Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Trò Chuyện Triết Học

Bất Hoại Như Những Vì Sao…

Tác giả: Bùi Văn Nam Sơn
Thể loại: Triết Học
Chọn tập

Thần thoại Hy Lạp kể chuyện Prometheus xông lên trời cao, cướp lửa về cho loài người. Lửa không chỉ giải phóng con người khỏi sự lạnh lẽo, sống sít, tạo ra một bước ngoặt văn minh. Lửa còn ngụ ý là ánh sáng, xua tan bóng tối đang bao phủ tâm hồn và ngoại cảnh, khẳng định sự tự do của con người. Vì thế, sự tự do tiêu cực ( Sáng mai xoã tóc thả thuyền ta chơi ) – hiểu như sự giải phóng khỏi những cưỡng chế, trở lực cho hành động – tuyệt nhiên không có nghĩa là thụ động, trái lại, là cuộc đấu tranh lâu dài, quyết liệt của loài người suốt bao thiên niên kỷ.

Cuộc đấu tranh ấy không chỉ phải chống lại những cưỡng chế của tự nhiên mà còn của chính con người áp đặt lên con người. Hãy đọc mấy vần thơ cháy bỏng của thi hào Friedrich Schiller (1759 – 1805), người cùng với thi hào Goethe như một cặp bài trùng:

Không! Bạo quyền chuyên chế có một giới hạn
Khi kẻ bị đàn áp không biết tìm công lý ở đâu
Khi gánh nặng trở nên không chịu đựng nổi
Kẻ bị áp bức dũng cảm lên tận trời cao
lấy xuống những quyền hạn vĩnh cửu của mình
những quyền hạn bất khả xuất nhượng
được treo lên trời cao
và bất hoại như những vì sao…

Những quyền “bất hoại” ấy được gọi là những quyền tự nhiên. Và học thuyết về pháp quyền tự nhiên là nguồn mạch của tư tưởng chính trị Tây phương. Chúng là “những lẽ phải không ai chối cãi được”, và trở thành linh hồn cho các bản tuyên ngôn độc lập và tuyên ngôn nhân quyền nổi tiếng trên thế giới. Nhưng, từ chỗ cùng nhau “giành lấy” những quyền tự do đến chỗ “dành cho” mọi người là một chặng đường xa thẳm đầy chông gai. Người ta dễ sát cánh với nhau ở công việc trước, nhưng không dễ đồng thuận với nhau ở công việc sau. Chẳng hạn, thừa nhận quyền tự do ngôn luận, không bị kiểm duyệt (tự do tiêu cực) là một chuyện, dành cho nó những phương tiện truyền thông để thực thi quyền ấy (tự do tích cực) là một chuyện khác! Một ví dụ nữa: tinh thần “tự do phóng khoáng” (liberal) thì ai cũng thích, nhưng “chủ nghĩa tự do” (liberalism) lại là một cương lĩnh chính trị bên cạnh những cương lĩnh chính trị khác, và chúng không dễ hoà hợp với nhau.

Từ tự do nội tâm đến tự do chính trị

Tự do nội tâm là năng lực tự nắm lấy vận mệnh của chính mình. Đó là hình tượng của Socrates được Platon khắc hoạ, khi ông chọn cái chết chứ không trốn chạy, vì trốn chạy là phản bội đức trung thực và thú nhận sự hèn kém trước kẻ thù. Nó cũng đồng thời nói lên sự giải thoát khỏi nỗi sợ hãi và việc hành động theo lý trí. Tự do nội tâm còn có nghĩa là biết tận dụng và phát huy mọi năng lực bản thân, vì thế, nơi Aristoteles, mục tiêu tối thượng là từ đó phải tạo cho được một khuôn khổ nhà nước phục vụ cho việc ấy.

Nơi phái Khắc kỷ, tự do nội tâm được đẩy đi xa hơn, biến sự tự lập (autarchy) thành sự “bất động tâm” (apathie) trước mọi tác động và cám dỗ của bản năng. Sự tự do ấy tuy cao thượng nhưng quá khô khan! Nó chỉ được tiếp thêm sức sống khi tiếp thu Kitô giáo. Thomas Aquino xem mục tiêu tối hậu của con người là ngày càng trở nên giống thượng đế. Nếu thượng đế là sự tự do hoàn toàn thì con đường đi đến thượng đế cũng là con đường của con người đi đến sự tự do. Ở đây, tự do có nghĩa là làm con người đích thực như là một chủ thể.

Immanuel Kant chuyển cái lý tưởng về tự do có tính chất tôn giáo này vào trong lý tính của con người. Theo Kant, tuy ta không thể chứng minh sự tồn tại của tự do bằng mắt thường, nhưng ta phải thừa nhận nó là có thật như một phẩm cách đặc sắc của con người. Chẳng hạn, trong việc cứu người chết đuối, ta chỉ thấy những hành vi (nhảy xuống nước, đưa người bị nạn lên bờ, cấp cứu…), nhưng không thấy được quyết định của người cứu nạn. Chính ý chí tự do ấy (quyết định cứu người) mới nói lên giá trị luân lý (và cả việc tự chịu trách nhiệm) của người hành động. Kant dùng một hình ảnh rất đẹp: con người đồng thời là công dân của hai thế giới: thế giới khả giác (có thể nhìn thấy được) và thế giới khả niệm (có thể dùng đầu óc suy tưởng được). Cả hai không mâu thuẫn nhau mà thống nhất ở trong con người.

Hegel mở rộng kích thước hiện thực của sự tự do. Tự do là nhận ra chính mình ở trong cái thoạt đầu vốn khác biệt và xa lạ với mình. Ví dụ dễ hiểu: ngoại ngữ là xa lạ, nhưng khi đã thông thạo, ta lại thấy nó thân thuộc và tha hồ tự do vẫy vùng trong nó! Mở rộng ra, ta sẽ có tự do ở trong tự nhiên, xã hội, nhà nước… khi chúng không còn là cái gì xa lạ, thậm chí thù địch với ta nữa. Hệ luận: chỉ có một trật tự xã hội hợp lý mới có thể biến tự do của con người thành hiện thực. Một nhịp cầu đã nối liền giữa tự do chủ quan và tự do khách quan, giữa tự do nội tâm và tự do chính trị.

Những kẻ hái sao

Kẻ bị áp bức dũng cảm lên tận trời cao lấy xuống những quyền hạn vĩnh cửu của mình những quyền hạn bất khả xuất nhượng được treo lên trời cao và bất hoại như những vì sao…

(Friedrich Schiller)

Chính sự ra đời của các nhà nước dân tộc với chế độ quân chủ chuyên chế cực quyền ở châu Âu thế kỷ 17, 18 mới làm bùng nổ yêu sách về các quyền tự do chính trị. Từ sự đề kháng chống lại ách áp bức “trở nên không chịu đựng nổi” (Schiller) đã hình thành phong trào Khai minh với thế kỷ Ánh sáng lừng danh trong lịch sử. Tư tưởng triết học và chính trị của các nhà khai minh Đức (Kant, Hegel…) và Pháp (Diderot, Voltaire, Rousseau, Montesquieu…) là những mồi lửa cho cuộc Đại cách mạng Pháp (1789), nhưng thùng thuốc nổ đã được chuẩn bị trước đó ở nước Anh với Thomas Hobbes (1588 – 1679) và nhất là John Locke (1632 – 1704).

John Locke là người đầu tiên khẳng định rằng “quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” là những quyền bất khả xuất nhượng của người công dân. Trong tác phẩm nổi tiếng Hai khảo luận về chính quyền (1690) (bản tiếng Việt Khảo luận thứ hai về chính quyền của Lê Tuấn Huy, NXB Tri Thức, 2007), ông viết: “Trạng thái tự nhiên là trạng thái của sự tự do hoàn toàn (…) để con người làm chủ hành động, sở hữu và nhân thân của mình mà không cần xin phép ai cả và không lệ thuộc vào ý chí của người khác”. John Locke quả đã “lên tận trời cao, lấy xuống những quyền hạn vĩnh cửu của mình”. Từ Locke và phong trào Khai minh, sự tự quyết về luân lý, sự tiến bộ xã hội và việc ngăn chặn cường quyền trở thành các chủ đề trung tâm của sự bàn luận về tự do. Tự do “khỏi” cái gì bắt đầu thực sự song hành với tự do “để” làm gì. Ta còn có dịp tái ngộ những “nhà hái sao” vĩ đại này vào tuần sau.

Bùi Văn Nam Sơn

Chọn tập
Bình luận