Ngày hôm sau, tàu chạy chậm như sên; sợ trật bánh vì đường ray bị tuyết phủ, chưa được dọn sạch. Nó đỗ lại ở một khu vực hoang vắng, từng là nơi có người sinh sống, bây giờ phải một lúc lâu người ta mới nhận ra vết tích của một nhà ga bị thiêu huỷ. Trên mặt tiền đen sì của ga, nhìn kỹ mới đọc được hàng chữ “Ga Nigiơni Kenmet”.
Nhà ga không phải là nơi duy nhất lưu giữ dấu vết vụ hoả hoạn. Đằng sau ga, người ta thấy cả một xóm bị bỏ hoang, tuyết phủ dày, chắc là đã chịu chung số phận với nhà ga.
Ngôi nhà gần ga nhất đã ra tro, đầu hồi nhà bên cạnh có mấy cây gỗ làm tường nhà bị đổ một đầu chọc xuống đất, đầu kia chổng lên trời, ngoài dường vứt ngổn ngang đủ thứ, các mảnh xe trượt tuyết, các tường rào đổ nát, các thanh sắt cong queo, các mảnh bát đĩa vỡ. Mặt tuyết nhơ nhớp bởi mồ hóng, bởi các vết tích của đám cháy cùng các nỗ lực để dập tắt nó.
Nhà ga và cái xóm kia không hoàn toàn hoang vắng. Cả hai nơi vẫn còn lẻ tẻ bóng người.
Khi thấy viên trưởng ga từ đằng sau đống đổ nát bước ra, ông trưởng tàu bèn nhảy xuống đất và hỏi với vẻ thông cảm:
– Cháy hết cả xóm à, đồng chí?
– Chào ông. Mừng các ông tới đây bình an. Bị thiêu trụi đã đành song tình hình còn tệ hại hơn hoả hoạn nữa kia.
– Tôi chưa hiểu.
– Thế lại hơn.
– Chẳng lẽ Strelnikov?
– Chính hắn.
– Các đồng chí đã phạm sai sót gì?
– Không phải tại chúng tôi. Tại ga mình nằm cạnh họ thôi.
– Tại láng giềng mà mình vạ lây. Ông thấy cái xóm kia chứ?
Xóm Nigiơni Kenmet thuộc xã Ust-Nemda. Tại họ mà ra cả.
– Họ đã làm gì?
– Không phải đã làm gì, mà là mắc đủ thứ tội chết người. Họ đã giải tán Uỷ ban dân nghèo là một này, chống lệnh nộp ngựa cho Hồng quân, trong khi họ toàn là dân Tarta, nhà nào cũng có ngựa, là hai này. Không tuân lệnh động viên. Thế là ba tội ông thấy đó.
– Ờ, ờ thế thì tất cả đều rõ. Và vì thế mà người ta nã đại bác vào xóm họ chứ gì?
– Đúng thế.
– Bị pháo kích từ đoàn tàu bọc thép phải không?
– Dĩ nhiên.
– Buồn thật. Đáng tiếc. Nhưng thôi, đó chả phải việc của chúng ta.
– Với lại đó là chuyện đã rồi. Chuyện mới thì tôi chẳng làm ông vui được đâu. Đoàn tàu của ông sẽ phải đậu ở đây vài ngày.
Đồng chí nói giỡn. Tàu chúng tôi tiếp viện ra mặt trận đấy chả phải thường đâu. Tôi không quen đỗ lâu.
– Đùa với giỡn gì. Tuyết lấp kín thế kia, ông cũng thấy đó. Bão tuyết hoành hành khắp tuyến đường suốt cả một tuần. Tuyết lấp hết trơn. Mà chả có ma nào để dọn đường cả. Một nửa xóm bỏ đi tứ tán rồi. Tôi động viên số còn lại, nhưng họ làm không xuể.
– Thế thì các người xéo đi cho rồi? Hỏng, hỏng bét cả!
– Này, bây giờ phải làm gì?.
– Chúng tôi sẽ cố dọn để tàu có thể chạy được.
– Tuyết có phủ dầy lắm không?
– Cũng không quá dầy. Một số đoạn thôi. Bão tuyết thổi xiên xiên so với mặt đường. Gay nhất là quãng giữa, có ba cây số đường trũng. Đoạn ấy quả là vất vả đấy. Nó bị phủ kín hoàn toàn. Sau đó thì đường tốt, vì có rừng taiga chắn gió tuyết. Đoạn từ đây đến khúc đường trũng cũng không đáng sợ lắm, vì là đồng trống, gió đã quét đi hộ một ít tuyết.
– Tai hại! Đến là lôi thôi! Tôi sẽ huy động toàn bộ hành khách đi dọn tuyết giúp đồng chí vậy.
– Tôi cũng nghĩ như vậy.
– Riêng đám lính thủy và các chiến sĩ Hồng quân thì chớ động tới họ. Trên tàu hiện có cả một đội quân lao công chiến trường. Cộng với số hành khách là thưởng dân thì được độ bảy trăm người.
– Thế thì dư đã quá. Lúc nào người ta chở xẻng tới, thì ta huy động họ đi làm. Ở đây thiếu xẻng. Tôi đã cho người sang các làng xung quanh mượn rồi. Thế nào cũng xoay được.
– Thật là xui xẻo! Đồng chí nghĩ sao, liệu có dọn hết tuyết được không?
– Được quá đi chứ. Tục ngữ có câu: “Hợp quần lấy được mọi thành trì”. Đằng này bất quá chỉ là một khúc đường, ăn nhằm gì.