Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Trò Chuyện Triết Học

Con Người Và Chính Trị Tiền – Hiện Đại

Tác giả: Bùi Văn Nam Sơn
Thể loại: Triết Học
Chọn tập

Từ chỗ các nhà nhân văn chủ nghĩa thời Phục hưng bắt đầu biết tôn vinh những đức hạnh của con người cá nhân và con người công dân cho đến quan niệm hiện đại về nhà nước như là việc định chế hoá nhân quyền và dân quyền, là một hành trình gian khổ qua nhiều bước trung gian trong quan niệm về con người.

Machiavelli (1469 – 1527), Thomas Hobbes (1588 – 1679) và John Locke (1632 – 1704) là ba gương mặt tiêu biểu của cuộc hành trình ấy.

Chính trị và đạo đức

Trong triết học chính trị của thời cổ đại Hy – La, các đường lối chính trị được rút ra từ các quy tắc trong hành vi của con người. Với cách nhìn ấy, chính trị chỉ là một phương diện trong đời sống con người, liên quan đến trách nhiệm của cá nhân đối với cộng đồng. Một lập trường ngược lại cho rằng chính trị là sự vận hành của nhà nước vượt ra khỏi mọi thước đo cá nhân. Petrarca – mở màn thời Phục hưng ( Phục hưng: trỗi dậy như phượng hoàng ) – tiếp thu lập trường cổ đại này và đòi hỏi rằng mọi hoạt động văn hoá phải góp phần cải thiện nền tảng đạo đức cho cá nhân. Vì thế, đối với chủ nghĩa nhân văn sơ kỳ, đạo đức học là môn học dẫn đạo và chi phối cả lĩnh vực chính trị. Các đô thị – quốc gia như Florencia – cái nôi của Phục hưng – xem hạnh phúc của từng cá nhân công dân là mục tiêu đích thực của hoạt động chính trị, xem kẻ thù là những kẻ bại hoại về luân lý.

Tác phẩm Machiavelli (bản dịch tiếng Anh năm 1680).

Thời trung cổ cũng có hai cách lập luận khác nhau về cơ sở của luân lý. Thomas Aquino xem con người là vật thụ tạo, vì thế phải phục tùng luật lệ thiêng liêng của thượng đế. Những luật lệ vừa thiêng liêng vừa có tính tự nhiên phổ quát ấy là những nhân quyền. Chúng không chỉ phù hợp với lợi ích của từng cá nhân mà còn xuất phát từ định nghĩa tự nhiên về con người. Wilhelm von Ockham (1285 – 1347), ngược lại, phủ nhận những giá trị phổ quát ấy và chỉ rút quyền tự nhiên ra từ ý chí cá nhân mà thôi. Hai lập trường khác nhau ấy sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến các học thuyết chính trị của thời Phục hưng và Barock.

Quân vương

Nhà lý thuyết chính trị khét tiếng cho lập trường sau là Niccolo Machiavelli. Với tác phẩm Quân vương thời danh (soạn năm 1513, in năm 1532 sau khi ông mất), Machiavelli tiếp tục loại sách “giáo huấn” cho kẻ cầm quyền. Nhưng, ông đoạn tuyệt với nội dung truyền thống của nó. Thay vì nhấn mạnh nguồn gốc thiêng liêng của quyền tự nhiên và xem nhà cầm quyền là kẻ có trách nhiệm đạo đức đối với nhà nước và công dân, Machiavelli chỉ quan tâm đến một vế: duy trì và vận hành nhà nước, và, với nhà cầm quyền, điều này chỉ có nghĩa: quyền lực. Lý lẽ của ông: con người chỉ biết đến hai phương hướng hành động, đó là ý chí riêng của cá nhân và quyền lực trên người khác, nên kẻ cầm quyền phải tận dụng quyền lực của mình. Để thực hiện điều ấy, kẻ cầm quyền không từ bất kỳ một thủ đoạn nào: bạo lực, mưu kế quỷ quyệt, mua chuộc và lừa đảo, và nếu cần, sử dụng mọi công cụ mị dân, kể cả tôn giáo. Vì lẽ chỉ có hai sức mạnh quy định bài toán quyền lực của kẻ cầm quyền, đó là năng lực và thời cơ, nên nghệ thuật cầm quyền là phải biết vận dụng khéo léo hai sức mạnh ấy.

Câu hỏi lớn về quyền lực là: ai được phép có nó?

John Locke (1632 – 1704)

Machiavelli không xem cái ác như là hậu quả của “tội tổ tông” theo nghĩa thần học mà như là hằng số của lịch sử nhân loại, do đó, để giành và giữ quyền lực, kẻ cầm quyền phải hướng theo tính ác chứ không phải tính thiện của con người! Thần tượng của ông, vì thế, là tên bạo chúa Cesare Borgia ở vùng Bắc Ý. Machiavelli có lối phân tích tỉnh táo đến lạnh lùng và có công xây dựng phương pháp diễn dịch – thường nghiệm trong phân tích chính trị. Nhưng, bản thân chế độ hung bạo của Borgia cũng nhanh chóng sụp đổ, và nhiều tiếng nói “phản Machiavelli” đã cất lên đến tận thế kỷ 18, ngay cả nơi một “quân vương” lừng danh: Friedrich Đại đế (1712 – 1786). “Chủ nghĩa Machiavelli” nhanh chóng đồng nghĩa với chủ nghĩa bá đạo trong chính trị, tiêu biểu cho một thời kỳ còn mông muội trong chính trị và mê muội trong quyền lực.

Leviathan

Tác phẩm Leviathan của Thomas Hobbes.

Từ những chỉ dẫn thực dụng cho việc cầm quyền, một khái niệm mới cho lý thuyết chính trị vô hình trung đã hình thành: lợi ích thuộc “chủ quyền” của nhà nước trong đối nội và đối ngoại. Thomas Hobbes (1588 – 1679) phát triển quan niệm ấy về “chủ quyền”, xem đó là nơi được người công dân uỷ quyền vì chính những lợi ích của mình. Hobbes phác hoạ một triết học toàn diện gồm ba phần: thân thể, con người, người công dân. Ông mở rộng phần thứ ba này thành quyển Leviathan nổi tiếng (1651). Dựa vào câu cách ngôn cổ đại: “Người là thần linh với người” (theo nghĩa ở đâu có sự tương trợ thì có mặt Thượng đế ở đó), ông đảo ngược lại: “Người là chó sói với người!” Nó không chỉ nói lên sự ích kỷ của con người mà cả tình trạng tệ hại của “cuộc chiến tranh của tất cả chống lại tất cả”.

Theo Hobbes, đó chính là “trạng thái tự nhiên” vô – chính phủ, chưa được điều tiết, khiến mạng sống và những quyền lợi chính đáng của mỗi cá nhân thường trực bị đe doạ. Vậy, theo ông, chính lý trí của con người – chứ không phải những lý tưởng mơ hồ về điều chân hay điều thiện – đã buộc con người phải thoát ra khỏi trạng thái tự nhiên bằng cách thiết lập và gìn giữ nền hoà bình với mọi người khác thông qua hình thức khế ước, uỷ quyền cho một nhà nước mạnh theo hình ảnh con thuỷ quái Leviathan trong truyền thuyết.

Tự do: con đường phía trước

Với Machiavelli và Hobbes, hình dung về sự tự do nơi các nhà nhân văn chủ nghĩa thời Phục hưng đã nhuốm màu yếm thế. Tự do bây giờ đồng nghĩa với trạng thái tự nhiên vô tổ chức mà con người phải khắc phục. Tất cả – kể cả tôn giáo, triết học, khoa học – đều bị giáng cấp, trở thành phương tiện bảo vệ quyền lực, trật tự và sự ổn định. Lý tưởng hạnh phúc cá nhân – được sống hài hoà trong gia đình và cộng đồng – của các nhà nhân văn trước đây không còn nữa. Thay vào đó, nơi Machiavelli, là kẻ thống trị và những thần dân chỉ biết tuân phục. Nơi Hobbes, nhà nước trở thành chỗ dựa cho chiến lược sống còn của con người. Tuy nhiên, các vương quốc của châu Âu thời cận đại sơ kỳ này đang tiến lên con đường trở thành những nhà nước dân tộc. Tiến trình này tất yếu vượt qua những quan niệm chính trị còn thô lậu, mở ra viễn tượng mới của một nhà lý thuyết chính trị sẽ gây dấu ấn bất hủ lên thời cận và hiện đại, qua các tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền, nền tảng cho hai bản hiến pháp của nước Pháp và Mỹ: John Locke.

Bùi Văn Nam Sơn

Chọn tập
Bình luận