Nghi lễ cầu hồn đã chấm dứt. Đám người hành khất đứng sát vào nhau thành hai hàng, cứ giậm hết chân nọ đến chân kia cho đỡ rét. Chiếc xe tang, chiếc xe ngựa trần chở các vòng hoa, chiếc xe của gia đình Cruyghe lúc lắc, từ từ chuyển bánh.
Những người xà ích tiến lại gần cửa nhà thờ hơn. Bà Sura Sledinghe bước ra, nước mắt đầm đìa, vén chiếc mạng ướt lên và đưa mắt nhìn những người xà ích đang đứng thành một hàng dài, như bà muốn kiếm tìm ai. Lúc bà trông thấy những người phu khiêng của sở mai táng, bà hất hàm gọi họ và dẫn họ vào trong nhà thờ, số người từ trong nhờ thờ bước ra mỗi lúc một đông.
– Thế là đã đến lượt bà Anna Ivanovna. Bà ấy đã bỏ chúng ta, tội nghiệp, bà ấy đã rút phải tấm vé đi xa.
– Phải, thế là bà ấy đi khuất rồi, tội nghiệp. Thôi từ rày bà ấy sẽ được yên nghỉ.
– Bà chị có xe riêng hay là đi xe số mười một?
– Đứng lâu chồn cả chân. Ta đi bộ một quãng rồi hãy lên xe.
– Bà chị có để ý đến thái độ của lão Phupkov không? Lão ta cứ nhìn xác bà Anna mà khóc sướt mướt, sụt sịt mãi. Trong khi chồng bà Anna đứng ngay ở đấy…
– Thì suốt đời lúc nào lão ta cũng theo đuổi bà ấy mà lại.
Người ta trao đổi với nhau những chuyện đại loại như thế trong khi đến nghĩa địa ở cuối thành phố.
Hôm nay là cao điểm của một đợt rét dữ dội. Một ngày nặng nề bất động, một ngày cóng lạnh ghê gớm, không còn sức sống, một ngày mà thiên nhiên dường như đã tự định trước cho tang lễ. Lớp tuyết hơi bẩn tựa hồ rọi qua lớp vải đang buông rủ; từ đằng sau các hàng rào, những cây thông ướt át, tối sẫm như thứ bạc bị ố, nhìn ra, trông như chúng khoác bộ đồ tang 11.
Nghĩa địa đáng ghi nhớ đằng xa kia cũng chính là nơi đã mai táng bà Maria Nicolaevna. Mấy năm gần đây, Yuri không ra thăm mộ mẹ. “Mẹ ơi?” – Từ xa nhìn về phía mộ mẹ, chàng thầm thì gọi với một giọng gần giống như thuở nào.
Những người đi đưa đám trịnh trọng tách ra thành ừng nhóm, bước vào những lối nhỏ được quét dọn sạch sẽ, chạy ngoằn ngoèo khúc khuỷu không hợp cho nhịp bước đều đều bi ai. Ông Alexandr cầm tay dìu Tonia. Nàng bận đồ tang rất hợp. Đi sau là gia đình Cruyghe.
Băng giá lồm xồm như rêu mốc phủ trên các chỏm hình vòm của những cây thánh giá và trên các bức tường màu hồng của tư viện. Ở một góc sân kín đáo của tu viện, trên những sợi dây chăng từ tường bên này sang tường bên kia để phơi quần áo có những chiếc sơ mi ống tay nặng trĩu, những tấm khăn trải bàn màu hoa đào, khăn trải giường giăng lệch và vắt nưởc chưa kỹ. Yuri nhìn kỹ về phía đó và chàng nhận ra đấy là địa điểm trên khu đất của tu viện, nơi năm xưa chàng từng thấy cơn bão tuyết hoành hành, nay đã xây sửa mới thêm.
Yuri đi nhanh một mình, vượt trước những người khác nên thỉnh thoảng phải dừng chân để chờ họ. Để đáp lại sự huỷ hoại do cái chết gây ra trong đám người đang chậm bước ở đằng sau chàng, chàng muốn mơ ước và suy nghĩ, gọt giũa các hình thức, sáng tạo nên cái đẹp, và ý muốn của chàng là khẩn thiết, không gì ngăn cản được, như nước cứ cuồn cuộn trong phễu đòi chảy xuống dưới. Hơn lúc nào hết, giờ đây chàng hiểu rõ rằng nghệ thuật bao giờ cũng theo đuổi hai mục đích.
Nó luôn luôn suy ngẫm về cái chết và qua đó, luôn luôn sáng tạo ra sự sống. Nghệ thuật cao cả, nghệ thuật chân chính, cái được gọi là sách Khai thị 12 của thánh Giăng, và cái đang viết cuốn sách đó cho trọn vẹn.
Yuri đã nếm trước cái thú, khi mà chàng được thoát khỏi khung cảnh ở gia đình và ở trường đại học vài ba ngày, đã viết các vần thơ tưởng nhớ hương hồn và Anna Ivalôpna, và chàng sẽ đưa vào đó tất cả những ý tưởng nảy ra trong óc chàng lúc ấy, tất cả những điều ngẫu nhiên, tình cờ mà cuộc sống sẽ gợi ý cho chàng: đôi ba nét đặc sắc, đáng quý của bà Anna quá cố, hình ảnh Tonia trong bộ tang phục; vài quan sát về đường phố khi từ nghĩa địa trở về; những thứ khăn áo phơi ở chỗ xưa khi bão tuyết rừng rú rít trong đêm tối và cậu bé Yuri từng khóc nức nở.
— —— —— —— ——-
1 Olex, một ông hoàng xứ Kiev bị một con rắn từ đầu con ngựa quý của ông chui ra cắn chết “Con tuấn mã Olex” là đầu đề một bài thơ dài của Puskin.
2 A. A. Blok (1880 – 1921), nhà thơ Nga nổi tiếng.
3 Ngụ ý Petersburg và Moskva.
4 Ngọn núi lửa, cao 5165 mét ở Thổ Nhĩ Kỳ, giáp giới Armenia và Iran.
5 Ngụ ý thành Petersburg, nơi Blok sống.
6 Loại trường trung học dành cho con em quý tộc ở nước Nga cũ.
7 Pháp văn trong nguyên bản “Vũng rộng? Chuỗi xích Tàu!”.
8 Pháp văn trong nguyên bản “Hãy chơi điệu Valse”.
9 Pháp văn trong nguyên bản “Vào nhịp ba, vào nhịp hai”.
10 Pháp văn trong nguyên bản “Ngược hẳn lại”.
11 Ở châu Âu, màu đen là màu tang tóc.
12 Sách Khải thị của Giăng một trong những sách Tân ước, tác phẩm văn chương cổ nhất của Kitô giáo còn giữ lại được. Chứa đựng những lời tiên tri về “ngày tận thể” “ngày phán xử cuối cùng” phản ánh tâm trạng nổi loạn của dân cư những tỉnh phía đông bị Nhà nước La Mã đô hộ.