Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Những Kẻ Điên Rồ Phải Chết

Chương 48

Tác giả: Mario Puzo

Trong cuộc du hành lần cuối của tôi đến California để hoàn tất việc chuyển thể kịch bản cho cuốn phim của Tri-Culture Studios, tôi đụng đầu với Osano ở đại sảnh của khách sạn Beverly Hills. Tôi bị sốc bởi ngoại hình của ông đến độ lúc đầu tôi không để ý.

Charlie Brown bên cạnh ông. Osano hẳn là phải mập thêm đến ba mươi pounds, và ông mang một cái bụng phệ làm căng phình cái áo jacket cũ. Mặt ông húp híp với những túi mỡ. Đôi mắt xanh lục từng một thời rất sắc sảo, sáng rực bây giờ trở nên phai mờ, nhợt nhạt không màu, đúng hơn là ngã sang màu xám nhạt và khi ông tiến về phía tôi, tôi có thể thấy cái dáng đi tròng trành lảo đảo lắc lư của ông càng thêm tệ hại.

Chúng tôi ngồi uống nơi phòng Polo. Như thường lệ Charlie thu hút mọi tia nhìn của cánh đàn ông trong phòng. Điều này không phải chỉ vì nhan sắc và vẻ mặt ngây thơ của nàng. Ở Beverly Hills này thì những thứ đó vô khối. Nhưng có cái gì đó nơi cách ăn mặc của nàng có cái gì đó trong cách nàng đi đứng và liếc mắt quanh phòng, bộc lộ sự sẵn sàng một cách dễ dàng.

Osano nói:

– Trông tôi khiếp lắm, phải không?

– Tôi từng thấy ông còn tệ hơn thế này, – tôi nói.

– Ôi dào chính mình cũng từng thấy vậy, – Osano nói. – Cậu thật may mắn, cậu có thể ăn bất kỳ thứ gì mình muốn mà chẳng lên cân tí nào.

– Nhưng chưa bằng Charlie đâu, – Tôi nói và cười với nàng – Nàng cũng cười đáp lễ.

Osano nói:

– Bọn này lên chuyến máy bay buổi chiều.

Eddie Lancer nghĩ anh ta có thể kiếm cho tôi việc viết một kịch bản nhưng rồi chuyện chẳng đến đâu, thế là tôi có thể biến khỏi nơi đây. Tôi nghĩ tôi sẽ đến một trại luyện tập thể hình để làm săn người lại và hoàn tất quyển tiểu thuyết của tôi.

– Quyển tiểu thuyết đến đâu rồi? – tôi hỏi.

– Ngon lành, – Osano đáp. – Tôi đã viết hơn hai ngàn trang, chỉ còn độ năm trăm trang nữa thôi là kết thúc

Tôi không biết phải nói gì với ông. Vào thời kỳ đó ông nổi tiếng là chẳng chịu giao bài cho các tạp chí, ngay cả về những quyển sách phi hư cấu. Quyển tiểu thuyết là hy vọng cuối cùng của ông.

– Ông nên tập trung vào năm trăm trang đó, – tôi nói – Và hoàn tất quyển sách cho rồi. Điều đó sẽ giải quyết được mọi rắc rối cho ông.

– Ờ, anh nói đúng. Nhưng tôi không vội được. Ngay cả nhà xuất bản cũng không muốn tôi làm như thế Đây là quyển sách đem lại giải Nobel văn học cho tôi đấy, khi được hoàn thành.

Tôi nhìn Charlie Brown để xem nàng có bị ấn tượng không và tôi ngạc nhiên thấy rằng nàng tỏ ra chẳng hề biết giải Nobel là cái dải rút gì.

– Ông may mắn lắm mới gặp một nhà xuất bản như thế, – tôi bảo Osano. – Họ đã đợi cả mười năm cho quyển sách đó.

Osano cười:

– Có thế, họ là những nhà xuất bản tầm cỡ nhất ở Mỹ. Họ đã ứng trước cho tôi hơn trăm ngàn đô-la mà chưa từng thấy một trang bản thảo nào. Đúng là tầm cỡ ưu việt chớ đâu phải như đám làm phim lôm côm kia.

– Tôi sẽ đi New York trong vòng một tuần nữa, – tôi nói. – Sẽ gọi mời ông đi ăn tối ở đó. Số điện thoại mới của ông là…

Osano nói:

– Cũng vẫn số cũ đấy.

Tôi nói:

– Tôi đã cố gọi số đó nhưng không có ai trả lời?

– À, – Osano nói. – Vì thời gian qua tôi ẩn cư ở Mexico để viết sách, ăn toàn đậu và bột bắp mà béo phì ra như thế này đây. Trong khi Charlie Brown, dù nàng ăn gấp mười lần tôi mà chẳng hề tăng lên một ao-xờ nào. – ông vỗ lên vai nắn nắn các bắp thịt của nàng. – Này Charlie Brown, nếu em chết trước anh, anh sẽ cho họ giải phẫu thân xác em để khám xem cái chất kỳ diệu nào giúp em vẫn luôn mảnh mai thon thả như thế này.

Nàng cười với ông:

– Anh nhắc làm em thấy đói rồi đó.

Vậy là để cho vui, tôi gọi bữa trưa cho ba người.

Tôi chỉ dùng một đĩa xà lách trộn dầu dấm, Osano một món omelette, còn nàng Charlie Brown “lệnh” một hamburger với khoai tây chiên kiểu Pháp, một tảng bít-tết với rau “xà-lách-xon”, dưa leo, cà chua và xốt mayonnaise và một đĩa bánh đứa với ba tầng kem để tráng miệng. Osano và tôi thích thú thấy thiên hạ trố mắt nhìn Charlie khởi động chu kỳ tiêu hoá.

Họ không thể tin nổi. Một người đẹp mảnh mai như vậy lại có khả năng hủy diệt mạnh mẽ như vậy. Vài anh đàn ông ở các bàn kế bên cố tình đưa ra những lời bình luận khá lớn, hy vọng lôi kéo chúng tôi vào một cuộc đối thoại để họ có cớ nói chuyện với Charlie. Nhưng Osano và Charlie cố ý lờ họ đi.

Tôi trả tiền bữa ăn và khi rời đi tôi hứa sẽ gọi Osano khi đến New York.

Osano nói:

– Thế thì hay quá. Tôi đã đồng ý nói chuyện tại cuộc hội thảo, vào tháng tới, của phong trào Giải phóng phụ nữ, và tôi cần sự hỗ trợ của anh, Merlyn à. Tôi đề nghị tối đó mình đi ăn chung rồi cùng đi đến cuộc hội thảo. Cậu thấy thế nào?

Tôi hơi nghi ngại. Thật sự tôi chẳng mấy hứng thú với bất kì loại hội thảo nào, và tôi cũng hơi ngán chuyện Osano gặp rắc rối (mà phần lớn cũng là lỗi tại ông, tại cái tính bốc đồng ưa bốp chát và nói năng văng mạng đếch cần nể nang ai của ông), và tôi lại phải lo cho ông được tại ngoại hầu tra lần nữa cũng hơi phiền. Nhưng nể lời ông, tôi cũng đành OK vậy.

Không ai trong hai người chúng tôi nhắc đến Janelle. Nhưng cuối cùng tôi không nhịn được, phải mở lời hỏi ông:

– Ông có thấy Janelle ở thành phố này không?

– Không – Còn anh?

– Lâu lắm rồi, tôi không gặp nàng.

Osano trừng mắt nhìn tôi. Đôi mắt ấy, chỉ trong một giây thôi, trở lại màu xanh lục tinh anh và ma mãnh như trước đây. Ông cười buồn:

– Anh không nên bỏ rơi một cô gái như vậy. Cả đời người, ta mới may mắn gặp được một người phụ nữ có lòng như Janelle. Cũng như may lắm cả đời người, ta mới viết được một tuyệt tác bất hủ.

Tôi nhún vai và chúng tôi lại bắt tay từ giã. Tôi hôn lên má Charlie rồi ra đi.

***

Chiều hôm đó tôi có buổi hội thảo về chuyện phim ở Tri-Culture Studio với Jeff Wagon, Eddie Lancer và đạo diễn Simon Bellfort. Tôi vẫn luôn nghĩ là mọi truyền thuyết về chuyện nhà văn tỏ ra thô bạo với đạo diễn hay nhà sản xuất trong một cuộc hội thảo về chuyện phim chỉ là chuyện cường điệu, tiếu lâm thôi. Nhưng lần đầu tiên, ngay tại cuộc hội thảo này, tôi có thể thấy tại sao điều ấy lại xảy ra. Thực tế là Jeff Wagon và đạo diễn của ông ta đang lệnh cho chúng tôi viết câu chuyện của họ, chứ không phải là kịch bản chuyển thể từ tiểu thuyết của tôi. Tôi nhường lời cho Eddie Lancer tranh luận và cuối cùng Eddie, tức quá nói với Jeff Wagon:

– Thế này, tôi không nói là tôi tài giỏi gì hơn anh, tôi chỉ xin thưa là tôi may mắn hơn. Tôi đã viết liên tiếp bốn chuyện phim ăn khách. Tại sao không thử xem xét nghiêm túc nhận định của tôi?

Đối với tôi điều này có vẻ là lập luận rất khôn ngoan, nhưng Jeff Wagon và tay đạo diễn lộ vẻ bối rối ra mặt. Họ không biết Eddie đang nói về chuyện gì và tôi có thể thấy không có cách nào thay đổi đầu óc của họ.

Cuối cùng Eddie Lancer nói:

– Tôi rất tiếc, nhưng nếu đó là cách quý vị muốn làm, tôi phải bỏ phim này thôi.

– Được thôi, – Jeff nói. – Thế còn anh, Merlyn?

– Tôi không thấy điểm nào trong văn bản của tôi hợp với cách của quý vị, – tôi nói. – Tôi không nghĩ là tôi có thể làm tốt với cách đó.

– Thế là rõ, – Jeff Wagon nói. – Tôi rất tiếc. Bây giờ, có nhà văn nào mà bạn biết có thể làm việc cho phim này với chúng tôi và có thể tham khảo ý kiến bạn bởi vì bạn đã làm phần lớn công việc? Như thế sẽ giúp cho chúng tôi nhiều lắm.

Một ý nghĩ lóe lên trong đầu óc tôi là tôi có thể để Osano làm việc này. Tôi biết ông đang cần tiền một cách tuyệt vọng và biết rằng nếu nói tôi làm việc với Osano, chắc là ông sẽ nhận lời ngay. Nhưng rồi tôi nghĩ đến cảnh Osano trong một buổi hội thảo về chuyện phim như thế này, nhận chỉ thị từ những kẻ như Jeff Wagon và tay đạo diễn Simon Bellfurt này.

Osano vẫn là một trong những người khổng lồ của văn học Hoa Kỳ, và tôi nghĩ những tay chẳng ra gì này sẽ làm nhục ông và sẽ sa thải ông. Vì thế tôi không nói ra.

Chỉ khi đang cố dỗ giấc ngủ tôi mới nhận ra rằng có lẽ tôi từ khước Osano công việc này là để trừng phạt ông về cái tội đã dám ngủ với nàng Janelle đào ruột của tôi? Một cuộc trả thù êm ái từ vô thức mà những lý lẽ vừa nêu trên về việc để bảo vệ cho sĩ khí và danh dự của Osano khỏi bị xúc phạm chỉ là những lý do bề mặt có vẻ cao thượng, vị tha của cái thằng tôi rất vị ngã và đầy ganh tị, hiềm ố đối với ông ta mà thôi? Có phải thế không hở cái thằng tôi chẳng lẽ lại tồi và nhỏ mọn đến thế. Ô hay, chân ngã thực tướng của ta như thế sao? Không, không, nhất định là không. Và tôi chạy trốn vào những giấc mộng dài, để tránh phải đối mặt với cái tôi đáng ghét.

Sáng hôm sau, tôi nhận được cú gọi từ Eddie Lancer. Anh bảo tôi rằng anh đã có một cuộc họp với đại lý văn học của anh và tay này nói rằng Tri-Culture Studios và Jeff Wagon đang mời chào anh thêm năm mươi ngàn đô-la để lại cuốn phim này và anh hỏi tôi nghĩ sao?

Tôi bảo Eddie là đối với tôi, chuyện đó được thôi, anh muốn làm gì cũng được, nhưng tôi sẽ không quay lại đâu. Eddie cố gắng thuyết phục.

– Tôi sẽ nói với họ tôi sẽ không quay lại trừ phi họ mời cậu trở lại và trả cậu hai mươi lăm ngàn đô-la, – Eddie Lancer nói. – Tôi chắc họ sẽ chịu.

Tôi lại nghĩ đến chuyện giúp Osano, và tôi lại không thể làm. Eddie tiếp tục:

– Đại lý của tôi bảo, nếu tôi không quay lại với phim này thì rất uổng vì có nhiều cơ may là cuốn phim sẽ là một thành công lớn và sẽ vớ bẫm, Merlyn à. Nhưng tôi sẽ không quay lại nếu cậu nghĩ chúng ta nên gắn bó chặt chẽ với nhau và cố gắng để cứu vãn cốt truyện của chúng ta.

– Tôi chẳng đế ý tỷ lỉ lệ ăn chia nữa, – tôi nói, – Cũng như việc được nêu lên trên đầu cuốn phim và theo như câu truyện diễn biến, thì đó là chuyện đếch gì vậy? Một thứ hạ phẩm, một cậu chuyện tình loại “nhạc sến”, đâu còn phải là tác phẩm văn học của tôi nữa. Nhưng anh cứ việc làm đi. Tôi thực sự chẳng thiết nữa. Ý tôi là vậy.

– OK, – Eddie nói, – và trong khi tham gia, tôi sẽ có bảo vệ uy tín của cậu trong khả năng mình. Tôi sẽ gọi cho cậu khi tôi đến New York và chúng ta sẽ đi uống cái gì với nhau.

– Tốt, – tôi nói. – Chúc anh may mắn với Jeff Wagon.

– Ờ, mình cũng cần điều đó, – Eddie đáp.

Tôi dành phần còn lại trong ngày dọn ra khỏi văn phòng dành cho tôi ở Tri-Culture Studio và đi mua sắm lặt vặt. Tôi không muốn đi về New York trên cùng chuyến bay với Osano và Charlie Brown. Tôi có nghĩ đến việc gọi Janelle, nhưng rồi lại thôi.

***

Một tháng sau, Jeff Wagon gọi tôi ở New York. Ông bảo tôi rằng Simon Bellfort nghĩ rằng Frank Richetti cũng nên được nêu tên trong phần viết kịch bản cùng với Lancer và tôi.

– Eddie Lancer còn ở lại với phim này không? – Tôi hỏi ông.

– Còn chứ, – Jeff Wagon khẳng định.

– Tốt lắm. Chúc may mắn, – tôi nói.

– Cám ơn, – Wagon đáp. – Và chúng ta sẽ thông tin thường xuyên cho anh biết về những gì đang xảy ra. Tất cả chúng ta sẽ gặp mặt nhau tại bữa ăn tối mừng lãnh giải của Hàn lâm viện Điện ảnh. – Và ông ta gác máy.

Tôi phải cười toáng lên cho hả hơi ra chứ không thì đến phải vỡ bụng mất. Bọn họ đang biến cuốn phim thành một thứ phó phẩm hạng tồi thế mà cái lão Wagon này còn dám trơ mặt nói đến các Giải thưởng của Hàn lâm viện. Rõ cái quân không biết xấu! Mỹ nhân Oregon năm xưa lẽ ra nên mạnh tay hơn, thiến phăng hết “trọn bộ ba tập” của lão đi cho bây giờ lão hết khoác lác cái mồm. Tôi hơi khó chịu về một cảm thức phản bội khi thấy Eddie Lancer còn đeo bám để làm cái phim thổ tả này. Đúng như Wagon đã từng có lần nói, Eddie Lancer là một nhà viết kịch bản bẩm sinh. Nhưng anh cũng là một tiểu thuyết gia bẩm sinh và tôi biết anh sẽ không bao giờ viết tiểu thuyết nữa.

Một điều khôi hài khác là mặc dù tôi đã đấu tranh với mọi người và kịch bản càng lúc càng trở nên dở tệ và tôi đã quyết chí bỏ đi, song tôi vẫn cảm thấy bị thương tổn. Và tôi cũng đoán là, trong tiềm thức tôi vẫn còn hy vọng nếu lại đến California để làm việc về kịch bản, tôi có thể gặp lại Janelle.

Đã mấy tháng rồi, chúng tôi không gặp nhau và nói chuyện với nhau. Lần cuối cùng tôi gọi nàng chỉ để lên tiếng chào, chúng tôi đã nói chuyện phiếm một lúc và cuối cùng nàng bảo:

– Em vui vì anh gọi cho em, – Và rồi nàng chờ câu trả lời Tôi lặng thinh một hồi rồi mới nói – Anh cũng thế.

Nghe vậy nàng bèn “triển khai đại tiếu” và nhại lời tôi “Anh cũng thế! Anh cũng thế!” theo kiểu con vẹt nhại tiếng người và rồi nàng nói:

– Ồ, chuyện đó cũng chẳng thành vấn đề, – Và cười vui vẻ, dặn, – Hãy gọi em khi nào anh lại đi ra.

Và tôi bảo:

– Ờ, anh sẽ. – Nhưng tôi biết tôi sẽ không.

Một tháng sau lúc Wagon gọi tôi, thì tôi nhận được một cú gọi của Eddie Lancer. Anh đang nổi giận.

– Này Merlyn. Họ đang thay đổi kịch bản để đẩy cậu ra khỏi danh sách. Thằng Frank Richtti đang viết lại đối thoại mới, bằng cách nhại những từ ngữ của cậu rồi tán hươu tán vượn vòng vo tam quốc. Họ đang thay đổi các sự kiện và tình tiết đủ để khiến cho nó có vẻ khác với các màn, các cảnh của cậu và tôi còn nghe họ – Wagon với Bellfort và Richetti – nói về việc sắp đẩy cậu ra khỏi danh sách và cả tỷ lệ ăn chia của cậu. Đám con hoang đó cũng chẳng thèm để ý đến tôi.

– Đừng lo, – tôi bảo anh. – Tôi viết quyển tiểu thuyết và tôi viết kịch bản gốc và tôi đem xác nhận với Hội Nhà văn, và không có cách nào họ đẩy tôi ra khỏi danh sách đầu phim và truất tỷ lệ ăn chia của tôi được!

Tôi không biết, – Eddie Lancer nói. – Tôi chỉ báo động cho cậu về chuyện họ sắp làm gì. Tôi hy vọng cậu sẽ tự bảo vệ mình.

– Cám ơn. Còn anh thế nào? Chuyện anh tham gia làm phim đến đâu rồi?

Anh nói:

– Cái thằng Frank Richetti chết tiệt đó là một đứa dốt nát chả ra gì và tôi không biết giữa Wagon và Bellfort ai là kẻ trấn lột nặng tội hơn. Đây có thể trở thành một trong những phim tồi tệ nhất lừng được sản xuất. Anh chàng Malomar khốn khổ hẳn là đang trăn trở trong nấm mồ.

– Vâng tội nghiệp Malomar, – tôi nói. – Anh vẫn luôn nói với tôi Hollywood tuyệt vời biết bao và con người ở đó thành thật và có đầu óc nghệ sĩ biết bao. Ước chi bây giờ anh ấy còn sống để thấy.

– Vâng, – Eddie Lancr nói. – Nghe này, lần tới cậu đến California nhớ gọi mình để cùng ăn tối nhé.

– Tôi không nghĩ tôi còn đi California nữa làm chi? – Tôi nói. – Nếu anh đến New York, nhớ gọi tôi.

– Nhất trí. Mình sẽ gọi cậu, – Lancer nói.

***

Một năm sau bộ phim ra mắt khán giả. Tôi được nêu tên vì quyển sách nhưng không được nêu tên như người viết kịch bản. Việc nêu tên viết kịch bản được dành cho Eddie Lancer và Simon Bellforl. Tôi yêu cầu Hội nhà văn làm trọng tài phán định nhưng tôi thua. Richetti và Bellfort đã làm tốt việc cải biên kịch bản, và thế là tôi mất phần ăn chia lợi nhuận. Nhưng chuyện đó không thành vấn đề. Cuốn phim là một thảm hoạ và điều tồi tệ nhất đó là Doran Rudd nói với tôi rằng trong ngành công nghiệp điện ảnh, nếu cuốn phim thất bại, người ta thường đổ lỗi cho quyển tiểu thuyết. Tôi không còn là một sản phẩm bán được ở Hollywood nữa, và đó là điều duy nhất làm tôi lên tinh thần, từ toàn bộ vụ này.

Một trong những bài điểm phim cay độc nhất, gay gắt nhất được phóng ra bởi Clara Ford. Nàng phanh thây xẻ thịt nó từ A tới Z. Kể cả việc diễn xuất của Kellino. Như vậy có lẽ là tại anh chàng Kellino đã không làm việc với cô nàng Clara cho tới bến, khiến cho nàng không ưng “cái” bụng. Nhưng Houlinan còn cho tôi một phát súng ân huệ nữa. Lão ta thuê đám bồi bút viết một bài tựa đề “TIỂU THUYẾT CỦA MERLYN THẤT BẠI KHI CHUYỂN THÀNH PHIM”.

Bài báo đó là một “kiệt tác” về kiểu bôi bác hạ cấp khiến tôi phải ngao ngán lắc đầu thán phục.

Bình luận
720
× sticky