Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Trò Chuyện Triết Học

“Hiểu” Và “Giải Thích”: Hai Phương Trời Cách Biệt?

Tác giả: Bùi Văn Nam Sơn
Thể loại: Triết Học
Chọn tập

Trước những thảm hoạ như động đất, sóng thần, con người không thể phê phán hay khuyên nhủ gì đối với giới tự nhiên được cả (hay phải chăng chính tự nhiên đang cảnh cáo con người!), mà chỉ có thể giải thích, dự đoán và phòng tránh. Nhưng, ta lại có thể chia sẻ (hiểu) và đánh giá (lên án hoặc ca ngợi) cách ứng xử của con người trước thảm hoạ. Đó chính là một trong những sự khác biệt cơ bản giữa khoa học tự nhiên và khoa học xã hội.

Nhất nguyên về phương pháp?

Ta thường phân biệt giữa các khoa học tự nhiên như vật lý học, hoá học, sinh vật học với các khoa học xã hội như sử học, xã hội học v.v. Có chăng một phương pháp luận thống nhất cho cả hai lĩnh vực như chủ trương của các nhà nhất nguyên luận, hay giữa việc “giải thích” và “hiểu” là một hố thẳm không thể vượt qua theo quan niệm nhị nguyên luận?

Karl Popper và Thomas Kuln – ta đã làm quen trong các bài trước – cho rằng lý thuyết kiểm sai có thể áp dụng cho cả hai lĩnh vực. Theo đó, giống như trong khoa học tự nhiên, phương pháp luận trong khoa học xã hội, về nguyên tắc, cũng đề ra một phỏng định (giả thuyết), rồi tìm cách kiểm sai nó. Phỏng định nào đứng vững, sẽ được tạm thời chấp nhận. Phỏng định nào không đứng vững thì xem như đã bị kiểm sai và bác bỏ.

Đi xa hơn, Popper cho rằng việc kiểm sai cũng là tiêu chuẩn để xem một lý thuyết trong khoa học xã hội có xứng danh là “khoa học” hay không. Theo ông, một lý thuyết trong lĩnh vực xã hội mà về nguyên tắc không thể kiểm sai được (theo ông, chẳng hạn đó là một số phỏng định trong lý thuyết Marx và trong phân tâm học của Sigmund Freud) thì không phải là khoa học “đích thực”. Nhưng, nếu hiểu như thế, Popper cũng thấy rằng ắt ta sẽ đứng trước một tình thế lưỡng nan: lý thuyết nào có thể kiểm sai, thì về nguyên tắc, đã bị kiểm sai, tức bị bác bỏ, còn lý thuyết nào không thể kiểm sai thì không phải là khoa học. Kết quả là: hiếm có lý thuyết nào trong khoa học xã hội là đúng đắn và có giá trị khoa học cả!

Tránh thái độ “duy khoa học” trong lĩnh vực xã hội

Các nhà nhất nguyên luận cũng thừa nhận những sự khác biệt rất lớn giữa khoa học tự nhiên và khoa học xã hội (chưa nói đến khoa học nhân văn!): các hệ thống xã hội bao hàm nhiều tiểu hệ thống, quá phức tạp, không thể lặp lại tuỳ thích theo yêu cầu của thí nghiệm khoa học; rất khó đề ra những quy luật phổ biến trước tính đa dạng về văn hoá và sự khác biệt giữa nhiều xã hội khác nhau; bản thân đối tượng và người nghiên cứu cũng biến đổi trong quá trình nghiên cứu và trở thành những biến số khó nắm bắt; không thể giữ được sự dửng dưng, không thể không tỏ thái độ đánh giá về phía người nghiên cứu lẫn đối tượng nghiên cứu.

Tuy nhiên, trong việc đi tìm “quy luật” (mục tiêu cao nhất của hoạt động khoa học), họ cho rằng ta không được lẫn lộn tính phổ biến của định luật với sự bền vững và bất biến của chúng. Ngay định luật tự nhiên cũng chỉ có giá trị phổ biến theo nghĩa những điều kiện ngoại biên của chúng còn hiệu lực, chứ không phải những điều kiện ấy là bất biến. Như thế, sự khác biệt giữa tự nhiên và xã hội có chăng là ở tốc độ thay đổi chậm hay nhanh của những điều kiện này hơn là ở tính chất phổ biến của bản thân quy luật.

Thừa nhận khả năng tìm ra những “quy luật” (hay đúng hơn, những “quy tắc”) xã hội trong một phạm vi và mức độ nào đó, ít ra về mặt định lượng, ta không quên rằng mô hình giải thích quen thuộc trong khoa học tự nhiên gặp những khó khăn và tranh cãi rất lớn khi áp dụng vào lĩnh vực xã hội. Như đã giới thiệu, mô hình giải thích trong khoa học tự nhiên (mệnh danh là mô hình Hempel-Oppenheimer) luôn tìm cách quy những sự kiện đặc thù đang xảy ra vào một nguyên tắc hay định luật đã biết để giải thích chúng. Áp dụng vào xã hội, chẳng hạn, để giải thích một hiện tượng kinh tế đặc thù nào đó (ví dụ: khủng hoảng chứng khoán ở Wall Street), người ta có thói quen đi từ hiện tượng ấy đến nguyên tắc chung rằng mọi khủng hoảng đều bắt nguồn từ cấu trúc tư bản chủ nghĩa của xã hội Mỹ. Mô hình giải thích này tỏ ra thuận tiện và… lười biếng, bởi nó chứa đựng nguy cơ giản lược. Đẩy đến chỗ cực đoan và máy móc, mô hình giải thích này ắt sẽ giản lược mọi lĩnh vực vào một lĩnh vực duy nhất: xã hội học có thể bị quy giản thành tâm lý học, rồi tâm lý học vào sinh vật học, và sau cùng, sinh vật học vào vật lý học. Cách quy giản này có thể có mức độ hợp lý nào đó trong các khoa học tự nhiên, nhưng khó mà phù hợp đối với những lĩnh vực “lỏng lẻo” hơn như lịch sử và chính trị. Bị quy giản như thế, hành động tự do của con người trở thành chuỗi nhân quả đơn thuần trong vật lý học! Hai hệ quả quan trọng có thể rút ra từ nhận định này:

Trách nhiệm và phê phán

Dù có nhiều khác biệt, khoa học tự nhiên và khoa học xã hội có cùng một tính khoa học, nhưng trong lĩnh vực xã hội, cần đặc biệt thận trọng khi tiến hành những tiến trình bất khả vãn hồi, và ưu tiên đi tìm những lựa chọn khác, an toàn hơn.

Một ngộ nhận cực kỳ nguy hiểm khi nhầm tưởng rằng các tiêu chuẩn rất cao của khoa học tự nhiên có thể áp dụng trực tiếp vào lĩnh vực quy hoạch xã hội mà không thấy hết tính mong manh và dễ tổn thương của lĩnh vực này. Vì thế, trong khoa học luận hiện đại, như nhận định của GS. Wolfgang Detel, hầu như có sự đồng thuận rằng: trong những tiến trình bất khả vãn hồi thuộc phạm vi xã hội (chẳng hạn: điện nguyên tử, khai thác tài nguyên, thay đổi hệ sinh thái hay chạy đua vũ trang v.v.), có một sự bất đối xứng về yêu cầu lập luận. Chính những kẻ ủng hộ, chứ không phải những người phản đối các tiến trình ấy phải gánh bổn phận và trách nhiệm chứng minh – theo những tiêu chuẩn phương pháp luận cao nhất – rằng quyết định của họ không dẫn đến những hậu quả tai hại, và do đó, luôn phải sẵn sàng thay đổi “chiến lược”: ưu tiên đi tìm những lựa chọn khác, an toàn hơn.

Thêm nữa, sự khác biệt quyết định giữa định luật tự nhiên và quy tắc xã hội chính là ở chỗ: ta có thể phê phán những quy tắc xã hội, bằng cách dựa vào những chuẩn mực đạo lý, và nhất là có thể thay đổi chúng được, theo đúng ý nghĩa cao đẹp của từ “cách mạng”. Nói khác đi, chính bản thân con người – với những tình cảm, khát vọng, mục đích, với ý thức ngày càng cao về sự tự do của ý chí và hành động – lại trở thành những điều kiện khung và ngoại biên khả biến, có thể làm thay đổi những quy tắc xã hội, trong khi khó có thể cưỡng lại sức mạnh lạnh lùng của định luật tự nhiên.

Bùi Văn Nam Sơn

Chọn tập
Bình luận
720
× sticky