Người đàn ông béo mập, mặc sơ mi xám, thắt chiếc dây lưng to bản, bước vào phòng. Ông đi ủng dạ, ống quần lùng thùng ở chỗ đầu gối. Trông ông có vẻ là một người tốt bụng, sống lơ lửng ở trên mây. Chiếc kính kẹp mũi buộc vào một mảnh vải đen rộng cứ nảy nảy trên sống mũi ông.
Ông đã cởi áo choàng, treo ở phòng ngoài, nhưng khăn quàng còn để lòng thòng xuống tận sàn nhà và hai tay vẫn giữ chiếc mũ dạ tròn. Những vật đó khiến cử chỉ của ông lúng ta lúng tứng: ông đã vướng víu không thể bắt tay cha Nicolai, mà còn quên cả chào hỏi chủ nhà.
– Hư- ừm, – ông lúng búng ậm ừ và nhìn quanh quẩn.
– Ông cứ để các thứ ấy chỗ nào cũng được, – cha Nicolai nói, khiến ông khách trở lại bình tĩnh và đủ sức thốt ra lời.
Đây là một trong những môn đệ của Lev Tolstoy, mà trong đầu họ các tư tưởng thiên tài của một người không từng biết đến sự bình an, cứ nằm ỳ ra yên nghỉ để rồi thoái hoá dần một cách hết bề cứu vãn.
Ông Nin đến đề nghị cha Nicolai tới phát biểu ở một trường nào đấy để ủng hộ số từ chính trị bị phát vãng.
– Tôi đã phát biểu ở đó một lần rồi.
– Để ủng hộ tù chính trị phải không ạ?
– Phải.
– Thì xin cha nói một lần nữa vậy.
Cha Nicolai từ chối, nhưng cuối cùng cũng bằng lòng nhận. Mục đích cuộc đến thăm đã đạt. Cha Nicolai không có ý định lưu khách ở lại. Ông Nin có thể đứng dậy cáo biệt.
Nhưng ông nghĩ rằng vừa tới đã ra về như thế thì không được lịch thiệp. Cũng nên nói vài câu ý nhị, tự nhiên. Vậy là bắt đầu một câu chuyện dài dòng và tẻ ngắt.
– Cha có theo chủ nghĩa suy đồi không? Cha đã đi sâu vào chủ nghĩa thần bí?
– Sao lại thế?
– Mất toi một người. Cha nhớ hội đồng quản hạt chứ?
– Sao không. Chúng tôi đã cùng vận động cuộc bầu cử.
– Họ đã tranh đấu cho các trường học ở thôn quê và các trường sư phạm. Cha nhớ chứ?
– Sao lại không. Một cuộc đấu tranh sôi nổi. Sau đó hình như ông tham gia hoạt động cho ngành y tế công cộng và cứu tế xã hội thì phải?
– Vâng, một thời gian thôi.
– Ủa, thế bây giờ lại xoay sang các vị dã thần, các đoá bạch liên, đám thanh niên và khẩu hiệu “Ta sẽ như vầng dương” 2. Tôi đến chịu, không tài nào tin được. Một người thông minh, có óc khôi hài và am hiểu dân chúng như ông… Xin ông dành cái đó cho người khác… Có lẽ tôi xen vào việc không đúng chỗ… Có điều gì bí mật chăng?
– Sao cha lại nói hú hoạ, thiếu suy xét như vậy? Chúng ta đang tranh luận vấn đề gì nhỉ? Cha không biết các tư tưởng của tôi đâu..
– Nước Nga cần có các trường học và bệnh viện, chứ không cần đến các vị dã thần và các đoá bạch liên.
– Chả ai chối cãi điều đó.
– Nông dân cứ nhảy cóc như thế. Hiểu trước rằng mọi cố gắng ấy chẳng dẫn đến đâu, – Cha Nicolai bắt đầu giải thích điều gì đã khiến cha tán đồng một vài văn sĩ thuộc phái tượng trưng rồi cha chuyển sang Tolstoy. – Ở mức độ nhất định, tôi đồng ý với ông. Nhưng Tolstoy nói rằng con người càng theo đuổi cái Đẹp thì lại càng xa cái Thiện.
– Thế cha quan niệm ngược lại hay sao? Nghĩa là cái Đẹp sẽ cứu thoát thế giới 3, các vở kịch tôn giáo và vân vân, Rozanov và Dostoievsky?
– Hượm đã, để tôi nói cho ông nghe quan niệm của tôi. Tôi thiết nghĩ, giả dụ có thể chế ngự con thú đang nằm ngủ trong con người bằng cách doạ bỏ từ đời này hoặc đày xuống địa ngục đời sau chăng nữa, thì biểu trưng cao nhất của nhân loại vẫn là diễn viên dạy mãnh thú trong rạp xiếc với chiếc roi cầm tay, chứ không phải là nhà truyền giáo giàu lòng hy sinh. Nhưng vấn đề là ở chỗ, bao thế kỷ nay, cái đã nâng con người ngày càng lên cao hơn con vật, không phải là cây gậy, mà là âm nhạc: sức mạnh vô biên của chân lý giản dị, sức quyến rũ của tấm gương chân lý. Trước nay người ta cho rằng điều quan trọng nhất trong Kinh Phúc âm là những châm ngôn luân lý và các luật lệ hàm chứa trong các điều răn, nhưng đối với tôi, điều quan trọng nhất đó là cái mà Chúa Kitô đã diễn tả bằng các dụ ngôn rút ra từ sinh hoạt thường ngày, khi người giảng giải chân lý bằng ánh sáng chuyện thường ngày. Nền tảng của cái đó là tư tưởng cho rằng sự giao tiếp giữa những người trần mắt thịt là bất tử, rằng đời người mang tính tượng trưng, bởi vì nó có nhiều ý nghĩa.
– Tôi chả hiểu gì hết. Có lẽ cha nên viết một cuốn sách về vấn đề đó.
Khi ông Nin đã ra về, cha Nicolai cảm thấy hết sức khó chịu. Cha tự giận mình đã đem trình bày với ông khách ngớ ngẩn kia một phần những ý nghĩ thầm kín của mình chẳng tạo nên chút ấn tượng gì đối với ông ta. Nhưng rồi cũng như một vài lần khác, cơn bực bội của cha bỗng chuyển sang hướng khác. Cha quên hẳn triết gia Nin, tựa hồ chưa từng gặp ông ta bao giờ. Cha nhớ đến một trường hợp khác. Cha không viết nhật ký, nhưng đôi ba lần trong một năm cha ghi lại những ý nghĩ khiến cha xúc động hơn cả vào một cuốn vở dày. Cha rút cuốn tập ấy ra và bắt đầu viết bằng nét chữ to dễ đọc.
“Cái bà Sledinghe ngớ ngẩn đã khiến tôi phát khùng suốt một ngày. Buổi sáng bà ta đến, ngồi lì đến bữa trưa và suốt hai giờ đồng hồ bà ta bắt tôi phải nghe những câu thơ nhảm nhí, vô nghĩa. Thơ của thi sĩ A theo trường phái tượng trưng, viết cho bản hoà tấu vũ trụ luận của nhạc sĩ B với các thần linh của các hành tinh và tiếng nói của tứ đại, vân vân và vân vân. Tôi cố kiên nhẫn nhưng cuối cùng hết chịu nổi, phải van bà ta tha cho tôi khỏi phải nghe tiếp.
Tôi bỗng hiểu ra tất cả. Tôi đã hiểu vì sao ngay trong “Phaostơ” 4 vẫn có cái gì hết chịu nổi và giả dối. Đó là thứ hứng thú vờ vịt, giả dối. Con người thời nay không có những nhu cầu như thế Khi những bí ẩn của vũ trụ chiếm đoạt tâm trí họ, thì họ vùi đầu nghiên cứu vật lý học, chứ không hơi đâu đọc các câu thơ sáu chữ của Hediôt.
Nhưng vấn đề không chỉ ở sự cổ hủ và lỗi thời của các hình thức đó. Cũng không phải ở chỗ thần lửa và thần nước lại xáo trộn lung tưng những gì khoa học đã lý giải rõ ràng. Vấn đề là thể loại ấy trái ngược với toàn bộ tinh thần của nền nghệ thuật hiện nay, với bản chất và các mô- típ kích thích của nó.
Những trò vũ trụ luận ấy là đương nhiên trên trái đất ngày xưa, khi con người còn sống thưa thớt đến mức chưa che lấp thiên nhiên. Trên trái đất thời đó còn lảng vảng bầy voi ma mút và ký ức về lũ khủng long, về những con rồng vẫn còn mới mẻ. Thiên nhiên đập vào mắt con người một cách hiển nhiên và đe đoạ họ rõ rệt, đến mức có lẽ quả thật vũ trụ còn vô số thần linh. Đó là những trang đầu tiên trong cuốn sử biên niên mới được mở ra của nhân loại.
Cái thế giới cổ đại ấy đã chấm dứt ở La Mã vì nạn nhân mãn.
La Mã từng là cái chợ trời buôn bán những thần linh bị vay mượn và những dân tộc bị chinh phục, một cái chợ có hai tầng: tầng dưới đất và tầng trên trời, một cái nơi bẩn thỉu khlông lối thoát, một khúc ruột bị tắc. Dân Đaki, dân Hêrun, dân Skíp, dân Sácmát, dân Hipebôre, những bánh xe nặng nề không có nan hoa, những cặp mắt béo híp, trò yêu đương thú vật, những cái cằm hai ngấn, trò nuôi cá bằng thịt của đám nô lệ có học vấn những ông hoàng mù chữ. Trên trái đất con người trở nên đông đúc hơn bao giờ hết, kể cả sau này, và họ bi đè bẹp trong các hàng lang của hi trường Côlidê và họ đau khổ.
Nhưng kia, giữa cảnh sống xa hoa, lộng lẫy vàng son của thứ thị hiếu hạ cấp ấy, bỗng xuất hiện một con người thanh thoát, khoác y phục hào quang, một con người thật là người, cố ý đóng vai dân tỉnh lẻ, tỉnh Galilê, và từ phút ấy các dân tộc cùng các thần linh không còn nữa, để bắt đầu một con người, con người – thợ mộc, con người – dân cày, con người – mục đồng đứng giữa đàn cừu lúc hoàng hôn, một con người mà tên tuổi chẳng vang dội chút nào, một con người được phổ cập vì hàm ơn qua các bài hát ru con của nghiên cứu bà mẹ và qua tất cả các viện bảo tàng mỹ thuật trên thế giới”.