Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Trí Thông Minh Thực Dụng

Giới Thiệu

Tác giả: Harvey Deutschendorf

Ebook miễn phí tại : www.Sachvui.Com

Công cụ mạnh nhất là công cụ con người sẽ sử dụng. Những kỹ thuật trong cuốn sách này thật đơn giản, dễ hiểu và dễ sử dụng, không đòi hỏi nhiều thời gian. Tôi hiểu và tôn trọng thực tế rằng, trong cuộc đời, bạn có nhiều mối quan tâm khác nhau mà thời gian thì hữu hạn. Dù có thể bạn rất quan tâm tới trí tuệ xúc cảm thì điều đó vẫn phải phù hợp với thế giới của bạn, chứ không phải ngược lại. Cuốn sách này cung cấp cho bạn những kỹ thuật đơn giản, hiệu quả và chỉ cần năm phút mỗi ngày.

Thành công không phải là một bước đột phá. Nó là sự tích lũy những thay đổi nhỏ có được nhờ sự kiên trì, kỷ luật tự giác và học cách tận dụng tối đa trí tuệ xúc cảm. Với câu hỏi: Nâng cao trí tuệ xúc cảm có khó không, câu trả lời là có và không. Không, vì nó không khó về mặt kỹ thuật. Nó không đòi hỏi kiến thức đặc biệt, chỉ số IQ cao hay cần nhiều bí quyết kỹ thuật. Nhưng nó không dễ thực hiện. Nó đòi hỏi ý thức kỷ luật tự giác để duy trì hành động trong một khoảng thời gian dài, ngay cả khi không có kết quả rõ ràng ngay lập tức. Có thể trong phần lớn cuộc đời, tiềm thức chúng ta đã hoạt động theo những cơ chế mặc định tự hủy hoại bản thân. Thời xa xưa, cùng với bản năng sinh tồn, nhiều cơ chế hành vi ra đời do sự cần thiết, nhằm giúp loài người thoát khỏi những tình huống khó khăn. Nhiều người trong chúng ta dựa vào nỗi giận dữ và các xúc cảm mạnh khác để đối phó và thoát khỏi những gia đình bất ổn, những tình huống không may khác trong thời kỳ được nuôi dưỡng. Tuy nhiên, khi thoát ra khỏi hoàn cảnh đó, sự tức giận không còn giúp chúng ta nhiều nữa mà thậm chí còn chống lại chúng ta. Lúc đó, điều quan trọng là chúng ta phải nhận ra rằng suy nghĩ và hành vi trước đây từng cần thiết nay đã trở nên lỗi thời, có hại và chúng ta phải nỗ lực phát triển cách suy nghĩ mới về bản thân, về những người xung quanh và về môi trường của chúng ta. Những gì va vấp phải trong những năm tháng trưởng thành sẽ có ảnh hưởng đối với chúng ta cho đến tận cuối đời – tại nơi làm việc, trong gia đình và trong tất cả những quan hệ tương tác của chúng ta với thế giới.

Mặc dù một vài điều chúng ta học được là tốt và sẽ rất có ích thì cũng có một số điều có thể phá hoại tương lai của chúng ta. Tin tốt là chúng ta có thể thay đổi những gì đã học trong quá khứ và học được những cách mới và tốt hơn để tương tác với thế giới xung quanh. Không giống chỉ số thông minh (IQ) – gần như được ấn định cả đời khi chúng ta bước vào tuổi trưởng thành, chúng ta có thể thay đổi được trí tuệ xúc cảm (EI).

Bước đầu tiên là xác định đâu là sở trường của bạn và điều gì có ích cho bản thân. Trong cuốn sách Go Put Your Strengths to Work (Tạm dịch: Kích hoạt sức mạnh của bạn), tác giả Marcus Buckingham nói rằng, chúng ta nên tập trung vào việc tạo ra một môi trường làm việc sử dụng các thế mạnh nhiều hơn là quan tâm tới những điểm yếu.

Lý thuyết của ông cho rằng, sẽ có lợi hơn khi chúng ta tập trung và cải thiện những lĩnh vực mà chúng ta vốn đã giỏi và có tài năng. Quan điểm này giống với tâm lý học tích cực, khẳng định rằng khi giúp đỡ người khác, chúng ta sẽ đạt được kết quả tốt hơn nhiều nếu tập trung vào những thế mạnh thay vì những điểm yếu của họ. Đây là một sự thay đổi có ý nghĩa so với quá khứ, khi đó tâm lý học tập trung chủ yếu vào các điểm yếu và làm thế nào để cải thiện chúng. Nói chung, tôi nghĩ rằng tập trung vào điểm mạnh là cách làm đúng đắn. Bất kỳ khi nào đưa ra ý kiến đánh giá EI cho ai đó hoặc khi hướng dẫn, đầu tiên tôi xác định và nói về các thế mạnh của người đó trước khi nhìn nhận những thách thức. Tuy nhiên, trong khi tập trung vào các điểm mạnh, vẫn có một số lĩnh vực chúng ta không được phép bỏ qua, ngay cả nếu đó không phải là sở trường của chúng ta. Các lĩnh vực quan trọng này sẽ hủy hoại chúng ta và phủ nhận những thế mạnh của bản thân nếu chúng không được quản lý tốt.

Câu hỏi, vì sao một số người thì thành công, trong khi những người khác phải vật lộn cả đời và đạt được rất ít thành công, vẫn luôn hấp dẫn loài người. Trong phần lớn thế kỷ XX, chúng ta vẫn để tin rằng, đó là vì trí thông minh nhận thức, hay IQ, quyết định mức độ thành đạt của chúng ta. Tuy nhiên, thực tế phổ biến và năng lực quan sát giản đơn của chúng ta cho chúng ta biết rằng điều này không đúng, rằng hẳn phải có nhiều yếu tố dẫn tới thành công hơn việc chúng ta đạt kết quả thế nào trong các bài kiểm tra ở trường.

Trong cuốn Successful Intelligence (Tạm dịch: Trí tuệ thành đạt), Robert Sternberg xem xét trường hợp của hai sinh viên tốt nghiệp trường Yale và cách họ thể hiện trong thế giới thực. Penn là một thành viên sáng tạo và xuất sắc của lớp, có thể đưa ra những ý tưởng của riêng mình. Về lý thuyết, anh chắc chắn là sinh viên tốt nghiệp thủ khoa trường Yale. Chỉ có duy nhất một vấn đề, Penn khá kiêu ngạo và gần như hoàn toàn thiếu những kỹ năng thực tế.

Mặc dù Penn được tất cả các công ty hàng đầu phỏng vấn, sự kiêu ngạo khiến không công ty nào tiếp nhận anh cả. Lời đề nghị duy nhất đến từ một công ty hạng hai và anh cũng chỉ có thể trụ ở đó được ba năm.

Còn người kia, Mart, bạn cùng phòng của Penn, không giỏi về học lực nhưng lại có trí tuệ xã hội tuyệt vời. Mart nhận được bảy lời đề nghị sau tám cuộc phỏng vấn. Dù không xuất sắc nhưng anh luôn là người đáng tin cậy và các kỹ năng xã hội giúp sự nghiệp của anh ngày càng phát triển.

Hãy nghĩ lại thời kỳ học phổ thông của bạn. Bạn có nhớ những bạn học sáng giá có điểm số tuyệt vời và mọi người đều trông đợi họ sẽ làm được những điều vĩ đại cho thế giới? Họ có làm tốt như mọi người trông đợi? Thế còn những học sinh bị mọi người cười nhạo vì bỏ học đi bán xe cũ? Trong các buổi họp lớp, bạn có thấy những học sinh xuất sắc trước kia thì lái taxi, còn những học sinh bỏ học lại trở thành triệu phú?

Tất cả chúng ta đều biết những câu chuyện tương tự như vậy, biết những người từng rất giỏi khi nhìn vào điểm số họ đạt được ở trường, nhưng lại phải vật lộn để thích nghi với xã hội. Ted Kaczynski[1] – được mệnh danh là “Unabomber” (kẻ chuyên đánh bom máy bay và trường đại học) và tên Ted – Ted Bundy khét tiếng[2] – chỉ là hai trong nhiều ví dụ nổi tiếng. Mặt khác, chúng ta biết ai đó có thể sẽ không đạt được kết quả cao trong bài kiểm tra IQ nhưng vẫn sống rất tốt. Do đó, quan niệm rằng phải có những yếu tố khác – ngoài IQ – tham gia vào việc xác định thành công của một người, không phải là điều gì ngạc nhiên đối với phần lớn chúng ta. Trong đời mình, chúng ta vẫn luôn thấy điều này.

Ví dụ, trong cuốn sách Working with Emotional Intelligence (Trí tuệ xúc cảm – Ứng dụng trong công việc)[3], Daniel Goleman đã khảo sát trường hợp của một công ty tư vấn để tìm ra những hậu quả do thiếu khả năng kiểm soát sự tùy hứng. Các nghiên cứu về trường hợp thất bại trong công việc – được tiến hành nhờ hồ sơ của công ty tư vấn, đã đánh giá từng nhân viên trong đợt kiểm tra trên 4.265 người, từ lãnh đạo công ty cho tới những người lao động chân tay.

Trong những phát hiện của Goleman có trường hợp một nhà quản lý doanh nghiệp. Người này khá hung hăng với tất cả những người ông ta tiếp xúc. Cuối cùng, ông ta bị sa thải vì một nữ nhân viên tố cáo tội quấy rối tình dục. Một trường hợp khác, một nhà quản lý hướng ngoại khác thường, nổi tiếng vì phong cách thoải mái và thích tụ tập đã vượt quá ranh giới bảo mật và rốt cuộc bị sa thải vì để lộ thông tin mật của công ty. Tương tự, cả CEO và CFO được tuyển chọn kỹ lưỡng của ông ta đều bị sa thải do quản lý kém nguồn ngân sách của công ty. Cả hai đều thiếu đạo đức và ít quan tâm tới tác động do hành động của mình gây ra.

Tất cả những người này đều thiếu khả năng kiểm soát cơn bốc đồng của mình. Họ có rất ít, hoặc thậm chí không có, khả năng trì hoãn sự thỏa mãn tức thời. Nếu biết tự kiềm chế, con người có thể suy nghĩ kỹ lưỡng về hậu quả có thể xảy ra với những gì họ chuẩn bị làm và chịu trách nhiệm về lời nói, việc làm của mình.

Hãng tư vấn đó đã nghiên cứu về sự tự kiềm chế trong công việc và khuyên rằng, “khi lựa chọn nhân lực cho công việc thuộc lĩnh vực công nghiệp – ở tất cả các cấp độ – sẽ là khôn ngoan khi từ chối những ứng viên có mức tự kiềm chế thấp hoặc rất thấp”, vì “khả năng họ gây ra rắc rối là vô cùng lớn”. (Tuy vậy, công ty này cũng lưu ý rằng con người có thể được giúp đỡ để xử lý tốt hơn tính bốc đồng của họ – kiểm soát cơn bốc đồng kém không nhất thiết là bản án tử hình cho sự nghiệp của người đó).

Nhiều công việc, cuộc hôn nhân, mối quan hệ và tình bạn khác lại bị phá hủy bởi ai đó, trong một khoảnh khắc tức giận, nói ra những lời do sự thúc bách của tình thế mà sau đó họ phải dành cả đời để nuối tiếc. Do đó, điều quan trọng là phải xác định những lĩnh vực có khả năng gây hại cho chúng ta và ít nhất phải trung hòa chúng để chúng không trở thành những vật cản đường tới thành công.

Không may là bộ não của chúng ta không được lập trình như máy tính; chúng ta không thể đơn giản đăng nhập và thay đổi cài đặt trong vòng vài giây. Tuy nhiên, chúng ta có thể phát triển những trạng thái mặc định mới bằng cách liên tục rèn luyện các cách giải quyết vấn đề tốt hơn. Qua thời gian, những kỹ thuật này sẽ trở nên dễ dàng hơn và cảm giác là một phần thực con người ta vậy. Khi đó, những suy nghĩ và hành vi trước đây sẽ bắt đầu có vẻ không tự nhiên và không còn quen thuộc nữa.

Lúc này chúng ta sẽ biết rằng, một thay đổi thật sự và lâu dài đang hình thành trong cuộc sống của chúng ta và thay đổi chúng ta theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Cuối cùng, những mẫu thức mới này sẽ trở thành trạng thái mặc định mới của chúng ta, tự nhiên và tự động đến với chúng ta.

Bình luận