Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Nụ Hôn Của Casanova

Chương 38

Tác giả: James Patterson

Vụ này khó như lên trời.

Trở về nhà tại Washington, tôi nở một nụ cười vui vẻ gượng gạo khi bước qua cửa trước. Tôi cần nghỉ ngơi một ngày giữa cuộc truy lùng tội phạm. Quan trọng hơn, tôi đã hứa với gia đình là sẽ gặp và thông báo tình hình của Naomi. Tôi cũng nhớ các con và Nana. Tôi cảm thấy mình như anh lính được về phép giữa cuộc chiến.

Tôi không hề muốn Nana và lũ trẻ biết tôi lo lắng cho Scootchie ra sao.

“Chưa có may mắn gì cả bà ạ,” tôi nói khi cúi xuống hôn lên má Nana. “Dù vậy mọi chuyện cũng có chút tiến triển.” Tôi rời khỏi bà trước khi bà gặng hỏi tôi.

Đứng giữa phòng khách, tôi múa may một tiết mục hay nhất của người cha công sở. Tôi hát bài “Daddy’s Home, Daddy’s Home” nhưng không phải phiên bản của ban nhạc Shep & the Limelites mà theo giai điệu độc đáo của riêng tôi. Tôi nhấc bổng Jannie và Damon trong vòng tay.

“Damon, con lớn hơn, khỏe hơn này và đẹp trai như hoàng tử Marốc vậy!” tôi nói với cậu con trai. “Jannie, con cũng lớn hơn, khỏe hơn và xinh đẹp như một nàng công chúa rồi này!” Tôi nói với cô con gái.

“Bố cũng vậy!” Lũ trẻ đáp lại tôi bằng những tiếng kêu ré vô nghĩa dễ thương.

Tôi vờ như định nhấc bổng bà lên, nhưng Nana Mama đã làm dấu hình chữ thập nghiêm trang để xua tôi ra. Dấu hiệu riêng của gia đình chúng tôi. “Đừng có lại gần bà, Alex,” bà nói. Bà cười, và nhìn tôi vẻ lo ngại. Bà có thể làm điều đó. Bà thích nói, “Bao nhiêu thập kỷ thực hành đấy”. Tôi luôn đáp lại bà: “Thế kỷ chứ ạ”.

Tôi thơm Nana một cái thật ấm áp nữa. Sau đó, lũ trẻ gần như “nằm gọn trong lòng bàn tay tôi”. Tôi ôm chúng như cách mà những người đàn ông to lớn ôm quả bóng rổ, như thể chỉ cần duỗi tay ra là được.

“Đây có phải là hai nhóc quỷ ngoan ngoãn không nhỉ?” Tôi bắt đầu sử dụng kỹ năng thẩm vấn đối với hai kẻ vi phạm kinh niên của riêng tôi. “Lau dọn phòng, làm việc nhà, ăn cải bruxen của các con chưa nhỉ?”

“Rồi bố ạ!” chúng hét lên cùng một lúc. “Bọn con ngoan như cừu ý,” Jannie nói thêm để tăng tính thuyết phục.

“Có tin được không đó? Cải bruxen? Bông cải xanh nữa? Con không nói dối trắng trợn với bố đấy chứ? Mười rưỡi đêm hôm trước bố gọi về nhà, cả hai đứa vẫn còn chưa đi ngủ. Vậy mà dám nói với bố rằng chúng con rất ngoan. Ngoan như cừu!”

“Nana cho chúng con xem bóng rổ nhà nghề!” Damon ríu rít cười với niềm vui sướng không giấu giếm. Thằng nhóc láu lỉnh luôn biết cách thoát tội, đôi khi cũng khiến tôi lo lắng. Nó là một đứa bé có tài bắt chước bẩm sinh, nhưng cũng khéo léo sáng tạo ra những trò của chính mình. Vào lúc này, khả năng hài hước của thằng bé đã gần ngang với chương trình truyền hình In Living Color nổi tiếng.

Cuối cùng, tôi với cái túi du lịch để phát quà cho chúng. “Được rồi, trong trường hợp đấy, bố mang về cho chúng mi quà từ chuyến đi miền Nam. Bố nói chúng mi. Bố học từ đó ở Bắc Carolina đấy.”

“Chúng mi,” Jannie nhại tôi. Con bé cười ngặt nghẽo và làm động tác xoay vòng ngẫu hứng trong khiêu vũ. Con bé giống như cún con dễ thương nhất chờ bạn ở nhà vào buổi chiều. Rồi khi bạn trở về, con bé vây quanh bạn giống như keo dính ruồi. Cũng như Naomi hồi nhỏ.

Tôi lấy mấy chiếc áo phông vô địch giải bóng rổ NCAA của trường đại học Duke ra cho Jannie và Damon. Đối với hai đứa nhóc này là phải dùng mẹo mua đồ giống nhau. Cùng một kiểu thiết kế. Cùng màu. Chuyện này cũng sẽ chỉ kéo dài vài năm nữa, đến khi đó chẳng đứa nào chịu mặc bất kỳ thứ đồ nào hao hao giống nhau.

“Cảm ơn bố ạ,” từng đứa nói một. Tôi cảm nhận được tình yêu chúng dành cho tôi – thật vui khi trở về nhà. Nghỉ phép, hay gọi là gì cũng được. Được yên bình và thảnh thơi trong vài giờ ít ỏi.

Tôi quay sang Nana nói, “Chắc bà nghĩ cháu quên bà rồi phải không?”

“Cháu quên bà thế nào được, Alex.” Nana Mama nheo nheo đôi mắt nâu nhìn tôi chăm chú.

“Đúng rồi, bà yêu quý.” Tôi cười tươi.

“Tất nhiên là phải đúng chứ.” Bà phải là người nói câu cuối cùng.

Tôi lấy ra một gói quà được bọc hết sức đẹp mắt từ chiếc túi vải của những điều kỳ diệu và bất ngờ. Nana mở gói quà ra, và trước mắt bà là chiếc áo len đan tay đẹp nhất mà tôi từng thấy. Chiếc áo là tác phẩm của những người phụ nữ nghèo khổ, khoảng tám, chín mươi tuổi vẫn phải nai lưng kiếm sống ở Hillsborough, Bắc Carolina.

Lần này, Nana Mama không biết phải nói gì. Không một phản ứng nhanh trí nào. Tôi giúp bà khoác chiếc áo đan tay, và bà mặc suốt cả ngày hôm đó. Bà trông có vẻ tự hào, hạnh phúc, thật đẹp, tôi rất thích nhìn bà như vậy.

“Đây là món quà tuyệt đẹp nhất,” cuối cùng bà run run nói, “ngoài việc cháu ở nhà, Alex ạ. Bà biết cháu là một đứa cứng rắn, nhưng bà vẫn lo lắng cho cháu khi xuống Bắc Carolina.”

Nana Mama đủ biết không nên hỏi tôi quá nhiều về Scootchie. Bà cũng biết chính xác sự im lặng của tôi nghĩa là gì.

[/size]

Bình luận