Dần dần bác sĩ Zhivago sửa soạn lên đường, chàng đi đến các nhà và các cơ quan để từ giã người quen và xin các giấy tờ cần thiết.
Lúc đó, vị uỷ viên quân sự mới của mặt trận vùng này, trên đường công tác đã dừng chân ở thị trấn. Người ta kể rằng vị uỷ viên còn trẻ măng, gần như một cậu bé.
Đấy là những ngày chuẩn bị cho một cuộc tấn công lớn. Người ta cố khôi phục tinh thần của đám đông binh sĩ, siết chặt kỷ luật trong quân đội. Các toà án quân sự cách mạng được thiết lập và khôi phục án tử hình đã bị bãi bỏ ít lâu nay.
Trước khi ra đi, bác sĩ Zhivago phải đến lấy dấu chứng thực của trưởng ban quân quản. Ở Meliuzev, chức vụ này do một sĩ quan quân đội đảm nhiệm, mà dân gọi là “ông quận” cho tiện.
Ngày nào ở văn phòng của ông quận cũng đông nghịt những người là người. Cảnh chen chúc chờ đợi diễn ra. Không chỉ ở quanh cửa và trong sân, mà còn lan rộng đến một nửa đoạn đường phố phía dưới cửa sổ của văn phòng. Hàng trăm người cùng nói một lúc, chẳng còn ai hiểu ra làm sao nữa.
Hôm ấy văn phòng không tiếp khách. Trong văn phòng trống trải, yên tĩnh, các viên thư ký bực tức vì đủ thứ giấy má rắc rối đang yên lặng ngồi viết và thỉnh thoảng trao đổi với nhau những cái nhìn giễu cợt, mỉa mai. Từ phòng làm việc của ông quận vọng ra tiếng cười nói vui vẻ, tựa hồ người ta đang phanh áo mà uống nước giải khát cho thoả thích.
Galiulin từ trong bước ra, thấy bác sĩ Zhivago đang ở dãy phòng chung bên này, bèn cúi người như lấy đà để chạy, làm hiệu mời chàng vào chia sẻ cảnh náo nhiệt trong phòng làm việc của ông quận.
Đằng nào thì Zhivago cũng phải vào đó xin chữ ký của ông quận. Tại đó, chàng được thấy một cảnh tượng khá kỳ khôi. Con người được cả thị trấn nhắc tới, người anh hùng của ngày hôm nay, vị uỷ viên quân vụ mới, thay vì lên đường tới nơi được bổ nhiệm, lại đang ở đây, trong cái phòng làm việc chẳng liên quan gì đến ban tham mưu và các vấn đề tác chiến.
Đứng trước đám nhân viên hành chính của ban quân quản, anh ta đang lên lớp hùng hồn.
– Thưa, đây lại thêm một ngôi sao nữa của chúng tôi, – ông quận giới thiệu bác sĩ với vị uỷ viên quân vụ; vị này đang quá bận trí với bản thân mình, chẳng buồn đưa mắt nhìn bác sĩ ông quận chỉ đổi tư thế để ký vào giấy tờ bác sĩ giơ cho ông, rồi lại trở về tư thế cũ vả giơ tay nhã nhặn mời bác sĩ ngồi xuống chiếc ghế nệm thấp đặt ở giữa phòng.
Trong số người có mặt, chỉ riêng Zhivago là ngồi ngay ngắn tử tế, tất cả các vị còn lại đều ngồi những kiểu kỳ cục và buông thả. Ông quận nửa nằm nửa ngồi cạnh bàn giấy, một tay chống đầu theo kiểu Petsorin 2, đối diện là ông phó quận ngồi trên thành đi văng, hai chân quặp lại bên dưới như một phụ nữ đang ngồi trên yên ngựa, còn Galiulin thì ngồi trên một cái ghế, hai tay ôm vòng lấy lưng ghế mà tựa cằm lên đó.
Vị uỷ viên lúc thì dùng hai cánh tay co người lên bờ cửa sổ, lúc lại tụt xuống và, y như một con quay vừa lên dây cót thả ra, cứ nói luôn miệng và hấp tấp từng bước ngắn trong phòng. Vị uỷ viên đang nói về đám binh sĩ đào ngũ ở Biriuchi.
Tiếng đồn đại về vị uỷ viên là đúng. Đó là một thanh niên hỉ mũi chưa sạch, người mảnh khảnh, dong dỏng cao, và giống như một cây nến nhỏ cháy to, anh ta say sưa cháy lên với những lý tưởng cao cả nhất. Nghe đâu anh ta thuộc một gia đình khá giả, con một nguyên lão nghị viên gì đó và tháng hai vừa qua anh ta đã là một trong nhứng sĩ quan đầu tiên dẫn đại đội của mình vào chiếm Viện Duma. Tên anh ta là Ghinse hay Ghinsơ gì đó, lúc giới thiệu với bác sĩ, ông quận nói không rõ.
Anh ta nói đúng giọng Petersburg, rõ ràng, đĩnh đạc và nghe hơi giống giọng người vùng Bantich. Anh ta mặc chiếc áo phơrenchơ 3, chắc thấy mình quá trẻ và để có vẻ nhiều tuổi hơn, anh ta cứ nhăn mặt khinh bỉ và giả bộ hơi gù lưng, bằng cách thọc hai tay vào túi quần galiphê 4 và so đôi vai có hai cầu vai mới thẳng đứng, dáng dấp do đó trở nên giống một tay kỵ sĩ gầy, đến mức có thể kẻ từ vai xuống chân hai đường đồng qui về phía dưới.
Ông quận nói với vị uỷ viên:
– Trên đường xe lửa, cách đây vài ga, có một trung đoàn kỵ binh Hồng quân, rất trung thành. Chỉ việc điều họ đến đây vây quân phiến loạn là xong xuôi. Đại tướng chỉ huy quân đoàn nhấn mạnh là phải mau chóng tước khí giới của chúng.
– Dùng kỵ binh? Không bao giờ! – Vị uỷ viên nổi nóng. – Bây giờ đâu phải là năm 1905! Một bức thư dư âm của thời trước cách mạng! Không, về điểm này quan điểm của chúng ta không giống nhau, các vị tướng của ông khôn ngoan quá đấy!
– Chưa thực thi việc gì cả. Tất cả mới chỉ là kế hoạch, là kiến nghị. Đã thoả thuận với cấp chỉ huy quân đội là không can thiệp vào các mệnh lệnh tác chiến. Tôi không loại trừ trung đoàn kỵ binh côdắc. Cứ cho là như vậy. Nhưng về phần tôi, tôi sẽ dùng những biện pháp khôn ngoan hơn. Bọn đào ngũ có doanh trại không?
– Chả biết gọi là gì… dù sao, họ có căn cứ, có công sự phòng ngự.
– Được! Tôi muốn đến thăm họ. Ông hãy chỉ cho tôi cái đám cướp rừng đáng sợ ấy. Ừ thì họ là bọn phiến loạn, thậm chí là bọn đào ngũ đi nữa, nhưng đó là nhân dân, thưa các ngài, các ngài quên mất điều đó. Mà nhân dân là trẻ con, cần phải hiểu họ, hiểu tâm lý của họ, ở đây cần một cách tiếp cận đặc biệt. Phải biết nhắm vào những cái đầy mẫn cảm, tốt đẹp nhất của họ và làm cho chúng ngân lên. Tôi sẽ đến khu rừng của họ, tôi sẽ tâm tình với họ, giải thích cho họ hiểu. Rồi các ông xem, họ sẽ trở lại vị trí chiến đấu cũ với hàng ngũ chỉnh tề. Tôi đánh cuộc đấy. Các ông không tin ư?
– Chưa chắc. Nhưng thôi thì cũng trông nhờ Chúa Tôi sẽ bảo họ thế này: “Anh em ơi, hãy nhìn tôi đây. Tôi là con một, là niềm hy vọng của gia đình, vậy mà tôi đã không ngần ngại hy sinh cả tên tuổi, địa vị, tình yêu của cha mẹ, để giành lại cho anh em một nền tự do mà chưa dân tộc nào trên thế giới được hưởng. Đó là điều tôi đã làm, cùng với vô vàn thanh niên hệt như tôi, đấy là chưa kể đến những bậc tiền bối vinh quang, những đảng viên Dân tuý 5 bị lưu đày và các đảng viên Dân ý 6 bị cầm tù ở Slisenburg. Chúng tôi cố gắng như thế có phải để cho chúng tôi chăng? Chúng tôi cần cái đó chăng? Từ đây anh em sẽ không còn là binh lính như trước nữa, mà là những chiến sĩ của đạo quân cách mạng đầu tiên trên thế giởi. Các anh em hãy thành thật tự hỏi, liệu anh em đã xứng đáng với danh hiệu đó chưa? Trong khi Tổ quốc bị đổ máu đang cố gắng lần cuối cùng để giải thoát khỏi quân thù đang quấn chặt lấy mình như các vòi thuỷ tức, thì anh em lại nghe theo một dúm người vô lại, vô danh tiểu tốt và anh em vô tình trở thành một bọn đạo tặc, một đám đông vô ý thức, được tự do, thật y như câu tục ngữ: thả heo dưới gầm bàn, nó lại thượng cẳng lên bàn. Đấy, tôi sẽ chinh phục họ, sẽ làm cho họ phải xấu hổ.
– Ấy chớ, đừng liều mạng như vậy, – ông quận có thể ngăn, ông kín đáo trao đổi với ông phó quận một cái nhìn đầy ý nghĩa.
Galiulin cũng can vị uỷ viên đừng làm cái việc điên rồ ấy. Anh thừa biết những kẻ quá khích ở trung đoàn 212, thuộc biên chế một sư đoàn mà anh từng phục vụ. Vị uỷ viên không nghe lời anh.
Bác sĩ Zhivago nhấp nhổm chỉ muốn ra về. Chàng phát ngượng trước sự ngây thơ khờ dại của vị uỷ viên. Thái độ quỷ quyệt khôn khéo của ông quận và ông phó quận, hai gã láu cá tức cười cũng chẳng hay ho gì hơn. Sự ngu xuẩn và sự quỷ quyệt cũng cùng một giuộc với nhau. Và cả hai thứ ấy đang phun ra một mớ từ ngữ rỗng tuếch, vô dụng, nhạt nhẽo mà chính cuộc sống đang muốn gạt bỏ.
Ôi đôi khi ta muốn né tránh cái cao siêu giả tạo và bất tài, cái lối nói năng tối nghĩa của loài người để bước vào cái tưởng chừng tĩnh mịch của thiên nhiên, cái im lặng khổ sai của lao động bền bỉ, cái im lặng không lời của giấc ngủ sau, của âm nhạc chân chính và của sự rung động trái tim, một sự rung động không nói nên lời vì sự trọn vẹn của tâm hồn.
Bác sĩ chợt nhớ mình còn phải gặp Lara để biện giải, một việc dẫu sao cũng chăng lấy gì làm thú vị. Chàng sung sướng vì buộc phải gặp nàng, dù với cái giá như vậy. Nhưng chắc nàng chưa về. Nhân lúc thuận tiện, chàng bèn đứng dậy, bỏ ra ngoài mà không ai hay biết.