Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Bác Sĩ Zhivago

Chương 68

Tác giả: Boris Pasternak
Chọn tập

Sau đó ít lâu, Zhivago cũng sửa soạn lên đường. Đêm hôm trước ngày ra đi, ở Meliuzev có cơn giông lớn.

Tiếng gió rít mạnh hoà với trận mưa rào lúc thì rơi đồm độp xiên xiên xuống mái ngói, lúc thì bị luồng gió ngông cuồng dổi hướng thổi bạt theo dọc phố như các dợt sóng dồn đuổi nhau.

Tiếng sấm nổ dồn nối liền nhau thành tiếng gầm đều đều. Dưới ánh sáng những tia chớp nhằng nhịt vào nhau, người ta thấy đường phố sâu hun hút chạy về đằng xa và cây cối cũng uốn mình ngả theo về phía đó.

Quá nửa đêm, bà Flori giật mình thức dậy vì nghe có tiếng gõ dồn dập ở cửa chính. Đang nằm trên giường, bà hoảng hồn nhỏm dậy lắng nghe. Tiếng gõ vẫn tiếp tục.

Không còn ai trong cái bệnh viện này để ra mở cửa hay sao, bà nghĩ, mà lại đến lượt một mụ già bất hạnh như bà phải làm thay, chỉ vì trời đã sinh ra bà là người tử tế và đã phú cho bà cái tinh thần trách nhiệm?

Nếu gia đình Giabrinscaia là tầng lớp giàu sang, quí phái, thì đã đành. Đằng này bệnh viện là sở hữu của họ, của dân kia mà. Người ta đã ném nó vào tay những kẻ như thế này ư? Chẳng hạn, thử hỏi cái ban y tế đã chui vào cái xó nào rồi? Tất cả đều chạy trốn, chẳng còn ban giám đốc, chẳng còn y tá, bác sĩ gì ráo! Mà trong nhà vẫn còn thương binh đấy, hai anh cụt chân nằm ở phòng mổ tầng trên, trước kia là phòng khách, rồi ở dưới nhà, cạnh phòng giặt, hàng chục người mắc bệnh hoại thư. Cái mụ quỷ sứ Ustina lại đi thăm ai chẳng biết nữa. Cái con mẹ ngu ngốc ấy cũng thừa biết là trời sắp có giông. Không, thật là xúi quẩy Bây giờ thị mụ ta có cớ để ngủ lang ở nhà người khác.

Nhưng thôi, ơn Chúa, yên rồi, không nghe tiếng gõ cửa nữa rồi. Chắc họ không thấy ai ra mở cửa, dành bỏ đi, đành chịu vậy. Nhưng kể cũng rồ thật, giữa lúc sấm chớp mưa bão thế này. Hay mụ Ustina? Không, con mẹ đó có chìa khoá riêng.

Trời ơi, kinh quá, lại gõ cửa nữa kìa?

Thật chẳng còn ra cái thể thống gì. Đã đành không thể đòi hỏi lão Zhivago. Ngày mai lão ta cuốn gói rồi, và tâm trí lão ta hẳn đã ở Moskva hay ở trên tàu. Nhưng còn thằng cha Galiulin… Nghe tiếng gõ ầm ầm như thế mà ngủ được, hay là hắn biết mà cứ nằm ỳ trên giường? Chắc hắn ta nghĩ, thây kệ, mặc mụ già đáng thương, yếu đuối, không ai che chở, phải ra mở cửa cho thứ người nào có trời biết, đang lúc đêm hôm ghê sợ như thế này, ở cái đất nước khủng khiếp như thế này.

– Galiulin! – Chợt bà Flori tỉnh ngủ hẳn. – Sao còn nhắc đến Galiulin? Không, chỉ tại mình còn ngái ngủ nên mới nghĩ đến chuyện phi lý như thế. Làm gì còn Galiulin, hắn đã chuồn rồi còn đâu. Chẳng phải chính mình cùng với bác sĩ Zhivago đã che dấu hắn, cho hắn mặc giả thường dân, chỉ đường cho hắn biết phải qua làng nào, theo con đường nào mà trốn, khi xảy ra cuộc giết người kinh khủng ở ga Biriuchi đó thôi? Uỷ viên Ghinsơ bị giết, còn Galiulin bị đuổi bắt suốt từ Biriuchi đến Meliuzev, họ bắn theo hắn, lùng sục tìm hắn khắp thị trấn Galiulin! Giá hôm ấy không có đơn vị cơ giới đến thì thị trấn đã tan hoang rồi. May có một tiểu đoàn thiết giáp tình cờ chạy qua, họ bênh vực dân chúng, bắt tụi vô lại phải chùn tay!

Giông bão đã ngớt và xa dần. Tiếng sấm cũng thưa, dịu và xa hơn. Mưa có lúc ngớt hẳn, nhưng nước vẫn tí tách nhỏ giọt đều đều xuống các cành lá và ống máng. Những ánh chớp lặng lẽ hắt vào buồng và nán lại hơi lâu trên người bà Flori như muốn tìm kiếm vật gì.

Đột nhiên, tiếng gõ cửa đã tắt từ lâu lại vang lên ở ngoài cửa. Có ai đó cần được giúp đỡ, nên cứ gõ một cách dai dẳng và tuyệt vọng như thế. Gió lại nổi lên. Mưa lại đổ xuống như trút.

– Tôi ra đây! – Bà Flori kêu to với kẻ vô danh, và bà thấy sợ cả tiếng nói của bà. Một ức đoán bất ngờ lóe lên trong óc bà. Bà tụt xuống khỏi giường, xỏ giầy, choàng vội cái áo dài và chạy đi đánh thức bác sĩ Zhivago. Nhưng bác sĩ cũng đã nghe thấy tiếng gõ cửa và đang cầm nến đi xuống phía bà.

Zhivago cũng ước đoán như bà.

– Ông Zhivago! Ông Zhivago! Người ta gõ cửa trước. Tôi sợ một mình không dám mở. – Bà Flori nói to với bác sĩ bằng tiếng Pháp, sau đó tiếp bằng tiếng Nga: “Rôi ôn xêm, chá là cô Lara hai trun ý Galin đấy”. (Rồi ông xem, chắc là cô Lara hay trung uý Galiulin đấy).

Bác sĩ Zhivago cũng thức dậy vì tiếng gõ cửa và chàng nghĩ là một người nào trong nhà, hoặc là Galiulin gặp ngăn trở, người quay về đây, nơi người ta có thể cho anh ta ẩn náu hoặc là Lara gặp khó khăn gì đó phải trở lại.

Ở tiền sảnh, bác sĩ trao cây nến cho bà Flori và tự tay vặn khoá, mở then cửa. Một luồng gió mạnh thổi bật cánh cửa ra, tắt cây nến, hắt những vốc nước lạnh toát vào người họ.

– Ai đấy? Có ai không?

Cả bác sĩ lẫn bà Flori cùng hỏi to trong bóng tối. Nhưng chẳng ai trả lời. Bỗng họ lại nghe thấy tiếng gõ như trước, ở chỗ khác, phía cửa hậu, và hình như ở một cửa sổ trông ra vườn cây.

– Chắc là tại gió, – Zhivago nói. – Nhưng để yên lòng, bà thử đi ra cửa sau xem cho nó chắc, còn tôi sẽ đợi ở đây, không có lại tốn công vô ích, nếu quả thực có người gõ cửa.

Bà Flori đi về phía cuối nhà, còn bác sĩ ra đứng dưới mái hiên. Mắt chàng lúc này đã quen với bóng tối và đã nhận ra những dấu hiệu đầu tiên của buổi rạng đông.

Trên trời mây đen chạy như điên như bị đuổi bắt. Nhiều đám mây bay thấp là là sát những ngọn cây cũng đang nghiêng tất cả về một phía, tưởng chừng người ta đang dùng chúng như những cây chổi cong cong để quét trời. Nước mưa đập vào tường gỗ của ngôi nhà, làm cho nó mặt gỗ màu xám chuyển thành màu đen.

– Thế nào bà? – bác sĩ hỏi bà Flori đang bước lại.

– Ông đoán đúng. Chẳng có ai cả. – Rồi bà kể rằng bà đã đi một vòng khắp nhà. Ở phòng soạn đồ, mặt kính một cửa sổ bị đầu cành cây đoạn đập vỡ và đưới sàn đầy những vũng nước. – Buồng cũ của cô Lara cũng thế, nước lênh láng đúng là một biển nước, một đại dương.

– Ô đây có một cánh cửa sổ bị bật chốt nên cứ đập hoài vào khung cửa, bà thấy chưa? Tất cả là tại nó!

Hai người còn đứng nói chuyện một chút rồi mới đóng cửa, ai về buồng nấy để ngủ tiếp. Cả hai đều tiếc vì bị báo động giả. Họ cứ ngỡ là lúc mở cửa ra, sẽ được thấy một phụ nữ, mà họ đã quá quen, bước vào, ướt sũng và rét run cầm cập, rồi trong lúc nàng rũ áo, họ tranh nhau hỏi thăm, sau đó chắc là nàng sẽ đi thay đồ, rồi đến ngồi hơ khô bên cái bếp lò vẫn còn nóng từ hôm qua và nàng sẽ kể cho họ nghe bao câu chuyện rủi ro, nàng sẽ sửa tóc, nàng sẽ cười.

Họ đinh ninh như thế đến nỗi lúc đóng cửa vào rồi, dấu vết điều họ tin vẫn còn đứng lại ở góc phố ngoài kia như một hình chìm, một hình ảnh người thiếu phụ mà họ vẫn tưởng mình còn nhìn thấy lờ mờ ở góc phố.

Chọn tập
Bình luận