Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Trò Chuyện Triết Học

Các Danh Tác Thời Phục Hưng

Tác giả: Bùi Văn Nam Sơn
Thể loại: Triết Học
Chọn tập

Nghệ thuật là bức tranh phản ánh tâm thức con người ở mỗi thời đại. Khi cao trào Phục hưng chưa diễn ra, nghệ thuật tạo hình ở Ý và châu Âu còn dựa vào mẫu mực của nghệ thuật Byzantine ở phía đông La Mã, chủ yếu ở dạng tượng khắc đức Kitô vinh quang hay đau khổ. Tượng khắc còn rất sơ sài, chưa thấy hình ảnh của con người tự nhiên. Hình ảnh thần linh còn bất động, thô cứng. Chưa thể có cảm giác không gian trong lối thể hiện hai chiều này. Nhưng, một cuộc cách mạng đang dần manh nha.

Từ tranh khắc đến tác phẩm hội hoạ

Những tranh tượng đầu thời Phục hưng của Cimabue, Duccio de Buoninsegna và Giotto – trong đó nổi tiếng nhất là tranh Đức Mẹ và các thiên thần (1280) của Cimabue – vẫn còn là sự sắp xếp các hình tượng một cách tĩnh tại, bất động. Nhưng, nhìn kỹ, ta thấy các đường nét đã bắt đầu mềm mại hơn, giống con người tự nhiên hơn và bớt dần tính chất khắc gỗ. Đã có sự biến động trong hội hoạ: tượng khắc đang chuyển mình thành hoạ phẩm. Tuy nhiên, nghệ thuật trong giai đoạn chuyển tiếp này vẫn còn lấy các sự kiện trong Kinh Thánh làm nguồn cảm hứng chủ đạo và được hiểu như cái đẹp được vật chất hoá để ngợi ca Thượng đế. Nghệ thuật chưa có không gian riêng của nó ở trong đời sống thế tục, vì giáo đường là nơi duy nhất để con người có thể gặp gỡ và chiêm ngưỡng nghệ thuật.

Vàng và không gian

Vào sơ kỳ Phục hưng (1400 – 1500), nghệ thuật tạo hình biến đổi sâu sắc, bắt đầu mang tính ba chiều hiện thực. Vàng được sử dụng rộng rãi như chất liệu trang trí mang lại vẻ óng ả, huy hoàng. Các không gian được hình thành. Phong cảnh được mô tả với sự chính xác theo kiểu chụp ảnh. Con người bắt đầu mô tả thời đại mình, và nhất là chính mình như là nhân vật trung tâm đầy kiêu hãnh. Florencia là trung tâm của những ý tưởng sáng tạo: Donatello với những tác phẩm tạo hình bậc thầy, gợi lại mẫu mực của La Mã cổ đại; nghệ thuật trang trí rực rỡ bằng vàng của Ghiberti nơi cổng giáo đường làm cho người dân Florencia choáng ngợp như được đứng trước… cổng thiên đàng!

Phát hiện phối cảnh trung tâm

“Tôi nhìn thấy thiên thần trong khối cẩm thạch và việc của tôi là giải thoát cho Ngài. Tôi sáng tạo bằng đầu chứ không bằng tay”

MICHELANGELO (1475 – 1564)

Brunelleschi (1377 – 1446) không chỉ chứng tỏ tài năng kỹ thuật bậc thầy trong việc hoàn tất các mái vòm của giáo đường mà còn là người có cống hiến tiên phong trong việc phát hiện luật viễn cận với phối cảnh trung tâm. Dựa vào phát hiện quan trọng này, Masacci Masaccio (1401 – 1428) thực hiện những công trình mang tính bước ngoặt thời đại. Vào giữa thế kỷ 15, khi người dân Florencia bước vào giáo đường Santa Maria Novella, họ không còn tin vào mắt mình nữa. Một bức bích hoạ khổng lồ mô tả cảnh đức Kitô bị đóng đinh. Khác hẳn với những hoạ phẩm trước nay, nhờ phối cảnh trung tâm mà mái vòm tưởng như chật chội đã tạo ra một không gian sâu thẳm; người xem có cảm tưởng như ai đó đã đục lõm bức tường! Phối cảnh trung tâm với không gian thống nhất, vô tận cũng là thành tựu của quang học: khách quan hoá cái chủ quan, chuyển không gian tâm sinh lý vào không gian toán học, nhưng đồng thời vẫn chủ quan hoá thế giới đối tượng, phù hợp với nhãn quan và điểm nhìn của người quan sát. Từ nay, sự vật được nghệ thuật diễn tả không còn tự tồn, trái lại, được tương đối hoá bởi phối cảnh; nghĩa là, chúng chỉ được diễn tả trong quan hệ với những vật thể khác và phụ thuộc vào chủ thể tri giác. Phát hiện có ý nghĩa lịch sử này sẽ bao hàm ý nghĩa nhận thức luận về quan hệ chủ thể – khách thể hay sự phụ thuộc của nhận thức vào các điều kiện chủ quan của người nhận thức sẽ được Descartes (1596 – 1650) nhấn mạnh một thế kỷ sau.

Người vẽ người

Bức Đức Mẹ và con thơ của Filippo Lippi (1406 – 1469) sống động như người thật. Nhưng người xem còn ngạc nhiên hơn khi nhận ra hình tượng người mẹ trong tranh ăn mặc… rất thời trang! Bà giống một phụ nữ Florencia lịch lãm đương thời hơn là một bà mẹ Do Thái từ thời cổ La Mã. Các ranh giới được xoá mờ. Bên cạnh đề tài Kinh Thánh truyền thống, đã đột ngột xuất hiện những hình tượng và con người của đời thường: sự ra đời của hội hoạ chân dung. Hoạ sĩ và nhà tạo hình đua nhau mang lại vẻ đẹp, sức sống, sự duyên dáng và tráng lệ cho những tác phẩm của mình: một bữa tiệc thịnh soạn cho giác quan! Tất nhiên, người ta chưa chạy theo thị hiếu tràn lan như ngày nay, bởi những danh tác ấy chỉ được trưng bày trong các giáo đường. Nhưng, một tâm thức mới trong thưởng ngoạn nghệ thuật đã được hình thành.

Thời hoàng kim của nghệ thuật

Đến nửa đầu thế kỷ 16 – thời hoàng kim của Phục hưng – các nghệ sĩ không chỉ là những người thợ thủ công tuyệt luân mà còn là những nghệ sĩ đích thực, có ý thức mãnh liệt về sứ mệnh sáng tạo của cá nhân mình. Một thế hệ của những tài năng đa dạng, của những “con người khổng lồ”. Michelangelo vừa là hoạ sĩ, nhà tạo hình, vừa là kiến trúc sư và nhà thơ. Leonardo da Vinci là hoạ sĩ, kỹ sư, nhà cơ thể học và nhà phát minh. Họ là những “ngôi sao” sáng chói, được biệt đãi và chỉ làm việc cho giới cai trị và giáo hoàng. Ở Roma, Bramante phác hoạ đại giáo đường thánh Phaolô. Leonardo da Vinci vẽ tranh

Tiệc ly và Mona Lisa. Raffael trang hoàng các đại sảnh của Vatican. Michelangelo sáng tạo những bích hoạ vô tiền khoáng hậu. Những tranh, tượng ấy có sức sống mãnh liệt chứ không phải là những khối đồng hay khối cẩm thạch vô hồn. Hãy thưởng thức hình tượng những thiếu nữ tuyệt sắc của Florencia dưới bàn tay tài hoa của Sandro Botticelli – được Medici ái mộ đặc biệt! – trong các kiệt tác như Mùa xuân và Sự ra đời của thần Vệ nữ. Hình ảnh thần Vệ nữ – nữ thần tình yêu của La Mã – được đẩy lên bờ từ một vỏ sò gợi cảm đến dường nào! Có lẽ cần dùng cả kính lúp mới cảm nhận hết sự tuyệt mỹ của từng góc cạnh chi tiết!

Bùi Văn Nam Sơn

Chọn tập
Bình luận