“Nhân loại có được phép tự sát tập thể hay không?” – đây không phải là một câu hỏi vớ vẩn hay để gây “sốc” cho vui. Nó đang trở thành một tra vấn hết sức nghiêm chỉnh và nghiêm trọng ở cấp độ đạo đức học và triết học.
Nếu về mặt kỹ thuật, từ mấy thập kỷ trước, con người đã hoàn toàn có thể tự sát, thì cho đến nay, triết học vẫn chưa thực sự tìm được câu trả lời thích đáng cho câu hỏi trên và các câu hỏi có liên quan trong kỷ nguyên khoa học – công nghệ.
Một thế giới “trật đường rầy”
Con tàu thường trật đường rầy vì chạy quá nhanh trên một… đường rầy không vững chắc. Tương tự như thế, nền kinh tế thế giới – bất kể theo mô hình nào – đã phát triển nhanh chóng dựa chủ yếu vào việc khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên. Trong khi đó, bản chất của hành động con người không theo kịp tình hình ấy. Bản chất của hành động nói ở đây là thói quen đã trở thành nguyên tắc đạo đức hướng dẫn hành động. Nguyên tắc đạo đức trước nay tập trung vào phạm vi trách nhiệm gần gũi của con người, với bản thân, gia đình, làng mạc, địa phương, quốc gia, dân tộc (ở phương Tây, thể hiện ở châm ngôn “Yêu thương người sát bên cạnh mình”). Trong xã hội cổ truyền, không phải người ta không nghĩ đến những phạm vi rộng lớn hơn: nhân loại, chúng sinh, hậu thế, vũ trụ nhất thể v.v… nhưng trong nền công nghiệp tiền – hiện đại và lạc hậu, tầm hoạt động của con người chưa thực sự được mở rộng. Trách nhiệm cụ thể đối với các thế hệ đã qua và các thế hệ tương lai, trách nhiệm đối với môi trường khu vực và toàn cầu, trách nhiệm đối với sự đa dạng của các giống loài cũng như đối với các nền văn hoá xa lạ và xa xôi chưa trở thành những vấn đề thời sự thiết thân. Với sự tiến bộ vượt bực của khoa học–công nghệ và nền truyền thông toàn cầu, nền đạo đức dựa trên “trách nhiệm hữu hạn” ấy nhất thiết phải được thay đổi. Nền đạo đức theo châm ngôn “yêu người sát bên cạnh mình” cần trở thành nền đạo đức “yêu người ở nơi xa nhất”! Đó là ý tưởng rất nghiêm chỉnh và thật đáng suy nghĩ của Hans Jonas (1903 – 1993) trong tác phẩm Nguyên tắc trách nhiệm. Phác thảo một đạo đức học cho nền văn minh công nghệ (1979).
Nguyên tắc trách nhiệm
Hans Jonas xuất phát từ sự kiện hiển nhiên: nghĩa vụ của con người đối với sự tồn tại của bản thân và vạn vật. Lý do thật giản dị: con người là sinh vật duy nhất chịu trách nhiệm về hành động của mình, do đó cũng phải có trách nhiệm giữ cho loại sinh vật có năng lực “đặc biệt” ấy được trường tồn. Một sự tự sát tập thể của nhân loại là một nghịch lý, phải bị bác bỏ về mặt đạo đức. Ông đề nghị “cải biên” mệnh lệnh đạo đức nổi tiếng của Immanuel Kant: “Hãy hành động sao cho châm ngôn hành động của bạn lúc nào cũng có thể trở thành một quy luật phổ biến” thành “Hãy hành động sao cho những hậu quả của hành động của bạn phù hợp với sự trường tồn của sự sống đích thực của con người trên mặt đất”. Ta cần lưu ý chữ “đích thực”. Jonas muốn nói đến cái biết hiện thực và cái biết lý tưởng của bất kỳ một nền đạo đức nào trong tương lai:
– Kant muốn đặt cơ sở cho đạo đức học trên sự thoả thuận giữa những cá nhân tự trị. Jonas đề nghị mở rộng cơ sở ấy: có rất nhiều những thực thể không có năng lực tự trị lẫn lý tính trên thế gian này, đó là thế giới mênh mông của động vật và thực vật. Chúng vẫn phải được dành cho vị thế của những chủ thể có nhiều quyền hạn; đó là quyền được nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ mà mô hình quen thuộc ở đây là quyền và trách nhiệm giữa cha mẹ và con cái.
– Bên cạnh thế giới hữu sinh, cần vượt bỏ quan niệm dửng dưng đối với thế giới vô cơ. Không thể có một triết lý hay một chính sách bảo vệ thiên nhiên và bảo vệ môi trường đúng đắn, nếu cứ thẳng tay bóc lột thiên nhiên vô độ, nhân danh lợi ích kinh tế thiển cận và tham lam. Nỗ lực đặt cơ sở “bản thể học” cho một giá trị nội tại của thế giới hữu cơ lẫn vô cơ của Jonas không khỏi gây nhiều tranh cãi, nhưng tác phẩm của Jonas quả thật có tác dụng cảnh tỉnh và buộc mọi người phải xét lại nếp nghĩ và cách làm đầy bạo lực của mình.
Nguyên tắc hy vọng?
Vì con người có quyền sinh sát đối với vạn vật, nên cũng phải có trách nhiệm đạo đức trong việc bảo vệ chúng .
“Nguyên tắc trách nhiệm” của Hans Jonas thực ra là để đáp lại “Nguyên tắc hy vọng” nổi tiếng không kém trong tác phẩm cùng tên của triết gia tân – Mácxít Ernst Bloch (1885 – 1977). Bloch cũng lo âu về nguy cơ của nền công nghệ hiện đại, của lối “tư duy – hàng hoá”, chỉ muốn nhìn mọi việc bằng con mắt định lượng đơn thuần. Bloch hiểu con người là kẻ sáng tạo nên giá trị, và cũng hiểu tự nhiên là cái gì có năng lực sáng tạo. Ông tin vào một sự “liên minh” trong tương lai giữa hai bên; nhờ đó cái không tưởng của công nghệ cũng trở thành cái “không tưởng cụ thể”, và đó sẽ là cơ sở vật chất hiện thực để cái không tưởng xã hội cũng sẽ trở thành “cụ thể”. Vì thế, khẩu hiệu của Bloch là: “Hãy biết hy vọng!”
Hans Jonas đặt vấn đề kiểu khác. Vì lẽ rất khó đạt được sự an toàn trong việc đánh giá những hậu quả phức tạp của khoa học công nghệ, nên cần ưu tiên xem trọng và xuất phát từ những kịch bản, những tình huống xấu nhất, những dự báo khôn lường về tác hại (thậm chí có thể dẫn đến sự tiêu huỷ một bộ phận lớn con người và cả loài người). Lòng tin mơ hồ về “những con người ngày càng tốt lành hơn”, niềm hy vọng về một “liên minh hài hoà” giữa con người và tự nhiên không khéo chỉ tiếp tục tạo nên tác động lừa mị và sẽ dẫn con người xuống hố. Do đó, khẩu hiệu của Hans Jonas là: “Hãy biết sợ!” trước những viễn cảnh đen tối và nguy hiểm, vì chỉ có như thế ta mới thấm thía gánh nặng trách nhiệm đang đặt trên vai để biết phải bảo vệ những gì và phải từ bỏ những gì.
Ta có thể “dung hoà” hai ông chăng: chỉ có thể hy vọng khi biết sợ!
Bùi Văn Nam Sơn