Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Quo Vadis

Chương 47

Tác giả: Henryk Sienkiewicz

Trong khi ấy ngọn lửa đã lan đến Via Nomentan, từ đí cùng với gió đổi chiều, nó ngoặt về phía Via Lât và phía sông Tyber, vòng quanh đồi Kapiton, tràn xuống Forum Boarium và tàn phá tất thẩy những gì mà nó lướt qua trong đà cuốn đầu tiên, nó lại tiến đến gần Palatyn một lần nữa. Tập trung tất cả lực lượng quân cấm vệ, Tygelinux phái hết điệp sứ này đến điệp sứ khác đến báo tin cho hoàng đế đang tiến về, rằng sự tuyệt vời của cảnh tượng chưa bị mất mát chút gì hết, vì đám cháy đang ngày một mạnh thêm lên. Nhưng Nerô muốn đến vào lúc ban đêm để có thể chiêm ngưỡng cảnh thành phố đang bị hủy diệt một cách hoàn hảo. Nhằm mục đích đó, ngài dừng chân lại trong vùng Auqa Anbana rồi gọi diễn viên bi lịch Aliturux vào lều giúp ngài chuẩn bị thân hình, bộ mặt, cái nhìn. Ngài hằn học nhẩm những cử chỉ thích hợp, tranh luận sôi nổi với y xem khi nói những lời: “Ôi, thành đô thần thánh, những tưởng trường tồn hơn cả Iđa!” – ngài sẽ phải vươn cả hai tay lên trời hay một tay cầm cây đàn forminga để thõng dọc thân mình, còn tay kia giơ lên. Và đối với ngài, câu hỏi đó lúc này quan trọng hơn tất thảy mọi sự. Mãi đến xế chiều ngài mới lên đường và còn hỏi ông Petronius xem trong những vần thơ dành cho thảm họa có nên cài thêm vài lời chế giễu các thần minh và liệu những lời như thế xuất phát từ quan điểm nghệ thuật có phải là những lời tất yếu thốt ra từ miệng một con người bị mất quê hương, ở trong hoàn cảnh tương tự hay không.

Gần nửa đêm, cũng với đám quần thần hùng mạnh của mình gồm các cận thần, nguyên lão, hiệp sĩ, nô lệ giải phóng, nô lệ, phụ nữ và trẻ con, ngài mới tiến đến gần tường thành. Mười sáu ngàn lính cấm vệ dàn thành đội hình chiến đấu ở dọc đường đi canh gác cho sự yên ổn và bảo đảm an toàn cho chuyến đi của ngài, đồng thời giữ một khoảng cách nhất định với đám dân chúng đang náo động. Tuy dân chúng quả thực có nguyền rủa, gào thét và huýt sáo khi nhìn thấy bóng dáng bầu đoàn thê tử của ngài, nhưng không dám tấn công. Nhiều nơi thậm chí còn vang lên những tiếng hoan hô do bọn vô lại phát ra, bởi bọn chúng chẳng có tí gì nên cũng chẳng hề bị mất mát gì trong đám cháy, chúng còn trông ngón một sự ban phát lương thực, ôliu, quần áo và tiền bạc hậu hĩnh hơn thường lệ. Và nói cho cùng, cả tiếng hoan hô lẫn tiếng huýt sáo và gài thét đều bị át đi trong tiếng kèn và tù và mà Tygelinux ra lệnh thổi. Sau khi vượt qua cổng thành Oxtia, Nerô dừng chân một lúc và thốt lên: “Vị chúa tể không nhà của đám dân chúng không nhà, biết đặt ở đâu cho qua đêm mái đầu bất hạnh của ta?”, rồi đi theo đường Vlivus Đenphini, ngài bước lên những bậc thang chuẩn bị sẵn cho ngài leo lên đường máng nước Appia, theo sau là các cận thần và dàn đồng ca của các ca công mang theo thi cầm, đàn tranh và các nhạc cụ khác.

Và tất cả mọi người đều nín thở chở xem ngài có nói ra những lời kỳ vĩ nào đó hay chăng, những lời mà họ cần phải nhớ để được an toàn cho bản thân mình. Nhưng ngài chỉ đứng, trang nghiêm, như mù lòa, khoác manh áo choàng màu đỏ thắm, đội một vòng lá nguyệt quế màu vàng, chăm chú ngắm nhìn sức mạnh cuồng bạo của ngọn lửa. Khi Terpnox trao cho ngài chiếc đàn luýt bằng vằng, ngài ngước mắt nhìn lên bầu trời ngập tràn ánh lửa, dường như chờ cảm hứng.

Từ đằng xa dân chúng đưa tay chỉ trỏ ngài đang ngập trong ánh lửa đỏ. Phía x axa những con rắn lửa réo rít, đang cháy sáng những di tích vĩnh hằng thiêng liêng nhất, cháy thần miếu Herkulex do chính Evanđer dựng nên, thần miếu Jupiter Xtator và thần miếu Luna do Xrevius Tulius xây dựng, ngôi nhà của Numa Pomponius và di tích Vexta với những vị gia thần của dân chúng Roma, thỉnh thoảng trong đám bờm lửa hiện ra Kapiton, quá khứ và linh hồn của La Mã trong đám cháy, còn ngài, vị hoàng đế, thù đứng cầm chiếc đàn luýt trong tay, với bộ mặt của một gã diễn viên bi kịch và với ý nghĩ không phải là quê hương đang chết, mà về dáng vẻ và những lời trang trọng mà ngài có thể diễn tả tốt nhất sự kỳ vĩ của thảm họa, để gây nên sự thán phục to loén nhất và có được những tiếng hoan hô nồng nhiệt nhất.

Ngài căm thù cái thành phố này, căm thù các cư dân của nó, ngài chỉ yêu có những khúc háy lời thơ của mình mà thôi, vậy nên trái tim ngài sung sướng hân hoan vì rốt cuộc ngài được chứng kiến cái bi kịch tương tự như cảnh mà ngài mô tả. Gã thợ vẫn cảm thấy hạnh phúc, tên xướng đọc cảm thấy hứng khởi, kẻ tìm kiếm xúc cảm mê mẩn bởi cảnh tượng kinh khủng và khoái chá nghĩ rằng ngay cả sự triệt phá thành Towrroa cũng chẳng là cái thá gì so với sự triệt phá thành đô khổng lồ này. Ngài còn có thể đòi hỏi điều gì hơn nữa? Kìa, thành Roma, thành Roma bá chủ thế giới đang bị cháy, còn ngài đang đứng trên những vòm cung của đường máng nước, với chiếc đàn tuýt bằng vàng trong tay, nổi bật, đỏ tươi, được kinh ngạc, đầy tuyệt vời và đầy thi tứ. Đâu đó tận phía dưới kia, trong bóng tối, dân chúng xôn xao và bạo loạn. Nhưng chúng nó cứ việc xôn xao đi! Nhiều thế kỷ sẽ trôi qua, hàng nghìn năm sẽ qua đi, nhưng người ta vẫn hằng nhớ và ngợi ca nhà thơ đã hát về sự triệt phá và về đám cháy thành Tơroa ngay trong một đêm như đêm nay. So với ngài, Homer là cái thá gì? Ngay cả thần Apolon với chiếc đàn forminga của thần cũng là cái thá gì? Đến đây, ngài vung tay lên, đập vào những sợi dây đàn và thốt lên những lời của vua Priam:

– Ôi, tổ ấm của cha ông tan ôi cái nôi yêu dấu!…

Trong không khí ngoài trời, bên tiếng gầm của đám cháy và tiếng ồn ã phía xa xa của đám đông hàng nghìn người, giọng của ngài có vẻ thảm hạo, run rẩy và nhỏ bé đến lạ lùng, còn những thanh âm họa theo vang lên như tiếng v ove của loài ruồi. Song những vị nguyên lão, các quan chức và cận thần đứng tụ tập trên đường máng nước đều cúi đầu lắng nghe trong niềm tán thưởng câm lặng. Còn ngài hát mãi và chỉnh giọng mỗi lúc một não lòng hơn. Những lúc ngài lặp lại vần thơ sau chót, rồi đó, bằng một cử chỉ học được của Aliturux, Nerô lại vứt bỏ khỏi vai chiếc “xyrma” bi thương, đập vào dây đàn và hát tiếp. Cuối cùng ngài cũng hát hết bài ca đã được soạn ra từ trước và bắt đầu ứng tác, tìm những sự so sánh kỳ vĩ trong cái quang cảnh đang trải ra trước mắt ngài. Mặt ngài bắt đầu biến đổi. Ngài không hề xúc động trước sự tàn phá của thành phố quê hương, nhưng ngài lại say sưa và xúc động bởi sự trang trọng của những lời thơ của chính ngài đến mức đột nhiên ngài buông cây đàn luýt rơi thành tiếng xuống chân, quấn mình trong chiếc xyrma, ngài đứng lặng yên như hóa đá, trông hệt như một trong những pho tượng Niobe trang trí cho sân trong cung điện Palatyn.

Sau một giây im lặng, một tràng sấm hoan hô vang lên. Nhưng đáp lại chúng từ xa là tiếng hú hét của đám người. Giờ đây không còn ai nghi ngờ gì nữa là chính hoàng đế đã ra lệnh đốt cháy thành phố để dựng lên một quang cảnh và ca hát những bài ca trên cái phông ấy. Nghe thấy tiếng kêu gào đó của hàng trăm nghìn con người, Nerô bèn quay lại phía các cận thần với nụ cười buồn đầy tuyệt vọng của một con người bị xúc phạm và nói:

– Đấy, dân Quiryt biết đánh giá ta và thi ca như vậy đấy!

– Bọn khốn nạn! – Vatynius đáp – Xin người hãy ra lệnh cho lính cấm vệ đánh thẳng vào bọn chúng.

Nerô quay sang Tygelinux.

– Liệu ta có thể tin vào sự trung thành của binh lính chăng?

– Vâng, thưa thánh thượng! – Viên chỉ huy quân cấm vệ đáp.

Song ông Petronius nhún vai.

– Tin được vào sự trung thành của chúng chứ không thể trông cậy vào số lượng của chúng đâu – Ông nói – Tạm thời xin người hãy ở lại đây, nơi người đang đứng, bởi đây là chỗ an toàn hơn cả, còn đám dân chúng kia thì chỉ cần phải làm yên đi đã.

Cả ông Xeneka lẫn chấp chính quan Lixynius cũng cùng ý kiến như thế. Trong khi đó, phía dưới kia, sự sôi động tăng lên. Quần chúng tự vũ trang bằng những phiến đá, cọc chống lều, những miếng ván phá từ các cỗ xe và những chiếc cáng, cùng đủ các loại sắt thép khác nhau. Lúc sau, một vài viên chỉ huy toán vệ binh tiến lại báo rằng, bị đám quần chúng lấn ép, lính cấm vệ phải cố hết sức mới duy trì được đội hình chiến đấu và do không được lệnh tấn công nên chúng đang không biết phải làm thế nào.

– Lạy các thần! – Nerô thốt lên – thật là một đêm khó tả! Một bên là đám cháy, một bên là biển người đang gào thét.

Và ngài lại bắt đầu tìm những vần thơ khả dĩ có thể diễn tả một cách tuyệt vời nhất nỗi nguy hiểm của thời điểm ấy, song nhìn thấy chung quanh toàn những khuôn mặt tái nhợt và những cái nhìn không yên, bản thân ngài cũng đâm ra sợ.

– Hãy đưa cho ta một chiếc áo choàng màu sẫm có mũ che! – Ngài kêu lên – Có thật sắp phải đánh nhau rồi hay chăng?

– Tâu hoàng thượng – Tygelinux đáp với giọng không mấy chắc chắn – thần đã làm tất thẩy những gì có thể, nhưng mối nguy hiểm này thật đáng sợ…Xin người hãy lên tiếng đi, thưa hoàng thượng, xin hãy nói với mọi người và hãy hứa hẹn với bọn chúng.

– Hoàng đế mà lại phải nói chuyện với bọn vô lại sao? Có ai nhân danh ta làm việc đó hay chăng? Ai nhận nào?

– Thần ạ! – Ông Petronius bình thản đáp.

– Đi đi nào, bạn ta! Khanh là kẻ trung thành với ta nhất trong lúc hoạn nạn…Đi đi, và chớ có tiếc lời hứa!

Ông Petronius quay lại phía đoàn người tùy giá với vẻ mặt đầy khinh thị và giễu cợt.

– Các vị nguyên lão có mặt tại đây, – Ông nói – Ngoài ra, cả ông Pizo, anh Nerva và Xenexio đi cùng với tôi.

Rồi ông khoan thai bước xuống khỏi đường máng nước, những người được ông gọi đi theo sau ông không phải không ngần ngừ nhưng cũng được cổ vũ chút ít bởi sự bình tĩnh của ông. Xuống đến chân những vòm cung, Petronius ra lệnh đưa tới cho mình một con ngựa bạch, rồi ngồi lên lưng ngựa, ông dẫn đầu toán người đồng hành vượt qua những toán cấm binh dày đặc, hướng về đám tiện dân đen ngòm đang hú hét, không một tấc sắt, trong tay ông chỉ có một chiếc gậy mỏng manh bằng ngà voi mà ông thường dùng để chống.

Ông tiến đến sát tận nơi, ngựa ông va cả vào đấm người. Chung quanh, trong ánh sáng của đám cháy, thấy rõ những cánh tay giơ cao cầm đủ mọi loại vũ khí, những đôi mắt cháy bỏng, những bộ mặt bóng nhẫy mồ hôi và những cặp môi ngầu bọt đang gào thét. Làn sóng điên loạn ấy lập tức vây chặt lấy ông và cả toán tùy tùng, phía sau trông rõ cả một biển những cái đầu, chuyển động, lắc lư, kinh khủng.

Tiếng huyên náo càng tăng lên và biến thành tiếng rống gầm không giống tiếng người nữa, những chiếc gậy, đinh ba, thậm chí cả những thanh gươm nữa hoa lên trên đầu ông Petronius, những cánh tay thú dữ vươn ra muốn tóm lấy cương ngựa ông, muốn tóm cả ông nữa, nhưng ông vẫn cứ tiến vào mỗi lúc một sâu thêm, lạnh lùng, thản nhiên, khinh khi. Thỉnh thoảng, ông lại dùng gậy đập lên đầu những kẻ táo tợn nhất, ngỡ như ông đang dẹp đường cho mình trong một đám đông rất đỗi thường tình và chính sự tự tin của ông, sự bình tĩnh của ông khiến đám tiện dân đang náo động phải kinh ngạc. Mãi sau người ta bắt đầu nhận ra ông, nhiều giọng gào lên:

– Petronius! Arbiter elegantiarum! Ngài Petronius!…

– Petronius! Bốn phía đều vang rền tiếng gọi.

Và càng nhắc tên ấy bao nhiêu, những bộ mặt chung quanh càng bớt dữ tợn đi bấy nhiêu, tiếng huyên náo càng đỡ phần gay gắt, bởi nhà quý tộc trang nhã này mặc dù chẳng bao giờ lấy lòng dân chúng song lại được người ta yêu mến. Người ta xem ông là một người nhiều nhân tính và hào phóng, ông đặc biệt nổi tiếng kể từ lúc có vụ án Peđanius Xekunđa, khi ông lên tiếng đòi giảm nhẹ bản án thảm khốc tử hình tất cả các nô lệ của viên quan nọ. Kể từ sau vụ đí, đám nô lệ lại đặc biệt ngưỡng mộ ông với một tình yêu mến không kìm hãm nổi, thứ tình yêu mà những con người bất hạnh và bị chà đạp thường dành cho những người biểu lộ cho họ dù chỉ chút ít đồng cảm. Ngoài ra, vào lúc này, người ta còn tò mò muốn biết vị sứ giả của hoàng đế sẽ nói điều gì, bởi không một ai nghi ngờ rằng hoàng đế đã cố ý phái chính ông.

Còn ông cởi chiếc áo toga màu trắng có những đường viền đỏ thắm, giơ lên đầu vẫy vẫy ra hiệu muốn nói.

– Im đi! Im đi kìa! – Khắp các phía người ta kêu lên.

Một lúc sau người ta im lặng thực. Khi ấy, đứng thẳng người trên lưng ngựa, ông cất tiếng nói, giọng vang động nhưng bình tĩnh:

– Hỡi các công dân! Những kẻ ai được nghe ta nói hãy lặp lại lời ta cho những kẻ đứng xa hơn, mọi người hãy cư xử cho ra hồn người chứ không phải như lũ thú dữ trong đấu trường.

– Chúng tôi nghe đây! Chúng tôi xin nghe!…

– Vậy thì hãy nghe đây. Thành phố sẽ được xây dựng lại. Các khu vườn Lukullo, Mexenax, Xedar và Agrypina sẽ mở rộng cửa đón các người. Từ ngày mai sẽ bắt đầu phát chẩn ngũ cốc, rượu vang và ôliu đến mức các người có thể tọng đầy đến tận họng. Sau đó hoàng đế sẽ tổ chức cho các người những hội vui mà cho đến nay thế gian chưa từng thấy bao giờ, trong đó các người sẽ được hưởng tiệc rượu và quà tặng. Sau đám cháy các người sẽ giàu có hơn trước đám cháy rất nhiều!

Đáp lời ông là những tiếng rì rầm lan từ giữa ra khắp bốn chung quanh, hệt như những làn sóng lan trên mặt nước khi có ai đó ném xuống nước một hòn đá, đó là những người ở gần ông đã lặp lại cho kẻ xa hơn những lời ông vừa nói. Sau đó đôi chỗ vang lên những tiếng kêu la vẻ tức giận hay tán thưởng và rốt cuộc những tiếng đó biến thành một tiếng hô đồng thanh vang động.

– Panem et circenses…(1)

Ông Petronius quấn chặt người trong chiếc áo toga và đứng yên hồi lâu, trong bộ phục trang sắc trắng, nom ông hệt như một pho tượng cẩm thạch. Tiếng hò reo càng tăng thêm, át cả tiếng gầm của đám cháy, vang rộng khắp bốn phía, mỗi lúc một sâu hơn, song rõ ràng là vị sứ giả hãy còn điều gì đó muốn nói, bởi ông cứ đứng chờ.

Mãi, sau giơ cánh ta ra lệnh im lặng, ông nói to:

– Ta hứa với các người panem et circenses, còn bây giờ, các người hãy hò reo lên để chào đón hoàng đế, người đã nuôi các người ăn, cho các người mặc, rồi sau đó hãy đi mà ngủ đi, hỡi lũ vô lại, vì trời sắp sáng rồi kìa.

Nói đoạn, ông quay ngựa lại và vừa dùng chiếc gậy đập nhẹ vào đầu, vào mặt những kẻ đứng chắn đường, ông khoan thai tiến về phía những hàng lính cấm vệ.

Lát sau, ông đã đến dưới chân đường máng nước. Lên trên, ông gặp một cảnh tượng gần như hoảng loạn. Người ta không hiểu rõ tiếng hò reo: “Panem et circenses!“ và cho rằng lại bùng nổ một cơn cuồng nộ mới. Thậm chí người ta cũng không ngờ rằng ông Petronius lại có thể thoát thân, nên vừa thoáng trông thấy ông, Nerô đã chạy tới tận cầu thang, mặt nhợt nhạt vì xúc động, hỏi dồn:

– Thế sao? Đằng ấy xảy ra chuyện gì thế? Đã đánh nhau rồi chăng?

Petronius hít một hơi đầy phổi, thở ra thật mạnh và đáp:

– Thề có Ponklux! Chúng nó nồng nặc mùi mồ hôi và xú khí. Ai đưa hộ cho tôi bình xông hương nào, tôi đến chết ngất mất thôi!

Rồi ông quay sang hoàng đế.

– Thần đã hứa hẹn với chúng nó ngũ cốc, ôliu, mở cửa các khu vườn và trò vui – Ông nói – Thế là chúng nó lại ca ngợi hoàng thượng và bằng những cặp môi sùi bọt, chúng lại gào lên chào đón người. Lạy các thần linh, lũ tiện dân này có cái mùi mới khó chịu làm sao!

– Lính cấm vệ của tôi đã sẵn sàng – Tygelinux kêu lên – Và giá như ông không dẹp yên chúng thì bọn hò la kia sẽ phải ngậm miệng đời đời! Tâu hoàng thượng, thật đáng tiếc là hoàng thượng đã không cho phép thần dùng sức mạnh.

Petronius nhìn kẻ đang nói, nhún vai và bảo:

– Cũng chưa bị mất gì đâu. Ông có thể sẽ phải dùng sức mạnh vào ngày mai đấy.

– Không, không! – Hoàng đế phán – Ta sẽ ra lệnh mở cửa các khu vườn và ban phát ngũ cốc cho chúng. Cảm ơn khanh, Petronius! Ta sẽ tổ chức những cuộc vui và ta sẽ công diễn bài ca mà hôm nay ta hát cho các khanh nghe.

Nói đoạn ngài đặt tay lên vai ông Petronius, im lặng hồi lâu, cuối cùng, sau khi đã bớt xúc động, ngài mới hỏi:

– Khanh hãy nói thật lòng nhé: Khanh thấy khi hát ta thế nào?

– Hoàng thượng thật xứng với quanh cảnh này, cũng như quanh cảnh thật xứng với người – Ông Petronius đáp.

Rồi ông quay lại phía đám cháy.

– Song chúng ta hãy ngắm nhìn nữa đi – Ông nói – Và hãy vĩnh biệt thành Roma cũ.

Chú thích:

(1) Bánh mì và hội thi. – Trong thời kỳ đế quốc La Mã, đây là đòi hỏi chủ yếu của đám tiện dân và thường được chính quyền thỏa mãn phần lớn.

Bình luận
× sticky