Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Trò Chuyện Triết Học

Con Người: Sinh Vật Biết Hành Động!

Tác giả: Bùi Văn Nam Sơn
Thể loại: Triết Học
Chọn tập

“Con người là thước đo của vạn vật” – nhận định ấy đã xác lập nên môn nhân học. “Thước đo ấy không ở nơi con người mà phải tìm ở một thế giới lý tưởng, vượt lên trên con người” – quan điểm trái ngược này nâng cao kích thước triết học của vấn đề. “Hãy đưa thế giới lý tưởng ấy xuống đất để con người hành động hợp đạo lý”– lập trường dung hoà này mở đường cho môn nhân học triết học.

Có thể nói, ba cách tiếp cận ấy – từ thời cổ đại Hy Lạp! – đã xây dựng nên cái khung lý thuyết ban đầu cho mọi tra vấn về con người.

“Con người là thước đo của vạn vật”

Chia tay với thế giới thần thoại và thần linh của Homer và Hesiod, con người cổ đại Hy Lạp chợt thấy mình độc đáo và quan trọng quá! Câu nói nổi tiếng trên đây của Protagoras (490 – 420 tr. CN) thuộc phái biện sĩ (Sophists) không chỉ muốn nói đến tính tương đối của nhận thức con người trước muôn vàn biến dịch, mà còn xuất phát từ nhận định rằng những nền văn hoá của con người thể hiện trong những phong tục, tập quán đa dạng đều bình đẳng với nhau. Vì lẽ những nền văn hoá khác nhau không phải do tự nhiên mang lại, mà đều là sản phẩm của con người, nên về nguyên tắc, không có ưu thế độc quyền dành cho nền văn hoá nào cả, và nhất là, chúng đều có thể được mang ra phê phán, xem xét, đặt lại vấn đề.

Sự phân biệt quan trọng giữa tự nhiên và văn hoá ấy, ngoài ý nghĩa phê phán văn hoá, còn có ý nghĩa phê phán siêu hình học nữa. Nếu các thế hệ triết gia đầu tiên – được gọi là các triết gia trước Socrates – luôn phân biệt giữa hiện tượng và bản chất, tức giữa những gì do tri giác mang lại với những gì do tư duy thuần tuý khám phá, thì các nhà biện sĩ phản đối việc đi tìm một thế giới nằm đằng sau thế giới hiện có. Bởi, với họ, thế giới chỉ là những gì mà ta – với tư cách con người hành động – đã tạo ra, và mọi nhận thức chỉ có ý nghĩa đối với con người hành động. Khi bảo rằng “con người là thước đo của vạn vật”, Protagoras không muốn nói đến con người nói chung hay con người cá biệt nhưng trừu tượng nào đó mà nói đến con người sống trong hoàn cảnh cụ thể. Hoàn cảnh sống này mang đậm dấu ấn của những quy định xã hội và công luận. Đó là lý do phái biện sĩ đặc biệt quan tâm đến nghệ thuật tu từ và tranh biện để giúp con người giành phần thắng trong việc bảo vệ các lợi ích của mình.

Mô thức lý tưởng mới là thước đo của vạn vật!

Phẩm giá con người không ở những vinh dự đã nhận được, mà ở chỗ biết rằng mình thực sự xứng đáng với chúng.

Aristoteles (384 – 322 tr. CN)

Socrates (469 – 399 tr. CN) cũng tập trung sự quan tâm của triết học vào con người và thế giới con người, nhưng chủ yếu ở phương diện đạo đức. Muốn thế, phải đặt định hướng cuộc sống của con người trên một cơ sở hoàn toàn mới mẻ: một lối sống được định hướng bởi lý trí. Đó phải là một lý lẽ phổ quát về cuộc sống thiện hảo cho tất cả mọi người. Mẫu mực phổ quát ấy nhằm vượt qua tương đối luận của phái biện sĩ về đạo đức và văn hoá. Thế nhưng, nếu với phái biện sĩ, con người là “điểm sáng” văn hoá trong tất cả sự triển khai phong phú của nó, thì với Socrates, con người chỉ được nhấn mạnh ở một phương diện: nhận biết và, từ đó, làm theo điều thiện phổ quát.

Trong khi đào sâu một lĩnh vực, Socrates không khỏi đánh mất đi cái nhìn toàn diện về con người. Nhân học bị quy thành đạo đức học. Cũng thế, môn đệ của ông, Platon, giúp ta có cái nhìn sâu sắc hơn về vấn đề nhận thức. Nhưng, học thuyết Platon lại dẫn đến sự phân đôi giữa một bên là thế giới bất biến của những mô thức lý tưởng và bên kia là thế giới hiện tượng luôn thay đổi. Nếu phái biện sĩ xem con người là sự thống nhất giữa thể xác và linh hồn thì nơi Platon, con người được xem xét và ca tụng chủ yếu ở phương diện linh hồn. Giống như Socrates (đối thoại Charmides), Platon lý giải câu châm ngôn nổi tiếng ở đền thờ Delphi: “Hãy tự biết mình” không theo nghĩa nhân học của việc lấy chính mình làm đối tượng mà theo nghĩa “tự nhận thức” dựa theo thước đo của ý niệm vĩnh hằng về cái thiện. Ta cũng nhớ đến ác cảm của Platon đối với nghệ thuật (ông muốn đuổi hết nghệ sĩ ra khỏi vương quốc lý tưởng của ông!) bởi nghệ thuật hoạt động trong thế giới ảo ảnh của giác quan, có thể lừa dối và quyến rũ con người xa rời các mô thức lý tưởng! Một khi triết học chỉ hướng đến những ý niệm thường hằng, bất biến, nó khó mà không đánh mất sự cởi mở và sáng tạo rất đậm nét trong nhân học của phái biện sĩ.

Như thế, ngay từ khởi nguyên, triết học cổ đại vướng vào một nghịch lý biện chứng: tư duy nhân học của phái biện sĩ thật linh hoạt nhưng không đủ độ sâu về cơ sở triết học và phương pháp, trong khi toà nhà tư tưởng đồ sộ của Socrates và Platon thúc đẩy tư duy triết học tiến lên một bước lớn, nhưng thụt lùi trong việc thấu hiểu con người.

Đem trời xuống trồng dưới đất

Cống hiến lớn của Aristoteles (384 – 322 tr. CN) là mở ra con đường trung dung giữa tính tương đối của phái biện sĩ và xu hướng tuyệt đối hoá của phái Platon về cái thiện. Con người thực hiện tính người của mình không phải ở chỗ nhận thức cái Thiện hay cái Một tự thân nào đó mà ở chỗ suy nghĩ về điều thiện cho toàn bộ cuộc sống của mình ngay trong cuộc sống cộng đồng với người khác, và, quan trọng hơn hết, thực sự bắt tay làm điều thiện ấy. Đời sống tốt đẹp không phải là mục tiêu nhất thành bất biến, trái lại, thường xuyên phải được suy tính theo từng trường hợp, từng hoàn cảnh, tương ứng với mức độ “đức hạnh” của con người. Không phải cứ là bậc hiền triết thì đương nhiên là thiện, và ngược lại, không đợi biết điều thiện mới có thể hành động hợp đạo lý. Lý lẽ ấy được Aristoteles xây dựng trên một sự phân biệt hết sức quan trọng: nơi con người, bên cạnh năng lực nhận thức lý thuyết (episteme) và năng lực lao động tác tạo (poiesis) cũng như kỹ năng công nghệ (technai), con người còn có năng lực hành động (phronesis) đạo lý. Năng lực hành động (đạo lý) có vị trí độc lập của nó, và, cùng với hai năng lực kia, con người mới thực sự sống hết mọi kích thước của đời người: trước hết, như một sinh vật có lý trí và ngôn ngữ, rồi như một sinh vật chính trị trong đời sống xã hội, trước khi vươn đến một đời sống siêu linh, thánh thiện.

Năng lực hành động nơi Aristoteles, nói theo ngôn ngữ ngày nay, chính là sự dấn thân để khẳng định quyền hạn và nghĩa vụ làm người: “Chúng ta chỉ trở nên công chính khi hành động công chính; chúng ta chỉ trở nên dũng cảm khi hành động dũng cảm”.

Bùi Văn Nam Sơn

Chọn tập
Bình luận