Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Quo Vadis

Chương 40

Tác giả: Henryk Sienkiewicz

Trong khi ấy tại Anxium, gần như mỗi ngày ông Petronius lại thu được những thắng lợi mới đối với đám cận thần đang giành giật với ông những ân sủng của Hoàng đế. Vai trò của Tygelinux bị sụp đổ hoàn toàn. Hồi còn ở Roma, khi cần phải tiêu diệt những kẻ có vẻ nguy hiểm, cướp đoạt tài sản của họ, giải quyết các vấn đề chính trị, bầy các trò vui khiến người ta sửng sốt bởi sự xa hoa và kém thẩm mỹ, cũng như để thoả mãn những ý thích quỷ quái của Hoàng đế, thì Tygelinux – kẻ vừa tháo vát vừa sẵn sàng làm tất cả mọi chuyện – tỏ ra là một người không thể thiếu được. Nhưng tại Anxium, giữa các toà biệt thự soi mình trong sắc biển xanh, Hoàng đế lại sống cuộc sống kiểu Helena(1). Suốt từ sáng đến đêm, người ta chỉ đọc thơ, nghiền ngẫm cấu trúc và sự trác tuyệt của chúng, tấm tắc tán thưởng những tứ thơ may mắn, người ta chỉ chuyên chú vào âm nhạc, nhà hát; nói tóm lại, chỉ quan tâm đến những gì được vị Hoàng đế thiên tài Hi Lạp kia sáng tạo ra dùng để tô điểm cho cuộc đời mà thôi. Trong những điều kiện như vậy, vốn giàu kiến thức một trời một vực so với Tygelinux và các cận thần khác, lại hài hước, hùng biện, với những xúc cảm và thị hiếu tinh tế, ông Petronius hẳn là phải giành ưu thế. Hoàng đế luôn luôn tìm ở ông một người bạn, luôn hỏi ý kiến và những lời khuyên bảo của ông trong khi sáng tác, và ngài biểu lộ một tình thân ái sôi nổi hơn bao giờ hết. Người chung quanh tưởng rằng rốt cuộc rồi thế lực của ông sẽ giành được thắng lợi cuối cùng, rằng tình thân ái giữa ông và Hoàng đế đã bước vào giai đoạn ổn định và sẽ trường tồn nhiều năm dài. Thậm chí, ngay cả những kẻ trước đây vẫn biểu lộ sự khó chịu đối với vị tín đồ trang nhã này của chủ nghĩa hưởng lạc cũng đã bắt đầu xun xoe săn đón và cầu cạnh sự ưu ái của ông. Nhiều người còn vui mừng một cách thành tâm trước sự giành ưu thế của con người hiểu rõ phải nghĩ về ai điều gì, con người đón nhận lời ca ngợi của kẻ thù hôm trước với một nụ cười hoài nghi, song hoặc do biếng nhác hoặc do quá trang nhã nên chẳng thèm trả thù và không bao giờ lợi dụng thế lực của mình để tiêu diệt hay làm hại người khác. Có những lúc ông đã có thể tiêu diệt Tygelinux, song ông chỉ thích giễu cợt và chế nhạo sự thiếu học thức và sự thô thiển mà thôi. Nguyên lão viện tại Roma thở phào nhẹ nhõm, vì suốt một tháng rưỡi trời nay không có một bản án tử hình nào được phán quyết cả. Thực tình, cả ở Anxium lẫn tại thành đô, người ta có đồn đại những chuyện lạ lùng về sự lọc lõi của Hoàng đế cùng vị sủng thần của ngài trong sự truỵ lạc, song ai cũng muốn được cảm thấy trên đầu mình một vị Hoàng đế còn hơn là một kẻ bị thú vật hoá trong bàn tay của Tygelinux. Bản thân Tygelinux cũng hoang mang do dự, không hiểu đã nên đầu hàng hay chưa, bởi vì Hoàng đế đã nhiều phen tuyên bố rằng toàn cõi La Mã, trong toàn đám triều thần, chỉ có duy nhất hai tâm hồn hiểu được nhau, chỉ có hai người Hi Lạp chân chính – ngài và ông Petronius.

Sự khéo léo đáng kinh ngạc của ông Petronius khiến mọi người tin rằng ảnh hưởng của ông sẽ vượt lên trên mọi ảnh hưởng khác. Họ không sao hình dung nổi thiếu ông thì Hoàng đế sẽ ra sao, ngài biết trò chuyện cùng ai về âm nhạc, thi ca, đua xe, biết nhìn vào mắt ai để xét đoán xem những gì ngài sáng tạo ra có thật sự tuyệt hảo hay không. Riêng ông Petronius, với sự hờ hững thường có, dường như vẫn không để ý gì đến địa vị của chính mình. Như thường lệ, ông vẫn khoan thai, biếng nhác, hài hước và đầy hoài nghi. Nhiều lúc ông gây cho mọi người ấn tượng của một người đang giễu cợt họ, đang giễu cợt chính bản thân ông, giễu cợt cả Hoàng đế và toàn thế giới. Đôi khi ông còn dám cả gan chỉ trích Hoàng đế thẳng thừng, và khi những người khác ngỡ rằng ông đã đi quá xa, thậm chí sắp mất mạng đến nơi, thì ông lại đột ngột biến điều chỉ trích ấy theo cách có lợi cho mình, khiến những kẻ chứng kiến phải kinh ngạc và tin chắc rằng không thể có tình thế nào mà ông không vượt qua nổi để giành thắng lợi. Một lần, khoảng một tuần sau khi Vinixius từ Roma quay về, Hoàng đế đọc một trích đoạn trong bản “Thành Tơroa” của ngài cho một nhóm ít người nghe; khi ngài vừa dứt lời và những tiếng xuýt xoa tán thưởng vừa lặng đi, thì ông Petronius, – được Hoàng đế đưa mắt hỏi – đã lên tiếng:

– Những vần thơ tồi, đáng ném vào lửa.

Tim những người có mặt như ngừng đập vì kinh hoàng. Kể từ thuở ấu thơ Nerô chưa hề nghe ai thốt ra một lời đánh giá như thế bao giờ; riêng gã Tygelinux thì vui mừng ra mặt. Ngược lại, Vinixius tái mặt đi, chàng nghĩ rằng dẫu chưa say bao giờ, nhưng lần này hẳn ông Petronius đã uống say.

Còn Nerô bắt đầu hỏi với giọng ngọt như mật, tuy trong đó đã rung lên thanh âm của lòng tự ái bị tổn thương.

– Người thấy có gì không hay trong đó?

Ông Petronius liền tiến công ngài ngay:

– Xin hoàng thượng chớ có nghe lời họ, – ông nói và trỏ tay vào những người đang có mặt, – họ chẳng biết gì đâu. Hoàng thượng hỏi là có gì chưa hay trong những vần thơ ấy ư? Nếu người muốn biết sự thật, thần xin thưa! Thơ ấy hay đối với Vergilius, hay đối với Oviđius, hay ngay cả đối với Homer, nhưng không phải là hay đối với Người. Hoàng thượng không được phép viết những vần thơ như thế. Đám cháy mà người mô tả không đủ rực cháy, ngọn lửa của Người không đủ nóng bỏng. Người chớ nghe những lời tán tụng của Lukan. Thần sẽ thừa nhận y là thiên tài nếu y viết nổi những vần thơ trên nhưng đối với Hoàng thượng thì không. Hoàng thượng có biết vì sao không? Bởi vì Người vĩ đại hơn bọn họ. Ai được các vị thần linh ban cho nhiều như Người, nên người ta có quyền đòi hỏi ở Người nhiều hơn. Thế mà Hoàng thượng lại lười biếng. Người thích ngủ sau bữa ăn hơn là ngồi thật kiên nhẫn. Hoàng thượng có thể sáng tạo nên một thiên tuyệt phẩm mà thế gian chưa hề được nghe nói đến, vì vậy thần xin nói thẳng cùng Hoàng thượng rằng: Hoàng thượng hãy viết nên những vần thơ hay hơn nữa.

Ông nói những điều ấy với vẻ miễn cưỡng, dường như bỉ báng và chê trách, nhưng cặp mắt của Hoàng đế lại mờ đi trong một làn sương khoái lạc; ngài phán:

– Các vị thần đã cho ta chút tài năng, nhưng ngoài ra còn ban cho ta nhiều hơn thế, vì đã cho ta một nhà thông thái thực thụ, một người bạn, người duy nhất biết nói thẳng sự thật.

Nói đoạn, ngài vươn bàn tay béo múp phủ đầy lông hung hung đỏ về phía cây đèn nhiều ngọn bằng vàng cướp được ở Đenphơ để đốt những bài thơ.

Nhưng ông Petronius đã kịp giằng lại trước khi ngọn lửa bén vào giấy chỉ thảo.

– Không, không! – ông nói – Ngay cả những vần thơ dở này cũng thuộc về nhân loại. Xin hãy ban chúng cho thần.

– Vậy hãy cho phép ta được gửi chúng đến cho khanh trong chiếc hộp đựng các tư tưởng của ta. – Nerô vừa đáp vừa ôm chặt lấy ông.

– Chính thế, ngươi nói đúng lắm. Đám cháy thành Tơroa của ta không đủ cháy sáng, ngọn lửa của ta không đủ nóng bỏng. Tuy nhiên, ta nghĩ rằng, nếu ta sánh ngang Homer cũng là đủ rồi. Nỗi rụt rè và sự thiếu am hiểu bản thân lúc nào cũng cản trở ta. Khanh đã mở mắt cho ta. Nhưng khanh có biết tại sao lại đúng như khanh nói hay không. Đó là vì, nếu một nhà điêu khắc muốn tạo nên hình tượng thần linh, anh ta phải tìm cho mình một hình mẫu, còn ta, ta thiếu hình mẫu. Ta chưa bao giờ được trông thấy một thành phố đang cháy, cho nên sự miêu tả của ta thiếu phần chân thực.

– Vì thế thần mới nói rằng phải là một nghệ sĩ vĩ đại để hiểu ra điều ấy.

Nerô trầm ngâm, nhưng lát sau lại nói:

– Petronius này, khanh hãy trả lời cho ta một câu hỏi: Khanh có tiếc là thành Tơroa bị cháy hay không?

– Thần có tiếc không ư?… Thề có người chồng sấm sét của nữ thần Venera, thần không hề tiếc tí nào hết! Thần xin thưa vì sao lại thế. Thành Tơroa đã không cháy nếu Prometeus không trao ngọn lửa cho loài người và người Hi Lạp không tuyên chiến với vua Priam. Một khi không có lửa thì Esilox không thể viết nổi thiên “Prometeus” của mình; nếu không có chiến tranh, Homer không thể viết nổi “Ilyat”, mà thần lại muốn có hai thiên “Prometeus” và “Ilyat” hơn là giữ gìn cái thành phố hình như nhỏ bé và bẩn thỉu kia, nơi hiện giờ chí ít cũng có một viên khâm sai bị đầy ải nào đó đang chán ngán những cuộc đôi co với toà án địa phương.

– Thế mới đáng gọi là nói có hiểu biết chứ – Hoàng đế đáp – Có thể và cần phải hiến dâng tất thẩy cho thi ca và nghệ thuật. Hạnh phúc thay những người dân Akhai, những kẻ đã cung cấp cho Homer nội dung để viết nên “Ilyat”, sung sướng thay cho vua Priam, người đã được tận mắt chứng kiến sự hủy diệt của quê hương. Còn ta? Ta chưa hề được trông thấy một thành phố nào đang rực cháy cả.

Một giây im lặng, sự im lặng rốt cuộc bị Tygelinux phá tan:

– Tâu Hoàng thượng, chẳng phải thần đã có lần thưa cùng Người rằng – y nói – xin Người cứ ra lệnh, thần sẽ đốt cháy ngay Anxium. Hay thế này chăng? Nếu như Hoàng thượng tiếc thương các biệt thự và lâu đài kia, thần sẽ ra lệnh đốt cháy các tàu thuyền ở Oxtia, hoặc sẽ cho xây dựng ở chân núi ấn bản một thành phố bằng gỗ, rồi chính Hoàng thượng sẽ tự tay ném mồi lửa vào đó. Người có muốn vậy chăng?

Song Nerô ném cho hắn một cái nhìn đầy khinh bỉ.

– Ta mà lại phải nhìn những cái lều gỗ bị cháy ư? Trí óc ngươi hoàn toàn cằn cỗi mất rồi, Tygelinux ạ! Thêm nữa ta còn thấy là ngươi đánh giá không cao lắm tài năng và thiên “Thành Tơroa” của ta thì phải, một khi ngươi cho rằng việc hy sinh một thứ gì khác cho tác phẩm ấy là quá lớn lao.

Tygelinux bối rối, lát sau hình như Nerô muốn thay đổi câu chuyện, ngài nói:

– Mùa hạ đang đến… Ôi cái thành Roma kia bây giờ hẳn phải hôi thối lắm rồi nhỉ… Ấy thế mà phải quay về đó dự thế vận hội mùa hè.

Khi ấy, Tygelinux bèn nói:

Khi Hoàng thượng cho các vị cận thần lui, xin Người hãy cho phép thần được lưu lại cùng Người một lát…

Một giờ sau, trong khi từ biệt thự của Hoàng đế quay về, Vinixius nói với ông Petronius đi cùng chàng:

– Vì cậu mà cháu phải một phen hoảng hồn. Cháu tưởng cậu quá chén và bị mất mạng vô phương cứu chữa. Xin hãy nhớ là cậu đang đùa với cái chết đấy.

– Đây là võ đài của cậu, – ông Petronius đáp với vẻ vô lo, – và cậu rất thích thú khi cảm thấy rằng tại đó cậu là người giỏi nhất trong số các đấu sĩ. Anh hãy xem chuyện ấy đã kết thúc ra sao. Chiều nay uy thế của cậu lại tăng thêm. Hoàng đế sẽ gửi cho cậu những vần thơ của Ngài đựng trong hộp, một cái hộp (anh có muốn đánh cuộc không nào) sẽ rất sang trọng, nhưng cũng sẽ vô cùng kém thẩm mỹ. Cậu sẽ bảo tên thầy thuốc của cậu dùng nó để đựng thuốc tẩy. Cậu làm như thế còn là để Tygelinux học theo cậu khi hắn thấy những cách thức như thế mà thành công, và cậu đang hình dung chuyện gì sẽ xẩy ra một khi hắn bắt đầu động não. Sẽ hệt như một chú gấu trong núi Pirene muốn đi trên dây vậy. Cậu sẽ được cười thoải mái như Đemokryt. Giá cậu thật muốn, có thể cậu sẽ tìm cách hạ được Tygelinux và sẽ thay hắn làm người chỉ huy quân cấm vệ. Khi ấy cậu sẽ nắm được trong tay cả cả Ahenobarbux nữa. Nhưng cậu lười lắm… Cậu chỉ thích cuộc sống mà cậu đang sống, thậm chí cả với thơ của Hoàng đế cũng được.

– Cậu quả là khéo léo tuyệt vời. Từ một lời chê bai biến ngay được thành một câu tán thưởng! Nhưng có thật những câu thơ ấy là dở không ạ? Cháu không rành chuyện ấy lắm.

– Nó cũng chẳng dở hơn thơ những người khác đâu. Trong một mẩu đầu óc(2) của Lukan còn chứa đựng nhiều tài năng hơn, nhưng ngay cả ở Râu Đỏ cũng có một chút gì đó. Trước hết là có sự yêu mến vô biên đối với thi ca và âm nhạc. Hai ngày nữa chúng ta sẽ có mặt tại nhà y để nghe nhạc phổ cho bản tụng ca dâng nữ thần Afrođyta mà hôm nay hoặc ngày mai y sẽ sáng tác xong. Sẽ có mặt ít người thôi. Chỉ có cậu, anh, Tilius Xenexio và chàng Nerva trẻ tuổi. Nếu nói về thơ, thì điều mà cậu đã từng nói với anh về việc cậu dùng thơ của y sau bữa tiệc như Vitelius dùng lông chim hồng hạc là không đúng đâu. Thường thì thơ y cũng hàm súc lắm. Những lời của Hekuba nói rất xúc động… Nàng than phiền về những nỗi đau sinh nở và sở dĩ Nerô tìm ra được những cách diễn đạt may mắn có lẽ chính vì y cũng phải đau đớn lắm mới rặn ra được từng câu thơ… Đôi khi cậu thương y. Thề có Ponlukx. Đó thật là một mớ hổ lốn kỳ lạ. Kaliguđa đã kỳ quái nhưng vẫn chưa đến nỗi kỳ quái như thế.

– Ai biết được sự điên rồ của Ahenobarbux sẽ dẫn tới đâu? – Vinixius nói.

– Chẳng ai biết cả. Có thể sẽ xẩy ra những chuyện mà nhiều thế kỷ nữa tóc trên đầu người ta vẫn phải dựng ngược cả lên khi nhớ đến chúng. Song đó chính là một điều rất thú vị, rất hấp dẫn, và mặc dù nhiều lần cậu thấy chán ngán như thần Jupiter âm môn phải ở trên sa mạc, cậu vẫn cho rằng cậu sẽ còn buồn chán hơn nữa dưới triều một Hoàng đế nào khác y. Ông lão Paven xứ Juđei của anh hùng biện đấy, cậu phải thừa nhận như thế, và nếu những người như thế thuyết giáo về cái giáo thuyết kia, thì các vị thần linh của chúng ta phải cẩn thận ra trò chứ chẳng đùa đâu, để với thời gian khỏi bị quẳng vào sọt rác(3). Quả thực, giá như, – nói thí dụ – Hoàng đế lại là tín đồ Thiên chúa giáo thì cả lũ chúng ta sẽ cảm thấy an toàn hơn. Song anh thấy không, khi áp dụng các lí lẽ của ông ta cho cậu, nhà tiên tri xứ Tarxu của anh đã không nghĩ rằng đối với cậu, chính sự bấp bênh phấp phỏng kia lại là sự hấp dẫn của cuộc đời. Ai không đánh bạc, người ấy sẽ không bị thua cuộc, không bị mất của, ấy vậy mà người đời vẫn cứ đánh bạc như thường. Có một nỗi khoái lạc, một sự lãng quên nào đó trong trò chơi ấy. Cậu biết những đứa con đẻ của chính các vị hiệp sĩ và nguyên lão nghị viện tự nguyện trở thành đấu sĩ. Anh vừa bảo là cậu đang đùa nghịch với tính mạng ư, chính thế, nhưng cậu vẫn cứ chơi, bởi vì điều đó khiến cho cậu thích thú, trong khi cái đạo đức Thiên chúa giáo của các anh khiến cho cậu ngán ngẩm như những luận thuyết của ông lão Xeneka trong cùng một ngày vậy. Vì thế, sự hùng biện của ông Paven chỉ vô ích mà thôi. Ông ta phải hiểu rằng những con người như cậu không bao giờ chịu thâu nhận thứ giáo thuyết kia. Anh thì lại khác! Với tính tình của anh, anh có thể hoặc căm ghét tên của người Thiên chúa giáo như dịch hạch, hoặc trở thành tín đồ Thiên chúa giáo. Còn cậu thì vừa ngáp vừa thừa nhận sự đúng đắn của họ. Chúng ta đang điên, đang lao tới vực thẳm. Một thứ gì đó chưa ai tường đang từ tương lai đến với chúng ta, một cái gì đó đang nứt vỡ dưới chân ta, có gì đó đang chết dần chết mòn ngay cạnh chúng ta, đồng ý! Chúng ta biết cách chết, nhưng giờ đây chúng ta chưa muốn chịu đựng cuộc sống để được phụng sự cái chết trước khi nó bắt ta đi. Sự sống chỉ tồn tại cho riêng bản thân nó chứ không phải cho cái chết.

– Cháu tiếc cho cậu, cậu Petronius ạ.

– Anh chớ thương tiếc cậu nhiều hơn cậu thương tiếc bản thân mình. Ngày trước anh sống chung với tôi không đến nỗi nào, và ngay cả khi đang chiến đấu ở Acmenia anh vẫn nhớ tới Roma.

– Bây giờ cháu vẫn đang nhớ Roma đấy chứ ạ.

– Phải, bởi anh đã trót yêu một nữ tín đồ Thiên chúa đồng trinh hiện đang cư ngụ tại khu phố Zatybre. Cậu chẳng lạ gì mà cũng chẳng chê trách gì anh về chuyện đó. Cậu chỉ lấy làm lạ rằng mặc dù cái giáo thuyết mà anh nói là một biển cả hạnh phúc, mặc dù cái tình yêu sắp tới ngày viên mãn kia, nhưng nỗi buồn vẫn không rời khỏi nét mặt anh. Bà Pomponia Grexyna thì buồn bã vĩnh hằng rồi, còn anh, kể từ khi trở thành tín đồ Thiên chúa, chẳng khi nào anh có lấy một nụ cười. Chớ thuyết phục cậu rằng đó là một giáo thuyết vui vẻ! Từ Roma quay về anh lại càng buồn hơn. Nếu như các người yêu nhau theo kiểu Thiên chúa giáo mà cứ như thế cả, thì thề có mái tóc bạc phơ của thần Bak, cậu sẽ không bao giờ đi theo vết các người đâu!

– Đó lại là chuyện khác, – Vinixius đáp – Cháu xin thề với cậu không phải trên mái tóc xoăn của thần Bak mà trên chính linh hồn của cha cháu, rằng hồi trước cháu chưa bao giờ được ngửi thấy mùi vị của niềm hạnh phúc mà cháu được thở hít hôm nay. Nhưng cháu quá nhớ nhung, và kỳ lạ hơn nữa, hễ cứ ở xa Ligia là cháu lại ngỡ như có một tai hoạ nào đó đang đe doạ nàng. Cháu không biết là tai hoạ gì, không biết nó sẽ tới từ đâu nhưng cháu linh cảm được nó như thấy trước cơn bão vậy.

– Hai ngày nữa cậu sẽ cố xin cho anh được phép rời Anxium lâu bao nhiêu tuỳ thích. Ả Poppea đã tĩnh tâm hơn, và theo chỗ cậu biết thì về phía ả chưa có gì đe doạ anh lẫn nàng Ligia đâu.

– Hôm nay ả vừa hỏi xem cháu làm gì ở Roma, mặc dù chuyến đi của cháu là một chuyện bí mật.

– Có thể ả đã ra lệnh theo dõi anh. Tuy nhiên giờ đây ả còn phải dè chừng cậu.

Vinixius dừng lại và nói:

– Ông Paven bảo rằng nhiều khi Chúa cảnh báo, nhưng Người không cho phép tin vào những điều bói toán, cháu cố gắng cưỡng lại lòng tin kia mà không sao cưỡng nổi. Cháu sẽ kể cho cậu nghe chuyện vừa xảy ra để lòng nhẹ bớt gánh nặng. Cháu và Ligia đang ngồi bên nhau giữa một đêm thanh tĩnh như đêm nay và bàn bạc về cuộc sống tương lai. Cháu không biết nói sao cho cậu hiểu chúng cháu thấy hạnh phúc và êm ả đến thế nào. Chính lúc ấy, lũ sư tử bắt đầu gầm lên. Đó là chuyện bình thường ở Roma, nhưng kể từ sau lúc ấy, cháu không sao yên lòng. Cháu cảm thấy như trong chuyện đó dường như có một lời đe doạ, báo trước một điều bất hạnh nào đó… Cậu biết đấy, nỗi sợ hãi chẳng dễ gì tóm bắt được cháu, thế mà lúc ấy đột nhiên một cơn sợ hãi tràn ngập cả bóng tối của đêm trường. Chuyện ấy xảy đến một cách kỳ dị và bất ngờ đến nỗi tận lúc này tai cháu như vẫn còn nghe vang vọng những tiếng gầm rống đó, trái tim cháu vẫn còn mang trĩu nỗi âu lo, dường như Ligia đang cần cháu bảo vệ tránh khỏi một điều gì đó thật khủng khiếp… có thể là chính những con sư tử kia cũng nên. Và cháu cứ dằn vặt mãi. Cậu hãy cố gắng xin cho cháu được phép ra đi, nếu không cháu cũng sẽ ra đi mà không cần được phép. Cháu không thể ngồi ở đây được nữa, cháu nhắc lại, không thể!

Ông Petronius bật cười:

– Dù sao cũng chưa đến nỗi – ông nói – con đẻ của các vị chấp chính quan tối cao hoặc vợ của họ bị ném ra đấu trường làm mồi cho sư tử đâu. Anh chị có thể gặp bất kỳ cái chết nào khác chứ không phải một cái chết như thế. Nói cho cùng, ai biết được đó có phải là sư tử hay không, lũ bò tót xứ Germania cũng gào rống chẳng kém gì chúng đâu. Cậu thì cậu giễu tất cả các trò bói toán và tướng số. Đêm hôm qua trời ấm áp, cậu nhìn thấy sao sa như mưa. Nhiều người hoảng hồn khi trông thấy cảnh ấy, còn cậu, cậu tự nhủ: nếu như trong đám mưa sao đó có cả ngôi sao của ta, thì chí ít ta cũng chẳng lo bị thiếu bạn đồng hành!…

Rồi ông im lặng một lúc, suy nghĩ và nói:

– Nói cho cùng, anh thấy không, nếu Đức Chúa Crixtux của các anh đã từng sống lại thì rất có thể ông ấy sẽ bảo vệ cho các anh chị tránh khỏi cái chết.

– Có thể thế, – Vinixius đáp, nhìn lên bầu trời dầy đặc những vì sao.

Chú thích:

(1) Tức là sống theo phong thái Hi Lạp, coi trọng văn học và nghệ thuật

(2) Nguyên văn: trong một ngón tay

(3) Nguyên văn: khỏi bị đưa lên tầng áp mái. – Ở các nước châu Âu, tầng áp mái thường dùng để chứa các thứ đồ đạc không dùng đến nữa.

Bình luận