Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Vô Thường

Trực Ngày Mùng Một Tết

Tác giả: Nguyễn Bảo Trung
Thể loại: Hồi Ký - Tuỳ Bút

Mười một giờ đêm, phòng cấp cứu nhận một người nữ 50 tuổi trong tình trạng nói ú ớ yếu nửa người trái, chụp CT Scan sọ não thì xuất huyết não, não thất, phù não… Nghe người nhà khai chị ta ngồi đánh bài gần hai mươi giờ đồng hồ, càng đánh càng thua, càng thua càng hăng, không chịu ăn cơm…

– Chị ấy không có chồng con gì sao?

– Li dị rồi, do nó bị vô sinh.

Nghe người nhà khai bệnh xong tự dưng lòng mình chùng xuống. Cuộc sống vô thường quá. Tình yêu đôi lứa cũng vô thường. Có nhiều khi người ta vượt qua bao nhiêu khó khăn, xem thường cả sinh tử để có nhau, nhưng nhanh chóng phụ nhau vì những chuyện không đâu như một lời nói, một thói quen…

– Bà cụ bị khó thở bao lâu rồi?

– Dạ, cả tháng nay. Tối nay, mẹ tôi vào nhà tắm, sau đó té quỵ xuống, xanh tái, thở không nổi, tôi vội bế xốc chạy vào đây.

– Ở nhà có ai chăm sóc bà cụ không anh?

– Ờ… ờ…

– Anh cầm cái gạc sạch này lau mặt cho bà đi. Đôi mắt đầy ghèn hết kìa.

Người con của bệnh nhân nhìn mình bối rối, vội cúi mặt xuống. Mẹ thì chỉ có một. Sinh mạng cũng chỉ có một. Ba mươi phút trước mình đến cấp cứu, người bà cụ bốc mùi khai và quần áo nhàu nát cáu bẩn. Hôm nay là mùng Một – ngày mà người ta bận quần áo mới quây quần bên cháu con nghe bao lời chúc tốt đẹp rồi hạnh phúc rồi lì xì… vậy mà bà cụ nằm đó thở qua máy thở, thuốc vận mạch đang dùng liều cao để nâng huyết áp.

– Bác sĩ ơi, cứu được không?

– Bệnh nặng lắm, suy hô hấp, sốc nhiễm trùng, viêm phổi, đái tháo đường… Sợ bà không qua khỏi đêm nay.

Ba người con bật khóc. Nhìn cách ăn bận mình biết họ rất nghèo. Nghèo thì phải bươn chải mưu sinh… Nghèo thì không có nhiều chọn lựa… Đôi khi Tết đối với họ là sự “chịu đựng” lẫn “tủi hổ”.

– Bà cụ ngưng tim bác ơi.

– Nhanh, xoa bóp tim, Adrenaline…

– Sốc điện không bác?

– Thôi… Đã ngừng tim lần hai rồi.

– Sao hả bác sĩ?

– Bà mất rồi.

Ba người con đẩy bà cụ ra khỏi phòng cấp cứu với chiếc ga trắng che phủ khắp người… Mình… đứng đó nhìn theo, đôi mắt cũng hoe đỏ. “Thôi về đi, đường trần đâu có gì, tóc xanh mấy mùa?”

– Mẹ tôi khổ lắm bác sĩ ơi. Ba tụi tôi mất lúc tụi tôi còn nhỏ do bệnh gan. Mẹ tôi phải gánh gồng nuôi con với sạp rau nhỏ ở chợ. Cả đời của bà chỉ có quanh quẩn không nhà thì chợ. Có bao giờ đi ra khỏi thành phố này đâu. Có bao giờ được đi nhà hàng sang trọng như người ta đâu.

Hai giờ sáng phòng cấp cứu vắng bệnh nhân, em y tá quay qua nhìn mình rồi hỏi:

– Nghèo cũng là cái tội phải không bác?

– Nghèo không phải là cái tội. Nhưng nghèo trong cuộc sống thường chịu nhiều thiệt thòi, và hạnh phúc cũng ít khi trọn vẹn. Nhưng mà em nghĩ nhiều làm chi. Mỗi ngày được thức giấc được khỏe mạnh được nhìn thấy mặt trời được ở bên người mà mình thương yêu… đã là hạnh phúc.

– Hạnh phúc đó cũng mong manh vô thường.

– Ừm, sư ông hay nói: “Buồn vui sướng khổ. Cay đắng ngọt bùi. Thoắt là hiện thực. Thoắt là chiêm bao.”

– Em ăn chay hết tháng Giêng. Còn bác?

– Tùy duyên.

***

– Cấp cứu… cấp cứu… bác sĩ ơi… cấp cứu.

– Nhanh. Đưa bệnh nhân lên giường. Bị sao?

– Tôi với ổng đi đường hoa Nguyễn Huệ, sau đó ghé nhà bạn uống vài chai bia chúc mừng nhau rồi về. Ổng đang chạy xe chở tôi tự nhiên loạng choạng rồi lật xe.

– Rồi sau đó?

– Ổng đập đầu xuống đường. Bất tỉnh.

– Cô chú lớn tuổi, đêm hai, ba giờ sáng rồi, không ở nhà nghỉ ngơi, uống bia rượu còn chạy xe gắn máy, đúng là quá nguy hiểm.

– Tết mà bác sĩ. Ai ngờ đâu…

– Ừ thì trong cuộc sống có ai ngờ đâu…

Cuộc sống quá bất trắc mà, có ai ngờ được điều gì đâu. Nếu biết trước sáng mùng Hai Tết kết quả chụp hình sọ não của mình là khối máu tụ lớn bán cầu phải, di lệch đường giữa, chèn ép não thất… tiên lượng tử vong… vợ chồng bệnh nhân này có dám đi chơi Tết, có dám uống bia, có dám chạy xe?

– Chú có bệnh tăng huyết áp và hút thuốc lá rất nhiều phải không cô?

– Ờ, đúng rồi.

– Có thể chú bị tai biến xuất huyết não xong rồi mới té xe. Chú có uống thuốc huyết áp đều không? Có tái khám định kì ở phòng khám mỗi tháng?

– Không có bác sĩ ơi. Ổng nghe bạn bè bày uống thuốc bắc, nam gì đó là được nên ổng bỏ thuốc tây.

– Bạn bè chú có là bác sĩ không?

– Không.

– Không là bác sĩ mà dám bày người bệnh cách dùng thuốc, thật là…

Lúc người vợ đẩy xác chồng ra khỏi phòng cấp cứu đã năm giờ sáng. Anh Phong, y tá của phòng cấp cứu đã hơn hai mươi năm trong nghề tặc lưỡi:

– Người Việt Nam mình kì cục lắm bác ơi.

– Kì cục?

– Ừ. Bác chỉ cần ra chợ than thở vài tiếng với mấy bà bán cá là có một toa thuốc rồi. Ví dụ như mẹ anh bị bệnh gan, mấy bà bạn bả bày cho nào là uống cây chó đẻ sao thủy hỏa thổ, nào là ăn lá đu đủ, nào là uống mật gấu. Toàn tào lao mía lau.

– Hi hi, người Việt Nam mình nghĩ cũng dễ thương đó chứ, thật ra điều đó xuất phát từ lòng thương dù họ không có biết gì về bệnh về thuốc, nhưng chỉ cần nghe đồn là bày cho người khác ngay.

– Nguy hiểm là ở chỗ đó. Bác có thấy trên tivi mỗi ngày quảng cáo ầm ầm về thực phẩm chức năng uống vô chữa đủ thứ bệnh nào là bao tử, trĩ, khớp, mệt mỏi, mất ngủ… Nhưng những thứ đó đâu phải là thuốc. Bệnh phải đến khám bác sĩ, phải được kê đơn chứ.

Mình mỉm cười. Y tá Hằng ngồi kế bên cười theo.

– Chưa chắc đến khám bác sĩ là an toàn đâu. Cũng như ông bà mình nói: đỏ vỏ chưa hẳn chín ruột.

– …?

– Lúc sáng bác và anh Phong cấp cứu bà cụ 72 tuổi bị suy tim nặng đó nhớ không? Trên toa thuốc chẩn đoán là suy tim toàn bộ độ 3, đái tháo đường mà bác sĩ dám cho nhóm Pioglitazone, thuốc đó phải cẩn thận lắm khi cho bệnh nhân có suy tim mà.

– Ờ ờ…

– Con bệnh nhân có nói, đến bệnh viện mà bác sĩ cứ gõ máy vi tính cho thuốc, chứ không thèm nhìn mặt, không khám tim nghe phổi gì hết.

– Em nghĩ xem bác sĩ khám bệnh ngày hơn tám mươi người, thời gian đâu mà nói chuyện, thời gian đâu mà nghe tim phổi, thời gian đâu mà tư vấn bệnh nhân cách dùng thuốc. Nếu khám đúng, đủ, thì tám mươi bệnh nhân đó phải chia đều trong một tháng chứ không phải một ngày. Khám nhiều sai sót nhiều, chẳng làm khác đi được. Anh thấy hoài những toa thuốc trên cho Nifedipine làm tăng nhịp tim, dưới cho Bisoprolol làm giảm nhịp tim, trên cho Amlodipine có thể gây phù mắt cá chân, dưới cho Daflon điều trị phù chân…

Mình nghe hai y tá ngồi nói chuyện, bất giác thở dài. Sáng mùng Hai Tết mà… buồn quá. Có những chuyện không thể nói thành lời, và cũng không thể giải quyết rõ ràng rốt ráo bằng hành động được.

– Chẳng phải tất cả đều là duyên là nghiệp đó sao?

– ?

– Chẳng phải mỗi giai đoạn trong cuộc sống đều có giá trị lịch sử của nó sao?

– ?

– Chẳng phải cuộc sống này có luật nhân quả hay sao? Có vay có trả. Có nợ có đền. Có gieo có gặt.

– Gì vậy bác?

– Bảy giờ rồi, về thôi.

Mười một giờ đêm, phòng cấp cứu nhận một người nữ 50 tuổi trong tình trạng nói ú ớ yếu nửa người trái, chụp CT Scan sọ não thì xuất huyết não, não thất, phù não… Nghe người nhà khai chị ta ngồi đánh bài gần hai mươi giờ đồng hồ, càng đánh càng thua, càng thua càng hăng, không chịu ăn cơm…

– Chị ấy không có chồng con gì sao?

– Li dị rồi, do nó bị vô sinh.

Nghe người nhà khai bệnh xong tự dưng lòng mình chùng xuống. Cuộc sống vô thường quá. Tình yêu đôi lứa cũng vô thường. Có nhiều khi người ta vượt qua bao nhiêu khó khăn, xem thường cả sinh tử để có nhau, nhưng nhanh chóng phụ nhau vì những chuyện không đâu như một lời nói, một thói quen…

– Bà cụ bị khó thở bao lâu rồi?

– Dạ, cả tháng nay. Tối nay, mẹ tôi vào nhà tắm, sau đó té quỵ xuống, xanh tái, thở không nổi, tôi vội bế xốc chạy vào đây.

– Ở nhà có ai chăm sóc bà cụ không anh?

– Ờ… ờ…

– Anh cầm cái gạc sạch này lau mặt cho bà đi. Đôi mắt đầy ghèn hết kìa.

Người con của bệnh nhân nhìn mình bối rối, vội cúi mặt xuống. Mẹ thì chỉ có một. Sinh mạng cũng chỉ có một. Ba mươi phút trước mình đến cấp cứu, người bà cụ bốc mùi khai và quần áo nhàu nát cáu bẩn. Hôm nay là mùng Một – ngày mà người ta bận quần áo mới quây quần bên cháu con nghe bao lời chúc tốt đẹp rồi hạnh phúc rồi lì xì… vậy mà bà cụ nằm đó thở qua máy thở, thuốc vận mạch đang dùng liều cao để nâng huyết áp.

– Bác sĩ ơi, cứu được không?

– Bệnh nặng lắm, suy hô hấp, sốc nhiễm trùng, viêm phổi, đái tháo đường… Sợ bà không qua khỏi đêm nay.

Ba người con bật khóc. Nhìn cách ăn bận mình biết họ rất nghèo. Nghèo thì phải bươn chải mưu sinh… Nghèo thì không có nhiều chọn lựa… Đôi khi Tết đối với họ là sự “chịu đựng” lẫn “tủi hổ”.

– Bà cụ ngưng tim bác ơi.

– Nhanh, xoa bóp tim, Adrenaline…

– Sốc điện không bác?

– Thôi… Đã ngừng tim lần hai rồi.

– Sao hả bác sĩ?

– Bà mất rồi.

Ba người con đẩy bà cụ ra khỏi phòng cấp cứu với chiếc ga trắng che phủ khắp người… Mình… đứng đó nhìn theo, đôi mắt cũng hoe đỏ. “Thôi về đi, đường trần đâu có gì, tóc xanh mấy mùa?”

– Mẹ tôi khổ lắm bác sĩ ơi. Ba tụi tôi mất lúc tụi tôi còn nhỏ do bệnh gan. Mẹ tôi phải gánh gồng nuôi con với sạp rau nhỏ ở chợ. Cả đời của bà chỉ có quanh quẩn không nhà thì chợ. Có bao giờ đi ra khỏi thành phố này đâu. Có bao giờ được đi nhà hàng sang trọng như người ta đâu.

Hai giờ sáng phòng cấp cứu vắng bệnh nhân, em y tá quay qua nhìn mình rồi hỏi:

– Nghèo cũng là cái tội phải không bác?

– Nghèo không phải là cái tội. Nhưng nghèo trong cuộc sống thường chịu nhiều thiệt thòi, và hạnh phúc cũng ít khi trọn vẹn. Nhưng mà em nghĩ nhiều làm chi. Mỗi ngày được thức giấc được khỏe mạnh được nhìn thấy mặt trời được ở bên người mà mình thương yêu… đã là hạnh phúc.

– Hạnh phúc đó cũng mong manh vô thường.

– Ừm, sư ông hay nói: “Buồn vui sướng khổ. Cay đắng ngọt bùi. Thoắt là hiện thực. Thoắt là chiêm bao.”

– Em ăn chay hết tháng Giêng. Còn bác?

– Tùy duyên.

***

– Cấp cứu… cấp cứu… bác sĩ ơi… cấp cứu.

– Nhanh. Đưa bệnh nhân lên giường. Bị sao?

– Tôi với ổng đi đường hoa Nguyễn Huệ, sau đó ghé nhà bạn uống vài chai bia chúc mừng nhau rồi về. Ổng đang chạy xe chở tôi tự nhiên loạng choạng rồi lật xe.

– Rồi sau đó?

– Ổng đập đầu xuống đường. Bất tỉnh.

– Cô chú lớn tuổi, đêm hai, ba giờ sáng rồi, không ở nhà nghỉ ngơi, uống bia rượu còn chạy xe gắn máy, đúng là quá nguy hiểm.

– Tết mà bác sĩ. Ai ngờ đâu…

– Ừ thì trong cuộc sống có ai ngờ đâu…

Cuộc sống quá bất trắc mà, có ai ngờ được điều gì đâu. Nếu biết trước sáng mùng Hai Tết kết quả chụp hình sọ não của mình là khối máu tụ lớn bán cầu phải, di lệch đường giữa, chèn ép não thất… tiên lượng tử vong… vợ chồng bệnh nhân này có dám đi chơi Tết, có dám uống bia, có dám chạy xe?

– Chú có bệnh tăng huyết áp và hút thuốc lá rất nhiều phải không cô?

– Ờ, đúng rồi.

– Có thể chú bị tai biến xuất huyết não xong rồi mới té xe. Chú có uống thuốc huyết áp đều không? Có tái khám định kì ở phòng khám mỗi tháng?

– Không có bác sĩ ơi. Ổng nghe bạn bè bày uống thuốc bắc, nam gì đó là được nên ổng bỏ thuốc tây.

– Bạn bè chú có là bác sĩ không?

– Không.

– Không là bác sĩ mà dám bày người bệnh cách dùng thuốc, thật là…

Lúc người vợ đẩy xác chồng ra khỏi phòng cấp cứu đã năm giờ sáng. Anh Phong, y tá của phòng cấp cứu đã hơn hai mươi năm trong nghề tặc lưỡi:

– Người Việt Nam mình kì cục lắm bác ơi.

– Kì cục?

– Ừ. Bác chỉ cần ra chợ than thở vài tiếng với mấy bà bán cá là có một toa thuốc rồi. Ví dụ như mẹ anh bị bệnh gan, mấy bà bạn bả bày cho nào là uống cây chó đẻ sao thủy hỏa thổ, nào là ăn lá đu đủ, nào là uống mật gấu. Toàn tào lao mía lau.

– Hi hi, người Việt Nam mình nghĩ cũng dễ thương đó chứ, thật ra điều đó xuất phát từ lòng thương dù họ không có biết gì về bệnh về thuốc, nhưng chỉ cần nghe đồn là bày cho người khác ngay.

– Nguy hiểm là ở chỗ đó. Bác có thấy trên tivi mỗi ngày quảng cáo ầm ầm về thực phẩm chức năng uống vô chữa đủ thứ bệnh nào là bao tử, trĩ, khớp, mệt mỏi, mất ngủ… Nhưng những thứ đó đâu phải là thuốc. Bệnh phải đến khám bác sĩ, phải được kê đơn chứ.

Mình mỉm cười. Y tá Hằng ngồi kế bên cười theo.

– Chưa chắc đến khám bác sĩ là an toàn đâu. Cũng như ông bà mình nói: đỏ vỏ chưa hẳn chín ruột.

– …?

– Lúc sáng bác và anh Phong cấp cứu bà cụ 72 tuổi bị suy tim nặng đó nhớ không? Trên toa thuốc chẩn đoán là suy tim toàn bộ độ 3, đái tháo đường mà bác sĩ dám cho nhóm Pioglitazone, thuốc đó phải cẩn thận lắm khi cho bệnh nhân có suy tim mà.

– Ờ ờ…

– Con bệnh nhân có nói, đến bệnh viện mà bác sĩ cứ gõ máy vi tính cho thuốc, chứ không thèm nhìn mặt, không khám tim nghe phổi gì hết.

– Em nghĩ xem bác sĩ khám bệnh ngày hơn tám mươi người, thời gian đâu mà nói chuyện, thời gian đâu mà nghe tim phổi, thời gian đâu mà tư vấn bệnh nhân cách dùng thuốc. Nếu khám đúng, đủ, thì tám mươi bệnh nhân đó phải chia đều trong một tháng chứ không phải một ngày. Khám nhiều sai sót nhiều, chẳng làm khác đi được. Anh thấy hoài những toa thuốc trên cho Nifedipine làm tăng nhịp tim, dưới cho Bisoprolol làm giảm nhịp tim, trên cho Amlodipine có thể gây phù mắt cá chân, dưới cho Daflon điều trị phù chân…

Mình nghe hai y tá ngồi nói chuyện, bất giác thở dài. Sáng mùng Hai Tết mà… buồn quá. Có những chuyện không thể nói thành lời, và cũng không thể giải quyết rõ ràng rốt ráo bằng hành động được.

– Chẳng phải tất cả đều là duyên là nghiệp đó sao?

– ?

– Chẳng phải mỗi giai đoạn trong cuộc sống đều có giá trị lịch sử của nó sao?

– ?

– Chẳng phải cuộc sống này có luật nhân quả hay sao? Có vay có trả. Có nợ có đền. Có gieo có gặt.

– Gì vậy bác?

– Bảy giờ rồi, về thôi.

Bình luận