Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Trò Chuyện Triết Học

Con Người Tự Nhiên Văn Hoá

Tác giả: Bùi Văn Nam Sơn
Thể loại: Triết Học
Chọn tập

Hiếm có mối quan hệ nào lớn lao, phức tạp và thiết thân như quan hệ giữa con người, tự nhiên và văn hoá (theo nghĩa rộng, bao hàm cả xã hội). Nhưng, khi ba từ này được cố ý viết liền nhau không cần dấu gạch nối, càng không có các dấu phẩy, mối quan hệ này thể hiện một tư duy mới mẻ vào đầu thế kỷ 21, tiếp nối và phát triển cách Martin Heidegger đặt nhan đề độc đáo cho bài viết nổi tiếng của mình từ năm 1951: Xây ở suy tư.

Vượt qua sự phân ly

“Xây” là nương tựa vào cảnh quan tự nhiên, sử dụng vật liệu của tự nhiên để tạo nên nơi cư trú của con người. “Ở” là hành vi văn hoá, nơi đó con người sinh tồn và “suy tư” về thân phận làm người trong mối tương liên với tự nhiên, với đồ vật, với người khác và với cái siêu linh. Xây ở suy tư, dưới mắt Heidegger, là mối quan hệ liền mạch, không có sự phân ly và cũng không cần nối kết giả tạo. Thật ra, nhận thức mới mẻ này về quan hệ giữa con người, tự nhiên và văn hoá (xã hội) chỉ có thể đến sau thời kỳ phân ly dài dằng dặc trong lịch sử giữa con người với tự nhiên, giữa tự nhiên và văn hoá.

Cuộc cách mạng thời đại đá mới với sự định cư của xã hội du mục cùng những tiến bộ bước đầu trong kỹ thuật sử dụng và khai thác đất đai đã mang lại những hậu quả cực kỳ to lớn cho sự tiến hoá xã hội. Một mặt, đó là sự phân đôi cái thế giới thống nhất của những người săn bắn lượm thành tự nhiên và văn hoá. Lần đầu tiên trong lịch sử, con người có thể can thiệp vào cơ chế vận hành của tự nhiên, và tự nhiên trở thành đối tượng thụ động, mất dần ánh hào quang thần bí và ma thuật. Mặt khác, cuộc cách mạng đá mới tạo cơ sở ban đầu cho cuộc cách mạng đô thị hoá về sau. Trong không gian thuần lý và trừu tượng của nền kinh tế đô thị dựa vào hàng hoá và tiền tệ, một lề lối tư duy và hành động mới mẻ đã hình thành, thúc đẩy nhanh chóng hơn nữa quá trình công cụ hoá tự nhiên, xem tự nhiên chủ yếu là kho dự trữ và cung ứng nguyên liệu.

Thế giới đã bắt đầu không có con người và có thể sẽ kết thúc không có con người.

Claude Lévi – Strauss

Chính cuộc cách mạng công nghiệp mới thực sự làm tan rã mối quan hệ giữa đô thị (trung tâm) và nông thôn (ngoại vi), giữa văn hoá và tự nhiên. Quang cảnh tự nhiên ngày càng nhường chỗ cho khung cảnh nhân tạo với quá trình đô thị hoá được tăng tốc. Hơn 6,3 tỉ người đang sống chen chúc trên trái đất với nguồn tài nguyên hữu hạn, lò lửa xung đột và đối kháng sôi sục trong lòng người, trong từng địa phương và trên toàn cầu đang đặt ra cho con người thế kỷ 21 câu hỏi bức thiết: có thể tiếp tục chịu đựng nổi một sự phân ly giữa con người, tự nhiên và văn hoá, hay có thể có một bước ngoặt trong tư tưởng và hành động? Nếu sự phân ly văn hoá – tự nhiên đã là một thành tựu văn hoá lớn lao trong quá khứ, thì nỗ lực vượt bỏ sự phân ly ấy sẽ là một vấn đề sống còn.

Tam giác tích hợp

Khoa học về mối quan hệ giữa con người, tự nhiên và văn hoá (xã hội) cũng đi theo quá trình hình thành, phân ly và tích hợp. Khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và khoa học nhân văn là ba cách tiếp cận quen thuộc đối với mối quan hệ này. Tuy nhiên, do đã được định hình từ rất lâu về phương pháp và đối tượng nghiên cứu, nên sự hợp tác liên ngành, nếu có, cũng rất khó thực hiện và thường dễ rơi vào các thái cực hay phiến diện:

– Cách tiếp cận sinh thái – xã hội quá tập trung vào mối quan hệ giữa xã hội (văn hoá) và tự nhiên, xem nhẹ mối quan hệ giữa con người và tự nhiên, không tích hợp được các khái niệm và các vấn đề của khoa học nhân văn.

– Cách tiếp cận sinh thái – nhân văn lại quá tập trung vào mối quan hệ giữa con người và tự nhiên, xem nhẹ các phân tích khoa học tự nhiên và khoa học xã hội về tác động qua lại giữa xã hội và tự nhiên. Cả hai cách tiếp cận đều không đủ độ phức hợp. Để vượt ra khỏi tính phiến diện của nghiên cứu chuyên ngành và cả tính thiên lệch của nghiên cứu liên ngành, nhiều nỗ lực lý thuyết đang được tiến hành sôi động ở nhiều nước. Thành quả đầu tiên là phác hoạ một chiến lược nghiên cứu về tam giác tích hợp: con người, tự nhiên và văn hoá (xã hội) bằng cách mở rộng khái niệm sinh thái học – xã hội thành sinh thái học – xã hội – nhân văn. Sự tích hợp ấy phải mang nhiều chiều kích: vật lý tự nhiên, công nghệ xã hội, giao tiếp truyền thông, giá trị và ý nghĩa cuộc sống. Chỉ trên cơ sở ấy mới tạo ra được sự chuyển biến trong thực tế: những sáng kiến hành động có hiệu quả hơn và có ý nghĩa hơn.

Trang dạy về hội hoạ

“MeNuK” trên quê hương Hegel

Kỳ cùng, chỉ có thể hy vọng ở một sự chuyển biến bằng con đường giáo dục bền bỉ và lâu dài. Và cần bắt đầu từ chỗ bắt đầu: học sinh cấp một! Thật thú vị khi biết rằng trên quê hương Hegel, tiểu bang Baden-Württemberg, CHLB Đức (các tiểu bang của nước Đức có quyền tự trị về giáo dục), từ năm học 2004 – 2005, người ta đã thay thế chương trình giáo dục (1994) theo kiểu truyền thống vốn đặt trọng tâm vào nội dung các môn học bằng một thước đo khác: các năng lực tích hợp của học sinh. Thay vì điều khiển chương trình bằng đầu vào, người ta quan tâm đến đầu ra. Thay vì chỉ đánh giá duy nhất ở kiến thức, người ta nhìn nhận học sinh ở nhân cách toàn diện của nó. Năng lực tư duy và hành động có phương pháp, tính cách và lối hành xử có giá trị ngang bằng với kiến thức chuyên môn. Thay vì phân loại học sinh bằng điểm số vô hồn, thầy cô giáo chịu khó nhận định và góp ý cặn kẽ bằng văn bản về năng lực và tính cách của từng học sinh.

Lý lẽ thật đơn giản: những thắc mắc, tò mò của tuổi ấu thơ luôn có tính tích hợp, chưa có sự phân ly! Chúng đặt câu hỏi đồng thời về mọi thứ: con người, tự nhiên, xã hội (văn hoá). Vậy, hãy tích hợp một số môn học thành một môn học tổng thể, gọi tắt là “MeNuK” (con người – Mensch; tự nhiên – Natur và văn hoá – Kultur). Xem giáo trình các lớp 1 – 4 và kế hoạch giảng dạy về “MeNuK”, ta không khỏi thấy thích thú: học sinh không… học mà sống với âm nhạc, kịch nghệ, thủ công, triết học, thí nghiệm khoa học, du thám dã ngoại… như là những phương cách đến với thiên nhiên nguyên sơ và cuộc đời đa dạng, nhằm vun bồi óc tò mò, ý thức trách nhiệm và lòng thương yêu.

Chúng ta sẽ thử lần lượt tiếp cận với cái kiềng ba chân “MeNuK” này từ tuần sau, bắt đầu với “chân” đầu tiên: con người.

Bùi Văn Nam Sơn

Chọn tập
Bình luận