Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Trò Chuyện Triết Học

Đừng Tin Vào Ngẫu Tượng!

Tác giả: Bùi Văn Nam Sơn
Thể loại: Triết Học
Chọn tập

“Tri thức là sức mạnh!”: câu khẩu hiệu dứt khoát như tiếng kèn xung trận của nam tước Francis Bacon (1561 – 1626) đánh dấu bước ngoặt từ thời Trung cổ châu Âu sang thời hiện đại. Tri thức là hoa trái. Nhưng, muốn thu hoạch vụ mùa, trước hết phải vun xới mảnh đất trồng trọt, gạt hết sỏi đá, cỏ gai.

Gần 20 năm trước Luận văn về phương pháp (1637) của René Descartes, 70 năm trước Luận văn về sự hiểu biết của con người (1689) của John Locke, một thế kỷ rưỡi trước Phê phán lý tính thuần tuý (1781) của Immanuel Kant, Bacon đã đặt viên đá đầu tiên cho tư duy khoa học hiện đại với tác phẩm Công cụ mới (Novum Organum – 1620).

Bốn ngẫu tượng bắt tù binh

Tại sao đặt tên là Công cụ mới? Rõ ràng Francis Bacon muốn biên soạn một công trình để đối trọng với bộ Công cụ lừng danh suốt gần hai ngàn năm của Aristoteles. Bacon hoài nghi cả quyền uy tưởng như bất khả xâm phạm của Aristoteles, không còn tin vào logic học và triết học Aristoteles nữa, và muốn đặt một cơ sở mới mẻ cho việc thu hoạch tri thức thực sự vững chắc. Nhớ ơn bậc tiền bối, Immanuel Kant đã trân trọng trích dẫn một câu nói của Francis Bacon làm đề từ cho ấn bản lần thứ hai quyển Phê phán lý tính thuần tuý (1787) bất hủ của mình.

Bacon dành phần thứ nhất của Công cụ mới để làm công việc “dọn sạch mặt bằng”: vạch trần những nguyên nhân tâm lý gây ra lầm lẫn của con người. Những thái độ sai lầm – từ đó nảy sinh những lỗi tư duy – bị ông gọi là những ngẫu tượng (idole). Ngẫu tượng là một hình ảnh bám rễ rất sâu, chiếm lĩnh tinh thần con người, được tôn thờ nhưng lại không có thực chất nào cả và là những rào cản cho nhận thức. Ngẫu tượng là thần tượng giả mạo. Với cách đặt vấn đề như thế, Bacon không chỉ là người mở đầu cho thuyết duy nghiệm mà còn khai sinh môn tâm lý học hiện đại.

Trong “Cách ngôn” thứ 39 thuộc phần đầu của quyển sách, F. Bacon viết: “Có bốn loại ngẫu tượng bắt đầu óc ta làm tù binh…: loại thứ nhất là ngẫu tượng Bộ lạc, loại thứ hai là ngẫu tượng cái Hang, loại thứ ba là ngẫu tượng cái Chợ và loại thứ tư là ngẫu tượng Sân khấu ”. Ngẫu tượng Bộ lạc thuộc về bản tính chung của loài người. Ngẫu tượng cái Hang nảy sinh trong đầu óc cá nhân mỗi người. Loại thứ ba (cái Chợ) là những sai lầm liên quan đến ngôn ngữ, và loại thứ tư (Sân khấu) là do sự nguỵ biện và khiếm khuyết về học vấn. Ông dùng hình ảnh “sân khấu” với tấm màn nhung của nó như là một biểu trưng cho bao tấn trò đời. Không phải ngẫu nhiên khi cuối thế kỷ 19, người ta cứ nghĩ ông mới là tác giả đích thực của những vở kịch mang tên Shakespeare!

Ngẫu tượng Bộ lạc

Bacon xem đây là nguồn gốc chủ yếu của những sai lầm bắt nguồn từ… “phần cứng” của con người, tức những gì nằm trong bản tính tự nhiên và cấu trúc sinh học của loài người. Trước hết, những ấn tượng của giác quan cũng như những chiến lược tư duy của ta để xử lý những ấn tượng ấy thường không phản ánh đúng thực tại, mà chỉ phản ánh những thước đo chủ quan của chúng ta. Giống như một tấm gương kém chất lượng phản ánh méo mó thực tại, đầu óc ta trộn lẫn những điều bất cập của bản thân với những gì ta nhận biết được về bên ngoài. Hậu quả thứ nhất: ta thường có thói quen giản lược hoá mọi việc, ưa chuộng những sự phân loại hời hợt. Lý do là vì ta muốn nhận ra trật tự và quy luật ở khắp nơi, ngay cả khi chúng không thực sự tồn tại. Ảo tưởng này về trật tự và tính bền vững ngăn không cho ta nhận ra rằng nhiều sự vật và tình huống thực ra là duy nhất và độc đáo. Do đó, phản ứng của ta cũng hời hợt và bất túc. Khoa học đã phải trả giá nhiều cho căn bệnh này: chẳng hạn, ta cứ muốn đi tìm một cách giải thích đơn giản cho hầu hết mọi hiện tượng vật lý. Thuyết tương đối, cơ học lượng tử, thuyết hỗn độn… mới làm thay đổi lối nhìn này trong thời gian gần đây mà thôi.

Bắt đầu với sự xác tín, sẽ kết thúc ở sự hoài nghi. Bắt đầu với sự hoài nghi, sẽ kết thúc ở sự xác tín.

Francis Bacon

Hậu quả thứ hai: một khi đã chấp nhận quan điểm nào đó là đúng – do sở học hữu hạn hay do quan niệm phổ biến của một thời đại, ta chỉ muốn đi tìm những bằng chứng để bảo vệ quan điểm ấy, và sẵn sàng nhắm mắt trước những bằng chứng hay kinh nghiệm ngược lại. Rất nhiều những điều xác tín và cả mê tín trong nhận thức thường ngày của ta sẽ – bằng cách tinh vi hơn – thâm nhập nhận thức khoa học và thế giới quan của ta nữa. Nói khác đi, đầu óc con người ưa thích điều tích cực, ghét điều tiêu cực, hơn là dám nhìn thẳng vào sự thật, bởi luôn quên rằng cái tiêu cực, phủ định cũng hết sức cần thiết trong việc đi tìm sự thật.

Hậu quả nữa là khái quát hoá và trừu tượng hoá một cách vội vàng. Những ấn tượng mạnh hay những kinh nghiệm bản thân dễ dàng trở thành những kết luận chung và tiêu biểu: bị một ai đó lừa gạt hay xâm phạm, ta ác cảm một cách vô thức với tất cả những ai thuộc giới ấy! Quá tin vào những gì mắt thấy tai nghe, ta sẵn sàng phủ nhận sự tồn tại của những gì nằm ngoài phạm vi ấy: chính điều này đã làm chậm lại rất nhiều những phát kiến của khoa học như về vi trùng, các hiện tượng điện từ, hạt nhân v.v. Rõ ràng, việc thiếu dữ liệu thường nghiệm lúc ban đầu chưa nói lên được điều gì về sự tồn tại hay không tồn tại của sự vật.

Tình và lý

“Tình” nói ở đây là xúc cảm chủ quan. Đọc một quyển sách hay học một người thầy có ác cảm hoặc thiện cảm với một vấn đề gì, ấn tượng ấy có thể đeo bám ta suốt đời. Nó cũng là sự yếu đuối của bản thân trước những sự việc hay tình huống gay go, bởi việc đương đầu với chúng đòi hỏi quá nhiều nỗ lực và thử thách. Việc làm ấy có thể đe doạ làm sụp đổ ảo tưởng của ta, buộc ta phải thách thức và xung đột với những quyền uy đã được xác lập. Trong khi đó, thời hiện đại đối diện với nhiều vấn đề chưa từng có, đòi hỏi phải có những cách nhìn nhận và những giải pháp tỉnh táo, phi quy ước.

Bacon sẽ bàn tiếp về ngẫu tượng thứ hai: đừng tiếp tục đào hang cho chính mình!

Bùi Văn Nam Sơn

Chọn tập
Bình luận