Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Quo Vadis

Chương 62

Tác giả: Henryk Sienkiewicz

Màn đêm chưa buông mà những làn sóng người đầu tiên đã tràn tới những khu vườn của Hoàng đế. Những đám đông ăn mặc như ngày lễ, đội những vòng hoa, hào hứng và hát ca, một phần say sưa đến đây để được ngắm nhìn một cảnh tượng mới mẻ và tuyệt diệu. Tiếng kêu: “Semaxi! Sarmenticii” vang trên đường Via Tecta, trên cầu Emilius và từ phía bên kia sông Tyber, trên đường Khải Hoàn gần hý trường Nerô, mãi cho tới đồi Vatykan. Trước kia tại Roma người ta cũng đã được trông thấy những người bị thiêu chết trên cọc nhưng chưa bao giờ lại có một số lượng tội nhân nhiều đến như thế. Hoàng đế và Tygelinux muốn thanh toán với Thiên chúa giáo, đồng thời muốn tránh bệnh dịch đang từ các nhà ngục loang ra mỗi lúc một rộng trong thành phố, đã ra lệnh khoắng sạch các hầm giam, chỉ để lại chừng vài mươi người dành cho buổi kết thúc hội thi. Cũng vì thế, bước qua cổng vườn, đám đông lặng đi vì kinh ngạc. Tất cả các đường đi chính và phụ chạy giữa các rặng cây um tùm, chung quanh các nội cỏ, các lùm cây, các hồ ao, khu ươm cây và nhà trồng hoa, đều trồng đầy các cột tẩm nhựa mà người ta đã trói các tín đồ Thiên chúa vào. Từ những nơi cao không bị cây cối che mất tầm nhìn có thể trông thấy những hàng cột và thân người được cài hoa, lá sim thơm và dây thường xuân, kéo dài mãi vào sâu, băng qua những gò đống và đồng bằng, xa mãi, đến nỗi những cây cột ở gần trông như những cột nhà, còn những cây cột ở xa trông chỉ như những chiếc thần trượng hay chiếc thương nhiều màu cắm xuống đất. Số lượng người vượt quá sự mong đợi của dân chúng. Có thể nghĩ rằng cả một dân tộc nào đó bị trói vào cọc để mua vui cho Roma và Hoàng đế. Đám đông dừng chân trước từng chiếc cọc nếu thích thú điều gì ở hình hài, tuổi tác hoặc giới tính của nạn nhân, ngắm những khuôn mặt, những vòng hoa, những tràng hoa dây quấn bằng cành thường xuân, rồi lại đi tiếp, tự đặt ra cho mình những câu hỏi đầy kinh ngạc: “Vậy ra lại có thể có tới ngần kia kẻ có tội?”, hoặc “Làm sao những đứa trẻ vừa mới chập chững biết đi lại có thể đốt cháy Roma được?”. Và nỗi ngạc nhiên ấy dần dần biến thành sự lo lắng.

Trong khi ấy đêm trùm xuống, và trên bầu trời loé sáng những vì sao đầu tiên. Bên cạnh mỗi tội nhân liền có một tên nô lệ đứng sẵn với ngọn đuốc rừng rực cháy trong tay, và khi tiếng kèn đồng vang lên tại nhiều nơi khác nhau của các khu vườn báo hiệu khai mạc cảnh diễn, chúng lập tức châm đuốc vào chân cọc.

Rơm rạ có tẩm sẵn nhựa được giấu dưới hoa bừng lên thành ngọn lửa sáng, mỗi lúc một bừng to lên, vặn theo những vòng dây thường xuân, nhô dần lên cao và liếm vào chân nạn nhân. Dân chúng nín bặt, những khu vườn chỉ còn vang rền tiếng kêu la và rên rỉ đau đớn. Tuy vậy, một số nạn nhân vẫn ngẩng đầu nhìn lên bầu trời sao cất tiếng hát ca ngợi Đức Chúa Crixtux. Dân chúng lắng nghe. Song ngay cả những trái tim sắt đá nhất cũng tràn ngập nỗi kinh hoàng khi từ những chiếc cọc thấp bé, những tiếng gọi xé lòng của lũ trẻ con vang lên: “Mẹ ơi! Mẹ ơi!” và ngay cả những khán giả say rượu cũng phải rùng mình khi nhìn thấy những mái đầu và khuôn mặt trẻ thơ nhăn nhúm vì đau đớn hoặc ngất đi trong làn khói bắt đầu khiến các nạn nhân ngạt thở. Ngọn lửa cứ vươn lên, vươn lên cao mãi, mỗi lúc lại thiêu đốt thêm những vòng hoa hồng và dây thường xuân mới. Đại lộ chính và các đường nhánh cháy rực, những khóm cây và những nội cỏ sáng rực, những nhà trồng hoa cũng thế, loang loáng sáng nước trong các vườn ươm cây và các ao hồ, những chiếc lá trên các cây cối trong vườn đều hồng rực lên, tất cả sáng bừng như ban ngày. Hơi khét của da thịt người bị cháy tràn ngập cả khu vườn, nhưng cũng lúc này bọn nô lệ bắt đầu rắc nhựa thơm và nhựa lô hội và các bình xông hương được chuẩn bị sẵn từ trước đặt giữa các cọc. Trong đám người xem đây đó vang lên những tiếng kêu, không hiểu vì đồng cảm hay vì mãn nguyện và sung sướng, tiếng kêu mỗi lúc một cồn lên cùng với ngọn lửa đang bao trùm các cọc, leo lên đến ngực của các nạn nhân, phả hơi thở nóng bỏng làm xoăn tóc lên đầu họ, giăng một tấm màn lửa trên những khuôn mặt đỏ bừng bừng của họ, và cuối cùng vọt mãi lên cao dường như đến với sự chiến thắng của sức mạnh đã ra lệnh đốt nó lên.

Ngay từ đầu buổi diễn, Hoàng đế đã xuất hiện giữa đám dân chúng trên một cỗ xe đua, thắng bốn con ngựa nòi sắc trắng, mặc bộ quần áo đua xe với màu của phái Xanh Lục, phái mà cả Ngài cùng đám triều thần của Ngài đều là thành viên. Đi theo sau Ngài là những cỗ xe khác chở đầy triều thần, trong những bộ trang phục tuyệt vời, các nguyên lão, tăng ni và các nữ tế thần rượu trần truồng chỉ đội mỗi vòng hoa trên đầu và cầm bình rượu nho trong ấy, một phần đã ngà ngà say, hét lên những tiếng kêu man dã. Bên họ là các nhạc công, mặc giả thần đồng nội và dương thần, chơi đàn tranh, đàn forminga, thổi sáo và tù và. Trên những cỗ xe khác là các mệnh phụ và trinh nữ Roma, cũng say sưa và nửa trần truồng. Bên cạnh các cỗ xe, bọn nhào lộn rung tít những thần tượng buộc các tua rua, bọn khác nện trống, bọn nữa rải hoa. Cả một đám rước tuyệt mỹ vừa đi vừa gào lên: “Evoe!” trên con đường rộng nhất, giữa làn khói mù và những ngọn đuốc người. Hoàng đế, mang theo bên mình Tygelinux và lão Khilon, kẻ mà người muốn được vui cười với sự kinh hãi của hắn, tự mình dong ngựa đi diễu, khoan thai ngắm nhìn những thân người đang cháy, lắng nghe tiếng kêu la của dân chúng. Đứng trên cỗ xe bằng vàng ngất nghểu, giữa một làn sóng người vây quanh, làn sóng đang rạp xuống chân ngài, trong ánh lửa rừng rực, đội vòng lá vàng của người thắng cuộc đua, ngài cao vượt hẳn trên đầu đám quần thần và dân chúng, có vẻ như một vị khổng lồ. Những cánh tay ma quái của ngài đang vươn ra cầm cương ngựa tưởng như ngài đang ban phước cho dân chúng. Trên khuôn mặt và trong đôi mắt nheo lại của ngài ẩn chứa một nụ cười, ngài bừng sáng trên đám người như mặt trời hay như một vị thần kinh khủng nhưng tuyệt vời và hùng mạnh.

Chốc chốc, ngài dừng xe để ngắm kỹ hơn một trinh nữ nào đấy mà bụng đang bị cháy xèo xèo trong ngọn lửa, hoặc một khuôn mặt trẻ thơ nhăn nhúm trong cơn dãy chết, rồi ngài lại đi tiếp, kéo theo sau cả đoàn diễu hành điên loạn và náo động. Chốc chốc, ngài lại chào dân chúng, rồi lại ngả người ra phía sau, kéo căng những sợi dây cương vàng và trò chuyện với Tygelinux. Cuối cùng ngài tới một đài phun nước khổng lồ giữa hai đường phố giao nhau, ngài bước xuống xe, gật đầu với những người đồng hành rồi đi lẫn vào đám đông.

Người ta chào đón ngài bằng tiếng kêu và những tiếng vỗ tay. Các nữ tế thần rượu, các tiên nữ, nguyên lão, cận thần, tăng ni, thần đồng nội, dương thần và binh lính vây quanh ngài cùng với vòng người điên loạn, còn ngài, một bên là Tygelinux, bên kia là lão Khilon, ngài đi vòng quanh đài phun nước, nơi đang có hàng chục ngọn đuốc sống cháy rừng rực, dừng lại trước mỗi ngọn, nhận xét về từng nạn nhân hoặc chế giễu lão già Hi Lạp, kẻ mà nét mặt đang hiện rõ sự tuyệt vọng vô bờ bến.

Sau rốt, họ dừng chân trước một cây cột cao quấn dây thường xuân được vòng thành từng cuộn. Những lưỡi lửa đỏ rực đã vươn tới tận đầu gối nạn nhân, nhưng không sao nhìn thật rõ mặt, vì những cành cây tươi khi cháy toả khói mù mịt che đi mất. Lát sau, cơn gió đêm nhè nhẹ chợt xua tan khói, để lộ ra đầu một cụ già với bộ râu cằm bạc phơ chảy dài xuống ngực.

Nhìn thấy người ấy, đột nhiên lão Khilon gập người lại như một con bò sát bị trúng thương, miệng lão bật ra một tiếng kêu giống tiếng quàng quạc hơn là giống tiếng người:

– Glaukox! Glaukox!…

Quả thực, thầy thuốc Glaukox đang nhìn lão từ trên chiếc cột rừng rực cháy.

Ông cụ hãy còn sống. Mặt cụ đau đớn nghiêng xuống, dường như muốn nhìn một lần cuối cùng tên đao phủ đã từng phản bội, đã từng khiến cụ mất vợ, mất con, đã từng thuê người giết cụ, rồi khi nhân danh Chúa Crixtux tất cả những điều đó đã được bỏ qua, hắn lại một lần nữa nộp cụ vào tay bọn cầm quyền. Chưa bao giờ một con người lại gây cho con người khác những điều xúc phạm kinh khủng và đẫm máu hơn thế. Thế mà giờ đây nạn nhân đang bị thiêu sống trên một chiếc cột tẩm dầu, còn tên đao phủ lại đứng ngay dưới chân cột. Đôi mắt cụ Glaukox không rời khỏi mặt lão già Hi Lạp. Chốc chốc khói lại che mờ đôi mắt ấy, nhưng khi hơi gió xua khói đi, lão Khilon lại nhìn rõ đôi đồng tử đang dán chặt vào lão. Lão nhổm bật dậy định chạy trốn, nhưng không thể. Đột nhiên lão cảm thấy như hai chân lão bằng chì và có một bàn tay vô hình nào đó giữ chặt lão lại trước chiếc cột này bằng một sức mạnh siêu nhiên. Lão như hoá đá. Lão chỉ còn cảm thấy rằng trong người lão có gì đó đã đầy tràn, có gì đó gẫy vỡ, lão cảm thấy đã quá đủ những cực hình và máu, cảm thấy cái kết cục của cuộc đời đã đến và tất cả chung quanh đều biến mất: cả Hoàng đế, triều thần, cả những đám đông, vây bọc lão chỉ còn là một khoảng trống vô đáy, kinh khủng, đen ngòm, trong đó trông rõ đôi mắt kia của con người tử vì đạo, đôi mắt đòi lão ra trước toà án. Còn ông cụ mỗi lúc cúi thêm thấp đầu xuống và vẫn nhìn hoài nhìn mãi. Những người có mặt đoán rằng giữa hai con người này đang diễn ra một cái gì đó, song nụ cười chết lặng trên môi họ, bởi trên mặt lão Khilon có gì đó thật khủng khiếp: một nỗi hãi hùng cùng một nỗi đau đớn vô chừng khiến cho nó nhăn nhúm lại, dường như những lưỡi lửa kia đang thiêu đốt chính thân xác lão. Đột nhiên, lão loạng choạng vươn hai tay lên trời và kêu bằng một giọng kinh khủng xé lòng người:

– Ông Glaukox! Nhân danh Chúa Crixtux! Hãy tha thứ!…

Chung quanh vắng lặng. Cơn rùng mình chạy dọc thân những người có mặt và tất thẩy các đôi mắt bất giác đều ngẩng nhìn lên.

Mái đầu của con người tử vì đạo khẽ động đậy, rồi người ta nghe từ trên đỉnh cột một giọng nói giống như một tiếng rên:

– Ta tha thứ!…

Lão Khilon gục mặt xuống rú lên như một con thú, hai tay bốc đầy đất rắc lên đầu. Trong lúc ấy, những ngọn lửa đã vọt lên cao ôm lấy lồng ngực và khuôn mặt ông cụ Glaukox, làm sổ tung vòng lá sim thơm đội trên đầu cụ, và leo lên tận đỉnh cột, cây cột đang bừng bừng toả ra cả một vừng ánh sáng khổng lồ và rạng rỡ.

Lát sau lão Khilon nhổm dậy với nét mặt biến đổi đến nỗi đám cận thần tưởng như đang nhìn thấy một con người khác. Mắt lão sáng lên những ánh không bình thường, từ vừng trán nhăn nheo toả ra nỗi say mê: lão già Hi Lạp vô năng vừa nẫy giờ trông như một vị tăng lữ vừa trông thấy thần linh, đang muốn phát hiện ra những chân lý chưa từng biết.

– Hắn ta làm sao thế? Điên à? – vài giọng nói cất lên.

Còn lão quay lại phía đám đông giơ tay phải lên, bắt đầu kêu to, hay nói đúng hơn là thét lên vang động, để cho không chỉ đám cận thần mà cả những kẻ tiện dân cũng có thể nghe thấy:

– Hỡi dân chúng Roma! Tôi xin lấy cái chết ra thề rằng những người vô tội đang phải chết, còn kẻ đốt nhà chính là – tên kia!…

Lão chỉ thẳng ngón tay vào Nerô.

Im lặng bao trùm một hồi lâu. Đám triều thần lặng người. Lão Khilon vẫn đứng đó với cánh tay run rẩy vươn ra và ngón tay chỉ thẳng vào Hoàng đế. Đột nhiên náo động cả lên, như một làn sóng bị cơn gió lốc cuộn lên, dân chúng tràn tới gần lão già để nhìn lão được rõ hơn. Đây đó vang lên những tiếng kêu: “Giữ hắn lại!”, chỗ khác lại kêu: “Khổ cho chúng ta rồi!”. Trong đám đông vang lên tiếng huýt sáo và tiếng xôn xao: “Ahenobarbux! Thằng giết mẹ! Kẻ đốt nhà!”. Mỗi lúc càng thêm lộn xộn. Bọn nữ tế thần rượu hét toáng lên, chạy nấp vào các cỗ xe. Đột nhiên, mấy chiếc cột đã bị cháy rụi bị đổ sập xuống, làm bắn ra chung quanh những tàn lửa, càng khiến cho cảnh hỗn loạn tăng thêm. Làn sóng dân chúng mù loà, hỗn độn cuốn phăng cả lão Khilon và lôi lão vào sâu trong khu vườn.

Khắp nơi những chiếc cột bắt đầu cháy hết và đổ xuống ngang đường, khiến cho đường phố ngập tràn khói, những tia lửa đỏ, tàn tro và mùi mỡ người cháy. Những ánh sáng xa gần dần tắt. Trong vườn tối đen. Những đám đông hoang mang, lo sợ và sầu thảm chen nhau ra cổng. Tin tức từ việc xẩy ra truyền từ miệng người này sang miệng người khác, biến đổi đi và phóng đại lên. Người thì nói rằng Hoàng đế ngất xỉu đi, kẻ khác lại nói chính Hoàng đế tự thú nhận là đã ra lệnh đốt cháy thành Roma, người thứ ba bảo rằng Hoàng đế lâm bệnh nặng, còn những người khác thì nói ngài được chở đi như đã chết rồi trên một cỗ xe. Đây đó vang lên những giọng đồng cảm với người Thiên chúa: “Không phải họ đốt cháy Roma, vậy để làm gì ngần kia máu, cực hình và bất công. Liệu các vị thần có trả thù cho những người vô tội, và biết dùng những đồ tế hiến gì để lại cầu xin các thần lần nữa?”. Những tiếng “innoxia corpora” được lặp lại mỗi lúc một nhiều hơn. Đám phụ nữ thương xót những đứa trẻ đã bị người ta vứt nhiều đến ngần ấy cho thú dữ, bị đóng đinh lên thập tự hoặc bị thiêu trong những khu vườn đáng rủa nguyền kia. Rốt cuộc lòng thương xót biến thành lời nguyền rủa Hoàng đế và Tygelinux. Nhưng cũng có những người chợt dừng lại, tự đặt cho mình hoặc đặt cho người khác câu hỏi: “Các vị thần đã cho người ta ngần ấy sức lực để chịu đựng cực hình và cái chết kia là ai vậy?”. Và người ta quay về nhà trong suy tư.

Lão Khilon hãy còn lang thang mãi trong khu vườn, không biết đang đi tới đâu và sẽ quay trở về đâu. Giờ đây lão lại cảm thấy mình là một ông lão kiệt sức, thiểu năng và ốm yếu. Chốc chốc lão lại vấp phải những cái xác cháy dở, những đầu cây gỗ còn âm ỉ cháy toé hàng nghìn chùm tia lửa sau chân lão, chốc chốc lão lại ngồi xuống nhìn quanh bằng cái nhìn vô hồn. Khu vườn đã trở nên gần như hoàn toàn tối đen, chỉ còn có ánh trăng yếu ớt xao động giữa những hàng cây, toả ánh sáng mờ ảo xuống đường lối đi, những cây cột xám đen đổ vật ngang đường và những mẩu thây người chưa cháy hết đã bị biến mất hình thù. Nhưng lão già Hi Lạp lại cảm thấy như trong ánh trăng có khuôn mặt cụ Glaukox và đôi mắt cụ đang nhìn lão trừng trừng, lão ẩn mình tránh ánh sáng.. Tuy vậy cuối cùng lão cũng bước ra khỏi bóng tối và bất giác như bị xô đẩy bởi một sức mạnh nào đó không rõ, lão lại hướng về phía đài nước phun, nơi ông Glaukox đã trút linh hồn.

Chính vào lúc ấy, có một bàn tay chạm vào vai lão:

Lão già ngoảnh lại và nhìn thấy trước mặt mình một bóng người xa lạ, lão thảng thốt kêu lên:

– Ai đó? Ông là ai?

– Sứ đồ, Paven xứ Tarxu.

– Tôi là một kẻ đáng nguyền rủa!… Ông muốn gì nữa?

Đức Sứ đồ đáp:

– Tôi muốn giải tội cho ông.

Lão Khilon tựa vào một thân cây.

Chân lão run rẩy, hai tay buông dọc thân người.

– Đối với tôi, không thể có cách nào giải tội nữa! – lão nói bằng giọng khô khốc.

– Thế ông không nghe thấy rằng Chúa đã tha tội cho tên vô lại hối hận trên cây thánh giá hay sao? – ông Paven hỏi.

– Thế ông biết tôi đã làm những gì không?

– Tôi đã nhìn thấy nỗi đau đớn của ông và tôi đã nghe thấy ông đưa ra lời chứng cho sự thật.

– Ôi ngài!…

– Và một khi kẻ tôi tớ của Chúa Crixtux tha tội cho ông trong giờ cực hình và chết chóc, lẽ nào Chúa Crixtux lại chẳng thể tha thứ cho ông?

Lão Khilon lấy hai tay ôm ghì đầu như hoá dại:

– Tha thứ! Tha thứ cho tôi!…

– Đức Chúa của chúng tôi là Đức Chúa Nhân Từ. – Sứ đồ đáp.

– Ngay cả đối với tôi? – Lão Khilon hỏi lại.

Rồi lão rên lên như một người kiệt sức không thể chống nổi nỗi đau đớn và khổ sở. Ông Paven nói:

– Hãy tựa vào tôi và hãy đi cùng tôi.

Rồi ông đỡ lấy lão, đi cùng lão tới chỗ những đường phố giao nhau, hướng theo tiếng đài phun nước dường như đang than khóc trong sự tĩnh mịch của đêm trường trên những thi thể đã bị dày vò đến thế.

– Chúa chúng tôi là Chúa nhân từ, – Sứ đồ lặp lại. – Nếu ông đứng trên biển ném một hòn đá xuống nước, làm sao có thể ném chạm chốn thẳm sâu của biển. Tôi xin nói cùng ông rằng sự nhân từ của Chúa Crixtux cũng giống như biển cả, còn tội lỗi của con người chìm trong đó như đá chìm trong lòng biển thẳm sâu. Tôi xin nói với ông, Chúa như vòm trời trùm khắp núi đồi, đất liền và biển cả, vì Người ở khắp nơi, không có giới hạn, không có chỗ tận cùng. Ông đã đau khổ bên cột hành hình cụ Glaukox và Chúa Crixtux thấy nỗi đau của ông. Ông đã nói mà không cần biết những chuyện gì sẽ xảy đến với ông ngày mai: “Đây là kẻ đốt nhà!” và Chúa Crixtux nhớ những lời ông nói. Bởi vì đã qua rồi sự dữ và điều dối trá của ông, trong tim ông chỉ còn một nỗi tiếc nuối vô biên. Ông hãy đi cùng tôi và hãy nghe những điều tôi nói: chính tôi cũng đã từng căm ghét Người và tróc nã những kẻ được Người lựa chọn. Tôi cũng đã từng không muốn tin vào Người cho đến khi Người hiển hiện và vẫy gọi tôi. Từ đó Người là tình yêu của tôi. Giờ Người mang tới cho ông nỗi ưu tư, lo hãi và đau đớn để gọi ông đến cùng Người. Ông đã từng căm thù Người, nhưng Người lại yêu mến ông. Ông đã bán tín đồ của Người, khiến họ phải chịu cực hình, nhưng Người vẫn muốn tha thứ và cứu rỗi cho ông.

Lồng ngực của lão già bắt đầu rung lên nức nở, trong lòng lão, linh hồn bị động chạm đến tận chốn thắm sâu; ông Paven đỡ lấy lão, khiến lão bình tĩnh lại và dìu lão đi như người lính dắt một tù nhân.

Lát sau, ông lại nói tiếp:

– Hãy đi cùng tôi, tôi sẽ đưa ông tới cùng Người. Có lí do gì khác nữa chăng mang tôi đến với ông? Nhưng Người đã bảo tôi phải cứu vớt linh hồn con người nhân danh tình yêu, nên tôi phải thực hiện việc phụng sự Người. Ông nghĩ rằng ông là kẻ đáng bị nguyền rủa, nhưng tôi xin nói cùng ông: xin hãy tin nơi Người, sự cứu rỗi đang chờ ông đấy. Ông nghĩ rằng ông bị người đời căm thù, nhưng tôi xin nhắc lại cùng ông rằng Người yêu thương ông. Hãy nhìn tôi đây! Giá không có Người, tôi sẽ chẳng có gì hết trừ sự dữ ở trong tim, nhưng giờ đây, tình yêu của Người đủ thay thế cho tôi cả cha cùng mẹ, cả sự giàu sang cùng quyền vương bá. Chỉ duy nhất ở Người có đường thoát, chỉ mình người tính đến từng nỗi tiếc thương của ông, nhìn thấy sự cùng khổ của ông, cởi bỏ cho ông nỗi hãi hùng và nâng ông tới cùng Người.

Vừa nói thế ông vừa dìu lão tới đài phun nước, mà ngay từ xa những dòng nước bạc đã lóng lánh trong ánh trăng. Chung quanh tĩnh mịch và vắng vẻ vì bọn nô lệ phục dịch đã dọn xong những cột hoá thành than cùng thi thể những người tử vì đạo nơi đây.

Lão Khilon rên lên, quỳ sụp xuống, úp hai tay vào mặt và cứ quỳ bất động như thế, còn ông Paven ngước mặt lên các vì tinh tú bắt đầu cầu nguyện.

– Hỡi Chúa, hãy nhìn con người khốn khổ này, hãy trông nỗi hối hận, những giọt lệ và nỗi đớn đau của ông ta. Hỡi Chúa Nhân, Người đã đổ máu vì những tội lỗi của chúng tôi, bằng những nỗi cực hình của Người, bằng cái chết và phục sinh, xin hãy tha thứ cho ông ta!

Rồi ông im lặng, nhưng vẫn tiếp tục nhìn lên những vì sao và cầu nguyện hồi lâu.

Đột nhiên, dưới chân ông bật lên những tiếng kêu nghe như tiếng rên rỉ:

– Hỡi Chúa Crixtux!… Lạy Chúa Crixtux!… Hãy tha tội cho tôi!…

Lúc ấy, ông Paven tiến đến đài nước phun, vốc nước vào lòng bàn tay, rồi quay lại con người khốn khổ đang quỳ gối.

– Hỡi Khilon! Tôi rửa tội cho ông nhân danh Cha và Con và Thánh thần! Amen!

Lão Khilon ngẩng đầu, giang hai tay và bất động. Mặt trăng chiếu ánh sáng vằng vặc xuống những sợi tóc bạc trắng cùng khuôn mặt cũng màu trắng, bất động, dường như chết rồi hoặc tạc bằng đá của lão. Thời gian trôi đi, trong những chuồng chim khổng lồ ở trong vườn Đomixia bắt đầu vẳng tới tiếng gáy của lũ gà sống, lão vẫn cứ quỳ, giống như một pho tượng bên mồ.

Cuối cùng, lão mở mắt, đứng dậy, quay sang phía Sứ đồ và hỏi:

– Tôi phải làm gì trước khi chết, thưa cha?

Paven cũng vừa sực tỉnh khỏi cơn suy tư về cái thế lực vô biên có thể đè bẹp cả những linh hồn như linh hồn của lão già Hi Lạp kia, ông đáp:

– Ông hãy tin và hãy làm chứng cho sự thật!

Rồi họ cùng bước ra. Ở cổng vườn, Sứ đồ ban phước cho lão già lần nữa và họ chia tay, vì chính lão Khilon yêu cầu như thế khi lão thấy trước rằng, sau chuyện vừa xẩy ra, Hoàng đế và Tygelinux sẽ ra lệnh tróc nã lão.

Quả thực, lão đã không lầm. Quay về nhà, lão thấy ngôi nhà đã bị bọn lính cấm vệ vây kín, chúng bắt lão ngay, và dưới sự chỉ huy của Xevinux, chúng đưa lão vào cung điện Palatyn.

Hoàng đế đã đi nghỉ, nhưng Tygelinux vẫn chờ, khi trông thấy lão già Hi Lạp bất hạnh, hắn chào lão với vẻ mặt bình tĩnh nhưng dữ tợn…

– Ngươi đã mắc trọng tội phạm thượng, – hắn nói với lão, – ngươi sẽ không thể thoát khỏi bị trừng phạt. Nhưng nếu ngày mai, tại nhà hát, ngươi tuyên bố rằng ngươi đã say và đã điên, còn những thủ phạm của trận hoả tai chính là bọn tín đồ Thiên chúa thì hình phạt đối với ngươi sẽ chỉ là đánh đòn và đi đày mà thôi.

– Tôi không thể, thưa ngài! – lão Khilon khẽ trả lời.

Tygelinux tiến lại gần lão với những bước chân chậm rãi, và bằng giọng nói cũng khẽ khàng, nhưng đáng sợ, hắn hỏi:

– Sao ngươi không thể, hả đồ chó Hi Lạp kia? Lẽ nào ngươi không say và không hiểu nổi cái gì đang chờ ngươi hay sao? Nhìn kia kìa!

Nói đoạn hắn trỏ tay vào góc gian chính sảnh, nơi đó, bên cạnh một chiếc ghế dài bằng gỗ, có bốn tên nô lệ người Trak đang đứng im lìm trong bóng tối, với dây thừng và kìm sắt trong tay.

Lão Khilon vẫn đáp:

– Tôi không thể, thưa ngài!

Tygelinux bắt đầu nổi khùng nhưng vẫn cố nén:

– Ngươi đã thấy bọn Thiên chúa phải chết như thế nào chưa? – hắn hỏi, – Ngươi cũng muốn chết thế chăng?

Lão già ngẩng khuôn mặt nhợt nhạt lên, môi lão động đậy hồi lâu, rồi lão đáp:

– Tôi cũng tin vào Đức Chúa Crixtux!…

Tygelinux nhìn lão kinh hoàng:

– Đồ chó, mày điên thật rồi!

Và đột nhiên, cơn tức tối dồn nén trong ngực hắn phá tung đập chắn. Hắn nhẩy xổ đến bên lão Khilon, dùng hai tay túm chặt bộ râu cằm của lão, giật lão ngã lăn ra đất, rồi bắt đầu đạp túi bụi, vừa đạp mồm vừa sùi bọt lắp đi lắp lại:

– Mày sẽ phải cải chính! Mày sẽ phải cải chính!

– Tôi không thể! – lão Khilon đáp lại từ mặt đất

– Tra tấn nó đi!

Nghe lệnh, bọn người Trak tóm lấy lão già, đặt nằm lên ghế, rồi sau khi dùng dây trói chặt lão vào ghế, chúng bắt đầu dùng kìm kẹp nghiến những cẳng chân gầy guộc của lão. Nhưng khi chúng trói lão, lão nhẫn nhục hôn tay chúng, rồi sau đó lão nhắm nghiền mắt lại, trông như đã chết.

Tuy thế lão vẫn còn sống, vì khi Tygelinux cúi xuống lão một lần nữa và hỏi: “Mày sẽ cải chính chứ?”, đôi môi khẽ nhợt nhạt của lão khẽ động đậy và từ đó thoát ra một lời thì thào chỉ vừa đủ nghe thấy:

– Tôi không… thể!…

Tygelinux sai dừng nhục hình và đi đi lại lại lồng lộn trong chính sảnh với nét mặt biến đổi hẳn đi vì tức giận và bất lực. Cuối cùng, hẳn là hắn nghĩ ra được một ý mới nào đó, hắn quay lại phía bọn người Trak ra lệnh:

– Rứt đứt lưỡi nó đi!

Bình luận
× sticky