Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Trò Chuyện Triết Học

Từ Tiếng Hát Nhân Ngư

Tác giả: Bùi Văn Nam Sơn
Thể loại: Triết Học
Chọn tập

Odysseus – trong trường ca Odyssee của Homer – là người đầu tiên biết cách đề phòng tiếng hát mê hồn mà chết chóc của các mỹ nhân ngư. Chàng ra lệnh cho thuỷ thủ bịt tai bằng sáp ong, còn mình thì tự trói vào cột buồm để chỉ nghe mà không bị hại. Tiếng hát quyến rũ đã bị vô hiệu hoá, trở thành đối tượng đơn thuần của sự thưởng ngoạn. Nghệ thuật và khoa học ra đời từ câu chuyện đầy tính ẩn dụ ấy.

Chia tay thần thoại

Trong thế giới quan thần thoại, thần linh còn đồng nhất với quyền năng, có thể trực tiếp ban phúc giáng hoạ. Odysseus là biểu tượng của con người đầu tiên được khai minh, vì chàng biết kiềm chế mình một cách khôn ngoan. Chủ thể tự giải phóng khi biết giữ một khoảng cách: tiếng hát nhân ngư trở thành đối tượng vô hại như một buổi biểu diễn âm nhạc trên sân khấu! Odysseus chỉ có thể biến tiếng hát thành đối tượng, khi bản thân chàng cũng đối xử với mình như một đối tượng: tự trói vào cột buồm như một sự tự kiềm chế dục vọng. Chính việc giữ khoảng cách với thực tại và sự đè nén dục vọng là khởi đầu của lịch sử văn minh, nói như Sigmund Freud! Đồng thời, khi Odysseus tự kiềm chế mình, chàng trở thành chủ thể và những mỹ nhân ngư trở thành đối tượng. Sự phân biệt giữa khai minh và thần thoại tự nó đã là sản phẩm của sự khai minh, vì đó là kết quả của sự du nhập một sự phân biệt. Thay vì chỉ biết sùng bái và cầu khẩn thần linh như hiện thân cho uy lực của thiên nhiên, con người bắt đầu biết dùng sức mạnh của ngôn ngữ (thần chú) và cử chỉ (nghi lễ) để “buộc” thần linh phải đáp ứng những ý nguyện của con người. Hình thức tín ngưỡng sơ khai nhưng với sự chính xác và kiên nhẫn cao độ ấy nói lên bước ngoặt của một ý thức “khoa học – công nghệ”. Bên cạnh đó, việc thờ cúng bằng vật hiến tế ở thời cổ đại cũng là một trong những bước đầu tiên trong sự phát triển này, bởi con vật hiến sinh đảm nhận vai trò của vật thay thế: con người biết giải phóng mình khỏi những cưỡng chế của tự nhiên, xác lập mình thành chủ thể một cách thông minh và biến thế giới khách quan thành đối tượng có thể đánh lừa được: “Việc thay thế bằng vật hiến sinh là một bước tiến đến tư duy lôgíc suy lý” (Adorno/Horkheimer). Từ khi chủ thể được khai minh vì biết sử dụng ký hiệu (thần chú, nghi lễ, vật hiến sinh…), thì thế giới bắt đầu tách biệt với con người, và lý tính khoa học xuất hiện với mọi hệ quả tích cực lẫn tiêu cực của nó.

Khoa học như một vấn đề sinh tồn

Khoa học ra đời khi người ta không còn vừa lòng với những câu chuyện kể, cho dù có đầu có đuôi như trong những thần thoại nữa. Lối tư duy tự sự ấy được thay thế dần bằng câu hỏi “tại sao?” và cứ tiếp tục được tra hỏi như thế một cách có hệ thống và phương pháp. Nền văn hoá thuần lý hình thành từ những câu trả lời có cơ sở và có quan hệ chặt chẽ với nhau. Hình học, số học, thiên văn học và triết học tự nhiên, lôgíc học và y học lần lượt ra đời như những ngành khoa học đầu tiên của nhân loại, và nghiễm nhiên được xem như là những tri thức vững chắc nhất của thời đại bấy giờ.

Khi tri thức ấy không chỉ nhằm thoả mãn sự tò mò vô vị lợi về lý thuyết mà còn tìm được chỗ ứng dụng, thì thế giới cuộc sống của chúng ta ngày càng bị chi phối mạnh mẽ bởi sự tiến bộ của khoa học – công nghệ. Khoa học ngày nay thâm nhập toàn diện vào các lĩnh vực đời sống:

– Khoa học tạo nên “những điều kiện khả thể” cho hành động của chúng ta. Bên cạnh việc mở rộng tầm nhìn và đào sâu sự quan sát, khoa học mang lại phương tiện công nghệ để giải quyết vô số vấn đề của cuộc sống. Ngày nay, khoa học không chỉ là loại lý tính công cụ chuyên đi tìm phương tiện để thực hiện những mục đích nhất định, mà còn đề ra những mục tiêu cần vươn tới, đôi khi vượt khỏi sức tưởng tượng của các giấc mơ “khoa học giả tưởng”.

Con gà – bằng “suy luận quy nạp khoa học” – hớn hở chờ đợi nắm thóc như mọi lần. Nhưng rồi chính kẻ vẫn thường cho nó ăn sẽ vặn cổ nó một ngày nào đó. Kết luận: nhìn thế giới một cách đa dạng sẽ có lợi hơn cho con gà!

Bertrand Russell (1872-1970), triết gia Anh

– Trong rất nhiều trường hợp, khoa học dường như đã chiếm giữ chức năng và quyền uy trước đây được dành cho tôn giáo. Thẩm quyền phân xử về việc đúng sai ngày càng được phân biệt rõ rệt: quan hệ hiện thực giữa người với người được giải quyết bằng những định chế pháp lý; quan hệ giữa con người với lương tâm thuộc thẩm quyền của luân lý và tín ngưỡng, trong khi quan hệ giữa con người và tự nhiên chỉ có thể thông qua các định chế khoa học của những “hội đồng khoa học”, “hội đồng chuyên gia”. Đó cũng là một trong những tiêu chuẩn để phân biệt xã hội hiện đại với xã hội tiền-hiện đại.

– Khoa học đã cải biến triệt để cái nhìn của ta về thế giới. Thế giới quan thần bí và ma thuật trước đây vẫn tồn tại, và, trong chừng mực nào đó, vẫn có quyền tiếp tục tồn tại trong tinh thần tôn trọng tính đa nguyên về thế giới quan, nhưng chắc hẳn ngày nay không ai còn có thể khư khư cho rằng… trái đất hình vuông!

– Khoa học thắp sáng bao niềm hy vọng, nhưng cũng đồng thời gợi lên nhiều nỗi lo âu và sợ hãi trước những hiểm nguy có thật hay tưởng tượng do nó mang lại, kể cả sự huỷ diệt điều kiện sinh tồn của con người. Vấn đề này chưa được đặt ra vào thế kỷ 18 và 19, vì bấy giờ sự tiến bộ của khoa học được hiểu như là đồng nhất với sự tiến bộ của nhân loại. Tư tưởng chủ đạo trước đây là: càng có tri thức sâu sắc về những hậu quả của hành động sẽ giúp ta tránh được những hành động mang lại những hậu quả mà ta không mong muốn. Thế nhưng, hai cuộc thế chiến và nguy cơ chiến tranh thường trực hiện nay trên thế giới đã phá huỷ ảo tưởng ấy. Thay vì nhầm tưởng rằng tiến bộ khoa học sẽ gắn liền với sự tiến bộ về luân lý như trong phần lớn các hệ tư tưởng thế kỷ 19, ngày nay người ta thực sự lo sợ trước những hậu quả khôn lường của việc lạm dụng khoa học một cách mù quáng. Câu hỏi về vận mệnh của khoa học không phát xuất từ một sự phân tích lạnh lùng những dữ kiện khách quan hoặc từ một thái độ yếm thế, trái lại, nảy sinh tất yếu từ nhu cầu sinh tồn đích thực của con người thời đại.

Câu hỏi về cương vị và tính chính đáng của khoa học đang được đặt ra một cách khác hẳn so với thế kỷ trước, do đó, khoa học luận nhất thiết sẽ trở thành triết học về khoa học.

Bùi Văn Nam Sơn

Chọn tập
Bình luận
720
× sticky