Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Trò Chuyện Triết Học

Con Cóc Trong Hang…

Tác giả: Bùi Văn Nam Sơn
Thể loại: Triết Học
Chọn tập

Mượn hình ảnh con cóc và cái hang, ta chỉ muốn nhớ lại thân phận tù túng và tầm nhìn thiển cận của mỗi người chúng ta như những tù nhân bị trói chặt, mắt chỉ được nhìn về một hướng trong dụ ngôn Hang động nổi tiếng của Platon ( Platon và việc thực hiện ý tưởng ). Francis Bacon dựa vào ẩn dụ này để bàn tiếp về nguồn gốc thứ hai gây nên những sai lầm của ta: ngẫu tượng Cái hang.

Từ trong hang tối

Bên cạnh việc quá tin vào giác quan như thói quen thuộc bản tính chung của loài người (ngẫu tượng Bộ lạc), ngẫu tượng Cái hang nói lên các đặc điểm và các chiến lược tư duy tiêu biểu của mỗi cá nhân. Chúng sẽ dẫn dắt ta đến chỗ phạm sai lầm do những nguyên nhân chủ quan. “Mỗi người chúng ta đều có một cái hang hay một sào huyệt của riêng mình” và tất nhiên, chỉ có thể nhìn sự vật từ tầm nhìn của… con ếch ngồi đáy giếng. Chính cấu trúc thể xác và tinh thần của ta – chịu ảnh hưởng của nguồn gốc xuất thân, của nền văn hoá, giáo dục và kinh nghiệm bản thân – sẽ “khúc xạ và xuyên tạc ánh sáng tự nhiên”. Tầm nhìn hạn hẹp ấy là bộ lọc cho tất cả những gì ta thấy, nghe, đọc hay trao đổi với người khác… Bacon nêu ra mấy biểu hiện chính yếu:

– Ta thích nhấn mạnh và đề cao quá mức những cách nhìn hay cách nghĩ nào trùng hợp với tri kiến thiển cận của mình. Ta đánh giá những tri thức của cá nhân mình cao hơn tri thức của người khác, từ đó, bám chặt vào những lý thuyết và hệ tư tưởng do chính mình tạo ra hay được mình xác tín. Tuỳ theo cấu tạo tinh thần của mỗi người, hoặc ta ưa tìm tòi và nhấn mạnh những điểm dị biệt trong sự vật hoặc chỉ thích tập trung vào những chỗ giống nhau. Cả hai thái độ thường dẫn đến sự cực đoan trong mọi việc phán đoán và đánh giá.

– Một mặt, ta dễ đánh mất mình trong những chi tiết, thấy cây không thấy rừng. Thái cực ngược lại là thấy rừng không thấy cây. Có người cực kỳ yêu chuộng và sùng bái những gì cổ xưa, truyền thống; có người lại chỉ ham thích cái mới, cái thời thượng. Ít có ai thực sự đạt được một sự cân bằng giữa hai cách tiếp cận khác nhau ấy. Hậu quả là những gì đã có cơ sở vững chắc sở dĩ bị từ khước chỉ vì chúng cũ và không mới: “ta đổ xô đi phát minh cái bánh xe!”. Ngược lại, cái mới thường bị nghi kỵ và phản bác chỉ vì nó… mới và không tương thích với lối nhìn cổ truyền và định kiến đã bám rễ quá sâu. Thật khó đi tìm cho được những gì có giá trị lâu bền, thay vì bám vào những quan niệm nhất thời!

– Chúng ta gắn bó với một ngành nghề, một học thuyết, một tín ngưỡng vì ta quá say mê vị tổ sư, nhà sáng lập và những thành tựu trong quá khứ của nó, cũng như vì ta đã dành gần trọn đời để theo đuổi, chịu bao gian khổ và đã quá quen thuộc với nó. Mang tâm trạng này đi vào các lĩnh vực có tính khái quát cao như triết học hay khoa học, người ta dễ bóp méo sự thật, gò ép thực tại cho phù hợp với sơ đồ tư duy của mình. Bacon nhìn thấy điều ấy đã xảy ra ngay cả với những nhà đại tư tưởng như Aristoteles: triết học tự nhiên của ông chỉ là… con sen cho logic học của ông. Ta nhớ đến nhận định khét tiếng của Hegel, một đại triết gia khác: nếu sự kiện không đúng với lý thuyết, thì đó là… lỗi của sự kiện!

Nếu sự thật hay ánh sáng chỉ có thể có ở bên ngoài cái hang – như cách nhìn của Platon – thì không lạ gì khi còn ở trong hang, ta ắt sẽ xem chúng là những gì vô nghĩa, hoặc nếu có bàn về chúng, ta chỉ bàn về những gì vô nghĩa. Từ mấy thế kỷ trước, cách đặt vấn đề của Bacon vô hình trung đã dự đoán được cao trào phê phán siêu hình học – được gọi là “tư duy hậu – siêu hình học” – từ cuối thế kỷ 19 và trong thế kỷ 20!

Con cóc ngồi đó…

Sự thật là cô dâu không trang điểm!

Francis Bacon

Một trở lực khác trên con đường đi tìm chân lý từ cái hang bé nhỏ của mình là quen nhầm tưởng ước mơ của mình là thực tại. Con tôi, món hàng của tôi, thành phố của tôi, đất nước tôi, nền văn hoá của tôi là… nhất! Xu hướng tự mãn đầy huyễn hoặc và đơn giản hoá này không hẳn do lười biếng. Ngay những người chăm chỉ, cần cù nhất cũng rất sợ nhìn vào sự thật, khi nó đe doạ làm sụp đổ ảo tưởng của mình. Yêu ảo tưởng nhưng luẩn quẩn, bất lực là cố tật của… con cóc trong hang: “con cóc nhảy ra, con cóc ngồi đó, con cóc nhảy đi…”

Nguy hiểm hơn cả, theo Bacon, là quá xem trọng kinh nghiệm bản thân. Một mặt, kinh nghiệm bản thân là quan trọng, vì không có gì thay thế được nó cả. Nhưng mặt khác, nó trở nên nguy hại khi ta dùng nó để tự bịt mắt mình và phê phán tất cả những gì bản thân mình chưa nếm trải. Kinh nghiệm bản thân là con dao hai lưỡi. Nó vừa giúp ta không ngây thơ trở thành nạn nhân của những huyền thoại, nhưng cũng cản trở không cho ta kịp thời nhận ra những chân trời mới, những giải pháp mới. Biết bao những “trò lập dị thời thượng” vốn bị chế nhạo hay khinh miệt lúc ban đầu rút cục đã trở thành những đôi hài bảy dặm mang lại những tiến bộ vượt bực trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Đi kèm với lợi quyền, kinh nghiệm bản thân hẹp hòi càng nguy hiểm và là lực cản ngoan cố nhất đối với sự tiến bộ. Bởi vì, trong trường hợp đó, dù mang chiếc kính màu hồng hay màu đen, kết quả vẫn là một: lấy thiên kiến chủ quan thay cho sự đánh giá khách quan, thủ tiêu mọi sự phê phán, đối thoại.

“Tư duy phản biện”

Các nhận xét thẳng thắn của Bacon là một bộ phận trong di sản quý báu góp phần hình thành môn học đang rất phổ biến đầu thế kỷ 21: môn tư duy phản biện (critical thinking). Nguyên tắc và mục đích của môn học này đã được Bacon nêu rõ: “Ta không được phép thu hẹp vũ trụ cho vừa vặn với ranh giới của năng lực hình dung của ta, như cách làm quen thuộc trước nay. Trái lại, ta phải mở rộng biên cương của tri thức để đủ sức nắm bắt được chân tướng của vũ trụ”.

Bùi Văn Nam Sơn 

Chọn tập
Bình luận