Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Quo Vadis

Chương 14

Tác giả: Henryk Sienkiewicz

Suốt mấy ngày sau đó, lão Khilon mất tăm mất dạng. Từ sau khi gặp Akte cho biết rằng Ligia yêu mình, Vinixius ngày càng khao khát nàng gấp trăm lần trước kia, chàng đích thân đi tìm, chàng không muốn và cũng không thể cầu xin sự giúp đỡ của Hoàng đế, người đang chìm đắm trong nỗi lo lắng trong sức khoẻ của Tiểu Auguxta.

Những lễ vật dâng lên các thần miếu cùng những lời cầu nguyện và các biểu vật tế hiến chẳng mang lại kết quả gì, cả nghệ thuật của ngành y lẫn mọi thứ bùa chú phù phép mà người ta đành phải vơ lấy trong cơn tuyệt vọng cũng chẳng có hiệu quả gì. Một tuần sau, đứa trẻ qua đời. Tang tóc phủ xuống cả cung đình và cả thành Roma. Hoàng đế người đã từng sung sướng như điên khi đứa trẻ ra đời, giờ đây gần như phát điên vì tuyệt vọng, tự giam mình trong nội thất, suốt hai ngày liền không ăn uống, và mặc dù cung điện nườm nượp các vị nguyên lão và quý tộc vội vã đến biểu lộ lòng tiếc thương và đồng cảm, song Hoàng đế chẳng muốn gặp mặt một ai. Viện Nguyên lão họp phiên bất thường, trong đó đứa bé vừa chết được tuyên bố là một nữ thần, người ta quyết định sẽ xây đền thờ cho cô bé và bố trí riêng một vị giáo sĩ trông nom. Còn tại các thần miếu khác người ta dâng hiến thêm các lễ vật mới cho linh hồn đứa bé vừa qua đời, người ta đúc tượng đứa bé bằng các loại kim loại quý và tang lễ là một cuộc lễ trọng thể vô chừng. Trong đó dân chúng được dịp thán phục trước những thể hiện vô hạn độ của lòng thương tiếc mà Hoàng đế biểu lộ, dân chúng cùng than khóc với Người, chìa tay ra đón những thứ quà tặng, và trên hết, vui chơi thoả sức với cảnh tượng hiếm có.

Cái chết ấy khiến ông Petronius lo lắng. Cả Roma đều biết rằng Poppea đổ riệt cái chết ấy do bùa bả gây nên. Lặp lại các điều ấy theo hoàng hậu có cả các thầy thuốc để biện minh cho sự bất lực của các nổ lực của mình, cả các vị tăng lữ, những kẻ mà thứ đồ tế hiến đã tỏ ra vô hiệu, cùng bọn mách mối đang run sợ cho mạng sống của mình, đồng thời cả dân chúng nữa. Giờ đây ông Petronius mừng thầm rằng Ligia đã trốn thoát, bởi vì tuy không mong muốn chuyện không lành cho nhà ông Aulux, song ông vẫn mong điều lành cả cho bản thân lẫn cho Vinixius. Vậy nên nhắc cành trắc bá đặt chắn ngang làm dấu tang trước cung điện Palatyn ra, ông đi đến dự cuộc gặp mặt được tổ chức cho các vị nguyên lão và quý tộc với mục đích xem Nerô đã để lọt vào tai bao nhiêu phần chuyện ma thuật bùa phép, đồng thời để chống lại những hậu quả có thể nảy sinh từ đó.

Hiểu rất rõ Nerô nên ông biết rằng, mặc dù không tin vào ma thuật, ngài cũng sẽ giả vờ tin, vừa để đánh lừa chính mình nổi đau đớn của bản thân, vừa để có cớ bào thù một kẻ nào đó, và cuối cùng, để đánh tiếng là các thần linh bắt đầu trừng phạt ngài về những tội ác mà ngài đã phạm. Petronius không hề nghĩ rằng ngài có thể yêu con chân thành và sâu sắc dẩu ngài có yêu nó cuồng nhiệt, song ông tin rằng ngài sẽ cường điệu sự đau khổ lên. Và ông đã không nhầm, Nerô nghe lời chia buồn của các vị nguyên lão và hiệp sĩ với bộ mặt bằng đá, với cặp mắt dán chặt vào một điểm, và rõ ràng là nếu như ngài có đau đớn thật đi chăng nữa thì đồng thời ngày cũng nghĩ xem nỗi đau đớn ấy đang gây ra ấn tượng như thế nào đối với những người đang có mặt, đồng thời ngài cũng cố gắng mô phỏng theo hình tượng Niobe để thể hiện nổi thương tiếc phụ tử, giống như ngài khi đóng vai hề trên sân khấu vậy. Thậm chí ngài cũng không giữ được cái hình tượng đau đớn câm lặng gần như hoá đá ấy, vì cứ chốc chốc ngài lại làm một động tác như đang vốc đất cát rắc lên đầu, chốc chốc lại rên rỉ khô khốc, và khi chợt trông thấy Petronius ngài liền bật dậy, và bằng một giọng bi thương bắt đầu kêu lên cho mọi người cùng có thể nghe thấy:

– Ơ hơ!… Cả ngươi nữa cũng là kẻ đã gây ra cái chết cho công chúa. Chính do lời khuyên của ngươi quỷ dữ mới lọt được vào trong những bức tường này, để rồi chỉ bằng một cái nhìn, nó đã hút kiệt sinh lực từ lồng ngực công chúa… Thương thay cho thân ta! Thà mắt ta đừng nhìn thấy ánh sáng thần Heliox nữa cho xong!… Thương thay thân ta! Ơ hơ! Ơ hơ!…

Ngài lên giọng mỗi lúc một cao thành một tiếng kêu tuyệt vọng, song cũng chính vào giây phút đó Petronius quyết định đặt được thua vào một lá bài, ông liền đưa tay ra giật phắt chiếc khăn lụa mà Nerô luôn đeo trên cổ che lấy miệng ngài.

– Tâu Hoàng thượng – ông hỏi một cách nghiêm trang – Xin hãy đốt cháy cả thành Roma và cả thế giới nữa vì đau đớn, nhưng xin Người hãy giữ gìn cho chúng thần giọng hát của Người.

Những người có mặt bàng hoàng, chính bản thân Nerô cũng thảng thốt mất một lúc, riêng mỗi mình Petronius là không chút xúc động. Ông hiểu rõ việc mình làm. Ông nhớ rằng Terpnox và Điodor được lệnh bịt miệng Hoàng đế nếu như người lên giọng quá cao, có thể dẩn tới một hậu quả không tốt nào đó.

– Tâu Hoàng thượng – ông nói tiếp cũng với vẻ trang nghiêm u buồn như thế – Chúng thần đã phải chịu đựng một tổn thất quá lớn rồi, hãy để cho kho báu còn lại này an ủi chúng thần.

Nét mặt Nerô rung lên, và giây lát sau, những giọt lệ tuôn ra từ đôi mắt ngài, ngài bổng tì cả hai tay lên vai Petronius và nép đầu vào ngực ông lặp đi lặp lại:

– Trong bấy nhiêu người chỉ có mỗi mình ngươi, mỗi một mình ngươi thôi, hỡi Petronius là nghĩ tới điều đó! Mỗi một mình ngươi thôi!

Tygelinux vàng người đi vì ghen tức. Petronius nói:

– Xin Hoàng thượng hãy đi Anxium. Chính tại nơi đó công chúa đã ra đời, chính tại nơi đó niềm sướng vui đã tràn ngập tâm hồn Hoàng thượng, hẳn nơi ấy cũng sẽ mang lại cho Người niềm an ủi. Hãy để cho không khí miền biển làm tươi mát lại cổ họng thiên thần của Người, hãy để lồng ngực người hít thở hơi ẩm mặn mà của biển. Chúng thần, những bề tôi trung thành với Người, sẽ cùng đi với Hoàng thượng tới khắp nơi, và trong khi chúng thần an ủi Người bằng tinh thần bằng hữu thì Hoàng thượng sẽ an ủi chúng thần bằng tiếng ca của Hoàng thượng.

– Phải rồi! – Nerô rầu rĩ đáp – Ta sẽ viết thiền ca cho công chúa và sẽ soạn nhạc cho lời ca đó.

– Rồi Người sẽ đi tìm mặt trời ấm áp tại Baiae.

– Sau đó tìm lãng quên ở Hi Lạp.

– Ở chính xứ sở của thi ca.

Và thế là bầu không khí ủ ê nặng trĩu giống như những đám mây đen che lấp mặt trời dần dần qua đi, để bắt đầu một cuộc truyện trò dường như hãy còn vương nỗi buồn, song cũng đã chứa đầy những dự kiến cho tương lai, đề cập tới những chuyến viễn du, những cuộc biểu diễn nghệ thuật và thậm chí cả những cuộc thù tiếp nữa, những cuộc thù tiếp có quan hệ với chuyến viếng thăm đã hẹn trước của Tyrydat, vua xứ Armenia. Thực ra Tygelinux hãy còn gợi lại chuyện bùa bả, song ông Petronius – đã nắm chắc phần thắng – liền thách thức trực tiếp:

– Tygelinux này – ông nói – ông có cho rằng ma thuật có thể phạm tới các thần linh hay chăng?

– Chính Hoàng thượng nói về ma thuật đấy thôi – viên cận thần đáp.

– Đó là nỗi đau lên tiếng chứ không phải chính Hoàng thượng, song ông nghĩ như thế nào về chuyện đó chứ?

– Các vị thần linh hùng mạnh đến mức không chịu tác động của ma thuật.

– Vậy nghĩa là ông không chấp nhận tính cách thánh linh của Hoàng thượng cùng gia đình của Người hay sao?

– Peractum est! – Eprius Marxelux đứng cạnh khẽ thốt ra, lặp lại tiếng kêu của công chúng khi một đấu sĩ trên đấu trường bị đánh gục ngay tại chổ đến mức không cần phải đánh thêm nữa.

Tygelinux cố nén giận. Đã từ lâu, giữa hắn và Petronius diễn ra cuộc tranh đua ảnh hưởng đối với Nerô, trong đó Tygelinux có được cái thế mạnh hơn là Nerô ít hoặc hoàn toàn không cần phải giữ ý tứ gì đối với hắn, song cho tới nay, bao nhiều lần chạm trán thì bấy nhiêu lần ông Petronius đánh gục hắn bằng trí tuệ và tính trào phúng của ông.

Lần này nữa cũng thế. Tygelinux nín lặng và chỉ khắc ghi trong trí nhớ những vị nguyên lão và hiệp sĩ nào đang xúm lại quanh Petronius khi ông lui sâu vào phòng, vì chắc họ cho rằng sau chuyện vừa xảy ra thì giờ đây ông là người được Hoàng đế sủng ái nhất.

Rời khỏi cung điện, Petronius đến nhà Vinixius, và sau khi thuật lại cho chàng nghe chuyện vừa xảy ra với Hoàng đế và Tygelinux, ông nói:

– Không những cậu đã tránh được mối hiểm hoạ cho ông Aulux Plauxins cùng bà Pomponia và cho cả ta, mà thậm chí còn cho cả Ligia nữa, bọn chúng sẽ thôi săn đuổi nàng, ít nhất thì cũng bởi vì cậu đã tán được con khỉ râu đỏ rời Anxium, rồi từ đó tới Neapolix hoặc Baiae. Và y sẽ đi, vì cho đến nay y chưa dám biểu diễn công khai tại nhà hát Roma, và cậu biết rõ ràng là đã từ lâu y có ý định đi biểu diễn ở Neapolix. Sau đó y sẽ mơ tới Hi Lạp, nơi y muốn hát tại tất cả các đô thị lớn, để rồi với những vòng hoa mà bọn Gracculi dành tặng, y sẽ ca khúc khải hoàn trở về Roma. Trong suốt thời gian đó chúng ta có thể đàng hoàng tìm kiếm Ligia và tìm cho nàng một chỗ ẩn náu an toàn. Thế sao, cho tới giờ này vị triết gia thanh cao của chúng ta vẫn chưa tới ư?

– Vị triết gia thanh cao của cậu chỉ là một tên lừa đảo. Không! Hắn chưa tới, chưa xuất đầu lộ diện và sẽ không bao giờ ló mặt ra nữa đâu.

– Ấy thế mà cậu biết rõ hơn anh – nếu không phải về sự trung thực, thì ít ra cũng là về trí óc của hắn. Hắn đã khiến cho cái túi tiền của anh chảy máu một lần thì hắn sẽ còn tới để làm nó chảy máu thêm lần nữa.

– Nếu vậy hắn phải coi chừng kẻo cháu sẽ làm cho chính hắn phải chảy máu đấy.

– Chớ có làm điều đó, hãy biết kiên nhẫn với đối với hắn, cho đến khi nào anh có bằng chứng hiển nhiên về sự lừa lọc của hắn. Cũng chớ nên đưa thêm tiền cho hắn, mà hãy hứa sẽ thưởng thật hậu nếu như hắn mang về được một tin tức chắc chắn. Về phía mình, anh hành động gì thêm nữa không?

– Hai nô lệ giải phóng của cháu, Nimfiđius và Đemax, đang cầm đầu sáu chục người đi tìm kiếm nàng. Tên nô lệ nào tìm thấy nàng sẽ được trở thành người tự do. Ngoài ra, cháu còn cử những kẻ nhanh nhảu về các ngả đường toả từ Roma đi để dò hỏi trong các tửu quán về gã Ligi và nàng. Còn chính cháu cũng phải ngang dọc suốt thành phố, ngày cũng như đêm, hy vọng vào một cuộc chạm trán tình cờ.

– Nếu biết được điều gì hãy cho cậu biết tin với nhé, cậu phải đi Anxium đây.

– Xin vâng.

– Còn nếu như một sáng mai kia thức dậy, anh tự nhủ rằng, vì một thiếu nữ không đáng phải dằn vặt vất vả ngược xuôi đến thế, thì anh hãy tới Anxium. Ở đó không thiếu chi đàn bà lẫn thú vui đâu?

Vinixius bắt đầu bước nhanh chân hơn, Petronius nhìn theo chàng một lát rồi nói:

– Hãy nói thật với cậu, không phải như một anh chàng rồ cứ nhất định tin một điều gì đó và đang cuồng cả người lên, mà với tư cách một con người có lý trí trả lời một người bạn: có phải lúc nào anh cũng khao khát cô nàng Ligia ấy như lúc nào không?

Vinixius dừng chân một lát, nhìn Petronius với vẻ như trước đó chưa hề nhìn thấy ông, rồi chàng lại tiếp tục bước đi. Rõ ràng chàng đang phải cố nén để không bùng lên. Rồi dường như cảm giác về sự bất lực của bản thân, sự hối tiếc, giận dữ và nỗi nhớ nhung không sao chế ngự nổi, khiến cho trong mắt chàng lớn dần lên hai giọt lệ mà đối với Petronius có sức thuyết phục mạnh hơn những lời văn hoa nhất.

Suy nghĩ hồi lâu, ông nói:

– Không phải thần Atlax mà là người đàn bà đỡ thế giới trên đôi vai mình và đôi khi đùa với nó như vờn một quả bóng vậy.

– Chính thế! – Vinixius nói.

Rồi họ bắt đầu từ biệt nhau. Song chính vào lúc ấy, một nô lệ vào báo rằng lão Khilon Khiloniđex đang đợi ở phòng ngoài và xin phép được vào yết kiến ông chủ.

Vinixius lệnh cho lão vào ngay lập tức, ông Petronius bèn nói:

– Ha! Ta đã bảo anh rồi mà. Thề có Herkulex! Nhưng hãy bình tĩnh nhé, nếu không hắn sẽ điều khiển anh chứ không phải anh điều khiển hắn đâu.

– Xin chúc sức khoẻ và xin chào ngài hộ dân quan quân sự tôn quý, và xin chào ngài, thưa ông chủ: – Khilon vừa bước vào vừa nói – Cầu cho hạnh phúc các ngài sánh ngang với quang vinh của các ngài còn áng vinh quang của các ngài thì vang lừng khắp thế giới, từ các cột Herkulex tới tận vùng biên giới Arxaxyđ.

– Xin chào con người lập pháp đầy phẩm hạnh và trí tuệ! – Petronius đáp.

Vinixius hỏi với vẻ bình thản giả tạo.

– Người mang đến điều gì vậy?

– Lần thứ nhất tôi mang tới niềm hy vọng, thưa ngài, còn bây giờ tôi mang tới điều đoán chắc rằng nàng thiếu nữ nhất định sẽ được tìm thấy.

– Nghĩa là cho tới nay nhà ngươi vẫn chưa tìm thấy nàng?

– Vâng, thưa ngài, nhưng tôi đã tìm ra ý nghĩ của cái dấu hiệu mà nàng đã vẽ cho ngài, tôi đã biết được ai là kẻ đã đánh tháo cho nàng, và tôi biết cần phải tìm nàng trong đám tín đồ thờ vị thần nào.

Vinixius muốn bật dậy khỏi ghế ngồi, song ông Petronius đặt bàn tay lên vai chàng và quay sang phía Khilon ông bảo:

– Ngươi cứ nói tiếp đi.

– Thưa ngài, ngài có chắc rằng thiếu nữ đã vạch lên mặt cát hình một con cá không?

– Chắc chứ! – Vinixius lại bật dậy.

– Nếu vậy, nàng là một tín đồ Thiên chúa giáo và chính các tín đồ Thiên chúa giáo đã đánh tháo cho nàng.

Bầu không khí bỗng lặng ngắt đi.

– Hãy nghe đây, Khilon – mãi sau ông Petronius mới cất tiếng – Cháu ta sẽ trả cho người một số tiền lớn nếu ngươi tìm được một cô gái, nhưng cũng sẽ trả ngươi một số lượng roi vọt không kém đâu nêu như ngươi muốn lừa lọc. Trong trường hợp thứ nhất ngươi có thể mua không phải chỉ một mà ba tên ký lục còn trong trường hợp thứ hai thì triết học của hết thảy vị thánh hiền, kể cả thứ triết học của nhà ngươi nữa, cũng không đủ để dùng làm thuốc dán cho ngươi đâu.

– Cô thiếu nữ là tín đồ Thiên chúa giáo, thưa ngài – gã Hi Lạp kêu lên.

– Hãy suy nghĩ kỹ lại đi, Khilon! Ngươi đâu phải là một thằng ngu. Chúng ta biết rằng nàng Junia Xylana cùng Kanvia Kryxpinilla tố cáo bà Pomponia Grexya tin theo tà đạo Thiên chúa, song chúng ta cũng biết rằng chính toà án gia tộc đã minh oan cho bà khỏi điều vu cáo kia. Thế mà giờ đây nhà ngươi lại muốn lôi câu chuyện ấy ra ư? Có phải ngươi lại muốn chúng ta tin rằng bà Pomponia và cả Ligia nữa lại có thể thuộc về bọn thù địch với loài người, bọn đánh thuốc độc các bể nước phun cùng các giếng ăn, bọn chuyên chở dầu cừu, bọn giết chóc trẻ con và bọn làm những chuyện dâm ô bẩn thỉu nhất? Hãy nghĩ lại đi Khilon, cái giả đề mà ngươi vừa nêu ra với chúng liệu có bật lại thành cái phản đề lên lưng ngươi chăng?

Khilon xoè hai bàn tay ra dấu: đó không phải là lỗi của lão, rồi nói.

– Thưa ngài! Xin ngài hãy nói bằng tiếng Hi Lạp những từ sau đây: Jexu Crixtux, Con Đức Chúa, Đấng Cứu Thế.

– Được thôi. Đấy, ta nói rồi!… Thế sao nữa?

– Bây giờ xin ngài hãy lấy chữ đầu tiên của tất cả các từ đó và sắp xếp sao cho chúng thành một từ mới.

– Cá! – Petronius thốt lên kinh ngạc.

– Dạ thưa, đó chính là lý do vì sao con cá lại trở thành biểu tượng của các tín đồ Thiên chúa giáo – Khilon đáp, giọng đầy tự hào.

Im lặng bao trùm. Trong những lý lẽ của lão già Hi Lạp có một cái gì đó thật đột ngột, khiến cho cả hai người không sao thoát khỏi nỗi bàng hoàng.

– Vinixius này – Petronius hỏi – Liệu anh có nhầm không, đúng là Ligia vẽ cho anh hình một con cá đấy chứ?

– Thề có tất cả các thần linh của địa ngục, có thể hoá điên lên mất – Chàng trai phẫn nộ kêu lên – Nếu nàng vẽ chim thì tôi đã bảo là chim!

– Vậy thì nàng là tín đồ Thiên chúa giáo – Khilon lặp lại.

– Nghĩa là – Petronius nói – Pomponia và Ligia đánh thuốc độc các giếng nước, giết chết bọn trẻ con mà họ tóm được trên đường phố và làm những cuộc tình dâm ô tồi bại. Ngu xuẩn! Vinixius, anh ở lâu hơn ta trong nhà họ, còn ta chỉ mới đến đó trong chốc lát thôi, nhưng ta biết rõ ông Aulux, bà Pomponia, thậm chí Ligia đến nổi ta cũng có thể nói rằng: quái quỷ và xuẩn ngốc! Nếu như con cá là biểu tượng của Thiên chúa giáo – điều mà quả thực khó bác bỏ nổi – và nếu như cả hai người phụ nữ ấy là tín đồ Thiên chúa giáo, thì thề có thần Prozerpina, chắc chắn các tín đồ Thiên chúa không phải là những kẻ như chúng ta đã quan niệm.

– Ngài nói cứ như chính Xocratex vậy, thưa ngài – Khilonđáp – Đã có một ai từng nghiên cứu tín đồ Thiên chúa nào chưa? Ai hiểu rõ giả thuyết của họ? Hồi ba năm trước đây, khi tôi từ Neapolix tới Roma (ôi, sao tôi không ở lại xứ đó cơ chứ!), có một người nhập vào đoàn cùng đi với tôi, đó là một thầy thuốc tên là Glaukox, kẻ mà người ta đồn rằng là một tín đồ Thiên chúa giáo, ấy vậy mà tôi lại dám cam đoan rằng đó là một con người tốt bụng và đức hạnh.

– Liệu có phải nhờ con người đức hạnh ấy mà bây giờ nhà ngươi biết được ý nghĩa của con cá hay chăng?

– Tiếc thay, thưa ngài! Dọc đường, trong một quán trọ, một kẻ nào đó đã đâm cho ông cụ tốt bụng đó một nhát dao, vợ và đứa con ông cụ thì bị bọn buôn nô lệ bắt đi, còn tôi bị mất hai ngón tay này trong khi bảo vệ họ. Nhưng, như người ta thường nói trong đám tín đồ Thiên chúa chẳng thiếu chi những chuyện thần kỳ, nên tôi vẫn hy vọng rằng rồi chúng sẽ mọc lại thôi.

– Sao thế? Không lẽ nhà ngươi đã trở thành tính đồ Thiên chúa rồi ư?

– Từ hôm qua, thưa ngài. Từ hôm qua! Chính con cá nọ đã khiến tôi trở thành dân Thiên chúa giáo. Xin hãy nhìn xem trong nó tiềm ẩn biết bao sinh lực. Chỉ trong vài ngày nữa tôi sẽ trở thành kẻ mộ đạo nhất trong những kẻ mộ đạo, để họ cho tôi được đến với tất thảy những điều bí ẩn của họ và một khi họ đã để cho tôi biết tất cả mọi điều bí mật, tôi sẽ biết được nàng trinh nữ kia đang ẩn náu nơi đâu. Khi ấy, có thể cái đạo Thiên chúa của tôi sẽ sinh lợi nhiều hơn thứ triết học của tôi cũng nên. Tôi cũng đã nguyện với thần Mercurơ rằng, nếu như thần giúp tôi tìm được cô trinh nữ, tôi sẽ hiến dâng thần hai con chiên cùng tuổi cùng cỡ, mà tôi sẽ ra lệnh dát vàng lên sừng chúng.

– Thế có nghĩa là cái đạo Thiên chúa ngày hôm qua của nhà ngươi cũng như thứ triết học xưa kia ngươi vẫn cho phép tin vào thần Mercurơ ư?

– Bao giờ tôi cũng tin vào cái cần tin, đó chính là triết lý của tôi thứ triết lý hẳn là rất hợp gu thần Mercurơ. Nhưng tiếc thay, thưa quý ngài, như các quý ngài đã biết đó là một vị thần quá chừng đa nghi. Thần không chịu tin vào lời hứa dù là lời hứa của những bậc triết gia trong sạch nhất, thần muốn trước tiên phải nhận được lũ chiên đã mà đó lại là một món chi khổng lồ. Không phải ai cũng được như Xeneka cả, tôi không thể làm nổi chuyện đó, song nếu như ngài Vinixius cao quý đây vui lòng… trong số tiền mà ngài hứa với tôi… một chút ít gì đó…

– Không một xu nào hết(1), Khilon! – Petronius nói – Không một xu nào hết! Lòng hào phóng của ngài Vinixius sẽ vượt qua niềm hy vọng của nhà ngươi, nhưng chỉ khi nào Ligia được tìm thấy, nghĩa là khi nào nhà ngươi chỉ cho chúng ta thấy được chổ nàng ẩn náu mà thôi. Thần Mercurơ đành phải cho ngươi tạm nợ lại hai con chiên vậy thôi, mặc dù nói thực ra, ta hoàn toàn không ngạc nhiên là thần sẽ không hề muốn chuyện ấy tí nào và ta cũng thừa nhận là trong việc ấy thần vô cùng sáng suốt.

– Thưa các quý ngài, xin hãy nghe tôi thưa chuyện. Điều phát hiện của tôi thật là to lớn, và mặc dù cho tới nay tôi chưa tìm ra được nàng trinh nữ, song tôi đã tìm được con đường để tìm thấy nàng. Chính các ngài đã phái bọn nô lệ và nô lệ được giải phóng đi khắp thành phố cùng làng quê, song đã có kẻ nào trong bọn chúng mang về cho các ngài chút dấu vết gì chưa? Chưa! Chỉ mỗi mình tôi là người đã mang tới cho các ngài! Tôi xin nói rõ hơn. Trong đám nô lệ của các ngài rất có thể có cả bọn tín đồ Thiên chúa giáo mà các ngài không hề hay biết, vì thứ tà giáo này đã lan tràn khắp nơi. Bọn này thay vì giúp đỡ đã phản bội các ngài. Thậm chí ngay việc bọn chúng trông thấy tôi ở đây cũng là chuyện không hay rồi, vì vậy, thưa ngài Petronius tôn kính, xin ngài hãy ra lệnh cho Eunixe im lặng, còn ngài, thưa ngài Vinixius rất đỗi thanh cao, xin ngài hãy phao tin rằng tôi đã mang đến bán cho ngài thứ dầu xoa bảo đảm là lũ ngựa được cuộc trong hý trướng..Chỉ một mình tôi tự tìm kiếm và tôi sẽ tìm ra những kẻ chạy trốn, xin các ngài hãy tin tôi và hãy biết cho, rằng nếu tôi có nhận được trước chút ít gì, thì cái đó cũng chỉ động viên tôi thêm, vì như thế tôi sẽ luôn luôn trông chờ nhiều hơn nữa, và cái đó sẽ khiến tôi càng tin chắc rằng phần thưởng được hứa sẽ không bỏ qua tôi. Ôi, chính thế đấy! Vốn là một triết gia, tôi phỉ báng đồng tiền, mặc dù đến Xeneka, thậm chí cả Muzonius hay Kornutux, cũng không hề coi rẻ chúng mà bọn họ thì không hề bị mất một ngón tay nào trong khi đứng ra bảo vệ người khác ấy vậy mà chính họ lại được viết tên mình để có thể lưu truyền lại cho cháu con. Ngoài tên nô lệ mà tôi định mua, ngoài thần Mercurơ mà tôi đã hứa dâng lũ chiên con (các ngài cũng biết là súc vật bây giờ cao giá lắm), chỉ tính riêng việc tìm kiếm thôi cũng kéo theo vô số món chi rồi. Xin các ngài hãy kiên nhẫn lắng nghe tôi. Đấy, chỉ trong vòng có mấy ngày vừa rồi thôi mà chân tôi đã bật móng vì phải đi lại liên tục. Tôi phải tới các quán rượu nho để trò chuyện với mọi người, phải tới gặp bọn chủ lò bánh, chủ lò sát sinh, đến những người bán dầu ô liu, đến gặp dân đánh cá. Tôi phải chạy quanh khắp lượt các đường phố và ngõ ngách, tôi đã tìm tới những chổ ấn náu của bọn nô lệ bỏ chủ trốn, tôi đã chịu thua gần khoảng một trăm đồng ax vào trò đoán ngón tay ăn tiền, tôi đã phải lần mò tới các nhà giặt, nhà phơi, nhà bếp, tiệm ăn, tôi đã phải gặp bọn đánh la cùng với những người điêu khắc, tôi cũng đã phải gặp các thầy lang chuyên trị bệnh phỏng rạ và nhổ răng, tôi đã phải trò chuyện với những người buôn vải khô, đã tới tận các nghĩa địa. Các ngài có biết để làm gì không? Chính là để vẽ khắp mọi nơi hình con cá, nhìn thẳng vào mắt người ta và nghe những gì người ta nói về cái dấu hiệu ấy. Suốt một thời gian dài tôi không hề nhận thấy một điều gì đáng chú ý cả, mãi cho tới khi tôi lưu ý tới một lão già nô lệ đứng bên đài nước phun, lão vừa dùng gầu kéo nước vừa khóc. Tôi bèn tiến lại gần lão và hỏi nguyên do. Và khi cùng ngồi với nhau trên các bậc thềm đá của đài nước phun, lão kể với tôi rằng suốt đời lão gom góp cóp nhóp từng xecleti hòng chuộc lại đứa con trai yêu dấu, nhưng ông chủ anh ta, một ông Panxa nào đó, khi trông thấy số tiền, liền cướp trắng của lão; còn con lão thì vẫn phải tiếp tục sống trong vòng nô lệ, “Tôi khóc – lão nói – vì mặc dù tôi cứ lặp đi lặp lại: “Xin ý muốn của Thượng Đế hãy được thực hiện”, mà tôi, kẻ có tội khốn khổ này, vẫn không sao cầm được nước mắt” Khi ấy nhờ linh cảm mách bảo, tôi bèn chấm tay vào gầu nước và vẽ lên một con cá, lão ta bèn đáp: “Tôi cũng hy vọng vào đấng Crixtx”. Tôi hỏi: “Ông có thể nhận ra tôi qua dấu hiệu này chăng!” Lãp đáp: “Chính vậy, cầu cho bằng an hằng ở cùng ngài”. Thế là tôi bắt đầu kéo lưỡi lão ta và lão già chất phác phun ra tất cả. Chủ của lão ta, cái tay Panxa nọ, lại chính là một nô lệ được giải phóng của ngài Panxa vĩ đại, chuyên vận chuyển đá theo đường sông Tyberơ tới Roma, đá này được bọn nô lệ và lũ người làm thuê khuân từ bè lên bờ, mang tới những ngôi nhà đang xây vào lúc ban đêm, để ban ngày khỏi làm cản trở việc đi lại trong thành phố. Trong bọn chúng có nhiều tín đồ Thiên chúa cùng làm việc, cả con trai của lão nữa, song đó là việc nặng quá sức người, nên lão muốn chuộc anh ta ra. Thế nhưng cái tay Panxa thì lại muốn vừa được tiền vừa được nô lệ kia. Nói thế xong lão lại khóc, còn tôi cũng hòa mình vào nước mắt của lão, điều này tôi làm được dễ dàng vì trái tim tôi vốn tốt lành và cũng vì tôi đang bị đau đớn bởi những chổ phồng rộp ở chân do đi lại quá nhiều. Tôi nói là tôi vừa từ Neapolix tới được vài ngày nay, rằng tôi không quen biết ai trong anh em họ đạo, tôi không rõ họ tụ họp ở đâu để cùng nhau cầu nguyện. Lão ta ngạc nhiên là những người Thiên chúa giáo Neapolix không gửi tôi mang thư tới cho những người anh em Roma, song tôi bảo với lão rằng tôi bị mất trộm thư ở dọc đường. Thế là lão ta bảo tôi đến đêm cứ ra sông lão sẽ giới thiệu tôi với những người anh em, họ sẽ đưa tôi đến các nhà nguyện và tới các bậc cao đạo đảm trách cụm đạo Thiên chúa ở đây. Nghe nói thế tôi mừng rỡ đến nổi đưa ngay cho lão số tiền cần thiết để lão có thể chuộc đứa con, với niềm hy vọng rằng ngài Vinixius tuyệt vời hảo tâm đây sẽ hoàn lại cho tôi gấp bội…

– Này Khilon – ông Petronius ngắt lời lão – trong câu chuyện của ngươi, sự dối trá nổi phềnh lên như dầu nổi váng trên mặt nước vậy. Ngươi mang tới một tin quan trọng, điều ấy ta không phủ nhận. Thậm chí ta còn xác nhận rằng một bước dài trên con đường tìm kiếm Ligia đã được thực hiện, nhưng nhà người chớ có pha chế thêm sự dối trá vào những tin tức của nhà ngươi làm chi. Thế cái lão già mà nhờ lão người biết bọn Thiên chúa giáo nhận nhau bằng dấu hiệu con cá đó tên là gì vậy?

– Euryxius, thưa ngài. Quả là một lão già bất hạnh đáng thương. Lão khiến cho tôi nhớ lại thấy thuốc Glaukox, người mà tôi đã bảo vệ chống lại lũ kẻ cướp, và chính điều đó khiến cho tôi động lòng.

– Ta tin là ngươi đã làm quen với lão và ngươi biết lợi dụng sự quen biết ấy, nhưng ngươi không cho lão ta tiền. Ngươi không cho lão một xu nào hết, ngươi hiểu ta chứ? Ngươi không cho lão ta một thứ gì cả!

– Nhưng tôi đã giúp lão kéo được thùng nước lên và lão đã nói về con lão với sự đồng cảm sâu sắc nhất. Vâng, thưa ngài! Có gì có thể giấu được sự tinh tường của ngài Petronius? Quả thực tôi không cho lão ta tiền nhưng chỉ trong tâm tưởng, trong ý nghỉ, điều mà có lẽ hoản toàn đủ dùng cho lão, giả như lão là một triết gia chân chính… Còn sở dĩ tôi cho lão, vì xem rằng hành động đó là có lợi và cần thiết, vì xin ngài hãy nghĩ mà xem nó có thể khiến tôi đây chiếm được ngay lập tức cảm tình của tất cả bọn Thiên chúa giáo, nó mở ra một sự khởi đầu và gây cho chúng lòng tin đến thế nào.

– Đúng thế – Petronius nói – lẽ ra ngươi phải thực hiện điều đó rồi mới phải chứ.

– Chính vì vậy tôi mới đến đây để có thể thực hiện được điều đó.

Petronius quay sang Vinixius:

– Hãy ra lệnh tính cho y năm nghìn xexlecxi, nhưng chỉ đếm trong tâm tưởng, trong ý nghỉ mà thôi,…

Song Vinixius đã bảo:

– Ta sẽ cho ngươi một tên tiểu đồng, nó sẽ mang theo số tiền cần thiết, còn ngươi thì hãy nói với Euryxius rằng thằng bé là nô lệ của ngươi, đồng thời ngươi đếm tiền giao cho lão trước mặt của thằng bé. Vì ngươi đã mang đến một tin quan trọng nên về phần mình ngươi cũng nhận được thêm đúng ngần ấy tiền nữa. Tối nay ngươi hãy tới đây nhận tiền và nhận thằng bé.

– Đó mới thật là một bậc đế vương! – lão Khilon kêu lên – Thưa ngài, xin ngài hãy cho phép tôi được đề tặng ngài tác phẩm của tôi, song cũng xin ngài hãy cho phép tôi tối nay chỉ tới để nhận tiền thôi, vì lão Euryxius bảo rằng người ta đã bốc hết hàng trên các bè và vài ngày nửa người ta mới kéo những chiếc bè mới từ Oxtia tới. Cầu cho bằng an hằng ở cùng các ngài! Dân Thiên chúa giáo thường từ biệt nhau như thế đấy ạ… Tôi sẽ mua cho mình một ả nô tỳ, à nghĩa là tôi muốn nói một thằng nô lệ! Cá thì cắn câu, còn bọn Thiên chúa giáo thì bám vào cá! Pax pobiscum! Pax!… Pax!… Pax!… (2)

Chú thích:

(1) Nguyên văn: Không một obon nào hết!

(2) Bằng an được cùng người (La tinh).

Bình luận