Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Trò Chuyện Triết Học

Con Người: Giữa Hai Thế Giới

Tác giả: Bùi Văn Nam Sơn
Thể loại: Triết Học
Chọn tập

Thông qua giáo dục và đào luyện (paideia) để làm “con người đích thực”, đó là di sản lớn lao của tư tưởng Hy Lạp. Dũng cảm bắt tay vào việc để thấu hiểu mặt mạnh lẫn mặt yếu của con người, đó là tinh thần La Mã. Khẩu hiệu “Hãy dám biết!” (Sapere aude!) của tinh thần này sẽ hồi sinh ở thời Cận đại, sau một chặng đường dài của thời Trung cổ và Phục hưng.

“Tôi là con người”…

Nếu tư tưởng Hy Lạp nổi tiếng với từ paideia (giáo dục, đào luyện) thì văn minh La Mã lừng danh với từ humanitas (nhân văn). Không còn đơn thuần hướng theo những mẫu mực lý tưởng như là “thước đo của vạn vật” trong paideia của Hy Lạp, cũng chưa phải là sự thần thánh hoá con người như trong thời Phục hưng sau này, “nhân văn” trong tinh thần La Mã là sự hoà quyện giữa lý tưởng và thực tế. Sự gay gắt của cuộc sống đô thị trong lòng một đế chế khổng lồ đòi hỏi phải được làm cho vơi đi bằng một thái độ sống tỉnh táo, hài hước, thậm chí, trần tục! Ta tìm thấy những “hình mẫu” như thế trong các lá thư của Cicero, trong các bài thơ của Catull, Tibull, Ovid hay trong các mẫu chuyện châm biếm của Horace.

Không chỉ cái cao cả mà cả cái tầm thường, thấp hèn cũng thuộc về con người và làm nên “tính người”, như câu nói nổi tiếng của Terenz (195 – 159 tr.CN): “Tôi là con người, nên không có gì thuộc về con người mà xa lạ với tôi!” Tinh thần ấy khuyến khích sự mạo hiểm, sự thử nghiệm trong cuộc sống với khẩu hiệu “Hãy dám biết!” của Horace, nhà thơ lớn La Mã và đã trở thành khẩu hiệu của thế kỷ ánh sáng vào thế kỷ 17 – 18: “Bắt tay vào việc là đã thắng lợi được một nửa! Không thể há miệng chờ sung hay để cho nước chảy qua cầu!” Không phải ngẫu nhiên mà Melanchton, đầu thế kỷ 16, và I. Kant, cuối thế kỷ 18, đã đồng thanh lặp lại khẩu hiệu ấy. Nhưng, còn một chặng đường rất dài trước khi đến với thế kỷ 16!

Nửa thú vật, nửa thiên thần!

Đức tin Kitô giáo trở thành một trong những trụ cột của văn minh Tây phương từ khi được du nhập vào đế quốc La Mã. Vào cao điểm của thời Trung cổ, triết học của Thomas Aquino (1225 – 1274) nói chung và quan niệm về con người của ông nói riêng là một sự tổng hợp có tính chất tập đại thành giữa các yếu tố cơ bản của tư tưởng Platon và Aristoteles với truyền thống Do Thái giáo – Kitô giáo.

Yếu tố Aristoteles nổi bật ở đây là không còn thừa nhận tri thức trực tiếp của con người về các “Ý niệm” theo kiểu Platon nữa. Chính điều này phân biệt con người với… thiên thần! Trí tuệ con người – luôn gắn liền với thân thể – có đối tượng nhận thức là cái bản tính hay bản chất hiện hữu trong những vật thể hữu hình, rồi thông qua bản tính của những vật thể hữu hình này, con người có thể vươn đến một số nhận thức nào đó về những sự vật vô hình.

“Tôi là con người, nên không có gì thuộc về con người mà xa lạ với tôi!”

Terenz (195 – 159, tr. CN)

Trong lĩnh vực đạo đức cũng có sự tổng hợp giữa học thuyết về đức hạnh của Aristoteles với các yếu tố Platon và Kitô giáo. Thay vì nhấn mạnh đến sự độc lập của lý tính thực hành đối với lý tính lý thuyết như Aristoteles, Aquino chủ trương sự song hành của cả hai: nếu các mệnh đề của lý tính lý thuyết dựa vào những nguyên tắc hiển nhiên thì các đức tính của con người cũng đặt cơ sở trên một cái thiện duy nhất. Đóng góp đáng kể nhất trong nền đạo đức học mới này là việc xoá bỏ hẳn sự phân biệt giữa người nô lệ và người tự do, giữa người dã man và người văn minh. Mọi người đều bình đẳng trước “luật tự nhiên”. Nhận thức này sẽ là nền tảng vững chắc cho sự phát triển về sau của tư duy dân chủ và nhà nước pháp quyền.

Ảnh hưởng của Platon vẫn còn lưu lại, đặc biệt thể hiện ở chỗ Thomas Aquino định nghĩa con người như một sinh vật “ở trong đường biên” giữa những sinh thể có thân xác và những bản thể độc lập, nói khác đi, giữa thú vật và thần linh. Con người, theo ông, có thể nói là đã chạm đến bậc thấp nhất của những thiên thần! Ý tưởng này đã gợi hứng cho nhiều thế hệ triết gia về sau, lý giải con người như là “công dân của hai thế giới” (Immanuel Kant), góp phần giải quyết nan đề giữa hữu hạn và vô cùng, giữa tất yếu và tự do. Con người, theo nghĩa đó, luôn là sự giằng co giữa thiện và ác, giữa bản năng và lý trí, giữa sự cám dỗ, sa đoạ và sự thăng hoa, hướng thượng. Với nhận thức này, con người bắt đầu biết tự đảm nhận lấy số phận của chính mình.

Sự thách thức pha lẫn niềm hứng khởi ấy sẽ mở đường cho phong trào Phục hưng từ cuối thế kỷ 13, một bước phát triển nhảy vọt của nền văn minh Tây phương được thế tục hoá, sau đêm dài đầy trăn trở suốt thời Trung cổ.

Bùi Văn Nam Sơn

Chọn tập
Bình luận