Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Trò Chuyện Triết Học

Bịt Mắt Bắt Dê

Tác giả: Bùi Văn Nam Sơn
Thể loại: Triết Học
Chọn tập

Trò chơi “bịt mắt bắt dê” không mất đi cùng với tuổi thơ! Khi lớn lên, thay vì chịu bịt mắt bằng mảnh vải để vui đùa, ta lại tự nguyện để cho những định kiến và những niềm xác tín chắc nịch làm cho mình… có mắt như mù.

Khác với ba ngẫu tượng trước đây (ngẫu tượng Bộ lạc, ngẫu tượng cái Hang, ngẫu tượng cái Chợ) có nguồn gốc từ bản tính tự nhiên của con người và những giới hạn khách quan của ngôn ngữ, sai lầm lần này do ta tự chuốc lấy một cách tự nguyện. Francis Bacon gọi đó là ngẫu tượng Sân khấu.

Cuộc hí trường

Bacon viết: “Tôi đặt tên là ngẫu tượng Sân khấu, vì, theo tôi, tất cả những hệ thống (triết học và tri thức) mà ta tiếp thu đều chỉ là những vở kịch nhiều hồi được dàn dựng theo sự hư cấu”. Cách viết khá cực đoan và gay gắt ấy thực ra là để cảnh báo một việc: phần lớn những điều xác tín của ta về thế giới quan lẫn nhân sinh quan đều không bắt nguồn từ sự suy nghĩ chín chắn. Ta thản nhiên chấp nhận những gì do truyền thống văn hoá và giáo dục của ta mang lại, mà ít khi chịu phản tỉnh hay dám phê phán. Chấp nhận quyền uy và giá trị hiệu lực của truyền thống đã được xác lập tức là cũng dễ dàng chấp nhận cả những sai lầm và khiếm khuyết của nó. Không có gì quyến rũ hơn là những ý tưởng đã chứng tỏ ít nhiều thành công trong quá khứ. Cũng không có gì lầm lẫn hơn là tưởng chúng sẽ vĩnh viễn có giá trị và bảo đảm những thành công trong tương lai.

Bacon thường tỏ ra “bất kính” trước di sản tư tưởng quá khứ. Điều này có thể hiểu được từ tính cách cứng cỏi của riêng ông, nhưng cũng từ phản ứng quyết liệt trước môi trường sinh hoạt tinh thần còn rất độc đoán và mê tín của thời đại ông. Tuy nhiên, nhiều nhận định phê phán của ông về những tín điều và những hệ thống tư tưởng đang thống trị lúc bấy giờ vẫn không mất đi tính thời sự. Bacon nhận thấy có ba hệ thống hay ba lề lối tư duy chủ yếu mang đặc trưng của ngẫu tượng này: giáo điều, duy nghiệm và mê tín.

– Hệ thống hay lề lối tư duy “giáo điều” thường đến từ trường phái duy lý. Theo Bacon, nhà nguỵ biện giáo điều ít khi chịu kiểm nghiệm những phán đoán và kết luận của mình bằng thực tại và kinh nghiệm. “Họ thường có kết luận từ trước chứ không chịu tham khảo kinh nghiệm mà lẽ ra phải làm, rồi áp đặt vấn đề theo ý muốn của mình, và khi cần viện dẫn kinh nghiệm thì cố uốn nắn cho phù hợp với sơ đồ có sẵn”. Ông dám nêu đích danh trường hợp điển hình là Aristoteles, một bậc “vạn thế sư biểu” của phương Tây! May cho nhiều nhà tư tưởng sinh sau ông!

– Hệ thống hay lề lối tư duy duy nghiệm quá tự tin vào một số kết quả nghiên cứu thường nghiệm và rồi cũng hấp tấp rút ra những kết luận và những nguyên tắc phổ quát không đủ cơ sở. Ví dụ điển hình đương thời là những kết luận “động trời” của môn giả kim, tiền thân của ngành hoá học ngày nay. Bacon thường kể trường hợp nổi tiếng của William Gilbert (Về từ tính, 1600): sau một số công trình nghiên cứu khá cặn kẽ về các đặc tính của nam châm, Gilbert khái quát hoá vội vàng và liều lĩnh, rằng quỹ đạo của những hành tinh xoay quanh mặt trời có được là nhờ từ tính!

– Sau cùng, những sai lầm từ sự “mê tín” còn phổ biến hơn nữa và cũng là nguy hiểm nhất. Những “sư tổ” trong lĩnh vực này thường trộn lẫn chân lý với thần thoại, kinh nghiệm với hoang tưởng, tri thức với lòng tin. Bacon nêu tên Pythagoras (triết gia và nhà toán học cổ Hy Lạp tin vào sức mạnh thần bí của con số) như trường hợp điển hình.

Con nhện, con kiến hay con ong?

Việc đầu tiên là phải phân biệt giữa điều mình biết và điều mình tin. Cái biết có thể nảy sinh từ cảm hứng và sự bừng tỉnh nội tâm, nhưng nó vẫn chưa phải là tri thức cho tới khi được chứng minh và kiểm nghiệm có phương pháp.

Nhìn chung, bốn loại ngẫu tượng mà ta vừa làm quen không chỉ là những chỉ báo về sự yếu đuối và dễ phạm sai lầm của con người nói chung, mà trước hết, nói lên nỗ lực tự phê phán của bản thân Bacon, một tượng đài sừng sững mở đầu thời cận đại. Ý nghĩa then chốt của nỗ lực này là việc nhận ra rằng: tư duy phê phán không phải là cái gì tự nhiên, trái lại, đòi hỏi lao động trí tuệ vừa dũng cảm, vừa kiên trì. Bacon kết luận công cuộc khảo sát của mình về các trở lực này như sau: “Ta không thể nào chia tay được với những sai lầm và ngẫu tượng này, bởi chúng gắn liền với bản tính tự nhiên và điều kiện sinh hoạt của chúng ta; vậy, chỉ có sự quan tâm thường xuyên đến chúng mới là điều hệ trọng bậc nhất để điều chỉnh nhận thức”.

Tuy chỉ mới là một nhân vật giao thời giữa nền siêu hình học cổ truyền và nền triết học/khoa học hiện đại, Francis Bacon dành cho hậu thế một lời khuyên đáng giá: không nên làm như con nhện chỉ đơn độc nhả tơ từ những gì có sẵn bên trong chính mình (như các nhà giáo điều), hay như những con kiến chỉ biết cần mẫn thu thập chất liệu (như các nhà duy nghiệm thuần tuý) mà hãy nỗ lực xử lý và tinh chế chất liệu như con ong tạo mật từ trăm hoa.

Suy nghĩ một cách có phê phán, nói một cách mạch lạc, viết một cách rõ ràng, đó là ba phương châm được nêu ra từ 400 năm trước như những yêu cầu đầu tiên trên con đường lao động trí tuệ để hy vọng có được chút mật ngọt của tư duy.

Bùi Văn Nam Sơn

Chọn tập
Bình luận
720
× sticky