“Hiện thực là nguyên nhân gây stress hàng đầu trong số các nguyên nhân có liên quan tới stress.”
– LILY TOMLIN, DIỄN VIÊN HÀI –
“Quy tắc số 1 là, đừng vất vả vì những điều nhỏ nhặt. Quy tắc số 2 là, mọi chuyện chỉ là những điều nhỏ nhặt mà thôi.”
– TS. ROBERT S. ELIOT, BÁC SỸ TIM MẠCH –
Sự căng thẳng là do các yêu cầu do môi trường đặt ra đối với chúng ta. Các nguyên nhân gây căng thẳng có ở xung quanh chúng ta và nói chung, không thể tránh được. Vì thế giới thay đổi với tốc độ tăng không ngừng nên yêu cầu đặt ra cho chúng ta cũng ngày càng tăng do thay đổi theo thế giới. Trên tất cả, chúng ta phải chịu áp lực không ngừng gia tăng đến từ gia đình, công việc, bạn bè và vô số các nguồn khác nữa.
Chúng ta trải nghiệm sự căng thẳng như thế nào
Đôi khi miêu tả các triệu chứng stress dễ hơn miêu tả bản thân stress. Một số dấu hiệu cho thấy chúng ta đang bị stress là cảm giác vô cùng sợ hãi và giận dữ, tay nắm chặt, và vẻ mặt đau đớn. Sau đây là danh sách các dấu hiệu phổ biến nhất của cấp độ căng thẳng cao:
· Hay quên;
· Trì hoãn những việc trước đây thường làm nhanh;
· Thường cảm thấy tức giận và khó chịu;
· Mất hứng thú với bạn bè, tình dục, công việc và/hoặc các hoạt động xã hội;
· Khó tập trung;
· Không thể ngồi yên, có vẻ không thể thư giãn, không chắc sẽ làm gì tiếp;
· Khó ngủ, đi lại giữa đêm khuya;
· Không thích nói nhiều
Stress ảnh hưởng tới chúng ta không giống nhau. Trong khi người này có thể cảm thấy rất khó chịu khi phải ở giữa tình trạng giao thông đông đúc thì người ở trong chiếc xe ngay cạnh anh ta có thể cảm thấy hoàn toàn thư thái, ngả lưng và lắng nghe một bản nhạc jazz tuyệt vời nào đó trên đài phát thanh. Tại sao người này rất buồn lòng trong một tình huống hiếm khi gây ra sự đau buồn cho một người khác? Những người thư thái biết gì, làm gì hoặc tự nói gì với mình để có thể giúp họ không bị bối rối trong những tình huống căng thẳng? Khả năng xử lý stress không phải là bẩm sinh mà chúng ta phải học mới có. Chúng ta có thể học tất cả các kỹ thuật để giúp loại bỏ các tác động tiêu cực của stress đối với cuộc sống.
Stress tích cực
Không phải stress nào cũng xấu. Các nhà tâm lý học nói rằng một số loại stress có lợi và hoạt động của nó có thể tạo động lực và khiến chúng ta phải hành động. Nếu chúng ta biến stress thành đồng minh thì nó có thể cho chúng ta sức bật năng lượng cần thiết để đối mặt và vượt qua các thử thách. Một số người có vẻ phát triển nhanh hơn khi có stress, họ tìm kiếm cơ hội trong công việc và sở thích để đẩy lùi các giới hạn. Các nhân viên kiểm soát không lưu là những người phải làm việc dưới áp lực liên tục. Các bác sỹ phẫu thuật là một nhóm cũng phải chịu rất nhiều áp lực trong công việc và họ đóng vai trò như những vận động viên chuyên nghiệp. Không có stress, cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên nhàm chán. Mọi thứ chúng ta làm và chúng ta cảm thấy say mê đều khiến chúng ta bị stress. Cơ thể của chúng ta không phân biệt được sự căng thẳng tích cực với sự căng thẳng tiêu cực. Ví dụ, một tình huống vui như đám cưới, lễ kỷ niệm hoặc sự kiện liên hoan lớn sẽ gây ra sự căng thẳng cho những người trực tiếp có liên quan. Mặc dù đây được coi là stress tốt, nhưng cơ thể trải nghiệm sự căng thẳng này theo cách giống như loại stress do một sự kiện không dễ chịu. Bất kỳ khi nào phải chuẩn bị làm điều chúng ta say mê thì chúng ta đều cảm thấy stress. Mỗi lần tôi phải đứng nói trước khán giả, mặc dù đầy ý tưởng và cảm thấy thích thú những điều mình chuẩn bị nói tôi vẫn cảm thấy một chút căng thẳng. Nếu nó đạt tới mức tôi không lo lắng chút nào, tôi sẽ dừng lại vì tôi biết rằng niềm đam mê đã biến mất và tôi chỉ đang làm cho hết tiến trình. Stress cho chúng ta phần tinh túy và động lực để hành động trong những lĩnh vực chúng ta say mê.
Khi stress trở thành vấn đề
Vấn đề xảy ra khi mức độ căng thẳng vượt quá khả năng đối phó và kiểm soát của chúng ta. Nếu mức độ căng thẳng trở nên quá cao, hậu quả có thể là bị kiệt sức. Chúng ta thường nghe nói tới điều này và liên tưởng nó với một số nghề chuyên giúp đỡ người khác như y tá và các nhân viên xã hội, những người phải giải quyết các vấn đề của tất cả mọi người mỗi ngày. Nhưng nó cũng có thể xảy ra với bất kỳ công việc nào và trong bất kỳ tình huống nào trong cuộc sống.
Phản ứng của cơ thể chúng ta trước sự căng thẳng cũng giống như những gì nhìn thấy được trong thế giới động vật. Khi các loài vật cảm thấy bị đe dọa, nhịp tim của chúng tăng và tất cả các giác quan của chúng đều tập trung vào tình huống trước mắt. Chỉ có hai quyết định có thể đưa ra để phản ứng lại nguy hiểm: chiến đấu hoặc rút lui. Tương tự như vậy, ở con người, phản ứng ban đầu của chúng ta là chiến đấu hoặc thoái lui. Chính hiệu quả của cơ chế đối phó này (tất cả chúng ta đều có thể học) xác định chúng ta có thể đối phó với stress hiệu quả như thế nào.
Các giai đoạn trong chu kỳ stress
Có một số kỹ thuật hiệu quả trong việc giảm stress, tôi sẽ trình bày ở cuối chương này. Nhưng điều quan trọng là phải nhận ra có những giai đoạn khác nhau trong chu kỳ stress và những điều tôi nói sau đây sẽ đạt hiệu quả cao nhất nếu được sử dụng trong giai đoạn ban đầu. Các giai đoạn 2 và 3 sẽ đòi hỏi nhiều thay đổi cá nhân quyết liệt hơn.
Giai đoạn 1: Trong giai đoạn này, chúng ta trải qua sự khó chịu, sự căng thẳng và tức giận, chúng ta biết khá rõ về các xúc cảm của mình và có thể giảm đáng kể mức độ stress bằng cách quan tâm tới các nhu cầu của mình. Nếu chúng ta bỏ qua các dấu hiệu ở cấp độ này, chúng ta có thể chuyển sang Giai đoạn 2.
Giai đoạn 2: Trong giai đoạn này, chúng ta bắt đầu cảm thấy mệt mỏi. Thái độ của chúng ta trở nên tiêu cực và yếm thế. Chúng ta trải qua các thời kỳ buồn bã, trầm uất và có thể thấy khó ngủ. Lúc này, có thể chúng ta cần phải tạo ra các thay đổi lâu dài trong lối sống và quản lý stress một cách nghiêm túc.
Giai đoạn 3: Nếu stress không được kiểm tra và bị tích tụ trong một thời gian dài, nó có thể dẫn tới các vấn đề nghiêm trọng như bị trầm cảm. Ở giai đoạn này, mọi người tạo ra những thay đổi mạnh mẽ trong cuộc đời mình, ví dụ như bỏ việc hoặc từ bỏ (các) mối quan hệ và thay đổi cuộc sống của họ. Họ có nguy cơ tự tử. Lúc này, họ cần tìm sự giúp đỡ từ các chuyên gia và thoát khỏi tình trạng stress, ít nhất trong một khoảng thời gian ngắn.
Phá bỏ chu kỳ stress
Giống như tất cả các hoàn cảnh ảnh hưởng xấu tới chúng ta, tốt nhất là phát hiện và giải quyết stress sớm. Khi chớm nhận thấy sự tồn tại của stress, trước khi nó đạt tới mức có thể làm chúng ta tê liệt, chúng ta có nhiều lựa chọn để giảm nhẹ nó. Bằng cách học trước các kỹ thuật đối phó, nó sẽ giúp giữ không cho mức độ stress tăng lên và sẽ giúp chúng ta loại bỏ stress trong tất cả các tình huống chúng ta vô tình gặp phải. Với tôi, cách giảm stress tốt nhất đòi hỏi phải có những hành động như tập thể dục tại bể bơi địa phương, hoặc đi dạo lâu với những chú chó của mình. Những việc này hiệu quả với tôi hơn là sử dụng các kỹ thuật tĩnh tại như thiền. Hãy tìm ra cách tốt nhất cho bạn.
Nếu bạn nhận thấy mình bị stress hơn thường lệ trong một tình huống vẫn đang tiếp diễn trong cuộc đời bạn, hãy hành động ngay lập tức. Lên lịch cho một hoạt động thường xuyên có hiệu quả với bạn để giảm stress và bắt đầu ngay lập tức. Có thể bạn sẽ thấy mình tiếp tục hoạt động này cho dù bạn đã bắt đầu cảm thấy thư thái hơn. Đây là một điều tốt vì nó sẽ giúp bạn loại bỏ việc tích tụ stress trong tương lai. Phòng ngừa là cách tốt nhất để đối phó với stress, vì thế, điều quan trọng là phải tạo lập được thói quen phá vỡ stress và giữ được thói quen đó.
“Nếu bạn cảm thấy đau buồn vì bất kỳ điều gì bên ngoài, nỗi đau không phải do bản thân nó mà là do cách bạn đánh giá nó, chính thế bạn có sức mạnh để loại bỏ bất kỳ khoảnh khắc nào.”
– HOÀNG ĐẾ MARCUS AURELIUS ANTONIUS –
Câu chuyện của Anita
Anita đã từng nghĩ rằng một ngày dài vô tận. Cô lúc nào cũng như vắt chân lên cổ, cố gắng giải quyết tình huống có nhân viên nghỉ mà không thông báo. Có tức giận hay thất vọng cũng không giúp được gì. Điều này dường như làm cạn kiệt thêm sức lực của cô, mặc dù tức giận có vẻ là điều duy nhất khiến cô tiếp tục. Là chủ một nhà hàng bán đồ ăn nhỏ, cô chỉ có thể trả cho nhân viên mức lương trên tối thiểu một chút. Điều này khiến cô luôn gặp phải rắc rối trong việc thuê những người có trình độ và thuê được nhiều nhân viên. Những người tìm kiếm công việc như thế này thường không có động lực và không đáng tin cậy, không có các kỹ năng con người tốt và lúc nào cũng cần phải giám sát. Điều này khiến Anita lúc nào cũng cảm thấy sầu khổ và căng thẳng.
Anita là người chăm chỉ, sáng tạo và quyết tâm kinh doanh thành công. Cô cần điều hành cho nhà hàng phát triển để nuôi sống bản thân và hai đứa con, cả hai đều bắt đầu bước vào tuổi thiếu niên và vẫn ở nhà với cô. Cảm thấy oải với việc tự mình kinh doanh và chăm sóc bọn trẻ, cô dồn hầu hết sức lực cho công việc và gia đình. Sau một ngày dài tại nhà hàng, cô lại lao về nhà để chuẩn bị bữa ăn cho bọn trẻ và chăm nom nhà cửa. Trong nỗi sợ hãi và mặc cảm tội lỗi, cô từ bỏ những việc trước đây cô đã làm để đối phó với stress.
Một tối, thất vọng vì một nhân viên nhiều triển vọng không đến làm, Anita trở về nhà mệt mỏi và phờ phạc. Cần ai đó để nói chuyện nhưng không phải với những đứa con của mình, cô gọi cho một người bạn đã lâu cô không gặp. Bạn cô lắng nghe điều phiền muộn của cô và nói rằng trong vài ngày tới cô ấy rỗi rãi và đề nghị tới nhà hàng giúp Anita. Ngạc nhiên trước lời đề nghị này, nếu là mọi khi, Anita khá kiêu hãnh và có thể sẽ từ chối lời đề nghị hào phóng này, nhưng cô đang tuyệt vọng và sắp không còn đủ sức níu giữ.
Trong một vài ngày sau đó, Anita và Ursula nói chuyện với nhau rất nhiều. Ursula bảo Anita rằng, cô đã đi được một bước rất lớn trong việc giải quyết sự căng thẳng của mình bằng cách đưa tay nhờ giúp đỡ.
Sự giúp đỡ và hiểu biết cô có được trong những cuộc nói chuyện với Ursula cho cô đủ sức bật cần thiết để cô cam kết thực hiện kế hoạch đối phó với stress và ngăn chặn sự sụp đổ tinh thần. Nhận thấy rằng các con cô cần phải bắt đầu biết giúp việc nhà và nấu ăn nhiều hơn, cô yêu cầu các con ngồi xuống và đưa ra danh sách các nhiệm vụ mỗi tuần chúng phải chịu trách nhiệm. Vì hai đứa nhỏ mới bắt đầu bước vào tuổi thiếu niên nên cô ngạc nhiên khi thấy rằng chúng sẵn sàng chấp nhận thử thách. Cô con gái Janine còn nói với cô rằng, hai đứa bắt đầu thấy lo lắng cho cô và hai chị em đều cảm thấy rất nhẹ nhõm khi chúng có thể giúp cô vơi bớt gánh nặng. Janine thậm chí còn xung phong tới nhà hàng sau giờ học và giúp công việc nướng bánh ngay ngày hôm sau.
Anita dành ra một tiếng đồng hồ mỗi tối làm thời gian dành riêng cho mình, khoảng thời gian cô có thể làm việc riêng của mình và không bị bọn trẻ quấy rầy. Cô thắp một cây nến, chuẩn bị cho mình một bồn tắm tràn ngập bọt xà phòng và nghỉ ngơi. Để bản thân có thể thư giãn, cô tập một số bài tập thở sâu. Anita vẫn luôn thích khiêu vũ và cố gắng đi ra ngoài mỗi dịp cuối tuần với một vài người bạn.
Tại nhà hàng, tình thế với các nhân viên không cải thiện là mấy, nhưng Anita luôn cố gắng nhắc nhở mình rằng những người cô thuê không thể có mức cam kết với công việc như cô được. Điều này giúp cô giải tỏa một số mong đợi và cô thấy mình có thể tha thứ cho các nhân viên dễ dàng hơn. Trước đây, bất kỳ khi nào cô thấy có nhân viên đứng loanh quanh ở ngăn kéo để tiền trong khi không có khách ở đó và còn việc khác phải làm, cô khá tức giận. Thỉnh thoảng, cô bực mình đến nỗi không còn thiết nói chuyện với họ nữa. Lúc làm như vậy, cô thường đi ngang qua họ và thể hiện sự bực mình. Thường là nhân viên cũng phản ứng khó chịu, hoặc tồi tệ hơn, không thèm nói năng gì mà chỉ tỏ thái độ gây sự thụ động bằng cách tránh mặt cô, hoặc thô lỗ và cục cằn với khách hàng. Giờ đây nếu một nhân viên nào đó khiến Anita stress, cô lại dành chút thời gian để nghĩ về những chuyện khác và tập trung lại trước khi tiến đến gặp họ. Cô thấy mình bớt tức giận hơn và các nhân viên cũng phản ứng lại bằng cách ít phòng vệ và cởi mở hơn với các phản hồi của cô.
Cho dù cuộc sống vẫn là một cuộc đấu tranh và có những giai đoạn khó khăn, nhưng giờ đây Anita đã có những khoảng yên bình.