Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Trò Chuyện Triết Học

Deus In Terra: Ông Trời Con Trên Mặt Đất!

Tác giả: Bùi Văn Nam Sơn
Thể loại: Triết Học
Chọn tập

Như ta đã thấy, con người thời Phục hưng tự tin và tự giác (Sài Gòn Tiếp Thị 22.6.2011). Họ tự xem mình là người nghệ sĩ, nhà sáng tạo, kẻ làm chủ những ngành khoa học và nghệ thuật. Họ ham thích những tiến bộ kỹ thuật, luôn quan sát, phân tích mọi việc một cách sắc sảo và chi li.

Môn giải phẫu học ra đời giúp con người hiểu rõ về thân xác của mình. Phối cảnh trung tâm (trong hội hoạ) giúp con người nhìn sự vật từ thế đứng của chủ thể. Cái trần thế và hoàn cảnh sống hiện thực đột nhiên trở thành trung tâm của sự chú ý. Đức tin tôn giáo vẫn còn đó, nhưng không thay thế cho việc bận tâm đối với cái hiện tiền. Thái độ tinh thần ấy được mệnh danh là chủ nghĩa nhân văn, vì nó không chỉ khám phá con người mà còn đặt con người vào trung tâm điểm của nghệ thuật, văn hoá, khoa học. Một liên minh mới đã hình thành: nghệ thuật, khoa học diễn tả lý tưởng của chủ nghĩa nhân văn, trong khi chủ nghĩa nhân văn cung cấp cơ sở lý luận cho chúng.

Petrarca và “đêm dài trung cổ”

Từ “chủ nghĩa nhân văn” hay “chủ nghĩa nhân bản” bắt nguồn từ khái niệm Latinh “humanitas” (tính người). Chủ nghĩa nhân văn tìm hiểu bản chất của con người, tra hỏi về sự hiện hữu của con người và ý nghĩa của nó. Chủ nghĩa nhân văn trở thành thế giới quan, hướng đến những mối quan tâm, những giá trị và phẩm giá của từng cá nhân riêng lẻ. Những thế lực truyền thống (thần quyền và thế quyền) không còn được hồn nhiên chấp nhận mà không bị phê phán, xem xét.

Cha đẻ của chủ nghĩa nhân văn là nhà thơ Francesco Petrarca (1304 – 1374), một trong ba đại thụ của thế kỷ 14, bên cạnh Dante và Boccaccio. Cảm nhận sâu sắc về một sự đảo lộn thời đại đang đến gần, Petrarca cần một sự biện minh cho cái mới bằng cách lên án cái cũ! Ông xem toàn bộ thời trung cổ (từ hậu kỳ cổ đại cho đến thời ông, thế kỷ 14) là thời kỳ “đen tối” (tenebrae), lạc hậu. Từ đó, “đêm dài trung cổ” trở thành một danh hiệu u ám, nặng nề (và không khỏi mang nhiều định kiến, oan ức!) cho ngót mười thế kỷ văn hoá Âu châu! Petrarca vạch ra con đường để ra khỏi “bóng tối”: trở về lại suối nguồn tươi mát của cổ đại Hy-La. Người thực sự bắt tay vào việc ấy sẽ là Erasmus ở Rotterdam.

Ad fontes: về nguồn!

Học giả Erasmus ở Rotterdam (1467 – 1536) đề ra khẩu hiệu nổi tiếng ấy vào năm 1511. Qua việc khảo cứu các nhà kinh điển Hy-La, Erasmus lại trở thành người mở đường cho nền “tân học”! Sở dĩ nền cổ học bỗng trở thành động lực cho Phục hưng còn nhờ một sự kiện lịch sử đáng nhớ: năm 1453, Constantinople, kinh thành huyền thoại của văn minh Arập, bị đế quốc Ottoman xâm chiếm khiến nhiều học giả thượng thặng phải trốn sang Ý tị nạn. Trong hành trang của họ là nhiều văn bản và tư liệu tưởng đã bị thất truyền của những danh nhân cổ đại. Các nhà nhân văn chủ nghĩa chắt lọc ra một cách nhìn mới mẻ về con người từ nguồn tư liệu quý giá này và có cơ sở đáng tin cậy để xem xét lại những nhận thức quen thuộc trước nay.

Rinascita: phục hưng là phục sinh!

“Con người tha hồ dệt nên những tấm thảm, nhưng không thể dứt bỏ những đường tơ”.

Machiavelli (1469 – 1527)

Các nhà nhân văn ngợi ca những tư tưởng cổ xưa nhưng tân kỳ này, sau khi tái phát hiện một thế giới tưởng đã chìm sâu vào quá khứ và tìm cách chuyển tải nó vào hiện tại để khai sinh một thời đại mới. Trong khi đó, các nghệ sĩ, các nhà khoa học lại chuyển tải hình ảnh mới mẻ về con người của các học giả, triết gia vào các nghệ phẩm và công trình, hình thành một phong cách độc sáng và một nền mỹ học đặc sắc với hai tên tuổi lớn: Leon Battista Alberti (1404 – 1472) và Marsilio Ficino (1433 – 1499). Đối với người đương thời, cao trào văn hoá ấy không khác gì sự bừng tỉnh khỏi một giấc mộng dài hay sự phục sinh của một con người mới. Vào cuối thế kỷ 16, nhìn lại thời kỳ rực rỡ này, nhà phê bình nghệ thuật người Florencia là Giorgio Vasari đã đặt cho nó một danh xưng bất hủ: “rinascita”

(sự phục sinh hay phục hưng). Danh xưng này được chấp nhận rộng rãi và đến nay vẫn còn được dùng để tôn vinh hai thế kỷ văn hoá (15 và 16) của châu Âu.

“Nghệ sĩ thần thánh”: mẫu hình lý tưởng

Nếu thế tục hoá là tính chất tiêu biểu của thời đại này, thì đặc điểm lớn nhất của nó là việc thần thánh hoá con người. Marsilio Ficino: “Con người hầu như có cùng một thiên tài sáng tạo như đấng sáng thế và có thể dựng nên cả trời đất nếu có được trong tay dụng cụ và chất liệu siêu thế gian. Con người thực tế cũng đang làm như thế, tuy với vật liệu khác, nhưng cũng cùng một trình tự”. Người “nghệ sĩ thần thánh” (artifex divinus) chính là “Thiên Chúa theo một cách nào đó, là đấng sáng thế trên mặt đất”, như lời xưng tụng của Pico della Mirandola!

Đồng thời, con người cũng ý thức được sức mạnh của giới tự nhiên đang ràng buộc chính mình. Nói như Machiavelli, “Con người tha hồ dệt nên những tấm thảm nhưng không thể dứt bỏ những đường tơ”. Vì thế, Jesus và Socrates là mẫu hình đạo đức của thời Phục hưng: cả hai được thống nhất lại như là mẫu mực cho con người thời đại, sau khi đã không còn cần đến ánh hào quang của sự linh thiêng và minh triết nữa. Hiện thân cho lý tưởng ấy là tượng chàng David của Michelangelo. Đó là sự song hành giữa đại vũ trụ và tiểu vũ trụ, là sự “thống nhất các mặt đối lập” như trong tư tưởng của Nikolaus Cusanus.

Lấy “nghệ sĩ thần thánh” làm lý tưởng cũng đồng nghĩa với sự tôn vinh giá trị của lao động như là nguồn gốc và mục tiêu của hạnh phúc. Pomponatius: “Trí tuệ con người gồm ba loại: lý thuyết, thực hành đạo đức và lao động tác tạo”. Ta gặp lại ở đây mô hình của Aristoteles cổ đại: lý thuyết (episteme), thực hành (poiesis) và tác tạo (techné)! Tuy nhiên, khi khái quát hoá và tuyệt đối hoá lao động thành bản chất của con người, ắt sẽ dễ dàng dẫn tới những mô hình không tưởng xã hội như nơi Thomas Morus và Tommaso Campanella, tưởng rằng con người có thể làm được tất cả, vượt ra khỏi sự hình dung của thời cổ đại và trung đại.

Tóm lại, trong thời Phục hưng, con người – với tư cách chủng loài – là đối tượng đích thực của triết học và là cơ sở cho môn nhân học triết học. Nhưng, phải đợi đến thế kỷ 17 thì thời cận đại mới đi thêm một bước xa hơn: tách hẳn con người ra khỏi giới tự nhiên, hay nói khác đi, phi – nhân hình hoá giới tự nhiên, để con người bắt đầu thực sự đứng vững trên đôi chân của mình.

Bùi Văn Nam Sơn

Chọn tập
Bình luận
720
× sticky