Nơi bác sĩ Zhivago nằm điều trị vết thương, sau đó ở lại làm việc và nay đang sửa soạn rời bỏ, là một quân y viện được đặt trong toà biệt thự của nữ bá tước Giabriscaia. Ngay từ đầu chiến tranh, bà đã nhường toà biệt thự này làm nơi chạy chữa cho thương binh.
Toà nhà hai tầng đó chiếm một trong những địa điểm đẹp nhất của thị trấn Meliuzev. Nó đứng ở nơi tiếp giáp giữa một đường phố chính và quảng trường trung tâm của thị trấn. Chỗ này trước được gọi là thao trường, vì bịnh sĩ thường thao diễn tại đây còn ngày nay, vào các buổi tối, người ta lấy địa điểm họp mít tinh.
Nhờ vị trí ở đầu ngã tư, đứng trên toà nhà có thể nhìn ra tứ phía rất rõ. Trừ phố chính và quảng trường, từ đây còn thấy ở ngay dưới chân toà nhà, trong sân nhà bên cạnh, phơi bày cảnh sinh hoạt nghèo nàn của tỉnh lỵ chẳng khác gì cảnh sinh hoạt nông thôn. Phía sau nhà có một bức tường, bên kia tường là cái vườn cây cũ của nữ bá tước.
Toà biệt thự này chưa bao giờ là một tài sản có giá trị đối với bà chủ. Trong huyện, bà còn một khu trang trại rộng lớn tên là “Razdonoi”. Ngôi nhà ở thị trấn chỉ là nơi tạm dừng chân mỗi khi bà có công việc tới thị trấn và là nơi hội ngộ của khách khứa từ khắp nơi đến nghỉ hè ở trang trại “Razdonoi” của bà. Bây giờ toà biệt thự trở thành quân y viện, còn bà chủ đã bị bắt ở Petersburg, nơi thường trú của bà.
Trong số gia nhân còn tiếp tục sống ở toà biệt thự có Mazmoazen Flori, vốn là gia sư dạy dỗ mấy cô con gái của bà chủ (các cô đã lấy chồng cả) và chị bếp tên là Ustina.
Đầu bạc, nước da hồng hào, Mazmoazen Flori thường mặc chiếc áo cũ, sờn, rộng lùng thùng, rách và bẩn, kéo lê đôi giày cũ đi khắp nhà ung dung như trước đây giữa gia đình bá tước. Bằng thứ tiếng Nga theo lối người Pháp, bà cứ luôn miệng kể chuyện này chuyện nọ. Bà lấy điệu bộ, giơ chân múa tay và mỗi lần kết thúc trò ba hoa lại phá lên cười khàn khàn rồi ho rũ, ho rượi.
Bà Flori biết các uẩn khúc của cô y tá Lara. Theo bà thì ông bác sĩ và cô y tá phải yêu thích nhau. Trung thành với bản tính thích làm mối lái (một thuộc tình sâu xa của những người thuộc dòng Rômăng), bà lấy làm mừng rỡ khi thấy hai người kia đứng với nhau, bà dứ dứ ngón tay ra bộ ta đây biết cả rồi, và nháy mắt với họ một cách tinh quái. Lara ngơ ngác, bác sĩ Zhivago thì bực mình, còn bà, như mọi bà già lập dị, cứ coi trọng sự lầm lẫn của mình hơn tất cả và không đời nào chịu sửa chữa.
Bà Ustina lại còn kỳ quặc hơn. Thân hình bà thu hẹp ở phía trên, khiến bà có dáng dấp một ả gà mái đang ấp trứng.
Bà khô khan, tỉnh táo ghê gớm, nhưng bên cạnh sự tỉnh táo bà lại có một trí tưởng tượng không sae kiềm chế nổi về khoản mê tín dị đoan.
Bà biết vô số câu trừ tà của đám bình dân, bước đi đâu một bước là bà đều tránh nhìn ngọn lửa trong bếp lò, không bao giờ ra khỏi nhà mà không thì thầm mấy câu thần chú vào lỗ khoá để xua đuổi ma quỷ. Bà sinh ở Zybusino. Người ta bảo đâu như bà là con một thầy phù thuỷ ở vùng quê.
Bà Ustina đã có thể im lặng nhiều năm liền, nhưng đến khi có chuyện làm cho bà lên cơn nói, thì lúc đó không tài gì ngăn cản được bà nữa. Bảo vệ chân lý là ham mê của bà.
Sau khi nước Cộng hoà Zybusino sụp đổ, chính quyền Meliuzev tổ chức một chiến dịch chống lại các tư tưởng vô chính phủ từ cái xứ Zybusino kia lan ra. Chiềư chiều ở quảng trường có những cuộc mít tinh tự phát, ôn hoà và thưa thớt, gồm một số kẻ nhàn rỗi tham dự, như thời thái bình xưa, lúc hoàng hôn họ vẫn kéo nhau ra ngồi chơi ở bên cổng trụ sở đội cứu hoả. Ban “Văn hoá giáo dục” khuyến khích các cuộc mít tinh kiểu đó và cử cán bộ của mình hoặc các nhà hoạt động từ nơi khác đến thị trấn, tới điều khiển các cuộc hội họp. Các vị ấy coi những chuyện đồn đại ở Zybusino về anh chàng câm điếc mà nói được là điều cực kỳ vô lý, và trong các bài chí trích, họ luôn luôn nhắc đến anh chàng đó. Song các thợ thủ công, các chị vợ lính, các người từng là gia nhân ở nhà ông này bà nọ, thì lại nghĩ khác. Họ cho rằng người câm điếc biết nói chẳng phải là cái gì quá ư phi lý. Họ bênh vực cho anh ta.
Trong nghiên cứu tiếng bất bình lẻ tẻ từ trong đám đông phát ra để bênh vực anh chàng câm điếc biết nói, người ta thường nghe thấy tiếng bà Ustina. Thoạt đầu, bà chưa dám ra mặt, cái tính xấu hổ của đàn bà đã ngăn bà lại. Nhưng dần dà bà thêm dạn dĩ và bắt đầu táo bạo công kích những diễn giả nào phát biểu những quan điểm mà dân Meliuzev không ưa. Thế là tự nhiên bà cũng trở thành một diễn giả hùng hồn lúc nào không hay.
Đứng ở toà biệt thự, qua cửa sổ để mở, có thể nghe thất tiếng nói lao xao ở quảng trường, và nhất là vào những buổi trời yên gió lặng, có thể nghe rõ từng mẩu diễn văn. Nhiều khi, lúc bà ústina nói, bà Flori lại chạy vào phòng bảo mấy ai có mặt hãy lắng tai mà nghe, rồi với thứ tiếng Nga giả cầy của bà, bà ân cần nhại lại:
– Xếu xa! Trụ lạt? Dưbusi! Chàn cam đế. Phả bọi! Phả bọi!
(Xấu xa! Truỵ lạc! Zybusino? Chàng câm điếc! Phản bội! Phản bội!).
Trong thâm tâm, Mazmoaden Flori hãnh diện về chị bếp hăng hái có tài ăn nói kia. Hai bà rất gắn bó cảm mến nhau, tuy vẫn luôn luôn hầm hè nhau.