Hôm đó là một ngày chủ nhật mùa đông u ám. Khói các bếp lò không bốc lên thành từng cột trên các mái nhà, mà lại đùn từng làn đen mỏng qua những cửa sổ mỏng thông gió, là chỗ tuy có lệnh cấm, người ta vẫn tiếp tục bắt các ống dẫn khói bằng sắt của các thứ bếp lò tạm bợ ra đó. Sinh hoạt thành phố vẫn chưa trở lại bình thường. Dân trong khu cư xá Hàng Bột không được tắm rửa, đầy mụn nhọt, rét run vì lạnh.
Nhân ngày chủ nhật, cả gia đình Macken họp mặt đông đủ Cái bàn cả gia đình Macken đang ngồi ăn trưa bây giờ trước kia là bàn phát bánh mì theo tem phiếu định lượng. Hồi ấy, sáng sớm, các gia đình sống trong khu cư xá đem tem phiếu bánh mì đến đây, người ta dùng kéo cắt rời từng ô nhỏ, phân loại, đếm kỹ, gói từng loại vào một cái túi hay một tờ giấy, rồi mang đến cửa hàng bánh mì. Lúc mang bánh về, cũng trên chiếc bàn ấy, người ta cắt ngang cắt dọc thành từng miếng nhỏ, đem cân rồi phân phát cho từng hộ tùy theo khẩu phần. Tất cả những chuyện đó bây giờ chỉ còn là kỷ niệm. Sổ tem phiếu lương thực đã được thay thế bằng các hình thức kiểm định khác. Bên chiếc bàn dài ấy, gia đình Macken đang ăn uống ngon lành, họ nhai tóp ta tóp tép, bạnh cả quai hàm.
Cái lò sưởi lớn kiểu Nga nổi cao giữa nhà chiếm một nửa căn buồng, trên mặt trải một tấm mền bông khâu chần, mép rủ xuống xung quanh.
Ở bức tường trước, cạnh lối ra vào, phía trên bồn nước, có một cái vòi nước. Dọc hai bên hông nhà kê mấy chiếc ghế dài, dưới gầm nhét đủ các thứ bao, túi, rương, hòm đựng vật dụng.
Phía bên trái có một cái bàn để làm bếp. Phía trên bàn có một cái tủ bát đĩa đóng vào tường.
Lò sưởi đang cháy. Trong nhà nóng bức. Bà vợ Macken là Agafia đứng trước lò, tay áo xắn cao, dùng que cời dài xê dịch các nồi thức ăn lúc gần lại, lúc cách xa nhau tùy theo mức độ cần thiết. Khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi của bà khi thì được ánh lửa đỏ trong lò rọi sáng, khi thì bị mờ đi vì hơi nóng các món ăn đang nấu bốc lên. Bà xê dịch các nồi sang một bên, kéo từ bên trong ra chiếc bánh nướng đặt trên một tấm sắt, khéo léo lật ngược mặt chiếc bánh, rồi lại đẩy sâu vào một lát nữa cho vàng thêm. Zhivago xách hai cái sô bước vào nhà.
Chúc cả nhà ngon miệng.
– Mời ông vào đây dùng bữa với chúng tôi nào.
– Cám ơn, tôi ăn trưa rồi.
– Chúng tôi lạ gì bữa ăn trưa của ông. Ông hãy ngồi xuống đây ăn một chút gì cho ấm bụng. Đừng khách sáo. Mấy củ khoai nướng, bánh nướng, nhân hành mỡ thôi.
– Cám ơn, tôi ăn rồi, thật mà. Bác Macken, xin lỗi bác tôi cứ phải xuống xách nước nhiều lần, làm ướt lạnh cả nhà bác. Tôi muốn lấy luôn một lần kha khá để trữ sẵn. Tôi đã cọ rửa sạch cái bồn tắm bằng kẽm của gia đình Sventitski, tôi sẽ trữ nước vào đó và vào các thùng gỗ nữa. Hôm nay, tôi sẽ xách dăm, mười chuyến, sau một thời gian nữa mới lại dám làm phiền bác. Mong bác tha lỗi cho tôi. Ngoài nhà bác ra, tôi chả còn biết xin nước ở nhà ai.
– Ông cứ lấy bao nhiêu tùy ý, tôi chả tiếc. Ông xin nước đường thì không có, chứ nước lã thì vô khối. Ông cứ việc xách, chúng tôi không đòi ông trả tiền đâu.
Cả bàn ăn phá lên cười.
Khi Zhivago xuống xách chuyến thứ ba, gia chủ đã hơi đổi giọng:
– Các con rể tôi hỏi ông là ai. Tôi nói, chúng nó không tin. Kìa cứ lấy nước đi, đừng ngại. Có điều đừng để nước ra sàn, ông ngố ạ. Đấy, ông làm nước sánh ra ngưỡng cửa rồi đấy. Nó đông lại thì ông có mang xà beng xuống cạy đi không. Khép cánh cửa cho kín chút nữa, kẻo gió lạnh lùa vào, gớm sao mà vô ý tứ. Phải, tôi trả lời các anh con rể ông là ai, họ không tin. Người ta đã tốn bao nhiêu tiền của để ông ăn học, nhưng được cái tích sự gì nào?
Khi Zhivago chuyển nước tới chuyến thứ năm hoặc thứ sáu, thì Macken cau mặt:
– Lần này nữa thôi nhé. Cũng nên biết điều đôi chút chứ.
May có con Marina, con gái út của tôi, nó bênh ông, nếu không, nhìn cái cảnh ông làm văng nước tung tóe như thợ hồ thế kia, tôi đóng cửa lại rồi. Ông nhớ con bé Marina chứ? Đấy, cái con bé tóc đen đen, ngồi ở cuối bàn kia kìa. Hừ, trông nó đỏ mặt kìa. Nó cứ luôn mồm, bố, bố đừng xử tệ với ông bác sĩ. Mà có ai chạm đến ông đâu. Nó làm điện báo viên ở Bưu điện thành phố nó hiểu cả tiếng ngoại quốc cơ đấy. Nó bảo ông bác sĩ thật đáng thương. Nó sẵn sàng nhảy vào lửa để cứu giúp ông đấy. Có phải tại tôi mà ông ra nông nỗi này đâu. Ai bảo bỏ nhà cửa giữa thời buổi nhiễu nhương mà đi Sibiri. Tại ông cả thôi. Ông thấy đấy, chúng tôi ở đây suốt thời kỳ đói kém, suốt thời kỳ bọn bạch vệ bao vây, mà có suy chuyển gì đâu. Ông hãy tự trách ông thôi. Ông không biết giữ bà Tonia, để bà ấy phải vất vưởng ở nước ngoài. Chuyện đó chả liên quan gì đến tôi. Đó là việc của ông. Có điều ông đừng giận, tôi hỏi ông làm gì với ngần ấy nước? Chắc không phải người ta thuê ông làm sân trượt băng đấy chứ? Ai thừa hơi để bụng giận ông, đồ gà rù.
Cả bàn lại cười rộ. Marina bực bội nhìn gia đình cô, cô đỏ mặt chê trách họ. Zhivago nghe thấy tiếng cô, ngạc nhiên lắm, nhưng chưa hiểu ẩn ý của nó.
– Nhà tôi phải lau chùi nhiều chỗ, bác Macken ạ. Phải dọn dẹp cho sạch. Lau sàn, rồi giặt giũ.
Mọi người quanh bàn ngạc nhiên.
– Ông nói thế không biết ngượng hay sao? Ông định kiêm luôn chú thợ giặt nữa chắc?
– Ông bác sĩ, ông để tôi cho cháu nó lên làm giúp. Nó sẽ đến lau chùi, giặt giũ giúp ông. Nếu cần, nó sẽ vá quần áo cho ông. Con đừng sợ ông ấy. Ông bác sĩ là người tử tế, hiền lành, không như người khác đâu mà ngại.
– Thưa bà Agafia, tôi đâu dám ạ. Tôi không đời nào để cô Marina phải bẩn tay: Cô ấy có phải người hầu của tôi đâu? Tôi tự xoay sở lấy được mà.
– Bác sĩ bẩn tay thì được, còn tôi không làm nổi hay sao? Ông khó tính quá đấy. Việc gì ông phải từ chối? Thế tôi lên thăm ông, ông cũng đuổi tôi ra chăng?
Marina rất có thể trở thành ca sĩ. Giọng cô thật trong trẻo, du dương, rất thanh và mạnh. Maria nói không to, nhưng nghe vang vang hơn hẳn cuộc trò chuyện thông thường đòi hỏi, tựa hồ không phải do cô phát ra, mà nó ở bên ngoài con người cô. Tưởng chừng nó vọng sang từ phòng bên và từ phía sau lưng cô. Giọng nói ấy là thần hộ mệnh, che chở cô. Không ai muốn xúc phạm hoặc làm buồn lòng một phụ nữ có giọng nói như vậy.
Tình bạn giữa Zhivago và Marina bắt đầu từ bữa xách nước hôm chủ nhật ấy. Cô gái thường lên giúp chàng làm việc trong nhà. Một hôm, cô ở hẳn lại với chàng, không trở về nhà mình nữa. Thế là cô trở thành người vợ thứ ba của Zhivago, người vợ không có giá thú, trong khi chàng vẫn chưa ly dị người vợ thứ nhất. Rồi hai người có con với nhau. Ông bà Macken không khỏi hãnh diện gọi con gái mình là bà bác sĩ, Macken cằn nhằn rằng Zhivago không cưới hỏi và không làm giá thú với Marina. Nhưng vợ bác cãi lại: “Ông điên à? Đang khi bà Tonia còn sống mà làm thế thì còn ra thể thống gì nữa? Thành ra hai vợ à?”
– Bà ngu thì có, – Bác Macken mắng lại. – Kể làm gì cái nhà bà Tonia nữa. Coi như không có bà ta vậy. Chẳng còn luật pháp nào bênh vực bà ta hết.
Zhivago đôi khi nói đùa rằng cuộc tình duyên của chàng với Marina là một cuốn tiểu thuyết hai mươi sô nước, cũng như có những cuốn tiểu thuyết hai mươi chương hay hai mươi hồi.
Marina tha thứ cho bác sĩ những biểu hiện lập dị của chàng thời kỳ đó, cái tính dở dở ương ương của một người đã suy sụp và ý thức được sự suy sụp của mình, cái lối ăn ở luộm thuộm và dơ bẩn mà chàng gây ra. Cô chịu đựng những lời càu nhàu, gắt gỏng và sự bẳn tính của chàng.
Đức hy sinh của cô còn đi xa hơn nữa. Khi vì lỗi của chàng, hai vợ chồng lâm vào cảnh túng quẫn tự nguyện do chính họ tạo ra, Marina không nỡ bỏ chàng một mình ở nhà, nhiều hôm cô đã bỏ cả việc làm ở sở, nơi mọi người rất quý mến cô và lại vui lòng nhận cô trở lại nhiệm sở sau những ngày nghỉ việc miễn cưỡng ấy. Chiều theo óc tưởng tượng của Zhivago, cô đã cùng chàng đi gõ cửa các nhà để xin việc kiếm sống. Hai vợ chồng nhận cưa củi thuê cho các gia đình sống ở các tầng nhà khác nhau trong cư xá. Một số người, nhất là bọn đầu cơ buôn lậu mới phất lên hồi đầu Chính sách kinh tế mới và các nhà hoạt động khoa học và nghệ thuật thân cận Chính phủ, bắt đầu cơi rộng thêm nhà cửa, mua sắm đồ đạc mới. Một hôm Zhivago và Marina bưng củi dự trữ chất vào phòng làm việc của một căn hộ. Họ đi ủng, bước từng bước thận trọng trên tấm thảm trải sàn để khỏi mang mạt cưa ngoài sân vào nhà.
Chủ nhà ngồi đọc sách một cách chăm chú và kênh kiệu, chẳng thèm để ý nhìn lấy một lần hai vợ chồng người thợ cưa củi thuê. Vợ ông ta đứng ra mặc cả, trông coi công việc và trả tiền công cho họ.