về chuyện ấy và nàng nhìn tôi chăm bẳm và nói:

– Thế ngộ như anh vớ phải của nợ ấy từ bà vợ “trung trinh tiết liệt” của anh rồi bán cái qua tôi thì sao? Hoặc là anh không nghĩ rằng chuyện đó là khả thi?

Chúng tôi đang chơi trò thường lệ của chúng tôi; đánh nhau mà không thật sự đánh nhau chỉ là một cuộc đua tài dí dỏm trong đó trộn lẫn tính hài hước với sự thật nghiêm túc và ngay cả một chúl ác tâm miễn là không tàn bạo.

– Hẳn là có thể chứ, – tôi đáp. – Nhưng cơ hội khó hơn. Vợ anh là một phụ nữ Công giáo khá ngoan đạo Nàng đức hạnh lắm. – Tôi đưa bàn tay lên để chặn ngang lời phản đối của Janelle. – Với lại nàng vừa già hơn vừa không đẹp bằng em nên ít có cơ hội hơn.

Janelle dịu cơn một chút. Bất kỳ lời ca tụng nào đối với nhan sắc của nàng cũng làm nàng mát dạ.

Rồi tôi nói, cười nhăn nhở một tí:

– Nhưng em có lý. Nếu vợ anh đổ bệnh cho anh rồi anh lại đổ bệnh cho em, anh sẽ không cảm thấy có tội gì. Chuyện ấy thì cũng phải đạo thôi. Đó lẽ là công bằng của trời đất, bởi vì em và anh là những tội phạm hình sự, chiếu theo luật Hôn nhân và Gia đình?

Janelle không thể nào còn nhịn được nữa! Nàng lồng lộn, rít lên:

– Tôi không thể nào tin anh lại có thể vô sỉ đến thế và nói những điều tởm đến như vậy. Tuyệt đối không thể nào tin. Tôi có thể là một tội phạm, nhưng anh là đồ hèn nhát?

Đến đó, tôi quay mặt qua chỗ khác ôm bụng cố nín cười và…

Màn từ từ hạ

***

Một đêm khác, vào lúc hai ba giờ sáng, như thường lệ chúng tôi không ngủ được nữa vì quá bị kích thích sau những cuộc ái ân mấy lần và uống hết một chai vang và nàng cứ nằn nì mãi, cuối cùng tôi kể nàng nghe về quãng đời thơ ấu của tôi nơi cô nhi. Lúc còn bé, tôi dùng sách như một thứ ma thuật.

Trong phòng ngủ, đêm khuya, trong đơn độc tôi có thể thả hồn phiêu du và thoát ly khỏi thế giới vô vị thường ngày bằng cách đọc sách và rồi lấy chất liệu từ đó dệt lên những mộng cảnh phóng tưởng riêng mình. Những cuốn sách tôi yêu thích nhất vào thời tôi mười, mười một, mười hai tuổi là những truyện truyền kỳ thơ mộng về hiệp sĩ Roland, về đại đế Charlemagne, những truyện miền Viễn Tây Hoa Kỳ nhưng tôi đặc biệt say mê truyền thuyết về vua Arthur và các hiệp sĩ bàn tròn, nhất là hai tráng sĩ hào hùng Lancelot và Galahad. Nhưng trên hết, tôi yêu nhân vật Merlyn bởi vì từng nghĩ mình giống như ông ta.

Và rồi tôi sẽ ngẫu tác ra những phóng khúc của mình với anh Artie thành vua Arthur, mà điều đó cũng có lý vì anh Artie của tôi cũng đầy đủ đức tính cao quý và công chính như vua Arthur, trung thực và vị nghĩa, từ ái khoan dung mà tôi không có được. Khi còn là đứa bé, tôi đã tự nghĩ là mình thông minh lanh lợi, có tầm nhìn xa và quả quyết rằng tôi sẽ điều khiển cuộc đời mình bằng pháp thuật. Và thế là đâm ra mê vị pháp sư Merlyn của vua Arthur con người lừng sống xuyên suốt quá khứ, nhìn thấy trước tương lai, kẻ toàn tri và bất tử.

Chính vào lúc đó tôi triển khai trò tiểu xảo đưa mình từ hiện tại vào tương lai. Tôi vận dụng tiểu xảo đó suốt đời. Khi còn bé, nơi cô nhi viện, tôi biến mình thành một chàng thanh niên với những bạn bè thư hương thông thái. Tôi có thể làm cho mình sống trong một căn hộ sang trọng và trên chiếc ghế sofa của căn hộ đó, tôi làm tình với một phụ nữ rất đẹp, rất cuồng nhiệt đam mê.

Trong thời gian tham chiến, vào những lúc phải làm nhiệm vụ tuần tiễu hay trực gác buồn tẻ, tôi sẽ dự phóng mình vào tương lai khi được nghỉ phép ở Paris, ăn uống ngon lành thoả thuê, sau đó quần thảo tơi bời với các nàng kiều nữ giang hồ bằng đủ ba mươi sáu kiểu!

Dưới ánh đèn được che phủ, tôi có thể biến đi nhờ ma thuật và thấy mình nghỉ ngơi trong rừng, bên bờ con suối nhỏ nên thơ, đọc quyển sách mình say mê.

Chuyện đó được việc, thực sự làm được việc. Tôi biến đi như có phép mầu. Và tôi sẽ nhớ lại, về sau này, khi tôi đang thật sự làm những điều kỳ diệu ấy tôi nhớ lại những thời gian khủng khiếp đó và dường như đã thoát khỏi chúng dường như chẳng bao giờ đau khổ. Dường như chúng chỉ là những cơn mộng mà thôi.

Tôi nhớ lại tôi bị sốc và ngạc nhiên vô cùng khi Merlyn tâu với vua Arthur hãy tiếp tục trị vì mà không có sự phò tá của ông, bởi vì Merlyn sẽ bị cầm tù trong một hang động bởi một nữ pháp sư trẻ mà ông ta đã truyền trao mọi bí thuật. Giống như vua Arthur, tôi hỏi tại sao.

Tại sao Merlyn lại truyền thụ mọi pháp thuật cho một thiếu nữ đơn giản chỉ để ông ta trở thành tù nhân của nàng mà tại sao ông ta lại hoan hỉ đi vào giấc ngủ ngàn năm trong một hang động, trong khi biết rằng đấng minh quân của mình sẽ chịu một kết cuộc bi thảm? Tôi không thể hiểu điều đó. Tuy thế, lúc tôi lớn lên, tôi cảm thấy rằng chính mình cũng có thể hành động như thế. “Cổ kim đa thiểu anh hùng lệ – Anh hùng nan dữ mệnh tranh hoành”(1)

Tôi đã học được điều ấy và biết rằng mọi bậc tuyệt thế anh hùng điều có một nhược điểm chết người – một gót chân Asin riêng của họ – Và tôi cũng không là ngoại lệ.

Tôi đã đọc rất nhiều dị bản về truyền thuyết vua Arthur, và trong một bản tôi đã thấy một bức tranh minh hoạ chân dung Merlyn như một người có hàm râu dài và xám, đội một cái mũ hình nón, lấp lánh các ngôi sao và dấu hiệu hoàng đạo. Trong giờ học thủ công, tôi đã làm một cái nón như thế rồi đội lên đầu dạo khắp sân trường. Tôi thích cái mũ đó. Cho đến một ngày có một đứa nào đã lấy cắp mất cái mũ đó và tôi không bao giờ thấy lại và không bao giờ làm lại cái khác. Tôi đã dùng cái nón đó để nhã ra những câu phù chú quanh mình, về người anh hùng mà tôi sẽ trở thành; về những cuộc phiêu lưu tôi sẽ trải qua, những kỳ công tôi sẽ hoàn thành và hạnh phúc mà tôi tìm thấy. Nhưng cái mũ ấy không thật sự cần thiết. Dù thế nào thì những phóng tưởng hoang đường cũng tự dệt thành bao mộng cảnh đan xen với cuộc sống vô vị thường ngày của tôi nơi cô nhi viện đó, khiến tôi dẫu ở đó mà tâm hồn lại để tận đâu đâu. Tôi thực sự là Merlyn khi mới là đứa trẻ lên mười. Tôi là một pháp sư và từ đó không một cái gì có thể làm hại tôi.

Janelle nhìn tôi cười nhẹ:

– Anh thực sự nghĩ mình là Merlyn à? – nàng hỏi.

– Đôi khi có thế đấy. – tôi đáp.

Nàng lại cười và không nói gì. Chúng tôi uống một chút rượu và rồi bỗng nhiên nàng bảo:

– Anh biết đấy, đôi khi em cũng hơi lập dị và thật lòng em sợ mình cư xử như thế với anh. Nhưng làm chuyện lập dị đôi khi cũng vui. Giả sử như hãy để em trói anh lại và rồi em làm tình với anh mà anh chẳng thể phản ứng gì được. Một trò ngộ đấy.

Tôi ngạc nhiên bởi vì trước đây chúng tôi đã từng thử làm trò lập dị và chẳng thấy gì thú vị. Tôi biết một điều; tôi không muốn để ai trói mình. Vì thế tôi bảo nàng:

– Được rồi, thử chơi thì thử. Nhưng để anh trói em, chứ em không trói anh nhe.

– Như thế là không công bằng. Không fair-play! – nàng phản đối.

– Anh bất cần. Không ai được trói anh cả. Làm sao anh biết được là khi đã trói anh rồi em sẽ không đốt diêm quẹt dưới chân anh hay không đâm một mũi kim vào mắt anh? Sau đó hẳn là em sẽ hối hận, nhưng sự hối hận muộn màng đó cũng không giúp anh khỏi chịu tật nguyền?

– Không đâu, anh ngốc. Sẽ chỉ là một kiểu trói tượng trưng thôi. Em sẽ giữ lấy một cái khăn quàng và trói anh lỏng thôi. Anh có thể vùng ra bất cứ khi nào. Giống như một sợi chỉ thôi mà. Anh là nhà văn, anh phải hiểu “tượng trưng” nghĩa là gì chứ.

– Không, – tôi nói.

Nàng dựa ngửa trên giường, cười thật lạnh với tôi:

– Thế mà anh nghĩ mình là Merlyn à? Anh nghĩ em sẽ thông cảm với anh lúc anh khốn khổ trong cô nhi viện, và tự tưởng tượng mình là Merlyn. Anh là tên chó đẻ tồi tệ nhất mà em từng gặp và em sẽ chứng minh cho anh thấy điều đó. Anh chưa từng để cho người đàn bà nào nhốt anh vào trong hang động hay trói một cái khăn quàng quanh tay anh. Anh đâu phải là pháp sư Merlyn.

Tôi thật sự không tiên liệu điều đó xảy ra, nhưng đã có câu trả lời cho nàng, câu trả lời mà tôi không thể nói ra. Rằng một nữ pháp sư không cao tay ấn bằng nhưng đã đến trước nàng. Tôi đã có vợ, chẳng phải thế à?

***

Ngày hôm sau tôi có cuộc họp với Doran và anh ta bảo tôi rằng những cuộc thương lượng về kịch bản mới sắp diễn ra. Đạo diễn mới, Simon Bellfurt, đang tranh đấu đòi tỉ lệ cao hơn. Doran ướm thử:

– Anh có sẵn lòng xem xét việc nhượng bộ vài điểm của anh cho anh ta?

– Tôi chẳng thiết làm việc về bộ phim đó nữa, – tôi bảo Doran. – Thằng Simon đó là đồ chúa ngục, còn thằng Richetti, cánh hẩu của nó, lại là thứ trộm cắp bẩm sinh. Kellino ít ra cũng là một diễn viên lớn để người ta có thể bỏ qua những chuyện nhảm của anh ta. Và cái thằng tồi Wagon đó lại là thứ cặn bã tổng hợp của cả đám cộng lại, thôi thôi cho tôi xin kiếu!

Doran vẫn ngọt ngào:

– Tỷ lệ ăn chia của cậu trong cuốn phim tuỳ thuộc vào việc cậu tham gia chuyển thể kịch bản. Điều đó được ghi rõ ràng trong hợp đồng. Nếu cậu phó mặc cho bọn đó tiến hành công việc không có cậu bọn họ sẽ làm thế nào cho cậu mất phần bản quyền chuyển thể kịch bản. Lúc đó nếu cậu có đưa ra Hội Nhà văn để trọng tài xét xử thì rắc rối chán. Phim trường sẽ đề nghị tỷ lệ chia phần và cậu phải trầy vi tróc vẩy cũng chưa chắc đã dành được phần thoả đáng cho mình.

– Cứ để bọn chúng thử xem, – tôi nói. – Bọn chúng không thể thay đổi nhiều lắm đâu.

Doran nói giọng dỗ dành:

– Tôi có ý này. Eddie Lancer là hảo bằng hữu của cậu. Tôi sẽ yêu cầu có anh ấy đảm nhiệm công việc với cậu về kịch bản. Anh ấy là một con người hiểu biết và anh ấy có thể can thiệp cho cậu chống lại tất cả các tay kia. OK? Hãy tin cậy nơi mình chuyện này đi.

– OK, – tôi đáp. Tôi đã phát chán với toàn bộ vụ này.

Trước khi rời đi Doran nói:

– Sao cậu nổi sùng đám đó đến thế?

– Bởi vì chẳng có mặt nào tỏ ra một chút tiếc thương Malomar, – tôi nói. – Chúng hí hửng vì anh ấy chết.

Thực ra cũng không hẳn như vậy. Tôi ghét bọn họ vì đã bố láo muốn “dạy bảo” tôi phải viết như thể nào.

Tôi quay về New York đúng lúc để xem lễ phát giải của Hàn lâm viện Điện ảnh trình chiếu trên tivi.

Vallie và tôi vẫn xem chúng hàng năm. Riêng năm nay tôi càng chăm chú xem hơn bởi vì Janelle có một phim ngắn độ nửa giờ mà nàng cộng tác với các bạn để sản xuất và được đề cử.

Vợ tôi mang ra cà phê và bánh ngọt và chúng tôi ngồi bệt xuống sàn để xem tivi. Nàng cười với tôi và nói:

– Mình có nghĩ một ngày nào đó mình cũng lên bục nhận một giải Oscar?

– Không, tôi nói. – Phim của anh sẽ tệ lắm.

Như thường lệ, trong các cuộc trình chiếu lễ phát giải Oscar, những phần phụ luôn đi trước mở đường, và phim của Janelle thắng giải phim ngắn hay nhất và mặt nàng hiện ra trên màn hình, hồng tươi, ửng đỏ vì hạnh phúc. Nàng khá biết điều để phát biểu ngắn gọn mà vẫn đủ ý mà lại duyên dáng, đáng yêu nữa. Nàng chỉ nói:

– Tôi muốn cảm ơn những người phụ nữ đã cùng tôi làm nên cuốn phim này, đặt biệt là Alice de Santis.

Câu phát biểu đó của nàng khiến tôi nhớ lại cái ngày mà tôi biết rằng Alice yêu Janelle hơn là tôi đã từng yêu nàng.

Janelle đã thuê một căn nhà nhỏ nơi bãi biển Malibu trong một tháng và vào những ngày nghỉ cuối tuần, tôi sẽ rời khách sạn và sống những ngày thứ bảy và chủ nhật với nàng tại căn nhà đó. Tối thứ sáu, chúng tôi tản bộ dọc theo bãi biển, rồi chúng tôi ngồi dưới vòm cửa nhỏ xíu, dưới ánh trăng ở Malibu và ngắm những con chim bé xíu mà Janelle bảo tôi đó là loài chim cát. Chúng nhảy lên khỏi mép nước mỗi khi sóng tràn lên.

Chúng tôi làm tình nơi phòng ngủ nhìn ra Thái Bình Dương. Ngày hôm sau, thứ bảy, khi chúng tôi đang ăn trưa sớm, Alice đến nhà. Nàng đùng bữa cùng với chúng tôi và sau đó nàng rút ra khỏi ví một mảnh phim nhỏ xíu hình chữ nhật và đưa cho Janelle. Mảnh phim chỉ rộng được một inch, dài độ hai inches.

Janelle hỏi:

– Cái gì đây?

– Phần nêu tên đạo diễn trên phim, – Alice nói – Mình cắt nó ra.

– Tại sao bồ làm như thế, – Janelle hỏi.

– Vì mình nghĩ nó sẽ làm bạn hài lòng, – Alice đáp.

Tôi quan sát hai nàng. Tôi đã xem cuốn phim. Đó là một tiểu phẩm dễ thương. Janelle và Alice đã làm phim đó với ba người đàn bà khác như một dự án toàn phụ nữ. Janelle được nêu tên là ngôi sao chính Alice được nêu tên là đạo diễn còn mấy người kia cũng được nêu tên tương thích với công việc họ làm cho phim.

– Chúng ta cần đề tên đạo diễn. Chúng ta không thể ra mắt một bộ phim mà không có tên đạo diễn, – Janelle nói.

Để chọc rối lên chơi, tôi đế vào:

– Anh nghĩ là chính Alice đạo diễn bộ phim này đấy!

Janelle nhìn tôi giận dữ:

– Cô ta phụ trách việc đạo diễn. Nhưng chính em đã đưa ra những gợi ý về việc đạo diễn và em thấy mình phải được nêu tên trong khoảng đó.

– Lạy Chúa, – tôi nói. – Em là diễn viên chính của phim. Alice phải được nêu tên cho phần việc của cô ấy chứ?

– Tất nhiên là thế, – Janelle vùng vằng nói. – Em đã nói với cô ấy như vậy rồi. Em đâu có bảo cô ta cắt phần đề tên cô trong âm bản. Cô ấy tự ý làm thế đấy chứ.

Tôi quay sang Alice và nói:

– Em thực sự cảm nhận chuyện này như thế nào?

Alice có vẻ rất điềm tĩnh:

– Janelle đã làm rất nhiều trong phần đạo diễn nàng nói. – Và thực sự em không quan tâm cho lắm đến việc được nêu tên hay không. Cứ để Janelle đứng tên phần đó. Em chẳng thiết gì đâu.

Tôi có thể thấy rằng Janelle đang giận sôi lên.

Nàng bực tức vì bị đẩy vào vị trí chông chênh khó chịu như vậy, nhưng tôi trực cảm rằng nàng sẽ không cho Alice hoàn toàn đứng tên một mình phần đạo diễn phim đâu.

– Anh, đồ chết tiệt, – Janelle rủa tôi. – Đừng có nhìn tôi như thế chứ. Chính tôi huy động tiền để làm bộ phim này, tôi quy tụ mọi người lại và tất cả chúng tôi đều góp ý vào việc viết kịch bản. Không có tôi, làm gì có phim này.

– Được rồi, – tôi nói. – Vậy thì em đứng tên nhà sản xuất. Tại sao việc đứng tên đạo diễn lại quan trọng đến thế?

Lúc đó Alice đứng lên:

– Chúng em sắp đưa phim này đi dự tranh giải Academy và giải Filmex, và đối với những phim như thế này, người ta thấy điều duy nhất quan trọng là vai trò đạo diễn. Đạo diễn được hưởng vinh quang nhiều nhất từ bộ phim. Em nghĩ là Janelle có lý.

Nàng quay sang Janelle:

– Thế bồ để tên đạo diễn như thế nào?

Janelle nói:

– Cả hai chúng ta được để tên, và tên bồ để trước. Đồng ý chứ?

Alice đáp:

– Nhất trí thôi. Bất cứ điều gì bồ muốn.

Sau khi dùng bữa trưa với chúng tôi, Alice nói nàng phải đi dù Janelle nài nỉ nàng ở lại. Tôi nhìn họ hôn nhau từ biệt rồi tôi đưa Alice ra xe.

Trước khi nàng đi, tôi hỏi nàng:

– Em thực sự không quan tâm sao.

Khuôn mặt nàng hoàn toàn điềm tĩnh, đẹp với nét trong sáng, nàng nói:

– Vâng. em thực sự không quan tâm đâu. Janelle bị kích động quá mức sau buổí trình chiếu đầu tiên khi mọi người đến chúc mừng, khen ngợi em. Nàng vẫn thế và làm cho nàng vui lòng còn quan trọng với em hơn mọi chuyện khác. Anh hiểu điều đó chứ, phải không?

Tôi cười và hôn vào má nàng để từ biệt:

– Không, anh không hiểu nổi những chuyện rắc rối đó đâu.

Tôi quay vào nhà và Janelle đã biến đâu mất tăm. Tôi đoán có lẽ nàng đi xuống bãi biển và nàng không muốn tôi bên nàng và đúng thế, một giờ sau tôi nhận ra dáng nàng từ mép nước đi ngược lên bãi cát để về nhà. Rồi nàng đi thẳng vào phòng ngủ và khi tôi gặp nàng ở đó, tôi thấy nàng nằm trên giường, đắp chăn lên người và nàng đang khóc.

Tôi ngồi xuống giường, bên nàng, và không nói gì. Nàng đưa tay ra nắm lấy bàn tay tôi. Nàng vẫn khóc.

– Anh nghĩ em tồi tệ quá phải không? – nàng nói.

– Không, – tôi đáp.

– Và anh nghĩ Alice rất cao thượng, đúng không?

– Anh mến cô ấy, – tôi đáp.

Tôi biết mình phải thật cẩn thận. Nàng đang sợ rằng tôi sẽ nghĩ Alice là một người tốt hơn nàng.

– Em có bảo cô ấy cắt bỏ âm bản phần đó không?

– Không. Nàng tự ý làm điều ấy, đâu có hỏi em.

– Được rồi, – tôi nói. – Vậy em hãy chấp nhận chuyện như thế là như thế và đừng băn khoăn về chuyện ai xử sự tốt hơn. Nàng muốn làm điều ấy vì em. Thì em hãy cứ nhận lãnh. Em biết mình muốn điều ấy mà.

Nghe đến đó nàng lại bắt đầu khóc. Thực tế là nàng đang bị cuồng loạn vì quá kích động, vì thế tôi làm xúp cho nàng và bảo nàng uống mấy viên Valiums; thế là nàng ngủ từ chiều hôm đó đến sáng chủ nhật.

Chiều thứ bảy đó tôi đọc sách, rồi ngồi ngắm bãi biển một mình.

Cuối cùng Janelle thức giấc. Lúc đó khoảng mười giờ sáng, một ngày đẹp ở Malibu. Tôi biết ngay là nàng không thấy thoải mái với tôi, rằng nàng không muốn tôi ở gần suốt phần còn lại của ngày hôm đó. Rằng nàng muốn gọi Alice và có Alice bầu bạn suốt ngày. Vì thế tôi bảo với nàng là tôi có nhận được cuộc gọi và phải đến phim trường và không thể ở nhà với nàng. Nàng làm bộ phản đối nhưng tôi có thể thấy ánh tươi vui trong đôi mắt. Nàng muốn gọi Alice và chứng tỏ tình cảm với cô ta.

Janelle đưa tôi ra xe. Nàng thật đẹp trong chiếc nón rộng vành che nắng, với bộ đồ jeans được đo cắt thật khéo vừa ôm khít người. Nàng cũng có phần hơi thời thượng và nàng tự hào về cái phổ hệ danh gia vọng tộc miền Nam của mình.

Nàng hôn từ biệt tôi, mặt hồng thắm rực rỡ. Nàng không hề rầu rĩ một chút nào chuyện tôi đi. Tôi biết rằng nàng và Alice sẽ có một ngày hạnh phúc bên nhau còn tôi sẽ có một ngày khốn khổ nơi thành phố này. Nhưng rồi tôi nghĩ, đã sao nào? Alice xứng đáng được hưởng hạnh phúc đó, còn tôi thì không, đúng thế. Janelle từng có lần bảo rằng nàng là một giải pháp thực tiễn cho nhu cầu cảm xúc của tôi nhưng tôi không phải là giải pháp thực tiễn cho nhu cầu của nàng.

Màn hình tivi tiếp tục nháy sáng. Có một bài ai điếu đặt biệt để tưởng niệm Malomar. Vallie hỏi điều gì đó mơ hồ về anh ta và tôi trả lời vâng. Kết thúc buổi xem lễ trao giải, nàng hỏi tôi.

– Anh có biết người nào trong số đó không?

– Vài người, – tôi đáp.

– Những ai? – Vallie cật vấn tôi.

Tôi kể ra Eddie Lancer, người thắng giải Oscar về kịch bản điện ảnh, nhưng tôi không nêu tên Janelle.

Trong một thoáng, tôi thắc mắc không biết Vallie có giăng bẫy cho tôi để xem tôi sẽ nêu tên Janelle hay không và rồi tôi nói rằng tôi biết cô gái tóc vàng được giải phim ngắn ở đầu chương trình.

Vallie nhìn tôi rồi quay đi.

Chú thích

(1) Xưa nay những kẻ anh hùng phải rơi lệ ít nhiều, bởi anh hùng cũng không thể tranh với số mệnh

Bình luận