Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Quo Vadis

Chương 20

Tác giả: Henryk Sienkiewicz

Họ đi dọc Vieux Patrixiux, dọc theo Viminan đến cổng thành Viminan cũ, gần cái khoảng bằng phẳng, nơi sau này Đioklexxian dựng lên những nhà tắm tuyệt đẹp. Họ băng qua những khúc còn lại của bức tường thành Xervius Tulins và qua những vùng trống vắng hơn, đến tận con đường Nomentan, tới đó họ rẽ về bên trái, về phía Xalaria, rồi đi vào những vùng đồi đầy những mỏ cát, thỉnh thoảng xen lẫn những nghĩa địa. Lúc đó, trời đã tối hẳn mà trăng lại chưa mọc nên họ rất khó tìm được đường đi nếu như không có những người Thiên chúa giáo – đúng như lão Khilon đã dự liệu từ trước – chỉ đường cho họ. Bên trái, bên phải và đằng trước mặt có những bóng người màu sẫm đang thận trọng lần xuống các hõm cát. Một số người mang theo đèn song cố gắng dùng những tấm áo choàng che ánh sáng đi càng nhiều càng tốt, những người khác biết rõ đường hơn thì đi mò trong bóng tối. Cặp mắt người lính của Vinixius quả là có thể phân biệt được – thông qua cử động – những chàng trai trẻ với các cụ già đang lê đi bên những chiếc gậy, cũng như với những người phụ nữ quấn khăn thật kỹ trong những chiếc áo xtola dài lướt thướt. Những người lữ khách tình cờ và đám dân quê rời thành phố hẳn sẽ coi những người lang thang trong bóng đêm đó là đám thợ đang đi tới các đụn cát hoặc đám an hem đào mộ, những người thỉnh thoảng thường hành lễ ban đêm. Nhưng càng đi xa hơn chung quanh chàng quý tộc trẻ tuổi và các đồng hành của chàng càng le lói nhiều ánh đèn và càng đông người thêm. Một số người trong bọn thì thầm hát những bài ca mà Vinixius nghe như tràn ngập nỗi nhớ nhung. Tai chàng thỉnh thoảng lại tóm bắt được đôi lời hay đôi câu của bài ca, thí dụ: “Hãy tỉnh dậy đi, hỡi ai còn say ngủ” hoặc “Hãy sống lại đi, những người đã quá cố” khi thì tên Crixtux được nhắc đi nhắc lại trên miệng của những người đàn ông, đàn bà nọ. Những lời ca ít làm cho Vinixius để ý vì trong đầu chàng thoáng có ý nghĩ rằng rất có thể một trong những hình bóng u thầm đó chính là nàng Ligia. Một số người đi sát gần cất tiếng nói: “Bằng an cùng các bạn” hoặc “Sáng danh đấng Crixtux” còn chàng thì cảm thấy bồn chồn hơn, tim chàng đập dồn dập hơn vì chàng ngỡ như nghe thấy giọng Ligia. Chốc chốc những dáng người, những cử động tương tự như nàng lại khiến chàng bị nhầm trong bóng đêm, cho tới vài lần như vậy, sau khi đã biết là mình nhầm chàng mới thôi không còn tin vào mắt mình nữa.

Chàng thấy đường đi khá xa. Địa hình trong vùng chàng biết rất rõ nhưng trong bóng đêm chàng không thể phân biệt nổi đâu là đâu, chốc chốc họ lại gặp những lối hẹp, những mảng tường, những ngôi nhà nhỏ mà chàng không thể nhớ lại nổi trong vùng quanh thành phố. Mãi sau, một mép vầng trăng mới nhô ra khỏi những đám mây đang chất đống và soi sáng vùng đất rõ hơn ánh sáng mờ ảo của những chiếc đèn. Xa xa có cái gì đó sáng lấp lánh, trông giống như một đống lửa hay một ngọn đuốc. Vinixius cúi xuống lão Khilon hỏi xem đó có phải là Oxtrianum không.

Lão Khilon, người chịu tác động mạnh của đêm tối, khoảng cách xa xôi khỏi thành phố cùng những bóng người trông tựa những bóng ma, đáp với giọng không mấy tin tưởng:

– Tôi cũng không biết, thưa ngài, tôi chưa tới Oxtrianum bao giờ. Nhưng giá bọn họ ca ngợi Đấng Crixtux ở đâu đó gần thành phố hơn có phải hay không.

Rồi lát sau, hình như cảm thấy nhu cầu được chuyện trò và cũng cố lòng can đảm, lão thêm:

– Họ đi đứng cứ như lũ cướp, trong khi họ không được phép giết người, trừ phi thằng cha Ligi đã đểu cáng đánh lừa tôi.

Ngay cả Vinixius đang nghĩ tới Ligia cũng thấy ngạc nhiên vì sự thận trọng và vẻ bí mật mà các đạo hữu đang tụ tập lại để nghe vị tăng lữ cao cấp nhất của mình truyền giảng, chàng bèn nói:

– Cũng như tất cả các thứ tôn giáo khác, đạo này cũng có các tín đồ của mình trong bọn chúng ta, song Thiên chúa giáo là một phái đạo Do Thái. Vậy sao họ lại tụ tập mãi tận đây, trong khi ở khu Zatybre có các thánh đường Do Thái giáo, trong đó dân Do Thái vẫn dâng hiến lễ vật giữa ban ngày ban mặt?

– Không phải đâu, thưa ngài. Chính bọn Do Thái lại là kẻ thù không đội trời chung của họ. Người ta nói rằng, trước thời Hoàng đế đương kim, suýt nữa đã nổ ra chiến tranh giữa dân Do Thái và bọn họ. Hoàng đế Klauđius quá ngán tất những cuộc đụng độ ấy đến nỗi phải xua đuổi tất cả đám dân Do Thái đi, nhưng ngày nay cái luật ấy bị bãi bỏ rồi. Tuy vậy những người Thiên chúa giáo vẫn cứ che đậy hành tung của họ trước dân Do Thái cũng như trước mọi người, vì như ngài đã biết, người ta ngờ họ phạm nhiều tội ác và căm thù họ.

Họ đã im lặng một hồi lâu, rồi lão Khilon – người mà càng rời xa cổng thành thì nỗi sợ hãi càng tăng – lại lên tiếng:

– Khi từ nhà lão Euryxius trở về, tôi đã mượn một đầu tóc giả của một tay thợ cạo, đồng thời tôi nhét hai hạt đỗ vào hai lỗ mũi. Bọn họ không thể nhận ra tôi được. Nhưng dù có nhận ra đi chăng nữa họ cũng sẽ chẳng giết tôi đâu. Họ không phải là những người xấu. Thậm chí họ còn là những người rất trung thực mà tôi đây yêu mến và kính trọng nữa.

– Chớ khen bọn họ quá sớm – Vinixius nói.

Lúc này họ đi vào một hõm chật hẹp, hai bên có hai bờ hào chắn, trên đó có đường máng nước vắt ngang qua. Mặt trăng nhô hẳn ra khỏi mây và họ chợt trông thấy ở cuối đường hõm có một bức tường phủ đầy dây trường xuân lấp lánh bạc trong ánh trăng. Đó chính là Oxtrianum.

Tim Vinixius càng đập rộn.

Cạnh cổng có hai người gác đứng thu vật hiệu. Lát sau, Vinixius và các bạn đồng hành của chàng bước vào một nơi khá rộng, bốn phía có tường bao quanh. Đây đó có những pho tượng đứng riêng lẻ, còn ở chính giữa là hầm mộ, tức là một nhà mồ kín mà phần dưới nằm ngầm dưới mặt đất, trong đó là các ngôi mộ. Trước lối vào nhà mộ có một vòi nước đang phun lao xao. Có thể thấy rõ là trong lòng nhà mộ không thể chứa được quá đông người. Do vậy Vinixius dễ dàng đoán được rằng cuộc hành lễ sẽ được cử hành bên ngoài trời, trên cái sân đang dần dần tụ tập một đám người rất đông đảo. Đèn đuốc nhấp nháy san sát nhau, nhưng nhiều người mới đến không hề mang theo đèn đuốc gì cả. Chỉ trừ vài người để đầu trần, còn tất thảy đều đội mũ trùm không rõ vì sợ bị phát giác hay vì lạnh và chàng quý tộc trẻ sợ hãi nghĩ rằng, nếu họ cứ giữ nguyên những mũ choàng như thế thì trong cái đám đông này, trong thứ ánh sáng mờ mờ ảo ảo kia, chàng không sao nhận ra Ligia.

Bỗng nhiên bên cạnh hầm mộ người ta đốt lên mấy ngọn đuốc nhựa được gộp thành một đống lửa nhỏ. Chung quang trở nên sáng rõ hơn. Giây sau, đám đông cất tiếng hát, ban đầu còn khe khẽ, mỗi lúc một to hơn, nghe như một khúc thiều ca kỳ lạ nào đó. Trong đời mình Vinixius chưa từng nghe thấy một bài ca nào tương tự như thế. Cái nỗi hoài vọng nhớ nhung đã đập mạnh vào lòng chàng trong những bài ca được ngân nga khe khẽ bởi những người đi riêng lẻ trong lúc tới đây, giờ lại cất lên trong khúc thiều ca này, có điều rõ ràng hơn và mạnh mẽ hơn nhiều, cuối cùng nó lan rộng và trùm phủ khắp, dường như cùng với mọi người, cả cái nghĩa địa này, cả những ngọn đồi, khe núi và vùng đất này cũng nhớ thương. Có thể tưởng như trong tiếng ca ấy có một lời kêu van nào đó trong bóng đêm, một lời khẩn cầu bi thương nào đó mong được cứu vớt trong cơn lạc loài và bóng tối. Dường như những cái đầu đang ngẩng lên nhìn thấy ai đó ở xa tít trên trời cao và những cánh tay đang vẫy gọi người ấy xuống trái đất. Khi tiếng ca lặng đi là một giây phút trông đợi, xúc động đến nỗi cả Vinixius lẫn những người đi cùng chàng bất giác ngẩng đầu nhìn lên những vì sao như sợ sẽ xảy ra một điều gì đó thực phi thường và có ai đó sẽ từ trời cao giáng thế. Tại Tiểu Á, tại Ai Cập và ngay chính tại Roma này, Vinixius đã từng trông thấy hằng sa số các thần miếu đủ mọi loại, chàng đã được biết nhiều thứ tôn giáo và được nghe vô số những bài ca, song đây là lần đầu tiên chàng mới được thấy những người thờ kính vị thần của mình ca hát không phải vì họ muốn làm cho xong một nghi lễ đã được quy định trước mà xuất phát tự trái tim, xuất phát từ một sự luyến nhớ thật sự đối với con người ấy, một sự thương nhớ của con cái đối với người cha hay người mẹ. Phải là kẻ mù mới không thấy được rằng những con người này không những chỉ thành kính vị thần của họ mà còn yêu ông ta với cả tấm lòng, điều mà Vinixius chưa bao giờ trông thấy trên mọi vùng đất, trong mọi cuộc hành lễ, trong mọi thứ thần miếu, bởi vì tại La Mã cũng như tại Hi Lạp, những ai còn thờ kính các thần thì chỉ làm việc đó nhằm mục đích cầu xin sự trợ giúp của các thần hoặc vì sợ họ, chứ chẳng kẻ nào nghĩ tới chuyện yêu mến các vị thần linh cả.

Mặc dù đầu óc chàng mải bận bịu với những ý nghĩ về Ligia và sự chú ý của chàng chỉ chăm chăm phát hiện ra nàng trong đám đông kia, chàng vẫn không thể nhận thấy những chuyện kỳ lạ và phi thường đang diễn ra chung quanh mình. Lúc này người ta ném thêm mấy ngọn đuốc nữa vào đống lửa khiến nó tỏa một thứ ánh sáng đỏ rực khắp nghĩa địa, át đi ánh sáng những ngọn đèn, chính vào lúc ấy, từ trong nhà một bước ta một cụ già mặc một chiếc áo choàng có mũ che nhưng để đầu trần, ông cụ bước lên một phiến đá nằm gần đống lửa.

Đám đông xao xuyến khi nhìn thấy ông. Nhiều giọng nói bên cạnh Vinixius thì thào: “Piotr! Piotr!…”. Một số người quỳ xuống, những người khác vươn tay về phía ông. Im lặng sâu thẳm đến nỗi có thể nghe rõ tiếng của từng mẩu tàn than tơi từ những bó đuốc, tiếng bánh xe lọc cọc trên con đường Nomenten cùng tiếng gió lao xao trong vài ngọn thông mọc cạnh nghĩa địa.

Lão Khilon nghiêng sang phía Vinixius thì thầm:

– Ông ta đấy! Học trò số một của Crixtux.

Cụ già giơ một bàn tay làm dấu thánh giá chào những người có mặt, họ liền quỳ cả xuống. Không muốn bị lộ diện, các bạn của Vinixius và cả chàng nữa cũng làm như họ. Chàng trai lúc này không sao nắm bắt kịp những ấn tượng của mình nữa, chàng thấy con người trước mặt chàng kia vừa chất phác lại vừa phi thường hơn nữa tính phi thường nọ lại bắt nguồn chính từ sự chất phác kia. Cụ già không đội mũ miện trên đầu, không mang vành lá sồi trên thái dương, không cầm nhành cọ trong tay, không đeo bảng vàng trước ngực, không mặc áo dài điểm những vì sao bạc lóng lánh hoặc áo dài màu trắng, nói tóm lại, cụ không hề có một biểu trưng nào mà các tu sĩ Đông phương, Ai Cập, Hi Lạp hay các vị thầy tu flamin La Mã thường dùng. Và một lần nữa Vinixius lại bị tác động bởi chính sự khác biệt mà chàng cũng từng cảm thấy khi lắng nghe những bài ca Thiên chúa giáo, bởi chàng thấy người “ngư ông” này chẳng phải là một vị đại tăng lữ thông thạo các phép hành lễ mà giống như một nhân chứng chân chất, tuổi tác và vô cùng khả kính từ xa xôi tới đây kể lại một sự thật nào đó mà chính ông đã từng trông thấy, đã từng tiếp xúc, đã tin chắc như tin vào sự hiển nhiên, một sự thật mà ông yêu mến chính vì ông tin tưởng vào nó. Trên nét mặt ông lộ rõ sức thuyết phục của chính bản thân sự thật. Vốn là một người hoài nghi Vinixius không muốn để mình bị lôi cuốn bởi vẻ đẹp của ông, song chàng vẫn bị lôi cuốn bởi một sự tò mò sôi nổi, không hiểu điều gì sẽ được thốt ra từ miệng người bạn của “Đấng Crixtux “ kia và cái giáo thuyết mà bà Pomponia và Ligia thụ giáo ấy là như thế nào.

Lúc ấy, ông cụ Piotr bắt đầu nói. Thoạt đầu ông nói như một người cha nhắc nhở và răn dạy đàn con cần phải sống ra sao. Ông dạy họ phải từ bỏ xa hoa và lạc thú, phải biết yêu sự nghèo khó, sự thanh tịnh trong nếp sống, yêu sự thật, phải nhẫn nhục chịu đựng mọi điều xúc phạm và truy nã, phải tuân phục người trên cùng chính quyền, phải tránh xa sự phản bội, thói quen ích kỷ và thói ba hoa, và sau nữa phải làm gương cho nhau, thậm chí cho những kẻ ngoại đạo. Một số lời răn khiến Vinixius – người coi tất thảy những gì có thể mang trả Ligia lại cho chàng là điều tốt, còn tất thảy những gì ngăn trở giữa hai người là cái xấu – bị chạm nọc và tức giận, vì chàng cảm thấy rằng khi răn người ta phải giữ gìn sự trong sạch và đấu tranh với dục vọng thì chính bằng cách ấy cụ già đã không những chỉ cả gan lên án tình yêu của chàng mà còn ngăn cản Ligia đến với chàng, và giữ nàng ở vị trí chống lại chàng. Chàng hiểu rằng nếu nàng có mặt trong số những người tụ tập tại đây và nghe những lời ấy, thâu nhận chúng vào trái tim, thì chính lúc này đây, hẳn nàng phải nghĩ về chàng như nghĩ về một kẻ thù của cái giáo lý kia, một kẻ thù không chút xứng đáng. Ý nghĩ ấy khiến chàng nổi khùng: “Ta có thể nghe được điều gì mới mẻ đâu cơ chứ – chàng tự nhủ. – Đó mà lại là thứ giáo thuyết chưa từng được biết ư? Ai chẳng biết, ai chẳng nghe, thì chính bọn duy ngã cũng khuyên người ta nên sống nghèo khổ và hạn chế bớt nhu cầu, chính Xocratex cũng khuyên nên coi đức hạnh là một thứ tuy cũ nhưng mà tốt đẹp, còn bất kỳ một kẻ khổ hạnh nào, thậm chí như ông già Xeneka nọ, người có cả năm trăm gốc chanh cũng ca tụng việc giữ chừng mực, chân lý, tính nhẫn nhục trong những lúc nghịch cảnh, kiên trì trong bất hạnh, song tất thẩy những thứ đó đều giống như một thứ lúa mục, chỉ có lũ chuột nhằn chứ chẳng ai thèm ăn vì đã bốc mùi hôi cổ lỗ rồi” Bên cạnh nỗi tức giận chàng còn có cảm giác như thất vọng, bởi chàng cứ chờ đợi sẽ phát hiện được những điều bí ẩn nhiệm mầu nào đó chưa một ai biết đến, chàng ngỡ rằng ít ra cũng sẽ được nghe một nhà hùng biện đáng kinh ngạc nào đó có tài ăn nói, ấy vậy mà chàng chỉ được nghe những lời nói vô cùng giản dị, bị tước bỏ hết mọi thứ hoa mỹ. Chỉ có sự im lặng và sự chăm chú của đám đông đang lắng nghe kia khiến chàng ngạc nhiên. Song cụ già đã lại nói tiếp với người nghe, rằng họ phải tốt, phải im lặng, công minh, nghèo khó và trong sạch không phải chỉ để được bình yên trong cuộc sống, mà là để sau khi chết sẽ được hằng sống trong Đấng Crixtux, trong nỗi vui sướng, sự ngợi ca, trong sự sinh sôi và trong niềm hân hoan mà chưa kẻ trần thế nào từng biết đến. Và ở đây, mặc dù vừa mới bị khó chịu, nhưng Vinixius không thể không nhận thấy là dù sao vẫn có sự khác nhau giữa giáo thuyết của cụ già với những gì mà những người duy ngã, những người khắc kỷ cùng những nhà hiền triết khác vẫn nói, bởi bọn họ thì khuyên nên sống tốt lành và đức hạnh, vì đó là phương sách thông minh và thực tế duy nhất trong cuộc đời, còn cụ già thì lại hứa rằng nó sẽ mang lại sự bất tử, hơn nữa đó chẳng phải thứ bất tử vớ vẩn nào dưới cõi âm, trong buồn chán, trống rỗng, cô quạnh, mà là một thứ bất tử tuyệt vời, gần sánh ngang với cuộc sống các linh thần. Trên nữa, ông cụ nói về chuyện đó như nói về một chuyện hoàn toàn chắc chắn với một lòng tin như thế thì phẩm hạnh lại có được một giá trị vô biên, còn những thất bại trong cuộc đời trở nên những thứ vô cùng không đáng kể, bởi vì chịu đựng trong phút chốc để được hạnh phúc vô biên là một chuyện hoàn toàn khác với việc phải chịu đựng bởi vì trật tự của cuộc đời buộc phải thế. Cụ già còn nói tiếp, rằng cần phải yêu đức hạnh và chân lý cho chính bản thân mình, bởi cái tốt vĩnh hằng cao quý nhất và thứ đức hạnh vĩnh hằng cao cả nhất chính là Đức Chúa, nên ai cũng yêu mến chúng cũng chính là yêu mến Chúa và nhờ thế trở thành con yêu của Người. Vinixius không thật hiểu rõ những điều ấy, song chàng vẫn hiểu được qua những lời mà trước đây bà Pomponia Grexyna nói với ông Petronius, rằng theo cách nghĩ của những người Thiên chúa giáo thì Đức Chúa ấy là duy nhất và toàn năng, nên giờ đây khi chàng lại được nghe rằng ông ta là tuyệt hảo và là chân lý tuyệt đối, thì chàng bất giác nghĩ rằng, với một Đức Chúa như thế thì cả Jupiter, Xaturnơ, Apolon, Juno, Vexta và Venux chẳng khác nào một đám hỗn tạp vừa tầm thường vừa ồn ào mà người ta ai cũng tự vũ trang cho mình toàn bộ song chỉ theo ý muốn của bản thân mình. Song chàng trai ngạc nhiên nhiều nhất khi cụ già bắt đầu giảng rằng Đức Chúa là Đấng Toàn Ái, nên kẻ nào yêu mến con người, kẻ ấy thực hiện được lời răn dạy cao cả nhất của Người. Nhưng chỉ yêu thương con người của dân tộc mình thôi chưa đủ, bởi vì Chúa đã đổ máu mình vì toàn thể loài người và ngay trong những kẻ ngoại đạo. Người cũng đã chọn ra những người của Chúa, như viên xenturion Kornelius chẳng hạn, và cũng chưa đủ nếu chỉ yêu những người đối xử tốt với mình, vì chính Đấng Crixtux đã tha thứ cho dân Do Thái đã bán Chúa phải chết, tha thứ cho đám quân lính La Mã đã đóng đinh Chúa lên cây thập tự, vậy nên đối với những kẻ gây điều xúc phạm cho mình, không những phải tha thứ cho họ mà còn cần phải yêu thương họ và trả cái xấu bằng điều tốt, yêu người tốt thôi chưa đủ, còn phải yêu thương kẻ xấu, vì chỉ có tình yêu thương mới xua đuổi cái xấu xa ra khỏi họ được. Nghe những lời ấy, lão Khilon nghĩ bụng, rằng công sức của lão thật là phí hoài, rằng không bao giờ – dù là đêm nay hay đêm nào khác đi nữa – Urxux có thể giết lão Glaukox. Song lão cũng vui mừng ngay vì cái hệ quả thứ hai rút ra từ giáo thuyết của cụ già. Nếu thế thì ông Glaukox cũng sẽ không giết chết lão dù có phát hiện ra lão và nhận ra lão. Còn Vinixius đã thôi không còn nghĩ rằng trong những lời của cụ già không có gì mới mẻ nữa, mà chàng kinh ngạc tự hỏi: Vị chúa nào vậy? Cái học thuyết gì vậy? Những người này là ai? Tất cả những điều chàng nghe thấy hoàn toàn không thể chứa đựng nổi trong đầu óc chàng. Đó là một mớ những khái niệm kỳ lạ mà chàng không hiểu nổi. Chàng cảm thấy rằng, nếu nói thí dụ chàng có đi theo giáo thuyết này, thì hẳn chàng sẽ phải chất lên dàn hỏa tất cả những ý nghĩ, thói quen, tính cách của chàng, toàn bộ bản chất của chàng cho tới nay và thiêu tất cả thành tro bụi để thay thế bằng một cuộc đời khác và một tâm hồn khác hoàn toàn. Cái học thuyết khuyên chàng phải yêu thương bọn Partơ, bọn Xyri, bọn Hi Lạp, Ai Cập, Gan và Brytania, tha thứ cho kẻ thù, dùng cái tốt để trả cho sự xấu và yêu thương bọn chúng đối với chàng quả thật là điên rồ, đồng thời chàng cũng có cảm giác rằng chính trong sự điên rồ của nó vẫn có một thứ gì đó mạnh hơn tất cả những gì chứa đựng trong các thứ triết học từ trước tới nay. Chàng hiểu rằng vì sự điên rồ ấy giáo thuyết kia là không thể thực hiện được và vì không thể thực hiện được nên nó lại mang tính chất thiên giới. Chàng vứt bỏ nó trong tâm linh, nhưng lại cảm thấy rằng từ bản thân giáo thuyết ấy, giống như từ một đồng cỏ đầy hoa, tỏa ra một hương thơm say người, mà ai đã một lần thở hít, kẻ ấy sẽ phải quên đi tất cả mọi chuyện khác để chỉ còn hoài vọng đến nó mà thôi. Chàng cảm thấy rằng trong đó không hề có chút gì hiện thực, song đồng thời lại thấy rằng đối với nó hiện thực chỉ là một thứ gì rất thảm hại, không cần phải nghĩ đến làm gì. Vây quanh chàng như có những quái vật nào đó mà chàng chưa từng nghĩ tới, những người khổng lồ nào đó, những đám mây to lớn nào đó. Cái nghĩa địa nọ bắt đầu gây cho chàng ấn tượng rằng đó là nơi tụ hội của những người điên, đồng thời cũng là chỗ đầy bí ẩn và đáng sợ, trên đó – giống như một chiếc giường thần thoại nọ – đang sản sinh ra một thứ gì chưa từng có trên đời. Chàng nhớ lại tất cả những gì mà cụ già nói về cuộc sống, chân lý, tình yêu, Đức Chúa và trí óc chàng lóa đi bởi những thứ ánh sáng, như mắt bị lóa bởi những tia chớp nối nhau không đứt vậy. Giống như những người mà toàn bộ cuộc sống đã biến thành một niềm mê say duy nhất, chàng suy nghĩ về tất thảy mọi điều thông qua tình yêu của chàng đối với Ligia và trong ánh sáng của những tia chớp ấy chàng trông thây rõ một điều: Nếu Ligia đang có mặt tại nghĩa địa, nếu như nàng thuận theo giáo thuyết này, nàng lắng nghe nó và cảm nhận nó thì vĩnh viễn không bao giờ nàng có thể trở thành người tình của chàng được.

Lần đầu tiên kể từ khi quen biết nàng ở nhà ông bà Aulux, Vinixius chợt cảm thấy rằng, giờ đây dù cho chàng có đoạt lại được nàng đi nữa thì chàng vẫn không thể có được nàng. Cho tới nay chàng chưa từng nghĩ đến một điều gì tương tự như thế và lúc này chàng cũng không thể hiểu nổi thật rõ điều đó vì bên cạnh những điều suy nghĩ, rõ ràng còn có biết bao cảm giác mờ ảo về một tổn thất không thể bù đắp nổi và một nỗi bất hạnh nào đó. Trong chàng chợt lớn dậy một nỗi âu lo, nó chuyển ngay thành một cơn giận dữ đối với những người Thiên chúa giáo nói chung và chống lại cụ già nói riêng. Vị ngư ông mà thoạt nhìn chàng xem là một kẻ đê tiện dân cục mịch ấy, giờ đây lại khiến chàng thấy sợ và chàng cảm thấy ông giống như một vị thần Tư Mệnh đầy bí ẩn đang phán xử một cách không khoan nhượng và khủng khiếp số phận của chàng.

Một người gác cổng lại chất thêm mấy bó đuốc nữa vào đống lửa, gió thôi không còn xào xạc trong những cây thông, ngọn lửa vươn chiếc lưỡi dài đều đặn lên bầu trời lóng lánh những vì sao báo trước một ngày đẹp trời, cụ già sau khi nói về cái chết của Đấng Crixtux lại bắt đầu chỉ nói về Người. Mọi người nín thở và sự im lặng càng tuyệt đối hơn trước, đến độ có thể nghe rõ cả tiếng đập của những trái tim. Chính con người này đã được nhìn thấy! Và ông kể lại như người đã khắc ghi từng giây phút vào trí nhớ, đến nỗi nhắm mắt lại vẫn có thể nhìn thấy rất rõ. Ông kể rằng sau khi từ Thánh giá quay về, ông cũng với Thánh Jan ngồi hai ngày và hai đêm trong phòng ăn, không ngủ, đắm vào giày vò, tiếc thương, sợ hãi, nghi ngờ, tay ôm lấy đầu và nghĩ rằng Chúa đã qua đời. Ôi! Nặng nề làm sao! Nặng nề làm sao! Ngày thứ ba vừa rạng, ánh bình minh vừa nhuộm trắng những bức tường thành, cả hai đang ngồi yên như thế cạnh tường, không còn biết làm gì và không còn chút hy vọng, lúc thì giấc ngủ khiến họ chợp mắt (vì ngay cả đêm trước khi xảy ra tai họa họ cũng đã không ngủ), lúc họ lại choàng tỉnh và thương thân trách phận như cũ. Khi mặt trời vừa ló rạng, bỗng Maria xứ Magđali hổn hển chạy vào, tóc sổ tung ra kêu lên: “Người ta mang chúa đi rồi!”. Nghe thấy thế, họ bèn choàng dậy và chạy ngay ra chỗ đó. Nhưng thánh Jan, người trẻ hơn, chạy đến trước, trông thấy cái huyệt trống rỗng và không dám bước xuống. Mãi tới khi cả ba người đến đủ trước cửa vào, thì chính ông, người đang kể những điều này cho họ nghe, bước vào, nhìn thấy tấm áo liệm và dây băng, nhưng không thấy xác đâu.

Họ rất hoảng sợ vì nghĩ rằng các thấy cả đã cướp Chúa đi rồi, cả hai quay trở về nhà trong nỗi dày vò càng lớn lao hơn. Rồi những học trò khác kéo tới và bắt đầu than khóc, lúc thì tất cả mọi người cùng kêu cầu để Đấng Thay Thế nghe thấu rõ hơn, lúc thì thay nhau. Tinh thần họ như đã chết cả rồi, vì họ nghĩ rằng Thầy sẽ phải chuộc một người Ixraen, thế mà Người đã chết ba ngày rồi, họ không hiểu tại sao Đức Cha lại chối bỏ Con, họ thà không trông thấy ánh ngày nữa và chết đi cho rồi, cái gánh ấy thật nặng nề biết mấy.

Ngay cả giờ đây, hồi ức về những giây phút kinh hoàng đó hãy còn, khiến hai giọt lệ lăn ra từ đôi mắt cụ già, những giọt lệ có thể trông thấy rất rõ trong ánh lửa sáng, đang chảy dài trên bộ râu đốm bạc. Mái đầu già nua rụng hết tóc run lên và giọng nói nghẹn lại trong lồng ngực. Vinixius tự nhủ: “Con người này nói sự thật và khóc than cho sự thật” – và một nỗi thương tiếc cũng làm nghẹn lời những người có trái tim chất phác đang lắng nghe. Đã hơn một lần họ được nghe kể về nỗi nhục hình của Đấng Crixitux, họ biết rằng thời thái lai sẽ tới sau cơn bĩ cực, nhưng bởi vì chính Đức Sứ đồ – người được tận mắt trông thấy những chuyện ấy – kể lại, nên họ vẫn vặn xoắn đôi tay mà than khóc hoặc đấm tay vào ngực trước những ấn tượng.

Song dần dần họ bình tĩnh lại vì nỗi mong muốn được nghe kể tiếp đã thắng thế. Cụ già nhắm mắt lại, dường như muốn được nhìn rõ hơn trong tâm khảm những chuyện đã xa rồi và nói tiếp:

“Trong khi chúng tôi đang than khóc như thế thì Maria xứ Magđali lại chạy vào và kêu lên rằng vừa được trông thấy Chúa. Vì ánh sáng quá chói lòa nên chị ấy không thể nhận ra Người và cho rằng đấy là người làm vườn, song Chúa đã gọi: ”Maria!”. Thế là chị ấy kêu lên: ”Thầy ơi!” và sụp xuống chân Người. Người bảo chị hãy tới chỗ học trò rồi biến mất. Nhưng đám học trò chúng tôi không tin chị và trong khi chị ấy khóc nức lên vì sung sướng thì một số người hỏi dồn chị còn số khác lại nghĩ rằng chị bị loạn trí vì nỗi thương tiếc, chị nói rằng trong huyệt chị còn trông thấy cả những vị thiên sứ nữa. Chúng tôi bèn chạy tới huyệt một lần nữa và thấy huyệt trống không. Tới chiều, Kleofax đến, anh ta cùng những người khác đi Emmaux rồi quay trở về ngay mà nói rằng: ”Quả thực Chúa đã sống lại!”. Rồi họ bắt đầu chống giữ bên cửa ra vào đã đóng kín, vì sợ bọn Do Thái. Khi ấy Đức Chúa xuất hiện giữa bọn họ mặc dù cánh cửa không hề cọt kẹt và khi họ sững người ra. Chúa nói với họ rằng: “Bằng an cho các ngươi!”

… … … …

“Tôi đã trông thấy Chúa, mọi người đều trông thấy Chúa. Người như ánh sáng, như hạnh phúc của trái tim chúng ta, vì chúng tôi đã tin rằng Người đã sống lại, rằng biển sẽ có thể khô cạn, núi có thể biến thành tro bụi, nhưng ánh vinh quang của Chúa không bao giờ bị tắt đi!”

… … … …

“Tám ngày sau, Tomas Đyđymux đặt mấy ngón tay vào những vết thương và chạm vào sườn Người rồi quỳ xuống chân Chúa mà kêu lên: ”Chủ tôi và Chúa tôi”. Chúa bèn đáp lại: ”Ngươi nhìn thấy ta nên ngươi tin. Phước phận thay những ai không nhìn thấy mà vẫn hằng tin”. Chúng tôi nghe thấy cả những lời này, mắt chúng tôi nhìn lên Người, bởi Chúa ở giữa chúng tôi!”

Vinixius lắng nghe và có điều gì đó thật kỳ lạ xảy đến với chàng. Trong một thoáng, chàng chợt quên đi mình đang ở đâu, chàng mất đi cảm giác về cái thực, về sự chừng mực, về lương tri. Chàng như đứng trước hai điều dường như không thể có. Chàng không thể tin vào những chuyện mà cụ già vừa kể, song chàng lại cảm thấy rằng phải là một kẻ mù và cưỡng chống lại chính óc của mình mới có thể cho rằng con người vừa mới nói. “Tôi đã nhìn thấy” kia là nói dối. Có cái gì đó trong sự xúc động của ông, trong những giọt lệ của ông, trong cả dáng người ông và trong các chi tiết của những sự kiện mà ông kể lại, khiến cho ta không thể nào nghi ngờ nổi. Chốc chốc, Vinixius cứ ngỡ mình đang nằm mơ. Song chàng vẫn trông thấy chung quanh mình đám người đang im lặng, mùi của những chiếc đèn vẫn thoảng bay tới mũi chàng, những ngọn đuốc vẫn cháy sáng cạnh đấy và bên chàng, trên tảng đá, vẫn ông cụ già đứng đó, cạnh hầm mộ, với mái đầu hơi run run, đang làm chứng và nhắc lại: “Tôi đã trông thấy”.

Ông cụ tiếp tục kể cho mọi người nghe cho tới lúc Lên trời. Chốc chốc cụ lại dừng lại nghỉ, bởi cụ rất chi tiết, song có thể cảm thấy rằng mỗi một chi tiết nhỏ nhặt nhất đều được khắc ghi vào trí nhớ của cụ như được tạc vào đá. Một sự đắm say tràn ngập lòng những người đang nghe cụ nói. Họ bỏ những chiếc mũ trùm đầu xuống để có thể nghe rõ hơn và không bỏ quả một lời nào, những lời vô giá đối với họ. Họ cảm thấy như có một sức mạnh siêu nhiên nào đó mang họ về tới xứ Galilea, rằng họ cùng với các học trò của Chúa đi trong những khu rừng cây nọ, đến bên bờ nước, rằng cái nghĩa địa này biến thành hồ Tyberiad, còn trên bờ hồ, trong làn sương mù ban mai. Đấng Crixtux đang đứng đó, hệt như Người đứng trước khi thánh Jan từ trên thuyền nhìn lên mà thốt ra: ”Chúa kìa!” – Còn sứ đồ Piotr lao xuống bơi để có thể được sụp xuống đôi chân thương quý nhanh hơn. Trên những nét mặt là cả một sự ngưỡng mộ vô bờ, sự quên lãng hẳn cuộc đời, cùng niềm hạnh phúc và tình yêu không sao đo nổi. Hẳn là trong suốt thời gian dài sứ đồ Piotr kể chuyện, nhiều người đã như nhìn thấy Chúa, vì khi ông bắt đầu nói chuyện vào lúc Lên trời những đám mây di động dưới chân Đấng Cứu Thế và che cho Người ra sao, đồng thời che khuất Người trước mắt các tông đồ, thì tất thảy các mái đầu đều bất giác ngẩng lên trời giây lâu như chờ đợi, dường như họ vẫn còn hy vọng được trông thấy Chúa hoặc chờ đợi Người sẽ từ những cánh đồng thiên giới giáng trần lần nữa để xem vị Sứ Đồ tuổi tác đang chăn đàn chiên được giap phó cho ông ra sao, để ban phước cho ông và đàn con chiên của ông.

Đối với họ vào giây phút này không hề tồn tại. La Mã lẫn vị Hoàng đế cuồng loạn, không hề có các thần miếu, không hề có những vị thần, cũng không hề có ngoại đạo, chỉ có mỗi mình Đấng Crixtux, người thống lĩnh mặt đất, biển cả, bầu trời và thế giới.

Trong những ngôi nhà xa xa nằm rải rác dọc Via Nomentana gà trống bắt đầu cất tiếng gáy báo nữa đêm. Chính vào lúc ấy lão Khilon chợt kéo góc áo choàng của Vinixius và thì thào:

– Thưa ngài, ở kia cánh ông cụ không xa, tôi nhìn thấy tên Urxux, cạnh hắn là một thiếu nữ nào đấy.

Vinixius như chợt tỉnh giấc mơ và quay về phía lão Hi Lạp chỉ, chàng nhìn thấy Ligia.

Bình luận
× sticky