Toa số mười bốn có mấy người bị cưỡng bức đi lao động do binh nhì Voroniuc áp giải. Trong đó có ba người bị cưỡng bức vì lý do khác nhau. Một, nguyên là nhân viên thu ngân ở một tiệm rượu đoan tại Petrogad, tên là Prokhe Kharitonovich Pritulev, mọi người trong toa gọi là “ông két”; một cậu bé làm công cho một tiệm bán đồ sắt, mới mười sáu tuổi tên là Vasia Brykin, và nhà cách mạng theo phong trào hợp tác tóc bạc phơ, tên là Kostet-Amuaski, người trải qua đủ dạng lao động khổ sai của chế độ cũ và đang khai trương chuỗi trại cải tạo của chính thể mới.
Tất cả những người này đều xa lạ với nhau, đều bị chộp ở các nơi khác nhau và mới làm quen với nhau trong khi đi đường. Qua các cuộc trò chuyện trên toa, mới biết rằng nhân viên thâu ngân Pritulev và cậu thiếu niên tập sự bán hàng ở Vasia là đồng hương, cùng sinh ra ở tỉnh Vyatka, hơn nữa, chẳng mấy chốc đoàn tàu này sẽ chạy qua làng quê của họ.
Pritulev sinh sống ở thành phố Manmys, người thấp và mập, tóc húi của, mặt rỗ, xấu xí. Chiếc áo kiten màu xám của anh ta, đen xỉn ở hai hên nách vò mồ hôi trông chặt căng ở ngực, y như loại áo sarafan bó chặt lấy bộ ngực đầy của người phụ nữ. Anh ta cứ ngồi trầm tư mặc tưởng hàng giờ như bụt mọc, gãi đến sứt da rớm máu các mụn tàn nhang ở tay đến nỗi chúng sưng lên và làm mủ.
Một hôm, vào mùa thu năm ngoái, anh ta đang đi trên đại lộ Nepski, đến góc phố Lichaynyi (Lò Đúc) thì sa vào cuộc vây ráp. Người ta hỏi giấy tờ của Pritulev. Anh ta chỉ có cái tem lương thực loại lớn, loại phát cho các phần tử phi lao động và chẳng bao giờ có thể dùng để mua thứ gì. Anh ta liền bị bắt giữ cùng với nhiều người khác ở giữa đường phố cũng vì lý do ấy và bị đưa đi đào chiến hào ở mặt trận Arkhanhen. Lần này, đám người này bị đưa tới Vologoda theo dự tính ban đầu, nhưng đi nửa đường thì người ta đổi hướng, gửi về Moskva để điều sang mặt trận phía Đông.
Pritulev có vợ ở Luga, nơi anh ta làm việc trước chiến tranh, trước khi chuyển đến Petersburg. Tình cờ biết được nỗi bất hạnh của chồng, chị ta liền bỏ đi Vologoda tìm kiếm để chạy chọt cứu anh ta thoát khỏi đội quân lao công chiến trường, nhưng đoàn người đã quẹo sang ngả khác, tung tích lẫn lộn, chị ta chẳng biết đâu mà tìm. Công sức chị ta bỏ ra là công cốc.
Tại Petersburg, Pritulev chung sống với một phụ nữ tên là Pelaghea Nilovna Chiagunova. Anh ta đã bị bắt trên đại lộ Nepski sau khi vừa chia tay với chị này ở góc phố, để đi lo công chuyện ở một phố khác. Nhìn xuống phố Lichaynyi, anh ta còn thấy lưng chị ta đi xa dần, rồi khuất hẳn giữa đám đông qua lại.
Chị nàng Chiagunova này là một phụ nữ tiểu tư sản béo mập, dáng điệu chững chạc, có hai bàn tay đẹp và một bím tóc đuôi sam to dày mà chị ta cứ luôn luôn hất qua vai phải lại qua vai trái ra trước ngực, kèm theo những liếng thở dài sườn sượt. Chị ta tự nguyện đi theo Pritulev và đang có mặt bên anh ta.
Thật khó mà biết hai người đàn bà kia đeo bám Pritulev vì tìm thấy có gì đáng lôi cuốn ở một anh chàng xấu trai nhường ấy. Ngoài Chiagunova, ở một toa gần đầu tàu, chẳng biết tình cờ thế nào lại có một người quen khác của Pritulev tên là Ogryskova, một thiếu nữ tóc bạch kim, gày gò, mà Chiagunova gọi là “ả mũi hếch” và “cái ống tiêm” cùng hàng loạt biệt hiệu khác để hạ nhục cô ta.
Hai tình địch căm tức nhau và cố tìm cách tránh mặt nhau. Ogryskova chưa lần nào ló mặt đến toa số mười bốn. Cô nàng đã làm cách nào khôn khéo để tái ngộ đối tượng say đắm của mình? Đó vẫn là điều bí mật. Có lẽ cô nàng chỉ đành đứng ngắm anh chàng từ xa, mỗi khi tất cả mọi người trên tàu phải xuống chất củi và than lên tàu.