Petronius gửi Vinixius:
“Carissime, xin anh hãy thương tình, trong thư xin đừng bắt chước người Laxedemon, cũng chớ lặp lại theo Julius Cezar. Giá như anh có thể viết giống như ông ấy: veni, vidi, vici(1) thì cậu còn khả dĩ có thể hiểu được. Nhưng bức thư của anh lại hoàn toàn có nghĩa là: veni, vidi, fugi(2): song le cái kết cục nọ ngược hẳn với bản tính của anh, rồi anh lại bị thương, và cuối cùng là đang có những chuyện dị thường xảy đến với anh, nên bức thư của anh đòi hỏi phải có những lời giải thích ngoài rìa. Cậu không tin vào mắt mình khi đọc rằng anh chàng xứ Ligi nọ bóp chết tươi Kroton dễ dàng đến thế, cứ như con chó xứ Kaleđoni cắn chết tươi con sói trong những khe núi xứ Hibernia vậy. Người ấy cân nặng bao nhiêu thì đáng giá bấy nhiêu vàng đấy, nếu anh ta muốn thì sẽ trở thành người được Hoàng đế sủng ái ngay thôi. Khi trở về thành đô cậu phải làm quen với anh ta và cho đúc tượng anh chàng mới được. Gã Râu Đỏ hẳn phải uất người lên vì tò mò nếu cậu bảo cho y biết pho tượng đó đúc theo người thật. Những thân hình thực sự lực sĩ ngày càng hiếm hơn, cả ở Italia lẫn ở Hi Lạp, ở phương Đông chẳng cần nói tới làm gì, còn người German thì mặc dù to lớn đấy nhưng các bắp thịt lại lắm mỡ, nhiều vóc dạng hơn sức lực… Anh hãy hỏi cô nàng Ligia xem, có phải anh chàng đó chỉ là một ngoại lệ, hay ở xứ sở của anh ta còn nhiều người giống thế nữa. Bởi vì cũng sẽ đến lúc tới lượt anh hoặc cậu phải tổ chức hội thi thế vận, nên tốt hơn cả, ta nên biết trước ở đâu có thể tìm được những thân hình tuyệt mỹ.
Tuy thế, cậu cũng xin cảm tạ các vị thần phương Đông và phương Tây, rằng anh đã thoát ra khỏi đôi cánh tay như thế mà vẫn còn nguyên mạng sống. Anh thoát được chắc chỉ vì anh là một trang quý tộc, lại là con đẻ của một vị chấp chính quan tối cao; tuy nhiên tất thảy những gì anh gặp phải đều khiến cho cậu vô cùng kinh ngạc: cả cái nghĩa địa, nơi anh đã đến giữa các tín đồ Thiên chúa lẫn chính bản thân bọn họ, cả cách đối xử của họ với anh lẫn cuộc trốn chạy của cô nàng Ligia, và rốt cuộc, cả nỗi buồn và sự bất an phảng phất toát ra từ bức thư ngắn ngủi của anh nữa. Hãy giải thích cho cậu rõ, bởi vì có nhiều điều cậu không hiểu, còn nếu anh muốn biết sự thật thì cậu xin nói toạc ra rằng cậu không thể hiểu nổi cả đám tín đồ Thiên chúa, cả anh lẫn cô nàng Ligia. Và xin anh cũng chớ lấy làm ngạc nhiên, tại sao cậu – người vốn ít quan tâm đến mọi chuyện trên đời ngoài bản thân mình – lại hỏi anh tỉ mỉ đến thế. Chính cậu đã góp phần vào tất cả những chuyện vừa xảy ra, nên vô hình chung, đó trở thành việc của cậu. Anh hãy viết trả lời nhanh chóng nhé, bởi vì cậu cũng không biết chính xác khi nào chúng ta mới được gặp nhau. Những ý định trong đầu óc của gã Râu Đỏ thay đổi nhanh như những trận gió mùa xuân vậy. Hiện giờ, đang ở tại Beneventơ, y muốn đi thẳng sang Hi Lạp và không quay về Roma nữa. Song Tygelinux lại khuyên y nên quay trở về, dù chỉ một thời gian ngắn, bởi lẽ dân chúng quá nhớ nhung con người Hoàng đế (hãy đọc: quá nhớ những trò vui và bánh mì!) rất có thể sẽ nổi loạn chăng. Vậy nên cậu cũng chưa biết sẽ như thế nào. Nếu Akhai nặng đồng cân hơn thì chắc người ta sẽ lại muốn đi Ai Cập. Cậu rất muốn khuyên anh hãy tới đây, vì cậu cho rằng, trong trạng thái tâm hồn hiện nay của anh, việc du ngoạn và những trò tiêu khiển sẽ là một liều thuốc tốt, song le có thể anh sẽ không đến kịp. Tuy vậy, xin anh hãy cân nhắc, xem liệu anh có muốn nghỉ ngơi tại mảnh đất của anh ở Xyxilia hơn ở lại Roma hay chăng. Hãy viết cho cậu thật nhiều về anh, – và xin tạm biệt. Lần này cậu không chúc anh điều gì khác ngoài sức khoẻ, vì thề có Ponlukx, cậu cũng chẳng biết chúc anh điều gì khác cả”.
Nhận được bức thư này, thoạt tiên Vinixius không hề muốn trả lời. Chàng cảm thấy không đáng phải trả lời, việc đó chẳng có ích gì cho ai, chẳng làm sáng tỏ thêm điều gì và cũng chẳng thể giải quyết việc chi. Chàng không thấy hứng thú, chàng bị cái cảm giác về sự vô vị của cuộc đời chế ngự. Bên cạnh đó, chàng cảm thấy dù sao đi nữa, ông Petronius cũng không thể hiểu được chàng, đã xẩy ra một điều gì đó khiến cho họ cách xa nhau vời vợi. Ruột gan chàng cũng đang rối bời. Từ khu Zatybre quay về cái biệt thự tuyệt diệu của mình trên đồi Karyny, chàng hãy còn rất yếu, bị kiệt sức và trong những ngày đầu, chàng dường như hài lòng với việc nghỉ ngơi, với những tiện nghi và sự sung túc vây bọc quanh chàng. Song sự hài lòng ấy kéo dài không lâu. Ngay sau đó, chàng cảm thấy mình sống vô vị, tất thẩy những gì cho tới nay vẫn là lạc thú đối với chàng đã trở nên hoặc hoàn toàn không tồn tại hoặc đã co rút lại đến khó lòng nhận ra nổi. Chàng có cảm giác như những sợi dây lòng cho đến nay vẫn nối chàng với cuộc đời đã bị đứt tung, mà chưa có dây nào mới thay thế. Chỉ cần nghĩ đến việc mình có thể đi Beneventơ, rồi sau đó tới Akhai và chìm ngập vào cuộc sống khoái lạc với những trò vui điên loạn, chàng đã cảm thấy buồn nôn rồi. “Để làm gì kia chứ? Cái đó mang lại gì cho ta?” Đó là những câu hỏi đầu tiên nẩy ra trong óc chàng. Cũng lần đầu tiên trong đời, chàng chợt nghĩ, rằng nếu chàng có đi chăng nữa, thì những câu chuyện của ông Petronius, tính hài hước, sự nhanh trí của ông, sự diễn đạt một cách trang nhã những ý nghĩ của ông, và việc lựa chọn những ngôn từ xác đáng nhất cho những tư tưởng của ông – cũng khiến cho chàng chán ngán.
Nhưng mặt khác, nỗi cô đơn cũng đã khiến cho chàng buồn chán. Tất thẩy những người quen của chàng đang mải vui chơi cùng Hoàng đế ở Beneventơ, khiến chàng phải ngồi nhà một thân một mình, với cái đầu chật căng suy tư và trái tim tràn ngập tình cảm, những tình cảm mà chàng không sao hiểu thấu. Cũng có nhiều khi chàng cho rằng, nếu được trò chuyện cùng ai đó về tất cả những gì đang diễn ra trong lòng hẳn chàng sẽ có thể phần nào nắm bắt được chúng, sắp xếp lại và có thể hiểu rõ chúng hơn. Với niềm hi vọng ấy, sau vài ngày do dự, chàng quyết định dẫu sao cũng nên trả lời ông Petronius, và mặc dù vẫn không biết chắc mình có gửi bức thư trả lời cho ông hay không, chàng vẫn viết những dòng sau đây:
“Cậu muốn cháu viết thật nhiều, vậy cháu xin đồng ý, không rõ liệu cháu có viết được sáng tỏ hay chăng, bởi vì chính bản thân cháu cũng không thể lý giải nổi nhiều điều mắc mứu. Cháu đã bảo cho cậu biết việc cháu sống với những người Thiên chúa giáo, về cách họ đối xử với kẻ thù (họ có quyền liệt cả cháu lẫn lão Khilon vào loại đó), cũng như về tấm lòng nhân hậu mà cháu đã được hưởng khi được họ chăm nom săn sóc, và về việc Ligia lại biến mất. Không đâu, thưa cậu thân yêu, cháu được sống sót không phải vì cháu là con của một vị chấp chính quan. Đối với họ không hề tồn tại những sự phân biệt đối xử như thế. Họ còn tha thứ được cho cả lão Khilon, mặc dù chính cháu đã khuyên họ nên đào hố chôn lão ngoài vườn. Đó là những con người mà thế giới chưa từng được thấy, là một giáo thuyết mà cho tới nay thế giới chưa từng được nghe đến. Cháu không thể nói gì khác hơn với cậu, nhưng bất cứ kẻ nào muốn đo họ bằng cái thước đo của chúng ta đều sai cả. Cháu xin nói với cậu rằng giá như cháu có bị gẫy tay nằm ngay tại nhà mình, được gia nhân hoặc thậm chí người thân chăm sóc, thì hẳn cháu có nhiều tiện nghi đầy đủ hơn, nhưng sẽ không được nhận lấy một nửa sự âu yếm mà cháu đã nhận được ở họ. Cậu nên biết rằng Ligia cũng giống như họ. Giá như nàng có là em gái hay vợ cháu, chắc nàng cũng không thể chăm sóc cháu ân cần hơn được. Hơn một lần, niềm vui sướng đã tràn ngập trái tim cháu, bởi vì cháu cứ ngỡ rằng, chỉ có tình yêu mới cho người ta có được sự ân cần nhường ấy. Hơn một lần, cháu ngỡ đọc thấy ái tình trên nét mặt và trong ánh mắt của nàng, và những khi ấy, không biết cậu có tin nổi hay chăng, giữa những con người cục mịch nọ, trong cái căn phòng nghèo nàn kia, căn phòng vừa là nhà bếp vừa là phòng ăn của họ – cháu đã cảm thấy mình hạnh phúc hơn bao giờ hết. Không, cháu không vô tình với nàng đâu thưa cậu, và cho tới hôm nay cháu cũng vẫn không thể nghĩ khác được. Ấy thế mà chính nàng Ligia ấy lại giấu cháu mà rời bỏ nhà bà Miriam. Giờ đây, suốt ngày dài đằng đẵng, cháu ngồi nhà, tựa đầu vào hai cánh tay, nghĩ mông lung xem vì sao nàng lại hành động như vậy. Có phải cháu đã viết cho cậu hay rằng chính cháu đã tự nguyện hứa sẽ trả nàng về với gia đình ông bà Aulux? Nàng nói với cháu rằng điều đó không thể thực hiện được, vì gia đình nhà ông Aulux đã đi Xyxilia, và cũng vì rằng tin tức sẽ truyền từ nhà này sang nhà khác đến tận cung điện Palatyn qua miệng bọn nô lệ. Hoàng đế rất có thể sẽ lại cướp nàng ra khỏi tay ông bà Aulux. Đúng thế! Tuy nhiên nàng cũng hiểu rằng cháu sẽ không theo dõi nàng nữa, rằng cháu đã vứt bỏ con đường dùng sức mạnh, và vì không thể thôi yêu nàng, không thể sống thiếu nàng, cháu sẽ rước nàng về nhà cháu qua cửa chính kết đầy hoa lá, mời nàng ngồi vào tấm da danh dự bên lò sưởi… Ấy thế mà nàng lại bỏ đi! Vì sao cơ chứ? Nào còn có gì đe doạ nàng nữa đâu? Nếu nàng không yêu cháu, nàng có thể từ bỏ cháu kia mà! Một ngày trước đó, cháu được làm quen với một con người kỳ lạ, một người tên là Paven xứ Tarxu, ông ta trò chuyện với cháu về Đấng Crixtux và học thuyết của Người. Ông ta nói hùng hồn đến nỗi cháu có cảm giác như mỗi lời ông ta nói vô hình chung đã phá nát tất thẩy nền móng cái thế giới của chúng ta. Cũng chính con người ấy đã tới thăm cháu khi nàng bỏ đi và bảo cháu rằng: “Khi nào Đức Chúa mở mắt cho anh thấy ánh sáng và tháo bỏ lớp màng che mắt anh như Người đã tháo cho tôi, thì anh sẽ cảm thấy rằng cô gái đã hành động đúng, và khi ấy anh sẽ tìm được cô ta”. Cháu đang vò đầu bứt tai suy nghĩ những lời này, như thể cháu được nghe từ miệng Pytia xứ Đenphơ vậy. Đôi khi cháu ngỡ mình đã hiểu ra được một điều gì đấy. Yêu thương mọi người, bọn họ là kẻ thù của cuộc sống chúng ta, kẻ thù các vị thần của chúng ta và… những tội ác của chúng ta, vậy nên nàng đã trốn tránh cháu như trốn tránh một con người thuộc về thế giới này, kẻ mà nhẽ ra nàng phải cùng chia xẻ cái cuộc sống được những người Thiên chúa giáo xem là phạm tội. Hẳn cậu sẽ nói rằng nếu nàng có thể rời bỏ cháu thì nàng không cần phải trốn tránh làm chi. Nhưng nếu nàng cũng lại yêu cháu thì sao? Khi ấy, nàng muốn trốn tránh tình yêu! Chỉ nghĩ tới điều đó thôi, cháu đã muốn phái ngay bọn nô lệ đi khắp hang cùng ngõ hẻm của thành Roma, lệnh cho chúng gào to lên với tất cả mọi nhà: “Hỡi nàng Ligia, hãy quay về đi thôi!”. Song le, cháu không hiểu rõ vì sao nàng lại hành động như thế. Thậm chí, cháu sẽ không hề cấm đoán nàng tin vào đấng Crixtux của nàng, và chính tự tay cháu sẽ lập bàn thờ Người ngay trong gian chính sảnh kia mà. Thêm một vị thần nữa có hại gì cho cháu đâu cơ chứ, tại sao cháu lại không thể tin ông ta một khi cháu vốn không mấy tin các vị thần cũ? Cháu biết chắc rằng những người Thiên chúa giáo không bao giờ nói dối, ấy thế mà chính họ lại nói rằng Chúa của họ đã từng chết đi rồi lại sống trở dậy. Đã là con người thì đâu có thể làm nổi chuyện đó. Ông Paven xứ Tarxu là công dân La Mã nhưng gốc là người Do Thái, hiểu biết các sách cổ Hebrai, nói với cháu rằng việc Đấng Crixtux giáng sinh đã được các bậc tiên tri loan báo từ hàng nghìn năm trước. Tất thảy những chuyện đó đều dị thường cả, song le, phải chăng sự dị thường không ở quanh chúng ta, khắp mọi phía? Đấy, người ta vẫn chưa thôi bàn tán về Apolonius xứ Tania kia thôi. Điều ông Paven khẳng định rằng không hề có một đàn một lũ các vị thần, chỉ có một vị duy nhất mà thôi – đối với cháu có vẻ cũng hợp lẽ thôi. Hình như cả đến ngài Xeneka cũng có ý kiến như vậy và trước ngài còn có nhiều người khác nữa cũng thế. Chúa Crixtux đã sống, đã để cho người ta đóng đinh lên thập tự nhằm chuộc tội cho thế gian và rồi lại phục sinh. Tất thẩy những điều ấy hoàn toàn chắc chắn, cháu không hề thấy có lý do gì khiến cháu cứ khăng khăng giữ ý kiến ngược lại hoặc không lập bàn thờ Chúa trong khi – nói thí dụ – cháu sẵn sàng lập bàn thờ, Xerapis. Thậm chí, cháu hoàn toàn có thể từ bỏ các vị thần cũ không mấy khó khăn, bởi vì nói cho đúng ra thì bất kỳ kẻ nào có đầu óc minh mẫn đôi chút cũng chẳng hề tin các vị thần ấy cơ mà. Song hình như đối với người Thiên chúa giáo, tất thẩy những chuyện ấy cũng hãy còn chưa đủ. Không những phải thờ phụng Chúa Crixtux mà cần phải sống theo giáo thuyết của Chúa nữa, và mãi đến chỗ này thì ta dường như bị đặt đứng trên bờ biển, cái biển mà người ta đòi hỏi phải đi bộ lội qua. Nếu cháu có hứa với họ sẽ làm điều ấy đi nữa thì chính họ cũng sẽ cảm thấy đó chỉ là những lời nói trống rỗng thoát ra từ cổ họng cháu mà thôi. Ông Paven đã nói thẳng với cháu như vậy. Cậu đã biết cháu yêu Ligia đến mức nào, cậu hẳn biết rằng không có điều gì cháu không làm vì nàng. Nhưng cháu đâu thể vì nàng đòi hỏi mà nhấc bổng ngọn núi Xorakte hay núi Vezuvius lên vai, đâu thể đặt cả cái hồ Trazymeni vào lòng bàn tay, đâu thể làm đổi màu mắt cháu từ đen sang xanh như mắt những người Ligi được. Nếu nàng yêu cầu, chắc chắn cháu sẽ rất muốn làm đấy, nhưng những điều đó không nằm trong phạm vi khả năng của cháu. Cháu không phải là triết gia, nhưng cháu cũng đâu quá ngốc nghếch như nhiều khi cậu tưởng. Cháu xin thưa cùng cậu thế này: cháu không rõ những người Thiên chúa giáo xoay sở ra sao để sống, nhưng cháu biết rằng nơi nào giáo thuyết của họ bắt đầu, nơi ấy sẽ chấm dứt sự chuyên quyền của La Mã, sẽ kết thúc La Mã, chấm hết đời sống, không còn có sự khác biệt giữa kẻ bị chiến thắng và người chiến thắng, kẻ giàu và người nghèo, ông chủ và nô lệ, chấm hết cường quyền, chấm hết Hoàng đế, luật pháp và toàn bộ trật tự hiện hữu của thế giới này, thay vào đó sẽ là Đức Chúa Crixtux, sẽ là một sự từ bi chưa từng có, sẽ là một tấm lòng nhân hậu trái ngược với những bản năng của con người và của dân La Mã chúng ta. Thực ra cháu quan tâm đến Ligia nhiều hơn toàn cõi La Mã cùng sự ngự trị của nó, cứ mặc cho nó sụp đổ đi, chỉ cần cháu có được nàng trong vòng tay là đủ. Nhưng đó lại là chuyện khác mất rồi. Đối với họ, những người Thiên chúa giáo, đồng ý bằng lời thôi chưa đủ, còn cần phải cảm nhận được rằng chính thế mới là tốt và trong lòng không được có một thứ gì khác nữa. Còn cháu – xin các vị thần chứng giám cho – cháu không thể! Cậu có hiểu điều đó nghĩa là thế nào không? Trong bản thân con người cháu có một cái gì đó bỉ báng khinh khi cái học thuyết này, dù miệng cháu có ca ngợi nó, dù cháu cố gắng tuân theo những quy chế của nó, song tâm hồn và trí óc cháu vẫn nói với cháu rằng cháu chỉ làm điều ấy vì tình yêu đối với Ligia mà thôi, còn nếu như không có nàng trên đời, thì không có điều gì trái ngược với con người cháu hơn là học thuyết đó. Và kỳ lạ biết bao, cái ông Paven xứ Tarxu cũng hiểu được chuyện ấy. Hiểu được chuyện đó còn có một người thần thuật tuổi tác, người cao niên nhất trong các tín đồ Thiên chúa giáo, đó là ông Piotr, nguyên là học trò của Đấng Crixtux, mặc dầu ông rất mộc mạc và xuất thân hèn kém. Thế mà cậu có biết hai ông đã làm gì không? Họ cầu nguyện cho cháu, họ xin cho cháu được hưởng thứ mà họ gọi là ân phước, ấy vậy mà đến với cháu chỉ có nỗi bất an và lòng mong nhớ Ligia mỗi lúc một lớn lên mà thôi.
Cháu đã kể cho cậu rằng nàng bí mật rời đi, nhưng khi ra đi, nàng để lại cho cháu một cây thánh giá tự tay nàng làm lấy bằng những cành hoàng dương. Tỉnh dậy, cháu thấy nó ở cạnh giường. Hiện giờ, cháu để vật ấy trên bàn thờ gia thần và chính cháu cũng không rõ vì sao cứ đến gần nó là cháu lại cảm thấy kinh sợ, dường như trong đó có chứa chất một thứ gì thần thánh vậy. Cháu yêu vật ấy, bởi vì chính tay nàng đã làm ra nó, nhưng cháu căm ghét nó, bởi nó chia cắt cháu với nàng. Nhiều lúc cháu cảm thấy như có bùa phép gì đó trong tất thẩy những chuyện này, rằng vị thần thuật Piotr nọ – mặc dù như người ta đồn chỉ là một ngư ông chất phác – còn vĩ đại hơn cả Apolonius, vĩ đại hơn hết thảy các bậc tiền nhân trước ông ta, chính ông ta đã gắn bó tất cả các tín đồ Thiên chúa lại với nhau, cả Ligia, cả bà Pomponia lẫn chính bản thân cháu nữa.
Cậu có biết rằng bức thư trước của cháu phảng phất nỗi buồn và sự bất an. Buồn là phải, bởi vì một lần nữa cháu lại để mất nàng, còn bất an, bởi vì trong lòng cháu có điều gì đó đang đổi thay. Xin thưa thật với cậu, không có gì trái ngược với bản tính của cháu hơn cái học thuyết kia, nhưng kể từ khi quen biết nàng, cháu không còn hiểu nổi bản thân cháu nữa. Bùa phép hay ái tình đây?… Tiên nữ Kirke biến hoá thân thể con người bằng cách chạm cái đũa vào họ, còn cháu thì bị thay đổi cả linh hồn kia! Có lẽ chỉ mỗi mình nàng Ligia có thể làm được điều ấy, nói đúng hơn, nàng Ligia thông qua cái giáo thuyết kỳ lạ mà nàng được giác ngộ. Khi cháu rời họ quay về nhà, không một ai ngờ cháu trở về cả. Mọi người tưởng cháu đang còn ở Beneventơ và còn lâu lắm mới trở về, cho nên cháu được thấy cả một cảnh hỗn loạn ở trong nhà, những tên nô lệ đang say khướt, và một bữa tiệc mà bọn chúng bày ra khao nhau ngay trong phòng tiệc của cháu. Đối với bọn chúng, tử thần còn ít bất ngờ hơn và ít làm bọn chúng kinh hoàng hơn là sự xuất hiện của cháu. Cậu đã biết cháu duy trì nhà cháu bằng bàn tay cứng rắn như thế nào rồi đấy. Tất cả chúng nó đều quỳ sụp ngay xuống, một vài đứa ngất đi vì quá sợ hãi. Còn cháu, cậu có biết cháu đã xử sự thế nào không? Thoạt tiên cháu muốn dùng đến đòn roi và sắt nung đỏ, nhưng ngay sau đó, cháu bỗng cảm thấy xấu hổ và – cậu có tin hay không – cháu thấy thương thương những kẻ khốn khổ ấy, trong bọn có những lão nô già nua tuổi tác mà hồi mồ ma ông nội M. Vinixius của cháu – từ thời hoàng đế Auguxt đã được mang từ xứ sông Ranh về đây. Cháu đóng cửa ngồi một mình trong thư viện, và ở đó, những ý nghĩ còn lạ lùng hơn nữa chợt hiện đến trong đầu óc cháu. Cháu nghĩ rằng sau những gì cháu đã được nghe được thấy ở nhà những người Thiên chúa giáo, cháu không nỡ lòng nào đối xử với nô lệ như từ trước đến nay, vì dù sao bọn chúng cũng vẫn là những con người. Suốt mấy ngày liền bọn chúng sợ chết khiếp vì cho rằng cháu còn chưa ra tay hẳn là để nghĩ ra một hình phạt thảm khốc hơn. Song cháu đã không hề trừng phạt chúng, bởi vì cháu không thể nào trừng phạt chúng. Ngày thứ ba, cháu cho gọi bọn chúng đến và bảo: “Ta tha tội cho các người, còn các người hãy cố gắng phục vụ thật mẫn cán để chuộc lại lỗi lầm!”. Nghe thấy thế, bọn họ liền quỳ sụp xuống, nước mắt ràn rụa kêu lên, hai tay vươn ra, gọi cháu là ông chủ, là cha đẻ, còn cháu – thật hổ thẹn nói điều này với cậu – cháu cũng xúc động. Cháu ngỡ như chính trong giây phút ấy, cháu trông thấy khuôn mặt ngọt ngào của Ligia và đôi mắt nhoà lệ của nàng đang cảm ơn cháu vì hành vi ấy. I pro pudor…! Cháu cảm thấy mắt cháu cũng nhoà lệ… Cậu ơi, xin thú thật cùng cậu, cháu không thể sống thiếu nàng, cháu khổ lắm khi phải cô đơn một thân một mình, cháu là một kẻ bất hạnh, nỗi đau buồn của cháu lớn hơn cậu tưởng… Riêng về đám nô lệ của cháu thì còn chuyện này nữa. Sự tha thứ mà chúng nhận được không những không làm chúng thêm táo tợn, không những làm kỷ luật thêm lỏng lẻo mà ngược lại, chưa bao giờ nỗi sợ hãi lại có thể khiến chúng phục dịch tận tuỵ như lòng biết ơn đã khiến chúng phục dịch. Không những chỉ phục dịch, mà hình như chúng đua nhau đoán trước từng ý của cháu. Cháu kể cho cậu điều ấy, bởi vì một ngày trước hôm rời những người Thiên chúa giáo, cháu đã nói với ông Paven rằng, do có học thuyết của ông, thế giới này sẽ vỡ tung ra như một chiếc thùng mất đai, còn ông ta thì bảo cháu rằng: “Tình yêu là vành đai mạnh hơn sự khiếp sợ”. Giờ đây cháu thấy rằng trong một số trường hợp nhất định, câu nói ấy có thể đúng. Cháu cũng đã kiểm tra điều đó trong quan hệ với các vị khách, những kẻ hay tin cháu về vội vàng chạy tới để thăm hỏi. Cậu biết đấy, cháu không bao giờ quá hà tiện đối với bọn họ, nhưng về nguyên tắc, cha cháu thường đối xử với họ một cách ngạo mạn và người đã dạy cháu quen với phong cách cư xử như thế. Vậy mà giờ đây, khi nhìn thấy những tấm áo khoác sờn rách và những bộ mặt ốm đói, cháu lại cảm thấy có cái gì đó như là thương hại. Cháu ra lệnh mang cho bọn họ thức ăn, cháu trò chuyện với họ, gọi tên một vài người, hỏi thăm vợ con một vài người khác, và thế là cháu trông thấy trong mắt họ long lanh những giọt lệ, hơn nữa cháu lại ngỡ như thấy Ligia đang vui sướng và khen ngợi. Không biết đầu óc cháu đã bắt đầu quẫn hay chưa, nhưng lúc nào cháu cũng cảm thấy nàng đang nhìn cháu từ một chốn xa xôi, cháu e làm một điều gì đó có thể khiến nàng buồn phiền, một điều gì có thể xúc phạm nàng. Đúng thế, thưa cậu! Tâm hồn cháu đã bị thay đổi, đôi khi cháu cảm thấy dễ chịu vì điều đó, đôi khi cháu lại bị chính điều đó giày vò, cháu sợ mình sẽ bị tước đi cả lòng can đảm và nghị lực ngày trước, sợ cháu không còn năng lực để phân xử, khuyên giải hay dự yến tiệc, thậm chí không còn năng lực để chiến đấu nữa. Hẳn đây là bùa mê thuốc lú mất rồi! Cháu đã bị biến đổi quá mức. Xin thổ lộ cùng cậu điều cháu nghĩ trong lúc đang còn nằm liệt giường: nếu như Ligia cũng giống như Ligiđia, như Poppea, Kryxpinila hay các mụ ly dị chồng của chúng ta, nếu như nàng cũng dung tục như thế, cũng buông tuồng như thế, hẳn cháu cũng không yêu nàng đắm say như cháu đang yêu. Nhưng một khi cháu yêu nàng vì chính cái điều đang làm chúng cháu bị chia ly, thì chắc cậu cũng đoán được sự hỗn loạn nảy sinh trong lòng cháu, hẳn cậu cũng đoán được cháu đang sống trong cảnh tối tăm biết chừng nào: cháu không nhìn thấy trước mắt mình một con đường nào chắc chắn, cháu không biết nên làm gì nữa cả. Nếu có thể so sánh cuộc đời với nguồn suối, thì trong suối nguồn của cháu, thay vì nước lại đang tuôn trào những nỗi lo âu phiền muộn. Cháu đang sống bằng niềm hy vọng có thể được gặp nàng, nhiều khi cháu cảm thấy chuyện ấy nhất định sẽ đến… Nhưng cháu không biết điều gì sẽ xảy đến với cháu sau một hay hai năm nữa, cháu cũng chẳng muốn đoán trước làm gì. Cháu không rời Roma đâu! Cháu không chịu đựng nổi việc phải cặp kè với đám sủng thần, hơn nữa ý nghĩ duy nhất an ủi cháu trong nỗi buồn phiền lo lắng hiện nay là cháu đang được ở gần Ligia, rằng qua thầy thuốc Glaukox – người đã hứa sẽ tới thăm cháu, hoặc qua ông Paven xứ Tarxu, thoảng hoặc cháu có thể biết được đôi chút về nàng. Không! Cháu sẽ không rời khỏi Roma, dù người ta có cho cháu được cai trị cả xứ Ai Cập đi chăng nữa. Cậu cũng nên biết rằng cháu đã ra lệnh cho thợ đá tạc bia mộ cho ông lão Gulô, người đã bị cháu giết chết trong cơn cuồng nộ. Thật quá muộn màng khi cháu hiểu ra rằng chính ông lão đã từng bồng bế cháu trên tay, và là người đầu tiên dạy cháu cách đặt mũi tên vào dây cung. Cháu cũng không rõ tại sao giờ này những hồi ức về ông lão lại thức dậy trong lòng cháu, những hồi ức giống như nỗi tiếc nuối và ân hận… Nếu những điều cháu viết có làm cậu ngạc nhiên thì cháu xin nói rằng những điều này cũng khiến cháu ngạc nhiên không kém, nhưng cháu viết cho cậu hoàn toàn là sự thật. Tạm biệt cậu!”
Chú thích:
(1) Câu nói nổi tiếng của J. Xezar: “Ta đến, ta thấy, ta thắng”
(2) Ta đến, ta thấy, ta điên (La tinh)