Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Trí Thông Minh Thực Dụng

Chương 7: Lòng Tự Trọng

Tác giả: Harvey Deutschendorf

“Tự tin là điều kiện tiên quyết để có thể làm được những điều vĩ đại.”

– SAMUEL JOHNSON, NHÀ VĂN ANH –

“Người nào tin vào bản thân mới giành được lòng tin của người khác.”

– DANH NGÔN CỦA NGƯỜI DO THÁI HASIDIC –

Toàn bộ ý nghĩa của tự trọng là cách chúng ta tự nhìn nhận bản thân mình. Đó là đánh giá chính xác về con người chúng ta, xét đến cả mặt mạnh lẫn mặt yếu. Khi nói tới tự trọng, hầu hết mọi người đều nghĩ nó đồng nghĩa với tự tôn. Tuy nhiên những người sáng tạo ra bài kiểm tra BarOn EQ-i đã tìm nhiều cách để phân biệt hai khái niệm này. Tự tôn là từ thông dụng từ nhiều thập kỷ nay và thiếu tự tôn được coi là vấn đề nghiêm trọng đối với tất cả những ai có bất ổn. Do đó, câu trả lời là phải nâng cao lòng tự tôn của mọi người bằng cách nói với họ rằng, họ thật tuyệt vời và xứng đáng được tôn trọng chỉ đơn giản vì họ là chính bản thân mình. Người ta cho rằng, nếu có thể nâng cao lòng tự tôn của mọi người thì họ sẽ thực hiện vai trò của mình hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, người ta phát hiện ra điều này không đúng sau khi thấy rằng, nếu chúng ta làm tăng cảm giác của một người về giá trị của người đó, cuối cùng chúng ta sẽ có một con người bất ổn. Người này cảm thấy bản thân mình rất tốt và có rất ít nhu cầu cần thay đổi vì hiện tại họ cũng đã tốt lắm rồi. Đây rõ ràng không phải là kết quả mà các nhà xã hội học nghiên cứu về khái niệm tự tôn hình dung ra. Phần quan trọng còn thiếu chính là yêu cầu phải đạt được, phải làm được điều gì đó đáng giá để được quyền cảm thấy hài lòng về bản thân.

Lúc trước tôi đã đề cập đến khả năng tự lừa dối bản thân của chúng ta là vô hạn nhưng cảm giác sẽ luôn để lộ chúng ta. Điều này có vẻ đúng với việc thổi phồng giá trị bản thân. Thẳm sâu bên trong, các cảm giác của chúng ta không hề thay đổi, điều đó làm cho hình ảnh bị thổi phồng quá mức kia trở nên giả tạo hết sức. Cuộc đời tôi là bằng chứng cho điều này. Ở trường cấp ba, tôi tập trung vào các giờ học, coi đó như là bước đầu tiên để có thể học cao hơn và có được vị trí tôi muốn trong cuộc đời này. Điểm số của tôi khá tốt, ở một vài khóa học tôi còn đạt được mức điểm dẫn đầu lớp. Vị hiệu trưởng có nói một câu mà tôi không bao giờ quên. Ông nói: “Harvey, con thật là cừ nhưng chớ để mình chếnh choáng vì điều đó.” Thành tích là thứ gì đó bạn phải tự làm, và vì thế nó sẽ không bao giờ bị lấy mất. Để làm được điều đó phải cần đến sự tận tâm, can đảm và cần cù. Đây là nguồn bồi đắp lòng tự trọng đích thực. Những thành tích này không cần phải to lớn, kinh thiên động địa mới khiến ta cảm thấy thoải mái. Hoàn thành tốt bất kỳ nhiệm vụ nào chúng ta thấy khó hoặc không chắc mình có thể làm được, sẽ cho chúng ta cảm giác về giá trị bản thân.

Xuất bản được cuốn sách đầu tiên tất nhiên đã đem lại cho tôi sức bật năng lượng to lớn. Hàng ngày, tôi đạt được những bước tiến nhỏ hơn bằng cách làm tốt những công việc thường lệ. Ví dụ, tôi cảm thấy mình hữu ích khi viết được một bức thư tay thật hay hoặc học được một chức năng máy tính nào đó. Bất kỳ khi nào tôi làm được điều gì cho ai hoặc vì thế mà nhận được lòng biết ơn chân thành, tôi đều thấy dễ chịu. Có can đảm thử làm một điều gì đó vẫn có thể khiến bạn thấy phấn khởi, ngay cả nếu kết quả không được như mong muốn. Chúng ta vẫn sẽ hài lòng khi biết rằng mình đã tự đẩy bản thân ra khỏi sức ỳ. Tôi vẫn nhớ cảm giác của mình khi sốt sắng trong chuyện hẹn hò, cố gắng gom góp can đảm để gọi điện và mời ai đó đi chơi. Mức can đảm tôi cần tỷ lệ thuận với việc tôi muốn hẹn hò với người đó thế nào thì sẽ tỷ lệ nghịch với thành công tôi dự tính như thế. Tôi thường chờ đến phút cuối mới gọi điện cho buổi hẹn vào cuối tuần, thường là thứ Tư. Bất kỳ khi nào bị từ chối, tôi lại thấy xáo trộn với nhiều cảm giác khác nhau. Một mặt tôi thất vọng vì không thành công. Mặt khác, tôi lại cảm thấy được an ủi vì mình đã có đủ can đảm để gọi. Hậu quả của việc không đủ can đảm để gọi là tôi không bao giờ biết chuyện gì có thể xảy ra. Ít nhất gọi điện cũng cho tôi có cảm giác cơ hội đã khép lại.

Thất bại thật sự duy nhất trong đời là không có can đảm thử. Bất kỳ khi nào chúng ta vượt lên được sức ỳ và tự mạo hiểm bản thân để nhận được những điều chúng ta muốn thì nền móng của lòng tự trọng của chúng ta sẽ được nâng cao. Hãy coi đó là một tài khoản ngân hàng. Thay vì tăng nguồn tiền, chúng ta đang làm tăng nguồn cung cấp giá trị bản thân. Càng tích lũy, chúng ta càng có nhiều cơ hội mở rộng cuộc sống của mình. Những người có tài khoản giá trị bản thân lành mạnh luôn tìm kiếm các cơ hội phát triển. Tài khoản này càng lớn thì chúng ta càng có nhiều cơ hội hơn.

Làm sao chúng ta biết mọi người có lòng tự trọng thật sự hay chỉ đang ra vẻ có nó? Chúng ta biết có những người, theo tiêu chuẩn xã hội, khá thành đạt, dù trong lòng họ không thấy ổn về bản thân mình chút nào. Có nhiều người thành công vì họ đủ khéo léo để điều khiển người khác trong trò chơi này. Tuy nhiên những người có mức tự trọng cao thật sự thường ủng hộ những mục tiêu của người khác và không có nhu cầu dìm người khác xuống. Họ ủng hộ ước mơ, mục tiêu của người khác và không bị đe dọa bởi những điều đó. Tiến bước trên con đường khám phá và phát triển riêng của mình, họ luôn chào đón những người bạn đồng hành.

Southwest Airlines lập chương trình trợ giúp CoHearts để giúp những người mới vào làm cảm thấy được chào đón. Nhân viên cũ tình nguyện trợ giúp nhân viên mới: thường xuyên liên lạc với những người mới, mua tặng họ những món quà nhỏ, đưa họ đi ăn trưa và giúp đỡ họ. Kết quả là sau chương trình này, nhiều mối quan hệ hỗ trợ và thân thiết đã được thiết lập. Ngày định hướng là một sự kiện lớn, một cái cớ để tổ chức liên hoan. Thông thường, những người mới được chào đón trong không khí giống một lễ hội carnival với bóng bay, pháo giấy, ca nhạc và vũ hội. Bắt đầu từ chính chủ tọa Herb Kelleher, tiếp đến là các nhóm nhân viên vừa nhảy vừa hát vừa miêu tả cho những nhân viên mới về công việc của họ. Vào cuối buổi liên hoan, bóng bay được đưa xuống khu vực chờ lên máy bay cho bọn trẻ. Điều này mang đến một thông điệp bằng hình ảnh về một công ty không chỉ thật sự biết chăm lo cho người của mình mà còn biết chăm lo cho cả khách hàng nữa.

“Người có sức mạnh là người giữ được bản thân trong quyền lực của chính mình.”

– SENECA, DIỄN GIẢ VÀ NHÀ VĂN LA MÃ –

Câu chuyện của Monica

Monica được nuôi dạy trong một gia đình nghiêm khắc. Cha cô rất cổ hủ và cho rằng, đàn bà con gái không cần phải học nhiều chỉ để nuôi con và trông nom nhà cửa. Mẹ cô sợ cha cô và cũng tin rằng phụ nữ sinh ra là để phục vụ chồng và ở nhà nuôi con. Hai anh trai của Monica được khuyến khích mở rộng học vấn. Một người sau này trở thành kỹ sư và người kia trở thành dược sỹ. Cao khoảng 1m74 và thân hình mảnh dẻ, Monica không hẹn hò nhiều trong suốt thời phổ thông. Dù khá hấp dẫn, nhưng cô bé lại cố che giấu những ưu điểm của mình bằng cách ăn mặc kín đáo và trang điểm rất ít. Điểm số của cô bé đủ cao để có thể trở thành một học sinh danh dự nhưng cô bé cố tình nhận điểm thấp nhất trong môn tôn giáo. Lúc đó, cô không hiểu sao mình lại làm vậy nhưng sau này cô nhận ra rằng đó là cách chống đối lại cha mẹ mình, đặc biệt là cha cô. Monica cũng xuất sắc trong các môn thể thao và là ngôi sao trong đội bóng rổ của trường.

Dù rõ ràng là có tài nhưng Monica không thấy ổn về bản thân mình. Thiếu sự ủng hộ từ cha mẹ, cô bé không có bất kỳ kế hoạch nào cho tương lai. Nhưng cô bé lại có một đồng minh rất mạnh, đó là dì Jennifer. Jennifer là nữ doanh nhân thành đạt, bà làm chủ tịch Phòng Thương mại địa phương. Dì đã đi công tác trên khắp thế giới và Monica kính trọng dì. Cha cô bé không thích dì, thường xuyên chỉ trích dì vì hai cuộc hôn nhân thất bại và bóng gió nói rằng dì là một người phụ nữ thất bại. Mẹ Monica không bảo vệ em mình trước mặt chồng, nhưng Monica phát hiện có chút gì đó ghen tỵ với dì Jennifer trong những lần nói chuyện với mẹ. Monica nghĩ cha mình cũng ghen tỵ với dì vì dì có nhiều tiền hơn, được giáo dục tốt hơn và tận hưởng cuộc sống nhiều hơn ông. Dù bị cha phản đối nhưng Monica bắt đầu dành nhiều thời gian hơn với người dì yêu quý của mình. Jennifer rất ủng hộ đứa cháu gái của mình. Monica học cách trang điểm và ăn mặc làm sao nổi bật nét đẹp tự nhiên của mình. Với sự khích lệ và ủng hộ tài chính của dì, cô bé ghi tên tham gia các lớp học múa. Với tài năng bẩm sinh, Monica thấy các bước di chuyển trong môn múa ngấm vào mình một cách khá dễ dàng và cô bé bắt đầu đam mê sở thích mới này. Nó giúp cô bé tăng cường các kỹ năng tương tác xã hội và sự tự tin.

Dì của Monica luôn nhắc cô bé rằng có những người cô gặp trong đời, do ghen ghét nhỏ nhen và để bù đắp cho những thất bại của họ, sẽ cố gắng lôi cô xuống cùng hàng với họ, phải tránh xa những người đó như tránh xa bệnh dịch, nhưng phải đến gần hơn với những người trân trọng cô vì chính con người cô và ủng hộ cô. Monica ghi khắc những lời khuyên đó trong tim. Khi có khó khăn ở gia đình, cô bé thường nói chuyện với huấn luyện viên bóng rổ và giáo viên tiếng Anh, cả hai người đều ủng hộ và trấn an Monica rằng cô có đủ khả năng để có thể trở thành bất kỳ điều gì cô muốn.

Khi học hết phổ thông, Monica dành ra một năm đi làm để dành dụm tiền và du lịch tới châu Âu cùng một người bạn. Cha cô, như thường lệ, lại phê phán và không ủng hộ, làm một tràng rằng đó là một sự lãng phí thời gian và tiền bạc. Tuy nhiên, dì cô thích ý tưởng này và khuyến khích Monica, nói cho cô biết du lịch giúp tăng cường cảm giác độc lập, hiểu biết và mở rộng tầm nhìn cuộc sống nhiều như thế nào.

Xuất phát từ nền tảng được bao bọc, Monica thấy ba tháng du lịch của mình, như cô mô tả, là “một sự thức tỉnh”. Cô coi đây là một trong những điều tốt đẹp nhất cô từng làm cho mình, vì nó mở rộng thế giới và sự tự tin của cô.

Khi năm này kết thúc, cô quyết định mình muốn trở thành một cô giáo, chuyên ngành giáo dục thể chất. Cô đã lựa chọn được một số trường đại học và không có vấn đề gì trong việc được nhận vào học. Trường cô chọn cách nhà khá xa. Lúc đầu, cô phải đấu tranh với nỗi buồn xa gia đình và bạn bè. Tuy nhiên, khi cô chơi thử và được nhận vào đội bóng rổ của trường, chẳng mấy chốc cô đã bận rộn với các hoạt động ngoại khóa. Cô đau lòng mỗi khi bạn bè kể về sự ủng hộ của cha mẹ mình. Cô lắng nghe khi họ nói về việc sẽ về nhà thăm cha mẹ hoặc cha mẹ họ sẽ tới thăm họ. Với Monica, những cuộc nói chuyện này dài lê thê và đau đớn, cô luôn cảm thấy như được giải thoát khi họ chuyển sang một chủ đề khác. Cha mẹ Monica không tới thăm cô và cô cũng hiếm khi về nhà, trừ vào những ngày nghỉ như Lễ Tạ Ơn, Lễ Phục Sinh, Lễ Giáng Sinh.

Cảm giác mình như một kẻ vô gia cư, cô tới gặp tư vấn viên của trường đại học. Nhân viên tư vấn yêu cầu cô bày tỏ các cảm giác của mình và cố gắng nhìn vào tình thế của mình như thể một món quà, trong đó cô sẽ biến những tranh đấu của mình thành sức mạnh. Thực tế, là cô vẫn đang đạt được thành công trong cuộc sống bất chấp những trở ngại trên đường đi. Điều đó cho thấy cô đã mạnh mẽ, quyết tâm và độc lập như thế nào. Cô có thể là một hình mẫu lý tưởng cho những người khác trong tình huống tương tự, cô sẽ rất nhạy cảm trước những đứa trẻ cô dạy, những đứa trẻ cũng đang phải trải qua những gì cô đã từng phải trải qua. Cuộc đấu tranh đã giúp cô hình thành nên tính cách, cho cô lòng quyết tâm và sự kiên nhẫn để tiến lên khi mọi thứ trở nên khó khăn. Chúng mang đến cho cô nền tảng vững chắc để xây dựng phần đời còn lại của mình.

Bình luận
× sticky