“Hãy yêu hàng xóm như yêu chính bản thân mình, nhưng phải lựa chọn nơi mình sống.”
– LOUISE BEAL, NHÀ VĂN –
Mặc dù chúng ta có thể nghĩ rằng trúng xổ số hàng triệu đô-la sẽ khiến chúng ta hạnh phúc, nhưng thực tế và nghiên cứu lại kể cho chúng ta một câu chuyện rất khác: tiền và các sở hữu vật chất, sau một thời điểm nào đó, có liên quan rất ít với mức độ hạnh phúc chúng ta trải nghiệm trong cuộc sống. Trái lại, các mối quan hệ với người khác được chứng minh là có một tác động mạnh mẽ đối với mức độ hạnh phúc của chúng ta. Với bằng chứng là tinh thần khỏe mạnh chủ yếu do chất lượng các mối quan hệ của bạn với những người khác, bạn sẽ nghĩ rằng đây là một tâm điểm lớn trong cuộc đời của mọi người.
Không may là nhiều người vẫn tiếp tục dành phần lớn thời gian và sức lực để tích lũy của cải vật chất, trong khi chỉ dành cho việc tạo dựng các mối quan hệ một sự quan tâm bé nhỏ. Họ tiếp tục thắc mắc sao mình không cảm thấy hạnh phúc và viên mãn, cho dù họ đã rất thành công trong việc thu thập tài sản mà họ nghĩ sẽ đem lại sự thỏa mãn và hài lòng. Có ai đó đã nói với tôi rằng, có vẻ mọi người dành nhiều thời gian và nỗ lực cho việc chọn một căn nhà, một chiếc xe hoặc những mua sắm lớn khác, hơn là vào việc lựa chọn ai đó mà họ dự định, ít nhất vào thời điểm đó, chia sẻ thời gian cho đến hết cuộc đời.
Các mối quan hệ của chúng ta có thể đem lại các cung bậc tột cùng của xúc cảm, từ đỉnh cao say mê tới vực sâu tuyệt vọng. Dù việc tìm kiếm, tạo ra và phát triển các mối quan hệ lành mạnh là công việc vô cùng to lớn nhưng phần thưởng mà nó đem lại lại rất xứng đáng với công sức bỏ ra. Chỉ có ít các bậc tu hành khổ hạnh có hạnh phúc thật sự. Hầu hết chúng ta đều khao khát có được những mối quan hệ thân mật với mọi người. Thân mật ở đây không liên quan tới quan hệ giới tính. Nó có nghĩa là kiểu quan hệ với ai đó mang tính tin cậy, với ai đó chúng ta có thể là chính mình và chia sẻ cởi mở những ước mơ, hy vọng, nỗi sợ hãi, niềm vui và nỗi buồn. Người ta nói rằng nếu bạn có được một người bạn thật sự trong đời, bạn nên coi mình là người may mắn. Theo Stephen Covey, chúng ta cần xây dựng lòng tin với các mối quan hệ của chúng ta bằng cách sử dụng “tài khoản ngân hàng xúc cảm”. Mỗi lần chúng ta làm được điều gì đó để củng cố mối quan hệ của mình với ai đó, tức là chúng ta lại gửi được thêm tiền vào tài khoản của mình. Có nhiều cách để làm điều này. Lắng nghe người đó nói, có mặt khi người đó cần, giữ bí mật những điều người đó đã tin tưởng kể cho ta nghe, và ủng hộ những ước mơ và khát vọng của người đó, tất cả đều là cách để chúng ta xây dựng tài khoản đó. Những cách khác bao gồm: nhớ mọi điều về người đó, giữ cam kết, tôn trọng nhận xét và ý kiến của người đó cho dù chúng ta không đồng tình với họ, và thể hiện mối quan tâm thật sự đối với cuộc sống của người đó.
Khi tài khoản của chúng ta phát triển tốt, khi chúng ta đã xây dựng được mức độ tin cậy cao, mối quan hệ của chúng ta sẽ tự giải phóng khỏi các giới hạn thông thường của các tương tác hàng ngày với người khác. Vì lòng tin đã được xây dựng nên chúng ta sẽ trở nên trung thực theo những cách có thể sẽ không được tha thứ trong những mối quan hệ kém phát triển hơn. Bạn sẽ có cảm giác an toàn khi biết rằng mối quan hệ đó mạnh mẽ và có thể chịu được được những sự bất đồng, kể cả những bất đồng nảy lửa. Bạn sẽ dễ dàng đòi hỏi sự tha thứ từ một người bạn sau một cuộc tranh cãi hơn nhiều nếu bạn đã có được trải nghiệm tốt với người đó. Hãy thiết lập các mối quan hệ đôi bên cùng thỏa mãn đòi hỏi sự can đảm, cam kết, ý thức tự giác kỷ luật và sự thấu cảm. Mối quan hệ càng quan trọng thì càng nên dành nhiều thời gian để xây dựng tài khoản ngân hàng xúc cảm đó.
Một điều khiến tôi thật sự khó chịu là, khi ai đó tôi đã coi là bạn sa chân vào mối quan hệ tình cảm mới và hoàn toàn bỏ quên những người bạn trước khi mối quan hệ tình cảm này bắt đầu. Sau đó, khi mối quan hệ trở nên lạnh nhạt nhanh như khi nó bùng cháy, người đó gọi điện cho bạn và lại muốn bạn dành thời gian cho họ. Những người hành động như thế là những người phụ thuộc, không tin vào giá trị bản thân. Lúc tuyệt vọng, họ trao mình cho người có ít hoặc không có gì trong tài khoản ngân hàng xúc cảm của họ và quên đi những người đã xây dựng tài khoản với họ. Nhanh chóng cạn kiệt tài khoản với những người đến sau này, họ ngạc nhiên khi thấy hành động của mình bị căm ghét và tài khoản của họ trống rỗng khi cố gắng thiết lập lại mối quan hệ.
Khi bạn bắt đầu một mối quan hệ, hãy tôn trọng những người có tài khoản dương trong ngân hàng của bạn. Bạn bè, gia đình, và ngay cả chú chó của bạn đều đã qua thử thách và có thứ tự ưu tiên đứng phía trước mối quan tâm mới của bạn. Hãy đem lại cho những người này điều họ đáng được hưởng và họ sẽ có mặt ở đó vì bạn. Đúng, xây dựng một mối quan hệ sẽ lấy bớt những người bạn và các sở thích khác, nhưng những người bạn thật sự sẽ chấp nhận và thấy hạnh phúc cho bạn. Khi mối quan hệ phát triển và tài khoản của người đó tăng, các bạn sẽ muốn dành thêm nhiều thời gian bên nhau. Điều này sẽ tạo ra nhu cầu được ưu tiên, dành thêm nhiều thời gian và nỗ lực cho việc xây dựng mối quan hệ chính yếu. Tuy nhiên, một phần của mối quan hệ chủ chốt và mạnh mẽ là sự tôn trọng tình bạn đã nuôi dưỡng họ trong quá khứ, bao gồm tôn trọng sự duy trì quyền của đối tác.
Lãng mạn không phải là thuốc chữa bách bệnh
Trong nhiều trường hợp, chúng ta không thể cưỡng lại sức cám dỗ của một mối quan hệ lãng mạn để trốn tránh cảm giác trống trải. Dù trong sâu thẳm, chúng ta thường biết rõ là chúng ta thích các giải pháp nhanh, dễ dàng và đem đến cảm giác thỏa mãn tức thời. Đi kèm với những tình huống như thế là sự quyến rũ, sôi nổi và hy vọng (mà sau này chúng ta nhận ra là giả tạo). Nỗi đau thường đến sau đó. Việc có người thỏa mãn các nhu cầu của chúng ta quyến rũ hơn nhiều so với ý tưởng tự mình xoay xở với thế giới nội tâm của chúng ta. Tự mình xoay xở sẽ mệt mỏi, nặng nhọc hơn. Đôi khi chúng ta không nhìn thấy các kết quả trước mắt và tiến trình thì dài và gian khổ. Không may là chúng ta thường phải trải qua nỗi đau do thất bại trong quan hệ trước khi chúng ta sẵn sàng bắt đầu hành trình xây dựng cái tôi tốt đẹp hơn.
Bắt đầu với chính mình
Điểm khởi đầu cho việc phát triển tất cả các mối quan hệ là mối quan hệ với chính bản thân chúng ta. Có thể nói nó là nguồn gốc của tất cả các mối quan hệ. Nếu chúng ta không làm những việc cần thiết để biến thế giới nội tâm thành một mảnh đất tốt lành, chúng ta sẽ không có cơ hội phát triển thế giới bên ngoài trở nên lành mạnh. Tất cả những việc xúc cảm chúng ta làm sẽ không hiệu quả nếu chúng ta không quản lý tốt xúc cảm của mình. Trước khi chúng ta trở nên phụ thuộc lẫn nhau, chúng ta hãy trở nên độc lập. Một số người đi tìm người lấp chỗ thiếu hụt trong bản thân họ. Điều này hoàn toàn không có tác dụng. Trong các mối quan hệ, hai nửa sẽ không làm nên cái tổng thể. Chỉ có hai con người toàn diện, thực hiện tốt chức năng của mình mới tạo ra một mối quan hệ lành mạnh. Chắc chắn, mọi chuyện có thể diễn ra tốt đẹp khi thuận lợi nhưng khi có khó khăn, cũng như trong bất kỳ mối quan hệ nào, mọi thứ sẽ không xuôi chèo mát mái.
Các mối quan hệ lành mạnh tại nơi làm việc
Xây dựng các mối quan hệ bền vững là yếu tố quan trọng để dẫn tới thành công trong công việc cũng như trong cuộc sống riêng tư. Trong một vài năm qua, giới doanh nghiệp đã càng ngày càng quan tâm và coi trọng nhiều hơn các kỹ năng mềm hoặc các kỹ năng con người. Các nghiên cứu đều nhất quán chỉ ra rằng, khả năng hòa hợp với người khác là khía cạnh quan trọng nhất quyết định chúng ta sẽ thành công như thế nào tại nơi làm việc, thậm chí còn nhiều hơn nhiều so với các kỹ năng kỹ thuật. Phần lớn các công việc đều yêu cầu làm việc nhóm và kết hợp ở một cấp độ nào đó. Có rất ít công việc quy mô nhỏ và kỹ thuật cao đến mức không cần đến các kỹ năng con người để thành công. Ngay cả trong những công việc chúng ta coi là rất kỹ thuật như kỹ sư, thì những nhân viên thăng tiến thường là những người thể hiện tốt khả năng làm việc với những người khác.
Trong một vài năm qua, các chương trình lãnh đạo tại nơi làm việc sử dụng ngày càng nhiều các lý thuyết và đào tạo về trí tuệ xúc cảm để phát triển kỹ năng con người cho các nhà lãnh đạo hiện tại và tương lai của họ. Một tư vấn viên đã nói rất hay như thế này: “Không thiếu người quản lý nhưng lại thiếu trầm trọng các nhà lãnh đạo.” Các kỹ năng phối hợp rất cần thiết cho nhân viên ở tất cả các cấp độ của một tổ chức, chúng lại càng quan trọng đối với các nhà lãnh đạo giỏi.
Lãnh đạo tích cực
Trong cuốn sách Trí tuệ xúc cảm – Ứng dụng trong công việc, Daniel Goleman phân tích một nghiên cứu do Hải quân Mỹ thực hiện về phong cách của những sỹ quan chỉ huy.
Các lãnh đạo cấp cao có thể cân bằng phong cách cá nhân dẫn hướng con người với vai trò chỉ huy quyết định. Họ không ngần ngại nhận trách nhiệm, có mục đích, quyết đoán và chuyên nghiệp. Nhưng sự khác biệt lớn nhất giữa các nhà lãnh đạo trung bình và xuất sắc là ở phong cách xúc cảm. Những nhà lãnh đạo hiệu quả nhất thường tích cực và thân mật hơn, gây ấn tượng và biểu lộ xúc cảm nhiều hơn, ấm áp và hòa đồng hơn (bao gồm cả việc cười nhiều hơn), thân thiện và dân chủ hơn, hợp tác, dễ mến hơn và “vui vẻ bên nhau” hơn, biết khen ngợi và đáng tin cậy hơn, và thậm chí, dịu dàng hơn những người lãnh đạo bình thường.
Khi nghiên cứu về mức độ hài lòng của nhân viên trong các tổ chức, sự bất mãn với cách lãnh đạo là nguyên nhân phổ biến nhất khiến các nhân viên bỏ việc. Lãnh đạo có khả năng ảnh hưởng rất lớn đối với nhân viên dưới quyền theo cả cách tích cực lẫn tiêu cực. Các nhà lãnh đạo hiệu quả có thể sử dụng các kỹ năng con người để khuyến khích, tạo động lực và có được nhiều thành quả nhất từ nhân viên của mình, trong khi những nhà lãnh đạo thiếu hiệu quả có thể khiến tinh thần lao động và năng suất tụt dốc. Nhận thấy điều này ảnh hưởng tới các nhân viên cấp dưới, các tổ chức đang nhấn mạnh hơn việc phát triển các kỹ năng con người ở tất cả các cấp lãnh đạo một cách có hiệu quả.
Dịch vụ khách hàng
Southwest Airlines có lịch sử lâu dài phát triển các kết nối xúc cảm mạnh mẽ giữa nhân viên, tổ chức và khách hàng. Có rất nhiều chuyện kể về việc nhân viên của hãng hết sức cố gắng giúp đỡ khách hàng. Một trường hợp là một nhân viên đưa một nữ khách hàng bị kẹt tới chỗ chị gái mình ở qua đêm. Một ví dụ nữa là trường hợp một cụ già, vừa xuất viện, bị chị dâu bỏ rơi, bắt chuyến bay tới gặp gia đình mình vào đêm Giáng sinh. Vì chuyến bay đó bị hủy nên nhân viên đã dùng tiền của công ty lấy cho ông một phòng khách sạn và trả tiền đi lại cho ông cụ. Bằng cách đảm bảo rằng ông cụ có thể bắt chuyến bay sớm nhất vào ngày hôm sau, họ cho thấy tinh thần Giáng sinh thật sự. Đây là phong cách dịch vụ khách hàng giúp Southwest Airlines có được những khách hàng trung thành.
Robin Sharma, trong cuốn Greatness Guide Book 2 (Tạm dịch: Cẩm nang cho những điều vĩ đại 2) nói về việc tạo ra các kết nối xúc cảm với khách hàng. Trong khi nhiều doanh nhân nghĩ rằng, họ đang đấu tranh để giành được một phần những gì khách hàng của họ chi dùng thì Sharma cảm thấy rằng những gì họ đang thật sự theo đuổi là một phần của sự tín nhiệm về xúc cảm của khách hàng. Sử dụng những ví dụ từ những thứ ông gắn bó, như cà phê Cô-lôm-bi-a và quần jean Levi, ông đã đưa ra bằng chứng hết sức thuyết phục là khách hàng mua hàng là họ tạo ra một kết nối xúc cảm với một sản phẩm hoặc một tổ chức. Ông tranh luận rằng nếu các công ty có thể tạo ra kiểu kết nối này với khách hàng, họ sẽ không bị ảnh hưởng bởi mức giá hời hơn của các đối thủ cạnh tranh, những công ty như thế sẽ không chỉ sống sót mà còn phát triển thịnh vượng trong mọi điều kiện.
“Hãy khiến mình cần thiết với một ai đó. Và đừng làm cho cuộc đời trở nên khó khăn với bất kỳ ai.”
– RALPH WALDO EMERSON, NHÀ VIẾT LUẬN, TRIẾT HỌC VÀ NHÀ THƠ MỸ –
Câu chuyện của Eric
Một chiều cuối tuần, Eric và Brad ngồi chơi cờ tại một quán cà phê ở địa phương. Cả hai đều vừa bước vào độ tuổi tứ tuần và trước đây học cùng nhau. Về học lực, cả hai đều xuất sắc, tốt nghiệp trong nhóm 10% dẫn đầu lớp. Với ai không có thêm thông tin, đây sẽ là hai người bạn học cũ đang dành chút thời gian cho nhau. Bức tranh này hoàn toàn không chính xác.
Duy nhất một điều Brad sẵn lòng làm với Eric là chơi cờ và anh cũng chỉ làm thế vì nghĩa vụ. Brad không phải là bạn của Eric; thực tế, Eric không có bạn – chỉ có những người quen biết mới có thể chịu đựng anh đủ lâu để chơi với anh một ván cờ. Eric và Brad khác nhau một trời một vực cho dù họ tốt nghiệp từ cùng một trường và về cơ bản có cùng mức điểm số và tiềm năng. Eric vẫn phải sống nhờ vào chương trình trợ cấp của chính phủ và một khoản thừa kế nho nhỏ trong phần lớn tuổi trưởng thành của mình. Sau khi tốt nghiệp, anh cũng có làm một vài công việc, cũng có việc kéo dài được vài năm. Tuy nhiên, đó không phải những việc đòi hỏi anh phải dùng khả năng trí óc.
Vấn đề là Eric hoàn toàn không có các kỹ năng con người. Anh ta quá tôn thờ bản thân và tin rằng mình thông minh hơn hết thảy mọi người. Không phải là người kín tiếng, lúc nào anh ta cũng bảo người khác phải sống cuộc đời của họ như thế nào. Vì rất thành thạo kỹ thuật trong công việc nên anh luôn cảm thấy mình thông minh hơn người giám sát và không ngần ngại nói với họ điều đó. Rõ ràng là điều này không giúp anh có được nhiều bạn trong số các giám sát viên và đồng nghiệp, và kết cục anh bị đuổi khỏi hầu hết những công việc anh có được. Trong khi anh chỉ có thể làm bạn với mọi người trong một khoảng thời gian ngắn với khả năng gây ấn tượng với mọi người nhờ kiến thức rộng, mọi người nhanh chóng không muốn quan hệ với anh. Khi anh nhìn thấy mọi người đi lại với những người khác, anh đưa ra những nhận xét thô lỗ và mỉa mai. Điều này càng khiến anh tự xa lánh mọi người thêm. Eric hầu như không quan tâm tới cuộc sống của những người quanh mình và chỉ nói về bản thân khi nói chuyện. Ngay cả khi anh cố khen ai đó, anh cũng cố biến nó thành một lời nhục mạ. Anh ta thường nói những câu như: “Đó là một chiếc áo đẹp cho một kẻ thua cuộc.” Không cần phải nói, điều này không đem lại cho anh nhiều người bạn.
Vài năm trước, sau nhiều năm thất nghiệp, Eric đi đào tạo và sẵn sàng bắt đầu một sự nghiệp mới. Anh nhận được việc tại một thành phố khác. Những người biết anh đã đặt cược xem bao lâu thì anh ta sẽ trở lại. Người đánh cược hai tuần đã thắng. Kết quả dễ dàng có thể dự đoán được. Chỉ một vài ngày Eric đã bắt đầu chỉ bảo ông chủ mới của mình phải điều hành công việc kinh doanh như thế nào. Ông chủ của anh không tiếp nhận lời khuyên và trong vòng hai tuần đã sa thải anh.
Eric hiểu rất ít về tình thế của mình và không thấy rằng mình có vấn đề mà là tất cả những người khác đều “kém cỏi”. Nhiều người biết Eric tin rằng anh đang phải chịu một kiểu rối loạn tính cách. Dù trường hợp của Eric khá hiếm, có thể bạn cũng biết những người giống anh.
Sau đó Eric có được chút thức tỉnh. Anh tham dự đám tang của một đồng nghiệp cũ tên là Greg từng làm cùng với anh sau khi tốt nghiệp. Dù họ không là bạn theo nghĩa thông thường, họ vẫn liên lạc và có chung sở thích phàn nàn và hạ thấp người khác. Eric thấy choáng váng khi thấy có quá ít người tại tang lễ của Greg. Trò chuyện qua với một người đưa tang khác, anh biết Greg không được yêu thích cho lắm và rất ít bạn. Thật buồn làm sao khi Eric chợt nghĩ rằng mình và Greg có nhiều điểm tương đồng nhau. Anh đưa ra viễn cảnh về đám tang của chính mình, với rất ít người tham dự, nếu anh tiếp tục cuộc đời mình theo cách anh đang làm.
Ban đầu, anh cảm thấy khá trầm uất và giận tất cả những người anh cho là quá ngu ngốc đến nỗi không thể nhận ra tầm nhìn và thiên tài của anh. Tuy nhiên, anh không thể ảo tưởng lâu khi nhận ra rằng, mình cần thay đổi thật sự. Một cách miễn cưỡng, anh đi tới kết luận là mình cần sự giúp đỡ. Giống viễn cảnh của Ebenezer về Marley, viễn cảnh về đám tang đơn độc của Greg tiếp tục trở lại ám ảnh anh. Anh nhận ra, cũng giống những người khác, anh cũng mong ước có những người bạn để đôi khi hẹn hò, và thậm chí có một người bạn gái chính thức.
Một trong những điều đầu tiên Eric có thể thay đổi là kiềm chế những lời nhận xét cay độc mỉa mai với mọi người mỗi khi anh không đồng ý với bất kỳ điều gì họ nói. Theo thời gian, anh nhận thấy rằng mặc dù những người quen cũ vẫn xa lánh anh nhưng không còn có vẻ là họ nóng lòng muốn tránh sự hiện diện của anh. Khen và ủng hộ người khác với Eric thật là khó. Điều này không tự nhiên đến với anh và anh đã phải lên kế hoạch cho nỗ lực tìm ra những điều hay để nói với mọi người. Ban đầu, tất cả những gì anh có thể làm là tránh gây khó chịu và thể hiện mình tiêu cực. Khi dần dần có thể tự phá bỏ thói quen này, anh thấy dễ tập trung hơn vào những điều tích cực.
Một trong những khó khăn Eric gặp trong việc tìm việc là anh thường tiêu cực và châm biếm ngay cả trong lúc phỏng vấn. Điều này khiến anh gần như chắc chắn không được nhận việc. Ở thời điểm này, Eric đã làm việc được tròn sáu tháng. Dù đây vẫn chưa có vẻ là một khoảng thời gian dài nhưng với Eric thì đã là một kỷ lục và cho thấy anh đã có thể kiếm chế được những xu hướng phá hoại nhất của mình.
Có một hôm ông chủ của anh tới gặp anh và buộc tội anh đã phạm phải một lỗi nào đó. Vì một đồng nghiệp của anh mới là người làm vào thời gian đó chứ không phải Eric, nên rõ ràng người chủ này đã nhầm lẫn. Nếu là Eric trước đây, anh sẽ nổi đóa và gọi ông chủ của mình bằng những danh xưng xúc phạm và có thể là đã bị sa thải. Nhưng thay vì thế, Eric, không một chút thù địch hay giận dữ, bình tĩnh giải thích cho ông chủ của mình rằng mình không làm việc trong khoảng thời gian đó. Với Eric, đây là một bước lớn trong quá trình thay đổi của mình và anh cảm thấy bình tĩnh và tự tin cho tới hết tuần.