Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Trò Chuyện Triết Học

Cổ Thụ Ngàn Năm Hay Chậu Kiểng Một Mùa?

Tác giả: Bùi Văn Nam Sơn
Thể loại: Triết Học
Chọn tập

Cũng chỉ từ một hạt mầm nhỏ bé thôi nhưng rồi sẽ có một cây cổ thụ nghìn năm hoặc chỉ là một chậu cúc gọi là “vạn thọ” mà không qua nổi một mùa. Chúng khác nhau ở tiềm lực được tập hợp và triển khai: các điều kiện ban đầu giữ vai trò quyết định. Tích luỹ tri thức và sự quản trị tri thức cũng na ná như thế.

Trở lại với Aristoteles (Sài Gòn Tiếp Thị, 4.8.2010). Sự quản trị tri thức, theo ông, cần cả hai điều kiện: kiến thức cơ bản lẫn thông tin cập nhật. Tri thức lý thuyết là đầu vào, là cơ sở cho việc tiếp thu, phát triển những tri thức mới và vận dụng chúng vào việc giải quyết những vấn đề của cuộc sống. Không có tri thức cơ bản thì mọi nỗ lực về sau sẽ rất vất vả, thậm chí vô bổ, không khác gì hoài công chăm bón cho một hạt mầm èo uột.

Năm loại hình tri thức

Trong tác phẩm Đạo đức học Nichomachus, Aristoteles nêu năm “đức hạnh” của tư duy, thật ra là năm loại hình tri thức. Chúng bổ sung cho nhau hơn là theo thứ tự cấp bậc:

1. Episteme: tri thức khoa học cơ bản và “thuần tuý”, chẳng hạn về toán học, lôgíc học, và các khoa học chính xác khác.

2. Techne: tri thức kỹ năng, hướng đến hành động. Techne làm việc với những sự vật luôn thay đổi hơn là với những quan hệ tương đối ổn định và bất biến như trong episteme. Techne phản ánh bản tính năng động của tri thức, chẳng hạn, các khoa học tự nhiên và xã hội.

3. Phronesis: tri thức thực hành dựa trên kinh nghiệm để tạo nên sự vật hay hành động. Nếu Techne có thể dạy và học, thì phronesis chỉ có thể chia sẻ bằng kinh nghiệm thực hành cụ thể.

4. Nous: tri thức trực cảm. Đây là loại tri thức đặc biệt, chỉ nảy sinh từ sự quen thuộc, nhuần nhuyễn với hai loại tri thức techne và phronesis. Năng lực “trực cảm” càng cao, con người càng dễ đi đến những đột phá, sáng tạo trên cơ sở những tri thức vững chắc. Nous sẽ chuyển hoá thành episteme khi biến những “trực cảm” từ trạng thái mặc nhiên thành tri thức minh nhiên.

5. Sophia: sau cùng là tri thức lý thuyết về những chân lý phổ quát hay những “đệ nhất nguyên lý” của triết học. Mặc dù Aristoteles cũng dành cho triết học một chức năng thực hành, nhưng ông cho rằng nó chỉ làm được điều ấy, bao lâu nó là lý thuyết trước đã: để hành động đúng, phải biết cái gì là đúng. Ông bác bỏ việc giới hạn lý tính và triết học vào chức năng phương tiện. Vì thế, ông đánh giá cao “thái độ và cuộc sống trong lý thuyết” (bios theoretikos) như là lối sống hướng thượng, vô vị lợi và xứng đáng thực sự với phẩm giá của con người. Tất nhiên, đàng sau quan niệm này là lòng tin vào chân lý khách quan vốn không phải do con người làm ra mà chỉ có thể phát hiện và chiêm ngưỡng. Từ “lý thuyết” (theoria) nguyên nghĩa là “ngắm nhìn”! Các thế hệ về sau có thể không hoàn toàn đồng ý với ông: tri thức chủ yếu là để phục vụ những mục đích thực tế, và, hơn thế, mọi tri thức đều mang đậm yếu tố chủ quan. Điều này thể hiện ở mô hình mới về tư duy khoa học từ thời cận đại với Galileo Galilei (1564 – 1642) và Immanuel Kant (1724 – 1804): thay vì “ngắm nhìn”, tức quan sát, mô tả giới tự nhiên một cách đầy tôn kính, con người hiện đại dùng “thí nghiệm” để “buộc tự nhiên phải trả lời” bằng những định luật của nó. Nhưng đó là… câu chuyện khác!

Có thể “quản trị” được tri thức?

Không một kỹ thuật quản trị nào có thể thay thế con người sáng tạo. Và không một sự thông minh tài trí nào có thể định hướng con người về mặt đạo đức cả.

Peter Drucker là người đầu tiên nhận ra vai trò nổi bật ngày nay của “người lao động tri thức” từ năm 1959 và du nhập khái niệm “xã hội tri thức” vào năm 1969. Karl Wiig – và gần như đồng thời với ông là Karl-Erik Sveiby, người Thuỵ Điển – đề ra khái niệm “quản trị tri thức” vào năm 1986. Nhưng năm 2001, Sveiby viết thư cho Wiig: “Khi nghĩ đến sự sáng tạo, học tập, chia sẻ (chuyển giao) và sử dụng tri thức, chúng ta đã hiểu nó như một chuỗi những tiến trình xã hội và năng động cần phải được quản trị (…). Và chúng ta đã không biết dùng từ nào hay hơn là “quản trị tri thức”. Nhưng hôm nay, tôi rất tiếc là tại sao chúng ta lại không tìm được một cách diễn đạt tốt hơn!” Tại sao có sự “hối tiếc” đó? Lẽ ra phải ngược lại mới phải chứ, khi công nghệ thông tin ngày càng phát triển, tạo thêm nhiều thuận lợi cho việc “quản trị”? Lý do chủ yếu có lẽ là vì thuật ngữ “quản trị” (management) quá thời thượng đến chỗ sáo mòn. Người ta dễ có cảm tưởng rằng “quản trị” là một vấn đề đơn thuần mang tính kỹ thuật hay phương pháp, trong khi kỹ thuật hay phương pháp (techne và phronesis) cũng chỉ là các bộ phận của tri thức! Thật thế, “quản trị tri thức” theo nghĩa hẹp gồm ba bộ phận, và mỗi bộ phận gồm bốn chức năng: tiếp thu tri thức (phát hiện, thu thập, đánh giá, sáng tạo); tổ chức và tàng trữ tri thức (mô hình hoá, phân loại, định vị, tích hợp); phân phối tri thức (chia sẻ, tái sử dụng, bảo trì, phổ biến). So với sơ đồ ấy, ít ra có hai loại hình tri thức rất khó hoặc thậm chí không thể “quản trị”: trực cảm sáng tạo (nous) và tri thức triết học vốn mang bản tính tự do, vượt ra khỏi mọi rào cản (sophia)! Đó là chưa nói đến một kích thước khác của tri thức: kích thước đạo lý. Không một kỹ thuật quản trị nào có thể thay thế con người sáng tạo. Và không một sự thông minh tài trí nào có thể định hướng con người về mặt đạo đức cả. Con người càng hiện đại càng nhớ đến hai lời dặn dò và cảnh báo sau đây của Aristoteles: “Ai muốn nhận thức đúng đắn thì trước đó phải biết nghi ngờ đúng cách”, và “Điều mà ngay cả thần linh cũng phải bó tay: đã lỡ làm rồi thì ân hận cũng đã muộn!”

Bùi Văn Nam Sơn

Chọn tập
Bình luận