Gần góc phố Tver có căn nhà một tầng, không xa đường xe lửa Brest. Sát cạnh đó là dãy nhà của các nhân viên nhà ga, khu đề- pô và các kho chứa hàng.
Đấy là căn nhà của Olia Demia, một thiếu nữ thông minh, cháu một nhân viên Ga hàng hoá Moskva. Cô học nghề ở xưởng may của bà Amelia. Bà chủ cũ đã để ý đến khả năng của cô, bà chủ mới cũng bắt đầu yêu mến cô. Cô rất thích Lara.
Tất cả vẫn y nguyên như thời bà Levitscaia chủ cũ. Những chiếc máy khâu hoạt động hối hả theo nhịp chân đạp hoặc dưới những bàn tay nhanh nhẹn của các cô thợ mỏi mệt. Có cô ngồi trên bàn lặng lẽ khâu tay, đưa mũi kim lên xuống rồi giơ tay rút lên sợi chỉ dài. Sàn nhà ngổn ngang các mảnh vải vụn. Muốn trao đổi điều gì phải nói thật to để át tiếng máy kêu xành xạch và tiếng hót véo von của con chim hoàng yến Kirin Modestovich trong chiếc lồng treo dưới vòm cửa sổ. Bí mật về tên gọi của con chim ấy, bà chủ cũ đã mang theo xuống mồ.
Trong phòng khách, các bà các cô khách hàng quây quanh chiếc bàn tạo nên một hoạt cảnh đẹp mắt. Trên bàn bày la liệt các loại hoạ báo. Nhìn hình ảnh trong hoạ báo, các bà các cô thường bắt chước các tư thế đứng, ngồi, hoặc tì tay lên mép bàn. Họ vừa xem các mẫu trang phục vừa tham khảo ý kiến của nhau. Ngồi sau bàn giám đốc là bà Faina Silanchepna Fetisova. Ngày trước, bà là nhân viên của xưởng, chuyên cắt đồ may, nay làm phụ tá cho bà Amelia. Trông bà gầy gò xương xẩu, có nhiều mụn cóc trên hai gò má hốc hác.
Bà Fetisova cắn chặt giữa hai hàm răng vàng khè một cái tẩu thuốc lá . Bà nheo nheo cặp mắt có lòng trắng đã ngả màu vàng, thở ra dằng miệng và đằng mũi làn khói thuốc màu vàng, ghi vào cuốn sổ kích thước, số biên lai trả tiền, địa chỉ và những điều căn dặn của tốp khách hàng đứng xúm xít chung quanh.
Tại xưởng may, bà Amelia chỉ là một người bỡ ngỡ mởi vào nghề và chưa có kinh nghiệm. Bà cảm thấy mình chưa phải là một bà chủ thật sự. Nhưng nhân viên của bà là những người tử tế, đối với Fetisova, có thể tin cậy được lắm. Song thời thế không được yên ổn, nên bà Amelia lo sợ khi nghĩ đến tương lai. Bà thất vọng. Bà chẳng làm được việc gì ra hồn.
Luật sư Komarovski thường đến thăm mẹ con bà. Mỗi lần ông đi qua xưởng may để vào phòng riêng của bà, là một lần ông làm cho khách hàng đang thay đồ bị một cơn hoảng hốt, họ vội nấp sau các tấm bình phong và vui vẻ đối lại những câu pha trò của ông. Sau lưng ông, các cô thợ máy xì xào chê bai hoặc chế giễu: “Lại mò đến đấy”, “Bồ của bà chủ”, “Đồ dê cụ” “Thợ săn gái”.
Nhưng các cô ghét nhất là con chó Zech nòi Buldog mà đôi lần ông ta dắt theo. Nó lôi ông mạnh quá, nhiều lúc khiến ông mất đà, chúi về đằng trước, hai tay giơ ra chới với, y hệt một gã mù bước theo người dẫn đường.
Một lần dạo mùa xuân, con Zech đã ngoạm vào chân Lara làm rách toang chiếc bít tất của cô. Olia tức mình, ghé tai Lara nói nhỏ như lối trẻ con:
– Tôi sẽ giết con quỷ đó.
– Ừ, đúng là một con chó đáng ghét. Nhưng cô bạn ngốc nghếch ơi, cô giết nó bằng cách nào?
– Nói khẽ chứ, đừng hét tướng lên như thế. Tôi sẽ bày cách cho cô. Cô cứ nhìn những quả trứng làm bằng đá vào dịp lễ Phục sinh, để trên cái tử ngăn của mẹ cô kia kìa..
– Ừ trứng bằng đá cẩm thạch, bằng pha lê.
– Đúng thế đấy! Ghé tai lại tôi mách cho mà nghe. Lấy một quả nhúng vào lớp mỡ muối, mỡ sẽ dính xung quanh, con chó khốn khiếp ấy nuốt vào bụng, thế là – bục! Ngã vật ra. Thuỷ tinh mà lại!
Lara cười rũ rượi, nghĩ mà ghen với cô bạn: Olia sống thiếu thốn nhưng chịu khó làm lụng. Những đứa trẻ ở gia đình bình dân rất chóng tinh khôn. Còn mình, ngần này tuổi đầu mà vẫn còn khờ dại, non nớt. Những quả trứng, con chó Zech – Olia kiếm đâu ra sáng kiến đó? Lara nghĩ thầm: “Cái số mình sao lại cứ phải nhìn thấy tất cả các trò bận tâm về mọi thứ?”.